Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 13: Kinh Địa Tạng giải Nghĩa

06/01/201606:13(Xem: 5268)
Bài 13: Kinh Địa Tạng giải Nghĩa

KINH

ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

PHẨM THỨ SÁU

NHƯ LAI TÁN THÁN

 

1). PHẬT PHÓNG QUANG DẶN BẢO.

      Lúc đó khắp thân của đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng lớn soi khắp đến trăm nghìn muôn ức hằng hà sa cõi nước của chư Phật; trong ánh sáng đó vang ra tiếng lớn bảo khắp các cõi nước của chư Phật rằng:

     “Tất cả các hàng Đại Bồ Tát và trời, rồng, quỷ, thần v.v…lắng nghe hôm nay ta khen ngợi rao bày những sự của ngài Bồ Tát Địa Tạng ở trong mười phương thế giới, hiện ra sức từ bi oai thần không thể nghĩ bàn, để cứu giúp tất cả tội khổ chúng sanh.

     Sau khi ta diệt độ, thời hàng Bồ Tát Đại sĩ các ông cùng với trời, rồng, quỷ, thần v.v… nên dùng phương chước để giữ gìn Kinh nầy, làm cho mọi loài chúng sanh đều khỏi tất cả sự khổ, mà  chứng cảnh vui Niết bàn”.

GIẢI NGHĨA

     Đọan mở đầu của Phẩm thứ sáu này, Kinh viết: “Lúc đó khắp thân của đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng lớn soi khắp đến trăm nghìn muôn ức hằng hà sa cõi nước của chư Phật”: Ở đây Đức Phật biểu trưng cho Đại Giác, từ thân Đại Giác phát ra ánh sáng tức là giác quang, đây chính là Tâm Phật chiếu soi cùng khắp mười phương Chư Phật. “Trong ánh sáng đó vang ra tiếng lớn bảo khắp các cõi nước của chư Phật”: Đây là tiếng Phạm Âm của Phật vang khắp không thiếu sót nơi nào, vì tiếng Phạm Âm hòa trong ánh sáng, mà ánh sáng phát ra từ nơi Tâm Phật thì cùng khắp không gian, nên tiếng này vang cũng cùng khắp mười phương là vậy.

     Đức Phật nói: “Tất cả các hàng Đại Bồ Tát và Trời, Rồng, Quỷ, Thần v.v… lắng nghe hôm nay ta khen ngợi rao bày những sự của ngài Địa Tạng Bồ Tát ở trong mười phương thế giới, hiện ra sức từ bi oai thần không thể nghĩ bàn, để cứu giúp tất cả tội khổ chúng sanh”: Như chúng ta đã biết khi tâm chúng sinh diệt hết thì bản tâm tự tính hiện, khi bản tâm hiện tức là Phật tánh hiển lộ thì sức từ bi vô lượng, sức oai thần vô biên, tất cả đều không thể nghĩ bàn, và lúc đó sự độ chúng sinh khỏi khổ mới được dễ dàng. Do đó Đức Phật khen ngợi sự đạt được bản tâm tự tính và Ngài phó chúc: “Khi Ta diệt độ, thời hàng Bồ Tát Đại sĩ các ông cùng với trời, rồng, quỷ, thần v.v… nên dùng phương chước để giữ gìn Kinh nầy, làm cho mọi loài chúng sanh đều khỏi tất cả sự khổ, mà chứng cảnh vui Niết bàn”. Nghĩa là khi Ngài diệt độ rồi, nhất là sau hai nghìn năm, từ thời Mạt Pháp về sau, các hàng Bồ Tát và Thiên Long Bát Bộ nên gìn giữ phổ biến giảng giải Kinh này để cho chúng sinh hiểu mà theo đó tu hành hầu thoát khổ được an vui (Niết Bàn).

2). BỒ TÁT PHỔ QUẢNG THƯA THỈNH.

      Nói lời ấy xong, trong pháp hội có một vị Bồ Tát tên là Phổ Quảng cung kính chắp tay mà bạch cùng đức Phật rằng: “Nay con nghe đức Thế Tôn ngợi khen ngài Địa Tạng Bồ Tát có đức oai thần rộng lớn không thể nghĩ bàn như thế.

