Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 08: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

05/12/201518:04(Xem: 5232)
Bài 08: Kinh Địa Tạng giải nghĩa


Kinh Dia Tang giai nghia

KINH

ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh 

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

PHẨM THỨ TƯ

NGHIỆP CẢM

CỦA CHÚNG SINH


 

1) BỒ TÁT ĐỊA TẠNG VÂNG CHỈ 

 

     Lúc đó ngài Bồ Tát Địa Tạng bạch cùng đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con nương sức oai thần của đức Như Lai, nên chia thân hình nầy ở khắp trăm nghìn muôn ức thế giới, để cứu vớt tất cả chúng sanh bị nghiệp báo.

     Nếu không nhờ sức đại từ của đức Như Lai, thì chẳng có thể biến hóa ra như thế được, nay con được đức Như Lai phó chúc: Từ nay đến khi ngài A Dật Đa thành Phật, làm cho chúng sanh trong sáu đường đều được độ thoát. Xin vâng! Bạch đức Thế Tôn! Xin Đức Thế Tôn chớ lo!”

      Bấy giờ Đức Phật bảo ngài Bồ Tát Địa Tạng rằng: “Những chúng sanh mà chưa được giải thoát, tánh thức của nó không định, hễ quen làm dữ thì kết thành nghiêp báo dữ, còn quen làm lành thì kết thành quả báo lành.

     Làm lành và làm dữ đều do cảnh duyên mà sanh ra, lăn mãi trong năm đường không lúc nào tạm ngừng ngớt, mê lầm chướng nạn trải đến kiếp số nhiều như vi trần.

      Ví như loài cá bơi lội trong lưới theo dòng nuớc chảy, thoạt hoặc tạm được ra, rồi lại mắc vào lưới; vì thế nên ta phải lo nghĩ đến những chúng sanh đó.

     Đời trước ông trót đã lập nguyện trải qua nhiều kiếp phát thệ rộng lớn độ hết cả hàng chúng sanh bị tội khổ thì Ta còn lo gì!”

GIẢI NGHĨA

     Đoạn này, Bồ Tát Địa Tạng thưa với Đức Phật rằng: “Nay con được đức Như Lai phó chúc: Từ nay đến khi ngài A Dật Đa thành Phật, làm cho chúng sanh trong sáu đường đều được độ thoát; xin vâng!” Ở đây là ý nói rằng từ khi Phật Thích Ca nhập Niết Bàn tới khi Phật Di Lặc ra đời, nếu tính thì phải khoảng 8 triệu 8 trăm nghìn năm, trong khoảng thời gian qúa xa này, ngoại trừ thời Chính Pháp 1000 năm và Tượng Pháp là 1000 năm ra, từ thời Mạt Pháp (ngày nay) trở về sau, chúng sinh phải biết tu Tâm, nghĩa là phải tự tu sửa Tâm Tính (Địa Tạng) của mình, vì khi biết nghĩ đến cái Tâm thì sẽ giảm bớt dần những tâm chúng sinh, tức là bớt dần các thói hư tật xấu của tham, sân, tà kiến, kiêu mạn, tật đố, ganh tị v.v…

      Bấy giờ Đức Phật bảo ngài Bồ Tát Địa Tạng rằng: “Những chúng sanh chưa được giải thoát, tánh của họ không định, hễ quen làm dữ thì kết thành nghiêp báo dữ, còn quen làm lành thì kết thành quả báo lành. Làm lành và làm dữ đều do cảnh duyên mà sinh ra, trôi lăn mãi trong năm đường không lúc nào tạm ngừng ngớt, nhiều như vi trần. Ví như loài cá bơi lội theo dòng nuớc chảy, bị mắc vào lưới tạm được ra, rồi lại mắc vào lưới nữa; vì thế nên Ta phải lo nghĩ đến những chúng sanh như thế”. Nghĩa là chúng sinh thường làm lành làm ác lẫn lộn đủ cả, không thể tránh được qủa báo của việc làm ác, nên Phật ví như trong dòng nước cá bơi lội bị mắc lưới là do làm ác, được thoát ra khỏi lưới là do làm lành, rồi lại bị mắc lưới nữa do làm ác. Do đó mãi mãi ở trong luân hồi không có ngày ra khỏi, vì thương xót chúng sinh phải ngụp lặn mãi trong sinh tử luân hồi, nên Đức Phật rất lo lắng vậy.

