- Chương 1: Lời giới thiệu
- Chương 2: Khái lược lịch sử Phật giáo
- Chương 3: Khái lược lịch sử Phật giáo (tiếp theo)
- Chương 4: Phật pháp buổi đầu
- Chương 5: Những bài giảng đầu của Phật giáo
- Chương 6: Tam Đế
- Chương 7: Những phát triển ban đầu của Phật giáo
- Chương 8: Những phát triển ban đầu của Phật giáo (tiếp theo)
- Chương 9: Văn chương Bát nhã đáo bỉ ngạn
- Chương 10: Trường Du già hoặc Duy thức tông (Yogācāra)
- Chương 11: Trường Du già hoặc Duy thức tông (Yogācāra) (tiếp theo)
- Chương 12: Những bậc thánh thiện của Đại thừa - Con đường của Bồ Tát (Bodhisattva)
- Chương 13: Phật học Đại thừa
- Chương 14: Lịch sử sau này và sự truyền bá Phật giáo
- Chương 15: Lịch sử sau này và sự truyền bá Phật giáo (tiếp theo)
- Chương 16: Nhật Bản
- Chương 17: Thực tập của người Phật tử
- Chương 18: Thực tập của người Phật tử (tiếp theo)
- Chương 19: Những thực tập của người Phật tử: Đạo đức
- Chương 20: Những thực tập của người Phật tử: Đạo đức (tiếp theo)
- Chương 21: Những thực tập của người Phật tử: Đạo đức (tiếp theo và hết)
- Chương 22: Thực tập của Phật tử: Thiền định và phát triển trí tuệ
- Chương 23: Thực tập của Phật tử: Thiền định và phát triển trí tuệ (tiếp theo)
- Chương 24: Lịch sử hiện đại của Phật giáo ở Á châu
- Chương 25: Giành lại mảnh đất xưa
- Chương 26: Hội đoàn thần trí
- Chương 27: Phụ lục: Các tác phẩm kinh điển
GIỚI THIỆU ĐẠO PHẬT
Peter Harvey - Mỹ Thanh dịch - Nhà Xuất Bản Hải Phòng 2008
LỜI GIỚI THIỆU
Như tên gọi của nó, Giới Thiệu Đạo Phật của giáo sư Peter Harvey là bức tranh toàn diện về minh triết của Phật giáo. Bức tranh này phác họa bối cảnh xã hội Ấn Độ và tôn giáo thời đức Phật, qua đó trình bày những nét đặc thù của giáo pháp Phật.
Các học thuyết căn bản của Phật giáo như “Tứ Diệu Đế”, “Nghiệp và tái sinh”, “Thiền định và Trí tuệ” được tác giả phác họa dưới gốc độ vũ trụ luận, nhân sinh quan và đạo đức quan.
Nếu nghiệp được xem là các hành động chủ ý hoặc vô tình thì phản ứng của nó chính là kết quả đối với những cái tốt và hậu quả đối với những cái xấu. Như định luật Vạn vật hấp dẫn, hành vi của con người bao gồm: tư duy, lời nói và việc làm có lực hút với thiên hướng kết quả tốt hoặc xấu. Tập hợp các chủng loại nghiệp, từ khi có sự sống cho đến lúc qua đời, chính là sự kết nối tái sinh. Nghiệp chính là lực hút của sinh tử. Phân tích mặt tiêu cực của nghiệp là nghệ thuật nhận diện khổ đau và gốc rễ của nó. Khi năng lực nhận diện được nhân lên thành bản lĩnh, thì xiếng xích của nghiệp sẽ được chặt đứt, lúc ấy nguồn năng lực an lạc tĩnh tại ở mức độ cao nhất “Niết Bàn” sẽ có mặt. Để làm được việc đó, con đường không thể thiếu mà các hành giả phải đi qua chính là đạo đức, thiền định và trí tuệ.
Lịch sử phát triển của Phật giáo bắt đầu từ lần vận chuyển bánh xe chánh pháp đầu tiên tại vườn Nai. Ba ngôi tâm linh “Phật, Pháp, Tăng” được hình thành. Đời sống đạo đức được thiết lập. Con đường giải thoát rộng mở và đón chào mọi người.
Tác giả đã phác họa lịch sử phát triển của đạo Phật Ấn Độ sau thời Phật nhập diện với đỉnh cao nhất là triều đại “Gupta”. Chủ trương và chính sách truyền bá chánh pháp của đại đế Asoka là bài học về nghệ thuật và kết quả hoằng pháp mà các nhà hoằng pháp hiện đại không thể không tham khảo. Nhờ vào chính sách truyền bá đó, đạo Phật không chỉ là đặc sản tâm linh của Ấn Độ, đã nhanh chóng trở thành ánh sáng của Á châu.
Theo tác giả, truyền thống tâm linh của Bắc tông (thường ngộ nhận là Đại thừa) và truyền thống tâm linh Nam tông (thường ngộ nhận là Tiểu thừa) chính là hai con đường tiếp biến văn hóa, một bên là thích ứng để phát triển, một bên là duy trì để phát triển. Duy trì và thích ứng là hai phương diện của phát triển trong quá trình tiếp biến văn hoá của đạo Phật, nhờ đó ảnh hưởng của Phật giáo đã tác động tích cực đến các phương diện và ngành nghề trong xã hội nơi đạo Phật có mặt như những thực tại văn hóa tâm linh. Kho tàng văn chương và minh triết Phật giáo đã làm phong phú thêm văn học và triết lý của các quốc gia. Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc qua lịch sử đồng hành của Phật giáo đã góp phần giữ vững hồn thiêng sông núi. Kiến trúc nghệ thuật ở các quốc gia có mặt đạo Phật đều ít nhiều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các giá trị văn hóa của đạo Phật.
