Tác giả: Dương Tú Hạc
Dịch giả: HT Thích TríNghiêm
PHẦN II
NGÔN HÀNH
--- o0o ---
Chương II
TỰ LỢI
D. CẦN TẤN
Này các Tỳ Kheo! Nên siêng tu tinh tấn thì việc gì cũng dễ. Vậy nên các ngươi phải siêng tinh tấn; ví như chút nước thường chảy thời có thể xoi mòn đá. Nếu tâm kẻ tu hành thường khi biếng trễ, ví như dùi cây lấy lửa chưa nóng mà nghỉ, dầu muốn được lửa, lửa vẫn khó được.
Kinh Di Giáo
Như hai người đồng sắp đi đến một chỗ, một người cưỡi con ngựa hay và một người cưỡi con ngựa dở; tuy cưỡi ngựa dở, vì khởi hành trước nên được đến trước. Những người tin, hiểu sớm siêng tu tinh tấn, được trước đến Niết bàn.
Luận Tỳ Bà Ta
Đệ tử Phật tên Bạc Cụ La nói: Tôi từ khi xuất gia đến nay, đã tám mươi năm qua, chưa từng ngủ nghỉ: hông chẳng dính chiếu, lưng chẳng dựa vào đâu.
Kinh Bạc Cụ La
Xưa có kẻ nhạc sĩ, biết đủ điệu nhạc, đến nhà trưởng giả xin trâu. Ông trưởng giả vì chẳng muốn cho trâu nên bảo anh rằng: Nếu anh đánh nhạc được luôn ngày đêm chẳng nghỉ đủ một năm tròn thì tôi cho trâu.
Anh thưa: Tôi đánh được, xin Ông cũng nghe luôn; trưởng giả nói: Tôi nghe luôn chớ sao! Anh ta nghe thế rất vui mừng, chăm lòng đánh luôn 3 ngày 3 đêm không chút nghỉ tay. Trưởng giả chán quá nghe không nổi nữa liền sai người nhà đem trâu ra cho.
Tỳ kheo tu đạo cũng cần như vậy. Được quả báo bất tất phải trải qua nhiều kiếp, hễ tinh tấn càng mạnh được quả báo càng sớm.
Kinh Tạp Thí Dụ
Bồ tát siêng tu hơn hết là siêng tu tinh tấn. Cho nên chẳng bị các món phiền não nầy làm rối loạn là: tham dục, giận dữ, ngu si, khinh dễ, não hại, ganh ghét, hiềm hận, dua dọc, không hổ, không trẽn.
Bồ tát thường nghĩ như vầy: "Ta chẳng muốn não hại các chúng sanh cho nên tu tinh tấn; thảy vì muốn phân biệt tất cả chúng sanh mà tu tinh tấn; vì muốn biết tất cả chúng sanh chết đây sanh kia nên tu tinh tấn; vì muốn biết thật pháp của các đức Phật nên tu tinh tấn; vì muốn biết các pháp bình đẳng để làm phương tiện khéo léo nên tu tinh tấn; vì muốn biết ba đời bình đẳng nên tu tinh tấn; vì muốn chứng được pháp các đức Phật nên tu tinh tấn; vì muốn biết đại trí huệ và phương tiện khéo léo của các đức Phật nên tu tinh tấn; vì muốn biết tất cả Phật pháp để rộng vì chúng sanh phân biệt nên tu tinh tấn."
Bồ tát tu hạnh tinh tấn như vậy, hoặc có người hỏi: nếu có người tuy chịu khổ trong đại địa ngục trải lâu vô lượng vô số kiếp để khiến chúng sanh được Niết bàn rốt ráo chăng?
Bồ tát trả lời: Ta thảy vì tất cả chúng sanh trong thế gian mà chịu khổ ở địa ngục; sau khi chịu khổ Ta được hưởng vui vì ta thay cho tất cả chúng sanh mà chịu khổ để khắp khiến chúng sanh được Niết bàn rốt ráo. Nhiên hậu ta mới trọn nên vô thượng Bồ đề. Được như thế mới gọi là hạnh vô tận của Bồ tát.
