Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 06: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

21/11/201507:19(Xem: 5592)
Bài 06: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

Kinh Dia Tang giai nghiaKINH

ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh 

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

PHẨM THỨ HAI

PHÂN THÂN TẬP HỘI

1). HOÁ THÂN CÙNG QUYẾN THUỘC.

        Lúc đó phân thân Địa Tạng Bồ Tát ở các nơi có địa ngục trăm nghìn muôn ức bất khả tư,  bất khả nghị, bất khả thuyết, vô lượng vô số thế giới đều đến hội họp tại cung trời Đao Lợi.

      Do nhờ thần lực của Như Lai, phân thân đó hiệp với những chúng đã được giải thoát ra khỏi chốn nghiệp đạo ở mười phương, cũng đều đông đến số nghìn muôn ức na do tha, đồng cầm hương hoa đến cúng dường Phật.

     Những chúng cùng đến với phân thân đó, thảy đều nhờ Bồ Tát ĐịTạng giáo hóa làm cho trụ nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trọn không còn thối chuyển.

      Những chúng đó từ kiếp lâu xa đến nay trôi lăn trong vòng sinh tử ở trong sáu đường, chiụ những điều khổ sở không có lúc nào tạm ngừng dứt, nhờ lòng từ bi lớn và thệ nguyện sâu dày của ngài Bồ Tát Địa Tạng, nên tất cả đều chứng được đạo quả.

      Đại chúng đó khi đã đến cung trời Đao Lợi, lòng họ vui mừng hớn hở, chiêm ngưỡng đức Như Lai mắt nhìn mãi không rời.

GIẢI NGHĨA

     Đoạn này Kinh nói: Lúc đó phân thân Địa Tạng Bồ Tát ở các nơi có địa ngục trăm nghìn muôn ức bất khả tư,  bất khả nghị, bất khả thuyết, vô lượng vô số thế giới đều đến hội họp tại cung trời Đao Lợi.” Như phần đầu của Kinh chúng ta đã phân tích rằng Địa Tạng là bản tâm, tự tính, v.v…. phân-thân nghĩa là một thân chia ra làm trăm, nghìn, muôn thân, mỗi phần gọi là một phân-thân, vì vậy mỗi phân-thân Địa-Tạng là một phần của Tâm, nhưng tâm chỉ có một, có một tâm, đó là tâm Phật, Phật tính. Nhưng khi chưa đạt đạo thì tâm chia ra vô lượng tâm như tâm tham, tâm sân, tâm dối, tâm kiêu mạn v.v…, mà có các tâm ấy thì biểu trưng là chúng sinh còn trôi lăn trong vòng sinh tử. Khi đạt đạo rồi thì vô lượng tâm kia diệt hết biến mất chỉ còn là một tâm trống rỗng tịch tịnh trong sáng cùng khắp, nên nói phân thân và hợp thân (tâm) làm một là vậy. 

     Do nhờ thần lực của Như Lai, phân thân đó hiệp với những chúng đã được giải thoát ra khỏi chốn nghiệp đạo ở mười phương, cũng đều đông đến số nghìn muôn ức na do tha, đồng cầm hương hoa đến cúng dường Phật. Đây là tất cả các hàng A La Hán và Bồ Tát đã thoát khỏi nghiệp đạo.

 

     Những chúng cùng đến với phân thân đó, thảy đều nhờ Bồ Tát Địa Tạng giáo hóa làm cho trụ nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trọn không còn thối chuyển: Nghĩa là những vị này đều do tu tâm (Địa Tạng) nơi đạo Vô thượng, nên không còn bị thoái đạo nữa.

 

      Những chúng đó từ kiếp lâu xa đến nay trôi lăn trong vòng sinh tử ở trong sáu đường, chiụ những điều khổ sở không có lúc nào tạm ngừng dứt, nhờ lòng từ bi lớn và thệ nguyện sâu dày của ngài Bồ Tát Địa Tạng, nên tất cả đều chứng được đạo quả. Đây là tượng trưng cho các chúng sinh từ kiếp lâu xa bị trôi lăn trong vòng sinh tử ở trong sáu đường, chịu những điều khổ sở không có lúc nào tạm ngừng dứt. Nhờ đã hiểu được giáo pháp, phát được tâm lành, tu sửa tâm tính, tạo được thiện căn, trừ bỏ được ác nghiệp, đang tu hạnh Bồ Tát, nên biểu trưng như được Bồ Tát Địa Tạng giáo hóa.

