Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luận 11. Bát Nhã Vô Biên

12/04/202119:24(Xem: 8476)
Luận 11. Bát Nhã Vô Biên

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***


buddha-569

 

III. PHẦN THỨ III TỔNG LUẬN:

 

TÁNH KHÔNG BÁT NHÃ

(Với những nguyên lý chỉ đạo của nó)

 

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

LUẬN #11. BÁT NHÃ VÔ BIÊN:

 

 

Bát nhã Ba la mật là đạo vô thượng, châu biến toàn triệt, bao trùm tất cả. Nên Bát Nhã mới có thể giải quyết toàn thể các vấn đề tâm linh, mang lại phúc lợi cho khắp chúng sanh trên thế gian này. Vì vậy, Bát nhã Ba la mật được xem là sâu xa, không ngằn mé, vô biên.

 

1. Bát Nhã sâu xa.

 

- Phẩm “Trời Khen”, Q.548, Hội thứ IV, TBBN. Các Thiên tử bạch Phật:- “Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật này vô cùng sâu xa, khó thấy, khó lường.

Phật dạy các Thiên tử:

- Đúng vậy! Đúng như lời các ngươi đã nói. Thiên tử nên biết! Ta quán sát nghĩa này khi mới chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Ta ngồi lặng yên suy nghĩ, không muốn nói pháp, trong tâm nghĩ như thế này: Ta đã chứng pháp sâu xa vi diệu, chẳng phải thế gian có thể chấp nhận và tin tưởng được ngay.

Thiên tử nên biết! Pháp Ta đã chứng tức là Bát nhã Ba la mật. Pháp này rất sâu xa mầu nhiệm, không năng chứng và không sở chứng, không chỗ chứng, không thời chứng.

Thiên tử nên biết! Vì hư không sâu xa nên pháp này sâu xa. Vì ngã sâu xa nên pháp này sâu xa. Tất cả pháp không đến, không đi nên pháp này sâu xa. Tất cả pháp vô lượng, vô biên nên pháp này sâu xa. Tất cả pháp không sanh, không diệt nên pháp này sâu xa. Tất cả pháp không nhiễm, không tịnh nên pháp này sâu xa”.

 Tất cả pháp sâu xa, khó thấy, khó nghĩ lường nên Bát Nhã sâu xa cũng khó thấy khó nghĩ lường.

 

- Phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyển 596, Hội thứ XVI. Nói:

“Vì các uẩn xứ giới sâu xa nên Bát Nhã này rất sâu xa. Các chi duyên khởi sâu xa nên Bát nhã Ba la mật này rất sâu xa. Điên đảo, năm triền cái, tà kiến, ái hành sâu xa nên Bát nhã Ba la mật này rất sâu xa. Ngã, hữu tình v.v… sâu xa nên Bát nhã Ba la mật này rất sâu xa. Hý luận, không hý luận sâu xa nên Bát nhã Ba la mật này rất sâu xa. Bố thí, keo kiệt, giữ giới, phạm giới, nhẫn nhục, sân hận, tinh tấn, giải đãi, tĩnh lự, tán loạn, diệu tuệ, ác tuệ sâu xa nên Bát nhã Ba la mật này rất sâu xa. Niệm trụ, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi sâu xa nên Bát nhã Ba la mật này rất sâu xa. Khổ, tập, diệt, đạo, giải thoát, giải thoát tri kiến sâu xa nên Bát nhã Ba la mật này rất sâu xa. Ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại bình đẳng sâu xa nên Bát nhã Ba la mật này rất sâu xa. Các lực vô úy, mười tám pháp Phật bất cộng sâu xa nên Bát nhã Ba la mật này rất sâu xa. Vô lượng thần thông sâu xa nên Bát nhã Ba la mật này rất sâu xa. Trí không chấp mắc ba đời, trí tận tất cả Phật pháp, trí vô sanh, trí diệt, trí vô tác, trí lìa nhiễm sâu xa, nên Bát nhã Ba la mật như thế rất là sâu xa. Trí các ngăn che sâu xa. nên Bát nhã Ba la mật như thế rất là sâu xa.

