- Dẫn nhập
- Tránh đau khổ
- Tìm hạnh phúc
- Nguyên nhân sanh khổ
- Ái dục bắt nguồn từ đâu?
- Thập nhị nhân duyên
- Ái dục là gì?
- Tai hại của ái dục ảo kiến
- Thoát ra khỏi vòng sanh tử
- Con đường cũ xa xưa: Bát Chánh Ðạo
- Chánh kiến
- Chánh tư duy
- Chánh ngữ
- Chánh nghiệp
- Chánh mạng
- Chánh tinh tấn
- Chánh niệm
- Chánh định
- Ðặc tánh của Con đường
- Bằng cách nào Bát Chánh Ðạo là Con đường Giải thoát?
- Minh hạnh
(Bát Chánh Đạo)
Phạm Kim Khánh
Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ 1993
Phần 2
Tai hại của ái dục
Chính yếu tố "vị kỷ" trong ái dục, tanha, gây bao nhiêu tai hại cho con người. Ái dục không bao giờ được hoàn toàn thỏa mãn. Khi một điều mong muốn được thành tựu thì lại có ước vọng mới. Con người luôn luôn chạy theo những thích thú tạm bợ mới, cố rượt theo để bám lấy những ảo ảnh, để chụp cho được cái mà thật sự chỉ là những hình bóng ảo huyền và như thế, con người luôn luôn châm nhiên liệu, dưỡng nuôi và bảo trì ngọn lửa của kiếp sinh tồn. Chính lòng tham muốn ích kỷ, tâm luyến ái vô độ lượng, vô trật tự và sự bám níu đam mê vào những sự vật trên thế gian đã lôi cuốn và đẩy đưa con người trôi giạt đó đây trong đại dương của đời sống.
Đó là tác động của ái dục ở trong con người dưỡng nuôi nó. Còn tác động của nó ở bên ngoài người ôm ấp nó, ở người khác thì sao? Đức Phật dạy:
"...Quả thật vậy, này chư Tỳ Khưu, do ái dục vua này gây chiến với vua kia, hoàng tử với hoàng tử, tu sĩ với tu sĩ, dân với dân, mẹ gây gỗ với con, con gây mẹ, cha cãi vã với con, con cãi cha, anh chị với em, em với anh chị, bạn bè với bạn bè."Trong bài "The Significane Of The Four Noble Truths", đạo hữu Gunaratne viết:
"Ái dục là một thúc đẩy hùng mạnh, một thúc đẩy nguy hiểm, tai hại. Ái dục là nguyên nhân hầu hết những tệ hại trên đời. Hầu hết những xáo trộn chính trị trong nhiều quốc gia, những vấn đề xã hội và kinh tế rất phiền phức chỉ có thể giải thích được bằng ảnh hưởng nguy hại của tanha. Ái dục vị kỷ là động cơ chính yếu đưa đến hầu hết những cuộc tranh chấp và thúc đẩy mọi cố gắng của con ngừơi mê muội.
"... Đôi khi trong ái dục, sự biểu hiện của lòng vị kỷ có phần lộ liễu, hiển nhiên. Lắm khi rất tế nhị.
"... Tình thương không mấy khi không đượm nhuần tính chất vị kỷ. Đó là một thứ tình thương thiết tha mong muốn được nhận ra và đòi hỏi được đáp lại. Tóm tắt, đó là tự thương mình, là tình thương của mình đối với mình. Trong phần lớn các trường hợp , người này thương người kia là để tự thương mình nhiều hơn, là bởi vì mình thiết tha mong muốn tự cho mình cái vui được thương người và cái vui được người thương trở lại. Như vậy, tiềm tàng dính liền theo tình thương người có một ẩn ý tự thỏa mãn và tình thương kẻ khác chỉ là tình thương mình trá hình."
