TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRƯỜNG BỘ KINH
(Dìgha Nikàya)
Tập III
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ: Giới Lạc MAI LẠC HỒNG
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG PL. 2555 - DL 2010
28. Kinh TỰ HOAN HỶ
( Sampasàdaniya-sutta )
Như vậy, tôi nghe :
1. Một thời nọ, Thế Tôn Giác Giả
Thường du hành hoằng hóa gần xa
Đang an trú Na-Lan-Đà (1)
Rừng Pa-Va-Rí-Kam-Pà-Va-Na (2)
Ngài Sa-Ri-Pút-Ta Tôn-giả (3)
(Xá-Lợi-Phất) bậc cả trí tài
Đến gặp Phật, đảnh lễ Ngài
Một bên ngồi xuống, trình bày ý riêng :
– “ Bạch Thế Tôn ! Mãn viên đạo quý
Theo con nghĩ, suốt cả khứ lai
Không thể có được một ai
Sa-môn, Phạm-chí (4), các loài chúng sinh
Có thể hơn, siêu minh trí tuệ
Vĩ đại hơn Thiện Thệ, Thế Tôn
Con luôn tin tưởng, kính tôn
Phương diện chánh giác, pháp môn tuyệt vời ”.
– “ Xá-Lợi-Phất ! Những lời ngươi nói
Thật đại ngôn, phải gọi cả gan
Rống tiếng sư tử rền vang
Ca tụng, tán thán vô vàn Như Lai
Xá-Lợi-Phất ! ngươi đây có biết
_______________________________
(1): Nalanda .(2):Rừng Pàvàrikambavana (Ba-ba-lợi-âm-bà lâm).
(3) : Tôn giả Sariputta ( Xá-Lợi-Phất hay Xá-Lợi-Tử ) là vị
Đại Đệ Tử của đức Phật , bậc Trí Tuệ đệ nhất .
(4) : Bàn-môn hay Phạm-Chí tức là Bà-La-Môn (Brahmana ) .
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 136
Tường tận về nhất thiết Thế Tôn
Ứng Cúng, Chánh Biến Tri không ?
Các ngài quá khứ, tâm đồng hiểu đây :
‘Các Thế Tôn như vầy giới tịnh
Có thiền định, trí tuệ như vầy
Hạnh trú, giải thoát như vầy’,
Ngươi có hiểu rõ các ngài hay không ? ”
– “ Bạch Thế Tôn ! Con không hiểu rõ ”.
– “ Xá-Lợi-Phất ! Ngươi có biệt tài
Biết các Thế Tôn tương lai
Tâm ngươi tương ứng các ngài, biết ngay :
‘Các Thế Tôn như vầy giới tịnh
Có thiền định, trí tuệ như vầy
Hạnh trú, giải thoát như vầy’,
Ngươi sẽ hiểu rõ các ngài hay không ? ”
– “ Bạch Thế Tôn ! Con không biết rõ ”.
– “ Xá-Lợi-Phất ! Ngươi có biết là
Hiện tại Thế Tôn là ta
Ứng Cúng, Chánh Biến Tri là Như Lai
Ngươi tương ứng biết ngay như thực
Hiện tại Phật giới đức như vầy
Thiền định, trí tuệ như vầy
Hạnh trú, giải thoát Như Lai như vầy
Như chư Phật tương lai, quá khứ
Hay hiện tại, tương tự hoằng khai
Ngươi có tương ưng trí tài
Biết rõ tâm của Như Lai không nào ? ”
– “ Bạch Thế Tôn ! Không sao hiểu thấy ”.
– “ Xá-Lợi-Phất ! Như vậy là ngươi
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 137
Không tha-tâm-thông tuyệt vời
Đối với chư vị ba đời Thế Tôn
Tại sao ngươi đại ngôn, gan dạ
Tiếng sư tử gióng giả rống dồn :
‘ Con rất tin tưởng Thế Tôn
Tương lai, quá khứ không còn thấy ai
Sáng suốt hơn, nghiêm oai, vĩ đại
Về chánh giác mà lại hơn ngài ’.
Lời ngươi nói về Như Lai
Nhưng ngươi có hiểu Như Lai tinh tường ? ”
2. – “ Bạch Thế Tôn ! Pháp Vương cõi thế
Con có thể thiếu tha-tâm-thông
Đối với chư vị Thế Tôn
Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đồng khứ lai
Nhưng con biết lâu dài truyền thống
Về chánh pháp, đời sống tinh thần
Bạch Thế Tôn ! Ví dụ gần :
Như vua một nước có thành biên cương
Thành kiên cường, có nhiều hào lũy
Có tháp canh, chỉ một cửa vào
Người gác kinh nghiệm dồi dào
Cấm người lạ mặt ra vào cửa đây.
Vốn thông minh, người này tuần tiểu
Trên con đường cao nghệu quanh thành
Có thể không thấy chung quanh
Những lỗ bị nứt tường thành mốc meo
Lỗ có thể con mèo chui lọt.
Nhưng chỉ cần biết một điều là
Sinh vật lớn và người ta
Tất cả đều phải đi qua cửa này.
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 138
Bạch Thế Tôn ! Điều đây thuận hạp
Biết truyền thống chánh pháp bảo tồn
Tất cả các vị Thế Tôn
Chánh Đẳng Chánh Giác, pháp môn hành trì
Từ quá khứ trải đi hiện tại
Và diễn tiến đến mãi tương lai
Các ngài trừ diệt chẳng sai
Diệt năm Triền Cái (1), diệt bài nhiễm tâm
( Làm trí tuệ mê lầm, suy đốn )
Tứ Niệm Xứ là bốn điều cần
An trú : Thọ, pháp, tâm, thân (2)
Nỗ lực tu tập chánh chân bảy điều
Thất Giác Chi (3) được nhiều an lạc
Chứng Vô thượng Chánh giác nghiêm hòa
Do những pháp thánh trải qua
Nên con tán thán Phật-Đà thiết tha.
