Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

312 câu tụng Căn Bản Duy Thức Học

13/03/201414:21(Xem: 9792)
312 câu tụng Căn Bản Duy Thức Học

duc-phat-015
312 câu tụng

CĂN BẢN DUY THỨC HỌC

HẠNH CƠ

Tập hợp và chuyển dịch từ hai bản Luận:

- Duy Thức Tam Thập Tụng, nguyên tác Phạn văn của Bồ-tát Thế Thân,

pháp sư Huyền Trang dịch ra Hán văn;

- Bát Thức Qui Củ Tụng, nguyên tác Hán văn của pháp sư Huyền Trang.

1. DẪN NHẬP

Thế gian NGÃ và PHÁP,

gồm muôn hình vạn trạng,

tất cả không thật có,

đều do THỨCchuyển biến.

Thức (năng biến) có ba:

Tàng thức(A-lại-da),

Tư-lươngthức (Mạt-na),

và Liễu-biệt-cảnh thức.

2. THỨC A-LẠI-DA (Thức Thứ Tám)

Thứ nhất: A-lại-da,

thường gọi tên Tàng thức,

cũng gọi Dị-thục thức,

hay Nhất-thiết-chủng thức.

Tánh vô phú vô kí.

Huân tập mọi chủng tử,

chứa giữ và chuyển hiện,

căn thân, khí, nhận thức.

Cách nhận thức: hiện-lượng.

Đối tượng là tánh cảnh

(gồm chủng tử, căn thân,

cùng vô tình thế gian).

Tương ưng năm biến-hành:

xúccùng với tác-ý,

xả-thọ, tưởng,tư,

đều vô phú vô kí.

Biển Tàng thức mênh mông,

sâu thẳm khó nghĩ lường,

từ đó bảy chuyển thức

hiện khởi và sinh tồn.

Không thể nào nhận biết

sự hoạt động thâm tế

của tất cả chủng tử

trong thức A-lại-da.

Cũng không biết đường lối

A-lại-da chấp thọ;

liễu biệt; và thọ sinh

vào ba cõi, chín địa.

Hằng chuyển như dòng thác.

Đi sau, đến trước tiên.

A-la-hán, Bất-động,

rời bỏ tên “Tàng thức”;

đến địa vị Diệu-giác,

“Dị-thục thức”sạch không;

chủng tử thuần vô lậu,

chuyển thành “Vô-cấu thức”.

Đó là trí “Đại-viên”,

là tuệ giác Phật-đà,

chiếu sáng mười phương cõi,

độ muôn loài chúng sinh.

3. THỨC MẠT NA (Thức Thứ Bảy)

Thứ nhì: thức Mạt-na,

được gọi tên là Ý.

Bản chất và hành tướng

hằng thẩm tư lương.

Chuyển hiện từ Tàng thức,

lại bám chặt Tàng thức,

chấp làm Ngã, Ngã-sở,

ngày đêm đắm hôn mê.

Bốn phiền não căn bản:

ngã-singã-kiến,

ngã-mạn cùng ngã-ái,

luôn đeo dính ngăn che.

Tương ưng năm biến-hành

(thọ đây là xả-thọ);

tâm sở tuệ(biệt-cảnh);

tám phiền não đại-tùy.

Mạt-na (và tâm sở)

tánh hữu phú vô kí.

Chỉ duyên cảnh đới-chất.

Cách nhận thức: phi-lượng.

Mạt-na làm chỗ nương

cho cả sáu chuyển thức

theo đó thành nhiễm, tịnh,

nên gọi “nhiễm-tịnh-y”.

Ở địa vị phàm phu,

A-lại-da sinh đâu,

Mạt-na sinh theo đó,

“hằng, thẩm” luôn chấp ngã.

Hoan-hỉ-địa, bắt đầu

chuyển thành “Bình-đẳng-tánh”;

La-hán, Diệt-tận-định,

Bát-địa: hết chấp Ngã.

Chứng quả vị Phật-đà,

hiện thân “tha thọ dụng”,

Bồ-tát và chúng sinh

thấm nhuần ơn hóa độ.

4. THỨC LIỄU BIỆT CẢNH (Sáu Thức Trước)

Thứ ba: Liễu-biệt-cảnh,

gồm sáu thức khác nhau:

Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt thức,

Thân thức và Ý thức.

Do từ Căn-bản thức,

nương căn, trần làm duyên,

sáu thức này hiện khởi,

như sóng nương trên nước.

4a. Ý THỨC (Thức Thứ Sáu)

Do Ý căn (Mạt-na)

tiếp xúc với pháp trần,

chủng tử từ Tàng thức

chuyển hiện ra Ý thức.

Tánh: thiện, ác, vô-kí.

Đối tượng gồm ba cảnh:

tánh-cảnh, đới-chất-cảnh,

đặc biệt độc-ảnh-cảnh.

Duyên cảnh bằng ba cách:

hiện-lượng (chân và tợ),

thường xuyên là tỉ-lượng,

nhiều trường hợp phi-lượng.

Hoạt động dễ nhận biết

ở cả hai hình thái:

Ý thức ngũ-câu;

Ýthức độc-đầu.

Bốn trạng thái độc-đầu:

là Ý thức tán-vị,

Ý thức trong thiền định,

trong mộng, và điên loạn.

Thức này thường tương ưng

năm mươi mốt tâm sở:

năm tâm sở biến-hành

(đủ cả ba cảm thọ);

năm biệt-cảnhdục,

thắng-giải, niệm, định, tuệ,

mỗi một tâm sở này

đối tượng duyên khác nhau;

mười một thiện tâm sở:

tín, tàm, quí, vô-tham,

vô-sân và vô-si,

cần, an, bất-phóng-dật,

hành-xả bất-hại;

sáu căn-bản phiền-não:

tham, sân hận, si mê,

mạn, nghi, và ác-kiến;

hai mươi tùy-phiền-não,

chia ra tiểu, trung, đại:

mười phiền não tiểu-tùy:

phẫn, hận, phú, não, tật,

xan, cuống, siểm, hại, kiêu;

hai phiền nãotrung tùy:

vô-tàm vô-quí;

tám phiền não đại-tùy:

trạo-cửvới hôn-trầm,

bất-tíncùng giải-đãi,

phóng-dậtthất-niệm,

tán-loạn, bất-chánh-tri;

bốn tâm sở bất-định:

hối, miên, tầmtừ,

mỗi loại tâm sở này

có thể thiện hay ác.

Ý thức luôn biến đổi:

hết thiện sang bất thiện,

lại đến lúc vô kí;

đang khi ở Dục giới,

cũng vào định Sắc giới,

hoặc định Vô-sắc giới;

vui, buồn... bao tâm hành

thay nhau đến rồi đi...

Nương tánh “thẩm” của Ý,

làm động lực mạnh mẽ,

sai khiến thân và miệng

tạo các nghiệp dẫn, mãn.

Dùng chánh niệm quán sát

hoạt động của Ý thức,

có thể biết dễ dàng

quả báo trong ba cõi.

Ý thức thường hiện khởi,

trừ ở trời Vô-tưởng,

trong hai định vô-tâm,

ngủ say, và bất tỉnh.

Khi lên Hoan-hỉ địa,

Bồ-tát chỉ đoạn trừ

phân-biệtngã pháp chấp;

nhưng câu-sinhvẫn còn.

Bước lên Bất-động địa,

Ý thức thuần vô lậu,

thành trí “Diệu-quán-sát”,

sáng soi cõi đại-thiên.

4b. NĂM THỨC TRƯỚC (tiền ngũ thức)

Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân,

gọi chung “năm thức trước”,

cũng gọi “năm thức thân”,

năm thức cảm giác.

Do năm căn phù-trần

đối trước năm trần cảnh,

chủng tử từ Tàng thức

nương nơi tịnh-sắc-căn

phát hiện ra năm thức;

hoặc chung, hoặc không chung.

Người thường khó phân biệt

thứccănkhác nhau.

Khi hoạt động độc lập:

hiện lượng;duyên tánh cảnh;

đầy đủ cảba tánh;

năm tâm sở biến-hành.

Thời thường hoạt động chung

cùng ý thức ngũ-câu:

về lượng, cũng như cảnh,

đều tùy thuộc Ý thức;

ba mươi bốn tâm sở:

biến-hành, biệt-cảnh, thiện,

hai trung, tám đại-tùy,

cùng với tham, sân, si.

Nhãn thức chín duyên sinh;

Nhĩ thức tám duyên sinh;

Tị, Thiệt và Thân thức

chỉ cần bảy duyên sinh.

Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân:

hai trước căn cảnh lìa,

ba sau căn cảnh hợp,

để nhận rõ trần thế.

Ngũ-thú-tạp-cư địa:

đủ năm thức hiện hành;

Sơ-thiền: Nhãn, Nhĩ, Thân;

từ Nhị-thiền: không hiện.

Khi được trí Hậu-đắc,

năm thức duyên chân như

qua thế giới hiện tượng,

nhận rõ sanh, pháp không.