Bát nhã Ba la mật sâu xa không thấy có pháp khá gọi có trí và không trí, Bát nhã Ba la mật không vì đối với pháp có tàng chứa mà hiện tiền. Bát nhã Ba la mật không vì đối với pháp có sở nhiếp thọ mà hiện tiền. Bát nhã Ba la mật không vì đối với pháp có chỗ nương tựa mà hiện tiền. Bát nhã Ba la mật không vì đối với pháp có sở chấp, có sở đắm trước, có sở trụ mà hiện tiền. Bát nhã Ba la mật không vì đối với pháp có liên tục, có gián đoạn mà hiện tiền. Bát nhã Ba la mật không vì đối với pháp phát khởi năng tri giả và khiến tri giả mà hiện tiền. Bát nhã Ba la mật không vì đối với pháp rõ biết bản tánh, không bản tánh mà hiện tiền. Bát nhã Ba la mật như thế chẳng vì đối pháp có thanh tịnh vậy mà hiện tiền, vì Bát nhã Ba la mật sâu xa chẳng thấy có pháp khá thanh tịnh vậy”.

Nếu hiểu được tất cả pháp là sâu xa thì có thể hiểu Bát Nhã cũng sâu xa. Nói là sâu xa, không ngằn mé hay vô biên cũng chỉ để so sánh với không gian vô tận, chẳng có gì khác.

 

- Cũng cùng đoạn kinh trên của phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyển 596, Hội thứ XVI giải thích thế nào gọi Bát nhã sâu xa? “Xá lợi Tử lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật này rất là sâu xa.

Phật đáp:

- Đúng vậy! Vì sao? Xá lợi Tử! Vì các uẩn xứ giới sâu xa nên Bát nhã Ba la mật này rất sâu xa.

Các chi duyên khởi sâu xa nên Bát Nhã này rất sâu xa. Điên đảo, năm triền cái, tà kiến, ái hành sâu xa nên Bát Nhã này rất sâu xa. Ngã, hữu tình v.v… sâu xa nên Bát nhã Ba la mật này rất sâu xa. Hí luận, không hí luận sâu xa nên Bát Nhã này rất sâu xa. Bố thí, keo kiệt, giữ giới, phạm giới, nhẫn nhục, sân hận, tinh tấn, giải đãi, tĩnh lự, tán loạn, diệu tuệ, ác tuệ sâu xa nên Bát Nhã này rất sâu xa. Niệm trụ, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi sâu xa nên Bát Nhã này rất sâu xa. Khổ, tập, diệt, đạo, giải thoát, giải thoát tri kiến sâu xa nên Bát Nhã này rất sâu xa. Ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại bình đẳng sâu xa nên Bát Nhã này rất sâu xa. Các lực vô úy, mười tám pháp Phật bất cộng sâu xa nên Bát Nhã này rất sâu xa. Vô lượng thần thông sâu xa nên Bát Nhã này rất sâu xa. Trí không chấp mắc ba đời, trí tận tất cả Phật pháp, trí vô sanh, trí diệt, trí vô tác, trí lìa nhiễm sâu xa nên Bát Nhã như thế rất là sâu xa. Trí các ngăn che sâu xa nên Bát nhã Ba la mật như thế rất là sâu xa.

Này Xá lợi Tử! Ví như biển lớn sâu rộng vô lượng. Cũng vậy, Bát nhã Ba la mật này cũng sâu rộng vô lượng. Nói sâu rộng nghĩa là sự chứng đạt công đức vô biên.

Này Xá lợi Tử! Ví như biển lớn là chỗ tập hợp vô lượng, vô biên các loại châu báu lớn. Cũng vậy, Bát nhã Ba la mật tập hợp vô lượng, vô biên ngọc báu đại pháp bảo”.

Thế gian có thứ gì thì Bát Nhã có thứ ấy. Thế gian rộng lớn không ngằn mé, đa thù đa dạng như thế nào thì Bát nhã Ba la mật cũng như vậy. Thế gian có phiền não lậu tận như thế nào thì Bát Nhã có thuốc chữa rộng lớn như thế ấy. Thế gian có bao công đức sâu rộng như biển cả như thế nào thì Bát nhã Ba la mật chứng đạt công đức cũng như thế.

