Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 11

02/02/201521:23(Xem: 7415)
Phần 11

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 11)

 

Pháp Sư Tịnh Không

2. Thứ hai, vô úy thí

Nếu nói đến bố thí vô úy thì việc ăn chay rất quan trọng. Hiện đại cùng với khoa học kỹ thuật phát triển, lò sát sanh cũng được đầu tư chuyên nghiệp hơn xưa. Tuy tôi chưa đi tham quan nhưng nhớ hồi còn nhỏ, tôi sanh ra và lớn lên ở nông thôn. Người nông thôn giết heo bán thịt là chuyện thường ngày. Trước khi giết heo, người ta nắm lỗ tai heo và nói: “Heo ơi, ngươi đừng trách ta. Ngươi là món ăn nhân gian, họ không ăn thì ta không giết làm gì. Cho nên ngươi hãy đi tìm người ăn mà đòi mạng”. Họ đem tất cả trách nhiệm đổ cho người ăn, có nghĩa họ không có tội, tội lỗi đều ở người ăn thịt. Cho nên chúng ta cần phải ăn chay, không ăn thịt tất cả chúng sanh, đó chính là vô úy thí. Cần bồi dưỡng tâm từ bi của chính mình, quyết không tổn hại bất cứ một chúng sanh nào. Không những không sát hại, ngay việc làm cho chúng sanh vì ta mà phiền não thì chúng ta liền có tội.

Cho nên Phật Bồ tát tiếp xúc với quảng đại quần chúng với tâm từ bi rộng lớn. Trong Tứ Tất Đàn, điều thứ nhất đã nói: “Khiến cho tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỉ”, đó là Phật pháp. Phật dạy, chúng sanh chán ghét chúng ta, chúng ta vừa thấy phải mau tránh xa. Nhất định phải khiến chúng sanh sanh tâm hoan hỉ, có như thế chúng ta đến bất cứ nơi đâu cũng được hoan nghênh đón tiếp. Chúng ta ghét bỏ người khác, quả báo người khác sẽ ghét bỏ chúng ta. Do đây có thể biết, người già rất quan trọng. Thanh niên phần nhiều không ưa thích người già, nếu có cái tâm này, tương lai nhất định chiêu cảm quả báo. Khi về già sẽ bị giới thanh niên ghét bỏ. Nhân duyên quả báo không sót chút nào, không những không sót mà quả báo hiện tiền rất nhanh. Không tạo nghiệp thì làm gì bị quả báo. Chúng ta tạo nghiệp thiện nhất định được quả thiện, ngược lại tạo ác nghiệp thì phải gặp ác báo. Thế gian này tai nạn càng lúc càng phức tạp, càng lúc càng nghiêm trọng, đó là cộng nghiệp của tất cả chúng sanh, rất đáng sợ. Chỉ hơn một năm qua, kinh tế suy thoái là dự báo của tai nạn, cho nên mọi người nhất định phải ghi nhớ lời dạy của Phật “Quảng tu cúng dường”, “y giáo phụng hành”.

Người học Phật phước huệ song tu, có phước có huệ, giúp đỡ những người nghèo khó, người khổ nạn, già yếu, bệnh tật. Chúng ta toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ, đem tài vật thảy đều bố thí. Đời sống mới tự tại, tiêu diêu. Việc bố thí chính là đem khổ, tai nạn, của chúng ta bố thí hết. Ý này rất sâu rộng, nhất định phải tỉ mỉ thể hội.

3. Thứ ba, pháp thí

Trên kinh, Phật đặc biệt nhắc nhở chúng ta “Trong các cúng dường, cúng dường pháp là hơn hết”. Hơn nữa, trong tất cả kinh Đại thừa, Phật đưa ra rất nhiều so sánh, thậm chí khuyên “dùng bảy báu của đại thiên thế giới bố thí cúng dường”. Phật thí dụ đến cùng tột, dùng cả bảy báu của đại thiên thế giới tu bố thí cúng dường, phước đó rất to lớn nhưng vẫn không thể so với phước báu của người vì người khác nói bốn câu kệ. Bốn câu kệ là bốn câu trong kinh văn, còn không thể so với công đức to lớn khi nói bốn câu Phật pháp.

Bố thí bảy báu bằng đại thiên thế giới, người nghèo được cơm áo, người khổ nạn được sự cứu giúp, đời sống sống vật chất đầy đủ, không còn lo lắng, nhưng với sanh tử luân hồi thì phải làm sao? Vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề. Dùng bảy báu đại thiên thế giới bố thí, chúng ta cũng không thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi. Hay nói cách khác, chúng sanh có lợi ích rất hạn hữu, chỉ một đời, không thể đời đời kiếp kiếp. Sau khi mạng chung cũng chẳng mang được thứ gì, nhà Phật nói “Vạn ban tương bất khứ”. Chữ “tương” chính là mang, không thể mang được thứ gì, chỉ có nghiệp theo mình. Pháp bố thí là khi người ta nghe được bốn câu kinh văn “mãi đã trồng căn lành”. Công đức của người nói rất to lớn, trước mắt tuy không thể giải quyết khổ nạn ấm no cho họ, nhưng tương lai một câu này có thể giúp họ siêu việt ba cõi sáu đường, siêu việt mười pháp giới, thành Phật thành tổ. Đó là chánh nhân, nhân này vĩnh viễn không tiêu mất. Cho nên bố thí pháp có công đức rất lớn, thù thắng không gì bằng.

Trên kinh, Phật đem pháp bố thí nêu ra bảy thí dụ. Bảy, không phải là chữ số mà là biểu pháp. Bảy đại biểu cho viên mãn. Kinh Di Đà dùng số bảy để biểu thị, còn kinh Hoa Nghiêm dùng nhiều nhất là mười, ít thấy dùng bảy. Trong phẩm Hạnh Nguyện nói đến cúng dường pháp có nêu ra bảy điều. “Hư thuyết tu hành” là cúng dường, ý nói y giáo phụng hành xếp ở thứ nhất, ý nghĩa sâu rộng vô tận. Những gì Phật nói trong kinh mỗi câu mỗi chữ phải ghi nhớ rõ ràng. Cho nên tôi khuyên các vị đồng tu, khi bắt đầu tu học nhất định phải đem bộ kinh này tụng ba ngàn biến, đó là chuẩn bị công phu tu hành. Không phải cứ tụng ba ngàn biến thì công phu liền thành tựu. Đây chỉ là bước thứ nhất giúp chúng ta ghi nhớ kĩ, sau khi ghi nhớ phải cầu giải ý nghĩa vì không hiểu ý nghĩa cũng chẳng ích gì. Nếu hiểu rõ đạo lý từng câu từng chữ trong kinh, chúng ta ngay trong cuộc sống thường ngày sẽ biết cần phải làm gì, đó là then chốt. Lý lão sư thường nói “Phải sanh tử thế nào, vẫn sanh tử như thế đó”, không cách gì thay đổi. Sau khi tường tận, chúng ta phải cố làm theo tất cả giáo hoá của đức Phật. Chân thật làm mới chân thật được thọ dụng, cũng coi như chân thật cúng dường chư Phật. Phật muốn chúng ta nỗ lực tu hành, ngay trong cuộc sống thường ngày đối với người, việc, vật, ngày nào mà không phạm lỗi lầm. Lồi lầm mà chúng ta phạm, chính mình không hề biết, do không rõ kinh giáo nên thường cho rằng mình đúng, đâu biết chính mình đang tạo tội nghiệp.

Sám hối nghiệp chướng chính là cúng dường chư Phật Bồ tát

Trong cuộc sống, làm sao phát hiện lỗi lầm của chính mình, làm thế nào tu sửa lỗi lầm, đó là pháp sám hối. Sám hối luôn đi đôi với tu hành, y giáo tu hành chính là chân thật cúng dường chư Phật Như Lai, đó là đệ tử tốt của Phật. Đức Phật đâu cần những hương hoa trái cây bày cúng trước mặt ngài. Bản thân tôi nhìn thấy những thứ này còn không ưa. Người ta mời tôi ăn cơm, trên bàn bày rất nhiều thức ăn, tôi xem thấy đều không ưa, huống hồ Phật Bồ Tát. Cảnh giới của Phật Bồ Tát cao hơn tôi rất nhiều, có bày thịnh soạn ở trước mặt, tất cả cũng đều không muốn ăn, đều không cần đến. Phật Bồ tát chỉ hy vọng chúng ta mau chóng thành Phật. Chúng ta thật lòng y giáo phụng hành thì Phật mới sanh tâm hoan hỉ. Đó là chân thật cúng dường chư Phật, cúng dường Bồ Tát, cũng là cúng dường lão sư của chúng ta. Chúng ta có thành tựu, lão sư mới vinh hiển. Chúng ta làm càn làm quấy, tận tạo nghiệp chướng, vinh hiển của lão sư sẽ hoàn toàn mất hết. Cho nên chân thật tu hành là cúng dường lão sư và cũng là cúng dường cha mẹ, tổ tiên của chính mình. Đặc biệt y theo kinh Vô Lượng Thọ mà tu hành, vậy thì còn gì bằng.

Kinh Vô Lượng Thọ là mô phỏng A Di Đà Phật, chúng ta y theo tuy không thể giống Phật A Di Đà hoàn toàn nhưng cũng giống được chút ít. Người ta vừa nhìn sẽ trầm trồ: “oh! Phật A Di Đà đến”, vậy thì cha mẹ chúng ta liền biến thành cha mẹ của Phật Bồ tát, tổ tiên chúng ta liền biến thành tổ tiên của Phật Bồ tát, nhà Phật thường nói “một người thành Phật, cửu huyền thăng”, đó là cách cúng dường tổ tiên cha mẹ và cúng dường chân như bổn tánh của chính mình. Quay đầu nhìn lại là chân thật cúng dường tận hư không khắp pháp giới tất cả chúng sanh. Như vậy, chỉ một “y giáo tu hành” nhưng phạm vi của cúng dường rộng lớn đến vậy, tinh thâm đến vậy, người không thấu hiểu thì làm sao tu. Do đó phải đem kinh này làm được 100%. Người khác làm hay không không liên quan đến ta. Tu hành ở chính mình, chính mình phải làm cho được, phải nêu tấm gương tốt cho người khác xem.

Điều thứ hai trong phẩm Hạnh Nguyện, kinh Hoa Nghiêm: “Lợi ích chúng sanh cúng dường”. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng ta nhất định phải rõ ràng tường tận. Nếu có lợi ích đối với xã hội, đối với tất cả chúng sanh thì hãy nỗ lực mà làm. Ngay trong lợi ích, thù thắng nhất là bố thí Phật pháp, chúng ta nên phát tâm khiến tất cả chúng sanh hoan hỉ, tín thọ, phụng hành. Đó là thành tựu công đức cúng dường của chúng ta. Vào xã hội hiện đại, chúng ta có thể khiến cho chúng sanh có được lợi ích chân thật nhất bằng hành động đem Phật pháp, đặc biệt kinh Vô Lượng Thọ của Tịnh Độ giới thiệu cho quần chúng. Giới thiệu cũng phải có duyên, trên đại kinh đại luận Phật nói rất rõ ràng “Phật pháp vô nhân thuyết, tùy trí mạc năng giải”. Phải có người chân thật tu hành, có thể giải đại pháp, năng giải Như Lai chân thật nghĩa. Như vậy việc bồi dưỡng giảng sư rất quan trọng.

Cư sĩ Lý Mộc Nguyên xây dựng đạo tràng ở Singapore, hiện tại ông phải tốn mấy trăm vạn tu sửa lầu bốn, lầu năm. Mục đích của ông chính là “lợi ích chúng sanh cúng dường”. Mỗi vị đồng tu đến nghe kinh, được hưởng thụ đều sanh pháp hỉ. Công trình này hiện nay mới hoàn thành 20%, mọi người đang nỗ lực thi công. Ông mua ghế ngồi mới, ai ngồi không thoải mái thì cứ nói với Lý Mộc Nguyên. Ông có tâm muốn cúng dường thì sẽ cố gắng cúng dường, miễn để mọi người sanh tâm hoan hỉ. Lần đầu tiên đến Singapore giảng kinh ở đoàn Hoằng Pháp Thanh Niên. Đó là lần đầu tôi giảng kinh Vô Lượng Thọ, nhìn các vị đồng tu ngồi trên ghế tròn nhỏ suốt hai giờ đồng hồ, tôi cảm thấy rất đau lòng, tôi liền nói với ông đổi thành ghế dựa. Trước đây giảng đường này không có máy lạnh, hiện tại mọi thứ ông đều không ngừng cải thiện. Hiện trường hôm nay tôi thấy có ba bộ máy đang ghi hình, sau đó phát sóng vệ tinh đến nhiều nơi trên thế giới. Thính chúng không chỉ mấy người ngồi đây mà còn rất nhiều. Tương lai việc truyền bá Phật pháp nhất định phải lợi dụng khoa học kỹ thuật cao, vệ tinh, truyền hình, đường truyền internet,… để bất cứ quốc gia khu vực nào có vi tính đều có thể thâu nhận được. Mỗi đồng tu chúng ta phải cố gắng nỗ lực đem tin tức giảng kinh truyền bá cho thân bằng quyến thuộc. Ai cũng có thể phổ độ chúng sanh một cách dễ dàng.

Có rất nhiều phương pháp phổ độ chúng sanh. Singapore cũng có rất nhiều Bồ tát trí tuệ. Áo họ mặc, lời họ nói đều “A Di Đà Phật”, bao nhiêu người nhìn thấy họ, tai nghe qua lời họ nói, như vậy là đã được họ độ, mãi trồng thiện căn. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn ở việc bồi dưỡng nhân tài. Phật pháp không thể đến đời chúng ta thì bị đoạn tuyệt, chúng ta nhất định phải toàn tâm toàn lực bồi dưỡng nhân tài về sau. Singapore đã làm tích cực việc này, các khóa học rất thành công, đáng tiếc thời gian hơi ngắn. Từ khoá này chúng ta sẽ mở lớp chuyên Hoa Nghiêm. Hiện tại nhiều đồng tu đều biết kinh Hoa Nghiêm nghĩa lý rất sâu. Vừa rồi tôi giảng “Lễ kính chư Phật”, “Xưng tán Như Lai”, “Quảng tu cúng dường” đều ở trong Hoa Nghiêm, đạo lý thâm sâu, hơn nữa còn liên quan mật thiết với đời sống chúng ta. Sau khi học, chúng ta về nhà lập tức có thể áp dụng ngay trong cuộc sống, trong công việc, và trong đối nhân xử thế.

Hành giả nghe kinh nên đến ngay giảng đường, việc nghe giảng trên giảng đường lợi lạc hơn nhiều so với nghe băng đĩa, vì từ trường không giống nhau. Đến giảng đường để đích thân cảm thụ, nơi đây Phật quang phổ chiếu, vô lượng thiện thần vây xung quanh chúng ta. Cái từ trường này thuần thiện không ác, tâm địa thanh tịnh, tâm khai ý giải, trong khi đó máy truyền hình không dễ giúp chúng ta khai ngộ. Người giảng được Phật lực gia trì, người nghe cũng được Phật lực gia trì, như kinh Địa Tạng đã nói “Đại viên mãn quang minh vân”, người người sanh tâm hoan hỉ, người người lợi lạc.

Tôi ở ngay nơi đây, buổi tối giảng hai giờ đồng hồ, sáng sớm hôm sau, tôi đem tất cả những gì đã giảng trùng tuyên giảng lại lần nữa. Bạn có thể học giảng kinh, nếu không giảng được thì nên cố gắng nghe kinh. Ngày nay tôi đã hạ thấp tiêu chuẩn này xuống rất nhiều. Trong khi thời xưa, các lão sư không hề giảm bớt. Yêu cầu của lão sư thời xưa là chí ít phải giảng lại đến 80% những gì đã nghe mới được xem là người có năng lực làm pháp sư giảng kinh. Không dựa vào băng ghi âm, băng ghi hình mà dựa vào sức nhớ, vào lý giải của bạn. Ngày nay chỉ cần có năng lực này, thậm chí bốn chúng đồng tu đều có thể phát tâm, không nhất thiết phải là người xuất gia mà đồng tu tại gia đều có thể phát tâm. Hiện tại rất nhiều cư sĩ tại gia giảng kinh, như cư sĩ Lâm, các sư sĩ ở giảng đường chùa Trúc Lâm, ở Pháp Luân Xã,… Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói với tôi, qua hai hôm ở Quang Minh Sơn, nơi tôi đã ba lần diễn giảng đã xuất hiện rất nhiều giảng đường, như vậy khu vực này có phước. Phật pháp trên toàn thế giới chỉ ở Singapore có chánh pháp hưng vượng, đó là phước báu của khu vực này. Thế gian có nhiều tai nạn lớn nhưng khu vực này thì không, vì được chư Phật dựa vào thiện tâm của bốn chúng mà đến bảo hộ, Phật quang chiếu lấy.

Ngày trước tôi đã nói qua rất nhiều về việc học tập giảng kinh, pháp sư mới học lên đài giảng kinh cũng giống như cây mới trồng. Chúng ta phải cố gắng tưới nước, bồi dưỡng, và chăm sóc. Bằng cách nào? Khi họ lên đài giảng kinh, các bạn phải đến nghe. Ở trên đài họ nhìn thấy có nhiều thính chúng sẽ sanh tâm hoan hỷ, tự tin mình giảng không tệ, họ liền có tín tâm. Còn nếu nhìn xuống thấy thính chúng chỉ có một hai hàng, tín tâm của họ liền tiêu mất, lập tức thoái tâm, mất đi sự tự tin. Niềm hứng thú học tập của họ sẽ không được phát khởi. Do đó nhất định phải có người đến nghe, dù họ giảng không hay, chúng ta cũng đến nghe, nghe xong vỗ tay cổ vũ họ, làm cho họ hoan hỉ, phát tín tâm, từ đó bức họ phải lên giảng đài, bức họ phải nỗ lực học tập. Nếu không nỗ lực học tập, lần sau giảng tệ hơn lần trước thì thính chúng sẽ ít đi, pháp sư sẽ xấu hổ.

Là thính chúng, bạn không những nên nghe mà còn phải khích lệ họ, ngoài ra phải phê bình, giúp đỡ họ cải tiến, chỗ nào giảng không hay, giảng hàm hồ, có chỗ giảng sai, có chỗ không hiểu khiến bạn sanh nghi hoặc thì đều phải nêu ra, giúp đỡ họ không ngừng cải tiến, như vậy mới chân thật là bồi dưỡng pháp sư trẻ tuổi. Pháp sư mới học lên giảng đài nhất định phải biết, ngồi bên dưới đều là lão sư, đều là giám học, không được xem họ là thính chúng. Học trò ở trên giảng đài, ngồi phía dưới thảy đều là thầy giáo. Cho nên pháp sư trẻ phải dùng tâm báo ân, tâm cung kính để giảng; dùng tâm khiêm tốn để học, chúng ta mới có thể có thành tựu. Như vậy đến nghe họ giảng, công đức của bạn sẽ lớn, vì khi đó bạn tạm thay mặt tổ sư đại đức chư Phật Bồ tát bồi dưỡng nhân tài tiếp nối huệ mạng Phật về sau, công đức còn lớn hơn so với việc ngồi đây nghe tôi giảng kinh. Cơ duyên này vô cùng hi hữu. Toàn thế giới chỉ có Singapore, ngoài ra, bạn không thể tìm cơ hội này ở bất cứ nơi đâu. Cho nên các vị đồng tu phải cố gắng nắm lấy. Ngày ngày các vị đến nơi đây nghe pháp sư trẻ giảng kinh, đó là pháp tu cúng dường, thành tựu nhân tài tiếp nối Phật pháp, thành tựu chánh pháp cửu trụ thế gian.

Điều thứ ba, “nhiếp thọ chúng sanh cúng dường”, điều này cũng không dễ. Chính mình phải có đức hạnh, có tu trì, có học vấn mới có thể nhiếp thọ lòng người. Dùng lời hiện tại mà nói, chính mình phải có một lực mạnh có thể thu phục lòng người, nắm lấy tâm lý của quần chúng. Phật pháp gọi là “nhiếp thọ chúng sanh cúng dường”, nghĩa là làm thế nào để hiểu rõ tâm lý của chúng sanh, dẫn dắt họ quay về chánh pháp. Nói cách khác, loại cúng dường này có thể thay thế tất cả chư Phật tiếp dẫn chúng sanh quy hướng Tịnh Độ. Chỉ có pháp môn này một đời nhất định được độ, không chỉ đối với những người bạn đã quen biết, mà còn đối với tất cả chúng sanh. Trong nhà của các vị có rất nhiều chúng sanh. Các chung cư lớn, chuột gián, ruồi muỗi đều là chúng sanh, bạn đều phải giáo hoá chúng niệm Phật, khuyên bảo chúng xả bỏ thân súc sanh, vì thân đó rất khổ, cần phải xả bỏ. Bạn khuyên bảo chúng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đối với tất cả động vật còn phải như vậy huống hồ đối với người, đương nhiên càng phải thương yêu. Phương pháp gì để nhiếp thọ? Đó là Phật tượng, Phật hiệu. Hiện tại máy niệm Phật rất phổ biến, Phật hiệu trong nhà 24 giờ không gián đoạn. Nếu người trong nhà phản đối niệm Phật, đó là do bạn tu chưa tốt. Theo lý mà nói, học trò của Phật A Di Đà luôn được tất cả chúng sanh hoan nghênh. Nếu là học trò của Phật A Di Đà mà không được mọi người hoan nghênh thì nhất định có vấn đề. Bạn phải cố gắng phản tỉnh, kiểm điểm chính mình, nhất định chính chúng ta làm không đúng pháp. Như pháp thì làm gì có chuyện không được người hoan nghênh. Có thể việc lễ kính của bạn trong nhà không được tốt.

Tôi học Phật, tương lai vãng sanh sẽ làm Phật, còn người không học Phật đều có tội, tương lai đều phải đọa địa ngục. Cũng vậy, làm sao bạn và người nhà của bạn có thể cùng sống hòa thuận với nhau được, do vì oan gia đối đầu. Do đó, nhất định phải tu lễ kính. Ngày trước chưa học Phật, không hiểu được cung kính, nhưng hiện tại học Phật rồi, đối với tất cả người lớn người nhỏ trong nhà đều phải chân thành cung kính, thế mới là học Phật thật sự, thật sự đã thay đổi. Người nhà bạn nhìn nhận, hoan hỉ. Ngày trước không biết tán thán người khác, hiện tại biết tán thán. Người trong nhà có lỗi lầm, tuyệt đối không nhắc đến, cũng không nên để trong lòng. Người nhà có gì tốt thì phải khen ngợi. Làm được như thế là bạn đang thay đổi vận khí của cả nhà bạn. Nhà nhà đều làm như vậy liền thay đổi được tập quán của xã hội.

Cúng dường là gì? Cúng dường là phục vụ, nhiệt tâm vì gia đình phục vụ. Trong nhà có rất nhiều người già trẻ lớn nhỏ, chúng ta vì họ phục vụ, chăm sóc đời sống đi lại cho họ, đó chính là cúng dường. Dùng thể lực, lao tác để phục vụ, đó là tài cúng dường. Tài có nội tài, ngoại tài, trường hợp này này gọi là nội tài, thù thắng hơn so với ngoại tài. Dùng trí tuệ để nâng cao mức sống gia đình, mong muốn người cả nhà được hạnh phúc hơn, an vui hơn, chính là bạn đang dùng pháp cúng dường. Nghĩa là bạn dùng trí tuệ để tư duy, làm thế nào thay đổi hoàn cảnh trong nhà, khiến cho làm việc thì an tâm, nỗ lực; đi học thì cần cù, chăm chỉ, trở thành một gia đình mỹ mãn. Mở rộng ra, xã hội hài hòa, bình yên, đó thảy đều trong sự cúng dường. Nếu chúng ta không làm được, chỉ một mực trách cứ người khác, đó là sai lầm. Chân thật tu học đúng lý đúng pháp, nhất định có thể nhiếp thọ chúng sanh, khiến người ngưỡng mộ, noi theo, làm cho người tự động tự phát. Tôi hy vọng đến học tập với bạn, thỉnh giáo với bạn, đó chính là nhiếp thọ có sức mạnh. Cho nên chúng ta phải chân thật làm đến “nhiếp thọ chúng sanh cúng dường”, nhất định phải làm một tấm gương tốt cho chúng sanh, và cho xã hội.

(Còn tiếp ...)

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC

Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG

Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: PT. Giác Minh Duyên

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]