     Đức Phật bảo: “Đời trước ông trót đã lập nguyện trải qua nhiều kiếp phát thệ rộng lớn độ hết cả hàng chúng sanh bị tội khổ thì Ta còn lo gì!” Nghĩa là Phật tin tưởng ở những người phát thệ nguyện độ hết chúng sinh, tức là những người có tu tâm sửa tính thì không còn phải lo gì. Vì tu sau nhiều đời tiếp nối cho tới ngày Bồ Tát Di Lặc thành Phật, những người này sẽ có cơ hội gặp gỡ Phật Di Lặc để được hướng dẫn chỉ dạy hầu tu hành tiến tới giải thoát.

2) BỒ TÁT ĐỊNH TỰ TẠI VƯƠNG HỎI.

 

     Khi đức Phật dạy lời như thế xong, trong Pháp hội có một vị đại Bồ Tát hiệu là Định Tự Tại Vương ra bạch cùng đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn!Từ nhiều kiếp đến nay, ngài Bồ Tát Địa Tạng đã phát thệ nguyện gì, mà nay được đức Thế tôn ân cần ngợi khen như thế? Cúi mong đức Thế Tôn lược nói cho”.

Bấy giờ, đức Thế-Tôn bảo Ngài Bồ Tát Định-Tự-Tại-Vương: “Lóng nghe! lóng nghe! Phải khéo suy xét đó, Ta sẽ vì ông mà giải bày rõ rằng:”

GIẢI NGHĨA

     Danh hiệu “Bồ Tát hiệu là Định Tự Tại Vương” nghĩa là danh hiệu này tiêu biểu cho việc thực hành tu tập Thiền định trong Lục Độ gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ; ở đây ý nói chúng sinh muốn có trí tuệ giải thoát thì phải tu hành Lục Độ vậy.

3). ÔNG VUA NƯỚC LÂN CẬN.

     Vô lượng vô số na-do-tha bất khả thuyết kiếp về thuở trước, lúc đó có đức Phật ra đời hiệu là Nhất-Thiết-Trí-Thành-Tựu Như-Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế-Tôn.

     Đức Phật đó thọ sáu muôn kiếp. Khi Ngài chưa xuất gia, thời Ngài làm Vua một nước nhỏ kia, kết bạn cùng với Vua nước lân cận; hai Vua đồng thực hành mười hạnh lành làm lợi ích cho nhân dân.

     Nhân dân trong nước lân cận đó phần nhiều tạo những việc ác. Hai Vua cùng nhau bàn tính tìm những phương chước để dắt dìu dân chúng ấy.

     Một ông phát nguyện: “Tôi nguyện sớm thành Phật sẽ độ dân chúng ấy làm cho đều được giải thoát không còn thừa”.

     Một ông phát nguyện: “Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đều đặng an vui chứng quả Bồ Đề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật”.

     Đức Phật bảo Ngài Định-Tự-Tại-Vương rằng: “ÔngVua phát nguyện sớm thành Phật đó, chính là đức Nhứt-Thiết-Trí-Thành-Tựu Như-Lai.

     Còn ông Vua phát nguyện độ chưa hết những chúng sanh tội khổ thời chưa nguyện thành Phật, đó chính là Ngài Bồ Tát Địa-Tạng đây vậy”.