2). ĐỨC NHƯ LAI AN ỦI ỦY THÁC.

      Bấy giờ, Thế Tôn giơ tay sắc vàng xoa đảnh của hóa thân Bồ Tát Địa Tạng trong muôn nghìn muôn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết, vô lượng vô số thế giới (1) mà dạy rằng: “Ta ở trong đời ác ngủ trược (2) dạy những chúng sanh cang cường như thế, làm cho lòng chúng nó điều phục bỏ tà về chánh; nhưng trong mười phần vẫn còn một hai phần chúng sanh quen theo tánh ác.

      Muốn độ chúng đó, ta cũng phân nghìn trăm ức thân lập ra nhiều phương chước. Trong chúng sanh đó, hoặc có người căn tánh sáng lẹ nghe pháp của ta thời liền tín nhận, hoặc có người phải khuyên bảo mới thành tựu được thiện quả, hoặc có kẻ vì tội nghiệp quá nặng nên chẳng đem lòng kính tin ngưỡng mộ.

      Ta phân ra nhiều thân độ thoát những chúng sanh mỗi mỗi sai khác như thế. Hoặc hiện ra thân trai, hoặc hiện ra thân gái, hoặc hiện ra thân trời, rồng, hoặc hiện ra thân quỷ, thần, hoặc hiện ra rừng, núi, sông, ngòi, ao, rạch, suối làm lợi ích cho mọi người, để rồi độ họ được giải thoát.

      Hoặc hiện ra thân Thiên Đế hoặc hiện ra thân Trời Phạm Vương hoặc hiện ra thân Vua Chuyển luân, hoặc hiện ra thân Quốc Vương hoặc hiện ra thân Cư Sĩ, hoặc hiện ra thân Tể Phụ, hoặc hiện ra thân các hàng quan thuộc, hoặc hiện ra thân Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di.

      Nhẫn đến hiện ra những thân Thanh Văn, La Hán, Bích Chi Phật và Bồ Tát để hóa độ chúng sanh, chớ chẳng phải chỉ có thân Phật hiện ra trước chúng thôi đâu!

      Địa Tạng! Ông xem ta đã trải qua bao số kiếp nhọc nhằn độ thoát những chúng sanh cang cường đầy tội khổ khó khai hoá như thế, ngoài ra những kẻ chưa điều phục được, thời phảỉ theo nghiệp thọ báo.

      Nếu khi chúng đó có bị đọa vào đường dữ chiụ nhìều sự thống khổ, thời ông nên nghĩ nhớ ta ở cung trời Đao Lợi ân cần phó chúc đây mà gắng độ chúng sanh, làm cho chúng sanh trong cõi Ta Bà nầy đến lúc Phật Di Lặc ra đời, đều được giải thoát, khỏi hẳn các điều khổ, gặp Phật, được đức Phật thọ ký”

      Bấy giờ, những hóa thân Bồ Tát  Địa Tạng ở các thế giới hiệp chung lại một hình, rơi lệ thương cảm mà bạch cùng đức Phật rằng: “Từ số kiếp lâu xa đến nay, con nhờ đức Thế Tôn tiếp  độ dắt dìu làm cho con được thần lực chẳng thể nghĩ bàn, đầy đủ trí huệ rộng lớn.

      Con phân hiện thân hình ra ở cùng khắp trăm nghìn muôn ức hằng hà sa thế giới. Trong mỗi thế giới hóa hiện trăm nghìn muôn ức thân. Mỗi thân đó hoá độ trăm nghìn muôn ức người làm cho quy kính ngôi Tam Bảo, khỏi hẳn vòng sanh tử hưởng vui Niết bàn

      Những chúng sanh nào ở nơi Phật Pháp chỉ làm một việc lành bằng một sợi lông, một giọt nước, một hột cát, một bụi nhỏ, hoặc chỉ bằng chừng mảy lông tóc, con đều độ thoát lần lần, làm cho chúng đó được lợi ích lớn.

      Cúi mong Đức Như Lai chớ vì những chúng sanh ác nghiệp trong đời sau mà sanh lòng lo lắng!..Cúi mong Đức Như Lai chớ vì những chúng sanh ác nghiệp trong đời sau mà sanh lòng lo lắng!..” Ngài Bồ Tát Địa Tạng bạch cùng Đức Phật ba lần như thế.

