Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 13: Cúng dường Pháp.

13/05/201316:33(Xem: 12740)
Chương 13: Cúng dường Pháp.

Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh

Chương 13: Cúng dường Pháp.

Pháp Sư Thích Từ Thông

Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông

1.- Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn, trước đại chúng đứng lên bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Con dù theo Phật và Văn Thù Sư Lợi từ lâu, đã nghe trăm ngàn kinh điển, nhưng chưa từng nghe kinh điển "Quyết định thực tướng, bất khả tư nghì tự tại thần thông" như vậy.

Theo sự hiểu biết của con, qua ý nghĩa và mục đích của Phật dạy: Nếu chúng con nghe theo kinh pháp này tin hiểu, thọ trì đọc tụng, tu hành đúng như kinh dạy, thì người đó đã đóng bít cửa ác thú, khai thông đại lộ Niết bàn. Người này thường được chư Phật hộ niệm, hàng phục được ngoại đạo, đánh đuổi được ma quân, tăng trưởng quả Bồ đề, vững ngồi nơi đạo tràng, bước theo dấu chân Phật mà đi.

Bạch Thế Tôn! Nếu có người thọ trì đọc tụng đúng theo lời kinh mà tu hành, con cùng các quyến thuộc, sẽ cúng dường mọi sự và ở xóm làng thành thị, núi rừng chỗ nào có kinh này, quyến thuộc chư Thiên chúng con đến đó nghe pháp và tu học, chúng con bằng mọi phương tiện khiến cho những ai chưa tin, phát khởi lòng tin. Người đã tin sẽ giữ gìn hộ pháp.

Phật dạy: Tốt lắm! Thiên Đế! Như Lai rất bằng lòng thiện ý của ông. Kinh này nói rõ về những sự kiện bất khả tư nghì vô thượng Chánh biến tri giác của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Thế cho nên, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn thọ trì đọc tụng giảng thuyết cúng dường kinh, tức là cúng dường chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.

Thiên đế! Giả sử ba ngàn đại thiên thế giới chư Phật ở trong đó nhiều như số tre nứa, lau sậy, lúa bắp, cây cỏ lùm rừng. Nếu có người thiện nam, thiện nữ đem trọn đời mình tôn trọng cung kính tán thán, cúng dường đầy đủ mọi thứ cần dùng. Cúng dường cho đến khi chư Phật diệt độ. Rồi lấy xá lợi của toàn thân Phật xây tháp thất bảo rộng bốn lần quả địa cầu, cao tột cõi Phạm Thiên, dùng tất cả hương hoa, anh lạc, tràng phan, kỷ nhạc hay đẹp nhất đời, hiến trọn kiếp sống để cúng dường phục vụ chư Phật đông nhiều như thế.

Thiên đế! Ông nghĩ thế nào? Người vun trồng cội phúc như thế phúc đức có nhiều chăng?

Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Phước đức đó dù đem trọn kiếp, nói cũng không sao hết được. Thiên Đế Thích đáp.

Phật bảo: Thiên đế! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nghe kinh điển bất khả tư nghì giải thoát này, tin hiểu, thọ trì đọc tụng, tu hành thì phước đức còn nhiều hơn người cúng dường vật chất cho chư Phật kia. Bởi vì Bồ đề của chư Phật đều từ kinh này sanh ra mà tướng Bồ đề thì vô hạn lượng. Thế cho nên phước đức cũng vô hạn lượng.

2.- Phật dạy tiếp: Thiên đế! Thuở quá khứ cách nay vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, có đức Phật hiệu Dược Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc. Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự Trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Thế giới của đức Phật đó tên Đại Trang Nghiêm, kiếp tên Trang Nghiêm. Phật thọ mạng hai mươi tiểu kiếp. Chúng đệ tử Thanh văn ba mươi sáu ức na do tha. Bồ tát tăng có mười hai ức.

Này Thiên đế! Lúc ấy có vị Chuyển Luân Thánh Vương hiệu là Bảo Cái có đầy đủ thất bảo, làm chủ tứ thiên hạ. Vua có một ngàn người con đoan chính dũng kiện, có khả năng chinh phục mọi kẻ địch thù. Thuở ấy, đức vua cùng quyến thuộc hết lòng cung kính cúng dường đức Dược Vương Như Lai mọi thứ cần dùng trải thời gian dài năm kiếp. Qua năm kiếp rồi, nhà vua dạy các con: Các con hãy kế tục theo hạnh của cha đã làm. Phải đem hết thâm tâm mà cúng dường đức Phật. Một ngàn người con đều hoan hỉ vâng lãnh lời dạy của vua cha thành tâm cúng dường đức Dược Vương Như Lai trải năm trăm kiếp nữa. Trong đó có một vương tử tên Nguyệt Cái, thiền tọa tư duy: "Đáng tiếc thay! Ta chưa hiểu được, chẳng biết còn cách cúng dường nào khác, tôn quý hơn cách cúng dường này chăng?"

Do sức thần Phật, trong không gian có tiếng vọng: "Thiện nam tử! Cúng dường pháp ưu việt hơn tất cả mọi cúng dường".

Vương tử bèn hỏi: Cúng dường pháp là thế nào?

Tiếng vọng: "Ngươi nên hỏi đức Dược Vương Như Lai, ngươi sẽ được biết thế nào là cúng dường pháp".

Vương tử Nguyệt Cái đến chỗ Dược Vương Như Lai, cúi đầu làm lễ dưới chân Phật, đứng nép một bên thưa:

Bạch Thế Tôn! Trong tất cả sự cúng dường, cúng dường pháp ưu việt hơn hết, con chưa hiểu ý nghĩa cúng dường pháp là thế nào? Kính mong Thế Tôn vì con dạy bảo.

Đức Phật dạy: Này thiện nam tử! Ngươi hãy lắng nghe Như Lai sẽ vì ngươi nói rộng về ý nghĩa, người cúng dường pháp phải làm gì.

Người cúng dường pháp là người có khả năng nghe những kinh điển giáo lý sâu xa của chư Phật nói ra mà những người thế gian khó tin, khó hiểu, khó tiếp thọ, vì quá ư vi diệu, thanh tịnh tuyệt trần, vô nhiễm, vô vi, vượt ngoài tư duy phân biệt của người thường. Những kinh nhiếp thuộc về pháp tạng của Bồ tát là dấu ấn của Đà la ni. Những thứ kinh đưa con người đến địa vị bất thối chuyển, hoàn thành lục độ, thuận với pháp Bồ đề, trên hết trong các kinh. Những kinh nghĩa dạy cho người tu hành thể nhập đại từ bi, xa lìa các ma sự và các tà kiến. Nghe kinh nghĩa như thế không nghi ngờ sợ hãi, như thuyết tu hành gọi là cúng dường pháp. Lại nữa, người cúng dường pháp là người có khả năng nhận thức chân lý, tùy thuận pháp nhơn duyên sanh, tỏ ngộ chân lý vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ mạng. Thấu triệt nghĩa không, vô tướng, vô tác, vô khởi của vạn pháp, có thể khiến cho chúng sanh ngồi đạo tràng mà chuyển pháp luân. Chư Thiên, Long thần...tán thán. Có thể khiến cho chúng sanh thể nhập kho tàng pháp bảo của Phật, nắm trọn hết trí tuệ của hiền thánh, nói rõ những đạo lý của Bồ tát làm, y cứ vào nghĩa thực tướng của các pháp. Tuyên rõ nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã và tịch diệt, để cứu hộ những chúng sanh sai phạm giới cấm và những ngoại đạo ma quân, những người nặng nghiệp tham, sân, si sợ sệt răn chừa. Những kinh điển chư Phật ngợi khen, trái đường sanh tử, chỉ nẻo Niết bàn, mười phương chư Phật hộ niệm và nói ra. Nghe kinh điển như thế mà tin sâu, hiểu kỹ, thọ trì, đọc tụng vì các chúng sanh phân biệt giải nói rõ ràng và giữ gìn kinh pháp đó. Làm được những điều như thế, gọi đó là cúng dường pháp.

Lại nữa, người cúng dường pháp là người đối với các pháp đúng như lời dạy của kinh mà tu hành, tùy thuận pháp nhân duyên, xa lìa tà kiến, chứng nhập pháp nhẫn vô sanh, thể nhập sâu sắc diệu lý vô ngã, vô chúng sanh. Đối với chân lý nhân duyên, nhân quả không nghi ngờ chống trái, xa lìa tất cả ngã sở hữu. Trên đường học đạo tiến tu y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh, y pháp bất y nhân. Người cúng dường pháp còn là người tùy thuận pháp tướng. Đối với các pháp không có tướng sở nhập cũng không có chỗ sở qui. Vì hiểu rằng: vô minh rốt ráo tịch diệt. Khởi quán như thế nhận thấy rõ rằng mười hai nhân duyên không có tướng tận chung cũng không có tướng khởi thủy. Học pháp như thế, hành những pháp như thế gọi đó là người cúng dường pháp tối thượng.

Đức Phật bảo: Thiên đế! Vương tử Nguyệt Cái theo đức Phật Dược Vương, nghe học pháp như thế được nhu thuận nhẫn, bèn cởi bảo y đang mặc trên mình, dâng lên cúng dường Phật và bạch rằng:

Bạch Thế Tôn! Sau Như Lai diệt độ, con sẽ thực hành cúng dường pháp để thủ hộ chánh pháp. Kính mong Thế Tôn thương xót, dùng oai thần vững mạnh khiến cho con đủ nghị lực hàng phục ma quân, tu Bồ tát hạnh.

Đức Dược Vương Như Lai biết ý nghĩ từ thâm tâm của vương tử Nguyệt Cái, bèn thọ ký:

Nguyệt Cái! Đời sau ông sẽ truyền trì chánh pháp làm tường thành hộ pháp khiến cho chư Phật cửu trụ thế gian.

