- Dẫn nhập
- Tránh đau khổ
- Tìm hạnh phúc
- Nguyên nhân sanh khổ
- Ái dục bắt nguồn từ đâu?
- Thập nhị nhân duyên
- Ái dục là gì?
- Tai hại của ái dục ảo kiến
- Thoát ra khỏi vòng sanh tử
- Con đường cũ xa xưa: Bát Chánh Ðạo
- Chánh kiến
- Chánh tư duy
- Chánh ngữ
- Chánh nghiệp
- Chánh mạng
- Chánh tinh tấn
- Chánh niệm
- Chánh định
- Ðặc tánh của Con đường
- Bằng cách nào Bát Chánh Ðạo là Con đường Giải thoát?
- Minh hạnh
(Bát Chánh Đạo)
Phạm Kim Khánh
Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ 1993
Phần 1
Tìm hạnh phúc
Ta lại tự hỏi: "Trong đời sống có đau khổ mà cũng có hạnh phúc. Tại sao chỉ đề cập đến đau khổ mà lờ hẳn, không nhắc đến hạnh phúc?"
Khổ là trạng thái không thỏa mãn, bất toại nguyện, làm cho ta khó chịu đựng và như thế không ai muốn. Nhưng bất hạnh thay không ai tránh khỏi.
Còn hạnh phúc thì ai cũng mong tìm, ai cũng khát khao muốn thành đạt. Nhưng chúng ta không nhận thức rằng hạnh thức chỉ là hình thức khác của đau khổ. Hạnh phúc và đau khổ chỉ giống như đầu và đuôi của con rắn. Khi ta đụng vào đầu rắn tức thì nó cắn. Đó là đau khổ, hậu quả trực tiếp phát sanh trong tức khắc. Nhưng khi nắm đuôi rắn thì ta cảm nghe an toàn. Mặc dầu vậy rắn sẽ quay đầu lại cắn, cùng một thế như khi ta đụng vào đầu nó. Đó là hạnh phúc. Dầu đụng vào đầu hay vào đuôi ta vẫn bị rắn cắn. Phải nhận định rằng đầu và đuôi rắn chỉ là hai phần khác nhau của con rắn. Cùng thế ấy, hạnh phúc và đau khổ chỉ là hai phần của một vấn đề, vấn đề đau khổ.
Trong đời sống cái được gọi hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là khi ta đạt điều mong mỏi. Ta mong có tài sàn. Được tài sản là hạnh phúc. Muốn danh vọng. Được danh thơm tiếng tốt là hạnh phúc. Muốn quyền thế, được quyền thế uy lực là hạnh phúc. Truy nhiên, trong thế gian vô thường không ngừng biến đổi này tất cả mọi sự đều nằm trong trạng thái luôn luôn trở thành một cái gì khác thì cái hạnh phúc mà ta khao khát bao nhiêu chỉ ở với ta trong giây phút ma ta vừa nắm được nó. Tại sao? Vì hạnh phúc là thành đạt điều mong muốn, nhưng điều mà ta mong muốn chỉ tồn tại nhất thời, đối tượng mà ta khao khát mong mỏi quả thật phù du tạm bợ. Vớt nước lên trong lòng hai bàn tay và mong sẽ giữ mãi mãi trong tay thì làm sao khỏi thất vọng? Đạo hữu Gunaratne viết: "Bây giờ ta có thể tự hỏi, tại sao ái dục luôn luôn mang đau khổ (Dukkha) theo vết chân của mình? Bởi vì ái dục là khao khát ham muốn một cái gì tự nó không ngừng biến đổi, là chạy theo và cố bám vào cái gì tự nó không thực có. Khi con người cố gắng đuổi bắt một mục tiêu huyền ảo, lờ lững như thực như hư, một cái gì không thể bắt được, một mục tiêu luôn luôn thụt lùi hay tan biến khi ta gần nó thì con người còn có thể mong mỏi điều gì hơn là thất vọng, điều gì hơn là trạng thái bất ổn, không điều hòa, tức dukkha, đau khổ."
Thử lấy một thí dụ. Ta mong mỏi được có tiền. Tiền đến, Ta cảm nghe sung sướng hạnh phúc. Thế nhưng, khi nắm được tiền trong tay ta lại lo nghĩ phải làm thế nào để gìn giữ. Ta lo sợ kẻ trộm, kẻ cướp, kẻ lường gạt. Ta suy tư, phải làm thế nào để nó sanh lợi, phải dùng thế nào, bao nhiêu vấn đề mới lại phát sanh, ắt phải lo lắng nghĩ ngợi, tức đau khổ.
Hơn nữa, khi có được tiền của ta lại mong muốn điều khác, lại tự tạo cho ta những khát vọng mới: muốn mua sắm, muốn danh lợi, muốn quyền thế, muốn thay đổi khung cảnh sống, muốn sửa đổi cảnh vật cho thích hợp với lòng khao khát của mình. Đức Phật dạy rằng những ai đắm say trong tham vọng sẽ rơi trở vào dòng lôi cuốn của lòng khát khao ham muốn, như nhện sa vào lưới của chính nó.
Đời là khổ. Tuy nhiên dạy như thế Đức Phật không khi nào cố tình khuyên tất cả mọi người nên từ khước những lạc thú trần gian, vào rừng tìm nơi thanh vắng để lo tu hành. Đức Phật đạt toàn thể giáo lý của Ngài trên nền tàng đau khổ (dukkha) nhưng khônbg bao giờ phủ nhận những lạc thú trong đời. Bộ Tăng Nhứt A Hàm có liệt kê dong dài những hạnh phúc mà chúng sanh có thể thọ hưởng. Chúng ta không tìm cách xa lánh những hạnh phúc vật chất, nhưng hiểu biết rằng nó chỉ là tạm bợ nhất thời. Thọ hưởng những lạc thú vật chất nhưng không làm nô lệ cho thể xác. Phật giáo dạy ta nên tận lực cố gắng, kiên trì nỗ lực, luôn luôn giữ tâm trong sạch và thận trọng thu thúc dục vọng.
Có thân tức có già, có bệnh, có chết, có khổ v.v... Ta không thể sửa đổi thiên nhiên, hay chỉ có thể làm được một cách vá víu tạm bợ. Phải hiểu rõ bản chất thiên nhiên của đời sống là vậy. Phải thấm nhuần chân lý này. Không thể sửa đổi thiên nhiên, mà chỉ có thể kiểm soát và sửa đổi cái tâm của chính mình, làm cho nó thích hợp với thiên nhiên.
Pháp hành thiền trong Phật giáo là rèn luyện tâm. Trước tiên, lắng tâm an trụ vào một điểm, làm cho nó trở nên vắng lặng, sáng tỏ và có nhiều năng lực, rồi dùng tâm lực dũng mãnh ấy quán chiếu thâm sâu vào sự vật, thấu triệt thực tứơng của sự vật, thấy sự vật đúng như sự vật là như vậy, không phải như mình nghĩ rằng nó là như vậy, tức nhìn sự vật dưới ánh sáng của ba đặc tướng: Vô thường, Khổvà Vô ngã.
Khi nhận định đúng rằng trên thế gian huyền ảo, tạm bợ và vô thường này, chí đến cái mà ta gọi là hạnh phúc cũng không thể tồn tại vì những điều kiện tạo duyên cho nó phát sanh luôn luôn biến đổi và do đó không thể có hạnh phúc thật sự vững bền Phật Giáo đi tìm nguồn gốc của đau khổ.