Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 23: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

09/03/201621:30(Xem: 4328)
Bài 23: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
KINH ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN
Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh
GIẢI NGHĨA
(Tiếp theo)
Toàn Không
 
     Đức Phật ra đời hiệu là Câu Lưu Tôn Như Lai:Câu là đương sức mạnh, xét lại, hạn chế, Lưu là dừng lại, để lại, Tôn là qúy trọng; Câu Lưu Tôn tượng trưng cho sự biết tự hạn chế mình mà tôn trọng qúy kính vị Thầy để học hỏi tu hành, thì trong kiếp hiện tại cho tới nhiều kiếp tiếp nối (Hiền kiếp) sẽ làm Đại Phạm Thiên Vương, tới khi đủ số 1000 Đức Phật tiếp nối ra đời sẽ được thọ ký. Đó là hàm ý trong câu: “Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật đây, chí tâm chiêm ngưỡng lễ bái hoặc lại tán thán, người này nơi pháp hội của một nghìn Đức Phật tronghiền kiếp làm vị đại Phạm Vương, được Phật thọ ký đạo vô thượng cho”.
     Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi Như Lai:Tỳ là giúp đỡ, là có, Thi là chủ trì, làm ra; Tỳ Bà Thi Như Lai có nghĩa là với sự giúp đỡ của Thiện Tri Thức trong việc tu hành thì không còn bị đọa sinh vào Địa Ngục, Ngạ Qủy, Súc sinh nữa, mà được an vui nơi các cõi lành. Đó là biểu trưng trong câu: “Như có người nam người nữ nào được nghe danh hiệu của Đức Phật đây, thời mãi không còn sa đọa vào chốn ác đạo, thường được sanh vào chốn trời người, hưởng lấy sự vui thù thắng vi diệu”.
     Đức Phật ra đời hiệu là Đa Bảo Như Lai:Đa là nhiều là khen ngợi, Bảo là giữ gìn, qúy báu; Đa Bảo Như Lai là biết luôn luôn khen ngợi làm lành tránh làm ác, giữ gìn giới đức và không quên tu hành thì được sinh lên cõi Trời hưởng sự tốt đẹp. Do đó được hàm ý trong câu: “Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật đây, liền khỏi đọa vào ác đạo, thường ở tại cung trời hưởng sự vui thù thắng vi diệu”.
     Đức Phật ra đời hiệu Bảo Tướng Như Lai:Bảo là giữ gìn, chăm sóc, qúy báu, Tướng là trạng mạo, giúp cho, lựa chọn; Bảo Tướng Như Lai nghĩa là biết lựa chọn cách tu và luôn luôn nhớ tu hành thì sẽ có ngày chứng qủa. Do đó biểu trưng trong câu: “Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật đây, sinh lòng cung kính, không bao lâu người ấy sẽ đạt quả A La Hán”.
     Đức Phật ra đời hiệu là Ca Sa Tràng Như Lai:Cà Sa là áo của người tu, Tràng là trường là dài; Cà Sa Tràng Như Lai là biết mặc áo của người tu, ý nói là người chân tu, mà đã chân tu thì chắc chắn sẽ được giải thoát, khi đã giải thoát thì không còn sinh tử vĩnh viễn, nói 100 đại kiếp là còn ngắn vậy. Đó là hàm ý trong câu: “Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật trên đây, thời người ấy sẽ siêu thoát tội sinh tử trong một trăm đại kiếp”.
     Đức Phật ra đời hiệu là Đại Thông Sơn Vương Như Lai: Đại là to lớn, lời tôn xưng, Thông là nghe hiểu, hiển đạt vẻ vang, Sơn là núi, Vương là vua, có ý nghĩa được quy phục;Đại Thông Sơn Vương Như Lai nghĩa là người chân tu tu hành kiên cố thì sẽ khắc phục mọi trở ngại để đạt tâm thanh tịnh. Tiếp tục tu hành vững vàng như núi cho đến khi được Tam muội Như huyễn, sẽ đạt được năng lực to lớn là ý đi đâu thân đi đó, lúc đó sẽ đến các cõi Phật ở 10 phương để học Phật. Đó là biểu trưng trong câu: “Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật đây, thời người này được gặp hằng hà Chư Phật nói nhiều pháp mầu cho, đều được thành đạo Bồ Đề”.
     Lại có Đức Tịnh Nguyệt Phật là biểu trưng biết giữ tâm được thanh tịnh lâu dài, Đức Sơn Vương Phật là biểu trưng có tâm quy phục vững như núi, Đức Trí Thắng Phậtlà biểu trưng biết trau dồi trí tuệ tối thắng.Đức Tịnh Danh Vương Phật là biểu trưng không còn bị danh lợi lôi kéo ràng buộc nữa, Đức Trí Thành Tựu Phật là biểu trưng đạt được tính chân thật. Đức Vô Thượng Phậtlà phải tu hành để đạt được giác ngộ tối cao,Đức Diệu Thinh Phật là biết tu để đạt được sự nghe vi diệu của tâm. Đức Mãn Nguyệt Phật là biết tu hành để đạt được công đức đầy đủ,Đức Nguyệt Diện Phật là tu hành để đạt được công đức tròn đầy; có bất khả thuyết Đức Phật Thế-Tôn như thế, nghĩa là có vô lượng điều để tu.
     Chúng ta thấy mỗi danh hiệu của một Đức Phật đều là biểu trưng của một hạnh, một cách mà người tu hành cần phải áp dụng hành trì để đạt được tâm thanh tịnh và tiến tới giải thoát; như thế thì những lời như cung kính, lễ bái, v.v… chỉ là tượng trưng mà thôi.
Ngài nói: “Tất cả chúng sanh trong thời hiện tại cùng thuở vị lai: hoặc là Trời, hoặc là người, hoặc người nam, hoặc người nữ chỉ niệm được danh hiệu của một Đức Phật thôi, sẽ được vô lượng công đức, huống nữa là niệm được nhiều danh hiệu”. Câu này có ý nghĩa biểu trưng là bất cứ ai từ hàng Trời cho tới Người chỉ cần nhớ (niệm) tu theo một vị Phật sẽ được vô số công đức, nói chi là nhớ tu theo nhiều vị Phật, chúng ta không nên hiểu chữ niệm là niệm lạy, mà là “nhớ” tu hành, đây mới là ý nghĩa chân thật vậy. Do đó Ngài nói: “Những chúng sanh đó lúc sinh lúc tử được nhiều phúc lợi, không còn phải đọa vào ác đạo nữa”.
     Ngài Địa Tạng nói tiếp rằng: “Như có người nào sắp mạng chung, hàng thân quyến trong nhà nhẫn đến một người vì người bịnh sắp chết đó mà niệm lớn tiếng danh hiệu của một Đức Phật, thời người chết đó, trừ năm tội lớn vô gián, các nghiệp báo khác đều tiêu sạch cả”. Nghĩa là khi người nào đã có tu hành dù chưa tới nơi tới chốn vì người bị bệnh sắp chết, mà kiên trì nhắc nhở nói giảng (ý nghĩa của niệm lớn tiếng) giáo pháp của Phật (biểu trưng danh hiệu của một vị Phật); ví dụ như khuyên buông bỏ công danh phú qúy, thôi tiếc của cải tài sản, dứt tâm quyến luyến người thân v.v…. Khiến cho tâm thức của người bệnh theo đó mà an ổn để tâm được thanh tịnh thì có thể tạm thời hóa giải được các nghiệp báo nhẹ, ngoại trừ nghiệp Vô Gián nặng nề.
     Ngài nói tiếp: “Năm tội lớn vô gián kia dầu rất nặng nề đáng lẽ trải qua ức kiếp hẳn không ra khỏi đặng quả khổ, nhưng bởi lúc lâm chung, nhờ người khác vì đó mà xưng niệm danh hiệu của Phật cho nên những tội nặng đó cũng lần lần tiêu sạch”. Dù là người có tội đại ác, dù là người có tội Vô Gián, mà khi qua đời được người khác giảng nói các giáo pháp của Phật, tức là các cách dẫn tâm thức ra khỏi tâm ác, hướng tâm thức vào nẻo thiện, để đưa tâm thức vào thanh tịnh, thì dù có bị đọa Địa Ngục, cũng được nhẹ nhàng hơn và ngày ra khỏi nơi khổ ải ấy được ngắn hơn vậy.
     Sau chót Ngài nói: “Huống là chúng sinh tự mình xưng danh hiệu của Chư Phật, người này được vô lượng phước lành, trừ diệt vô lượng khổ”. Đây là ý nói nếu mọi người tự tu theo giáo pháp của Phật ngay khi còn khỏe mạnh thì được vô số lợi ích phúc lành, mà trừ được vô lượng khổ, vì tu ít thì phúc ít, tu nhiều thì phước nhiều, tu tới mức thì được giải thoát, tức là thoát khổ. Không nên hiểu theo nghĩa hạn hẹp là chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là được tất cả những điều mong muốn; nếu hiểu như thế là rơi vào Thần quyền, mà Đức Phật trước khi nhập Niết Bànđã nói với bốn chúng là: Các đệ tử,hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thì việc cầu xin ỷ lại là không đúng. Nếu ỷ lại vào Thần quyền mà đúng thì các Tôn Giả A Nan Đà là em, La Hầu La là con của Đức Phật đều chẳng cần tu hành sao?
KỆ BẢN NGUYỆN ĐỊA TẠNG

