Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 02: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

24/10/201513:07(Xem: 9107)
Bài 02: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

Kinh Dia Tang giai nghia
KINH

ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh 

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

 

PHẨM THỨ NHẤT

THẦN THÔNG TRÊN

CUNG TRỜI ĐẠO LỢI

 

1). PHẬT HIỆN THẦN THÔNG

 

     Tôi nghe như thế này: Một thuở nọ, tại cung trời Đạo Lợi (1), Đức Phật vì Thánh Mẫu (2) mà thuyết pháp. Lúc đó, bất khả thuyết bất khả thuyết (3),  Chư Phật và Chư Bồ Tát trong vô lượng thế giới ở mười phương đều đến hội họp, rồi đồng khen ngợi rằng:

     Đức Phật Thích Ca có thể ở trong đời ác Ngũ trược (4) mà hiện sức “đại trí huệ thần thông chẳng thể nghĩ bàn” để điều phục chúng sinh cang cường (5) làm cho họ hiểu rõ pháp khổ pháp vui (6).

     Khen xong, Chư Phật đều sai Thị giả (7) kính thăm Thế Tôn (8).

     Bấy giờ Đức Như Lai mỉm cười phóng ra trăm nghìn vầng mây sáng rực rỡ lớn; như là vầng mây sáng đầy đủ, vầng mây sáng đại từ-bi, vầng mây sáng đại trí-huệ, vầng mây sáng đại bát-nhã, vầng mây sáng đại tam-muội, vầng mây sáng đại kiết-tường, vầng mây sáng đại phước-đức, vầng mây sáng đại quy-y, vầng mây sáng đại tán thán....

     Đức Phật phóng ra bất khả thuyết vầng mây sáng rực rỡ như thế rồi lại phát ra các thứ tiếng vi diệu. Như là: Tiếng bố-thí- độ, tiếng nhẫn-nhục- độ, tiếng tinh-tấn- độ, tiếng thiền- định- độ, tiếng bát-nhã- độ, tiếng từ-bi, tiếng hỷ-xả, tiếng giải-thoát, tiếng vô-lậu, tiếng trí-huệ, tiếng sư-tử-hống, tiếng đại sư-tử-hống, tiếng mây-sấm, tiếng mây-sấm lớn ….

 

GIẢI NGHĨA:

(1)Trời Đạo Lợi: Cõi Trời Đạo Lợi là tầng trời thấp nhất của 6 cõi Trời Dục giới nằm trên đỉnh núi Chúa Tu Di cao một trăm sáu mươi tám nghìn do tuần (168,000 x 17.5 = 2,940,000 cây số). Đạo Lợi cũng gọi là cõi trời Ba Mươi Ba, vì tầng trời này 4 phương mỗi phương có 8 nước thành 32, cộng với nước ở giữa gọi là thành Thiện Kiến mỗi chiều rộng 80,000 do tuần (80,000 x 17.5 = 1,400,000 cây số) của Vua Đế Thiên Đế Thích, Vua cai quản thống lãnh cả 33 nước Trời, mà dân gian Việt Nam thường gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế.

 

(2) Thánh Mẫu: Bà Ma Gia (Maha Maya) Hoàng hậu của Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) thuộc qúy tộc Thích Ca (Sakya) họ Cù Đàm (Gotama) sau khi hạ sinh Hoàng tử Sĩ Đạt Ta (Siddhartha) được bảy ngày thì Hoàng hậu băng hà, sinh lên cõi trời Đâu Suất. Khi đức Phật đã trên 70 tuổi, Ngài thể theo lời thỉnh của Vua Trời Đế Thích và vì ân sinh thành của Mẫu thân, nên Ngài đã đến cõi Trời Đạo Lợi trong 3 tháng, Ngài ngồi kết già có thân hình kín khắp tảng đá pháp tòa mỗi chiều một do tuần (18 cây số) trong Thiện Pháp-Đường để thuyết pháp cho Mẫu thân từ tầng Trời Đâu Suất đến, và giáo hóa vô số Chư Thiên các tầng Trời.

 

(3) Bất khả thuyết: Không thể nói, nghĩa là vô số, vô lượng, để diễn tả con số qúa lớn.

 

(4) Ngũ trược: Năm khổ còn gọi là ngũ trọc, đó là:

1 – Kiếp trọc: Chúng ta đang ở trong kiếp có nhiều bệnh tật sinh ra, nhiều nơi đói kém, chiến tranh, thiên tai, tai nạn, gây chết chóc nên gọi là kiếp trược.

2 – Kiến trọc: Nhiều người có tà kiến, thấy biết sai lầm, có nhiều loại tà kiến thịnh hành, tin tưởng mù quáng mà không biết nên gọi là kiến trược.

3 – Phiền não trọc: Chúng sinh có nhiều tham dục, sân hận, si mê điên đảo, tâm thần phiền loạn, gọi là phiền não trược.

4 – Chúng sinh trọc: Nhiều chúng sinh không theo luân lý đạo đức, không sợ qủa báo, gọi là chúng sanh trược.

