- Dẫn nhập
- Tránh đau khổ
- Tìm hạnh phúc
- Nguyên nhân sanh khổ
- Ái dục bắt nguồn từ đâu?
- Thập nhị nhân duyên
- Ái dục là gì?
- Tai hại của ái dục ảo kiến
- Thoát ra khỏi vòng sanh tử
- Con đường cũ xa xưa: Bát Chánh Ðạo
- Chánh kiến
- Chánh tư duy
- Chánh ngữ
- Chánh nghiệp
- Chánh mạng
- Chánh tinh tấn
- Chánh niệm
- Chánh định
- Ðặc tánh của Con đường
- Bằng cách nào Bát Chánh Ðạo là Con đường Giải thoát?
- Minh hạnh
(Bát Chánh Đạo)
Phạm Kim Khánh
Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ 1993
Phần 1
Ái dục bắt nguồn từ đâu?
Con người có sáu cửa để ngoại cảnh thâm nhập vào gọi là lục nhập hay lục môn. Sáu cửa này tác động qua lục căn là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý và có sáu đối tượng là sắc thinh, hương, vị, xúc, pháp, mỗi cửa mỗi đối tượng.
Trong bộ Trường A Hàm (Dĩgha Nikàya) có đoạn:
"Ái dục bắt nguồn từ đâu và phát sanh ở đâu? Nơi nào có thỏa thích và dục lạc, nơi đó có ái dục bắt nguồn và phát sanh. Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp có thỏa thích và dục lạc. Vậy ái dục bắt nguồn từ đó và phát sanh ở đó."
Khi mắt (nhãn căn) tiếp xúc với một hình thể, (nhãn trần) tức có sự thấy (nhãn thức). Khi tai (nhĩ căn) tiếp xúc với một âm thanh (nhĩ trần) tức có sự nghe (nhĩ thức) v.v... Thấy những hình sắc đẹp, nghe những âm thanh êm dịu hay những lời khen tặng, ngửi những mùi thơm, nếm những món ngon vật lạ, thọ hưởng những cảm xúc dễ chịu hay có những ý nghĩ tốt đẹp thì ta ưa thích, luyến ái, bám níu v.v... những hình ảnh khác nhau của ái dục. Trái lại, những hình sắc ghê tởm, những âm thanh nghịch nhĩ, những mùi hôi thúi v.v... làm cho ta khó chịu, ghét bỏ, xua đuổi.
Dầu ưa thích hay ghét bỏ, ta vẫn giữ trong lòng. Ưa thích thì ôm vào giữ chặt lại, còn ghét bỏ thì xua đuổi, đẩy ra. Ôm vào hay đẩy ra, nó vẫn ở trong tâm mình và từ trong tâm, biểu hiện ra bằng hành động và lời nói. Chính thân, khẩu, ý tạo nghiệp và đưa đẩy ta lạc lối trong khu rừng mênh mông đầy chông gai và đá nhọn gọi là đời sống của muôn loài vật.
Ta gọi là lục thức, sáu sự hay biết xuyên qua lục căn, nhưng trong thực tế nó chỉ là cái tâm, một cái tâm xuất hiện ở sáu nơi. Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), không có sự khác biệt giữa các danh từ citta (tâm), nãma (danh), mana (ý) và vinnãna (thức). Khi phân tách cái được gọi là chúng sanh làm hai phần thì phần tinh thần, tức phần tâm linh, được gọi là danh (nãma). Khi phân cái được gọi chúng sanh làm năm uẩn (pancakkhandha) thì phần ấy được gọi là thức, (vinnãna, thức uẩn). Còn danh từ citta thì luôn luôn được dùng khi đề cập đến những loại tâm khác nhau. Trong những trường hợp lẻ loi, theo nghĩa thông thường của tâm, cả hai danh từ citta và mana thường được dùng.
Như vậy ái dục phát sanh từ trong tâm. Nhìn và quan sát tâm tức là ghi nhận (có trí nhớ) và hiểu biết rõ ràng bản chất của đối tượng khi nó phát sanh ở một trong sáu căn.
Khi lục căn tiếp xúc với lục trần chỉ có sự thấy hình thể, sự nghe âm thanh v..v... mà thôi. Chính ý căn nhận ra, hiểu biết đối tượng và do ảnh hưởng của luồng nghiệp ngủ ngầm (ansaya), vốn mang theo với nó những khuynh hướng tâm tánh của ta từ vô lượng kiếp ta có những hành động và lời nói như thế nào
Thí dụ như người Phật tử thuần thành, khi thấy một pho tượng Phật thì hồn nhiên chắp tay hay khấu đầu đảnh lễ. Mắt người ấy tiếp xúc với pho tượng. Có sự thấy. Ý nhận ra đó là pho tượng Phật. Tâm tánh ngủ ngầm trong luồng nghiệp (anusaya) thúc dục anh ta đảnh lễ. Trong một trường hợp khác, khi anh nọ thấy một người mà trứơc kia anh vẫn có ác cảm. Lóng ác cảm vẫn còn ngủ ngầm trong luồng nghiệp. Giờ đăy hình sắc kia khiêu gợi khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm, thúc đẩy anh có những hành động và lời nói kém thân thiện.
