Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Khái lược lịch sử Phật giáo

10/02/201115:17(Xem: 9016)
Chương 2: Khái lược lịch sử Phật giáo

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
GIỚI THIỆU ĐẠO PHẬT
Peter Harvey - Mỹ Thanh dịch - Nhà Xuất Bản Hải Phòng 2008

Chương 2

KHÁI LƯỢC

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO

Lịch sử Phật giáo có chiều dài khoảng hai ngàn năm trăm năm, do Siddhattha Gotama (Pali; Sanskrit: Siddhartha Gautama) sáng lập ở Ấn Độ; phát triển phần lớn ở châu Á và lan dần đến phương Tây vào thế kỷ hai mươi. Trong lúc gia tài Phật giáo hưng thịnh và suy đồi qua bao thế hệ, hơn phân nửa dân số trên thế giới đang sống trong những nơi mà Phật giáo đang, hay đã là một sức mạnh văn hóa quan trọng.

Trong tiếng Anh chữ Phật giáo (Buddhism) nghĩa đúng của nó là một tôn giáo được mô tả bằng sự hâm mộ “Đức Phật” hay “những Đức Phật” hoặc “trạng thái giác ngộ.”

“Phật” không phải là một tên riêng, mà là một danh hiệu chỉ định “một người tỉnh thức” hay “một người giác ngộ.” Về tâm linh, điều nầy ngụ ý rằng phần đông chúng ta được xem như là “đang ngủ” – không biết được sự thật của mọi vật. “Phật” là một danh hiệu, và không nên được dùng như một cái tên, chẳng hạn như “Phật dạy là… ” Trong nhiều văn cảnh, “Đức Phật” chỉ định cho Đức Phật lịch sử Gotama.

Từ những buổi đầu, truyền thống Phật giáo đã mặc nhiên công nhận có những vị Phật khác đã từng sống trong những thời gian trước, hoặc sẽ xuất hiện trong tương lai. Truyền thống sau nầy cũng hiển nhiên công nhận sự hiện hữu của những vị Phật đang có mặt ở mọi nơi trong vũ trụ. Tất cả những vị Phật như thế, được gọi là sammā-sambuddhas, hoặc “Bậc hoàn toàn giác ngộ,” được xem như rất hiếm xuất hiện hay ra đời trong vũ trụ mênh mông nầy. Có những vị “Phật” trong một ý nghĩa thấp hơn, là những người đã thức tỉnh nhờ thực hành theo lời dạy của một vị Phật toàn giác là Đức Phật lịch sử Gotama.

Vì “Phật” không chỉ định cho riêng một người, cho nên Phật giáo ít chú tâm đến người sáng lập như trong Thiên Chúa giáo. Phật giáo nhấn mạnh đến lời dạy của Đức Phật (những vị Phật), và lợi ích của những lời nầy nhằm dẫn dắt con người đến với sự “Tỉnh Thức.”

Tuy nhiên, những Phật tử tỏ thái độ tôn sùng Đức Phật Gotama như là một vị thầy tối cao và là một người gương mẫu cho một mục đích tối thượng mà tất cả ai ai cũng đều nỗ lực để đạt đến. Có lẽ vì thế mà những hình ảnh về Đức Phật hiện hữu nhiều hơn so với những nhân vật lịch sử khác.

Trong tiến trình lịch sử, Phật giáo đã và đang dùng sự đa dạng của những lời dạy, những phương tiện để giúp con người phát triển bản tánh từ bi, thanh tịnh, để được “thức tỉnh,” và xa rời những ảo tưởng đang giam hãm chúng ta: những ảo tưởng đưa ta đến sự bám víu và từ đó gây đau khổ cho chính ta và những người chung quanh mình. Con đường đưa đến sự chuyển hóa là “Pháp” (S. Dharma), nghĩa là sự thật vĩnh cữu và luật vận hành của vũ trụ được Đức Phật (những vị Phật) khám phá, hay những bài giảng, con đường thực tập, và mục đích của Phật giáo là Niết-bàn (P. Nibbāna,S. Nīrvāna). Do đó, Phật giáo bao gồm sự hiểu biết, thực hành và đắc Pháp (Dhamma). Những người có trách nhiệm lớn đối với truyền thống Phật giáo thường là giới tăng sĩ, tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni hợp lại thành Sangha hay “Tăng đoàn.”

Vào khoảng một trăm năm sau khi Đức Phật Gotama nhập diệt, vài điều khác lạ xuất hiện trong tăng đoàn (Sangha), dần dần dẫn đến sự hình thành của nhiều phái tu viện Nikāya, mỗi tu viện có những điều luật riêng biệt, với những trường phái tư duy khác nhau Vāda. Mỗi nhánh “Tăng đoàn” (Sangha) được truyền thừa theo tông phái của thế hệ đi trước; nhưng trong những trường phái tư duy ban đầu, chỉ có hệ phái Nguyên Thủy (Therāvāda) là còn được biết đến cho đến ngày nay. Therā ngụ ý là theo “lời dạy” lúc ban đầu, nghĩa là, lời dạy của Đức Phật. Cho dù trường phái nầy luôn chuyển biến, nhưng chính nơi đây đã thể hiện được những lời dạy rất gần với Phật giáo trong buổi ban đầu, và luôn nhấn mạnh về sự giải thoát dựa trên nỗ lực của từng cá nhân, dùng giáo pháp (Dhamma) như một cẩm nang dẫn đường.

Vào khoảng đầu kỷ nguyên của Thiên Chúa giáo, một phong trào khởi đầu dẫn đến một phong cách mới của Phật giáo được gọi là Đại thừa (Mahāyāna), hoặc “Xe lớn.” Trường phái nầy công khai đổi mới, vì thế trong bao thế kỷ, những người phái Đại thừa tiếp tục sáng tác những kinh mới. Đại thừa được mô tả một mặt bằng sự tôn sùng những vị cứu tinh có tính chất thần thánh ; mặt khác bằng những triết lý sâu sắc, được trình bày bằng cách rộng mở những ngụ ý trong kinh. Theo dòng thời gian, ở Ấn Độ và những nơi khác, Đại thừa đã thành lập rất nhiều trường phái, chẳng hạn phái Thiền (Zen). Một trong những trường học nầy phát triển vào thế kỷ thứ sáu ở Ấn Độ , và bị xem là một phái ngoài của Đại thừa, có tên gọi là Mantrāyāna, hoặc là “Mật thừa.” Trường phái nầy rất giống Đại thừa (Mahāyāna) về mặt học thuyết, nhưng họ phát triển ra một loại thực tập mới có tác động rất mạnh để đạt đến mục đích như phái Đại thừa, như chú tâm vào một câu thần chú (mantrā), lặp đi lặp lại những chữ thiêng liêng có năng lực đặc biệt, và thực tập năng lực hình tượng hóa (visualization) rất ư là phức tạp.