5 – Mệnh trọc: Thọ mạng của con người ngắn ngủi, chết bất cứ lúc nào từ chưa sinh ra tới khi già, gọi là mạng trược.

 

(5) Cang cường: Tính nết ương ngạnh bướng bỉnh khó nói được, khó dạy bảo.

 

(6) Pháp khổ pháp vui: Pháp khổ là chỉ ra những sự buồn phiền, nguyên nhân gây ra khổ, Pháp vui là tu hành diệt buồn khổ, đạt Thánh đạo, chứng qủa giải thoát; Giáo pháp của Phật dạy chúng sinh nhận biết thấy rõ sự khổ, dạy cách trừ buồn diệt khổ, dạy chúng sinh nhận biết thấy rõ cách tu hành làm cho đươc vui.

 

(7) Thị giả: Là người hầu cận của một vị sợ quả báo của việc làm ác, của một vị Phật, của một vị thầy, của một vị Thiền sư, của một Cao tăng; như Tôn giả A-Nan-Đà là Thị giả, người hầu cận Đức Phật Thích-Ca khi Ngài còn tại thế.

 

(8) Thế Tôn: Là một trong 10 danh hiệu của Chư Phật.

 

     Đoạn đầu của Phẩm Thứ Nhất, chúng ta thấy nói bảy điều đáng tin như sau: Điều thứ nhất là “Tôi nghe” là chỉ cho Tôn giả A Nan là người nghe và thuật lại thành văn; điều thứ hai là “như thế này” là lời Phật nói để mọi người tin. Điều thứ ba là “Một thuở nọ” để chỉ thời gian nói kinh; điều thứ tư là “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni” là vị chủ tọa thuyết pháp; điều thứ năm là vì Thánh Mẫu mà thuyết pháp” là mục đích của thuyết pháp. Điều thứ sáu là “tại cung Trời Đạo Lợi” là địa điểm nơi nói kinh; điều thứ bảy nói tới thành phần tham dự gồm có Chư Phật và Bồ Tát mười phương hội họp, Thánh Mẫu, Chư Thiên các tầng trời, các Thần, Long, Qủy đến nghe pháp.

     Kế tiếp, Chư Phật và Chư Bồ Tát trong vô lượng thế giới ở mười phương đều đến hội họp, rồi đồng khen ngợi rằng: “Đức Phật Thích Ca có thể ở trong đời ác Ngũ Trược mà hiện sức “đại trí huệ thần thông chẳng thể nghĩ bàn” để điều phục chúng sinh cang cường ngang ngạnh, làm cho họ hiểu rõ pháp khổ pháp vui”; khen xong, Chư Phật đều sai Thị giả kính thăm Phật Thích Ca.

 

     “Bấy giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mỉm cười phóng ra trăm nghìn vầng mây sáng rực rỡ lớn, như là vầng mây sáng đầy đủ, vầng mây sáng đại từ-bi, vầng mây sáng đại trí-huệ, vầng mây sáng đại bát-nhã, vầng mây sáng đại tam-muội, vầng mây sáng đại kiết-tường, vầng mây sáng đại phước-đức, vầng mây sáng đại quy-y, vầng mây sáng đại tán thán...”. Đức Phật mỉm cười là vì nhân duyên lớn, nên do tiếng cười phát ra những vầng mây rực rỡ khác màu, đó là Đức Phật báo ân Phật Mẫu và giáo hóa chúng sinh các cõi vô hình Trời Thần Qủy.

 

    Rồi trong vô số những vầng mây sáng rực rỡ ấy phát ra vô số các thứ tiếng vi diệu như là: “Tiếng bố-thí, tiếng nhẫn-nhục, tiếng tinh-tấn, tiếng thiền- định, tiếng bát-nhã, tiếng từ-bi, tiếng hỷ-xả, tiếng giải-thoát, tiếng vô-lậu (không nhiễm ô), tiếng trí-huệ, tiếng sư-tử-hống, tiếng mây-sấm ….” Đây là tất cả những biểu trưng thù thắng đăc biệt mà Đức Phật tạo ra bằng tiếng cười trong đó phát ra những vầng mây và âm vang tiếng nói, với mục đích nhắc nhở chúng sinh tu hành hầu được lợi ích thoát khỏi luân hồi sinh tử.

