Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

13. Phẩm Trì (L’Effort)

06/05/201313:02(Xem: 12880)
13. Phẩm Trì (L’Effort)

Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa - Quyển IV

13. Phẩm Trì (L’Effort)

Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguồn: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Dược-Vương và Bồ-tát Đại-Nhạo-Thuyết, cùng hai muôn Bồ-tát quyến thuộc, đều ở trước Phật nói lên lời thề rằng: "Cúi xin Thế-Tôn chớ lo, sau khi Phật diệt độ, chúng tôi sẽ tuân giữ, đọc tụng, nói kinh điển này. Chúng-sanh trong đời ác về sau, căn lành ít chuyển, kiêu hãnh thêm nhiều, tham lợi tham danh([7]), thêm căn bất thiện, xa lìa giải thoát. Tuy khó bề giáo hoá như thế, chúng tôi sẽ dùng sức nhẫn nhục lớn, đọc tụng, giữ nói, biên chép, hy-sanh mọi cách, thậm chí không tiếc thân mạng (để giáo hoá họ)".
Khi ấy, trong chúng, 500 A-la-hán đã được thọ ký, bạch Phật rằng: Thế-Tôn, chúng tôi cũng tự thệ nguyện rộng nói kinh này ở những nước khác. Lại có tám ngàn vị hữu-học, vô-học cũng đã được thọ ký rồi, lập lời thề trước Phật: "Chúng con cũng thệ sẽ ở nơi nước khác rộng nói kinh này. Tại sao thế? Vì ở nước Ta-bà, đa số dân- chúng hay che dấu điều ác, ôm ấp tánh kiêu-căng, công-đức cạn mỏng, giận hờn, siểm khúc, ấy vì tâm không thật vậy".
Kế đó, bà Dì của Phật là Tỳ-khưu-ni Ma-Ha-Ba-Xa-Ba-Đề cùng với 6 ngàn Tỳ-khưu-ni của hai hạng học và vô-học, đồng đứng dậy, chắp tay chiêm ngưỡng tôn nhan Phật, mắt không tạm rời, Thế-Tôn mới hỏi Kiều-Đàm-Di (tức bà Dì): "Vì cớ nào mà ngó Như-Lai với vẻ lo âu như vậy? Phải chăng vì ta không kêu tên thọ ký cho chúng ngươi? Này Kiều-Đàm-Di, ta trước thọ ký tổngquát cho tất cả Thanh-văn, nay ngươi đã muốn thì ta nói trước cho biết, đời sau ngươi sẽ làm Đại Pháp-sư của 6 vạn tám ngàn Phật-pháp, còn 6 ngàn Tỳ-khưu-ni trong hàng học và vô-học, cũng sẽ làm Pháp-sư. Lần hồi, ngươi sẽ đầy đủ đạo Bồ-tát và sẽ được thành Phật, hiệu Nhất-Thế-Chúng-Sanh-Hỷ-Kiến Như-Lai. Này Kiều-Đàm-Di, Phật Hỷ-Kiến và 6 ngàn Bồ-tát sẽ tuần tự thọ ký được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác".
Bấy giờ, mẹ của La-Hầu-La là Tỳ-khưu-ni Da-Du-Đà-La thầm nghĩ: "Thế-Tôn thọ ký cho mọi người, sao riêng mình chẳng nói tới tên?". Phật kêu Da-Du-Đà-La nói: "Đời sau, trong trăm ngàn vạn ức pháp môn của Phật, người sẽ tu hạnh Bồ-tát, làm Đại Pháp-sư, lần hồi đầy đủ Phật-đạo, rồi ở nơi nước Thiện, sẽ thành Phật hiệu Cụ-Túc-Thiên-Vạn-Quang-Tướng Như-Lai".
Kiều-Đàm-Di, Da-Du-Đà-La và tất cả Tỳ-kheo-ni đều vui mừng hớn hở, cho là được của quý chưa từng có.
Sau khi đọc bài kệ, các Tỳ-kheo-ni bạch Phật: "Thế-Tôn, chúng tôi có thể rộng nói kinh này ở các nước phương khác không?"
Phật bèn ngó tám mươi muôn ức na-do-tha Bồ-tát. Các Bồ-tát này, toàn là bậc "bất thối-chuyển" và đã được các "đà-la-ni", bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật, chấp tay nghĩ nói trong lòng rằng: "Nếu Thế-Tôn dạy, chúng con sẽ như lời Phật dạy mà rộng nói kinh này". Rồi lại nghĩ: Phật nay làm thinh không dạy, bây giờ chúng ta sẽ nói gì đây?. Khi ấy, vừa để thuận theo ý Phật, vừa để thoả mãn sở nguyện, của mình, các Bồ-tát bèn thề lớn trước Phật: "Thế-Tôn, sau khi Như-Lai diệt độ, chúng con sẽ đi khắp mười phương thế giới, khiến chúng-sanh biên chép kinh này, lãnh giữ, đọc tụng, giải nói ý nghĩa, theo pháp tu hành, sửa điều nghĩ nhớ cho chân chánh, được như thế là toàn nhờ uy-lực của Phật. Cúi xin Thế-Tôn, ở phương khác, xa thấy mà giữ-gìn cho!".
Liền đó, các Bồ-tát đồng phát thanh nói bài kệ:
Cúi mong Phật chớ lo
Sau khi Phật diệt độ,
Trong đời ác, khiếp sợ
Chúng con sẽ rộng nói(kinh này)
Dầu có người không trí
Dùng lời ác mắng rủa…
Cùng gậy dao đập chém,
Chúng con đều sẽ nhẫn,
Dầu Ty-khưu đời ác,
Trí tà, tâm vạy méo
Chưa chứng, xưng đã chứng,
Kiêu căng đầy trong lòng
Hoặc có hạng "A-nhã"([8])
Y, nạp([9]) xem ra phết.
Tự cho hành chân đạo
Xem nhẹ người thế-gian;
Vì lòng tham lợi dưỡng
Thuyết pháp cho bạch-y([10])
Với ý được cung kính
Như lục thông La-Hán([11])
Lòng hạng ấy chứa ác
Thường nghĩ việc thế tục
Giả danh A-luyện-nhã
Bởi sai lầm chúng con
Mà nói những lời này:
Các Thầy Tỳ-khưu ấy.
Ví lòng tham lợi dưỡng,
Luận giải theo ngoại đạo
Tự tạo kinh điển này,
Láo dối người thế gian.
Hoặc vì cầu danh tiếng
Mà phân biệt kinh này,
Hoặc thường trong đại chúng,
Muốn nói xấu chúng con;
Hướng nhà vua, quan lớn
Bà-la-môn, nhà giàu([12]) ,
Cùng các Tỳ-khưu khác
Mà phỉ báng chúng con:
Bảo chúng con tà kiến
Luận giải theo ngoại đạo,
Vì lòng kính tin Phật,
Chúng con đều sẽ nhẫn,
Trong đời ác kiếp trược,
Có nhiều sự sợ hãi,
Các quỷ nhập thân người
Mắng rủa nhục chúng con,
Chúng con kính tin Phật,
Sẽ mang giáp nhẫn nhục.
Để giảng nói kinh này,
Chúng con sẽ nhẫn mọi khó.
Thân mạng, không hề tiếc
Chỉ tiếc Vô-thượng đạo.
Chúng con trong đời sau,
Sẽ giữ gìn lời Phật.
Thế-Tôn sẽ tự biết:
Tỳ-khưu đời ác trược
Không biết Phật phương tiện
Tùy nghi mà thuyết pháp,
Châu mày dùng miệng ác,
Lúc lúc đuổi chúng con
Xa lìa nơi chùa tháp.
Các việc ác như thế,
Nhớ lời Phật dạy bảo,
Chúng con sẽ nhẫn hết.
Nơi thành ấp, tụ lạc([13])
Nếu có người cầu pháp
Chúng con đều đến nơi
Nói Pháp của Phật truyền.
Chúng con là sức Phật,
Ở trong chúng không sợ.

Huyền nghĩa

Từ trước tới đây, Đức Phật đã giải bày cho chúng ta thấy thế nào là "Thực-Tướng", là "Chân-lý), là khả năng giác-ngộ của con người.
Nhưng thấy hiểu chưa đủ, cần phải cố-gắng (l'effort) nắm giữ (trì). Cố gắng nắm giữ không phải trong lòng mà phải biểu hiện ra ngoài (phụng trì, đọc tụng, thơ tả, giảng thuyết), nghĩa là phải diễn đạt bằng lời nói và việc làm lợi mình, lợi người.
Lợi mình ở chỗ tự nhắc nhở, tự cố tiến. Lợi người ở chỗ treo gương thức tỉnh cho mọi người cùng theo.
Ai làm được sự cố-gắng này? Các bậc Đại Bồ-tát (những người quên mình vì người khác), các bậc La-hán (đã diệt dục), các hàng Thanh-văn học và vô-học (đã nghe hiểu và thức tỉnh). Thậm chí hàng phụ-nữ tu hành (Tỳ-khưu-ni) cũng làm được, vì nữ-nhân cũng đầy đủ khả năng giác-ngộ như nam-nhi (chuyện Long-nữ thành Phật hay việc thọ-ký cho các bà Kiều-Đàm-Di, Da-Du-Đà-La…)
Nhưng đừng tưởng dễ đem Chân-lý mà nói cho người khác nghe, dễ sống đời sống gương mẫu thức tỉnh (giảng thuyết Diệu-Pháp). Ví càng xa Phật (sau khi Phật diệt-độ), lòng người càng bị tham, sân, si, kiêu mạn làm mờ tối. Huống chi còn những hạng giả danh tu hành, tự xem như thánh-nhân. Mê hoặc lòng người bằng những kinh điển sai lầm và phỉ báng hàng tu-sĩ chân chánh. Vì vậy, muốn nắm giữ được lời Phật dạy, Chân-lý của Phật trao truyền và làm sáng tỏ Chân-lý ấy, phải mặc giáp nhẫn nhục, nghĩa là phải hết sức chịu đựng trước sức tấn công của ma lực. Nếu phải hy-sinh thân mạng (corps et vie) cũng đừng tiếc.






