Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 11: Kinh Dược Sư giải nghĩa

04/11/201520:05(Xem: 4209)
Bài 11: Kinh Dược Sư giải nghĩa

KINH DƯỢC SƯ

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

--- o ---

 

KINH VĂN 24:
PHẬT DƯỢC SƯ PHÓNG QUANG

NÓI CHÚ ĐÀ LA NI TRỪ KHÔ NẠN

 

Này Mạn Thù Sư Lợi! Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia khi đã chứng được đạo Bồ Đề, do sức bản nguyện mà Ngài quan sát biết chúng hữu tình gặp phải các thứ bịnh khổ như da vàng, gầy ốm, cảm nhiệt, thương hàn, hoặc trúng phải những thứ ếm đối (1), đồ độc (2), hoặc bị hoạnh tử (3), hoặc bị chết non.

Muốn những chứng bệnh đau khổ ấy được tiêu trừ và lòng mong cầu của chúng hữu tình được mãn nguyện, Ngài liền nhập định, kêu là "định diệt trừ tất cả khổ não chúng sanh"; khi Ngài nhập định, từ trong nhục kế (4) phóng ra luồng ánh sáng lớn, luồng ánh sáng ấy nói Chú (5) Đại Đà La Ni (6):

 

Nam mô bạt già phạt đế, bệ sái xã, lũ lô bệ lưu ly, bát lặc bà, hắc ra xà dã. Đát tha yết đa ra, a ra hắc đế. Tam miểu tam bột đà da, đát điệt tha. Án, bệ sái thệ, bệ sái thệ, bệ sái xã, tam một yết đế sa ha.

 

Lúc ấy trong luồng ánh sáng diễn Chú này rồi, cả đại địa rúng động (7), phóng ra ánh đại quang minh làm cho tất cả chúng sanh dứt hết bịnh khổ, hưởng được an vui.

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Ếm đối: Là dùng bùa ếm, một thứ bùa nó trù người cho đến khi chết, dùng ma thuật, bùa ngải, ếm độc, cho đến dùng tên họ, làm hình nộm ngưòi oán cừu rồi dùng bùa chú tà thuật trù ếm làm cho mê muội, đau đớn, khổ sở hoặc dùng tà pháp trù ẻo hại mạng người cho đến chết.

 

(2) Đồ độc: Đầu độc bằng thuốc mê, thuốc độc gây đau đớn mê man làm cho mất trí hoặc chết.

 

(3) Hoạnh tử: Chết bất ngờ như tai nạn xe cộ, té ngã cầu đò, bị tai nạn lửa nước, v.v…

 

(4) Nhục Kế:  Nhục Kế Tướng từ chữ Phạn Sanskrit: Uwịìwa-ziraskatà, chữ Pàli: Uịhìsa-sìso. Hán dịch: Kế (búi tóc), Đính Kế (búi tóc trên đỉnh đầu), Phật Đính. Cũng gọi là Đính Tướng Nhục Kế, Đính Tướng Kế, v.v…. Trên đỉnh đầu của Phật và Đại Bồ Tát có cục thịt xương nổi cao lên giống như búi tóc (kế), cho nên gọi là Nhục Kế, là 1 trong 32 tướng hảo của Đức Phật.

 

(5) Chú: Là những lời nói bí mật của Chư Phật và Bồ Tát, chúng ta không thể nào hiểu được ý nghĩa sâu xa của Chú.

 

(6) Đà La Ni: Chữ Phạn Sanskrit là: Dhàranì, cũng gọi là Đà Lân Ni. Dịch là Tổng Trì, Năng Trì, Năng Già, tức là sức trí tuệ có thể tóm thu nắm giữ hết tất cả, gìn giữ vô lượng Phật pháp không để quên mất. Nói cách khác, Đà La Ni là một thuật, một phương pháp ghi nhớ, tức là trong một pháp nắm giữ tất cả pháp, trong một lời nắm giữ tất cả lời, trong một nghĩa nắm giữ tất cả nghĩa. Do đó, từ sự ghi nhớ một pháp một lời một nghĩa ấy mà có thể liên tưởng đến hết thảy pháp, tóm thâu nắm giữ vô lượng Phật pháp không để mất mát. Đà La Ni là do dụng công tu tập thiền định mà có, có bốn loại Đà La Ni:

1. Văn Đà La Ni: Người được Đà La Ni đã nghe các pháp thì không quên nữa.

2. Nghĩa Đà La Ni hay Phân biệt tri Đà La Ni: Có năng lực phân biệt tất cả việc tà chính, tốt xấu.

3. Nhập âm thanh Đà La Ni: Nghe tất cả âm thanh ngôn ngữ đều vui vẻ, không tức giận.

4. Tự nhập môn Đà La Ni: Nghe 42 chữ cái như a, la, ba, giá, na v.v... có thể thấu suốt thực tướng các pháp, bởi vì 42 chữ cái Tất Đàm tóm thu tất cả ngôn ngữ.