"Ái dục sanh sầu muộn. Ái dục sanh lo sợ. Người đã trọn vẹn dập tắt ái dục không còn sầu muộn, càng ít lo sợ." (Kinh Pháp Cú, câu 216)Để khuyên dạy một vị Tỳ Khưu vô lễ, mặc dầu thông suốt Giáo Pháp nhưng lòng còn chứa đầy ái dục, và kiêu mạn khinh rẻ các vị khác Đức Phật thốt ra Phật ngôn:
"Trên thế gian này sầu muộn của người bị khát vọng khắn khít và đê hèn tràn ngập sẽ sinh sôi nẩy nở như cỏ birana được tưới nước đầy đủ. Sầu muộn sẽ tách rời người đã khắc phục ái dục bất trị và đê hèn ấy như giọt nước rời lá sen. Điều này, Như Lai dạy các con: May mắn thay cho tất cả các con, những người tụ họp tại đây! Hãy đào xới ái dục tận gốc rễ như người ta đào lấy rễ ngọt của cỏ birana. Chớ để Ma Vương mãi mãi đè bẹp các con như trận lụt làm rạp đám lát." ( Kinh Pháp Cú, câu 335-337)Một lần khác, trong lúc đi dài theo đường Đức Phật trông thấy một con heo nái. Ngài mỉm cười. Đức Ananda nhìn thấy một vừng hào quang phát tủa ra từ miệng Đức Phật liền bạch hỏi, "Bạch hóa Đức Thế Tôn, vì lý do nào Ngài mỉm cười?" (1), Đức Phật trả lời: " Này Ananda, nhìn con heo nái kia, trong thời kỳ Đức Phật Kakusandha heo nái kia là một con gà mái, thường sống quanh quẩn trong chùa.
"Hàng ngày gà tìm thức ăn bên ngoài chánh điện trong khi một nhóm Tỳ Khưu tu thiền đọc lên những bài kinh về thiền minh sát. Chỉ nhờ nghe được âm thanh mà không hiểu ý nghĩa lời kinh nên sau khi chết, gà tái sanh vào hoàng cung làm công chúa có tên là Ubbari.
"Ngày nọ Công Chúa Ubbari nhìn thấy một đống giòi. Ngay lúc ấy bà liền gom tâm, quán niệm về đống giòi và đắc Sơ Thiền. Trong phần còn lại của kiếp sống ấy bà sống trong Sơ Thiền và, do đó sau khi qua đời, tái sanh vào cảnh Trời. Lúc tuổi thọ ở cảnh Trời chấm dứt, nghiệp lực tốt đã hết. Vì trong một tiền kiếp xa xôi bà mê say đắm chìm trong ái dục, do hậu quả của nhiều kiếp xấu đã gieo nay trổ sanh, bà tái sanh trở lại làm heo nái. Khi nghe Đức Phật thuật lại lý lịch con heo nái như vậy chư Tăng lấy làm xúc động, nhận thức rằng cho đến khi thành đạt Đạo quả Tu Đà Hườn cuộc thênh thang trong vòng luân hồi quả là bất định. Nhân cơ hội Đức Phật truyền dạy:
"Như cái cây mà rễ còn vững chắc và không bị động đến mặc dầu bị đốn ngã, vẫn còn đâm chồi nở tược, cùng thế ấy, bao giờ lòng ái dục tiềm ẩn chưa bị tận diệt, sầu muộn ấy còn phát sanh trở đi trở lại triền miên." ( Kinh Pháp Cú, câu 338)Ngài giảng về hậu quả tai hại của ái dục như sau:
"Dòng ái dục tràn ngập khắp nơi. Loài dây leo ái dục đâm chồi và bám vững (đeo níu theo lục trần). Đã thấy loài dây leo đâm chồi, hãy dùng trí tuệ bứng tận gốc rễ."ảo kiến" Bên trong chúng sanh, hỷ lạc phát khởi và cuồn cuộn chảy trôi theo ngũ trần và những chúng sanh ấy đam mê say đắm trong ái dục. Nghiêng ngã theo dục lạc, họ đi tìm thỏa thích. quả thật vậy, người như thế đi đến sanh rồi đến hoại."
"Kẻ bị phủ vây trong ái dục kinh hoàng như thỏ nằm trong rọ. Bị thằng thúc và những trói buộc tham ái, sân hận, si mê, ngã mạn và tà kiến xiết chặt, kẻ ấy còn đau khổ triền miên lâu dài." (Kinh Pháp Cú, câu 340, 342).
Từ xa xôi trong quá khứ ta bị màn vô minh che lấp và đám mây mù si mê bao phủ làm cho tâm không thấy được Chân Lý của vạn pháp. Thấy bóng ta tưởng hình, thấy ảo tưởng thực, thấy những giọt nước kế tiếp trôi chảy gọi là con sông, thấy những hột cát chồng chất trải dài xem đó là bãi biển, một thực thể đơn thuần nguyên vẹn, thấy những tế bào, những nguyên tử, những điện tử giả hợp cho đó là con người, người nam hay người nữ, anh, chị hay tôi, rồi chấp thủ vào cái "Tôi" ấy.