Bản hạnh Địa Tạng,
Thệ nguyện rộng sâu,
Gậy vàng châu sáng độ chúng sanh,
Địa ngục khổ không ngằn,
Tinh tấn kiền thành,
Khỏi mắc khổ trầm luân.
Nam mô Thường Trụ Thập Phương Pháp. (3 lần)
Nam mô Địa Tạng Bồ Tát Ma-ha-Tát. (3 lần)
 
GIẢI NGHĨA
     Đại ý bài Kệ này nói Bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng là dùng Tích Trượng và Châu sáng để độ chúng sinh khỏi Địa Ngục khổ sở; đây là tiêu biểu rằng nếu có cái Tâm (Địa Tạng) thệ nguyện rộng lớn, thì phải thực hành lời nguyện của mình ngay trong Tâm và tu hành tinh tấn vững bền. Khi dẹp được Tứ Đế, phá được 12 Nhân Duyên, diệt được 6 Căn dính mắc 6 Trần, thì được giải thoát khỏi khổ (ví như dùng gậy vàng phá tan cửa địa ngục). Lúc đó sẽ hết tâm chúng sinh, được tâm thanh tịnh, có tâm thanh tịnh thì đạt trí tuệ, có trí tuệ thì sẽ đạt giải thoát, tức là chân tâm Phật tính hiển lộ (tượng trưng cho Châu sáng); đây là đã độ hết chúng sinh trong Tâm mình, do đó khỏi mắc khổ trầm luân vậy.
QUYỂN TRUNG HẾT
(Còn tiếp)
 
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]