Nhiều bài pháp Ngài đà thuyết giảng
Con được nghe viên mãn, chánh chơn
_______________________________
(1) : Năm Triền Cái ( Nìvarana ) : Tham dục ( kàmacchanda ),
Sân hay oán ghét ( vyàpàda ), Hôn trầm thụy miên hay dã dượi
( thìna-middha), Trạo hối (trạo cử hay phóng dật lo âu): uddhacca
kukkucca ), Hoài nghi ( vicikicchà ) .
(2) : Kinh NIỆM XỨ ( Satipatthàna-sutta ) có 4 đế mục quán niệm
( anupassanà ) :
- Quán Thân ( bất tịnh ) hay Niệm Thân ( Kàyànupassanà ) .
- Quán Thọ ( thị khổ ) hay Niệm Thọ ( Vedanànupassanà ) .
- Quán Tâm ( vô thường ) hay Niệm Tâm ( Cittànupasanà ) .
- Quán Pháp ( vô ngã ) hay Niệm Pháp ( Dhammànupassanà ) .
(3) : Thất Giác Chi ( Bojjhanga ) : 1) Niệm giác chi ( Sati ) ,
2)Trạch pháp giác chi ( dhammavicaya ), 3) Tinh tấn giác chi
(Viriya), 4) Phỉ giác chi (Pìti ), 5) Khinh an giác chi passadhi),
6) Định giác chi ( samàdhi ), 7) Xã giác chi ( upekkhà ) .
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 139
Pháp sau lại cao thượng hơn
Thâm thúy, siêu việt Pháp tôn quý này
Cả bạch pháp và ngay hắc pháp
Được đề cập, đối chiếu rõ ràng
Cho nên con được minh quang
Hiểu sâu Chánh Pháp, hoàn toàn tự tin
Và lòng tin của con sâu nặng
Đối với đấng Chánh Giác Bổn Sư.
Pháp được Thế Tôn Đại Từ
Khéo thuyết giảng bất khả tư khả nghì.
Chúng Tăng khéo hành trì Pháp ấy
Đạt lợi ích, được thấy Chân Như.
3. Bạch đức Thế Tôn Đại Từ !
Lại nữa, một điểm đặc thù vô ngôn
Thật vô thượng, Thế Tôn đã giảng
Ba mươi bảy Pháp Trợ Đạo Phần : (1)
_______________________________
(1) : Bodhipakkhiya – dhamma : 37 Pháp Trợ Bồ Đề , còn gọi là
37 Trợ Đạo Phẩm , ngoài Tứ Niệm Xứ và Thất Giác Chi đã
được chú thích phía trước , còn lại :
* Tứ Thần Túc ( Cattaro iddhipàdà ) còn gọi là Tứ Như Ý Túc
gồm : Dục thần túc (Chandiddhipàdo) ,Tinh Tấn thần túc
(Viriyiddhi pàdo ), Tâm (Tư Duy) thần túc ( Cittiddhipàdo) và
Trạch Pháp (trạch quán) thần túc ( Vimansiddhipàdo ) .
* Tứ Chánh Cần ( Sammappaddhàna ) : a) Điều lành chưa sinh,
hãy phát sinh. b) Điều lành đã sinh, hãy tăng trưởng. c) Điều
ác chưa sinh, đừng cho sinh. d) Điều ác đã sinh, hãy trừ diệt .
* Ngũ Căn :Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn, Tuệ căn .
* Ngũ Lực :Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực, Tuệ lực .
* Bát Chánh Đạo :1) Chánh tri kiến ( sammà ditthi ), 2) Chánh
tư duy ( sammà samkappa ), 3) Chánh ngữ ( sammà vàcà ),
4) Chánh nghiệp ( sammà kammanta ), 5) Chánh mạng
( sammà Àjìva ), 6) Chánh tinh tấn ( sammà vàyàma ),
7) Chánh niệm (sammà sati ), 8) Chánh định (sammà samàdhi).
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 140
Bốn Niệm Xứ, Bốn Chánh Cần
Bốn Như Ý Túc, năm phần Lực & Căn
Bảy Giác Chi, tám phần Thánh Đạo,
Thật hoàn hảo cho kẻ hành trì
Một vị Tỷ Kheo uy nghi
Tận diệt lậu hoặc, chứng tri tự mình
Rồi chứng ngộ, tự mình đạt tới
An trú với ngay hiện tại này
Với tâm giải thoát đủ đầy
Giải thoát vô lậu Tuệ này sáng trưng.
Bạch Thế Tôn ! Vui mừng vô lượng
Các thiện pháp cao thượng như vầy
Ngoài sự hiểu biết của Ngài
Không có gì nữa để mà hiểu hơn
Chẳng một ai : Sa-môn, Phạm-chí
Không người nào tuệ trí, biết hơn
Các thiện pháp như Thế Tôn.
4. Lại nữa, một điểm đáng tôn quý này :
Thật vô thượng, được Ngài thuyết pháp
Trình bày các Nhập Xứ phân minh
Bạch Thế Tôn ! Ngài giảng rành
Sáu Nội & Ngoại xứ ngọn ngành kể ra :
Mắt và sắc, tai và các tiếng
Mũi với hương, mũi luyến vị trần,
Ý và pháp, xúc với thân,
Thật là vô thượng bởi nhân trình bày
_______________________________
(1) : Sáu Nội và Ngoại Xứ ( Salàyatana ) :do sáu Căn và sáu
Trần duyên hợp : mắt với sắc , tai với tiếng , mũi với hương,
lưỡi với vị , thân với xúc chạm , (tâm) ý với các đối tượng
của tâm ( pháp ) .
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 141
Các Nhập xứ điểm này cả thảy
Đức Thế Tôn hiểu, thấy rõ ngay
Ngoài sự hiểu biết của Ngài
Không có gì nữa để mà hiểu hơn
Chẳng một ai, Sa-môn, Phạm-chí
Không người nào tuệ trí biết hơn
Chứng biết hơn đức Thế Tôn
Về các nhập xứ, nguồn cơn giảng bày.
