Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một khi vác xác qua đèo...

12/09/201318:34(Xem: 5830)
Một khi vác xác qua đèo...

Ananda1
MỘT KHI VÁC XÁC QUA ĐÈO

THÌ AI THAN TRÁCH CHEO LEO GIỮA RỪNG?

Một hôm Trưởng lão A-nan thấy một thanh niên gầy gò, ăn mặc rách rưới, tay cầm một chiếc bát bằng sành, đi lang thang kiếm ăn đó đây nên có biệt danh là Độc-cô-bố-bị (Pilotika), tức là kẻ ăn xin, chỉ có một khổ vải thô khoác làm áo như mang một cái bao bố, bèn nói:

- Ông bạn, ông làm nghề gì mà trông có vẻ luộm thuộm vậy? Nếp sống thiền môn không bình yên dung dị hơn kiểu sống tự do của ông sao?

- Bạch Đại đức, ai cho phép con đi tu? Ai tác thành thân tâm thoát tục cho con? Ai là người có khả năng biến con thành một Sa-môn như ngài? Khó quá Đại đức ơi!...

- Chuyện dễ thôi!... Trưởng lão A-nan mỉm cười nói. Nếu ông bạn muốn có một cuộc sống an lành yên ổn, một tâm hồn thiểu dục tri túc, một định hướng thẳng đến cứu cánh Niết-bàn, thì ta sẽ giúp ông bạn thực hiện sở nguyện thành tựu viên mãn.

- Được vậy thì còn gì phúc đức hơn cho đời con, bạch Đại đức.

- Vậy thì giờ đây ông bạn muốn đi với ta không?

- Xin đội ơn Đại đức!

Cậu thanh niên sụp lạy Trưởng lão và theo ngài đến một bờ sông. Trưởng lão A-nan đưa cậu xuống nước tắm rửa sạch sẽ. Sau đó lên bờ, Trưởng lão trao cho cậu một chủ đề thiền quán: “Một khi vác xác qua đèo, thì ai than trách cheo leo giữ rừng?”, và tác thành đạo nghiệp cho cậu. Bấy giờ cậu đã thay đổi y phục, nhưng vẫn còn lưu luyến tấm vải che thân nên máng nó và cái bát sành trên một cành cây.

Vì được chấp nhận vào Giáo hội và thực hiện đầy đủ bổn phận của một Sa-môn, cậu được thập phương bá tánh cúng dường lễ vật như chư Phật, và đi đâu cậu cũng mang mặc y hậu trang trọng, chỉnh tề. 

Sau một thời gian ổn định cuộc sống và thọ dụng thực phẩm dồi dào, câu trở nên đỏ da thắm thịt, nói năng linh hoạt, và yêu đời hẳn ra. Thế là cậu bắt đầu thấy cuộc sống tu hành sao mà đơn điệu quá: ngày nào cũng tụng kinh bái sám, tọa thiền hành thiền, học tập kinh văn, hóa duyên khất thực!... Cậu đâm ra chán nản, thầm nghĩ: “Có ích gì chăng khi sống ở đời mà cứ y bát đề huề, tháng năm tiếp nhận tứ sự cúng dường của đàn na thí chủ trong khi mình cũng đầy đủ tứ chi, thân hình khỏe mạnh mà không sản xuất ra của cải vật chất để chia sẻ với mọi người trong cộng đồng xã hội? Không được!... Không thể duy trì nếp sinh hoạt bất công, không xứng đáng là một nam nhi giữa đất trời bình đẳng. Ta sẽ mặc lại tấm áo năm xưa, tuy nhăn nheo nhưng đượm tình nhân thế, và ta sẽ dấn thân vào dòng đời muôn thuở của hương sắc trần gian.”

Cậu trở lại nơi máng khổ vải, thay đổi y phục, bước đi vài bước, ngó trên nhìn dưới, xem lại chính mình, và thầm trách: “Quái nhỉ!... Mày là thằng ngu si đần độn, không biết thế nào là sang hèn, tội phước! Mày đã vất đi cái đặc quyền mang mặc y phục cao quý của Tăng sĩ thiền môn, để rồi đem thân chui vào cái bao bố tồi tàn hôi hám này với cái bát sành tạm bợ trên tay cho qua ngày đoạn tháng. Mày đúng là thứ vô tàm vô quý, không biết hổ mình thẹn người chi cả!...” Và rồi bỗng dưng cậu nhớ lại chủ đề thiền quán mà Trưởng lão A-nan đã trao: “Một khi vác xác qua đèo, thì ai than trách cheo leo giữa rừng?” Cậu giật mình, mồ hôi toát ra. Cậu định thần một lát, rồi tâm hồn từ từ trở lại trạng thái vắng lặng, an hòa. Cậu cởi chiếc áo lem nhem vì đã bao phen nhuộm màu trần thế, khoác lại y phục tăng già, và hối hả trở về tu viện. Tuy nhiên, được ít lâu sau thì chứng nào tật nấy, cậu lại suy tính thiệt hơn, phân trần lợi hại, rồi lại trốn chùa, bỏ thầy bỏ bạn ra đi. Đi được mấy hôm, đói khát thiếu thốn, cái tính khí ngông nghênh, đúng hơn là lúc tỉnh lúc mê kia khó có thể xoa dịu được nỗi râm ran cào cấu trong lòng, cậu lại hối hả trở về với mái chùa xưa. Cậu đi về ra vào ba lần như vậy. Đến lần thứ tư, các huynh đệ thấy cậu lủi thủi trở về với dáng điệu khép nép, bèn lên giọng hỏi đùa:

- Ông đạo, ông đang đi đâu đó?

- Em đi gặp thầy em, thưa quý tôn huynh.

Sau đó cậu chuyên tâm quán niệm về chiếc áo tồi tàn cũ rách của cậu trước kia và chủ đề thiền quán mà Trưởng lão A-nan đã trao từ khi cậu bước chân vào đạo: “Một khi vác xác qua đèo, thì ai than trách cheo leo giữa rừng?”.

Rồi một hôm, trong lúc định tâm chiêm nghiệm thì bỗng dưng cậu thấy thân thể khinh an, tâm hồn rạng rỡ, đầu óc minh mẫn. Cậu đã trực nhận ra yếu chỉ của chủ đề thiền quán và mỉm cười xác định: 

Bao phen vác xác qua đèo,

Lang thang phiêu bạt đói nghèo tâm linh,

Sát na lộ ánh bình minh,

Một trời rực sáng thanh bình vô ưu.

Và cậu chứng quả A-la-hán ngay tức khắc.

Sau đó các đồng môn pháp lữ thấy Độc-cô-bố-bị hiển lộ phong thái uy nghi đĩnh đạc, tướng hảo trang nghiêm, bèn lấy làm ngạc nhiên, nhưng vẫn cất giọng thăm dò:

- Ông đạo, ông không còn đến gặp thầy của ông nữa sao? Con đường gập ghềnh sỏi đá thế này hẳn là chưa quen với bước chân qua lại của Độc-cô hành giả!

- Thưa quý tôn huynh, khi còn bị ràng buộc với trần thế thì em đi với thầy của em. Bây giờ em đã cắt đứt mọi hệ lụy với trần thế thì em không còn đi với thầy của em nữa.

Nghe giọng điệu tự tin và đầy khẩu khí như vậy, đại chúng bán tín bán nghi về khả năng thành tựu đạo quả của một pháp hữu nổi danh là xuất nhập ta bà, bèn cùng nhau đến diện kiến Đức Thế Tôn, trình bày sự thể:

- Kính bạch Thế Tôn, dạo này huynh Độc-cô-bố-bị nói năng khí thế quá!

- Ông ấy nói gì mà các thầy cho là khí thế?

- Huynh ấy nói khi còn bị ràng buộc với trần thế thì huynh ấy đi với một đạo sư. Bây giờ đã cắt đứt mọi hệ lụy với trần thế thì huynh ấy không còn đi với đạo sư nữa. Huynh ấy nói như vậy là chân thật hay ngụy biện, bạch Thế Tôn?

- Hoàn toàn chân thật, này các thầy Tỳ-kheo. Thế Tôn lên giọng khẳng định. Khi còn bị ràng buộc vào trần thế thì quý tử của ta đi với một đạo sư. Bây giờ quý tử của ta đã cắt đứt mọi hệ lụy với trần thế thì hẳn là độc lập tự chủ, Độc-cô-bố-bị đã chứng quả A-la-hán.

Đúng như vậy đó!... Thế Tôn mỉm cười đọc kệ:

Hiếm thấy ai ở đời,

Biết tự chế khiêm tốn,

Tránh mọi lời thương tổn,

Như ngựa hiền tránh roi.

Như ngựa hiền phải roi,

Hãy nhiệt tâm hăng hái,

Giới đức, tín, tinh cần,

Trạch pháp, tu thiền định,

Minh hạnh, tâm chánh tịnh,

Diệt thống khổ ưu phiền.

(PC. 143, 144)

(Tịnh Minh – Đã đăng trong Giác Ngộ số 563, ngày 13-11- 2010)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]