Trí Đại-viên phát sinh,

năm thức thuần vô lậu,

chuyển trí “Thành-sở-tác”,

độ sinh thoát khổ luân.

5. DUY THỨC

Các thức ấy chuyển biến,

có phân biệt (kiến phần),

bị phân biệt (tướng phần),

đó là Ngã và Pháp.

Ngã và Pháp nếu lìa

sự biến hiện của thức,

thì đều không hiện hữu;

nên tất cả là THỨC.

Do thức Nhất-thiết-chủng

hằng chuyển biến trùng trùng,

nhờ năng lực triển chuyển,

mọi thứ phân biệt sinh.

Do tập khí các nghiệp,

và tập khí hai thủ,

dị thục trước vừa hết,

liền sinh dị thục sau.

6. BA TỰ TÁNH và BA VÔ TÁNH của VẠN PHÁP

Do tánh biến-kế-chấp

biến kế tất cả vật,

“biến-kế-sở-chấp” này,

vốn không có tự tánh.

Vạn pháp đều nương nhau,

phát sinh và hiện hữu;

nên tự tánh của chúng

gọi là: “y-tha-khởi”.

Do quán chiếu thấy rõ

vạn pháp “y tha khởi”,

xa lìa tánh biến kế,

hiện tánh “viên-thành-thật”.

Tự tánh viên-thành-thật

cùng tánh y-tha-khởi

không khác, không không khác;

cả hai không tách rời.

Không thấy tánh vô-thường,

không đạt cảnh niết-bàn;

không thấy tánh y-tha,

không đạt viên-thành-thật.

Từ ba tự-tánh này

lập nên ba “vô-tánh”;

mật ý Phật dạy rằng:

vạn pháp không tự tánh.

Trước hết “tướng vô tánh”:

Tướng biến-kế-sở-chấp

hư vọng không thật có,

nên không có tự tánh.

Kế, “vô tự nhiên tánh”:

Các pháp do duyên sinh,

không phải tự nhiên có,

nên không có tự tánh.

Sau, “thắng-nghĩa vô tánh”:

Do lìa biến-kế chấp,

viên-thành-thật hiện tiền,

nên không có tự tánh.

Thắng nghĩa của vạn pháp

cũng tức là Chân-như,

(tánh nó là như thế),

tức Thật tánh Duy-thức.

7. NĂM ĐỊA VỊ TU CHỨNG

Khi phát tâm bồ đề,

nhưng còn chưa an trú

trong thể tánh Duy-thức,

thuộc địa vị Tư-lương;

kiến chấp Ngã và Pháp

tạm ngưng trên Ý thức,

còn tùy-miên của chúng

chưa điều phục diệt trừ.

Do tu duy-thức-quán,

vừa an trụ phần nhỏ

trong thể tánh Duy-thức,

đó là Gia-hạnhvị;

nhưng vì thấy “có trụ”

(tức thấy có “sở đắc”),

nên chưa thật an trụ

trong thể tánh Duy-thức.

Khi đối cảnh sở-duyên,

trí không thấy sở đắc,

đã dứt trừ hai thủ

(ngã chấp và pháp chấp),

là địa vị Thông-đạt;

năng, sở như huyễn hóa,

bấy giờ mới thực sự

an trụ Duy-thức tánh.

Cảnh giới “vô-sở-đắc”

thật không thể nghĩ bàn,

là trí xuất-thế-gian

(tức trí vô-phân-biệt).

Đó là Tu-tậpvị,

dứt sạch sở-tri chướng,

tuyệt trừ phiền-não chướng,

thành tựu quả Chuyển-y.

Đây cảnh giới Vô-lậu,

là địa vị Cứu-cánh,

cảnh giới không nghĩ bàn,

cảnh giới cực thuần thiện,

cõi thanh tịnh chân thường,

an lạc, giải thoát thân,

đại tịch mặc, pháp thân,

vô thượng chánh đẳng giác.

HẠNH CƠ

Miền Tây Gia-nã-đại, 2010

Ý kiến bạn đọc
27/04/201513:13
Khách
Pháp đưa con vượt qua bờ
Thoát vòng sinh tử bợn nhơ hồng trần
Đưa con trở lại nguồn chân
Xa lìa tham dục ,đoạn dần khổ đau
Nương tăng hòa hợp làm đầu
Hy sinh bản ngã ,mưu cầu thanh cao
Trải thân trong chốn ba đào
Mà không đắm nhiễm sa vào bến
Con nguyền trì tụng pháp lành
Nam Mô Chư Phật đồng thanh hộ trì
Nam Mô cầu sám hối Bồ tát ma ha tát
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]