5. Bạch Thế Tôn ! Điểm này vô thượng
Thế Tôn thuyết về hướng Nhập thai
Ngài giải bốn loại nhập thai :
* Có loại không biết nhập thai lúc nào
Không biết mình trú vào bụng mẹ
Không biết lúc từ mẹ sinh ra,
Nhập thai thứ nhất biết qua.
* Có loại tự biết mình là ra sao
Đang nhập vào trong người của mẹ
Nhưng không biết bụng mẹ trú an
Suốt trong thời gian có mang,
Cũng không hề biết lúc đang ra đời,
Loại thứ hai đồng thời được biết.
* Có loại biết mình nhập vào thai
Biết mình ở bụng mẹ này
Nhưng không biết lúc mình đây ra đời,
Loại thứ ba đồng thời được biết.
* Có loại biết mình nhập vào thai
Biết mình ở bụng mẹ này
Và biết cả lúc mình đây ra đời,
Loại thứ tư đồng thời được biết.
Là chi tiết bốn loại nhập thai.
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 142
6. Bạch Thế Tôn ! Lại điểm này
Thật là vô thượng, do Ngài thuyết ra
Vấn đề là Ký Tâm sai khác
Có bốn loại sai khác ký tâm :
* Có loại tự tỏ lộ ngầm
Bằng chính hình tướng âm thầm khởi ra :
“ Ý của ngươi chính là như vậy
Ý của ngươi được thấy thế này.
Tâm ngươi là như thế này
Nếu có tỏ lộ trình bày nhiều khi
Sự tỏ lộ không gì khác nữa ”.
Loại thứ nhất là của ký tâm.
* Có loại không tự mình làm
Không tự tỏ lộ bằng ngay tướng hình
Nhưng sau khi tự mình nghe tiếng
Là các tiếng của người, phi nhân
Hay tiếng chư Thiên, thiên thần
Rồi tự tỏ lộ, dần dần khởi ra :
“ Ý của ngươi chính là như vậy
Ý của ngươi, ý ấy thế này
Tâm ngươi là như thế này
Nếu có tỏ lộ trình bày nhiều khi
Sự tỏ lộ không gì hơn nữa ”.
Loại thứ hai là của ký tâm.
* Có loại không tự mình làm
Không tự tỏ lộ bằng ngay tướng hình
Sau khi đã tự mình nghe tiếng
Là các tiếng của người, phi nhân
Hay tiếng chư Thiên, thiên thần
Mà tự tỏ lộ sau phần nghe xong
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 143
Tiếng rõ ràng, thuận đồng hợp lý
Từ suy tầm cho chí nghĩ suy
Tức là có sự tư duy
Thì sự tỏ lộ tức thì khởi ra :
“ Ý của ngươi chính là như vậy
Ý của ngươi được thấy thế này.
Tâm ngươi là như thế này
Nếu có tỏ lộ trình bày nhiều khi
Sự tỏ lộ không gì khác nữa ”.
Loại thứ ba là của ký tâm.
* Có loại không tự mình làm
Không tự tỏ lộ bằng ngay tướng hình
Sau khi đã tự mình nghe tiếng
Là các tiếng của người, phi nhân
Hay tiếng chư Thiên, thiên thần
Không tự tỏ lộ sau phần nghe xong
Tiếng rõ ràng, thuận đồng hợp lý
Phát ra từ suy nghĩ, suy tầm
Nhưng khi chứng Định, không Tầm
Và cả không Tứ, biết tâm của người
Khác tâm mình mọi thời mọi chuyện :
‘Tùy ước nguyện thuận hợp ý hành
Của Tôn giả này khởi thành
Vị ấy hướng đến thật nhanh tâm này
Nếu tỏ lộ, trình bày đi nữa
Sự tỏ lộ cũng chửa khác gì’.
Ký tâm thứ tư tường tri
Thật là vô thượng chuyên vì Ký tâm.
7. Bạch Thế Tôn ! Uyên thâm cao cả
Đát-Sá-Ná-Sá-Ma-Pát-Ti
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 144
Vấn đề Kiến Định (1) hành trì
Bốn loại kiến định tường tri thế này :
* Bạch Thế Tôn ! Ở đây có vị
Sa-môn hay Phạm-chí nhiệt tâm
Nhờ chánh niệm, nhờ tinh cần
Nhờ không phóng dật nên tâm nhập thiền
Tâm nhập định tịnh yên như vậy
Quán sát thấy toàn thể thân này
Từ dưới bàn chân lên ngay
Cho đến đỉnh tóc, thật đầy uế dơ
Bao bọc bởi vô bờ bất tịnh
Rất sai biệt trong chính thân ta :
Nào tóc, lông, móng, răng, da
Thịt, gân, xương, tủy, ruột già, ruột non
Thận, tim, gan và còn lá lách
Hoành cách mô, phổi, mật, mủ, đàm
Mồ hôi, máu, mở và phân
Nước tiểu, nuớc miếng, mắt trần ghèn vương
Nước khớp xương, mở da, màng ruột…
Vị ấy thấy thông suốt thân này
Băm hai thể trược như vầy,
Ở đây, kiến định như vầy đầu tiên.
* Bạch Thế Tôn ! Nhân duyên có vị
Sa-môn hay Phạm-chí nhiệt tâm
Nhờ chánh niệm, nhờ tinh cần
Nhờ không phóng dật nên tâm nhập thiền
Tâm nhập định tịnh yên như vậy
Quán sát thấy bất tịnh dẫy đầy
_______________________________
(1) : Kiến Định : Dassanasamàpatti .
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 145
Ba mươi hai thể trược này.
Hơn nữa, vị ấy quán ngay tinh tường
Thấy bộ xương của người liên kết
Còn dính kết thịt, máu và da
Kiến định thứ hai nêu ra.