Khi người Phật tử quán trạch bản thân mình một cách sâu sắc và rốt ráo thì nhận thức rằng con người là sự cấu hợp của hai thành phần, vật chất và tâm linh, sắc và danh. Phần vật chất, thân hay sắc, không phải là một thực thể đơn thuần, nguyên vẹn, không biến đổi mà là một tiến trình luôn luôn tiếp diễn, luôn luôn trở thành một cái gì khác. Phần tâm linh bao gồm thọ, tửơng , hành, thức, chuyển biến càng mau lẹ hơn.
Bốn loại hiện tượng tâm linh -- thọ, tưởng, hành, thức -- hợp với một hiện tượng vật lý, sắc, là sự kết hợp vô cùng phức tạp của năm thành phần cấu tạo chúng sanh. Mỗi cá nhân đều do năm uẩn cấu thành. Trong khi những thành phần của năm uẩn ấy luôn luôn biến đổi thì có cách nào sự tổng hợp của năm uẩn, tức con người, lại không biến đổi từng khoảnh khắc. Trong hai khoảnh khắc kế tiếp không thể có một người nguyên vẹn không đổi thay bởi vì trong người ấy có thành phần vật chất lẫn thành phần tâm linh đều không ngừng biến đổi. Khi tôi viết trên gĩay hai chữ "tôi viết" thì người viết chữ "viết" đã không còn là người viết chữ "tôi", vì trong thời gian giữa lúc tôi viết chữ đầu và chữ sau bao nhiêu thay đổi, cả vật chất lẫn tinh thần, đã xảy diễn bên tôi. Đức Phật dạy, "Na ca so, na ca anno", không tuyệt đối là một người, cũng không hẳn là hai người hoàn toàn khác biệt vì cả hai đều nằm trong một tiến trình sống, một dòng sinh tồn. Chỉ có một luồng sống, một diễn tiến của đời sống hay một sự liên tục.
Tuy nhiên, sự liên tục đổi thay này đã xảy ra nhanh chóng đến độ ta không thể phân biệt một cách hiển nhiên. Chính hai yếu tố liên tục và nhanh chóng đã làm cho ta lầm tưởng có một thực thể đơn thuần không biến đổi.
Một cây nhang cháy trong đêm tối chỉ là một đốm sáng. Khi cây nhang được quay nhanh theo một vòng tròn thì ta thấy một vòng ánh sáng. Trong thực tế không có vòng tròn ánh sáng mà chỉ có một điểm sáng di chuyển liên tục và nhanh chóng theo vòng tròn.
Xem chớp bóng, ta thấy cảnh vật di động trên màn ảnh, nhưng thực ra chỉ có những bức ảnh riêng biệt liên tục tiếp diễn theo một tốc độ nào và cho ta cảm giác đang nhìn một loại hoạt cảnh liên tục.
Cùng thế ấy, vì sự biến đổi liên tục của những thành phần ngũ uẩn nhanh chóng nên ta có cảm tưởng như có những thực thể đơn thuần, nguyên vẹn, không biến đổi, gọi là người, anh, tôi, thú v.v...
Thực ra toàn thể tiến trình của những hiện tượng tâm vật lý ấy luôn luôn trở thành rồi tan rã, sanh rồi diệt. Không thể có cái gì bền vững thường còn mà ta có thể gọi là "Ta" hay "Của Ta", hay một linh hồn trừơng cửu, một bản ngã vĩnh tồn.