CHÚ THÍCH

[1] Ô.Burnouf dịch:cinquante quatre fois cent mille myriades de kôtis de kalpas.
[2] Học là nghiên cứu chân lý, đã dứt mê vọng. Còn Vô-học là chỉ hạng đã nghiên cứu xong Chân lý và mê vọng đã dứt tận, không còn gì phải học thêm nữa. Trong 4 hạng tu hành có kết quả trong bậc Thanh-văn, 3 hạng đầu (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm) gọi là hạng Học. Còn hạng thứ tư là A-la-hán thì gọi là Vô-học).
[3] 1 do tuần là 40 lý, mỗi lý là 600 thước. Vậy 1 do tuần là 600 x 40 = 24.000 thước hay 24 cây số ngàn. Cao 500 do tuần là cao 12.000 cay số. Rộng 250 do tuần là rộng 6.000 cây số.
Tháp ấy uqá sự tưởng tượng của chúng ta và nhất định là một thí dụ (parabole) để chỉ cái gì chứ không phải sự thật là vậy.
[4] Trong Kinh Tâm Địa Quán, quyển 8 có câu: Tam giới chi trung, dĩ tâm vi chủ. Năng quán tâm giả cứu cánh giải thoát. Bất năng quán giả, cứu cánh trầm luân. Chúng sanh chi tâm, do như đại địa, ngũ cốc, ngũ quả, tùng đại địa sanh, như thị tâm-pháp sanh thế, xuất thế, thiện ác ngũ thú. Hữu học, Vô học, Độc giác, Bồ tát, cập ư Như-Lai. Dĩ thử nhân duyên, tam giới duy tâm, tâm danh vi địa:". Dịch: Trong ba cõi (dục, sắc, vô sắc), tâm là chủ. Người quán sát được tâm, cuối cùng được giải thoát. người không quán sát được tâm, cuối cùng chìm đắm vào biển khổ. Tâm chúng sanh giống như mặt đất, năm thứ lúa, năm thứ trái, đều từ đất mà sanh cũng như vậy, tất cả những lo nghĩ (tâm pháp) của chúng sanh còn kẹt trong thế sự hay đã vượt ra ngoài thế sự , hoặc lành hoặc dữ, những ý nghĩa hướng về năm nẻo của lục đạo, những ý niệm của hạng Học, Vô học (A-la-hán), của hạng Độc giác, Bồ tát 92 cho đến bậc Như-Lai, đều do tâm mà sanh. Bởi cớ ba cõi chỉ do tâm và tâm được gọi là đất.
[5] Trí Tích chữ Phạn là: Pradjnâkûta _- Pradjnâ là trí, kûta là tích trữ. Vậy đây ý kinh muốn chỉ cái trí súc-tích của người chớ không phải cái dại-trí sẳn có. sẽ giải rõ trong phần Huyền nghĩa.
[6] Chẳng đặng Phạm-Thiên, Đế-Thích, Ma-Vương, Chuyển-Luân-Thánh-Vương và Phật.
[7] Dịch theo bản của E.Burnouf "occu peés de gain et d'honneurs"
[8] A-nhã. Trọn chữ là A-luyện-nhã hay A-lan-nhã: Chỉ các am tự, nơi các cị Tỳ-khưu ở.
[9] Nạp: Áo mặc của các vị Tỳ-khưu, may bằng những miếng vải vụng của người chê bỏ.
[10] Bạch-y: Áo trắng, chỉ hàng Phật-tử tại gia. Hai tiếng cư-sĩ dùng để chỉ hàng tại gia được dùng không đúng lắm.
[11] Lục thông: 1) Thiên nhãn, 2) Thiên nhĩ, 3)Tha tâm, 4)Túc mạng, 5) Thần túc, 6)Lậu tận (6 pouvoirs spirituels)
[12] Nhà giàu: Nguyên văn chữ Hán là cư -sĩ . Ông E.Burnouf dịch là "chef de famille"; gia trưởng, tức chỉ hạng có gia nghiệp, chớ không có nghĩa Phật tử tại gia như chúng ta dùng bây giờ.
[13] Hay bộ lạc (Tribu).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]