      Trông mong đức Như Lai lại vì những chúng sanh trong thời Mạt Pháp sau nầy, mà tuyên nói các sự nhân quả của ngài Bồ Tát Địa Tạng làm lợi ích cho hạng trời, người. Làm cho hạng trời, rồng bát bộ và chúng sanh trong đời sau kính vâng lời của đức Phật”

      Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ngài Bồ Tát Phổ Quảng cùng trong tứ chúng rằng: “Lóng nghe! Lóng nghe! Ta sẽ vì các ông nói lược về phước đức của ngài Bồ Tát Địa Tạng làm lợi ích cho người cùng trời”.

      Ngài Phổ Quảng bạch Phật rằng: “Vâng! Bạch đức Thế Tôn! Chúng con xin ham muốn nghe”.

GIẢI NGHĨA

     Đoạn 2 này, Kinh nói: “Trong pháp hội có một vị Bồ Tát tên là Phổ Quảng cung kính chắp tay mà bạch cùng đức Phật”: Ở đây tên người hỏi có ý nghĩa biểu trưng: Chữ Phổ là phổ biến lưu hành khắp, chữ Quảng là rộng rãi, Phổ Quảng là phổ biến sâu rộng cùng khắp; phổ biến sâu rộng cùng khắp cái gì? Đó là cái mà Đức Phật đã nêu ra ở đoạn thứ nhất: Bản tâm tự tánh của mỗi chúng sinh.

     Bồ Tát Phổ Quảng thưa: “Nay con nghe đức Thế Tôn ngợi khen ngài Địa Tạng Bồ Tát có đức oai thần rộng lớn không thể nghĩ bàn như thế”: nghĩa là Đức Phật khen ngợi sự việc lúc tâm chúng sinh diệt hết thì bản tâm tự tính hiện, khi bản tâm hiện tức là Phật tánh hiển lộ thì có sức oai thần rộng lớn không thể nghĩ bàn được.

     Bồ Tát thưa tiếp: “Trông mong đức Như Lai lại vì những chúng sanh trong thời Mạt Pháp sau nầy, mà tuyên nói các sự nhân quả của ngài Bồ Tát Địa Tạng làm lợi ích cho hạng trời, người. Làm cho hạng trời, rồng bát bộ và chúng sanh trong đời sau kính vâng lời của đức Phật”: Các sự nhân quả của ngài Bồ Tát Địa Tạng là khi còn tham, sân, tà kiến, kiêu mạn, tất đố, ganh tị, v.v…. thì còn nghiệp báo và còn tâm chúng sinh. Còn tâm chúng sinh thì tâm Phật bị che khuất không hiển lộ, còn tâm chúng sinh thì còn bị dính mắc, còn bị dính mắc thì còn bị ràng buộc và buồn phiền. Khi nào diệt hết những xấu xa ô nhiễm thì lúc đó mới hết tâm chúng sinh, hết tâm chúng sinh thì lúc đó tâm địa, bản tâm tự tánh mới hiển lộ; đó là điều mà tất cả Trời Người, Thiên Long Bát Bộ cần phải nhớ vâng làm để đạt mục đích lớn nhất là giải thoát vậy.

3). PHẬT DẠY SỰ LỢI ÍCH.

      Đức Phật bảo ngài Bồ Tát Phổ Quảng: “Trong đời sau, như có người thiện nam, kẻ thiện nữ nào nghe đựơc danh hiệu của ngài Bồ Tát Địa Tạng, hoặc là chắp tay, hoặc là ngợi khen, hoặc là đảnh lễ, hoặc là luyến mộ, người đó sẽ qua khỏi tội khổ trong ba mươi kiếp.

      Nầy Phổ Quảng! Như có kẻ thiện nam hay người thiện nữ nào hoặc là hoạ vẽ hình tượng của ngài Bồ Tát Địa Tạng Bồ rồi chừng một lần chiêm ngưỡng, một lần đảnh lễ, người đó sẽ được sanh lên cõi trời Đao Lợi một trăm lần, không còn bị sa đọa vào ác đạo nữa.

      Ví dầu ngày kia phước trời đã hết mà sanh xuống nhân gian, cũng vẫn làm vị Quốc vương, không hề mất sự lợi lớn.