 

2. Bát Nhã không ngằn mé.

 

Cũng cùng đoạn kinh của quyển 596, phần “Bát Nhã Ba La Mật”, Phật bảo: “Xá lợi Tử! Vì tất cả pháp không ngằn mé, không biên giới nên Bát nhã Ba la mật cũng không ngằn mé, không biên giới. Vì hư không rộng lớn không ngằn mé, không biên giới nên các pháp cũng không ngằn mé, không biên giới”.

Tất cả pháp vô biên không ngằn mé, như không gian rộng lớn. Bát Nhã cũng vô biên không ngằn mé bao trùm cả càn khôn vũ trụ. Học một pháp biết tất cả pháp, học một pháp biết tất cả cảnh. Pháp đó chính là Bát nhã Ba la mật. Bát Nhã nhiếp thu tất cả. Đây chỉ là hệ quả của cái gọi là Bát Nhã sâu xa nói trên. Sâu rộng, không ngằn mé cũng cốt so sánh với hư không. Còn pháp nào sâu rộng, không ngằn mé, không biên giới như hư không chăng?

 

Phẩm “Thật Ngữ”, quyển 458, Hội thứ II, ĐBN. Phật bảo: Thiện Hiện: “Bát Nhã thẳm sâu và quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như hư không vô cùng tận, cho nên nói là vô tận”.

 

Khi tụng Hội thứ X nói về lý thú Bát nhã Ba la mật, Kinh nói tất cả pháp thế gian có đặc tánh gì thì Bát nhã Ba la mật có đặc tánh đó: Tất cả pháp không biên giới, không ngằn mé... Bát nhã Ba la mật cũng không biên giới, không ngằn mé... Tất cả pháp sâu xa, Bát nhã Ba la mật cũng sâu xa v.v...

Đó cũng là những biểu thị của Đại thừa cũng là biểu thị của Phật đạo. Để giải quyết những vấn đề đa dạng đa thù của thế gian, tất nhiên Bát Nhã phải có phương tiện rộng lớn như thế gian mới có thể bao bọc (cover) tất cả.

 

3. Bát Nhã vô biên.

 

- Phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyển 596, Hội thứ XVI:

“Phật bảo: Vì các uẩn, xứ, giới vô biên nên Bát Nhã cũng vô biên. Duyên khởi, điên đảo, tà kiến, ái hành, tham, sân, si v.v… vô biên nên Bát nhã Ba la mật cũng vô biên. Đoạn thường, thời trước, thời sau, thời giữa vô biên nên Bát nhã Ba la mật cũng vô biên. Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát Nhã vô biên nên Bát nhã Ba la mật cũng vô biên. Niệm trụ, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi, không điên đảo vô biên nên Bát nhã Ba la mật cũng vô biên. Tĩnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí, sở duyên, giải thoát, giải thoát tri kiến vô biên nên Bát nhã Ba la mật cũng vô biên. Thanh văn địa, Độc giác địa, Phật địa, Phật, Pháp, Tăng bảo, pháp Thanh văn thừa, pháp Độc giác thừa, pháp Bồ Tát thừa vô biên nên Bát nhã Ba la mật cũng vô biên. Ngã, hữu tình v.v… Dục, Sắc, Vô sắc giới, vô lượng thần thông, các triền cái, quá khứ, vị lai, hiện tại, vô trước, tri kiến, địa, thủy, hỏa, phong, không, thức giới, hữu tình giới, pháp giới vô biên nên Bát nhã Ba la mật cũng vô biên”.

Cũng như thế núi Diệu cao vô biên nên Bát Nhã vô biên, biển cả vô biên nên Bát Nhã vô biên, thái hư vô biên nên Bát Nhã vô biên, tất cả pháp cho đến quả vị Giác ngộ tối cao vô biên nên Bát Nhã cũng vô biên. 

 

- Phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyển 597, Phật dạy: Bát nhã Ba la mật lấy pháp vô biên làm cảnh sở hành. Ví như phong giới hành cảnh vô biên, Bát nhã Ba la mật như thế lấy pháp vô biên làm cảnh sở hành. Như hư không giới hành cảnh vô biên, Bát nhã Ba la mật như thế lấy pháp vô biên làm cảnh sở hành. Lại như phong giới lấy hư không rộng lớn làm cảnh sở hành, Bát Nhã lấy pháp Không làm cảnh sở hành”.