Vì vô minh, không thấy đúng sự thật, chúng ta đồng hóa lục căn với "Ta", xem mắt, tai, mũi v.v... là "Ta", chúng ta tự đồng hóa với ngũ uẩn, xem sắc, thọ, tưởng, hành, thức là ta rồi chấp thủ, khư khư bám chặt lấy cái "Ta " ấy và những cái gì gọi là "Của Ta". Ta không nhận thức rằng cái gọi là "Ta" ấy chỉ là sự kết hợp của năm uẩn, và mỗi uẩn lại là sự kết hợp của nhiều thành phần luôn luôn biến đổi. Không có gì đơn thuần nguyên vẹn và thường còn y hệt trong hai khoảnh khắc kế tiếp mà có thể gọi là "Ta". Nhưng ta vẫn chấp nhận thân này là "Ta", là "Của Ta", mắt này là của ta và nói "Tôi thấy" , "Tôi nghe", "Tôi đánh mùi" v.v... Ta cũng chấp nhận cảm giác "Thọ uẩn " này là "Ta" hay "Của Ta" và nói "Tôi vui", Tôi buồn" , cái buồn hay cái vui ấy là "Của Tôi" v.v... Do đó, mắt muốn thấy hình sắc đẹp. Tai muốn nghe âm thanh êm dịu, Mũi muốn ngửi mùi thơm tho, lưỡi muốn nếm món ngon vật lạ, thân muốn cảm xúc về nhục dục và tâm muốn có những cảm nghĩ dễ chịu, những tư tưởng làm thỏa mãn giác quan.
Thử lấy một thí dụ: Loại ái dục đầu tiên phát sanh do nhãn quan. Rất khó mà kiểm soát và thu thúc nhãn căn, bởi vì bao nhiêu hình sắc đẹp đẽ của ngoại cảnh luôn luôn sẵn sàng làm cho ta xao xuyến. Đức Phật dạy rằng trên đời không có chi làm cho tâm một người đàn ông chao động dễ dàng bằng hình dáng của người đàn bà. và không có chi làm cho tâm người phụ nữ rung động dễ dàng bằng hình dáng của người đàn ông. Lịch sử nhân loại đã từng chứng tỏ rằng bao nhiêu cơ đồ đã bị sụp đổ và bao nhiêu công nghiệp đã suy tàn chỉ vì sắc đẹp. Cũng vì lẽ ấy mà Đức Phật hằng khuyên dạy hàng tín đồ nên luôn luôn cẩn mật thận trọng trong việc kiểm soát nhãn quan, như người lính gác cửa thành, từng phút, từng giây canh chừng quân địch. Một khoảnh khắc lơ đễnh có thể gây hậu quả vô cùng tai hại.
Mắt bị rung động vì hình sắc, tai bị cảm xúc vì âm thanh, mũi bị kích thích vì hương, lưỡi vì vị. Thân của ta cũng là một nhịp cầu để cho ngoại trần thâm nhập và làm say mê sa đọa. Tâm hay ý, cũng bị ảnh hưởng xấu xa của những tư tưởng tham ái.
Vào thời Đức Phật có những người phạm tội ác như cướp của giết người hay phá khuấy dân cư, bị dẫn đến vua xứ Kosala. Vua truyền lệnh dùng dây thừng, dây gai, xích trói các tội nhân ấy. Lúc bấy giờ có ba mươi vị sư từ thôn quê đến hầu Phật, vào đảnh lễ Ngài xong xin kiếu về tịnh thất.
Qua này hôm sau các vị sư ấy vào thành Savatthi (Xá Vệ) trì bình, đi ngang qua khám đường và thấy các tù nhân. Lúc trở về chùa, vào buổi chiều các vị đến hầu Phật, và bạch hỏi Ngài, "Bạch Hóa Đức Thế Tôn, hôm nay trong khi đi trì bình chúng con đi ngang qua khám đường, thấy các tù nhân bị trói bằng dây thừng, dây gai và xích lại. Trông hình như họ đang chịu đau khổ vô cùng. Họ không thể phá vỡ gông cùm để thoát thân. Bạch Hóa Đức Thế tôn, có chăng những trói buộc chặt chẽ hơn?"
Đức Phật giải thích: "Này chư Tỳ Khưu, các dây trói buộc ấy thật không chặt chẽ đâu, nếu so sánh với những trói buộc của đam mê xấu xa đê tiện, trói buộc của ái dục, trói buộc của lòng luyến ái, bám niú vào tài sản, sự nghiệp, con cái, vợ chồng. Đó là trói buộc cả trăm lần, hơn nữa, cả ngàn lần chặt chẽ và vững chắc hơn các loại dây mà các con thấy. Tuy nhiên, dầu các trói buộc ấy có chặt chẽ đến đâu, bậc thiện tri thức vẫn phá vỡ được."
Và Ngài dạy: "Dây làm bằng sắt, gỗ hay gai, ràng buộc không bền chặt. Bậc thiện tri thức dạy như thế. Dây luyến ái bám niú vào kim cương, đồ trang trí vợ, con, là trói buộc bền chặt hơn nhiều.
"Trói buộc ấy thật bền chặt, bậc thiện tri thức dạy như vậy. Nó kéo trì xuống, mềm mỏng dịu dàng, nhưng rất khó tháo gỡ. Chính dây ấy, nguời thiện tri thức cũng cắt lìa và từ bỏ thế gian, không luyến ái và từ khước mọi dục lạc." (Kinh Pháp Cú, câu 345 và 346)
Trong quyển Paticca Samupàda, Pháp Tùy Thuộc Phát Sanh, Đại Đức Piyadassi viết:
"Con người luôn luôn bị thích thú và dục lạc thu hút. Trong khi mưu tìm thích thú và dục lạc con người không ngừng chạy theo và cố bám lấy những đối tượng tương ứng của lục căn (tức là lục trần). Nhưng ít khi con người nhận thức rằng không có số lượng sắc, thinh, hương, vị, xúc. pháp nào có thể hoàn toàn thỏa mãn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, hay ý. Trong khi mãnh liệt khát khao được có quyền sở hữu, hay được thỏa mãn tham vọng con người càng tự ràng buộc mình vào bánh xe luân hồi, càng bị dày vò xô xát và khổ sở quằn quại, vướng mắc trong những cây căm của vòng bánh xe."