 

(7) Đại địa rúng động:  Động đất, đất bị chấn động, trong trường hợp này sự chấn động mặt đất do thần lực Phật Dược Sư Lưu Ly Quang tạo ra để làm cho chúng sinh tỉnh ngộ tin tưởng, biết rõ pháp tướng vi diệu, và làm cho chúng sinh quán xét lời thuyết pháp của Phật là từ nơi chân trí mà ra.

 

      Đoạn Kinh Văn 24 này nói: Do bản nguyện của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ngài quán sát biết chúng sanh thường gặp các bệnh kỳ quái hoặc bị bùa chú tà thuật đầu độc tệ hại mà bị khổ sở, bị chết bất ngờ. Chưa đến nỗi phải chết mà bị chết non chết yểu khổ sở trăm bề, và muốn cứu khổ chúng sanh, Ngài nhập “định diệt trừ tất cả khổ não chúng sanh". Khi Ngài nhập định, từ trong Nhục Kế trên đầu Ngài phóng ra luồng ánh sáng lớn, trong luồng ánh sáng ấy có tiếng nói Chú Đại Đà La Ni. Lúc ấy trong luồng ánh sáng diễn nói Chú rồi, cả đại địa rung động, Ngài phóng ra ánh đại quang minh làm cho tất cả chúng sanh tỉnh ngộ tin tưởng. Rồi họ quán xét lời thuyết pháp của Ngài, biết rõ pháp tướng vi diệu nên tụng Đại Đà La Ni, tu hành, rồi làm lành tránh làm ác, do đó dứt hết các khổ, hưởng được an vui.

 

     Một điểm cần để ý là nhiều người đã từng đọc Chú, nhưng rất ít người đọc Chú được hiệu nghiệm, tại vì Chú là lời bí mật của Chư Phật, chỉ có Chư Phật mới hiểu được nghĩa lý thật của Chú mà thôi. Người trì Chú nên ý thức được rằng một câu hay một bài Thần Chú ngắn có thể thâu gồm cả một bộ Kinh. Hiệu lực của Chú rất phi thường kỳ diệu nên người chí tâm thọ trì Chú đúng cách lâu dài sẽ đạt đến tâm thanh tịnh, sẽ có linh ứng lạ thường không thể giải thích, như người uống nước nóng lạnh tự biết, người ngoài không thể thấy biết được.

 

     Tuy nhiên, khi đã thực hành đầy đủ lâu dài rồi mà thân khẩu ý vẫn còn có tâm tham sân tà kiến mạn, sáu căn còn dinh mắc và lôi kéo bởi sáu trần trong các việc cư xử hàng ngày, còn chấp nhân ngã chúng sinh thọ giả nặng nề, còn trực tiếp hay gián tiếp giết hại chúng sanh v.v... thì trì Chú chẳng thể hiệu nghiệm. Nếu muốn vào kho tàng của Chư Phật, người trì Chú trước nhất phải là người đã gột rửa sạch sẽ những chấp trước và nghiệp chướng gây ra bởi thân miệng ý của mình; sau nữa khi trì Chú phải đọc làm sao để những lời có vẻ vô nghĩa ấy thâm nhập hòa đồng với 6 căn thân tâm người trì Chú, đây mới là trì Chú đúng cách. Ngoài ra người trì Chú nếu có chân lực do tu hành đúng đắn lâu ngày thì khi đọc Chú mới dễ có công hiệu, còn nếu không tu hành được như vậy thì đọc Chú khó có hy vọng linh nghiệm.

 

 

KINH VĂN 25:

TỤNG CHÚ ĐƯỢC HẾT

BỆNH VÀ ĐẠT TÂM BỒ ĐỀ

 

Này Mạn Thù Sư Lợi! Nếu thấy những người nào đang mắc bệnh khổ thì phải tắm gội sạch sẽ và vì họ nhứt tâm tụng chú này 108 biến, chú nguyện trong đồ ăn, trong thuốc uống hay trong nước không vi trùng mà cho họ uống thì những bịnh khổ ấy đều tiêu diệt.

Nếu có người cần việc gì dùng tâm thành mà trì chú này thời đều được toại nguyện; không những vậy mà người nầy còn không mắc những thứ bịnh khổ mà tuổi thọ của họ được tăng thêm. Người này sau khi chết được sanh về thế giới của Phật Dược Sư, tâm của họ bất thoái (1) nơi Đạo Vô thượng Bồ Đề, do nơi không thoái chuyển nên người này sớm thành Phật.
Vậy nên, Mạn Thù Sư Lợi, nếu có những người nào hết lòng ân cần tôn trọng, cung kính cúng dường Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì phải thường trì tụng chú này đừng lãng quên.