Sự hiểu biết của chúng ta về những lời dạy của Đức Phật được dựa trên nhiều bộ kinh, được truyền miệng và được Tăng đoàn (Sangha) chấp nhận trong buổi đầu hình thành giáo hội. Kinh Pāli của Thượng Tọa Bộ (Theravādin ‘Pali Canon’) được giữ nguyên văn bằng tiếng Pāli, một ngôn ngữ địa phương rất gần với thứ tiếng mà Đức Phật dùng là tiếng Maghadhi xưa. Đây là hệ thống kinh đầy đủ nhất chứa đựng những bài giảng đầu tiên. Hệ thống kinh điển nầy rất phổ biến vì tất cả trường phái Phật giáo đều sử dụng đến nó. Vài phần trong kinh Pāli được sáng tác sau khi Đức Phật nhập diệt, và bắt nguồn từ những bài giảng của chính Đức Phật. Kinh điển nầy có một sự hài hòa toàn diện chứng tỏ tác giả của hệ thống tư tưởng nầy chỉ là một người. Đức Phật đã thuyết pháp trong vòng bốn mươi lăm năm và những bài giảng có dấu hiệu của sự phát triển có thể chỉ là sự phản ảnh của những thay đổi xảy ra trong thời gian nầy. Để đánh dấu thời gian, người ta đã dựa vào tiêu chuẩn của văn phong; và sự so sánh giữa những kinh điển cũng rất là quan trọng. Những kinh điển nầy từ từ tách ra vì có những truyền thống truyền khẩu khác nhau được đưa vào kinh sách, và những bài văn kỳ lạ của từng trường phái cũng được thêm vào. Giữa các bộ kinh có rất nhiều khác biệt nhỏ nhưng cũng là thường tình vì những bài giảng truyền khẩu thường tạo ra những phép hoán vị khác biệt của cùng một bài giảng hay một câu chuyện.

Những bộ kinh đầu có một đoạn về luật (Vināya), hoặc giới luật tăng đoàn. Các bài kinh (Suttas), hoặc “bài giảng” của Đức Phật, và một bản luận (Abhidhamma), hoặc “những bài giảng xúc tiến,” đã hệ thống hóa những bài giảng trong kinh (Suttas) theo kiểu phân tách chi tiết kinh nghiệm của con người. Những bài giảng quan trọng của Phật giáo nằm trong kinh (Suttas), được chia ra làm năm bộ (Nikāya), hay “Kết tập” trong kinh tạng Pāli, bốn bộ đầu (có tất cả là mười sáu tập), nói chung là những kinh điển cổ xưa hơn hết.

Kinh điển Pāli là một trong những bộ kinh được viết ra đầu tiên ở Tích Lan (Sri Lanka), vào khoảng tám mươi năm trước Thiên Chúa, sau đó ít lâu một phần mới được thêm vào. Có vài phần của sáu bộ kinh không thuộc về kinh Thượng Tọa Bộ (non-Theravādin), được chuyển dịch sang tiếng Trung Hoa và Tây Tạng, vài đoạn của những bộ kinh Sankrit hiện hữu ở Nepal, và một số bài văn lạ lùng được tìm thấy bằng tiếng địa phương như ở Ấn Độ, Trung tâm châu Á, Tây Tạng và Nhật Bản.

Trong những tác phẩm không thuộc về kinh Thượng Tọa Bộ, có thêm quyển thuộc về luận (Abhidhamma), một bảng ghi chép lịch sử, và nhiều tập bình luận khác. Tập Những Câu Hỏi Của Vua Milinda (Milindapañha) là tập giới thiệu rõ ràng nhất về những điểm của kinh Phật giáo, nói về những cuộc đối thoại giữa một tăng sĩ Phật giáo [là tỳ-kheo Na-tiên] và vua Milinda (Menader: 155-130 trước Thiên Chúa), một vị vua Hy Lạp thời xưa. Quyển Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga)do Ngài Phật Âm (Budhaghosa) viết (thế kỷ thứ 5 sau TL), là bản trích yếu về Thượng Tọa Bộ (Therāvāda), có ảnh hưởng rất lớn, nói về những thực tập thiền và giáo nghĩa Phật giáo.

Những tác phẩm Đại thừa (Mahāyāna) được sáng tác vào khoảng đầu thế kỷ trước Thiên Chúa, không phải được truyền khẩu, mà là được ghi chép lại. Đúng lúc đó, những tác phẩm được ghi chép lại bằng tiếng Sanskrit, một ngôn ngữ thượng lưu của Ấn Độ .

Phần lớn các bài giảng do Đức Phật nói ra, nhưng kiểu cách và nội dung chứng tỏ rằng thông điệp của Đức Phật đã được thêm thắt và sửa đổi. Chúng ta hiểu về những bản kinh Đại thừa, phần lớn là nhờ vào những bộ kinh Phật giáo được dịch ra từ tiếng Trung Hoa và Tây Tạng. Trong lúc phần lớn kinh Pāli đã được dịch ra tiếng Anh và cho dù đã có nhiều tiến triển, nhưng chỉ có một số bản kinh Đại thừa là được dịch ra các ngôn ngữ Tây phương. Muốn biết thêm chi tiết về ba bộ kinh chánh của Đại thừa, xin xem phần phụ chú.

Lúc nầy Phật giáo chỉ là một tôn giáo thiểu số nằm ven biên giới của Ấn Độ ngày nay, nhưng Phật giáo đã lan dần xa hơn đất Ấn Độ, nghĩa là Phật giáo thường được tìm thấy ở ba địa phương chánh. Đó là “Phật giáo Nam tông” nơi mà trường phái Nguyên Thủy (Therāvāda) xuất hiện, và với những thành tố khác được hình thành từ trường phái Đại thừa (Mahāyāna). Trường phái Đại thừa (Mahāyāna) truyền sang Trung Quốc hình thành “Phật giáo Đông phương,” và với văn hóa Tây Tạng có “Phật giáo Bắc tông,” là nguồn thừa kế của Phật giáo Ấn Độ về sau nầy. Nơi đây nổi bật nhất là Mật tông (Mantrāyāna), một chi nhánh của trường phái Đại thừa (Mahāyāna).

Phật giáo chú trọng nhiều đến sự phát triển của tâm linh, nghĩa là Phật giáo có thể hiện hữu song song với những tôn giáo lớn khác cùng với những truyền thống địa phương, phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau của con người với những nghi lễ đa dạng.

Thật là khó kiếm cho ra một xã hội “hoàn toàn” Phật giáo. Cái hay nhất của Phật giáo là thích ứng dễ dàng với mọi văn hóa khác biệt trong lúc vẫn uyển chuyển giữ được ranh giới của mình bằng sự khoan dung đối với những truyền thống khác. Phật giáo mang đến nhiều cách thực tập tùy theo trình độ tâm linh của những người sẵn sàng quyết tâm thực hành.