Như gió, không có chỗ nào mà không có gió. Gió không có hình tướng, di động khắp đó đây không ngăn ngại. Gió lấy không gian làm cảnh sở hành. Bát nhã Ba la mật như thế lấy pháp vô biên rộng lớn như không gian làm cảnh sở hành. Gió hoạt động thong dong vô ngại như thế nào thì Bát nhã Ba la mật hoạt động cũng như vậy. Không gian vô tận không ngằn mé, gió cũng vô tận không ngằn mé, tất cả pháp thế gian xuất thế gian vô tận không ngằn mé, Bát nhã ba la mật cũng vô tận không ngằn mé. Nên nói “giống như phong giới lấy hư không rộng lớn làm cảnh sở hành, Bát nhã Ba la mật lấy các pháp Không làm cảnh sở hành”.

 

- Bát Nhã chi phối tất cả, nhiếp thuộc tất cả không trừ một pháp nào. Nên nói là vô biên. Vì vậy, phẩm “Kiến Bất Động Phật”, quyển 565, Hội thứ V, Phật bảo: “Khánh Hỷ nên biết! Có người muốn nắm lấy lượng và biên giới của Bát Nhã sâu xa thì cũng giống như kẻ ngu si muốn nắm lấy lượng và biên giới của hư không”.

 

Không thể khu định Bát Nhã vào bất cứ một phạm trù nào. Chúng ta từng phát biểu khi chúng ta nhốt Bát Nhã vào một lâu đài dù bằng vàng, bằng kim cương hay bằng ngọc Ma ni rộng lớn như hư không, là chúng ta giết nó. Bát Nhã giải phóng mọi câu thúc, mọi trói buộc để chúng sanh được tự do như chim xí bay lượn trên hư không. Bát nhã phóng xả(1) hay phủi sạch mọi lo nghĩ tính toán. Chính nhờ nét đặc thù này hành giả Bát Nhã mới thật sự khai phóng được nguồn năng lực nội tại để có thể thực hiện một bước nhảy.

Có thế Bát Nhã mới có thể mở đạo nhãn cho tất cả chúng sanh trong cõi đất này trong muôn vàn số kiếp. Do đó, phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyển 600, Hôi thứ XVI, ĐBN mới so sánh: “Ví như biển lớn là nơi dung chứa nhiều dòng nước và thường làm chỗ quay về cho các dòng sông. Cũng vậy, nếu Bồ Tát nắm giữ được Bát nhã Ba la mật thâm sâu rộng lớn này mà tinh tấn siêng năng tu học thì vô cùng thông đạt và lợi ích. Phải biết không bao lâu vị này sẽ là biển lớn chứa tất cả pháp, mau thành tựu tất cả pháp khí, thường làm chỗ quay về cho các pháp, nên các pháp thế gian không thể nào quấy nhiễu được”.

 

Kết luận:

(Cho LUẬN #11: Bát Nhã là Vô biên)

 

Vì 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, các đại chủng khoảng trước, khoảng giữa, khoảng sau đều không thể nắm bắt được nên nói là đại, là vô lượng, vô biên. Tất cả pháp Phật từ Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Thập nhị chân như, 18 pháp không, 37 pháp trợ đạo, đại từ đại bi đại hỷ đại xả... cho đến quả vị Giác ngộ tối cao, khoảng trước, khoảng giữa, khoảng sau đều không thể nắm bắt được nên nói là đại, là vô lượng, vô biên.

Sở duyên của chơn như, pháp giới, pháp tánh... vô biên, nên sở hành của Bồ Tát cũng vô biên. Cũng vậy, chúng sanh vô biên nên sở hành của Bồ Tát cũng vô biên.

Chúng sanh (là ngũ uẩn, tứ đại hợp thành) vô lượng nên phiền não (là do khách trần) cũng vô lượng. Chúng sanh vô biên nên phiền não cũng vô biên. Chúng sanh vô tận nên phiền não cũng vô tận. Muốn đoạn phiền não vô lượng, vô biên, vô tận đó thì phải học vô lượng, vô biên, vô tận các pháp môn Phật học.

