Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

140. Kinh Giới Phân Biệt

19/05/202011:36(Xem: 10916)
140. Kinh Giới Phân Biệt

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]


140. Kinh GIỚI PHÂN BIỆT

( Dhàtuvibhanga sutta )

 

Như vậy, tôi nghe :

 

          Một thời, Đức Thế Tôn Giác Giả          

          Ngự đến Ma-Ga-Thá, tức là

              Vương quốc tên Ma-Kiệt-Đà,  (1)

       Vương Xá – Ra-Chá-Ga-Ha (2) Thành này.

 

          Một hôm Ngài đến nhà của gã

          Phất-Ga-Vá (3) thợ gốm, nói là :

 

        – “ Này thợ gốm Phất-Ga-Va !

       Nếu không phiền phức việc nhà của ông,      

          Ta muốn ở chỗ ông một tối ”.

 

     – “ Xin hãy tới, bạch Đức Phật Đà !

              Không gì phiền phức xảy ra,

       Nhưng có một vị xuất gia trước rày

          Đã ở đây, và nếu vị ấy

          Thỏa thuận, thì Ngài hãy tự nhiên ”.

 

              Lúc ấy Tăng-sĩ thanh niên

       Thiện gia nam tử do duyên tín thành

          Y cứ vào tịnh thanh Phật Bảo

          Đã từ bỏ gia đình, xuất ly

              Tên là Búc-Kú-Sa-Ti    (4)

    ____________________________

 

    (1)& (2) : Thành Vương Xá – Rajagaha thuộc vương quốc Ma-

         Kiệt-Đà – Magadha của vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la)  và

         sau là  vua  Ajatasattu (A-xà-thế).

(3) : Người thợ gốm tên Bhaggava. . (4) : Tăng Sĩ tên Bukkusati.

 

       Vị ấy đến trước, hiện thì trú đây.

          Đức Như Lai đến gặp Tăng-sĩ

          Là Búc-Kú-Sa-Tí, hỏi y :

 

        – “ Tỷ Kheo ! Nếu không có gì 

       Khiến cho phiền phức hành trì của ông

          Ta muốn ở đây trong một tối ”.

 

     – “ Không có gì bất lợi cho tôi.

              Trú xứ cũng rộng rãi thôi !

       Tôn-giả có thể dạ thời ở đây ”.

 

          Đức Thế Tôn bước ngay vào chỗ

          Thuận tiện rồi trải cỏ ngồi lên,

              Kiết già lưng thẳng tâm yên

       An trú chánh niệm suốt đêm như vầy.

 

          Tăng-sĩ này – Búc-Kú-Sa-Tí  

          Cũng chăm chỉ ngồi thiền như Ngài.

              Thế Tôn suy nghĩ như vầy :

    “ Vị thiện gia nam tử này xem ra

          Có vẻ tín thành và tinh tấn

          Nay Ta nên phỏng vấn vị này ”.

              Rồi Ngài hỏi Tăng-sĩ ngay :

 

 – “ Tỷ Kheo ! Y cứ vào ai để mà  

          Ông xuất gia ? Đạo Sư ai vậy ?

          Ông chấp nhận pháp dạy của ai ? ”. 

 

        – “ Thưa Hiền-giả ! Đó là Ngài

       Kiều Đàm Thích tử sâu dày, tinh hoa

          Xuất gia từ Thích Ca vương tộc

          Tiếng đồn tốt đã được truyền đi :

              Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri,

       Bậc Minh Hạnh Túc, bậc Tri & Kiến toàn

          Bậc Thiện Thệ, Thế Gian Giải quý,

          Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, 

              Bậc Thế Tôn, Thiên Nhân Sư,

       Phật Đà Toàn Giác đại từ vị tha.

          Nên tôi đã xuất gia, y cứ

          Bậc Thế Tôn Điều Ngự tuyệt vời,

              Ngài là Đạo Sư của tôi,

       Tôi chấp nhận pháp từ nơi Phật Đà ”.

 

    – “ Tỷ Kheo ! Vị Đại A-La-Hán

          Chánh Đẳng Giác trú xứ đâu là ? ”.  

 

        – “ Thưa Hiền-giả ! Đức Phật Đà

       Tại nơi Chê-Tá-Vá-Na – Kỳ Hoàn

          Thành Xá-Vệ Ngài đang an trú ”.

 

    – “ Này Phích-Khú ! Ông đã thấy qua

              Bậc Thế Tôn, đấng Phật Đà ?

       Nếu thấy, ông có nhận ra chính Ngài ? ”.

 

    – “ Thưa Hiền-giả ! Tôi đây chưa thấy,

          Và nếu thấy, tôi không nhận ra ”.

 

              Đức Thế Tôn suy nghĩ là :    

     “ Thiện gia nam tử xuất gia như vầy

          Y cứ vào Như Lai tín mãn

          Vậy Ta hãy thuyết giảng cho y ”.

              Ngài bảo Búc-Kú-Sa-Ti :

 

 – “ Hãy nghe, nghiệm kỹ những gì nghe đây ”.

 

    – “ Thưa Hiền-giả ! Xin Ngài hãy giảng ”.

          Tăng sĩ này ngoan ngoãn vâng theo.

              Phật liền giảng : “ Này Tỷ Kheo !

       Sáu giới, xúc xứ cũng đều sáu sanh,

          Bốn thắng xứ, ý hành thập bát,    ( 18 )

          An trú đạt, vọng tưởng đứng yên,

              Vọng tưởng không chuyển động, liền

       Vị ấy sẽ được gọi riêng là vì

         ‘Ẩn sĩ tịch tịnh’ khi hành thế.

          Chớ buông lung trí tuệ mọi thì

              Chân đế phải được hộ trì,

       Tăng trưởng huệ thí, hành trì chánh chân,

          Hãy tịch tịnh tu. Phần tổng thuyết

          Về ‘sáu giới phân biệt’ là đây.

 

              Tỷ Kheo ! Khi được nói vầy :

      ‘Người này có sáu giới’ đây, do gì

          Được nói đến điều ni như vậy ?  

          Địa & thủy & hỏa giới ấy, cùng là

              Phong & không & thức giới kể ra,

       Bảo : ‘Người có sáu giới’ là duyên đây.

 

          Được nói đến như vầy, thứ tự :

         ‘Người có sáu xúc xứ’, duyên gì

              Mà được nói đến như vầy ?

       Nhãn & nhĩ & tỳ-xúc-xứ hay các phần

          Thiệt-xúc-xứ và thân-xúc-xứ,

          Ý-xúc-xứ. Do duyên như vầy.

 

              Khi được nói đến điều đây :  

       Có ‘mười tám ý hành’ này, do đâu ?

          Do duyên gì nói vào như vậy ?

          Khi mắt thấy sắc, chạy theo ngay

              Chỗ trú xứ của hỷ này,

       Theo sắc, chỗ trú xứ rày của ưu,

          Chạy theo sắc, chỗ lưu trú xả.

 

          Khi tai nghe tiếng lạ, du dương 

              Hay khi mũi ngửi mùi hương

       Hoặc lưỡi nếm vị, thân thường xúc thôi !

          Ý nhận thức pháp, rồi người ấy

          Cứ chạy mãi theo lục trần này

              Chỗ trú xứ hỷ, ưu – hay

       Chỗ trú xứ của xả đây. Như vầy

          Có sáu hỷ hành , hay có cả

          Sáu ưu hành, sáu xả hành vầy.

 

              Khi được nói đến : ‘Người này

       Có mười tám ý hành’ đây, chính là  

          Do duyên này nói ra như vậy.

 

          Khi nói đến : ‘Người ấy có ngay

              Bốn thắng xứ’, do sao vầy ?

       Là Tuệ & Đế-thắng-xứ đây, cùng là

          Huệ-thí và Tịch-tịnh-thắng-xứ.

          Nói : ‘Có bốn thắng xứ’ chính là

              Do duyên này được nói ra.

 

       Này Chúng Tăng ! Khi nói qua điều là :

         ‘Chớ có mà buông lung trí tuệ’,

         ‘Hãy hộ trì chân đế’, cùng là

             ‘Hãy tăng trưởng huệ thí’, và

      ‘Tu học tịch tịnh’. Sao là duyên trong ?

          Sao là không buông lung trí tuệ ?

          Có sáu giới được kể, đó là

              Địa & thủy & hỏa giới, cùng là

       Phong & không & thức giới. Sao là ‘đất’ đây ? 

          Có nội địa giới này và có

          Ngoại địa giới. Điều đó thế nào

              Là ‘nội địa giới’ thuộc vào ?

       Cái gì thuộc nội thân, vào cá nhân

          Kiên cứng phần, thô phù, chấp trước     

          Như băm hai thể trược, kể qua

              Là tóc, lông, móng, răng, da,

       Thịt, gân, xương, tủy, ruột già, ruột non,

          Hoành cách mô và còn  tim, thận,

          Gan, lá lách, phổi, phẩn vân… vân…

              Và các vật khác thuộc phần

       Nội thân hoặc thuộc cá nhân, thô phù,

          Cứng chắc, bị khư khư chấp thủ

          Gọi đầy đủ ‘nội địa giới’ vầy.

              Những gì thuộc hai giới này

       Đều thuộc địa giới, hiểu ngay như vầy.

           Địa giới này phải quán sát với

          Như thật, bởi chánh trí tuệ, thời :

             ‘Cái này không phải của tôi’,

      ‘Cái này không phải là tôi’, đồng thời

         ‘Nó không phải của tôi, tự ngã’.

 

          Sau khi đã quán sát như chân

              Địa giới với trí tuệ, dần

       Sanh yểm ly đối với phần đất đây.

          Và tâm từ-bỏ ngay địa giới.

 

          Các Tỷ Kheo ! Thủy giới thế nào ?

              Thủy giới có hai loại sau :

       Nội & ngoại-thủy-giới thuộc vào nội thân,

          Thuộc cá nhân, thuộc chất lỏng, nước

          Bị chấp trước. Như mật, máu – rồi

              Mủ, mỡ, nước mắt, mồ hôi,

       Nước miếng, nước mũi, nước nơi khớp gì,

          Nước tiểu và bất kỳ vật khác

          Thuộc nội thân, nước hoặc lỏng vầy.

 

              Thế nào hỏa giới ở đây ?  

       Nội & ngoại-hỏa-giới cả hai, thuộc về

          Nội thân và thuộc về chất lửa

          Chất nóng chứa, bị chấp thủ ngay

              Như thân nhiệt hâm nóng này

       Khiến cho hủy hoại, đêm ngày đốt thiêu

          Khiến cho nhiều vật ăn, uống cả

          Nhai, nếm… khéo tiêu hóa, lưu thông.

              Đó là hỏa giới ở trong               ( nội hỏa giới )

       Cả hai hỏa giới thuộc trong hay ngoải   

          Thì cả hai đều thuộc hỏa giới.

 

          Còn phong giới được hiểu thế nào ?

              Nội & ngoại phong giới thuộc vào ?

       Về nội-phong-giới thế nào giải phân ?

          Thuộc nội thân, cá nhân, thuộc gió,

          Thuộc tánh động và có chấp nê.

              Như gió thổi trong nhiều bề

       Thổi lên thổi xuống tràn trề khắp thân,

          Gió trong ruột xuống dần bụng dưới,

          Thổi ngang tới các đốt, khớp xương,

              Hơi thở vô, ra thường thường

       Và mọi vật khác cũng dường như phong,

          Đây được gọi ‘nội phong giới’ đấy.

          Những gì thuộc nội & ngoại phong đây

              Đều thuộc phong giới như vầy.

 

       Sao là hư-không-giới này nêu ra ?

          Thế nào là nội hư không giới ?

          Cái gì mà nói tới nội thân,

              Thuộc hư không, thuộc cá nhân,

       Thuộc hư không tánh, bị phần chấp ngay

          Như lỗ tai, lỗ mũi, cửa miệng,

          Cái gì khiến ăn, uống, nuốt, nhai.

              Tại chỗ những gì được nhai,

       Được giữ lại, ngang qua vài nơi đâu.

          Những gì sau được ăn, được uống,

          Được nếm, được tống xuất xuống phần

              Bên dưới để thải khi cần,

       Và bất cứ vật thuộc phần ở trong

          Thuộc hư không, thuộc hư không tánh

          Và bị chấp thủ mạnh, nặng nề,

              Nội hư không giới thuộc về.

       Nội & ngoại hư không giới bề ngoài, trong

          Đều thuộc về hư không giới cả.

 

          Hư không giới được tả ở đây   

              Phải quán sát như-thật vầy

      (Với chánh trí tuệ) : “Cái này thật ra

          Không phải là của tôi, vả lại

          Cái này cũng không phải là tôi,

              Không phải tự ngã của tôi”.    

       Sau khi như thật quán rồi điều ni

          Vị ấy sinh yểm ly đối với  

          Hư không giới, tâm diệt trừ ngay.    

 

              Và lại nữa, Tỷ Kheo này !   

       Khi mà Thức còn lại này tịnh thanh,

          Trong trắng, vị ấy nhanh biết tới

          Một số sự việc bởi thức này.

              Thức tri được lạc & khổ đây,

       Thức tri bất khổ & lạc.  Này Tỷ Kheo ! 

          Lạc xúc, lạc thọ đều duyên khởi

          Khi đang cảm giác bởi thọ vui,

              Tuệ tri rằng : ‘Tôi đang vui’. 

       Do lạc xúc diệt, thọ vui do là

          Lạc xúc mà khởi lên cảm giác,

          Vị ấy biết : ‘Nay lạc thọ này

              Đã diệt đi, chấm dứt ngay’.

 

       Cũng vậy, khổ xúc duyên ngay khổ liền 

          Nều khổ thọ khởi lên, biết rõ :

         ‘Tôi cảm giác khổ thọ’ như vầy.

              Do khổ xúc ấy diệt ngay

       Vị ấy biết : ‘Khổ thọ này diệt theo’.

 

          Bất khổ & lạc xúc đều duyên đó

          Bất khổ bất lạc thọ khởi lên,

              Vị ấy đang cảm giác liền

       Biết là : ‘Tôi cảm giác nên tức thời

          Bất khổ & lạc thọ tôi cảm giác’.   

          Bất khổ & lạc xúc ấy diệt rồi,

              Bất khổ & lạc thọ tức thời   

       Cũng được chấm dứt’. Vị này tuệ tri.

 

          Tỷ Kheo ! Khi có ví dụ khác :

          Hai cây que cọ xát thật nhanh 

              Hơi nóng rồi lửa khởi sanh,

       Khi không cọ xát, que cành phân ly

          Sức nóng, lửa diệt đi, chấm dứt.

          Cũng vậy, duyên lạc xúc, khởi ngay

              Lạc thọ. Và khi vị này

       Đang cảm giác lạc thọ đây, biết rằng :

         ‘Chính tôi đang cảm giác lạc thọ’.

          Và do lạc xúc đó diệt đi

              Vị ấy tuệ tri tức thì :

      ‘Lạc thọ đó được diệt đi’ đồng thì.

          Rồi khổ thọ khởi vì khổ xúc,

          Do khổ xúc chấm dứt, diệt đi

              Khổ thọ cũng diệt tức thì’.

 

      ‘Bất khổ bất lạc thọ’ tùy duyên đây,

          Bất khổ & lạc xúc này chấm dứt

          Thì thọ này cũng dứt, diệt ngay.

              Lại nữa, Xả còn lại đây

       Được trong sạch, trong trắng, đầy nhuyến nhu,

          Dễ uốn nắn, đặc thù chói sáng.

 

          Tỷ Kheo ! Như hiện trạng xảy ra

              Thợ vàng thiện xảo, hay là

       Đệ tử người ấy soạn ngay tức thì

          Cái lò đúc. Sau khi làm vậy

          Thời người ấy đốt lửa miệng lò

              Dùng kềm kẹp miếng vàng to

       Đặt vàng vào tại miệng lò nói trên,

          Thỉnh thoảng y thổi lên một lượt

          Rồi rưới nước lên trên miếng vàng,

              Thỉnh thoảng quán sát kỹ càng

       Vàng ấy đã trở thành vàng sạch đây

          Sáng sủa, gột sạch ngay cho hết

          Các uế tạp, tỳ vết xóa tan,

              Nhu nhuyến, uốn nắn dễ dàng

       Có thể chế biến để vàng thành ra

          Đồ trang sức như là nhẫn, lắc

          Vòng cổ hoặc các thứ bông tai…

              Vàng dùng vào mục đích vầy.   

 

       Cũng vậy, xả còn lại đây được thành

          Nhu nhuyến, trắng, tịnh thanh, chói sáng

          Dễ uốn nắn căn bản như vầy.

              Người ấy liền tuệ tri ngay :

      “Nếu ta tập hợp xả này tịnh thanh

          Và trong trắng an lành vào đấy

          Không Vô Biên Xứ ấy, tu trì,

              Tâm ta tùy theo pháp ni

       Sẵn sàng Xả ấy liền y cứ vào,

          Chấp thủ mau, được an trú lại

          Nơi ta, tại một thời gian dài.

              Nếu ta tập trung xả này

       Trong trắng, thanh tịnh như vầy, an nhiên

          Vào Xứ Thức Vô Biên, tu tập

          Tâm của ta tùy nhập pháp này.

              Xả này y cứ vào đây

       Chấp thủ, an trú lâu dài nơi ta.

 

          Cũng như là Vô Sở Hữu Xứ,  

          Hoặc Tưởng Xứ Phi tưởng phi phi,

              Nếu tập trung xả mọi thì

       Thanh tịnh, trong trắng, chấp trì, trú an

          Nơi ta một thời gian dài vậy”.

 

          Rồi người ấy tuệ tri như vầy :   

             “Nếu ta tập trung xả này

       Thanh tịnh, trong trắng vào ngay các miền :

          Không vô biên & Thức vô biên xứ

          Cùng Vô sở hữu xứ, đồng thì

              Tưởng xứ phi tưởng phi phi,

       Tu tập tâm của ta tùy pháp đây,

          Thời xả này thành Hữu-vi pháp”.

 

          Nhưng vị ấy không tác thành, hay

              Không suy tưởng gì đến ngay

      ‘Hữu’ hoặc ‘phi hữu’. Do vầy vị đây

          Không chấp thủ đời này mọi sự             

          Và chấp thủ không quấy rối gì

              Do chấp thủ không quấy gì

       Vị ấy tự chứng huyền vi Niết bàn,

          Tuệ tri rằng : ‘Sự Sanh đã diệt,

          Phạm hạnh thiệt thành tựu, đồng thời

              Những điều cần, đã làm rồi,

       Không còn trở lại cõi đời này đây’.

 

          Nếu vị này cảm giác lạc thọ

          Biết ngay : ‘Thọ ấy thật vô thường,

              Không nên đắm trước, khôn lường !

       Không phải đối tượng để thường hỷ hoan’.

 

          Nếu như đang cảm giác khổ thọ,

          Bất khổ bất lạc thọ cảm vầy.

              Nếu các thọ kể trên này

       Không có hệ phược, vị đây tức thì

          Cảm giác các thọ ni, như vậy

          Khi vị ấy cảm giác thọ này

              Với thân là tối hậu vầy…

       Tuệ tri : ‘Ta cảm giác ngay thọ mà

          Với thân là tối hậu như vậy’.

 

          Rồi vị ấy tuệ tri : “Sau khi

              Thân hoại mạng chung đến kỳ

       Mọi cảm thọ hoan hỷ thì nơi đây

          Trở thành thanh lương”. Này Phích-Khú !

          Như ngọn đèn dầu đủ và tim

              Cháy đỏ. Nhưng khi dầu, tim

       Không có, ngọn lửa chẳng tìm thấy đâu.

 

          Cũng thế, vị ấy mau biết rõ : 

        “Sau khi có thân hoại, đoạn sanh

              Mọi cảm thọ hoan hỷ lành

       Ở nơi đây sẽ trở thành thanh lương”.

          Này Tỷ Kheo ! Hiểu tường do vậy

          Thành tựu ấy là thành tựu đầy

              Tối thắng, tuệ thắng xứ này

       Là tối thắng Thánh tuệ đây, nghĩa là

          Trí, biết qua diệt mọi đau khổ.

          Sự giải thoát ở chỗ vị này

              An trú vào Chân Đế ngay,

       Không bị dao động. Và này Tỷ Kheo !

          Cái gì mà duyên theo hư vọng

          Thời thuộc về hư vọng mà thôi,

              Cái gì không hư vọng, thời

       Thuộc về Chân đế, thuộc nơi Niết bàn.

 

          Nên vị Tỷ Kheo đang thành tựu

          Như vậy, là thành tựu đủ đầy

              Tối thắng đế thắng xứ này

       Là Tối thắng Thánh đế hay Niết bàn,

          Không có thể đưa sang không thực

          Sanh y vô trí thức trước đây

              Của nó đã được đủ đầy,

       Đã được thành tựu. Chúng ngay diệt trừ

          Chặt tận gốc rễ như được kể

          Cây Tha-la không thể sống rồi !  

              Không thể sanh khởi nữa rồi !

 

       Do vậy, một Phích-Khú nơi tựu thành

          Như vậy là sự thành tựu hẳn

          Tối thắng huệ thí thắng xứ này.

              Vì rằng, Tỷ Kheo ! Như vầy

       Tối thắng Thánh huệ thí đây tức thì

          Sự xả ly sanh y lập tức.

          Tham ái vô trí thức trước đây

              Thuộc tham dục, tham nhiễm đầy,

       Pháp ấy được đoạn tận ngay như là

          Đào tận rễ cây Sa-la nọ,

          Không thể có hiện hữu tiếp sau,

              Không khả năng sinh trưởng nào.

 

       Phẫn nộ vô trí thức vào trước đây

          Thuộc sân hận, mối dây tội quả,

          Pháp ấy đã đoạn tận, dứt ngay.

 

              Vô minh vô trí thức này

       Si mê, tội quả điều đây thuộc về,

          Pháp ấy được nhất tề đoạn tận

          Như chặt hẳn rễ Sa-la đây,

              Không thể hiện hữu tương lai,

       Không thể sinh khởi. Do vầy ở đây

          Tỷ Kheo này thành tựu như vậy

          Thành tựu ấy : ‘Tối thắng tựu thành

              Tịch tịnh thắng xứ’ tịnh thanh

       Tối thắng Thánh tịch tịnh lành nghiêm uy,

          Tức là tham sân si tịch tịnh.

          Khi an định nói đến như vầy :

             ‘Chớ buông lung trí tuệ này,

       Hãy hộ trì Chân đế đầy tinh anh

          Hãy thực hành sung mãn huệ thí

          Tu học kỹ tịch tịnh’. Đó là

              Do duyên này được nói ra.

 

       Khi được nói đến : ‘Khi mà trú an

          Vọng tưởng không có đàng chuyển động.

          Khi vọng tưởng không động chuyển gì

              Vị ấy được gọi tức thì

       Là một ẩn sĩ tu trì thăng hoa’.

 

          Này Tỷ Kheo ! ‘Tôi là’ – nói thế  

          Như vậy để vọng tưởng chen ngay,

              Hay nói : ‘Tôi là cái này’,

      ‘Tôi sẽ là’  – vọng tưởng đầy ở trong,

         ‘Tôi sẽ không là’ – đây vọng tưởng,

         ‘Tôi sẽ có sắc’ – tưởng vọng ra,

             ‘Tôi sẽ không có sắc’ và

      ‘Tôi sẽ có tưởng’ – cũng là chẳng thông,

          Hoặc nói : ‘Tôi sẽ không có tưởng’,

         ‘Tôi sẽ không có tưởng (đồng thời)

              Không không có tưởng’ – thốt lời…

       Đều là vọng tưởng, mọi thời dính đeo.

 

          Này Tỷ Kheo ! Vọng tưởng là bệnh

          Được nói đến : cục bướu, mũi tên.

              Khi vọng tưởng vượt khỏi lên

       Thì vị ẩn sĩ có tên gọi là

          Đạt tịch tịnh. Nhưng mà Tăng sĩ !

          Vị ẩn sĩ tịch tịch không sanh,

              Không già, không dao động dành

       Không hy cầu. Vì không sanh cái gì,

          Không sanh thì làm sao già được ?

          Không già, sao chết được ? Đồng thì

              Không chết sao dao động gì ?

       Không dao động, làm sao hy cầu nào ?

 

          Khi nói đến : ‘Khi vào an trú     

          Vọng tưởng không có sự chuyển di   

              Vọng tưởng không chuyển động, thì

      ‘Ẩn sĩ tịch tịnh’ tức thì gọi tên,

          Do chính duyên này, được nói vậy,                                            

          Tỷ Kheo hãy thọ trì lược qua

              Phân biệt sáu giới của ta ”.

 

       Vị Tăng sĩ Búc-Kú-Sa-Ti này 

          Liền nghĩ ngay : ‘Hy hữu thật sự !

          Bậc Điều Ngự đã đến với ta.

              Thật sự Thế Tôn, Phật Đà

       Bậc Chánh Đẳng Giác đến ta đây rồi !’.

 

          Tăng sĩ từ chỗ ngồi đứng dậy,

          Đắp y lên vai trái, cúi đầu

              Đảnh lễ chân Phật hồi lâu,

       Rồi bạch : “ Con thật tội sâu, lỗi lầm

          Vì rằng quá ngu đần, si ám

          Nên đã dám xưng hô với Ngài

              Gọi Ngài là ‘Hiền giả’ vầy.

       Mong Phật chấp nhận con đây lỗi lầm,

          Đó là một lỗi lầm quá thể,

          Để tương lai con sẽ ngăn ngừa ”.

 

        – “ Tỷ Kheo ! Như ông đã thưa

       Thì quả thật ông đã vừa rơi vô

          Một lỗi lầm điên rồ, ngu dại,

          Si mê, lại chẳng khéo léo gì,

              Vì gọi bậc Chánh Biến Tri

       Là ‘Hiền-giả’, thật cực kỳ lầm thay !

          Nhưng mà này Tỷ Kheo ! Cũng tốt !

          Thấy lỗi lầm là một lỗi lầm.

              Như Pháp phát lồ từ tâm

       Thời Ta chấp nhận lỗi lầm của ông.

          Vì rằng trong giới luật bậc Thánh

          Khi nào ai muốn tránh lỗi lầm

              Như Pháp phát lộ từ tâm

       Để ngăn ngừa sự lỗi lầm tương lai ”.

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Xin Ngài nhỏ phúc 

          Cho con thọ Cụ-túc-giới liền

              Trước đấng Thế Tôn hiện tiền ”.

 

 – “ Ông có đủ y bát riêng không vầy ? ”. 

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Con nay không có ”. 

 

    – “ Này Tăng-sĩ ! Không có bát, y

              Các đấng Như Lai mọi thì

       Không truyền Cụ-túc-giới vì cho ai ”.

 

          Tăng-sĩ này – Búc-Kú-Sa-Tí

          Sau khi đã hoan hỷ vâng lời

              Thế Tôn, liền từ chỗ ngồi

       Đứng dậy đảnh lễ Phật rồi ra đi

          Tìm y bát. Trong khi đi vậy

          Một con bò điên chạy tông vào

              Làm cho Tăng-sĩ té nhào

       Chết ngay tại chỗ. Rồi sau đó thì

          Số đông Tỳ-Kheo đi đến Phật

          Đảnh lễ Phật, ngồi xuống một bên,

              Rồi các vị ấy thưa lên :

 

 – “ Bạch Phật ! Vị Tăng-sĩ tên mọi thì 

          Là Búc-Kú-Sa-Ti, đã được

          Thế Tôn thuyết giản lược, tựu trung

              Nay vị ấy đã mệnh chung

       Sanh thú vị ấy sanh cùng nơi đâu ?

          Đời sống như thế nào kế tiếp ? ”.

 

    – “ Các Tỷ Kheo ! Thoát kiếp nhân sinh !

              Thật là một bậc Hiền minh

       Búc-Kú-Sa-Tí tự mình chú tâm

          Đã chấp hành uyên thâm Chánh Pháp

          Và tùy pháp, không có nhiễu phiền

              Với những kiện tụng đảo điên

       Về Chánh pháp. Nên do duyên này mà

          Vị Thiện-gia-nam-tử Tăng-sĩ

          Là Búc-Kú-Sa-Tí – diệt phăng   

              Cả năm kiết sử hạ phần

       Được hóa sanh và pháp thân nhập liền

          Vào Niết bàn, vui duyên giải thoát

          Không trở lui kiếp khác, cõi đời ”.

 

              Hoan hỷ nghe Phật giảng rồi   

       Chúng Tăng tín thọ những lời Thế Tôn ./-

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  ( 3 L )

 

*

*  *

 

(  Chấm dứt Kinh số 140 :   GIỚI  PHÂN BIỆT   

–  DHÀTUVIBHANGA  Sutta  )  

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]