GIẢI NGHĨA

     Ở đoạn hai, Bồ Tát Định Tự Tại Vương thắc mắc hỏi Phật rằng Bồ Tát Địa Tạng đã phát thệ nguyện những gì, mà được Đức Thế tôn ân cần ngợi khen? Theo lời Đức Phật nói ở đoạn ba thì lời thệ nguyện của Bồ Tát Địa Tạng đã qúa xa xưa, vì từ thuở hai Vua cùng thệ nguyện, mà một người đã thành Phật từ vô lượng kiếp rồi, còn một người vẫn là Bồ Tát giáo hóa cứu khổ chúng sinh. Ở đây có hai loại thệ nguyện: 

1.  Thệ nguyện thành Phật trước, sau mới độ chúng sanh. 

2.  Thệ nguyện trước độ chúng sanh, sau mới thành Phật.

     Tùy theo ý muốn của mỗi người mà tự lựa chọn đường lối và phát nguyện của mình, chúng ta thấy rõ đại nguyện của Bồ Tát Địa Tạng là theo đường lối thứ hai và Đức Phật Thích Ca đã ân cần khen ngợi và phó chúc làm Phật sự cứu độ chúng sinh vậy. Nhưng chúng ta cũng nên biết lời phát nguyện rằng: “Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đều được an vui chứng quả Bồ Đề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật”. Câu này còn có hàm ẩn ý là khi nào tu hành không còn tâm chúng sinh nữa thì mới thành Phật, nghĩa là những tâm tham, sân, tà kiến, kiêu mạn, tật đố, ganh tị v.v… không còn tạo tác bởi thân khẩu ý nữa, tức là hết tâm ô nhiễm được tâm vô lậu (trong sạch) thì sẽ thành Phật. Đây là ý nghĩa mà Đức Phật bảo Ngài Bồ Tát Định-Tự-Tại-Vương: Lóng nghe! lóng nghe! Phải khéo suy xét đó”, mà thực sự là Ngài nói với chúng ta là những người học Phật khi đọc Kinh này vậy.

  

     Câu “Đức Phật ra đời hiệu là Nhất-Thiết-Trí-Thành-Tựu Như-Lai”: Đây là biểu trưng tuệ giác siêu việt của Phật, Chư Phật thì biết rõ cả tổng tướng và biệt tướng của vạn pháp. Tổng tướng là tướng trạng do Năm Uẩn là Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức hòa hợp, Biệt tướng là một trong 6 tướng gồm: Tổng (tụ họp lại), Biệt (riêng rẽ), Đồng (giống nhau), Dị (khác nhau), Thành (thành hình), Hoại (tan hoại). Muốn Thành tựu Như-Lai thì phải tu hành cho tới khi đạt được Nhất Thiết Trí hay Tri Kiến Phật.

     Câu “Như-Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế-Tôn.” Đây là 10 danh hiệu của Chư Phật với ý nghĩa như sau:

01 - Như Lai: Bậc Chính Đẳng Chính Giác, vốn không từ đâu lại và cũng chẳng đi về đâu, đó là Như Lai.

02 - Ứng Cúng: Đầy đủ chính pháp vi diệu, xứng đáng hưởng cúng dường của Người, và Trời.

03 - Chính Biến Tri: Dịch theo âm là Tam Miểu Tam Phật Đà, nghĩa là biết rõ hai đế lý: Lý thế gian (Thế đế), là lý tương đối, và lý chân thật (Chân đế) là lý tuyệt đối bình đẳng.

04 - Minh Hạnh Túc: Giữ gìn tịnh giới thanh tịnh, đầy đủ Tam Minh (Túc mệnh minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh).

05 - Thiện Thệ: Không còn sinh trong ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc giới nữa.

06 - Thế Gian Giải: Là biết hết thế gian nhân sinh và vũ trụ.

07 - Vô Thượng Sĩ: Đấng tối cao không ai vượt qua.

08 - Điều Ngự Trượng Phu: Biết rõ phương tiện điều phục chúng sinh.

09 - Thiên Nhân Sư: Khiến Trời Người không khởi lòng khiếp sợ, giáo hóa cho lìa khổ được vui.

10 - Phật Thế Tôn: Bậc giác ngộ được người và Trời tôn kính.

 (Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]