Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 39: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

29/06/201721:39(Xem: 5062)
Bài 39: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

4). BA TƯỚNG TƯƠNG TỤC

     Ba tướng tương tục gồm có Thế giới tương tục, chúng sanh tương tục và nghiệp qủa tương tục như sau:

 

1 - THẾ GIỚI TƯƠNG TỤC

- Bản giác tánh không, chẳng minh chẳng vô minh, tùy theo nghiệp thức biến hiện nên vô minh bắt đầu; một niệm vô minh bỗng khởi, thì bản giác lìa tánh không mà sanh vọng minh, tánh không cũng lìa bản giác mà sanh ám muội. Bản giác sanh vọng minh thì phát ra thức, chỗ trong lặng chẳng lay động của thức tinh (1) tức là Thủy, tánh "không" sanh ám muội, kết tụ thành sắc, tức là Địa (trái đất), Địa và Thủy nhiễu loạn nhau thành Phong (Bầu khí quyển bao phủ trái đất). Vì tánh "không" bị ám muội, cố chấp cái năng minh thành chướng ngại, nên vọng cho bản giác là sở minh, năng sở nhiễu loạn, nên vọng có tánh biến hóa của Hỏa, ngọn Hỏa xông lên, nên có hơi Thủy khắp cả mười phương hư không. Hỏa bốc lên, Thủy chảy xuống, giao lộn vọng lập thì Thủy ướt thành biển cả, đất khô thành lục địa. Do nghĩa này, nên trong biển cả Hỏa thường phun lên, trong lục địa sông ngòi thường chảy. Thế Thủy kém thế Hỏa thì kết thành núi, nên khi đập đá núi thì có tia lửa; thế Địa kém thế Thủy thì mọc lên thành cỏ cây, nên đốt cỏ cây thì thành đất, vắt ra thì có nước. Tứ đại (2) giao lộn lẫn nhau vọng sanh nhân quả, do nhân duyên này nên thế giới tương tục.

 

GIẢI NGHĨA

(1) Thức tinh: Nguồn gốc của thức.

(2) Tứ đại: Gồm Đất, Nước, Gió, Lửa.

 

     Đức Phật giảng về thế giới tương tục như sau: “- Bản giác tánh không, chẳng minh chẳng vô minh, tùy theo nghiệp thức biến hiện nên vô minh bắt đầu; một niệm vô minh bỗng khởi, thì bản giác lìa tánh không mà sanh vọng minh, tánh không cũng lìa bản giác mà sanh ám muội. Bản giác sanh vọng minh thì phát ra thức, chỗ trong lặng chẳng lay động của thức tinh (1) tức là Thủy, tánh "không" sanh ám muội, kết tụ thành sắc, tức là Địa, Địa và Thủy nhiễu loạn nhau thành Phong (Bầu khí quyển bao phủ trái đất). Vì tánh "không" bị ám muội, cố chấp cái năng minh thành chướng ngại, nên vọng cho bản giác là sở minh, năng sở nhiễu loạn, nên vọng có tánh biến hóa của Hỏa, ngọn Hỏa xông lên, nên có hơi Thủy khắp cả mười phương hư không. Hỏa bốc lên, Thủy chảy xuống, giao lộn vọng lập thì Thủy ướt thành biển cả, đất khô thành lục địa. Do nghĩa này, nên trong biển cả Hỏa thường phun lên, trong lục địa sông ngòi thường chảy. Thế Thủy kém thế Hỏa thì kết thành núi, nên khi đập đá núi thì có tia lửa; thế Địa kém thế Thủy thì mọc lên thành cỏ cây, nên đốt cỏ cây thì thành đất, vắt ra thì có nước. Tứ đại giao lộn lẫn nhau vọng sanh nhân quả, do nhân duyên này nên thế giới tương tục”.

     Nghĩa là gốc biết (Bản giác) là bản thể trống rỗng (tính không), chẳng trong sáng (minh) chẳng không trong sáng (vô minh), tùy theo nghiệp thức biến hiện; ví dụ như khi một niệm khởi, nên vô minh bắt đầu. Khi một niệm vô minh bỗng khởi lên, thì gốc biết (bản giác) lìa bản thể trống rỗng mà sinh ra vọng minh; bản thể trống rỗng cũng lìa gốc biết mà sinh ra ám muội.

     Khi gốc biết thành vọng minh thì phát sinh ra thức, chỗ trong lặng chẳng lay động của nguồn gốc của thức (thức tinh) tức là Nước (Thủy). Khi bản thể trống rỗng (tính không) thành ám muội, kết tụ thành vật chất (sắc), tức là Đất (Địa); khi đất và nước nhiễu loạn nhau (bốc hơi) thành bầu khí quyển, chuyển động thành Gió (Phong). Vì bản thể trống rỗng bị ám muội, cố chấp cái sức trong sáng (năng minh) thành chướng ngại, nên vọng cho gốc biết (bản giác) là nơi chỗ trong sáng (sở minh). Cái sức trong sáng và nơi chỗ trong sáng (năng sở) nhiễu loạn, nên vọng sinh ra tính biến hóa của Lửa (Hỏa).

     Ngọn Lửa xông Nước, Nước bị nóng bốc hơi nên có hơi nước trong hư không, Lửa bốc lên, Nước chảy xuống, giao lộn vọng lập thì Nước thành biển cả, Đất khô thành lục địa. Do nghĩa này, nên trong biển cả Lửa ở lòng đất thường phun lên, trong lục địa sông ngòi thường chảy xuống. Thế Nước kém thế Lửa thì kết thành núi, nên khi đập đá núi thì có tia lửa; thế Đất kém thế Nước thì mọc lên thành cỏ cây, nên đốt cỏ cây thì thành đất, vắt cây ra thì có nước. Đất, Nước, Gió Lửa (Tứ đại) giao lộn lẫn nhau vọng sinh nhân quả, do nhân duyên này nên thế giới tương tục không ngừng.

 

CƯỚC CHÚ: (Của người dịch Kinh: Hòa Thượng Thích Duy Lực)

     Theo lý thuyết Ngũ hành là sáng lập từ Trung Quốc, người Ấn Độ thì chẳng biết học thuyết này. Nên các Kinh Phật chỉ nói tứ đại, ngũ uẩn, lục nhập, thập nhị xứ, thập bát giới, cho đến thất đại, đoạn này từ tiếng Phạn dịch sang tiếng Hán, mà dịch giả mượn ngũ hành để sáng tỏ nghĩa Kinh, lý thuyết ngũ hành người xưa còn có thể hiểu được, đời nay thì ít người thấu suốt. Cho nên độc giả đời nay cảm thấy rất khó hiểu, nếu không hiểu được thì đánh mất tác dụng của lời kinh; vì Phật thuyết pháp, hay dùng những sự vật của chúng sanh đã hiểu biết, để chứng tỏ tri kiến của chúng sanh chẳng đúng. Do đó, nên chúng tôi lược bỏ phần Ngũ hành, chỉ dựa theo tứ đại mà dịch đoạn kinh này, xin độc giả từ bi hoan hỉ cho.

 

2 - CHÚNG SINH TƯƠNG TỤC
- Lại nữa, Phú Lâu Na, cái minh hư vọng này chẳng phải gì khác, do giác minh thành lỗi lầm; sở minh đã vọng lập, thành lý minh có ngằn mé. Vì vậy, nên nghe chẳng ra ngoài tiếng, thấy chẳng vượt khỏi sắc, sáu thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đã vọng lập, do đó chia ra Kiến, Văn, Giác, Tri. Cộng nghiệp ràng buộc lẫn nhau mà có hợp, ly, thành, hóa; do kiến chấp của sở minh nên sanh khởi sắc tướng, do năng minh của kiến chấp thì thành tư tưởng, ý kiến khác với mình thì thành ghét, tư tưởng đồng với mình thì thành yêu, gieo cái yêu thành hạt giống, thu nạp tư tưởng thành cái thai, giao cấu phát sanh, hấp dẫn cộng nghiệp, nên có nhân duyên sanh ra bào thai.
- Các loài thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hoá sanh, tùy theo sự cảm ứng mà thành: noãn do tưởng niệm mà sanh, thai do ái tình mà có, thấp sanh do hợp mà cảm ứng, hóa sanh do tách ly mà hiện. Tình, tưởng, hợp, ly, thay đổi lẫn nhau, các loài thọ nghiệp theo đó mà thăng trầm, do nhân duyên này, nên chúng sanh tương tục.