Bồ tát tu tập các hạnh mà không sanh lòng mỏi mệt, thế lực mạnh mẽ không ai chế phục được, như thê mới đầy đử tất cả trí huệ.
Kinh Hoa Nghiêm
Có 10 món tinh tấn Bồ tát có thể tu:
Vì muốn chúng sanh được giải thoát nên mặc áo giáp tinh tấn để phá trừ các chướng ngại
Chăm nghĩ sức mạnh tinh tấn
Xa lìa chấp trước "có" và "không" mà tu tinh tấn
Vì muốn lợi ích chúng hữu tình mà tu tinh tấn
Vì muốn được bồ đề gia hạnh mà tu tinh tấn
Vì muốn nối liền nhau mà tu tinh tấn
Vì muốn trong sạch mà tu tinh tấn
Vì kẻ khác không làm được mà tu tinh tấn
Chẳng theo tà giáo của kẻ khác mà tu tinh tấn
Vì không có tâm ngạo mạn mà tu tinh tấn
Bồ tát siêng năng tu tinh tấn chẳng những vì mình chứng được quả vô thượng chánh đẳng chánh giác mà còn vì muốn làm lợi ích cho tất cả chúng hữu tình nữa.
Kinh Trừ Cái Bồ Tát Sở Vấn
Có vị Sa môn ở nước La Duyệt Kỳ, Ngài ngồi mà thề rằng: "Nếu ta chẳng chứng Đạo thì quyết không đứng dậy. Khi muốn buồn ngủ, ta có cái dùi nhọn dài tám tấc, lấy chọt hai bên hông đau không thể ngủ." Trải qua một năm Ngài chứng được Đạo.
Kinh Pháp Cú Thí Dụ
Phật dạy: các ngươi tỳ kheo! Ngày thời siêng năng tu tập các pháp lành, chớ bỏ sai thời; đầu đêm, cuối đêm cũng đừng luống bỏ. Giữa đêm tụng kinh, do mình làm chừng đỗi, đừng vì nhơn duyên ngủ nghỉ, luống qua một đời, không được chút gì. Phải nhớ lửa vô thường, đốt các thế gian, phải sớm cầu tự độ, đừng nên ngủ nghỉ.
Các giặc phiền não, thường rình giết người lắm hơn kẻ oan gia. Đâu nên ngủ nghỉ mà chẳng tự kỉnh ngộ vậy? Rắn độc phiền não, còn ngủ trong tâm ngươi, ví như rắn hổ mun, còn ngủ trong nhà ngươi, ngươi phải lấy cái móc trì giới, mau trừ nó đi; rắn ngủ đã chạy khỏi, mới nên yên ngủ. Nếu nó chưa chạy khỏi mà ngủ là người không biết xấu hổ vậy.
Kinh Di Giáo
Buông lung chính là gốc của các điều ác, chẳng buông lung mới nguồn của các điều lành.
Kinh Niết Bàn
Lỗi buông lung là nặng nhứt trong các lỗi. Người ngu ưa buông lung nên thường bị các khổ não. Nếu ai xa lìa buông lung thì thường được an vui. Tất cả các khổ não buông lung làm cội gốc, cho nên muốn khỏi khổ não cần phải bỏ buông lung.
Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ
Đức Phật bảo chàng Lê Xa Tử ở thành Tỳ Xá Li rằng: buông lung chẳng phải đạo pháp đi đến Niết bàn. Buông lung có 13 lỗi:
Ưa làm những nghiệp đời bất thiện
Ưa nói những lời vô ích
Ưa ngủ nghỉ cho lâu
Ưa nói chuyện đời
Ưa gần gủi bạn ác
Thường biếng nhác trễ nải
Thường bị người khinh dễ
Dầu có được nghe cũng liền quên
Ưa ở chỗ hẻo lánh
Các căn chẳng điều phục được
Tham chẳng biết đủ
Chẳng ưa ở chỗ vắng lặng
Chỗ thấy biết bất chánh
Nếu người nào buông lung tuy gần Phật và các đệ tử Phật cũng như xa cách.