Nền triết học Đại thừa với điểm nổi bật của văn học Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa và Niết Bàn là cả kho tàng triết lý nhập thế, đáp ứng nhu cầu tri thức và triết học của tầng lớp tinh hoa xã hội. Các trường phái chính của đại thừa như Trung Quán và Du Già đã được thảo luận cặn kẻ trong tác phẩm. Nếu triết học “tánh không” như nghệ thuật phá chấp tất cả những gì gọi là cái tôi thường hằng hay đoạn diệt, cá nhân hay xã hội, quốc gia hay liên minh quốc gia, thì học thuyết Như Lai tàng của triết học Du Già chính là nghệ thuật nhận diện tiềm năng giác ngộ trong tình huống của chúng sanh hay người phàm. Nhận diện được thai tạng Như Lai, thì con người có khả năng vượt qua mặc cảm tự ti của người phàm, từ đó tinh tấn đạt được những gì chưa đạt. Trong thành quả mà không bị vướng kẹt, trong thăng hoa mà không bị cái tôi chi phối, hành giả đang đạt được trí tuệ và tánh không vốn có khả năng tháo dở mọi chấp trước.
Bên cạnh các học thuyết và triết lý của các trường phái Phật giáo, tác giả đã phân tích phương diện sùng bái và tín ngưỡng vốn chịu ảnh hưởng sâu rộng từ văn hóa bản địa. Các hoạt động văn hóa như tụng kinh, lễ Phật, cúng kiến, thờ phụng hình tượng đã có chiều dày lịch sử từ khi đức Phật qua đời. Các lễ hội văn hóa tín ngưỡng Bồ Tát Quan Âm như đức mẹ từ bi, Phật A Di Đà như bậc đại giác ở Tây phương cứu thế, Phật Dược Sư như thầy thuốc trị bệnh thân tâm v.v… đã được phân tích từ gốc độ tiếp biến văn hóa.
Theo tác giả, căn bản nhất của đời sống tâm linh Phật giáo chính là đạo đức. Đạo đức có nhiều gốc độ: thuận hợp các quy chuẩn luật pháp, rèn luyện tâm ý và nuôi dưỡng động cơ tích cực cho mọi hành động và mục đích vốn được xem là cẩm nang hành xử của người Phật tử. Nếu đạo đức của người tại gia được đặt trên nền tảng thuận Hiến, hợp pháp nhằm xây dựng các hình thái bình đẳng và công bằng xã hội thì đạo đức xuất gia nhấn mạnh đến động cơ thái độ của tâm ý, nhằm chuyển hóa đến tận gốc rễ nỗi khổ niềm đau tiềm ẩn. Hai loại hình đạo đức vừa nêu đều có giá trị xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.
Tinh hoa của triết lý đạo Phật, theo tác giả là sự thực tập thiền định để phát huy trí tuệ. Các phương pháp thiền định truyền thống như bốn lĩnh vực quán niệm, mười sáu hơi thở với trọng tâm chánh niệm và tỉnh thức đã được phân tích dưới gốc độ tâm lý trị liệu. Các phương pháp thiền định phổ biến trong đạo Phật như chỉ và quán và các chi phái thiền phổ biến ở Trung Hoa như Thoại Đầu và Công Án được xem là những phương tiện để tỏ ngộ được chân tâm thường trú, thể tính tịnh minh. Phương pháp thiền truyền thống và phát triển tuy có khác nhưng mục đích trị liệu khổ đau và hướng đến niết bàn thì cả hai thống nhất. Phương pháp hành trì của Tịnh độ tông và quán tưởng của Mật tông nên hiểu như những phương tiện hữu hiệu trong việc chuyển hóa thân tâm. Thiền, Mật và Tịnh là ba trong phương pháp tu tập nhưng là một trong cứu cánh.
Sự tiếp nối truyền thống và những đa dạng hiện tại từ cái nhìn phân tích của tác giả là sự tương dung và bổ sung. Đọc tác phẩm “Giới thiệu đạo Phật”, ngoài tấm bản đồ toàn diện như vừa nêu, người đọc tự mình khám phá những chân lý xâu xa nhưng bình dị, những lời kinh triết lý nhưng gần gũi, những chân lý thâm sâu nhưng dễ hành, vừa là tinh hoa của đạo Phật nhưng cũng là mục đích của đời sống hạnh phúc. Ngôn từ trong bản dịch mặc dù mới và đôi lúc có phần xa lạ với các thuật ngữ Phật học Hán Việt truyền thống, chẳng những không làm chúng ta khó hiểu bản dịch, ngược lại giúp cho người đọc làm quen các khái niệm mới tương đương với các thuật ngữ truyền thống. Trên tinh thần này, tôi trân trọng kính giới thiệu tác phẩm đến quý độc giả.
Giác Ngộ, ngày 13/05/2009
Thích Nhật TừPhó viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM