Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 5: Kinh Dược Sư giải nghĩa

23/09/201516:24(Xem: 4125)
Bài 5: Kinh Dược Sư giải nghĩa

KINH DƯỢC SƯ

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

--- o ---

 

KINH VĂN 8:

NGUYỆN LỚN THỨ NĂM:

 

Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Bồ Đề, nếu có vô lượng vô biên hữu tình tu hành phạm hạnh (1) trong pháp của ta, thì hết thẩy đều được giới chẳng thiếu, đủ Giới Tam Tụ (2); nếu có ai đã trót phạm giới, nghe tên ta rồi, lại trở về thanh tịnh, chẳng vào đường ác.

 

GIẢI NGHĨA:

 (1)Phạm Hạnh: Chữ Sanskrit: brahmacarya; chữ Pali: brahmacariya: Phạm nghĩa là thanh tịnh, hạnh thanh tịnh, là phép tu hành thanh tịnh của hàng xuất gia, chỉ sự đoạn tuyệt tham dục.

(2) Giới Tam Tụ: Tụ nghĩa là tụ tập, chữ “tụ” nói lên ý nghĩa rằng các giới này không cùng một loại. Chữ Phạn “Giới Tam Tụ”: Tri-vidhàni Zìlàni. Cũng gọi là Tam Tụ Tịnh Giới, Bồ Tát Tam Tụ Giới, Tam Tụ Thanh Tịnh Giới, Tam Tụ Viên Giới; gọi tắt là Tam Tụ, để chỉ cho giới pháp của Bồ Tát, gồm 3 loại:

1.  Nhiếp Luật Nghi Giới Thanh Tịnh: Chữ Phạn: Saôvara-zìla: Cũng gọi Tự Tính Giới, Nhất Thiết Bồ Tát Giới, để chỉ cho môn ngăn ác, bao hàm mọi luật nghi, dứt bỏ tất cả các điều ác; là giới của 7 chúng thụ trì (7chúng: Sa di, Sa di Ni, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa Ma Na, Cữ Sĩ Nam, Cư Sĩ Nữ). Tùy theo tại gia, xuất gia khác nhau mà chia ra các giới điều như: 5 Giới, 8 Giới, 10 Giới, Giới Cụ Túc...; còn nói tới ba trăm lễ nghi, ba ngàn oai nghi, chữ “Nhiếp” có nghĩa bao quát gồm thâu hết thảy luật nghi và oai nghi.

2.  Nhiếp Thiện Pháp Giới: Phạn: Kuzala-dharma-saôgràhaka-zìla: Cũng gọi Thụ Thiện Pháp Giới, Nhiếp Trì Nhất Thiết Bồ Tát Đạo Giới; nghĩa là tu tập tất cả pháp lành, vô lượng vô biên, chẳng phải chỉ một loại thiện pháp, như nói trong câu; “Không làm các điều ác, luôn làm các điều lành” cũng vậy. Đây là môn tu thiện, là luật nghi giới mà Bồ Tát tu hành, đem các điều thiện do thân, khẩu, ý tu được hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề.

3.  Trì Nhiếp Chúng Sanh Giới: Phạn: Sattvàrtha-kriyà-zìla: Cũng gọi là Nhiêu Ích Hữu Tình Giới, Tác Chúng Sinh Ích Giới; nghĩa là vận dụng Từ Tâm nhiếp thụ làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, đây là môn lợi sinh bao gồm hết thảy các chúng sanh, theo giới này là độ các chúng sanh thành Phật, nhiếp thâu hết tất cả không trừ một ai.

 

Câu kinh: “Nếu có vô lượng vô biên hữu tình tu hành phạm hạnh trong pháp của ta, thì hết thẩy đều được giới chẳng thiếu, đủ Giới Tam Tụ”, Đức Dược Sư Lưu Ly Quang nguyện gia trì cho những người tu hành phạm hạnh trong giáo pháp của Phật và khiến cho họ luôn luôn nhớ giữ giới được đầy đủ.  Còn những người tu hành giữ gìn giới luật của Phật mà tuân hành triệt để thì gọi là người giữ giới đầy đủ, cũng được gọi là đầy đủ Tam Tụ Giới, vì người đó xa lià dứt bỏ tất cả các việc ác, làm tất cả việc lành và làm tất cả việc lợi ích cho tất cả chúng sinh.

 

“Nếu có ai đã trót phạm giới, nghe tên ta rồi, lại trở về thanh tịnh, chẳng vào đường ác”: Nghĩa là nếu người nào lỡ phạm giới, thí dụ lỡ phạm giới làm chết một con vật, hay nghĩ đến ham muốn tham dục tiền bạc của người khác, hay nói dối một việc gì làm hại người khác v.v…. Khi nghe tên Ngài nghĩa là nghĩ đến Phật pháp thì sẽ khiến cho người đó sinh tâm hổ thẹn hối hận về việc phạm lỗi, rồi sám hối tội phạm giới của mình; nguyện không tái phạm, xa lià làm việc ác và chỉ làm các việc thiện, thì tâm sẽ được yên ổn thanh tịnh và khi chết chẳng bị đọa vào ba đường ác Địa Ngục Ngã Qủy Súc Sinh.

 

     Chứ chẳng phải như người có ý nghĩ sai cho rằng dù có làm ác mà cầu xin thì được khỏi bị đọa, không thể có việc này vì trái với lời Phật dạy về nghiệp báo nhân qủa là làm ác phải nhận hậu qủa dữ, làm lành được nhận qủa tốt. Cho nên, chúng ta chẳng thể nói rằng: “Đâu cần giữ giới, ta cứ việc phá giới, đằng nào Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai cũng đã phát nguyện cứu nếu chúng ta phạm giới rồi cầu xin Ngài cứu giúp”, nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm. Cứu giúp chỉ có nghĩa là trợ duyên để chúng ta gặp Phật pháp, chúng ta phải tự mình tu hành theo giáo pháp chỉ dạy thì mới có kết qủa được. Cũng như Ngài chẳng thể ăn giùm chúng ta được, mà chính chúng ta phải tự ăn mới no được vây.

 

KINH VĂN 9:

NGUYỆN LỚN THỨ SÁU:

 

Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào thân hình hèn hạ, các căn không đủ, xấu xa, khờ khạo, tai điếc, mắt đui, nói năng ngọng ngịu, tay chân tật nguyền, lác hủi, điên cuồng, chịu tất cả những bệnh khổ ấy; mà khi đã nghe danh hiệu ta thì liền được thân hình đoan chính, tâm tính khôn ngoan, các căn đầy đủ, không còn những bịnh khổ ấy nữa.

 

GIẢI NGHĨA:

 

     Nghĩa là chúng sanh chịu nhiều những thứ khổ như thế, nhưng khi nghe hoặc đọc được danh hiệu Dược Sư Như Lai, tức là được nghe hoặc được đọc Phật pháp, thì Ngài khiến cho hiểu được nguyên nhân của sự khổ là do nghiệp ác xưa kia đã tạo ra nên phải gánh chịu qủa báo. Rồi Ngài khiến cho người ấy biết ăn năn sám hối tội xưa đã gây bao việc ác và sẵn sàng chấp nhận lãnh thọ qủa xấu của mình; người ấy lại còn làm việc thiện gây nhân lành, biết tránh làm ác và biết phát tâm tu hành nghiêm chỉnh.

     Như thế dù các căn không đủ, thân hình hèn hạ, tai điếc mắt đui, nói năng ngọng nghịu, tay chân tật nguyền, lác hủi xấu xa, cũng không làm cho người ấy cảm thấy khổ nữa; dù khờ khạo điên cuồng, cũng sẽ trở thành y như người khôn ngoan đĩnh đạc, tại sao? Vì người đó hiểu rằng khổ qủa đang phải mang là do khi xưa đã tạo ác nghiệp, như thế thì tuy có bệnh khổ, tật nguyền của thân xác, nhưng chẳng khác gì thân thể các căn giống như được đầy đủ và các bệnh khổ của tâm do đó đều được đẩy lui vậy.

     Nếu người nào hiểu theo nghĩa nông cạn cho rằng chúng hữu tình nào thân hình hèn hạ, các căn không đủ, xấu xa, khờ khạo, tai điếc, mắt đui, nói năng ngọng ngịu, tay chân tật nguyền, lác hủi, điên cuồng. Chịu tất cả những bệnh khổ ấy, mà chỉ cần nghe hay niệm cầu xin danh hiệu của Dược Sư Lưu Ly Quang thì liền được thân hình đoan chính, tâm tính khôn ngoan, các căn đầy đủ, không còn những bịnh khổ ấy nữa. Thì đó là kẻ thiếu trí tuệ, mơ ước hão huyền, không tưởng, mê tín dị đoan, vì không thể nào nghe danh hiệu Phật hay cầu xin mà có kết qủa được. Chỉ có thể nhờ các danh y, Bác Sĩ chữa trị, có khi hết những tật bệnh ấy có khi không có kết qủa, đó là tùy thuộc vào nghiệp qúa khứ và các hành vi sống trong hiện tại của người ấy mà thôi.

 

KINH VĂN 10:

NGUYỆN LỚN THỨ BẢY:

 

Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ đề, nếu có chúng hữu tình nào bị những chứng bịnh hiểm nghèo không ai cứu chữa, không ai để nương nhờ, không gặp thầy, không gặp thuốc, không bà con, không nhà cửa, chịu nhiều nỗi nghèo hèn khốn khổ (1). Mà hễ nghe danh hiệu ta đã nghe lọt vào tai một lần thì tất cả bệnh hoạn khổ não (2) đều tiêu trừ, thân tâm an lạc, gia quyến sum vầy, của cải sung túc, cho đến chứng được đạo quả vô thượng Bồ Đề.

GIẢI NGHĨA:

 

(1)Nghèo khổ: Có 2 thứ nghèo khổ về vật chất và tinh thần.

 

(2) Bệnh khổ: Có 2 nghĩa: bệnh thân xác và bệnh tâm thần.

 

     Hai thứ bịnh và hai thứ nghèo này có liên quan khắn khít với nhau, làm nhân làm duyên cho nhau, như bệnh thì sinh ra nghèo, nghèo thì dễ sinh ra bệnh; người bị bệnh hiểm chịu sự nghèo khổ khi nghe danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang. Như đã giải thích ở phần Kinh Văn 3:  Dược Sư Lưu Ly Quang có nghĩa là thay đổi lối sống, sám hối tội lỗi đã làm từ nhiều đời, giữ giới đầy đủ, bỏ ác làm lành, xa lià xấu xa, giữ tâm trong sạch thanh tịnh để tu hành, gạn lọc thân tâm cho sạch hết tham sân si mạn nghi kiến trược v.v… tu hành cho tới đạt giải thoát.

 

     Nếu hiểu theo nghĩa thông thường của câu: “hễ nghe danh hiệu ta đã nghe lọt vào tai một lần thì tất cả bệnh hoạn khổ não đều tiêu trừ”, tức là chỉ cần được nghe một lần danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang mà mọi bệnh khổ đều bị đẩy lui là không đúng lý; tin tưởng như thế là mê tín, không đúng ý Phật muốn nói. Thực ra phải hiểu là nếu người nào bị bệnh hiểm khổ, bị nghèo hèn khổ, mà nghe danh hiệu Ngài, tức là được nghe giảng hay được đọc giáo lý của Phật, thì sẽ khiến cho hiểu được lý lẽ của nghiệp báo nhân qủa. Hiểu được bệnh khổ nghèo hèn là do các việc làm ác tương ưng trong các đời qúa khứ cho đến hiện tại đã tạo mà có như keo kiết, giết hại chúng sinh, chiếm đoạt, lừa đảo,...

 

     Từ sự hiểu biết này người ấy sẽ thay đổi lối sống, nương vào Phật pháp, thực hành sám hối tội lỗi đã gây ra, giữ giới đầy đủ, bỏ ác làm lành, giữ tâm trong sạch thanh tịnh, kiên trì tu hành. Do đó tất cả bệnh hoạn, nghèo đói gây khổ não về thể xác và tinh thân sẽ dần dần không còn tác hại nữa, tức phiền não được diệt trừ, thân tâm được an lạc. Khi tu hành tới giải thoát rồi thì sẽ được nhiều người gần gũi học hỏi cúng dàng, vì vậy cho nên Ngài nói: “tất cả bệnh hoạn khổ não đều tiêu trừ, thân tâm an lạc, gia quyến sum vầy, của cải sung túc, cho đến chứng được đạo quả vô thượng Bồ Đề” là vậy.

 

     Trong cõi Ta Bà này, mọi người đều gây ác nghiệp, vì từ khi sinh ra lớn lên đã làm chết bằng giết hại trực tiếp hoặc gián tiếp biết bao sinh vật lớn nhỏ từ loài súc vật cho đến các loài cá cua, tôm tép, sò ốc, côn trùng, v. v… Ví dụ như đi ra chợ chỉ con cá còn sống rồi bảo người bán cá “làm cho tôi con cá này”, đó là ra lệnh giết hại. Hoặc ở trong nhà có mấy con ruồi con muỗi v.v… vào, mà không đuổi chúng ra ngoài lại dùng đủ cách để giết chúng. Hoặc mua cua sò ốc mang về bỏ vào nồi đổ nước vào rồi đun lên, đó là giết chúng sinh v.v...

 

     Mọi người từ nhỏ tới lớn không nhiều thì ít đã nghĩ, từng lấy của không cho, chiếm đoạt, hoặc lừa gạt, nói dối, nói đâm thọc, nói thêu dệt, cãi lộn chửi bới, nhục mạ nhau thậm tệ trên mọi phương diện từ đối mặt nhau trong công việc hàng ngày, hội họp, đến báo chí truyền thanh truyền hình, cho đến trong các cơ quan, tòa án, phe phái, v.v.... Họ bảo vệ bản thân gia đình dòng họ, tổ chức bè đảng, về phe này nói xấu chèn ép phá hoại lên án vu oan hãm hại phe kia, mà ai cũng cho là mình phải, họ coi nhau như kẻ thù vậy…

 

     Tất cả những việc như thế và còn biết bao nhiêu điều to tát khác tạo ra bởi ý nghĩ miệng nói và thân làm, vậy mà hầu hết mọi người cho rằng họ không làm gì ác cả, họ chỉ làm thiện thôi thì có phải là “dối trá”, cố ý chối tội không?, nhưng chẳng thể dối gạt, chẳng thể chạy khỏi nghiệp báo của chính họ.

 

     Ấy thế mà khi bệnh tật đến, qủa báo xấu đến với thân thì lại muốn xin cho khỏi bệnh khổ, cầu trăm đều may mắn, mà không sám hối tội lỗi đã tạo, không làm lành tránh làm ác, không tu tâm sửa tính, thì làm sao có thể hết bệnh khổ được? Người đã  ưa thích làm ác, lại lười biếng muốn dựa thần quyền, chỉ cần cầu nguyện mà cho là xong việc là không đúng lý, không đúng chỗ chút nào, vì thần quyền bất lực, chẳng thể làm gì được đối với nghiệp báo vậy.

 

     Như một người bị bệnh ung thư, cho dù cầu xin van xin cách nào cũng vô phương; sự chữa trị tùy thuộc ở nghiệp qủa, nếu nghiệp nhẹ còn có cơ cứu khỏi, nếu nghiệp nặng thì phải bó tay. Mặt khác, đa số con người lúc bình thường khỏe mạnh ít khi nghĩ thiện, nói điều lành và làm các việc tốt, mà ngược lại thường hay nghĩ nói và làm các việc lợi cho mình dù có hại cho chúng sinh cũng không màng tới; khi bệnh khổ đến với thân, họ mới bắt đầu nghĩ đến làm việc lành thì đã qúa trễ muộn mất rồi!

 

 (Còn Tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]