* Lại nữa, bạch Phật ! Thật là diệu vi
Vị nói trên thực thi triệt để
Quán sát kỹ nhơ uế thân này
Nhờ tâm nhập định ở đây
Hơn nữa, vị ấy quán ngay tinh tường
Thấy bộ xương của người liên kết
Còn dính kết thịt, máu và da,
Quán sát tâm thức người ta
Không bị gián đoạn, như là trú an
Cả đời này tiếp sang đời kế,
Đây được kể kiến định thứ ba.
* Bạch đức Thế Tôn Phật Đà !
Một vị Phạm-chí hay Sa-môn nào
Nhờ nhiệt tâm, nhờ vào tinh tấn
Chánh ức niệm cần mẫn, suy tầm
Nhờ không phóng dật, trú tâm
Nên tâm nhập định, âm thầm quán ra
Do tâm định an hòa như vậy
Quán sát thấy toàn thể thân này
Từ dưới bàn chân lên ngay
Cho đến đỉnh tóc, thật đầy uế dơ
Bao bọc bởi vô bờ bất tịnh
Rất sai biệt trong chính thân ta :
Nào tóc, lông, móng, răng, da
Thịt, gân, xương, tủy, ruột già, ruột non
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 146
Thận, tim, gan và còn lá lách
Hoành cách mô, phổi, mật, mủ, đàm
Mồ hôi, máu, mở và phân
Nước tiểu, nuớc miếng, mắt trần ghèn vương
Nước khớp xương, mở da, màng ruột…
Vị ấy thấy thông suốt thân này
Hơn nữa, vị ấy quán ngay
Thấy bộ xương của người này, trước sau
Còn liên kết với nhau hoàn hảo
Nên còn dính thịt, máu và da
Quán sát tâm thức người ta
Không gián đoạn ; không như là trú an
Cả đời này tiếp sang đời kế
Đây được kể kiến định thứ tư.
Thật là vô thượng bất hư
Vấn đề Kiến định thuyết từ Thế Tôn.
8. Bạch Thiện Thệ ! Vẫn còn điểm khác
Thật vô thượng, phổ quát mọi bề
Được đức Thế Tôn nói về
Người có bảy loại ; vấn đề là sao ?
‘Tuệ giải thoát’ và ‘Câu giải thoát’
‘Tùy tín hành’, ‘Tùy pháp hành’ đây
‘Thân chứng’, ‘Kiến chí’ người này
Và ‘Tín thắng giải’, như vầy kể ngay.
Bạch Phật Đà ! Điều này tối thượng
Về vấn đề phân lượng loài Người.
9. Bạch Phật ! Lại điểm khác, thời
Thật là vô thượng tuyệt vời chánh chân
Thế Tôn thuyết tinh cần các pháp
Bảy Giác Chi giải đáp phá nghi :
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 147
‘Niệm’ và ‘Trạch pháp giác chi’
‘Tinh tấn’ và ‘Hỷ giác chi’ hành trì
‘Định giác chi’, ‘Khinh an’ và ‘Xả’
Là tối thượng, tất cả tinh cần.
10. Thế Tôn lại thuyết ân cần
Về sự tiến bộ chánh chân tu hành
Có bốn loại đạo hành (1) biết rõ :
- Hành trì khổ, chứng ngộ chậm lâu.
- Hành trì khổ, chứng ngộ mau.
- Hành trì lạc, chứng ngộ mau đạt vào.
- Hành trì lạc, chậm lâu chứng ngộ.
Bạch Thế Tôn ! Ở chỗ hành trì
* Khổ hành, chứng ngộ chậm rì
Cả hai phương diện những gì trải qua
Đều hạ liệt, khổ và lâu chậm.
* Còn hành trì khổ lắm, chứng mau
Nhưng vì còn khổ dính vào
Cũng gọi hạ liệt, không sao tán đồng.
* Bạch Thế Tôn ! Hành trì an lạc
Chứng ngộ chậm. Xuất phát chậm này
Cũng gọi hạ liệt loại đây.
* Còn hành trì lạc, chứng ngay mau này
Sự hành trì cả hai mặt khác
Là cao thượng – vừa lạc, vừa nhanh.
Như vậy tối thượng đạo hành
(Tiến bộ trong sự tu hành) pháp đây.
11. Bạch Thế Tôn ! Điểm này vô thượng
_______________________________
(1) : Patipàda : đạo hành - tiến bộ trong sự tu hành .
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 148
Ngài thuyết pháp trực hướng vấn đề
Chánh hạnh ngôn ngữ thuộc về
Một ngưới chỉ nói vấn đề sáng trong
Khi muốn thắng trong vòng tranh luận
Không dùng lời mâu thuẩn vu oan
Không lời ác khẩu, dối gian
Không nói ly gián cốt mang hận thù.
Chỉ nói lời ôn nhu, sáng suốt
Lời từ hòa, đáng được giữ gìn
Và nói đúng thời, công bình
Tối thượng chánh hạnh, quang minh ngôn từ.
12. Bạch Thế Tôn ! Khộng trừ khía cạnh
Thật vô thượng : Giới hạnh con người.
Có người chân thật mọi nơi
Cũng không lừa gạt, không lời dối gian
Luôn thành tín, không màng gợi ý
Không chiêm tướng do vị lợi gì,
Lấy lợi cầu lợi không vì,
Ăn uống tiết độ, hộ trì các căn.
Luôn cảnh giác, nhẹ nhàng hành động
Không chán nản, luôn sống tinh cần
Trầm tư, chánh niệm, giữ tâm
Ngôn từ lanh lợi, âm thầm nhẫn kham
Tính gan dạ, không tham dục ác
Luôn cẩn trọng, tỉnh giác trải qua.
Bạch Thế Tôn ! Như vậy là
Tối thượng Giới hạnh, tinh hoa con người.