Kinh Niết Bàn
Phật dạy: Con người biếng nhác hại cho các hạnh nghiệp: tại gia mà biếng nhác áo cơm chẳng no đủ, sản nghiệp chẳng phát đạt; xuất gia mà biếng nhác không thể thoát khỏi khổ sanh tử. Tất cả việc đều nhờ tinh tấn mà hưng khởi: tại gia tinh tấn thời áo cơm đầy đủ, gia nghiệp phát đạt, xa gần khen ngợi. Xuất gia tinh tấn thời trọn nên 37 phẩm trợ đạo, dứt nguồn sanh tử, được đến thành Niết bàn an vui.
Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh
Khi Đức Phật ngự tinh xá Kỳ Viên, có kẻ đệ tử tên Nhị Thập Ức, siêng năng học tập cả đêm không ngủ và chuyên cần tu các đạo pháp. Rồi ông tự nghĩ: "Đối với giới luật, ta là đứng đầu, nhưng các món lậu tâm, chưa được giải thoát. Nhà cha mẹ ta rất giàu có, ta nay thôi muốn xả giới về nhà chỉ tu phước nghiệp bố thí cũng được."
Bấy giờ Đức Phật dùng tha tâm trí quán biết ý nghĩ của Nhị Thập Ức; Ngài liền sai kẻ thị giả gọi đến dạy rằng: "Này Nhị Thập Ức! Ta nghe ngươi khi còn tại gia chơi đàn cầm hay lắm; nếu giây đàn thẳng, tiếng nó hay không?" "Dạ thưa Thế Tôn, không hay."
Phật lại hỏi: "Nó dùn, tiếng có hay không?"
"Dạ thưa cũng không hay."
Phật hỏi nữa: "Vừa vừa không thẳng không dùn thì như thế nào?"
"Dạ thưa Thế Tôn: tiếng nó mới thật là hay."
Nhơn đó Phật dạy: "Này ngươi, khi tinh tấn lắm tâm loạn, mà lúc chẳng tinh tấn, tâm sanh biếng nhác; nếu được vừa vừa bực trung thì quyết được Đạo giải thoát."
Kinh Trung A Hàm
Ngài Cần Thủ Bồ tát nói kệ rằng: như dùi cây lấy lửa, chưa có mà ngừng nghỉ, sức lửa liền dứt mất, biếng nhác cũng như thế.
Kinh Hoa Nghiêm
Trong hai mươi năm ngài Xá Lợi Phất thường siêng năng tu tập phép chỉ quán, đi, đứng, ngồi, nằm, Ngài chánh niệm quan sát không hề loạn động.
Kinh Niệm Phật Tam Muội
Đức Phật nói với A Nan rằng: Di Lặc phát tâm trước Ta 42 kiếp, rồi Ta mới phát tâm tu Đạo, vì nhờ sức đại tinh tấn mà Ta vượt qua 90 kiếp, được thành Đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Kinh Di Lặc Sở Vấn
Trong sáu Độ ba món trước là thuộc về giới học, thiền định thuộc về tâm học, bát nhã thuộc về huệ học duy có tinh tấn là biến khắp tất cả các món.
Luận Du Già Sư Địa
Khi đức Phật Để Sa ra đời, Bồ tát chấp mười ngón tay, quì xuống một gối, đọc một bài kệ khen ngợi công đức của Phật luôn cả bảy ngày đêm liền được siêu chín kiếp.
Luận A Tì Đạt Ma
Những người tu đạo, ví như một người chiến với vạn người. Khi mặc áo giáp ra cửa thành, trong tâm hoặc khiếp sợ, hoặc nửa đường mà lui, hoặc chết tại trận, hoặc thắng trận mà về. Sa môn học đạo, cần phải kiên quyết giữ gìn tâm ý, tinh tiến dũng nhuệ, chẳng sợ gì hết, phá diệt các ma, mau chúng được Đạo quả.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương
Lấy tâm buộc tâm, lấy tâm trụ tâm, tâm chuyên một cảnh, thứ lớp không hở, thì được định tâm. Tâm thường yên lặng.
Kinh Bảo Vân
Chăm lòng học đạo pháp, phát tâm đại dũng mãnh, quyết được đến Bồ đề.
Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh