Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 24: (Quyển Hạ) Kinh Địa Tạng giải nghĩa

19/03/201614:23(Xem: 4262)
Bài 24: (Quyển Hạ) Kinh Địa Tạng giải nghĩa

KINH ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

QUYỂN HẠ

 

PHẨM THỨ MƯỜI:

SO SÁNH NHÂN DUYÊN

CÔNG ĐỨC CỦA SỰ BỐ THÍ

 

Lúc đó Ngài Bồ Tát Địa-Tạng ma-ha-tát nương oai thần của đức Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, quì gối chắp tay bạch cùng đức Phật rằng:

“Bạch đức Thế-Tôn! Con xem xét chúng sanh trong nghiệp đạo so sánh về sự bố thí có nhẹ có nặng. Có người hưởng phước trong một đời, có người hưởng phước trong mười đời, hoặc đến hưởng phước lợi lớn trong trăm đời, nghìn đời.

Những sự ấy tại làm sao thế? Cúi xin đức Thế-Tôn dạy cho”.

Bấy giờ Đức Phật bảo Ngài Bồ Tát Địa-Tạng rằng: “Nay ta ở trong toàn thể chúng hội nơi cung trời Đao Lợi này giảng về sự so sánh công đức khinh trọng của việc bố thí ở Diêm Phù Đề. Ông phải lóng nghe, ta sẽ vì ông mà nói”.

Ngài Bồ Tát Địa-Tạng bạch cùng Đức Phật rằng: “Chính con nghi ngờ về việc ấy. Con xin ưa muốn nghe”.

Đức Phật bảo Ngài Bồ Tát Địa-Tạng rằng:

“Trong cõi Nam Diêm Phù Đề có các vị Quốc Vương, hàng Tể Phụ quan chức lớn, hàng đại Trưởng Giả, hàng đại Sát Đế Lợi, hàng đại Bà La Môn v.v...

Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây mù quáng, gặp những hạng người thân thể không được vẹn toàn như thế.

Lúc các vị Quốc Vương đó v.v... muốn bố thí, nếu có thể đủ tâm từ bi lớn, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, hoặc bảo người khác đem cho, lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi.

Các vị Quốc Vương, Đại Thần đó v.v... đặng phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy.

Tại làm sao? Chính bởi vị Quốc Vương đó v.v...phát tâm đại từ bi đối với kẻ rất mực nghèo cùng và với những người tàn tật kia, cho nên phước lành được hưởng quả báo như thế này, trong trăm nghìn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ để thọ dùng như y phục đồ uống ăn v.v....

Lại nữa, này Bồ Tát Địa-Tạng! Trong đời sau, như có vị Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v... gặp chùa tháp thờ Phật, hoặc hình tượng Phật, cho đến hình tượng Bồ Tát, Thanh Văn hay Bích Chi Phật, đích thân tự sửa sang, cúng dường bố thí.

Vị Quốc Vương đó, sẽ đặng trong ba kiếp làm vị trời Đế Thích hưởng sự vui sướng tốt lạ.

Nếu có thể đem phước lành bố thí đó mà hồi hướng cho tất cả chúng sanh trong pháp giới, thời vị Quốc Vương đó, trong mười kiếp thường được làm vị trời Đại Phạm Thiên Vương.

Lại thế này nữa, này Bồ Tát Địa-Tạng! Trong đời sau, nếu có vị Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v... gặp chùa tháp của đức Phật thuở trước, hoặc là kinh điển hay hình tượng bị hư sụp rách rã, liền có thể phát tâm tu bổ lại.

Vị Quốc Vương đó, hoặc tự mình đích thân lo sửa sang, hoặc khuyến hóa người khác cho đến khuyến hóa trăm nghìn người khác cùng chung bố thí cúng dường để kết duyên lành.

Vị Quốc Vương đó, trong trăm nghìn đời thường làm Vua Chuyển Luân, còn những người khác chung cùng làm việc bố thí đó, trong trăm nghìn đời thường làm vua nước nhỏ.

Nếu lại ở trước chùa tháp có thể phát tâm đem công đức cúng dường bố thí đó mà hồi hướng về đạo vô thượng chánh giác, được như vậy thời vị Quốc Vương đó cho đến tất cả mọi người đều sẽ thành Phật cả, bởi quả báo ấy rộng lớn vô lượng vô biên.

Lại nữa, này Bồ Tát Địa-Tạng! Trong đời sau,như có vị Quốc Vương hay hàng Bà La Môn, gặp những người già yếu tật bịnh và kẻ phụ nữ sanh đẻ, nếu trong khoảng chừng một niệm sanh lòng từ lớn đem thuốc men,cơm nước, giường chiếu bố thí, làm cho những kẻ ấy được an vui.

Phước đức đó rất không thể nghĩ bàn đến được, trong một trăm kiếp thường làm Vua Trời Tịnh Cư, trong hai trăm kiếp thường làm  Vua sáu từng trời cõi Dục, không bao giờ còn đọa vào ác đạo, cho đến trong trăm nghìn đời, lỗ tai không hề nghe đến tiếng khổ, rốt ráo sẽ thành Phật đạo.

Lại nữa, này Bồ Tát Địa-Tạng! trong đời sau như có vị Quốc Vương và Bà La Môn, có thể làm những việc bố thí như thế sẽ đặng vô lượng phước lành.

Nếu lại có thể đem phước đức đó hồi hướng đạo Bồ Đề, thời không luận là nhiều hay ít, rốt ráo sẽ thành Phật cả, huống gì cả những quả trời Phạm Vương, trời Đế Thích, Vua Chuyển Luân.

Này Bồ Tát Địa-Tạng, vì thế nên khuyến hóa tất cả chúng sanh đều phải học theo như thế.

Lại nữa, này Bồ Tát Địa-Tạng! Trong đời sau, như có thiện nam kẻ thiện nữ nào ở trong Phật pháp mà gieo trồng chút ít cội phước lành chừng bằng cái lông, sợi tóc, hột cát, mảy bụi, phước lợi của những người đó sẽ hưởng thọ không thể ví dụ thế nào cho được.

Lại nữa, này Bồ Tát Địa-Tạng! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam cùng người thiện nữ nào gặp hình tượng Phật, hình tượng Bồ Tát, hình tượng Bích Chi Phật, hình tượng Vua Chuyển Luân mà bố thí cúng dường, thời đặng vô lượng phước lành, thường sanh ở cõi người, cõi trời hưởng sự vuithù thắng vi diệu.

Như có thể đem công đức hồi hướng cho cả pháp giới chúng sanh thời phước lợi của người ấy không thể ví dụ thế nào cho được.

Lại nữa, này Bồ Tát Địa-Tạng! Trong đời sau,như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp kinh điển đại thừa hoặc nghe thấy một bài kệ, một câu kinh, rồi phát tâm ân cần trân trọng cung kính ngợi khen, bố thí cúng dường, người ấy được quả báo lớn vô lượng vô biên.

Nếu có thể đem phước đức hồi hướng cho khắp pháp giới cho chúng sanh thời phước lợi này không thể ví dụ thế nào cho được.

Lại nữa, này Bồ Tát Địa-Tạng! Trong đời sau,như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp chùa tháp và kinh điển đại thừa, nếu là kinh tháp mới thời bố thí cúng dường, chiêm ngưỡng lễ lạy ngợi khen chắp tay cung kính.

Nếu gặp kinh tháp cũ, hoặc hư rách thời sửa sang tu bổ, hoặc riêng mình phát tâm làm, hoặc khuyến người khác cùng đồng phát tâm.

Những người đồng phát tâm đây, trong ba mươi đời thường làm vua các nước nhỏ. Còn vị đàn việt chánh đó thường làm Vua Chuyển Luân, lại dùng pháp lành mà giáo hóa vua các nước nhỏ.

Lại nữa Bồ Tát Địa-Tạng! Trong đời sau, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào ở nơi cội phước lành đã gieo trồng trong Phật pháp, hoặc là bố thí cúng dường, hoặc là tu bổ chùa tháp, hoặc sửa sang kinh điển, cho đến chừng bằng một sợi lông, một mảy bụi, một hột cát, một giọt nước.

Những sự lành như thế không luận nhiều ít, chỉ có thể đem hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh, thời công đức của người đó trong nghìn đời thường hưởng thọ sự vui thượng diệu.

Còn như chỉ hồi hướng cho thân quyến trong nhà hoặc tự mình được lợi ích thôi, như thế thời sẽ hưởng quả vui trong ba đời, cứ làm một phần sự lành, thời được hưởng báo tốt một muôn lần trội hơn.

Này Bồ Tát Địa-Tạng! Những nhơn duyên công đức về sự bố thí như thế đó.

GIẢI NGHĨA

     Phẩm thứ mười này nói về bố thí, Bố thí là đem năng lực vật chất như của cải tiền bạc của mình hiến dâng chia tặng cho người, hoặc đem trí tuệ như giảng nói các điều hay lẽ phải trong đời sống, đem các chân lý do Phật dạy giải thích lại cho người; đây là những việc làm để nuôi dưỡng phúc đức cho người bố thí. Bồ Tát Địa Tạng hỏi Phật tại sao có người bố thí hưởng phuớc ít, có người bố thí hưởng phúc nhiều, Đức Phật giảng về các đối tượng của bố thí, hiệu lực qủa báo của việc bố-thí và các cách bố thí;trước hết, Đức Phật nói:

“Các vị Quốc Vương, hàng Tể Phụ quan chức lớn, hàng đại Trưởng Giả, hàng đại Sát Đế Lợi, hàng đại Bà La Môn v.v... Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây mù quáng, gặp những hạng người thân thể không được vẹn toàn như thế, mà muốn bố thí, nếu có thể đủ tâm từ bi lớn, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, hoặc bảo người khác đem cho, lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi. Thì các vị đó được phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy.Chính bởi sự phát tâm đại từ bi đối với kẻ rất mực nghèo cùng và với những người tàn tật kia, cho nên phước lành được hưởng quả báo như thế này, trong trăm nghìn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo v.v…” Đây là do có tâm từ bi khi bố thí mà được nhiều phước báo, còn người có tâm chấp cái ta và cái của ta (ngã và ngã sở), nghĩa là nếu vì danh vì lợi mà bố thí thì được ít phước báo vậy.

Kế tiếp, Ngài nói: “Lại nữa, này Bồ Tát Địa-Tạng! trong đời sau như có vị Quốc Vương và Bà La Môn, có thể làm những việc bố thí như thế sẽ được vô lượng phước lành. Nếu lại có thể đem phước đức đó hồi hướng đạo Bồ Đề, thời không luận là nhiều hay ít, rốt ráo sẽ thành Phật cả, huống gì cả những quả trời Phạm Vương, trời Đế Thích, Vua Chuyển Luân”. Chúng ta thấy phúc báo của bố thí không những được phước báo cõi Trời, mà còn có lợi ích vào đạo khi hồi hướng cho đạo Bồ Đề, thì đủ hiểu rằng sự bố thí có công lực to lớn biết nhường nào; như thế chúng ta không nên bỏ qua cơ hội bố thí và hồi hướng đạo Bồ Đềvậy tức là bố thí rồi hồi hướng cho sự giải thoát đạt đạo của mình thì dần dần sẽ có kết qủa.

     Đức Phật còn cho biết: “Trong đời sau, như có vị Quốc Vương hay hàng Bà La Môn, khi gặp những người già yếu tật bịnh và kẻ phụ nữ sanh đẻ, nếu trong khoảng chừng một niệm sanh lòng từ lớn đem thuốc men, cơm nước, v.v… bố thí, làm cho những kẻ ấy được an vui, thì phước đức đó không thể nghĩ bàn được.

     Lại nữa, trong đời sau, như có kẻ thiện nam, thiện nữ nào gặp hình tượng Phật, Bồ Tát v.v… mà cúng dường, thời được vô lượng phước lành, thường sinh cõi người, cõi trời, hưởng sự vui thù thắng”.

Chúng ta thấy tất cả các việc bố thí đều mang lại phúc báo, nghĩa là mang lại công đức cho người bố thí, nhưng nếu người bố thí giữ lại công đức ấy để hưởng cho riêng mình hay chỉ hồi hướng cho người thân thôi thì chưa thể hiện “vô ngã”, vì đa số con người thường tình luôn luôn bảo vệ “cái ta” và “cái của ta”. Đây là tính vị kỷ, ích kỷ, tham lam của chúng sinh muôn loài, vì thế cho nên Đức Phật nói: “Như có thể đem công đức đó hồi hướng cho cả pháp giới chúng sanh thì phúc lợi của người ấy nhiều không thể ví dụ được”. Nghĩa là người có phúc đức nếu hồi hướng những phước đức mình có cho tất cả chúng sinh mười phương thì lúc đó mới thể hiện được tính “bình đẳng” đối với tất cả chúng sinh, và thể hiện tính “vô ngã” của chính mình một cách hoàn toàn. Được như thế thì khi tu hành thiền định sẽ dễ dàng dẫn tới được tâm thanh tịnh và khi đó chân tâm Phật tính mới hiển lộ, tức là giải thoát, được giải thoát thì không có gì có thể sánh bằng là vậy.

Đức Phật nói đại ý: “Lại nữa, này Bồ Tát Địa-Tạng! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp chùa tháp kinh điển đại thừa, hoặc nghe thấy một bài kệ, một câu kinh, hoặc gặp kinh điển chùa tháp rách nát cũ hư. Gặp như vậy rồi phát tâm ân cần, trân trọng lễ lạy, cung kính ngợi khen, bố thí cúng dường, phát tâm tu bổ, sửa sang in lại, khuyến khích người khác cùng phát tâm làm, thì người ấy được quả báo lớn vô lượng vô biên”.

     Ở đây, ngoài nghĩa thông thường về Sự trong việc tôn trọng cung kính lễ lạy cúng dường, tu bổ sửa sang chùa tháp, in ấn kinh sách được phúc báo; còn có ý nghĩa về biểu trưng cho sự học hỏi kinh điển (trân trọng, khen ngợi).Chùa tháp tượng trưng cho cái thân tâm Năm Uẩn (Sắc, thọ, tưởng, hành, thức), từ cái thân sắc gồm: đất nước gió lửa chẳng có cái nào thuộc về ta; đến cái tâm gồm Thụ, Tưởng, Hành, Thức luôn luôn biến đổi nên cũng chẳng thứ nào là của ta. Hư cũ tượng trưng cho sự chấp giữ cái thân hư cũ, chấp chặt cái tâm thay đổi từ bao đời rồi nên mãi trong luân hồi sinh tử, do đó tu hành để thấy cái thân này là vô thường, nay còn mai mất, thấy cái thân này không có gì là quan trọng, để từ bỏ chấp cái ta và cái của ta (bố thí cúng dường). Bằng cách là tu tâm dưỡng tánh (sửa sang in lại), khuyến tấn người khác cùng tu (cùng phát tâm làm). Được như thế thì lợi ích vô cùng, lợi ích đầu tiên là được thoát khỏi khổ được sống an vui, sau nữa là nếu tu hành đến nơi đến chốn thì sẽ được thành Bồ Tát và dần dần tiến tới giác ngộ thành Phật vậy.

(Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]