      Lúc ấy, Đức Phật khen ngài Bồ Tát Địa Tạng rằng: “Hay thay! Hay thay! Ta hộ trợ cho ông được toại nguyện! Từ số kiếp lâu xa đến nay thường phát nguyện rộng lớn, cứu độ tất cả chúng sanh xong rồi thời ông liền chứng quả Bồ đề.”

GIẢI NGHĨA

(1) Bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết, vô lượng vô số thế giới: Đây là con số qúa lớn không thể tính đếm hết được, vì thế giới vũ trụ vô biến nên thế giới vô lượng.

(2) Ngũ trược: Là 5 trược hay 5 trọc gồm:

1. Kiếp trọc: Bệnh, đói, khủng bố hoành hành;

2. Kiến trọc: Thấy biết sai nên tà kiến thịnh hành;

3. Phiền não trọc: Tham năm dục nên phiền não;

4. Chúng sinh trọc: Vô đạo đức, không sợ quả báo;

5. Mệnh trọc: Sống nay chết mai, đời sống ngắn ngủi.

     Phần đầu của đoạn này đại ý Đức Phật xoa đầu hóa thân Bồ Tát Địa Tạng mà dạy rằng:

     “Ta đã ở trong đời Ngũ trược, phân thân trăm nghìn ức thân, lập ra nhiều phương chước giáo hóa vô số loại hạng chúng sinh cang cường như thế, làm cho lòng chúng nó điều phục bỏ tà về chánh; nhưng trong mười phần vẫn còn một hai phần chúng sanh quen theo tánh ác….

    Ta phân ra nhiều thân độ thoát những chúng sanh mỗi mỗi sai khác như thế. Hoặc hiện ra thân trai, thân gái, thân trời, rồng, thân quỷ thần; hoặc hiện ra thân Thiên Đế, Trời Phạm Vương, Vua Chuyển luân, Quốc Vương, Cư Sĩ; hoặc hiện ra thân Tể Phụ, các hàng quan thuộc, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di.

      Nhẫn đến hiện ra những thân Thanh Văn, La Hán, Bích Chi Phật và Bồ Tát để hóa độ chúng sanh, chớ chẳng phải chỉ có thân Phật hiện ra trước chúng thôi đâu!”

     Ở đây ví như muốn giáo hóa loài người thì Ngài hóa thân làm loài người, cũng có khi muốn giáo hóa loài người Ngài hóa Thân làm loài trâu, bò, heo lợn, mèo, chó v.v…. Những loài vật này biết làm những cử chỉ khổ não như chảy nước mắt không ngưng (biểu tượng của khóc than, xin tha cho khỏi chết), qùy lạy (biểu tượng của lạy van, xin tha cho mạng sống) v.v… để khỏi bị sát hại, làm cho loài người thức tỉnh u mê mà bỏ sự giết hại chúng sinh.

     “Hoặc hiện ra rừng, núi, sông, ngòi, ao, rạch, suối làm lợi ích cho mọi người, để rồi độ họ được giải thoát”, với mục đích hóa độ như hiện ra chỗ nguy hiểm có thể gây chết chóc, hay hiện ra hình thù gây ấn tượng lạ thường, do đó con người thấy sự vô thường để từ đó tìm tòi học đạo tu hành v.v…

      Ta đã trải qua bao kiếp nhọc nhằn độ thoát những chúng sanh cang cường đầy tội khổ khó khai hoá, còn biết bao nhiêu những kẻ chưa điều phục được, đều phảỉ theo nghiệp thọ báo khổ ải trầm luân”. Đây là Ngài nói về những kẻ cứng đầu, giống như kẻ điếc không sợ súng, những kẻ có ác kiến, có tâm ác thường vui thích làm việc ác như săn bắn, câu cá chẳng hạn, v.v… không nghe lời Ngài dạy bảo, nên Ngài vô cùng thương xót mà dặn bảo:

     “Ông nên nhớ tới Ta ở cung trời Đạo Lợi ân cần phó chúc đây mà gắng độ chúng sanh, làm cho chúng sinh trong cõi Ta Bà đều được giải thoát khỏi các khổ, đến lúc Phật Di Lặc ra đời được Đức Phật này thọ ký”. Nghĩa là cố gắng mà dạy bảo chúng sinh làm lành tránh làm ác, tu hành nghiêm chỉnh để được gặp Đức Phật Di Lặc khi thành Phật thì sẽ tiếp tục tu hành và được thụ ký mai sau thành Phật.