Trong những nước Phật giáo Nam tông, thông lệ sùng kính những thần thánh trước khi có Phật giáo vẫn còn tiếp diễn ở miền Đông Nam châu Á, trong khi ở Tích Lan (Sri Lanka), Phật tử vẫn thờ phụng thần thánh theo phong tục của người bản xứ hoặc của Ấn Độ. Phần đông Phật tử không xem đây là một điều phản bội Phật giáo, nhưng chỉ là một sự cố gắng để tương tác với những năng lực thiểu số trong vũ trụ để được chút lợi lộc: như một người nhờ một thành viên trong Quốc hội giúp đỡ mình.

Phật giáo Bắc tông, có một liên hệ tương tự, hiện hữu với tôn giáo bản xứ là đạo Bon ở Tây Tạng. Ở Trung Quốc, Đài Loan, Đại Hàn và Việt Nam, Phật giáo từng song song hiện hữu với Khổng giáo - một guồng máy triết lý xã hội hơn là một tôn giáo, với đạo Lão, và một số tôn giáo dân gian khác. Những yếu tố trong các truyền thống nầy đều được dân chúng sử dụng đồng đều.

Ở Nhật Bản, Phật giáo đã hiện hữu cùng với tôn giáo bản xứ thiên về Thiên nhiên, là Thần đạo (Shinto) và đạo Khổng gia nhập từ Trung Quốc. Theo truyền thống thì người dân tổ chức hôn lễ theo nghi thức Thần đạo nhưng tang lễ thì cử hành theo nghi thức Phật giáo. Cộng Sản Trung Quốc lên án Phật giáo và đập phá chùa chiền trong thời Cách mạng Văn hóa, nhưng chính phủ hiện nay có vẻ dễ dãi hơn, đã cho phép Phật giáo Trung Hoa sống lại và một nền văn hóa Phật giáo đang tiếp tục lớn mạnh. Dân số Phật tử ở châu Á (không tính người Âu Mỹ và những Phật tử Á Châu sống ở phương nầy) như sau.

Có khoảng 105 triệu Phật tử theo truyền thống Nam tông (con số nằm trong dấu hoặc là dân số của mỗi nước vào năm 1985): Tích Lan (Sri Lanka) 11 triệu (16 triệu); Miến Điện (Burma) 30 triệu (37 triệu); Thái Lan, 47 triệu (51 triệu); Cam Bốt, 6 triệu (7 triệu); và Lào, 3 triệu rưỡi, (4 triệu). Dân thiểu số cũng hiện hữu ở: miền Nam Việt Nam giáp ranh Cam Bốt 0,7 triệu; miền Tây Nam Trung Quốc (Yunnan) giáp giới Lào và Miến Điện 0,8 triệu; những vùng giáp ranh Miến Điện ở Chittagong, Bangladesh 0,4 triệu và Ấn Độ 0,25 triệu? Bắc Mã Lai 0,5 triệu?, và một số vừa cải đạo ở Ấn Độ, 4 triệu rưỡi, Nam Dương 1 triệu? và Nepal 0,2 triệu?

Phật giáo Bắc tông có khoảng 25 triệu tín đồ: Tây Tạng 1 triệu 6 (2 triệu); dân Tây Tạng và Mông Cổ (phần còn lại) Tây Bắc Trung Quốc 14 triệu ? (62 triệu); Mông Cổ 1 triệu 2 (1 triệu 9); Bhutan 1 triệu tư ( 1 triệu tư); Nepal 6 triệu (17 triệu), và những vùng thuộc Liên bang Xô Viết như Buryat, Tuva và Kalmyk 0,3 triệu (1 triệu 3). Dân tộc thiểu số cũng hiện diện ở miền Bắc và Đông Bắc Ấn Độ, 0,35 triệu (1 triệu 3), và Bali, Nam Dương 0,5 triệu?, và 0,08 triệu. Dân tộc Tây Tạng sống lưu vong ở Ấn Độ và Nepal.

Thật khó mà cho một con số “Phật tử” của truyền thống Đông phương, (nhất là ở Trung Quốc, vì có rất nhiều truyền thống tôn giáo, với chế độ Cộng Sản đương thời, thì ta có thể cho một con số vào khoảng 365 triệu). Tổng số vào khoảng 495 triệu Phật tử ở Á châu.

Đức Phật và Bối Cảnh Ấn Độ

Văn hóa Ấn Độ không chú trọng đến việc ghi chép ngày tháng chính xác, như văn hóa Trung Hoa, Hy Lạp, La Mã, vì thế những ngày tháng ghi chép tìm được thường không chính xác. Tài liệu Phật giáo nói Đức Phật Gotama mất vào khoảng 218 hoặc 100 năm trước khi vua Asoka lên ngôi. Theo những tài liệu tuyên cáo của Asoka gửi cho các vị vua Hy Lạp, ngày sanh của vị vua nầy có lẽ vào khoảng năm 268 trước Thiên Chúa. Nhưng tất cả các tài liệu đều đồng ý rằng Đức Phật Gotama mất lúc Ngài được tám mươi tuổi, ngày sanh và tử vào khoảng 566-486 hoặc 448-368 trước Thiên Chúa. Trong quá khứ, các học giả đều chấp nhận những ngày tháng nầy, nhưng bây giờ sự chấp thuận nầy được dựa trên bằng chứng rõ ràng. Có thể vào khoảng 480-400 trước Thiên chúa là có vẻ thích hợp hơn hết.

Bối Cảnh về Đời Sống của Đức Phật

Đức Phật đã giảng dạy trong vùng sông Hằng (The Ganges) miền Đông Bắc Ấn Độ, nơi mà tôn giáo chánh là Bà-la-môn, được hướng dẫn bởi những thầy tu được gọi là Thầy Bà-la-môn (P. Brahmins, S. Brahmanas). Sau đó, vào khoảng 200 năm trước Thiên Chúa, truyền thống nầy bắt đầu phát triển thành một tôn giáo và bây giờ được biết đến với tên là Ấn Độ giáo (Hinduism). Đạo Bà-la-môn được du nhập ở miền Tây Bắc hạ Ấn Độ vào năm 1500 trước Thiên Chúa, do một số dân du mục đến từ địa phương mà bây giờ là miền đông của Thổ Nhị Kỳ, miền Nam của Nga và miền Bắc của Ba Tư.

Trong vùng nầy, dân chúng nói tiếng Aryan (S. Arya), phần cơ bản của một số ngôn ngữ “Ấn-Âu” pha trộn do làn sóng di dân từ Ấn Độ, Ba Tư, Hy Lạp, Ý và những nước miền Tây châu Âu. Ngôn ngữ được dùng ở Ấn Độ là Sanskrit (từ ngôn ngữ nầy mà tiếng Pāli được tạo thành), vì vậy có liên hệ với tiếng Hy Lạp và La Tinh, thậm chí ngay cả ngôn ngữ Âu châu trong đó có Anh ngữ. Làn sóng di dân của người Arya làm chấm dứt một nền văn minh Thung lũng Indus, một nền văn hóa đô thị rất văn minh đã từng có mặt trong vùng mà nay là nước Pakistan vào khoảng năm 2500 trước Thiên Chúa.