Đức Thích Ca dạy tiếp: Thiên đế! Vương tử Nguyệt Cái liền sau đó, con mắt chánh pháp tỏ sáng và thanh tịnh. Nghe Dược Vương Như Lai thọ ký cho, bèn đem hết tín tâm xuất gia, tinh tấn tu tập thiện pháp, không bao lâu được năm thứ thần thông, đầy đủ đạo Bồ tát, có sức tổng trì biện tài vô đoạn. Sau Phật diệt độ đem sức tổng trì, thần thông và biện tài đã được truyền bá chánh pháp của Dược Vương Như Lai, tùy cơ phân bổ, tinh tấn giữ gìn trọn hai mươi tiểu kiếp. Nguyệt Cái tỳ kheo giáo hóa trăm muôn ức người vững bước tiến trên đường vô thượng Bồ đề. Mười bốn na do tha người phát tâm sâu sắc đối với quả Thanh văn, Bích chi Phật, vô lượng chúng sanh được phước quả cõi Trời.

3.- Này Thiên đế! Vua Bảo Cái xưa kia, không phải là ai xa lạ, chính là người được thành Phật hiệu Bảo Diệm Như Lai hiện nay. Một ngàn vương tử xưa kia là một ngàn Phật trong hiền kiếp. Vị Phật trước hết hiệu Ca La Cưu Tôn Đà Như lai. Vị Phật sau rốt hiệu là Lâu Chí Như Lai. Còn Tỳ kheo Nguyệt Cái chính là ta đây vậy.

Như thế đó Thiên đế! Đấy là điều trọng yếu. Phải biết! Hãy nên đem pháp mà cúng dường. Cúng dường pháp tối ưu việt hơn tất cả mọi cách cúng dường nào khác.

Thế cho nên Thiên đế! Hãy đem pháp cúng dường mà cúng dường chư Phật.

TRỰC CHỈ

1.- Từ lâu theo Phật và Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, từng nghe trăm ngàn kinh điển, nhưng chưa hề được nghe kinh Bất tư nhì giải thoát như vầy, lời của Thiên Đế Thích nói.

Thật vậy, người tu học kinh này quyết định sẽ được sự giải thoát bất tư nghì. Sự giải thoát ngay ở cõi đời này, sự giải thoát ở trước mọi người mà mọi người không ai hay biết. Vì kinh này do con người bất tư nghì, nói kinh bất tư nghì, trình diễn cảnh bất tư nghì, tu pháp bất tư nghì, thành tựu trí tuệ bất tư nghì cho nên đem lại kết quả giải thoát bất tư nghì vô thượng Chánh biến tri giác, ngang bằng quả vị chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.

Thế cho nên người thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng thuyết tu hành theo kinh này, phước đức lớn không có ngôn từ tán thán cho cân. Không có số nhiều để so sánh, đong lường.

Đức Phật dạy cho Thiên đế: "Bồ đề cũa chư Phật ba đời, đều từ kinh này mà có ra". Vì vậy, người tu theo kinh này quyết định sẽ thành Phật.

2.- Chư cúng dường trung, pháp cúng dường tối. Đó là tiếng vọng từ không trung, Nguyệt Cái vương tử được nghe trong lúc tĩnh tọa thiền tư tìm một phương cách cúng dường ưu việt nhất. Ý nghĩa của lời dạy đó, báo cho Vương tử Nguyệt Cái rằng: Trong tất cả phương cách cúng dường, cúng dường pháp là ưu việt hơn hết.

Cầu học phương cách cúng dường pháp, đức Dược Vương Như Lai dạy:

Người cúng dường pháp là người có khả năng nghe những kinh điển giáo lý sâu xa mà người đời khó nghe, khó tin, khó hiểu, khó hành, vì quá thâm diệu vượt tầm hiểu biết của người thường mà người này nghe được, tin được, hiểu được, hành được. Nghe những kinh điển sâu xa vi diệu sanh lòng ham mộ, không có ý sợ hãi, nghi ngờ, phát chí dũng mãnh theo lời kinh dạy mà tu hành. Làm được những việc như thế, gọi là người cúng dường pháp.

Người cúng dường pháp còn là người ham nghe đại thừa chánh pháp, học đại thừa chánh pháp, hành đại thừa chánh pháp, truyền bá đại thừa chánh pháp và thể hiện cuộc sống qua đại thừa chánh pháp, không mệt mỏi trong sự nghiệp giáo hóa làm lợi ích chúng sanh.

3. Vương tử Nguyệt Cái, sau khi nghe Dược Vương Như Lai dạy về phương cách cúng dường pháp bèn ham mộ mà xuất gia. Hai mươi tiểu kiếp thực hành đại thừa chánh pháp, giáo hóa chúng sanh truyền bá đại thừa chánh pháp. Do vậy, Tỳ kheo Nguyệt Cái được thành Phật sớm, ở vào tiểu kiếp thứ chín, vị trí thứ tư trong số một ngàn vị Phật đã thành, đang thành và sẽ thành trong hiền kiếp.

Để kết thúc bài pháp cúng dường pháp, đức Thích Ca nói: Tỳ kheo Nguyệt Cái xưa kia đâu phải người nào lạ, hiện tại chính là ta. Vị sẽ thành Phật thứ 1.000 hiệu là Lâu Chí Phật ở vào tiểu kiếp thứ 20 sau này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]