Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

II.1- Ngôn ngữ ẩn dụ và thí dụ

13/01/201107:58(Xem: 10202)
II.1- Ngôn ngữ ẩn dụ và thí dụ

TÌM HIỂU NGÔN NGỮ KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO

Thích Tâm Thiện

II.1- Ngôn ngữ ẩn dụ và thí dụ

Có thể nói, hầu hết các thời thuyết giáo của Phật đều để lại rất nhiều những thí dụ, ẩn dụ cụ thể, giúp người đời dễ hiểu, dễ nắm bắt và dễ suy niệm. Trong kho tàng văn học Phật giáo, từ kinh tạng Nikàya, Agama cho đến các bộ kinh thuộc Đại thừa đều mang theo những hình ảnh ẩn dụ, thí dụ đặc sắc.

1- Ngôn ngữ ẩn dụ

Đây là loại hình ngôn ngữ liên tưởng, so sánh ngầm. Đức Phật đã sử dụng ngôn ngữ này một cách thiện xảo để nói lên sự thật của khỗ đau và an lạc, của hư ngụy và chân thật trong đời sống tâm thức của con người, cũng như dùng nó để ngầm giới thiệu một cảnh giới giải thoát khỏi mọi lụy phiền trần thế. Chúng ta biết rằng, cả khỗ đau và hạnh phúc đều được xây dựng trên cơ sở của tâm.

Mặc dầu khỗ đau và hạnh phúc là hai tính chất khác biệt nhau hoàn toàn, song cả hai đều là yếu tố thường trực trong tâm thức. Nó lặng lẽ trong tâm như hạt giống ngủ yên trong lòng đất. Vấn đề là ở chỗ sự hiển thị hay biểu hiện của khỗ đau và hạnh phúc luôn luôn tùy thuộc vào trạng thái của tâm thức. Và trạng thái đó lại tùy thuộc vào "cái nhìn" của mỗi con người - tức ý thức, ý chí và khát vọng.

Do đó, ngôn ngữ ẩn dụ mà Đức Phật sử dụng là nhằm đến bày tỏ sự thật của cả hai mặt của đời sống : chân và tục, hư và thật, thiện và ác, có và không, vô minh và giác ngộ v.v... Ở đây, có thể nói kinh Dhammapada (Pháp Cú) là một trong những loại hình của ngôn ngữ ẩn dụ và thí dụ đặc sắc. Chẳng hạn, khi đề cập đến vấn đề yêu thương hay ái dục nói chung, Đức Phật đã dùng đến các hình ảnh "dòng sông yêu thương" (currents of craving) hay "36 dòng ái" (8) để nói lên sức mạnh bền bỉ của lòng yêu thương, ái dục :

"Dòng ái dục chảy khắp
Như dây leo mọc tràn" (PC 340)

"Người say đắm ái dục
Tự lao mình xuống dòng
Như nhện sa vào lưới" (PC 347)

"Ba mươi sáu dòng ái
Trôi người về biển ái
Các tư tưởng tham ái
Cuốn trôi kẻ cuồng si" (PC 339)

Những câu kinh này cho thấy rằng, Đức Phật đã ẩn dụ cội nguồn ái dục của con người như dòng chảy luân lưu bất tận. Nó cuốn trôi đời người vào thế giới trầm luân, sinh rổi tái sinh. Và chính sự ẩn dụ sâu sắc và độc đáo đó đã gợi lên trong tâm thức người nghe một ảnh tượng về sự "trôi chảy của dòng sông ái". Trên bình diện chân lý, tâm thức của con người luôn luôn trôi chảy như một dòng sông.

Trong một cái tích tắc, nó trôi từ đối tượng này sang đối tượng khác. Và trong hầu hết các sự trôi lăn đó, dường như "khát vọng trở nên, trở thành" một cái gì đó, hay một điều gì đó - tức cái dục vọng của mỗi con người, hay nói khác hơn, đó là nhu cầu của mỗi con người - luôn luôn có mặt. Mà ở đây, Đức Phật đề cập đến 36 dòng ái, thế có nghĩa là con người luôn luôn nhu cầu: mong rằng tôi có mặt như thế này ; mong rằng tôi có mặt khác như thế này v.v... Những khát vọng được trở nên thế này, được trở thành thế khác v.v... chính là nhu cầu Hiện Hữu.

Nó là ý lực hay, là nguyên động lực để thúc đẩy dòng sông ái vận hành tương tục. Và đó cũng là mấu chốt của sự trầm luân. Nó có mặt trong 36 dòng ái. Vì thế, sự giải thoát hay vượt qua dòng sông ái dục cũng có nghĩa là giải thoát dòng sanh tử, luân hổi. Đây là lý do tại sao sự giải thoát của Phật giáo được gọi là vượt bộc lưu - vượt dòng thác sinh tử (9).

Đức Phật dạy:

"Ai sống ở đời này
Ái dục được đoạn tận
Sầu rơi khỏi người ấy
Như nước rời lá sen"
Hoặc :
"Tỷ kheo, tát thuyền này
Thuyền không, nhẹ đi mau
Trừ tham, diệt sân hận
Đạt đến cõi Niết bàn" (PC 368)
Nội dung bài kệ trên đề cập đến con thuyền không - tức một tâm thức không còn cưu mang các yếu tố của tham, sân và si nữa. Và tất nhiên, chỉ những ai đi trên con thuyền không ấy, mới có thể vượt dòng thác sinh tử.

Từ một vài trưng dẫn trên, thông qua các từ ngữ ẩn dụ như : "dòng sông ái", "vượt dòng", "con thuyền không" v.v... cho thấy rằng, ngôn ngữ ẩn dụ là một đặc trưng tiêu biểu và rất phỗ quát trong kinh tạng Phật giáo. Và những thí dụ trên đương nhiên chỉ là một trong vô số trường hợp được trình bày trong kinh.

2a- Ngôn ngữ thí dụ 1

Ngôn ngữ thí dụ là ngôn ngữ diễn đạt về một hình ảnh cụ thể, một trường hợp cụ thể để minh họa cho vấn đề được nêu ra. Trong kinh tạng Phật giáo (cả Nam tạng và Bắc tạng) (10), có rất nhiều hình ảnh thí dụ. Đức Phật, trong mỗi pháp thoại thường dùng thí dụ cụ thể để minh họa cho giáo lý của Ngài. Nếu xét về loại hình ngôn ngữ thí dụ, thì kinh Pháp Cú được xem là bản kinh nỗi bật nhất về các thí dụ.

Và, theo nhiều nhà nghiên cứu Phật học, thì ngôn ngữ của kinh Pháp Cú là ngôn ngữ thí dụ. Tuy nhiên, trong hầu hết các kinh đều có thí dụ, chẳng hạn phẩm Thí dụ trong kinh Pháp Hoa cũng là một trường hợp điển hình. Nhưng có một sự khác biệt khá quan trọng về những thí dụ của kinh tạng Nam truyền và Bắc truyền. Ở các kinh Nikàya, Agama, các thí dụ phần lớn gắn liền với những hiện tượng, sự vật, sự kiện xảy ra trong đời sống hàng ngày, như thí dụ : con voi, bông hoa, con rắn, cái cưa, lõi cây...(11).

Trong khi đó, ở các kinh Bắc truyền, các ví dụ phần lớn mang tính cách triết lý uyên áo, như thí dụ "nhà lửa" (kinh Pháp Hoa), thí dụ "gã cùng tử ôm châu đi làm thuê" (kinh Pháp Hoa), thí dụ lâu các Tỳ lô xá na (kinh Hoa Nghiêm) v.v... (vấn đề này sẽ được bàn sau).

Tuy nhiên, ở đây chỉ đề cập đến thí dụ được dùng như là một thể cách đặc biệt của ngôn ngữ kinh tạng. Đó chính là những thí dụ rất sống động, rất giản đơn như những sự kiện, hiện tượng xảy ra hàng ngày và gắn liền với đời sống tâm thức, tình cảm của con người. Do đó, chúng ta sẽ trở lại với ngôn ngữ thí dụ của kinh Pháp Cú, một loại ngôn ngữ đặc trưng và tiêu biểu của kinh này.

Như đã đề cập, Đức Phật, trong kinh Pháp Cú, đã sử dụng ngôn ngữ thí dụ như là một thể cách đặc biệt để đánh động tâm thức cuồng si của chúng sinh và làm cho chúng thức tỉnh, đứng dậy đi ra khỏi giấc mộng hư ảo của cuộc đời.

Do đó, những thí dụ mà Đức Phật dùng ở đây là những thí dụ xác thực với thực tế, với thế giới sum la vạn tượng của muôn ngàn sự thể khác biệt và đa thù. Đó là những con chim, hòn đá, lau sậy, vân vân và vân vân. Mỗi lời kinh, mỗi lời kệ của Pháp Cú đều nói lên một hình ảnh sinh động nào đó. Và thông qua mỗi hình ảnh, Đức Phật đã gởi gắm đạo lý hiện thực cho con người.