Đức Phật dạy:
"Như có người kia không phải mù lòa, đi dài theo sông Ganges (Hằng), trông thấy bong bóng nước trên mặt sông, nhìn lại kỹ và quan sát tận tường. Sau khi quan sát tận tường người ấy thấy rằng bên trong bong bóng thật trống rỗng, không có thực chất, không có thể chất vững bền. Cũng dường thế ấy vị Tỳ Khưu trông thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức trong quá khứ, trong hiện tại hay ở vị lai, bên trong hay ở ngoài, thô kệch hay vi tế, cao thượng hay thấp hèn, xa hay gần, và vị Tỳ khưu nhìn lại kỹ càng và quan sát tường tận ngũ uẩn. Sau khi quan sát ngũ uẩn một cách tận từơng vị tỳ khưu thấy nó rỗng không, không thực, không có thực chất vững bền...Nhưng vì mãi bị màn vô minh che lấp, người đời xem đó là "Ta", là tự ngã của ta."Sắc giống như một khối bọt, thọ như bong bóng nước, tửơng như một ảo cảnh, hành mỏng manh như tàu lá chuối, thức như trò ảo thuật." (Samyutta Nikaya, Tạp A Hàm)
Một câu chuyện thuật rằng có người kia nhà nghèo, sống với đứa con nhỏ trong một túp lều tranh ở ngoại ô thành phố. Hôm nọ anh đi làm, để con ở lại nhà. Một tên gian manh, thừa lúc vắng người lớn vào nhà định vơ vét tài vật. Nhưng khi lục soát cùng khắp mà không thấy gì đáng giá thì anh ta tức giận, nổi lửa đốt nhà và dắt luôn đứa bé theo.
Khi đi làm về người cha nghèo thấy nhà cửa chỉ còn là một đống tro, còn con thì đâu mất. Tin chắc rằng con mình đã bị chết thiêu trong đám hỏa hoạn, anh moi đống tro tàn để tìm những gì còn lại của đứa con yêu qúy và bỏ vào bị. Từ đó anh luôn luôn mang theo mình cái bị và trum trủm giữ gìn như một bảo vật, lúc ngủ cũng để bên mình và hết lòng thiết tha trìu mến.
Ngày tháng trôi qua. Đứa bé lớn lên, tìm cách trốn thoát tên gian manh, tìm về với cha. Người cha đang ở trong nhà, thấy có chàng thanh niên đến và tự giới thiệu là con anh thì lấy làm ngạc nhiên, quả quyết phủ nhận: " Em nào phải là con tôi, tôi chỉ có một con". Rồi anh chỉ vào bị khẳng định, đây là con tôi. Anh nhất quyết như vậy. Không làm sao giải thích cho anh biết rằng đó chỉ là tưởng tượng , kỳ thực tro kia không phải là con anh.
Nghe qua câu chuyện ta có thể nghĩ rằng anh kia quá dại dột, quả thật là mê lầm. Đúng vậy. Nhưng bất hạnh thay! Hầu hết chúng ta là như vậy -- vì thế chúng ta còn quanh quẩn ở đây.
Chúng ta mãi mãi ở trong ảo mộng mà cho đó là thực tế. Chúng ta sống với những quy ước và những khái niệm và quả quyết rắng đây là "Ta", kia là cha, là mẹ, là anh, chị cô, bác, họ hàng thân thuộc "Của Ta", nhà cửa "Của Ta", xe cộ "Của Ta" v.v... trong khi
"...chính thân này còn không phải là của ta thì con cái nào là của ta, sự nghiệp nào là của ta?" ( Kinh Pháp cú, câu 62)Chắc mỗi người trong chúng ta còn nhớ rằng lúc thiếu thời, vào một buổi chiều nào đó, chúng ta nhìn lên trời thấy một cái móng (cầu vồng) màu sắc rực rỡ, đóng trên một vừng mây. Lúc ấy chúng ta rất cảm kích, tửơng chừng như mình có thể đến gần và sờ nắm được cái móng, vì nó rành rành còn hơn rặng cây mờ mờ trong đám khoí ở phiá sau . Trên thực tế, nó không có gì là thực chất mà chỉ là những làn ánh sáng chiếu suyên qua hằng triệu, hằng tỷ tỷ giọt nước ly ty, vởn vơ trong không gian. Từ thuở ấy đến nay còn biết bao nhiêu lần khác, trong bao nhiêu trường hợp khác nhau ta lầm tưởng giả là thật. Hằng ngày, vào buổi sáng ta thấy mặt trời lú lên từ chân trời ở hướng Đông, và buổi chiều sụp xuống ở hướng Tây. Một cách quy ước ta nói rằng mặt trời mọc buổi sáng và lặn buổi chiều. Thực ra, và ta hiểu rõ như vậy, không có mặt trời mọc và mặt trời lặn mà chỉ có quả địa cầu, vừa xoay vần theo một trục vừa vận chuyển quanh mặt trời.