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Bất Thoái: Là không lùi. Phạn: avinivartanìya. Dịch âm: A duy việt trí, A bệ bạt trí; cũng gọi Bất Thoái chuyển, Vô Thoái, Tất Định. Thoái hàm ý là lùi bước, lui rơi, chỉ cho sự lui bước mà rơi vào đường ác, tức lui khỏi, đánh mất pháp đã ngộ được; trái lại, tu hành không trở lui, mạnh mẽ tiến bước cho đến khi thành quả Phật thì gọi là Bất Thoái.

Có 4 loại Bất Thoái:

1. Vị Bất Thoái: Nếu sinh về nước kia, sẽ hóa sinh trong hoa sen; khi hoa sen ấy nở sẽ thấy Phật, nghe pháp, chứng nhập Vô Sinh Pháp Nhẫn, không còn bị thoái chuyển Phàm Phu; còn có nghĩa là trong mười trụ, Bồ Tát từ trụ thứ Bảy trở lên không còn lui trở lại.

2. Hạnh Bất Thoái: Có người đời này tu hành tinh tấn, nhưng đời sau lại tu ít, đó là không vững chắc. Nhưng sinh về thế giới Lưu Ly Tịnh thì chỉ có tiến lên mà không thoái lui hoặc dừng lại ở một chỗ; còn Bồ Tát tu hành mà đạt đến địa vị thứ Bảy trong Mười Địa, thì không còn trở lui.

3. Niệm Bất Thoái: Ví như người tu hành ở thế giới Ta Bà, hôm nay niệm tinh tấn, được một thời gian không tinh tấn nữa sinh ra lười biếng. Nếu sinh về thế giới Tịnh Lưu Ly, ngày đêm đều nghe thuyết pháp thì không thể nào thoái tâm Bồ-Đề được; còn Bồ Tát từ địa thứ Tám trở lên không cần ghi nhớ tinh tấn, vẫn có thể tiến đạo mà không động niệm.
4. Cứu Cánh Bất Thoái: Khi sinh về thế giới kia được hóa sinh trong hoa sen, không lùi sụt về lại địa vị của Phàm Phu mà chỉ một lòng tu hành tiến đến quả vị Phật; tức là ở nơi Cứu Cánh Bất Thoái vậy.

 

(2) Bồ Đề: S, P: bodhi; dịch nghĩa là Tỉnh thức, Giác ngộ.

 

     Đoạn Kinh Văn 25 trên nói  người vì người mắc bệnh hiểm nguy đến tính mạng mà tụng Chú, người tụng Chú phải thân sạch, tâm bình, nhất tâm tụng Chú Đà La Ni; nghĩa là người đã từng tu hành lâu dài gạn rửa thân tâm sạch sẽ. Khi tụng Chú 6 căn phải nhất như tụng niệm, nghĩa là mắt nhìn hình Phật, tai nghe tiếng tụng niệm, mũi thở ra thở vào cùng nhịp với lời tụng niệm, ý theo dõi câu tụng niệm và toàn thân từ mỗi lỗ chân lông đều như tỏa ra lời tụng niệm; tụng niệm như thế 108 lần, 6 lần trong một ngày, trong nhiều ngày, thì bệnh sẽ thuyên giảm.

 

     Cũng dùng chú này nguyện 108 lần như thế vào thức ăn, nước uống, thuốc dùng của người bệnh thì bệnh khổ dần dần tiêu diệt; nếu có việc gì cần đến, cũng nên làm như thế thì sẽ được toại nguyện, lại được mạnh khỏe sống lâu. Khi qua đời được sinh về thế giới của Phật Dược Sư, tâm không thoái chuyển nơi đạo tỉnh thức (Bồ Đề) và ở đó tu hành dần dần đạt đến qủa Phật. Vì vậy người nào hết lòng cung kính cúng dường Phật Dược Sư Lưu Ly Quang thì phải tu hành đầy đủ, không quên trì tụng Chú Đại Đà La Ni đúng cách, sẽ được mọi sự tốt đẹp.

 

     Một điểm cần lưu ý là cùng trường hợp hai người mắc bệnh khổ như nhau, hai nguời cùng theo đúng lời dạy và hành trì đúng đắn, nhưng kết qủa thì lại khác nhau là người được kết qủa tốt người không được gì. Như vậy là Kinh nói không đúng hay sao, hay có sự thiên vị đối với người này và người kia? Không có sự thiên vị, mà là do nghiệp qủa của người đó qúa nặng nên mặc dù đã tinh tấn hành trì nhưng cũng không thể cứu vãn được, trong khi người có nghiệp nhẹ cũng hành trì như thế lại hết bệnh khổ. Người có nghiệp nặng, hoặc người vẫn còn có tâm tham sân tà kiến mạn, chấp nhân ngã chúng sinh thọ giả, còn ham ăn mặn gián tiếp giết hại chúng sanh v.v... thì không thể hết được bệnh khổ. Nhưng người ấy sẽ được hưởng qủa báo tốt ở đời sau do sự hành trì ấy.

 

 (Còn Tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]