 GIẢI NGHĨA

    Đức Phật giảng về chúng sinh tương tục như sau: “- Lại nữa, Phú Lâu Na, cái minh hư vọng này chẳng phải gì khác, do giác minh thành lỗi lầm; sở minh đã vọng lập, thành lý minh có ngằn mé. Vì vậy, nên nghe chẳng ra ngoài tiếng, thấy chẳng vượt khỏi sắc, sáu thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đã vọng lập, do đó chia ra Kiến, Văn, Giác, Tri. Cộng nghiệp ràng buộc lẫn nhau mà có hợp, ly, thành, hóa; do kiến chấp của sở minh nên sanh khởi sắc tướng, do năng minh của kiến chấp thì thành tư tưởng, ý kiến khác với mình thì thành ghét, tư tưởng đồng với mình thì thành yêu, gieo cái yêu thành hạt giống, thu nạp tư tưởng thành cái thai, giao cấu phát sanh, hấp dẫn cộng nghiệp, nên có nhân duyên sanh ra bào thai”.
     Nghĩa là cái trong sáng (minh) hư vọng này chẳng phải gì khác, do biết trong sáng (giác minh) thành lỗi lầm vì chấp vào cái biết trong sáng nên không còn trong sáng nữa. Và vì chấp vào cái biết trong sáng nên có nơi chỗ trong sáng, nơi chỗ trong sáng (sở minh) đã vọng lập, thành lý trong sáng có ranh giới (ngằn mé). Vì vậy, nên nghe chẳng ra ngoài tiếng, thấy chẳng vượt khỏi hình sắc, sáu thứ: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đã vọng lập, do đó chia ra thấy, nghe, tỉnh, biết, (Kiến, Văn, Giác, Tri). Cộng nghiệp ràng buộc lẫn nhau mà có hợp, ly, thành, hóa; do chấp thấy (kiến chấp) chỗ trong sáng (sở minh) nên sinh khởi hình sắc (sắc tướng), do sức trong sáng (năng minh) của chấp thấy thì thành ý kiến tư tưởng. Ý kiến khác với mình thì thành ghét, tư tưởng đồng với mình thì thành yêu, gieo cái yêu ghét thành hạt giống, thu nạp tư tưởng thành cái thai, giao cấu phát sinh, hấp dẫn cộng nghiệp, nên có nhân duyên sinh ra bào thai hay cái trứng.

     Ngài giảng tiếp: “- Các loài thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hoá sanh, tùy theo sự cảm ứng mà thành: noãn do tưởng niệm mà sanh, thai do ái tình mà có, thấp sanh do hợp mà cảm ứng, hóa sanh do tách ly mà hiện. Tình, tưởng, hợp, ly, thay đổi lẫn nhau, các loài thọ nghiệp theo đó mà thăng trầm, do nhân duyên này, nên chúng sanh tương tục”.
    
Nghĩa là các loài tùy theo sự cảm ứng mà thành như sau:

- Do dục tình lứa đôi mà sinh con (thai sinh).

- Do dục tình và tưởng nhớ ấp trứng mà sinh con (noãn sinh),

- Do hợp (hoà hợp) ẩm thấp cảm ứng mà sinh ra (thấp sinh).

- Do tách lià mà hiện thành (hóa sinh).

     Tình, tưởng, hợp, ly, thay đổi lẫn nhau, các loài thụ nghiệp theo đó mà thăng trầm, do nhân duyên này, nên chúng sinh tương tục.

3 - NGHIỆP QỦA TƯƠNG TỤC
- Phú Lâu Na, do tư tưởng thương yêu liên kết thành nghiệp, yêu mãi không rời thì những cha mẹ con cháu trong thế gian sanh nhau chẳng ngừng, ấy đều từ gốc Dục Tham sanh khởi.
- Lòng tham ái giúp nhau tăng trưởng, tham mãi không thôi thì các loại thai, noãn, thấp, hóa trong thế gian, tùy sức mạnh yếu, ăn nuốt lẫn nhau, ấy đều từ gốc Sát Tham sanh khởi.
- Người ăn thịt dê, dê chết làm người, người chết làm dê, như vậy cho đến mười loại chúng sanh (1), chết sống sống chết, ăn nuốt lẫn nhau, ác nghiệp lan tràn cùng tột đời vị lai, ấy đều từ gốc Đạo Tham sanh khởi.
- Ngươi nợ mạng ta, ta trả nợ ngươi, do nhân duyên này, trải qua trăm ngàn kiếp, thường ở trong dòng sanh tử; ngươi yêu tâm ta, ta ưa sắc ngươi, do nhân duyên này trải qua trăm ngàn kiếp, thường ở trong dòng ràng buộc, ấy đều từ gốc Sát, Đạo, Dâm sanh khởi. Do nhân duyên này nên nghiệp quả tương tục.