Những bài kệ kinh như :

"Người ngu dầu trọn đời
Thân gần người có trí (mù)
Không biết được chánh pháp (thì)
Như muỗng với vị canh" (PC 64)
Hoặc :
"Người trí dầu một khắc
Thân gần người có trí
Biết ngay được chánh pháp
Như lưỡi với vị canh" (PC 65)
Hoặc :
"Ai phiền não đoạn sạch
Ăn uống không tham đắm
Tự tại trong hành xứ
Không, vô tướng, giải thoát
Như chim giữa hư không
Dấu chân không tìm thấy" (PC 93)
Hoặc :
"Người tỉnh thức, chánh niệm
Không bám vào chốn nào
Như thiên nga rời ao
Bỏ sau mọi trú ẩn" (PC 91)
Hoặc :
"Khi nào chưa cắt tiệt
Tình ái giữa gái trai
Tâm ý vẫn ràng buộc
Như bò con, vú mẹ" (PC 284)
Hoặc :
"Như hoa vassikà (11)
Quăng bỏ cánh úa tàn
Cũng vậy, thầy Tỷ kheo
Hãy giải thoát tham sân" (PC 377)
Từ những bài kinh trên, chúng ta thấy rõ Đức Phật đã dùng đến những thí dụ như : cái muỗng, vị canh, cái lưỡi, dấu chân chim, con thiên nga, con bò con và vú mẹ, hoa lài v.v... như là những hình ảnh đầy ấn tượng để giáo dục người đời. Và trong cách dùng thí dụ, Ngài luôn luôn trình bày theo quan hệ nhân quả, một quan hệ rất phỗ biến, khách quan trong triết lý nhân sinh cũng như trong đời sống thiết thực.

Đó là các cấu trúc "nếu... thì", "hễ... thì", "nếu... vậy" v.v... Trên bình diện ngôn ngữ, các cấu trúc mang tính tương quan nhân quả như "nếu... thì", "hễ... thì" thường được dùng để diễn đạt chân lý khách quan, hay sự thật tất yếu. Chức năng công ước ngôn ngữ của nó là dùng để xác định những giá trị bất biến, như "nếu đỗ dầu vào nước thì dầu sẽ nỗi lên", hoặc như "nếu ánh sáng đến thì bóng tối sẽ tan".

Vì thế, khi Đức Phật dùng ngôn ngữ thí dụ để diễn đạt chân lý, thì giá trị chân lý không những càng hiển lộ rõ lên, mà nó còn đánh mạnh vào nhận thức của con người - những kẻ đang "lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm" (13). Có lẽ đây là lý do Phật dùng ngôn ngữ thí dụ như là một phương tiện thiện xảo để truyền đạt chánh pháp. Và điều đó cũng cho thấy năng lực "vô ngại biện tài" của Phật, ít ra là trên bề mặt ngôn ngữ.

Một yếu tố khác nữa cũng cần bàn đến ở đây là yếu tố thi ca hay nghệ thuật thi ca tiềm tàng trong những hình ảnh thí dụ. Đó là trường hợp của những bài kệ như :

"Hương các loài hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Hương của người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay" (PC 54)
Hoặc :
"Hoa chiên đàn, già la
Hoa sen, hoa vũ quý
Giữa những hương hoa ấy
Giới hương là vô thượng" (PC 55)
Hoặc :
"Như ong đến với hoa
Không làm hại sắc, hương
Che chở hoa, lấy nhụy
Bậc thánh đi vào làng" (PC 49)
2b- Ngôn ngữ thí dụ 2

Như đã trình bày, ngôn ngữ thí dụ trong kinh tạng Phật giáo được chia thành hai loại gắn liền với hai hệ thống kinh tạng Nguyên thủy và kinh tạng Đại thừa. Ở kinh tạng Nguyên thủy (Nikàya và Agama), các hình ảnh thí dụ phần lớn mang tính cách hiện thực, cụ thể. Trái lại, trong kinh tạng Đại thừa, các thí dụ đa phần mang tính cách triết lý uyên áo nhằm minh họa cho sự vận hành của tâm thức.

Có khi các thí dụ được dẫn giải trong kinh biểu trưng cho thế giới thanh tịnh tuyệt đối của chân như, cũng có khi nó biểu trưng cho thế giới vọng tưởng và cuồng si của con người. Nói chung, điểm đặc sắc của ngôn ngữ thí dụ trong kinh tạng Đại thừa là sự phô trần dòng chảy của tâm thức trên cả hai mặt cấu nhiễm và chân như. Và trên bình diện chân lý, nó biểu diễn xác thực và cụ thể sự diễn biến của hai mặt chân đế và tục đế trên cùng một tâm điểm.

Các thí dụ, do đó, luôn luôn được xem như là những biểu hiện chân xác của tâm thức. Từ đó, nếu như trong kinh tạng Nguyên thủy, những thí dụ là những hình ảnh cụ thể, bình dị trong đời thường, thì ngược lại, trong kinh tạng Đại thừa, thí dụ chính là những ảnh tượng của tâm thức, nó mang tính cách siêu hình và chung nhất. Nó cũng không nhằm chỉ đến một đối tượng đặc thù cá biệt nào, mà nó là cách thể diễn bày thực tại, dù đó là thực tại ảo hay thực tại toàn chân.

Vì thế, các ảnh tượng được thí dụ, phần lớn không phải là ảnh tượng cụ thể, hiện thực trong đời thường, và có khi nó cũng không có thực trong đời thường. Ở đây, thí dụ cũng là ẩn dụ. Nó dung hóa vào nhau để tác thành những biểu hiện cụ thể của tâm thức - tức thế giới siêu hình. Do đó, trong con mắt của người trần, các hình ảnh thí dụ và ẩn dụ của kinh Đại thừa thường được xem như là những hoạt cảnh kỳ bí lạ thường. Hẳn nhiên, độc giả không thể phủ nhận các ảnh tượng đó, nhưng để nắm bắt nó cũng không phải là chuyện giản đơn ; nó đòi hỏi ở con người một sự nỗ lực, chuyên chú để trực nhận.

Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sùtra) có một thí dụ rằng : "Có một con quỷ trần truồng, đói khát đang đi dọc theo con sông Hằng. Cơn khát nóng bỏng đang thiêu đốt trong tâm can của nó, thúc giục nó đi tìm kiếm nước uống ở sông Hằng. Và khi đối diện trước sông Hằng, nó không thấy nước đâu cả, mà chỉ thấy đáy sông toàn là mặt đất khô cằn và nứt nẻ".

Thí dụ này, hẳn nhiên là không có thật, ít nhất là trong mắt người trần. Và nó cũng không ám chỉ đến một đối tượng cá biệt nào. Nhưng ý nghĩa biểu thị của nó là một thực tế đối với con người. Ở đây, chính ngọn lửa dục vọng thiêu đốt con quỷ làm cho con mắt của nó tự xóa nhòa mọi hiện hữu đang mải miết phô bày. Chính nghiệp lực quá nặng nề đã biến nguồn nước trong mát của sông Hằng thành dải đất khô cằn, nứt nẻ.

Hoặc là câu chuyện bà Thanh Đề, mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên. Khi cầm chén cơm trong tay, lập tức nó biến thành than lửa. Nếu đi qua mọi dữ liệu lịch sử hiện thực, thì câu chuyện này cũng có thể được xem như là một thí dụ và ẩn dụ đặc sắc về "ngọn lửa dục vọng". Nó thiêu đốt tất cả thế giới hiện thực khách quan, biến thế giới đó trở thành hỏa ngục và mọi thứ cơ đổ trong thế giới đó thành than lửa. Tất nhiên, hỏa ngục và than lửa chỉ hiện hữu đối với những ai đang bị ngọn lửa dục vọng thiêu đốt.

Một thí dụ khác rất độc đáo được nói trong kinh Pháp Hoa là "nhà lửa" (phẩm Thí dụ). Chuyện kể rằng : Có một trưởng giả giàu có. Tòa nhà của ông rất lớn nhưng chỉ có một lối ra. Con cái của ông đang tung tăng vui chơi, bỗng phút chốc tòa nhà bị bốc cháy. Ngọn lửa bao phủ suốt tường thành và liếm tận mái nhà, nhưng các con của ông không hề hay biết và cứ mãi vui chơi trong đó...

Ngôi "nhà lửa" ở đây chính là ngôi nhà tâm thức mà chúng ta đang trú ngụ. Nó, quả tình đang mải miết cháy bởi các dục vọng, mong muốn, nhu cầu... Nếu không nhanh chóng đi ra khỏi căn nhà đó (căn nhà dục vọng) thì sẽ bị thiêu đốt và sẽ chết tàn như tro bụi. Nhưng trớ trêu thay, loài người đang mải mê trong cuộc vui, làm sao chúng có thể thấy được sự nguy hiểm đang vây bủa xung quanh chúng.

Từ một vài dẫn dụ trên, cho thấy rằng phép ẩn dụ và thí dụ của ngôn ngữ trong kinh tạng Đại thừa quả thật là vô cùng uyên áo. Chỉ một chủ đề là "lửa" nhưng nó được thí dụ một cách linh hoạt. Có khi lửa biểu trưng cho dục vọng, nhưng cũng có khi lửa biểu trưng cho sức mạnh của thiền định, như "lửa tam muội" trong kinh Lăng Nghiêm, vân vân và vân vân...

Như thế, rõ ràng ngôn ngữ thí dụ và ẩn dụ là một đặc trưng trong hệ thống ngôn ngữ kinh tạng Phật giáo.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]