Tôn giáo của người Aryan dựa trên kinh điển Vệ Đà (Vedā), một hệ thống kinh điển gồm những lời dạy truyền khẩu và các bài thánh ca: quyển Câu Thi Vệ Đà (Rig Veda Saṃhitā) (khoảng 1500-1200 trước Thiên Chúa), ba quyển Vệ Đà khác (Vedā Saṃhitā), và sau đó là những tập gọi là Phạm Điển (Brāhmaṃa) và Upani.sad. Người Aryan tôn thờ ba mươi ba vị thần (devas), được hình thể hóa theo luật vũ trụ, thiên nhiên và đời sống con người. Nghi lễ chánh trong tôn giáo nầy là các thầy tu hát ca ngợi một vị thần (deva) đặc biệt, và dâng cúng những phẩm vật bằng cách hỏa thiêu. Bù lại, họ hy vọng được những điều lành như được sức khỏe, có thêm gia súc, và sau khi lìa đời được trở thành bất tử sống cùng với các thần linh (devas).

Trong quyển Brahmaṃas, ngũ cốc và sữa là những thứ được dùng để tế lễ, (vào khoảng những năm 1000 – 800 trước Thiên Chúa), sự tế thần bằng gia súc được thêm vào. Cách phát âm rõ ràng những câu dùng trong việc tế lễ được gọi là thần chú (mantra) cũng được xem như là cách điều khiển những năng lực thần thánh gọi là Phạm Thiên(Brahman ) vì vậy nghi lễ được xem như sự bắt buộc những thần linh tuân hành theo luật của vũ trụ, và ban cho họ những gì họ cầu xin.

Việc tế lễ là một trách nhiệm lớn của các tu sĩ Bà-la-môn được phản ảnh ở địa vị cao nhất của họ trong ba giai cấp còn lại là: giai cấp Ksatriya hoặc giới lãnh đạo chiến sĩ trong xã hội thời chiến cũng như thời bình, giới Vaiśya hoặc thương gia, và giới Śūdra hoặc đày tớ.

Một người thuộc về một trong bốn giai cấp (Varna), hoặc “màu da” của nhân loại được xem là thiên định ngay sau khi sanh ra ; sau nầy Ấn Độ giáo thêm vào cả ngàn giai cấp khác thấp hơn và được gọi là hệ thống giai cấp (jāti). Những thầy Bà-la-môn học những phương pháp du-già, ẩn cư, nhịn ăn, độc thân và khổ hạnh ; từ những vị tu khổ hạnh mà truyền thống bắt nguồn từ nền văn minh Thung lũng Indus. Những phương pháp nầy được coi là rất lợi ích cho việc sửa soạn tâm linh để thực hành việc tế lễ. Vài vị thầy Bà-la-môn vào rừng thực hành những phương pháp kể trên và hình thành việc tế lễ với hình thức tưởng tượng có tính cách nội tâm.

Ngoài những bài giảng chính thống của những người sống trong rừng được kết thành các bộ kinh Upanisads, chỉ có hai bộ là chắc chắn có trước Phật giáo. Trong những bộ kinh nầy, Phạm Thiên (Brahman)được xem như là một bản thể gốc của tất cả vũ trụ, và giống như Ngã (ātman), một cái ngã toàn cầu được truyền thống Ấn Độ tìm hiểu sâu xa trong tâm thức. Khi hiểu rõ được tính cách nầy, thì một người sau khi chết có thể được giải thoát khỏi luân hồi, và được hòa nhập với Phạm Thiên (Brahman). Ý nghĩa của sự đầu thai được phát triển theo ý tưởng phóng khoáng tìm thấy trong bộ Brāhmanas, cho rằng năng lực của một hành động hiến dâng từ một cá nhân đủ để dẫn dắt người đó đến một đời sống bất tử khác. Các quyển Unipasads có thể đã chịu ảnh hưởng nào khác chứ không phải ảnh hưởng của Aryan, cho rằng sau khi chết thì sẽ đầu thai hoặc người hay thú. Ảnh hưởng của phi-Aryan tinchắc rằng sự phát triển ý tưởng về phẩm chất của một người hoặc “hành động” chỉ định sự đầu thai vào một hình thể vật chất bấp bênh. Trước đó “nghiệp” (karma) chỉ dùng để chỉ những hành động có tính cách hy sinh hay các hoạt động tế thần. Dù sao, Bà-la-môn giáo cũng tiếp tục xem nghiệp (karma) trong một nghĩa rộng của hành động có tính cách nghi lễ, và những hành động được dựa trên giai cấp (varna) của một người, của một thành phần nào trong xã hội.

Vào thời Đức Phật phần lớn những tu sĩ Bà-la-môn (Brahmins) nhắm mục đích đạt đến là thiên đàng của một vị thượng đế Brahmā bằng cách sống thành thật, học những bài kinh Veda và, hoặc tế lễ hoặc khổ hạnh. Vài người thì có vẻ hiền thánh, những kẻ khác thì dường như kiêu hãnh hơn và trở nên giàu sang bằng những buổi tế lễ long trọng, tốn kém và đẩm máu, chi phí được các vị vua bảo trợ. Lúc mà mức độ của Bà-la-môn giáo đang được ưa chuộng, thì những thực tập dựa trên bùa chú được thêm vào, và những việc thờ phượng những thần trước đây dĩ nhiên cũng được tiếp tục.

Những vị Sa-môn (Samanas)

Xã hội trong thời Đức Phật lúc ấy đang thay đổi ; những truyền thống cộng đồng dựa trên huyết thống vào lúc đó đang bị hủy hoại và bị nuốt chửng bởi những đất nước lớn đang trên đà mở rộng bờ cõi, như nước Magadha và Kosala. Một số những thành phố phát triển và nơi đó có văn phòng lãnh đạo với những trao đổi buôn bán được hình thành dựa trên nền kinh tế tiền tệ. Những ý tưởng trong kinh Unipasads được chọn lọc và làm đề tài tranh luận trong những cộng đồng có học thức, bởi những thầy Bà-la-môn và những triết gia lãng du được biết đến như là Sa-môn (Samana). Những vị nầy cũng giống như những triết gia Hy Lạp và những ẩn sĩ. Những vị Sa-môn (Samanas) nầy không chấp nhận truyền thống Veda và họ rời bỏ gia đình đi khất thực, để suy nghĩ, điều tra nghiên cứu và tranh luận. Một số đến từ những vùng đô thị mới, nơi mà những sự thật của ngày xưa đang bị chất vấn; và bệnh tật đang gia tăng vì dân số quá đông trong một thành phố.

