- Dẫn nhập
- Tránh đau khổ
- Tìm hạnh phúc
- Nguyên nhân sanh khổ
- Ái dục bắt nguồn từ đâu?
- Thập nhị nhân duyên
- Ái dục là gì?
- Tai hại của ái dục ảo kiến
- Thoát ra khỏi vòng sanh tử
- Con đường cũ xa xưa: Bát Chánh Ðạo
- Chánh kiến
- Chánh tư duy
- Chánh ngữ
- Chánh nghiệp
- Chánh mạng
- Chánh tinh tấn
- Chánh niệm
- Chánh định
- Ðặc tánh của Con đường
- Bằng cách nào Bát Chánh Ðạo là Con đường Giải thoát?
- Minh hạnh
(Bát Chánh Đạo)
Phạm Kim Khánh
Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ 1993
Phần 3
Con đường cũ xa xưa: Bát Chánh Đạo
Trong những năm gần đây, từ khắp nơi trên thế giới đã vang lên nhiều tiếng kêu báo động nạn ô nhiễm. Người ta lo sợ ô nhiễm thành phố, ô nhiễm không khí, ô nhiễm biển cả, ô nhiễm sông ngòi v.v... người ta gia công khảo sát, thí nghiệm, nghiên cứu và tiêu hao biết bao tiền của, năng lực, thì giờ để tìm phương cách bài trừ các loại ô nhiễm thị giác, ô nhiễm thính giác, ô nhiễm tỷ giác v.v...
Còn ô nhiễm tâm trí thì sao? Các bơn nhơ tinh thần mà, kẻ ít người nhiều, chúng ta đã mang theo đến đây từ vô lượng kiếp thì thế nào?
Cách đây hơn 25 thế kỷ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã nhận thấy mối hiểm họa vô cùng tai hại của ô nhiễm tinh thần và Ngài cảnh giác:
"Không có lửa nào như tham ái, không có ngục tù nào như sân hận, không có màn lưới nào như si mê, và không có dòng sông nào như ái dục." (Kinh Pháp Cú, câu 251)Lửa trên thế gian dầu nóng như thế nào, ngục tù kềm kẹp của thế gian dầu khắc nghiệt, tàn ác đến đâu, những màn lưới của thế gian có chặt chẽ tệ hại ra sao, cũng chỉ thiêu dốt, gây đau khổ hay trói buộc ta suốt trọn một kiếp sống là cùng. Nhưng ô nhiễm tinh thần sẽ đi theo chúng ta từ kiếp này sang kiếp khác, mãi mãi, triền miên, trong vòng luân hồi, nếu chúng ta không biết chấm dút. Ái dục sẽ lôi cuốn và đẩy mạnh chúng ta vào biển khổ trầm luân.
Sáng suốt nhận định rằng bản chất của đời sống l;à đau khổ và nguyên nhân của đau khổ là ái dục. Đức Phật vạch ra một lối sống, tự bản thân khép mình vào lối sống đạo đức ấy, thành đạt mục tiêu cứu cánh một cách vẻ vang và mở lòng từ mẫn khai hóa những ai có tai muốn nghe, có tâm trí muốn suy tư và có ý chí để thực hành. Đức Phật dạy:
"Bây giờ, này hỡi chư Tỳ Khưu, đây là chân lý về Con Đường dẫn đến diệt khổ. Đó là Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. "Đây là Con Đường chia làm tám chi bao gồm tám năng lực tinh thần hùng mạnh và có tính cách thiện. Tám chi của con đường phải được tập trung lại để đánh đổ một năng lực bất thiện, ái dục, dai dẳng ngủ ngầm bên trong ta.