Kinh nói rằng: Tất cả pháp môn Phật đạo đều được thu nhiếp vào Bát nhã Ba la mật. Nếu tất cả pháp môn Phật đạo là vô lượng, vô biên, vô tận thì Bát nhã Ba la mật cũng vô lượng, vô biên, vô tận thì mới có thể đoạn trừ sở duyên phiền não vô lượng, vô biên, vô tận cho toàn thể chúng sanh. Vì vậy, để diễn tả tướng trạng của Bát Nhã Tánh không này, phẩm “Tướng Không” mới bảo rằng: “Không tức vô tận, không tức vô lượng, không tức vô biên, không tức các nghĩa”.

 

Phẩm “Khen Ngợi Đức Thắng”, quyển 10, Hội thứ I, ĐBN, tất cả chúng hội đều đứng lên, cất tiếng khen tặng Bát nhã Ba la mật: “Bạch Thế Tôn! Bát Nhã mà đại Bồ Tát sở hữu là Ba la mật vĩ đại; bạch Thế Tôn! Bát Nhã mà đại Bồ Tát sở hữu là Ba la mật sâu rộng. Bạch Thế Tôn! Bát Nhã mà đại Bồ Tát sở hữu là Ba la mật thù thắng, là thâm diệu, là nhiệm mầu, là tôn quí; cao siêu, hơn hết, tột bậc, vô thượng, tối thượng, siêu đẳng, không gì bằng, tuyệt đối, như hư không...!

Không còn từ nào để diễn tả cái vô tận, vô lượng, vô biên ngoài các từ được dùng trong phẩm “Khen Ngợi Đức Thắng” nói trên. Như vậy, là quá đủ!

 

Vậy khi học Bát Nhã phải quán tất cả pháp là vô biên như hư không để tùy thuận Bát nhã Ba la mật. Phẩm “Tùy Thuận”, quyển 555, Hội thứ V, TBBN bảo rằng:

Nên quán biển cả không giới hạn để tùy thuận Bát Nhã.

Nên quán hư không không giới hạn để tùy thuận Bát Nhã.

Nên quán ánh sáng mặt trời chiếu soi không giới hạn để tùy thuận Bát nhã”

Biển cả, hư không, ánh sáng mặt trời là những thứ không thể đo lường tưởng tượng nổi. Nên nói là sâu xa, không ngằn mé, vô biên… , không ai có thể đo lường chiều sâu, chiều rộng, chiều cao của Bát Nhã. Bát Nhã không có kích thước, tầm vóc nào cả. Có thế, Bát Nhã mới có thể đùm bọc, cưu mang tất cả chúng sanh! Nếu hiểu như thế là tùy thuận Bát nhã Ba la mật.

Phẩm “Tán Hoa” quyển 554, Hội thứ IV, TBBN, Phật phó chúc Bát nhã Ba la mật cho Ngài A Nan, Phật bảo:

- Bát nhã Ba la mật tánh vô tận nên nói là không lường, tánh viễn ly nên nói là không lường, tánh vắng lặng nên nói là không lường, như Niết bàn nên nói là không lường, như hư không nên nói là không lường, nhiều công đức nên nói là không lường, không biên cương nên nói là không lường, không thể lường nên nói là không lường.

Khánh Hỷ nên biết! Chư Phật ba đời đều học Bát Nhã, chứng đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề viên mãn hoàn toàn, tuyên thuyết chỉ dạy cho các hữu tình nhưng Bát nhã Ba la mật này luôn không dứt hết. Vì sao? Vì Bát Nhã sâu xa rộng lớn như hư không không cùng tận vậy”.

Và cũng phẩm trên, Phật bảo tiếp:

- “Bát Nhã sâu xa như hư không rộng lớn, không thể cùng tận nên nói là không cùng tận”.

Bệnh càng nhiều, bác sĩ phải đông. Bệnh càng nặng thuốc phải tốt. Bệnh nhân nhiều ví như chúng sanh. Bác sĩ ví như Bồ Tát. Bệnh nặng như phiền não, lậu tận. Thuốc tốt như Bát nhã Ba la mật. Tất cả đều phải tương ưng. Nếu được như thế Bát Nhã mới được tán tụng là mẹ của chư Phật chư Bồ Tát, nhờ thuốc hay cứu độ muôn loài. Vậy nên, phải học Bát nhã Ba la mật mới có thể thực hiện “Tứ hoằng thệ nguyện”:

 

“Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

   Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

 

---o0o---

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]