Điều nầy cũng là một vấn đề toàn cầu, một nỗi khổ cho con người trong thời điểm đó. Vì thế họ đã đi tìm một nền tảng chân lý và hạnh phúc vĩnh cửu trong một thế giới đầy lo âu và thay đổi. Khởi nguyên của Phật giáo là một hoạt động của nhóm Sa-môn (Samana). Sự mô tả và đánh giá của những nhóm Sa-Môn (Samana) khác, được chứa đựng trong kinh Sa-môn (Sāmaññaphala Sutta) thuộc về nhóm Jains được nhắc đến trong kinh (Suttas) Phật giáo như Kinh Nigantha.

Vị Vardhamāna Mahavina, hoặc ‘Đại Anh Hùng’ đã khởi đầu thành lập đạo Jain trong thời Phật còn tại thế . Tôn giáo nầy dạy rằng tất cả mọi thứ, kể cả sỏi đá cũng có sự sống, mỗi thứ chứa đựng một sự sống (jīva), hoặc ‘nền tảng của sự sống’, sự sống (jīva) nầy được xem như là những nét riêng biệt của từng người, không giống như cái ngã (ātman) toàn cầu của kinh Unipasads; và tự nó rất sáng suốt, có mặt ở mọi nơi và hoàn toàn hạnh phúc. Mục đích của đạo Jain là giải thoát sự sống (jīva) khỏi vòng tròn của sinh tử bằng cách giải phóng sự sống (jīva) khỏi sự kềm hãm của nghiệp, được xem như là một phần rất khó giải thích.

Phương pháp đầu tiên để loại bỏ những kết quả của các nghiệp trước là thực hành những việc khổ hạnh như : nhịn ăn, không tắm, bứt tóc, và để tránh những nghiệp mới, tự kềm chế không sát hại (Sahimsa) mọi sinh vật, và chỉ ăn rau quả. Năng lực của sự sống (jīva) được nhấn mạnh, kể cả những hành động như vô tình giết chết sâu bọ cũng là một cách gây nghiệp.

Trong khi Đức Phật đồng ý với những người đạo Jain trên phương diện luân hồi và không nên sát hại, Ngài nhận thấy lý thuyết về nghiệp của họ quá máy móc và không uyển chuyển, và Đức Phật không đồng ý với sự khổ hạnh quá khích. Một nhóm Sa-môn (Samanas) trong những thế kỷ đầu là nhóm lõa hình ngoại đạo (Ājīvaka) chống đối với Phật tử và với nhóm Jain .

Người sáng lập nhóm nầy là Makkhali Gosāla, nhưng họ cũng dùng những ý tưởng của Pūrana Kassapa và Pakudha Kaccāyana (theo truyền thống Pali). Gosāla có giáo điều chánh là niyati, hoặc “định mệnh” không cá thể, điều khiển tất cả, và con người không có khả năng để chuyển hóa tương lai của họ: những hành động không được làm một cách tự ý, nhưng được chỉ định bởi niyati (sức mạnh của vũ trụ).

Gosāla tin vào luân hồi, nhưng không tin là sự đầu thai của một người tùy thuộc vào nghiệp họ đã gieo; những linh hồn của người sống chỉ được dẫn dắt bằng niyati, theo luật cố định tiến hóa của sự đầu thai, từ một con vật nhỏ tiến đến một con người văn minh và trở thành một tu sĩ khổ hạnh Ājīvaka. Những người Ājīvaka thực tập rất miệt mài sự khổ hạnh như nhịn ăn, lõa thể, và có khi tự hủy hoại thân thể trong bước đầu tuyên thệ để chấm dứt sự đầu thai, họ tự kết liễu mạng sống bằng cách nhịn đói (như Vardhamāna đã làm). Vardhamāna lúc đầu cũng đồng ý với Gosāla, và Đức Phật đã phê bình thuyết định mệnh của Ājīvaka, cho rằng đó là một cách chối bỏ những trách nhiệm cũng như khả năng bẩm sinh của con người. Có hai nhóm nhỏ Sa-môn (Samanas) gồm những người hoặc thiên về vật chất hoặc hòai nghi.

Theo truyền thống Pali, trong lúc Đức Phật còn tại thế, những thuyết gia chánh lúc đó là Ajita Kesa-Kambala và Sañjaya Beleṭṭhaputta. Những kẻ thiên về vật chất (Materialists) chối bỏ tất cả những gì không thể nhận thấy được trực tiếp, và cho rằng cái mà gọi là ngã cũng bị tiêu diệt lúc lìa đời, và như thế họ từ chối luôn quan niệm đầu thai, nghiệp và niyati (sức mạnh của vũ trụ). Mỗi một hành động được xem như là một phản ứng tự nhiên không liên quan đến nghiệp, và sự tiến hóa về tâm linh là một điều không thể nào có.

Đức Phật cho rằng lý thuyết của nhóm thiên về vật chất (Materialists) và những nhận thức đương thời là quá khích về sự hủy diệt cũng như sự hiện hữu trường tồn, cho rằng có một linh hồn bất diệt luôn hiện hữu ngay cả sau khi chết. Mục đích của những kẻ thiên về vật chất (Materialists) là sống an bình, hưởng thụ những thú vui giản dị và thỏa mãn về nhục dục. Những kẻ hòai nghi (Skeptics) thì để trả lời cho sự hỗn độn về những lý thuyết đối nghịch của vấn đề tôn giáo và triết lý, đưa đến những cuộc tranh cãi, họ từ chối không nhận định bất cứ một quan điểm nào là đúng để được yên thân. Họ chủ trương rằng sự hiểu biết về chân lý là một điều không thể có, vì thế họ không thể bảo rằng quan điểm của người khác là sai. Đức Phật nhận thấy thế đứng của họ như “lươn đang dùn vẫy”, dù rằng Ngài cũng đồng ý là nên tránh xa “khu rừng” đầy dẫy nhận thức, và tránh sự quả quyết về mặt giáo điều chỉ được xây dựng trên một nền tảng nông cạn, hời hợt. Đức Phật thường nhấn mạnh về điều nầy vì hai vị đại đệ tử của Đức Phật là Ngài Sāriputta và Ngài Moggallāna là những người trong phái hòai nghi (Skeptics) trước khi xuất gia. Đức Phật cũng đồng quan điểm với nhóm thiên về vật chất (Materialists) về sự hiểu biết qua kinh nghiệm, và đánh giá khe khắt những niềm tin về đầu thai, nghiệp và ngã. Đức Phật nhận thấy nhóm thiên về vật chất và nhóm hòai nghi đã quá khích trong vấn đề chối bỏ tất cả hoặc nghi ngờ về những nguyên lý của nghiệp và sự đầu thai, mà chính Đức Phật trong khi thiền định đã công nhận là sự thật (M.I.402) điều nầy chứng tỏ Phật giáo không phải đã dễ dãi chấp nhận quan niệm về nghiệp và đầu thai đã có sẵn trong văn hóa Ấn Độ như người ta thường nghĩ. Và đây là những đề tài đáng được tranh cãi trong thời bấy giờ.