 

GIẢI NGHĨA

 (1) Mười loài chúng sinh: Tất cả các loài hữu tình do vọng tưởng điên đảo mà tạo nghiệp, rồi tùy theo nghiệp mà chiêu cảm nhiều quả báo khác nhau, trong nhiều hình loại khác nhau. Có tất cả 10 loài:

1) Loài sinh ra từ trứng (noãn sinh);

2) Loài sinh ra từ bào thai (thai sinh);

3) Loài sinh ra từ nơi ẩm thấp (thấp sinh);

4) Loài sinh ra do sự biến hóa (hóa sinh);

5) Loài có hình sắc (hữu sắc);

6) Loài có tư tưởng (hữu tưởng);

7) Loài chẳng phải có hình sắc (phi hữu sắc);

8) Loài chẳng phải không có hình sắc (phi phi hữu sắc);

9) Loài chẳng phải có tư tưởng (phi hữu tưởng);

10) Loài chẳng phải không có tư tưởng (phi phi hữu tưởng).

 

     Đoạn 3 “Nghiệp Qủa Tương Tục” của Mục 4 “Các Tướng Tương Tục” trong Kinh Văn 8 “Các Đại Dung Nhau” này, Đức Phật giảng nghiệp nhân như sau: “Phú lâu Na, do tư tưởng thương yêu liên kết thành nghiệp, yêu mãi không rời thì những cha mẹ con cháu trong thế gian sanh nhau chẳng ngừng, ấy đều từ gốc Dục Tham sanh khởi”.   Nghĩa là do tư tưởng thương yêu liên kết thành nghiệp, vì yêu thích thì dùng mọi cách để chiếm cho được nên gây nghiệp ác; yêu mãi không rời thì những cha mẹ con cháu trong thế gian sinh nhau nối tiếp chẳng ngừng, đây đều do từ gốc Tham Ái Dục sinh khởi.

     Ngài giảng tiếp nghiệp nhân: “- Lòng tham ái giúp nhau tăng trưởng, tham mãi không thôi thì các loại thai, noãn, thấp, hóa trong thế gian, tùy sức mạnh yếu, ăn nuốt lẫn nhau, ấy đều từ gốc Sát Tham sanh khởi”. Nghĩa là do lòng tham ái trong cuộc sống tăng trưởng, thì các loại thai, noãn, thấp, hóa sinh trong thế gian, tùy sức mạnh yếu, ăn nuốt giết hại lẫn nhau, đây đều do gốc Tham, Giết hại (Tham, Sát) sinh khởi.

     Ngài giảng nghiệp qủa: “- Người ăn thịt dê, dê chết làm người, người chết làm dê, như vậy cho đến mười loại chúng sanh (1), chết sống sống chết, ăn nuốt lẫn nhau, ác nghiệp lan tràn cùng tột đời vị lai, ấy đều từ gốc Đạo Tham sanh khởi”.   Nghĩa là người ăn thịt súc vật (), súc vật chết làm người, người chết làm súc vật như dê bò, lợn heo, gà vịt, cá tôm, cua ốc, v.v…; như vậy cho đến các loại chúng sinh, chết sống sống chết, giết hại, ăn nuốt lẫn nhau, ác nghiệp lan tràn cùng tột đời vị lai, đây đều từ gốc Tham, Giết hại, Trộm cắp (Tham, Sát, Đạo) sinh khởi.

     Ngài giảng nghiệp qủa tương tục: “- Ngươi nợ mạng ta, ta trả nợ ngươi, do nhân duyên này, trải qua trăm ngàn kiếp, thường ở trong dòng sanh tử; ngươi yêu tâm ta, ta ưa sắc ngươi, do nhân duyên này trải qua trăm ngàn kiếp, thường ở trong dòng ràng buộc, ấy đều từ gốc Sát, Đạo, Dâm sanh khởi. Do nhân duyên này nên nghiệp quả tương tục”.   Nghĩa là do nghiệp nhân từ tham lam, dâm dục, giết hại, trộm cắp (Tham, Sát, Đạo, Dâm), trải qua trăm nghìn kiếp, nên phải ở trong dòng sinh tử ràng buộc, do đó nghiệp quả liên tiếp không ngừng (tương tục).

5). GIÁC KHÔNG SINH MÊ

 (Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]