GIẢI NGHĨA

     Đức Phật bảo ngài Bồ Tát Phổ Quảng rằng: “Trong đời sau, như có người thiện nam, kẻ thiện nữ nào”. Người thiện nam, kẻ thiện nữ nhân nghĩa là những người có nhiều phúc đức, người đã giữ được Ngũ Giới (Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và ma túy) đầy đủ, không còn tham sân, mới gọi là người thiện. “Nghe đựơc danh hiệu của ngài Địa Tạng đại Bồ Tát”: Nghĩa là người nào nghe được danh hiệu Địa Tạng mà hiểu được rằng bản tôn Địa Tạng chính là Diệu Tâm của chính mình bị vùi lấp bởi tham, sân, tà kiến, kiêu mạn, tật đố, ganh tị v.v… xuyên qua ý, khẩu, thân tạo ra biết bao nhiêu chúng sinh điên đảo trong ta, nếu diệt hết những tâm điên đảo ấy thì bản tôn Địa Tạng, tức Diệu Tâm hiển lộ.

     Nếu hiểu biết như vậy rồi mà ta “hoặc chắp tay, hoặc khen ngợi, hoặc đảnh lễ, hoặc luyến mộ, người đó sẽ qua khỏi tội khổ trong ba mươi kiếp”, có nghĩa là ta vui vẻ, ưu ái, tôn trọng, thích thực hành tu tâm sửa tính, rời bỏ chấm dứt các thói hư tật xấu, thì chẳng những là qua khỏi tội trong ba mươi kiếp, mà còn có thể giải thoát do tùy theo sự hành trì của mỗi người. Chứ chẳng phải người đi chùa nhiều lễ bái nhiều nhưng không giữ Ngũ giới, còn tham sân, mà cho là thiện đâu, chẳng phải chỉ cần chắp tay khen ngợi luyến mộ đảnh lễ Bồ Tát Địa Tạng, không cần làm lành tránh làm ác mà qua khỏi nghiệp khổ đâu.

     “Này Phổ Quảng! Như có kẻ thiện nam hay người thiện nữ nào hoặc là họa vẽ hình tượng của ngài Bồ Tát Địa Tạng rồi chừng một lần chiêm ngưỡng, một lần đảnh lễ, người đó sẽ được sanh lên cõi trời Đao Lợi một trăm lần, không còn bị sa đọa vào ác đạo nữa”: Nghĩa là người thiện nào học hỏi hiểu biết việc lành ác, đã từng làm lành tránh làm ác, từng dùng phương tiện tu hành Lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ), nhưng thực hành chưa được nhiều (một lần chiêm ngưỡng, một lần đảnh lễ), thì người ấy sẽ được sinh lên cõi trời Đạo Lợi sống lâu dài cả trăm nghìn năm và không còn bị sa đọa vào các ác đạo nữa. Chẳng phải với nghĩa nông cạn cho rằng người nào vẽ hình đúc tượng ngài Bồ Tát Địa Tạng, rồi chỉ một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, thì sẽ được sinh lên cõi Trời Đạo Lợi một trăm lần và không còn bị đọa vào ba đường dữ nữa; nếu hiểu như thế là rơi vào thần quyền mê tín dị đoan nhảm nhí, vì không có một Thần linh nào có thể làm trái với nhân qủa nghiệp báo.

     “Ví dầu ngày kia phước trời đã hết mà sanh xuống nhân gian, cũng vẫn làm vị Quốc vương, không hề mất sự lợi lớn”: Nghĩa là khi hết phúc ở cõi trời rồi, khi qua đời sinh xuống nhân gian chẳng những được làm Vua, Tổng Thống, hay vị nguyên thủ một Quôc gia, mà còn có bao nhiêu điều tốt lành khác nữa như giàu có, thông minh, đẹp đẽ, khỏe mạnh, sống lâu v.v…. Chúng ta thấy lợi ích vô cùng lớn lao khi học hỏi hành trì Phật pháp, trong đời này, không làm việc gì có thể gặt hái được qủa tốt như thế, không có gì có thể so sánh và mang lại sự thù thắng to lớn như vậy được.

 (Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]