Đời sống của Đức Phật

Chúng ta đều biết là Đức Phật Gotama đã sanh ra trong một vương quốc dòng dõi Sakka (S. Śākya), giáp ranh với Nepal hiện giờ và thủ đô là Kapilavatthu. Từ lúc lọt lòng giữa dòng họ Sakka, Đức Phật Gotama được biết đến theo truyền thống Mahāyāna là Śākya-muni, “người thông thái của dòng Śākyan”. Vương quốc của Đức Phật Gotama chưa được Bà-la-môn hóa, và được cai trị bởi một hội đồng đại diện bởi những người chủ trong gia đình, tùy thuộc vào tuổi tác và địa vị. Đức Phật Gotama được sinh ra vào một trong những gia đình kể trên, vì vậy khi Đức Phật nói chuyện với những vị tu sĩ Ba-la-môn, Đức Phật tự xưng là Ksatriya, và truyền thống sau nầy xem Đức Phật là con một vị vua.

Trong những bài văn của Phật giáo lúc ban đầu, đời sống của Đức Phật không có sự liên tục, vì những bài văn nầy chỉ tập trung vào giáo pháp của Đức Phật. Chỉ về sau nầy, giữa năm 200 trước Công Nguyên và năm 200 sau Công Nguyên, sự quan tâm về nhân vật Đức Phật bắt đầu gia tăng và nhiều trường học khác nhau sản xuất một số “tiểu sử” được tiếp nối từ những chuyện kể trong kinh (Sutta) và bộ Vinaya, cùng những gì thâu thập được từ những truyền thống được kể lại.

Những “tiểu sử” nầy, gồm có Lalitavistara của phái Hữu Bộ (Sarvāstivādin), Nidānakathā của Thượng Tọa Bộ (Theravādin), và thơ Buddhacarita của Aśvaghosa. Những chi tiết của các bài nầy đều giống nhau, cho dù những bài nầy được dựa trên những dự kiện lịch sử rất rõ ràng, chúng cũng chứa đựng ít nhiều những truyền thuyết thần thoại được tô điểm thêm và không dễ gì phân biệt được đâu là lịch sử và đâu là truyền thuyết.

Tiểu sử theo truyền thống dựa trên nền tảng lịch sử thì không dễ gì biết được, như hiện nay tiểu sử của Đức Phật giúp cho chúng ta biết được ý nghĩa đời sống của Đức Phật đối với người Phật tử: trong bài tiểu sử chứa đựng những bài học nào.

Tiểu sử truyền thống không bắt đầu với sự ra đời của Đức Phật Gotama, nhưng với những gì xảy ra trước đó. Truyện kể rằng, cách đó “một trăm ngàn kiếp về trước”, trong một tiền kiếp, Đức Phật Gotama là một vị tu sĩ khổ hạnh tên là Sumedha gặp được Đức Phật Dīpankara và cảm thấy hứng khởi bởi vị Phật nầy, nên sau đó, vị tu sĩ Sumedha nhất quyết tranh đấu để được quả vị Phật, bằng cách trở thành một vị Bồ-tát (Bodhisatta), một người (P. satta) quyết chí để đạt giác ngộ (bodhi) (Bvms. ch. 2). Vị tu sĩ Sumedha biết rằng mình có thể trở thành một đệ tử giác ngộ của Đức Phật Dīpankara, và con đường mình đã chọn sẽ phải qua nhiều kiếp sống mới thành tựu. Nhưng con đường nầy kết cuộc sẽ đưa Ngài đến quả vị Phật, để trở nên một vị Phật toàn giác, đem đến lợi lạc cho muôn người bằng cách khám phá và dạy về sự thật bất diệt của Pháp (Dhamma) trong lúc không còn ai biết đến điều nầy nữa.

Đức Phật đã trải qua bao kiếp sống, kiếp người, kiếp thú, hoặc làm thần, làm Trời, luôn tạo dựng những hoàn hảo về đạo đức, cũng như tâm linh rất cần thiết cho quả vị Phật. Những kiếp sống nầy được trình bày trong những truyện Tiền thân Đức Phật (Jātaka). Qua bao thế hệ, Đức Phật cũng đã gặp qua những vị Phật quá khứ trong đó có sáu vị Phật mà tên được nhắc đến trong Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya) (D.II.2-9), và hai mươi ba vị trong Phật Chủng Tính (Buddhavaṃsa). Trong kiếp sống gần chót, Đức Phật sanh ra nơi cung trời Đâu Suất (Tusita), cõi của các vị thần, vị trời “sung sướng”. Nơi đây là thế giới mà Bồ-tát Di Lặc (Bodhisatta Metteyya-S. Maitreya) đang sống, sửa soạn cho một thời kỳ tương lai trong lịch sử nhân loại khi mà Phật giáo không còn hiện hữu, và Ngài Di Lặc (Maitreya) lúc ấy sẽ trở thành vị Phật kế tiếp (D.II.76).

Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm (Lalitavistara) kể rằng Đức Phật Gotama chọn thời gian trong lịch sử nhân loại để đầu thai lần chót, trong khi Khế Kinh (Suttas) nói rằng Đức Phật “hoàn toàn sáng suốt” khi từ giã cõi trời Đâu Suất (Tusita) và đến trong bào thai của mẹ Ngài (M.I I I.119). Những bài văn trước đó cho thấy rằng sự thụ thai và những sự kiện chánh trong đời sống của Đức Phật Gotama, như sự ra đời, sự thành đạo, bài giảng đầu tiên và sự nhập diệt như những dự kiện quan trọng có liên hệ đến vũ trụ quan. Tất cả mọi bài đều nói đến ánh sáng trải dài toàn cầu và quả đất rúng động. Kinh Nidānakathā kể rằng lúc thụ thai Ngài, Mahāmāyā, mẹ của Ngài nằm mơ thấy mình đến dãy núi Hy-mã-lạp (Himālayas), nơi đó có một sinh vật hình thể trắng bước vào hông phải của bà. Khi kể lại giấc mơ nầy cho chồng của bà là Suddhodana, ông liền cho mời sáu mươi bốn vị thầy Bà-la-môn để đoán mộng. Họ cho rằng vợ ông đã thụ thai một con trai và tương lai của người con rất là vĩ đại. Người con nầy nếu sống trong gia đình thì có thể trở thành Chuyển Luân Vương (Cakkavatti), một vị vua của hoàn cầu - và như Khế Kinh (Suttas) nói Đức Phật đã từng làm vua như vậy tất cả là sáu lần trong những kiếp sống trước - hoặc người con nầy sẽ trở thành một tu sĩ khổ hạnh, và trở nên một vị thầy tôn giáo nổi tiếng, một vị Phật. Sự so sánh một vị Chuyển Luân Vương (Cakkavatti) với một vị Phật được kể lại trong kinh, cho thấy rằng một vị Phật là một người có chủ quyền rất lớn về tâm linh - nghĩa là có ảnh hưởng - trên nhân loại và thần thánh.