 

2). TRỜI RỒNG HỘI HỌP

 

     Khi Đức Phật phát ra bất khả thuyết tiếng vi diệu như thế xong, có vô lượng ức trời, rồng, qủy, thần (1) ở trong cõi Ta Bà và cõi nước phương khác cũng đến hội họp nơi cung Trời Đạo Lợi. Như Trời Tứ Thiên Vương, Trời Đạo Lợi, Trời Tu Dạ Ma, Trời Đâu Suất, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại (2). Trời Phạm Chúng, Trời Phạm Phụ, Trời Đại Phạm, Trời Thiểu Quang, Trời Vô Lượng Quang, Trời Quang Ân, Trời Thiểu Tịnh, Trời Vô Lượng Tịnh, Trời Biến Tịnh, Trời Vô vân, Trời Phúc sinh, Trời Quảng qủa, Trời Vô tưởng, Trời Vô phiền, Trời Vô nhiệt, Trời Thiện kiến, Trời Thiện hiện, Trời Sắc cứu cánh (3). Trời Không vô biên, Trời Vô .biên thức, Trời Vô sở hữu sứ, Trời Phi Phi Tưởng (4); tất cả Thiên chúng, long chúng, cùng các chúng Qủy, Thần đều đến hội họp.

     Lại có những vị Thần như: Thần biển, Thần sông, Thần núi, Thần cây, Thần đất (5)..., các vị Thần như thế đều đến hội họp. Cũng có những vị đại Qủy vương như Qủy vương Ác Mục, Qủy vương Đạm Huyết, Qủy vương Đạm Tinh Khí, Qủy vương Đạm Thai Noãn, Qủy vương Hành Bệnh, Qủy vương Nhiếp Độc, Qủy vương Từ Tâm, Qủy vương Phúc Lợi, Qủy vương Đại Ái Kính (6) …; các vị Qủy vương như thế đều đến hội họp.

 

 

GIẢI NGHĨA:

(1)Trời, Rồng, Qủy, Thần: Gọi là Thiên Long Bát Bộ gồm:

1- Đề-Bà (Deva: Thiện, hưởng phúc vi diệu).

2- Càn-Thát-Bà (Grandhava: Thần hầu Đế-Thích để ca và tấu nhạc).

3- Dạ-Xoa (Yaksa: Yểm-Quỷ giữ các cửa thành cõi Đạo-Lợi).

4- Na-Dà (Naga: Rồng giữ địa luân và các cung điện cõi Trời, làm mưa v.v…).

5- A-Tu-La (A Sura: Phi Thiên, Thần).

6- Ca-Lâu-La (Garuda: Chim Súy-Điểu, Chim Cánh-Vàng, hai cánh soè ra đến 360,000 dặm (theo quyển Nhị-Khóa Hiệp-Giải trang 278). Có 4 loại chim bằng noãn, thai, hóa, thấp sinh).

7- Khẩn Na-La (Kini Nara: Nghi Nhân, Nhân Phi Nhân, giống người mà có sừng, cũng là Thần đánh nhạc cho Đế-Thích).

8- Ma-Hầu La-Già (Mahoraga: Đại Phúc-Hành, đầu Rắn mình người, Thần Rắn, Địa Long Thần, Đại Mãng Thần) đến dự.

(Ghi chú: Bát bộ kể trên, nhục nhãn loài người không thể trông thấy được. Hai bộ Thiên và Long, thần nghiệm khá nhất, nên gọi là Thiên Long Bát Bộ. Thiên Long Bát Bộ thường hầu Phật mỗi khi Phật thuyết pháp).

 

(2) Sáu tầng này thuộc Dục giới: Là Chư Thiên có nhiều tham dục, vô hình đối với mắt loài người.

 

(3) Mười tám tầng này thuộc Sắc giới: Chư Thiên tương ưng với Tứ thiền, ba tầng một cấp, cấp thấp của Phạm Thiên thuộc Sơ thiền, lần lên tới Tứ thiền, họ không còn tham dục nhưng còn tham ái sắc đẹp, đều vô hình đối với mắt loài người.

 

(4) Bốn tầng Vô Sắc giới: Chư Thiên không còn tham dục và sắc, họ không có hình tướng đối với cả mắt Thánh.

 

(5) Thần: Ở đâu cũng có Thần cai quản cả.

 

(6) Qủy Vương: Khắp nơi đều có Qủy Ma, họ ở trên không, trên đất, trong biển; một số làm việc cho Chư Thiên như canh gác cổng Trời Đạo Lợi, đa số sống chung với loài người, họ có thần thông khi đi nhanh như biến và thấy nghe không chướng ngại rất xa.

 

     Đoạn 2 này nói về các thành phần Chư Thiên trong 28 tầng Trời gồn 6 tầng Dục giới, 18 tầng Sắc giới, 4 tầng Vô Sắc giới, cùng Long Thần Qủy khi thấy hào quang và nghe tiếng Phật truyền đến, họ đều đến nghe Pháp đông đủ. Giống như một người Cha kêu các con từ xa hoặc gần đều đến nghe lời dạy bảo qúy báu vậy. Thành phần đến nghe pháp không phải chỉ có Thiên Long Bát Bộ tại thế giới này, mà gồm cả những thế giới khác trong Tam Thiên Đại Thiên (cõi Phật), tức là trong giải Ngân Hà Milky Way.

 

(Còn tiếp)

 

Ý kiến bạn đọc
17/01/202004:08
Khách
Xin hoan hy , dang doc may bài Giang Giai , cái mang website nay keep moving , can't read , co cach nao de chinh sua khong a
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]