     Khi ấy, những hóa thân Bồ Tát Địa Tạng hiệp chung lại một thân hình, rơi lệ mà bạch cùng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng: “Từ số kiếp lâu xa đến nay, con nhờ Đức Thế Tôn tiếp độ dắt dìu làm cho con được thần lực chẳng thể nghĩ bàn, đầy đủ trí huệ rộng lớn”. Đây là biểu trưng cho khi tu hành tới nơi tới chốn, nghĩa là khi đã diệt trừ hết tâm chúng sinh thì Tâm chân hiển lộ, lúc đó được trí tuệ rộng lớn, có thần lực không thể nghĩ bàn. Khi được giải thoát rồi, dùng thần lực nhìn lại vô lượng kiếp về trước thấy trôi lăn trong sáu đường khổ sở triền miên mà cảm thương đến rớt nước mắt vậy.

     Con phân hiện thân hình ra ở cùng khắp trăm nghìn muôn ức hằng hà sa thế giới, trong mỗi thế giới hóa hiện trăm nghìn muôn ức thân; mỗi thân hoá độ vô số người làm cho tin kính ngôi Tam Bảo và hướng dẫn tu hành ra khỏi vòng sanh tử hưởng vui Niết bàn: Đây là lời nguyện hóa độ hết tâm chúng sinh để được tâm thanh tịnh yên vui.

     Còn những chúng sanh nào ở nơi Phật Pháp chỉ làm một việc nhỏ lành, con đều độ thoát dần dần, làm cho chúng đó được lợi ích lớn; cúi mong Đức Như Lai chớ vì những chúng sinh ác nghiệp trong đời sau mà sinh lòng lo lắng: Ngài Bồ Tát Địa Tạng thưa cùng Đức Phật ba lần như thế, vì Bồ Tát sẽ dùng mọi phương tiện hướng dẫn chúng sinh tu hành để được lợi ích.

     Tóm lại, ý nghĩa đoạn Kinh này là Phật luôn luôn giáo hóa chúng sinh, mỗi phân thân của Phật hay Địa Tạng, là một chúng sinh, đó là tâm của mỗi người đều thay đổi tùy theo sự biết (giác), có sự biết thì có sự tìm hiểu học hỏi, đây gọi là tâm. Mọi người đều có tâm, tâm mình chẳng những là học Phật, mà còn dạy những người xung quanh, sự dạy này thuộc về người cùng cảnh ngộ, sự giáo hóa hay dạy bảo lẫn nhau mới có hiệu quả; như đối với hạng nào thì phải có loại người nào nói mới mang lại kết qủa tốt, do đó Đức Phật đã nêu ra đủ mọi loại người mà Ngài hóa hiện. 

     Nhưng con người không chỉ học với con người nơi con người, mà còn có thể học với vạn vật ngoại cảnh, như từ súc vật, từ các cảnh vật rừng núi, sông ngòi, ao rạch, suối ghềnh, mây gió v.v…. Những cảnh vật này làm lợi ích cho mọi người, thuộc vạn pháp mà trong pháp có ý Phật, cho nên nói Phật phân thân hiện ra trong những vật ấy; nếu chúng ta để tâm suy nghĩ tìm hiểu có thể học được rất nhiều điều bổ ích, như về nhân-quả, vô thường, nhân duyên v.v…, vì những thứ này đều có thể rút ra từ những cảnh hình tướng của vạn vật vậy. 

      Lúc ấy, Đức Phật khen ngài Bồ Tát Địa Tạng rằng: “Hay thay! Hay thay! Ta hộ trợ cho ông được toại nguyện, từ số kiếp lâu xa đến nay thường phát nguyện rộng lớn, cứu độ tất cả chúng sanh xong rồi thời ông liền chứng quả Bồ đề”. Nghĩa là từ xưa tới nay tất cả những người phát nguyện muốn độ hết chúng sinh, tức là những người nguyện tu hành để tận diệt tất cả những tâm điên đảo xấu xa, khi hành trì cho đến không còn một chúng sinh trong tâm nữa thì chân tâm hiển lộ, liền giải thoát vậy.

 (Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]