Kinh cũng nói rằng Đức Phật Gotama từ chối quyền lãnh đạo một đất nước để trở thành một vị Phật. Ngài thật sự không có những ý tưởng chánh trị như Muhammad, và nhà cầm quyền thời đó đã không coi Ngài là một đe dọa chính trị như Jesus. Ngược lại Đức Phật còn dạy cho các vua chúa làm cách nào để điều hành tốt một đất nước.

Kinh Nidānakathā kể rằng trong lúc gần ngày sanh, bà Mahāmāya đi từ thành Kapilavatthu để về nhà thân quyến mà sanh con vì đây là phong tục thời đó. Trên đường bà và đoàn tùy tùng đi ngang Lumbini, một rừng cây rất là đẹp và bà Mahāmāya ngừng lại để ngắm hoa và nghe chim hót. Tại đây bà lâm bồn và cho ra đời một hài nhi lúc đang đứng vịn cành cây Sāl. Sự chào đời của Đức Phật Gotama dưới cội cây đều ăn khớp với những diễn biến quan trọng trong đời Đức Phật: thành đạo dưới một cội cây khác, bài pháp đầu tiên của Đức Phật được giảng ở vườn thú, và Đức Phật nhập Niết Bàn giữa hai cội cây. Điều nầy cho thấy rằng Đức Phật rất thích thiên nhiên nơi mà Đức Phật có thể hòa hợp với tất cả mọi loài sinh linh. Kinh Sutta kể rằng lúc hài nhi chào đời thì được bốn vị trời nâng đặt xuống đất, và một dòng nước ấm và mát xuất hiện từ trời cao như là “nước thánh” (water-libation) chào mừng người mẹ và đứa con. Sau đó, hài nhi liền đứng dậy bước đi bảy bước, nhìn khắp hướng, và nói với giọng cao sang rằng Ngài là người quan trọng bậc nhất trong hoàn cầu, và đây là đời sống cuối cùng của Ngài (M.III.123).

Sau khi sanh ra Đức Phật được một tuần thì mẹ của Đức Phật qua đời (M.III.122). Đức Phật Gotama được người vợ kế của cha nuôi nấng, người dì ruột của Đức Phật. Những bài viết nói rất ít về thời thơ ấu của Đức Phật, ngoài việc Đức Phật được sống trong nhung lụa, giàu sang với những nữ tỳ ca múa và phục vụ người trong ba cung điện khác nhau (A.I.145). Phần sau tiểu sử mô tả Đức Phật là một thanh niên trẻ, hăng hái, thông minh và đầy lòng bi mẫn. Sách kể rằng cha của Đức Phật mong muốn Ngài ở lại nhà để trở thành một vị vua, và để củng cố việc nầy, vua cha cung phụng đầy đủ mọi thứ cho Ngài để Ngài không rời được hoàng cung. Vào năm mười sáu tuổi, Ngài lập gia đình với nàng Yasodharā, và năm hai mươi chín tuổi hai người có với nhau một đứa con trai tên là Rāhula.

Sự từ bỏ và tìm kiếm chân lý

Khi bắt đầu từ bỏ những khóai lạc thế gian để tìm kiếm con đường chân lý, Đức Phật Gotama đã sống một cuộc sống giàu sang và sung sướng. Sự chuyển hướng quan trọng nầy được diễn tả nhiều cách khác nhau trong những bài văn xưa và sau nầy. Kinh Suttas diễn tả đây là kết quả của một sự suy nghĩ lâu dài. Kể cả lúc còn đang hưởng sự giàu sang, Đức Phật đã thấu hiểu về già, bệnh và chết. Khi biết được chính mình cũng không tránh khỏi những điều nầy, sự ham muốn tuổi trẻ, sức khỏe và cuộc sống cũng không còn trong lòng Ngài (A.I.145-6).

Vì thế Đức Phật bắt đầu cuộc tìm kiếm về cái không sanh, không già, không hư hoại, không chết, không đau khổ, không nhơ nhớp, nơi an toàn nhất không bị ràng buộc - Niết Bàn (Nibbāna) (M.I.163). Đức Phật nhận thấy rằng : “ Cuộc sống gia đình thì chật chội và tù túng; tiến bước xa hơn [bước vào cuộc sống du hành của các Sa-môn(Samana)] trên con đường đang rộng mở. Khi đang sống đời sống gia đình thật là không dễ để sống một cuộc sống hoàn hảo như vỏ ốc được đánh bóng. Phải chi ta cạo tóc và râu, mặc áo màu vàng và từ bỏ gia đình để sống đời sống không nhà?” (M.I.240).

Những bài văn sau nầy tả sự chuyển hướng xảy ra vào năm Đức Phật được hai mươi chín tuổi, ngay sau khi đứa con trai ra đời, diễn tả sự chuyển hướng nầy xảy ra đột ngột hơn là một sự suy nghĩ lâu dài. Nơi đây, bài văn theo cách kể truyện của Kinh Sutta về một vị Phật quá khứ (D.II.22-9), cho thấy rằng cuộc sống của tất cả các vị Phật đều theo một khuôn mẫu. Kinh Nidānakathā kể là trong vòng ba ngày liên tiếp, Đức Phật Gotama đi thăm công viên của mình bằng xe ngựa. Cha của Ngài bèn cho dọn dẹp đường xá và những gì được xem là không đẹp mắt đều được dọn sạch, nhưng những vị trời đã làm cho Ngài thấy được một người già tóc bạc, thân thể suy yếu, một người bệnh và một xác chết. Ngạc nhiên trước những sự kiện nầy, người đánh xe bèn giải thích cho Ngài biết đây là già, bệnh và chết đều xảy đến cho tất cả mọi người, làm cho Ngài rất là bối rối về đời sống của con người. Như vậy, những bài văn diễn tả một thí dụ về sự đối diện với bệnh hoạn và chết, mặc dầu những điều nầy ai ai cũng biết. Sự nhận thức rõ ràng và chấp nhận việc nầy thường xảy ra trong sách như một hình ảnh làm rối loạn. Lần thứ tư khi đi viếng công viên, Đức Phật Gotama thấy một Sa-môn (Samana) áo vải và đầu cạo tóc với một dáng dấp điềm đạm, ung dung, và khi nhìn thấy vị tu sĩ nầy thì Ngài liền cảm hứng được sống như vậy. Tối đó, Ngài rời hoàng cung, nhìn con và vợ lần cuối vì biết rằng Ngài sẽ không thể rời cung điện một khi vợ Ngài thức dậy. Trong truyền thống Phật giáo, việc Ngài rời gia đình được xem như là một hành động cao cả vì lợi ích chung của toàn thể chúng sanh; hơn nữa, sau khi Ngài thành Phật, Ngài đã trở lại quê nhà và giảng dạy pháp cho cả gia đình, và con trai của Ngài được trở thành tu sĩ dưới sự hướng dẫn của Ngài. Sự từ bỏ gia đình của Đức Phật là một biểu tượng cho đời sống tu sĩ, được tiếp nối sau nầy từ nơi tăng ni Phật giáo.