13. Lại điều khác cũng thời vô thượng :
Sự sai biệt trong hướng giảng vi
Bốn loại giảng dạy tường tri :
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 149
* Thế Tôn nhờ Chánh tư duy như vầy
Biết người khác : ‘Người này tuân thủ
Theo qui củ giảng dạy ở đây
Hành trì theo như thế này
Thì ba kiết sử cũng rày diệt xong
Chứng Dự Lưu (1), sẽ không đọa lạc
Chắc chắn đạt giác ngộ ’ liễu tri.
* Thế Tôn nhờ Chánh tư duy
Biết rõ người khác : ‘Chính vì người kia
Không xa lìa những điều giảng dạy
Và hành trì theo đấy chánh chân
Diệt trừ kiết sử ba phần
Làm cho muội lược tham, sân, si này
Sẽ chứng quả Nhất Lai (2) lành tốt
Sanh lại một lần nữa đời sau
Trước khi diệt tận khổ đau’.
( Đắc A-La-Hán, chứng vào vô sinh ).
* Chánh tư duy cao minh quán sát
Thế Tôn biết người khác như vầy :
‘Theo sự giảng dạy, chỉ bày
Hành trì như vậy, người này quyết tâm
Diệt trừ năm hạ phần kiết sử
Hóa sinh, dự vào Tịnh Cư Thiên (3)
Tại cảnh giới này tu chuyên
_______________________________
* Bốn thánh quả Thinh-Văn-Giác : (1) :Tu-Đà-Hoàn ( Sotàpatti ) hay Dự Lưu quả hoặc Thất Lai quả (chỉ còn sinh lại thế gian 7 lần) (2) : Tư-Đà-Hàm ( Sakadàgàmi ) hay Nhất Lai quả (sinh lại 1 lần)
(3) : A-Na-Hàm ( Anàgàmi ) hay Bất Lai quả ( sinh lên cung trời
Tịnh Cư (Suddhàvàsa) để tiếp tục tu và nhập Vô Dư Niết Bàn .
(4) : A-La-Hán ( Araham ) được dịch là Vô Sanh , Vô Học , Ứng
Cúng , sau khi mạng chung sẽ tấn nhập Vô Dư Niết Bàn .
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 150
Niết Bàn sẽ nhập, trần duyên dứt rồi.
* Chánh tư duy Phật thời quán sát
Nên Ngài biết người khác như vầy :
‘Theo sự giảng dạy, chỉ bày
Hành trì như vậy, người này suy tư
Các lậu hoặc đã trừ diệt đủ
Tự chứng đạt, an trú, giác tri
Ngay trong hiện tại chứng tri
Vô lậu giải thoát chẳng chi sai lầm
Tuệ giải thoát và Tâm giải thoát
Đắc Vô Sinh, an lạc Niết Bàn (4).
Như vậy tối thượng rõ ràng
Sai biệt giảng dạy về hàng Thinh Văn.
14. Bạch Thế Tôn ! Lại nhân điểm khác
Thật vô thượng, lợi lạc cho đời
Về Giải thoát trí của người
Thế Tôn thuyết giảng những lời diệu vi
– Chánh tư duy, Phật Đà biết rõ :
Là người nọ kiết sử có ba
Đã diệt trừ, sẽ chứng qua
Dự Lưu đạo quả, chẳng sa đọa trầm
Sinh trở lại bảy lần cõi thế
Nhất định sẽ giác ngộ về sau.
– Phật chánh tư duy, biết sâu :
‘Người này sẽ tận diệt mau ba phần
Ba kiết sử ; tham, sân, si giảm
Sẽ bảo đảm chứng quả Nhất Lai
Một lần sinh lại đời này
Khổ đau tận diệt, sau này Vô Sinh’.
– Chánh tư duy, tự mình quán sát
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 151
Với người khác, Thiện Thệ biết rằng :
‘Người này hoàn tất điều cần
Là năm kiết sử hạ phần diệt đi
( Rồi chứng tri Bất Lai đạo quả
Tịnh Cư Thiên sẽ hóa sinh lên )
Rồi từ cõi ấy tu thêm
Chứng A-La-Hán, đoạn phiền vô sinh’.
– Chánh tư duy, tự mình quán sát
Biết người khác, oai lực Đại Từ :
‘Người này lậu-hoặc đều trừ
Tự tri, tự chứng Chân Như đạo vàng
Và trú an ngay trong hiện tại
Vô lậu Tâm giải thoát an nhiên
Vô lậu Tuệ giải thoát liền’.
Như vậy, tối thượng thắng duyên vấn đề
Giải thoát trí thuộc về người khác
Được Thế Tôn quán sát, thuyết ra.
15. Lại nữa, bạch đức Phật Đà !
Điểm này vô thượng đáng mà tán dương
Thế Tôn thuyết về Thường Trú Luận
Ba loại Thường-trú-luận như vầy :
* Có vị Sa-môn ở đây
Hoặc Bà-la-môn nọ lòng đầy nhiệt tâm
Nhờ chánh niệm chuyên cần, tinh tấn
Không phóng dật, cần mẫn hành thâm
Vị ấy nhập định thiền tâm
Nhớ được tiền kiếp, bao lần tử sinh
Trăm ngàn đời nhục, vinh, quý, tiện
Hay hơn nữa, lũy tiến số đời
Nhớ lại rằng : Sinh những nơi
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 152
Giòng họ như thế, nhớ thời tuổi tên
Thuộc giai cấp dưới trên, vô số
Cách ăn uống, lạc & khổ thọ cùng
Đến khi thân hoại mạng chung
Sinh đến chỗ khác, cát hung còn tùy
Vòng luân hồi lập đi lập lại
Hết kiếp này rồi tái kiếp sau
Vị ấy nói : ‘Quá khứ lâu
Tôi biết thế giới từ đầu trải qua
Trong hoại kiếp hay là thành kiếp
Nhưng tương lai không biết ra sao
Bản ngã, thế giới thế nào ?
Vững như trụ đá, núi cao ngất trời
Hữu tình kia luân hồi lưu chuyển
Tuy tử sinh, vĩnh viễn còn hoài.
- Thứ nhất, Thường trú luận này.
* Lại nữa, bạch Phật ! Điều này xảy ra :
Một Sa-môn hay là Phạm-chí
Nhờ tinh tấn, an chỉ nhất tâm
Nhờ không phóng dật, tinh cần
Nhờ chánh ức niệm nên tâm định thiền
Khi nhập định, họ liền nhớ lại
Đời quá khứ từng trải bao nhiêu
Thành kiếp, hoại kiếp số nhiều
Nhớ hết tên họ, những điều cảm quan
Lạc & khổ thọ thế gian – ăn uống
Nhớ đến nhiều trạng huống kiếp đây
Nhục, vinh, quý, tiện dẫy đầy
Mạng chung thân hoại, như vầy tái sinh.
Nhớ quá khứ đời mình cá biệt
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 153
Những đặc điểm, chi tiết mọi thì
Nói rằng : ‘Quá khứ thời kỳ
Tôi biết thế giới chuyển di, chính là
Trong thành kiếp hay là hoại kiếp
Trong tương lai cũng tiếp như vầy
Bản ngã và thế giới này
Bất sanh, thường trú, vững dày thiên thu
Như đỉnh núi hay như trụ đá
Hữu tình kia vốn đã luân hồi
Chết đi sinh lại bao đời
Tuy vậy, chúng vẫn khơi khơi còn hoài.
- Thường trú luận thứ hai đích thị.
* Bạch Thế Tôn ! Có vị Sa-môn
Hay một vị Bà-la-môn
Nhờ sự tinh tấn, tâm hồn thanh cao
Không phóng dật, nhờ vào chánh niệm
Tâm nhập định, vô nhiễm tịnh yên
Nhớ được vô số vô biên
Thành kiếp, hoại kiếp : họ tên, giai tầng
Lạc & khổ thọ ; về phần ăn uống
Khi chết đi, sớm muộn tái sinh
Nhớ quá khứ của đời mình
Tiếp diễn liên tục tử sinh bao lần
Kiếp lại kiếp, xoay vần cá biệt
Những đặc điểm, chi tiết mọi thì
Nói rằng : ‘Quá khứ thời kỳ
Tôi biết thế giới chuyển di, chính là
Trong thành kiếp hay là hoại kiếp
Trong tương lai cũng tiếp như vầy
Bản ngã và thế giới này
Bất sanh, thường trú, vững dày thiên thu
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 154
Như đỉnh núi hay như trụ đá
Hữu tình kia vốn đã luân hồi
Chết đi sinh lại bao đời
Tuy vậy, chúng vẫn khơi khơi còn hoài.
- Thường trú luận thứ ba hiểu tận,
Là tối thượng về vấn đề này.
16. Bạch Thế Tôn ! Lại điểm này
Thật là vô thượng khi Ngài giảng ra :
Túc Mạng Trí sâu xa hoàn mỹ
Vị Sa-môn, Phạm-chí nhiệt tâm
Nhờ chánh ức niệm, tinh cần
Nhờ không phóng dật nên tâm định thiền
Nhờ nhập định nên liền nhớ lại
Đời quá khứ từng trải nhiều đời
Một đời, năm đời, mười đời
Hơn nữa, lũy tiến số đời trải qua
Trăm ngàn đời hay là liên tiếp
Nhiều thành kiếp, hoại kiếp vô lường.
Nghĩ rằng : ‘Quá khứ nhớ tường
Sanh tại chỗ ấy, nhớ thường tuổi tên
Giai cấp nào, các bên giòng họ
Lạc & khổ thọ ; ăn uống thế này
Tuổi thọ mỗi kiếp như vầy
Từ chỗ đó chết, sinh rày chỗ kia
Tại chỗ kia, lại thường nhớ cả
Mọi vấn đề như đã kể trên
Như vậy vị ấy nhớ liền
Nhiều đời quá khứ, mối giềng ra sao,
Những đặc điểm, nhớ vào chi tiết.
Bạch Thế Tôn ! Được biết căn nguyên
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 155
Đã có những hạng chư Thiên
Tuổi thọ vô lượng vô biên nhiệm mầu
Tuổi thì không thể nào tính đếm,
Nhưng bất cứ nói đến ngã nào
Có trong quá khứ trước sau
Có sắc, không sắc mặc dầu trải qua
Hoặc có tưởng hay là không tưởng
Hoặc phi tưởng phi phi tưởng này
Chúng nhớ quá khứ như vầy
Đặc điểm, chi tiết đủ đầy có ra.
Bạch Thế Tôn ! Vậy là tối thượng
Túc mạng Trí vô lượng cao dày.
17. Bạch Thế Tôn ! Lại điều này
Thật là vô thượng được Ngài thuyết minh :
‘Sinh tử Trí’, hữu tình các loại
Như là nói : Phạm-chí, Sa-môn
Có vị tâm nguyện đáng tôn
Tinh tấn, cần mẫn lại còn nhiệt tâm
Không phóng dật, âm thầm chánh niệm
Tâm nhập định, vô nhiễm tịnh thân
Thấy sự sinh tử cõi trần
Thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy liền
Vị ấy biết mối giềng Nghiệp quả
Người hạ liệt, kẻ cả giàu sang,
Người đẹp đẽ, kẻ thô hèn,
Đều do hạnh nghiệp trắng đen họ làm.
Gieo ác hạnh về thân, khẩu, ý
Hoặc phỉ báng các vị Thánh Hiền
Người này thân hoại, tận duyên
Do nghiệp tà kiến, đọa liền súc sinh
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 156
Các cõi dữ, như sinh địa ngục
Hoặc đọa xứ, thằng thúc nạn tai.
Còn bậc hiền giả, những ai
Làm những thiện hạnh ý và lời, thân
Không phỉ báng Hiền nhân, Thánh hiển
Tạo nghiệp lành, chánh kiến vô cùng
Sau khi thân hoại mạng chung
Được sinh thiện thú, nhân trung, cõi trời
Do thiên nhãn, biết đời sống chết
Người hạ liệt hay kẻ giàu sang,
Người đẹp đẽ, kẻ thô hèn,
Người này bất hạnh, kẻ bèn gặp may
Do hạnh nghiệp kẻ này hành động
Có kết quả chẳng giống nhau này.
Bạch Phật ! Tối thượng điều này
Là ‘Sinh tử trí ’ của rày chúng sanh.
18. Bạch Thế Tôn ! Lại quanh một điểm
Thật vô thượng quý hiếm vô cùng
Ngài thuyết về Thần Túc Thông
Đã có hai loại thần thông như vầy :
* Có thần thông loại này Hữu Lậu
Hữu dư y cho dẫu đạt ngay
Gọi là ‘Không phải Thánh’ này.
* Thần thông Vô Lậu, loại đây chính là
Vô dư y, gọi là ‘Bậc Thánh’.
Sao là cánh Hữu lậu thần thông ?
Có Sa-môn, Bà-la-môn
Tinh tấn, cần mẫn, lại còn nhiệt tâm
Không phóng dật nên tâm nhập định
Chứng thần thông, hiển chính oai thần
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 157
Một thân hiện ra nhiều thân
Nhiều thân thu lại một thân dễ dàng
Hiện, biến hình, đi ngang qua vách
Xuyên qua núi như cách hư không
Độn thổ, trồi lên đất giồng
Đi được trên nước cũng không chìm nào
Ngồi kiết già trên cao vòi vọi
Bay trên không như loại chim bằng
Với tay, chạm mặt trời, trăng
Có đại oai lực, oai thần uy linh
Hoặc có thể tự mình bay tới
Cõi Phạm Thiên, vời vợi cao xa
Thần thông hữu lậu vừa qua
Gọi ‘Không phải Thánh’, cũng là hữu dư.
Thế nào Vô dư y ‘Bậc Thánh’ ?
Là vô lậu chân chánh thần thông ?
Ở đây , bạch đức Thế Tôn !
Tỷ Kheo một vị đáng tôn, hành trì
Khởi ý muốn trong khi quán sát :
– “ Với sự vật ‘đối nghịch’ xảy ra
Ta sẽ an trú hài hòa
‘Tưởng không đối nghịch’ trải qua như vầy ”.
Và vị này trú an tùy thích
Với ‘tưởng không đối nghịch’ trải qua.
– “ Đối với sự vật kể ra
Vốn ‘không đối nghịch’ thì ta sẽ là
An trú với ‘tưởng’ là ‘đối nghịch ”.
Vị ấy ‘tưởng đối nghịch’ trú an.
Nếu vị ấy muốn rõ ràng :
– “ Đối với sự vật tiềm tàng cả hai
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 158
‘Không đối nghịch’ và hay ‘đối nghịch’
An trú ‘không đối nghịch tưởng’ này ”.
Sau đó vị hành giả này
‘Tưởng không đối nghịch’ nơi này trú an.
– Nếu vị ấy muốn an trú thật
“ Với sự vật tiềm ẩn cả hai
‘Đối nghịch’, ‘không đối nghịch’ đây
Với ‘tưởng đối nghịch’ nơi này trú an ”.
Và vị ấy đã an trú với
‘Tưởng đối nghịch’ do bởi ý mình.
– Nếu vị ấy liền phát sinh
Ý muốn : “ Loại bỏ thật tình cả hai
‘Không đối nghịch’ và ‘hay đối nghịch”
Ta nhất định trú xả ở đây
Chánh niệm, tỉnh giác đủ đầy
Sau đó đã thực hiện ngay điều này.
Bạch Thế Tôn ! Như vầy vô lậu
Vô dư y toàn hảo thần thông
Gọi là ‘bậc thánh’ đáng tôn
Vô thượng về Thần-túc-thông đủ đầy.
Mọi điểm này Thế Tôn đã biết
Không gì hơn hiểu biết của Ngài
Sa-môn, Bàn-môn một ai
Cũng không chứng biết hơn Ngài điều đây.
19. Bạch Thế Tôn ! Lành thay ! Lợi lạc
Có thể đạt những thứ phát sinh
Bởi Thiện-nam-tử vững tin
Tinh tấn, kiên nhẫn tự mình có ra
Sự kiên trì hay là tinh tấn
Sự tiến bộ, sự nhẫn con người
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 159
Đều được Thế Tôn ở đời
Chứng đạt tất cả, giác thời viên thông.
Thế Tôn không đam mê dục lạc
Bởi dục lạc đê tiện, thấp hèn
Thuộc loại phàm phu đua chen
Không xứng bậc Thánh - trắng đen rõ ràng.
Thế Tôn cũng không màng khổ hạnh
Chẳng lợi ích với hạnh khổ tu
Vẫn là thuộc loại phàm phu
Không xứng bậc thánh, phạm trù cao minh.
Nếu Ngài muốn, tự mình chứng đạt
Những Thánh pháp một cách dễ dàng
Một cách đầy đủ vẹn toàn
Hạnh phúc có được ngay đang hiện thời,
Bốn Thiền định đồng thời đem lại
Liền tự tại, thanh thái thân tâm.
Bạch Ngài ! Nếu ai hỏi thăm :
- “ Tôn Giả ! Quá khứ thăng trầm trải qua
Có Sa-môn hay là Phạm-chí
Sáng suốt hơn, tài trí lớn hơn
Về giác ngộ hơn Thế Tôn ? ”
Con sẽ đáp trả là : “Không” - một lời.
Hoặc có ai mở lời hỏi kỹ :
- “ Về tương lai có vị Sa-môn
Hay là một Bà-la-môn
Sáng suốt, giác ngộ lớn hơn Phật Đà ? ”
Con trả lời họ là : “Không có” .
Một người nọ lại hỏi con là :
- “ Hiền giả Sa-Ri-Pút-Ta !
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 160
Trong thời quá khứ trải qua lâu dài
Đã có ai : Sa-môn, Phạm-chí
Là một vị bằng với Thế Tôn
Về sự giác ngộ viên thông ? ”
Con đáp là : “Có” trong vòng Giác tông.
Một số đông đã từng hỏi kỹ :
- “ Thời vị lai có vị Sa-môn
Hay một vị Bà-la-môn
Vấn đề giác ngộ cũng đồng Thế Tôn ? ”
Con đáp : “Có” Thế Tôn các vị
Thời vị lai Bi, Trí cũng bằng ”.
Có người thắc mắc hỏi rằng :
- “ Trong thời hiện tại, ai bằng Thế Tôn
Về giác ngộ viên thông đồng đẳng ? ”
Con trả lời là : “Chẳng có ai ”.
Nếu có người hỏi điều này :
- “ Tại sao Tôn Giả tỏ bày bất phân
Khi thì ‘Có’ ở phần xác nhận,
Còn phủ nhận thì đáp là ‘Không’ ? ”
Được hỏi vậy, bạch Thế Tôn !
Con đáp : “ Trước mặt Thế Tôn Phật Đà
Tôi nghe qua từ Ngài nói rõ :
‘Thời quá khư đã có các vì
A-La-Hán, Chánh Biến Tri
Phương diện giác ngộ đều thì bằng Ta.
Thời vị lai, các A-La-Hán
Chánh Đẳng Giác, viên mãn Phật Đà
Phương diện giác ngộ bằng Ta ”.
Nhưng cũng từ đức Thích Ca Phật Đà
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 161
Có nói là : “ Trừ ra sự kiện
Một thế giới xuất hiện đồng thời
Hai vị Chánh Giác ở đời
Không sau, không trước, thuyết lời độ sinh.
Không xảy ra sự tình như vậy ”.
Bạch Thế Tôn ! Điều ấy phải là
Nếu câu hỏi ấy đặt ra
Con trả lời vậy, đúng qua ý Ngài ?
Không nói sai, hiểu lầm Phật ý ?
Và con chỉ thuận pháp trả lời ?
Không một đối phương nào thời
Có cớ chỉ trích, có nơi phê bình ? ”
– “ Xá-Lợi-Phất ! Phân minh đáp lại
Những câu hỏi như vậy đặt ra
Ngươi đã nói đúng ý Ta
Không có sai lạc, không qua hiểu lầm
Ngươi chú tâm trả lời thuận pháp
Và đúng pháp vô thượng thanh cao
Không đối phương hợp pháp nào
Có cớ chỉ trích, làm sao phê bình ? ”
20. Nghe những lời cao minh chí lý
Tôn-giả U-Đa-Dí (1) bạch ngay :
– “ Bạch đức Thế Tôn ! Lành thay !
Thật là kỳ diệu, sâu dày nghiêm oai
Đức Như Lai như vầy thiểu dục
Hạnh tri túc nghiêm túc như vầy
Trong khi chính đức Như Lai
Đại uy thần lực, đủ đầy trí minh
Mà Ngài không tự mình tỏ lộ.
_______________________________
(1) : Tôn-giả Udàyi - Ưu-Đà-Di .
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 162
Trong khi đó, bất cứ kẻ nào
Du sĩ ngoại đạo tự cao
Dù chỉ chứng được pháp nào xíu xiu
Cũng làm điều vô cùng tự đắc
Họ lên mặt, gióng trống dương cờ
Khoe khoang mình đạt huyền cơ
(Trong khi Phật lại hửng hờ như không !)
Sự thiểu dục, viên thông, tri túc
Sự nghiêm túc, thu thúc uy nghi
Trí tuệ đấng Chánh Biến Tri
Đại uy thần lực của vì Thế Tôn
Mà tự mình đã không tỏ lộ
Dù là bậc Giác ngộ siêu minh ”.
– “ U-Đa-Dí ! Trong hành trình
Giác ngộ, hóa độ hữu tình khắp nơi
Đúng như lời ngươi vừa nói đó
Như Lai có những đức tánh này :
‘Thiểu dục’, ‘tri túc’ như vầy
‘Nghiêm túc’ như vậy, đủ đầy thần uy
Nhưng không khi nào Ta tỏ lộ,
Trong khi đó, ngoại đạo du gia
Dầu chỉ đạt một pháp xa
Dương cờ gióng trống, tự ca tụng mình.
( Pháp siêu việt cao minh chân đế
Không tầm thường, sao dễ khoe khoang ! )”
21. Rồi đức Thế Tôn quay sang
Bảo Xá-Lợi-Phất hiện đang ngồi gần :
– “ Hãy ân cần, Sa-Ri-Pút-Tá !
Ngươi phải luôn diễn tả, cáo tri
Pháp phân biệt này mọi thì
Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ * MLH – 163
Cho Tỳ Kheo chúng và Tỳ Kheo Ni
Các Thiện nam, các vì Tín nữ
Để Tứ Chúng phải tự nghĩ suy.
Sa-Ri-Pút-Tá ! Hãy vì
Những kẻ ngu, chẳng biết gì, còn nghi
Hay ngần ngại hành trì chánh pháp…
Được nghe pháp phân biệt, hiểu ra
Nghi ngờ, ngần ngại với Ta
Sẽ được trừ diệt, an hòa gắng tu ”.
* * *
Và như vậy, do từ Tôn-giả
Xá-Lợi-Phất ngài đã nói lên
Lòng hoan hỷ, đức tin bền
Đối với Đức Phật, không quên Ân Thầy
Do nội dung trình bày hành tướng
Bậc Thế Tôn vô lượng thâm ân
“ Sam-Pá-Sa-Đá-Ni-Dâng ”
Hay “Tự Hoan Hỷ ” là chân kinh này ./-
*
* *
( Chấm dứt Kinh 28 : TỰ HOAN HỶ
– Sampasàdaniya-sutta )