Kinh Suttas nói rằng Đức Phật Gotama tìm thầy để học đạo, và đầu tiên hết đến gặp Ālāra Kālāma (M.I.163 ff.). Không bao lâu, Ngài đã hiểu rõ và nắm vững hết các cách thức thiền và đạt đến trạng thái “Vô sở hữu xứ”(sphere of nothingness), một trạng thái thiền định đạt được với sự tập trung, lúc mà tư tưởng không còn đối tượng hiện diện và trống không. Đức Phật Gotama mau mắn đã đạt được trạng thái nầy, Ālāra liền ngỏ ý muốn cho Đức Phật Gotama lãnh đạo học trò của mình, nhưng Đức Phật Gotama từ chối vì Ngài cảm nhận rằng mặc dầu đây là trạng thái tỉnh lặng thanh thoát nhưng chưa phải là chân lý tối thượng để chấm dứt đau khổ. Vì vậy, Ngài bèn đến học đạo với một vị thầy du-già khác, Uddaka là con của Rāma, và cũng như lần trước, Đức Phật Gotama thâu thập hết những giáo lý và đạt đến trạng thái “Phi tưởng phi phi tưởng xứ”(sphere of neither-cognition-nor-non-cognition). Trạng thái nầy cao hơn trạng thái trước, nơi đây tư tưởng trở nên mỏng manh tựa như là nó không còn hiện hữu. Uddaka công nhận Ngài là bực thầy của mình vì chỉ có người cha đã qua đời là đạt được trạng thái nầy. Lần nữa Đức Phật Gotama lại từ chối sự lãnh đạo vì Ngài chưa tìm thấy mục đích chính của mình. Dầu vậy sau đó Ngài đã đem hai cách thực tập “huyền bí” nầy vào phương pháp thiền định của chính Ngài. Đây coi như là cách thực hành để được an lạc và thanh tịnh tư tưởng, để sửa soạn cho một sự phát triển sâu sắc về giải thoát. Đức Phật đã dạy một số phương cách thiền định, trong đó có một số truyền thống thiền theo phái du-già thời đó, trong số những người thực tập thiền giỏi ở Ấn Độ , Đức Phật được xem là người xuất sắc nhất.

Sau khi đạt được kinh nghiệm thiền với một trong những phương pháp hiện hữu thời đó, Đức Phật Gotama liền quay sang tập tu khổ hạnh, như là con đường có khả năng đưa Ngài đến mục đích đã chọn. Kinh Suttas nói rằng Đức Phật ở trong khu rừng gần Uruvelā và dùng hết khả năng để loại bỏ sự bám víu về những thú vui ngũ dục; Đức Phật dùng ý chí của mình để đè nén những ham muốn nầy (M.I.240 ff.). Đức Phật thực tập nín thở, dù cách nầy đưa đến những cơn đau đầu rất mạnh, làm đau bao tử, và làm sốt cả thân thể Ngài. Đức Phật nhịn ăn và chỉ dùng có vài giọt canh đậu mỗi ngày, Ngài trở nên ốm yếu đứng không vững, và lông tóc đều rụng hết. Đến lúc nầy, Ngài nhận thấy rằng một người không thể nào tiếp tục tiến bước trên con đường đạo nếu thực hành khổ hạnh như thế nầy. Dù rằng Đức Phật đã phát triển được sự sáng suốt của tư tưởng và khí lực, nhưng thân và tâm Ngài thì đau đớn và bất an, vì thế Ngài không thể tiếp tục việc tìm kiếm chân lý. Sau đó, Ngài từ bỏ sự khổ hạnh sau sáu năm thực tập.
Vào lúc nầy, Ngài định bỏ cuộc, nhưng Ngài nghĩ “có thể có một cách khác để đi đến giác ngộ?” (M.I.246). Ngài sực nhớ đến một trạng thái Thiền mà Ngài đã vào được trong lúc chăm chú nhìn đất bị cày bừa. Ngài nhớ lại trạng thái nầy, được gọi là “nhất thiền”(first jhāna), trạng thái nầy không có những thích thú của cảm thọ, nhưng có một sự yên tịnh sâu sắc, một niềm vui hoàn toàn với sự sung sướng, an lạc, mà để đạt đến trạng thái nầy, Đức Phật đã phải dùng sự khổ hạnh đau đớn. Đức Phật còn nhớ lúc đó Ngài đã tự hỏi không biết có phải đây là con đường đưa đến sự tỉnh thức không, và bây giờ thì Đức Phật chắc chắn đây là con đường nên Ngài quyết tâm dùng cách nầy. Và để sửa soạn cho việc thực tập nầy, Đức Phật bắt đầu ăn uống lại bình thường, năm người bạn cùng tu khổ hạnh với Ngài thấy vậy liền bỏ Ngài mà đi vì cho rằng Ngài đã từ bỏ sự tu hành.

Một bài kinh Sutta (Sn.4225-49) dẫn ra một chuỗi thử thách mà các sách vở sau đó đã nhắc đến giai đoạn nầy. Bài kinh nhắc đến một hình ảnh như Satan - được gọi là Māra, một vị thần đã từng tu tập có công đức, nhưng lại dùng quyền lực để dụ dỗ con người vào vòng tham đắm nhục dục, để con người luôn bị kềm chế và phải sống dưới ảnh hưởng của thế giới do Māra làm ra. Đây là vòng tròn của sanh tử, vì Māra tượng trưng cho sự ham muốn và cái chết. Māra đã đến với người tu sĩ gầy yếu bằng những lời đường mật. Māra xúi biểu vị tu sĩ hãy từ bỏ sự tìm kiếm chân lý hãy tập làm tốt để có những nghiệp lành vậy cũng hay rồi. Đức Phật trả lời rằng Ngài không cần thọ hưởng nữa những nghiệp lành, và Ngài quở quân lính của Māra: ham muốn ngũ dục, ghen ghét, đói khát, tham đắm, lười biếng và ngu si, hèn nhát, sợ dấn thân, xem thường người khác, không nhạy cảm, và tự kiêu. Māra thua trận liền rút lui.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com