Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 35

14/06/201204:55(Xem: 3710)
Quyển 35
KINH TẠP A-HÀM
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La
Việt dịch: Thích Ðức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ

TẠP A-HÀM QUYỂN 35

KINH 970. XÁ-LA-BỘ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ có xuất gia ngoại đạo tên là Xá-la-bộ[2] ở bên bờ ao Tu-ma-kiệt-đà[3]; giữa đồ chúng của mình, tự tuyên bố như vầy: “Pháp của Sa-môn họ Thích, ta biết hết. Trước đây ta đã biết Pháp luật kia nhưng buông bỏ hết.”

Bấy giờ có nhiều Tỳ-kheo sáng sớm đắp y ôm bát vào thành Vương xá khất thực, nghe ngoại đạo tên Xá-la-bộ ở bên bờ ao Tu-ma-kiệt-đà, giữa đồ chúng mình tuyên bố như vầy: “Pháp của Sa-môn họ Thích, ta biết hết. Trước đây ta đã biết Pháp luật kia nhưng buông bỏ hết.” Sau khi nghe những lời này, khất thực rồi họ trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sáng nay chúng con đắp y, mang bát vào thành Vương xá khất thực, nghe xuất gia ngoại đạo tên là Xá-la-bộ ở bên bờ ao Tu-ma-kiệt-đà, giữa đồ chúng của mình tuyên bố như vầy: ‘Pháp của Sa-môn họ Thích, ta biết hết. Trước đây ta đã biết Pháp luật kia nhưng buông bỏ hết’. Lành thay! Xin Thế Tôn vì thương xót Xá-la-bộ, mà đích thân đến bên bờ ao Tu-ma-kiệt-đà.”

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Vào buổi chiều sau khi từ thiền tịnh dậy, Ngài đến chỗ Xá-la-bộ bên bờ ao Tu-ma-kiệt-đà. Xuất gia ngoại đạo Xá-la-bộ từ xa trông thấy Thế Tôn đến, lo sửa soạn chỗ ngồi, thỉnh Phật ngồi. Sau khi Thế Tôn an tọa, Ngài nói với Xá-la-bộ:

“Ông có thật nói như vầy: ‘Pháp của Sa-môn họ Thích, ta biết hết. Sau khi đã biết hết rồi, ta buông bỏ hết không’?”

Lúc ấy, Xá-la-bộ im lặng không đáp.

Phật bảo Xá-la-bộ:

“Ông nay nên nói. Vì sao im lặng? Nếu sự hiểu biết của ông đầy đủ thì Ta sẽ tùy hỷ. Nếu sự hiểu biết của ông chưa đầy đủ, thì Ta sẽ giúp cho ông đầy đủ.”

Xá-la-bộ vẫn im lặng. Nói như vậy hai, ba lần, nhưng cả ba lần cũng vẫn giữ im lặng. Lúc ấy, Xá-la-bộ có một đệ tử phạm hạnh bạch Xá-la-bộ rằng:

“Thưa thầy, lý ra thầy nên đi đến Sa-môn Cù-đàm trình bày tri kiến của mình. Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đã tự đến đây, vì sao thầy không nói? Sa-môn Cù-đàm lại nói với thầy: ‘Nếu đầy đủ thì Ngài sẽ tùy hỷ. Nếu không đầy đủ Ngài sẽ giúp cho đầy đủ’. Vì sao thầy im lặng mà không nói?”

Khi người đệ tử phạm hạnh khuyên, ông vẫn làm thinh. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Xá-la-bộ:

“Nếu có người nói: ‘Sa-môn Cù-đàm không phải là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác’. Ta sẽ khéo can gián, khéo cật vấn. Khi được khéo can gián, khéo cật vấn, người kia sẽ nói lảng qua những việc khác; hoặc phẫn nộ, kiêu mạn, ôm hận, phẫn hận, chống đối, không chấp nhận, không có cách gì tỏ bày; hoặc im lặng xấu hổ cúi đầu, âm thầm tự nghĩ, tự xét; như Xá-la-bộ hôm nay.

Hoặc lại có người nói như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm không có[4] Chánh pháp luật’. Ta sẽ khéo can gián, khéo cật vấn. Người kia cũng ngồi im như ông hôm nay.

“Hay lại có người nói: ‘Đệ tử[5] nào của Sa-môn Cù-đàm không phải là bậc thiện hướng[6].’ Ta sẽ khéo can gián, khéo cật vấn. Người kia cũng ngồi im như ông hôm nay.”

Bấy giờ, Thế Tôn ở bên bờ ao Tu-ma-kiệt-đà rống lên tiếng rống sư tử, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Lúc ấy, đệ tử phạm hạnh của Xá-la-bộ nói với Xá-la-bộ:

“Giống như trâu bị cắt đi hai cái sừng, nhốt vào trong chuồng trâu trống, nó quỳ xuống đất rống to. Thầy cũng như vậy, ở trong chúng không có đệ tử của Sa-môn Cù-đàm thì làm sư tử rống.

“Giống như người con gái muốn nói giọng đàn ông, nhưng khi phát ra tiếng, thì liền là tiếng đàn bà. Thầy cũng như vậy, ở trong chúng không có đệ tử của Sa-môn Cù-đàm thì làm sư tử rống.

“Giống như con dã can muốn kêu tiếng chồn, như khi phát ra tiếng thì vẫn là tiếng dã can. Thầy cũng như vậy, lúc không có Sa-môn Cù-đàm thì thầy ở giữa chúng đệ tử của mình muốn làm sư tử rống.”

Sau khi đệ tử phạm hạnh của Xá-la-bộ ở trước Xá-la-bộ nói ra những lời trách cứ, hủy báng rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi.

*

KINH 971. THƯỢNG TỌA[7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ, bên bờ ao Tu-ma-kiệt-đà trong thành Vương xá, có xuất gia ngoại đạo tên là Thượng Tọa[8] đang ở cạnh hồ này, ông ở trong chúng của mình tự nói như vầy: “Tôi nói một bài kệ, nếu ai có thể đáp được, tôi sẽ theo vị ấy tu hành phạm hạnh.”

Sáng sớm hôm ấy, có nhiều Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thành Vương xá khất thực, nghe có xuất gia ngoại đạo tên là Thượng Tọa ở cạnh bờ ao Tu-ma-kiệt-đà, vị này ở trong chúng của mình tự nói như vầy: “Tôi nói một bài kệ, nếu ai có thể đáp được, tôi sẽ theo vị ấy tu hành phạm hạnh.” Các Tỳ-kheo khất thực xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sáng sớm các Tỳ-kheo chúng con vào thành khất thực, nghe xuất gia ngoại đạo tên là Thượng Tọa ở cạnh bờ ao Tu-ma-kiệt-đà, giữa đồ chúng của mình tự nói như vầy: ‘Tôi nói một bài kệ, nếu ai đáp được, tôi sẽ theo vị ấy tu hành phạm hạnh.’ Xin Thế Tôn vì thương xót nên đích thân đến ông ấy.”

Thế Tôn im lặng nhận lời. Buổi chiều hôm đó sau khi từ thiền tịnh dậy, Ngài đến cạnh bờ ao Tu-ma-kiệt-đà. Khi xuất gia ngoại đạo Thượng Tọa từ xa trông thấy Thế Tôn, liền trải chỗ ngồi, thỉnh Phật an tọa, Thế Tôn ngồi xong, bảo xuất gia ngoại đạo Thượng Tọa rằng:

“Có thật ông đã nói những lời như vầy: ‘Tôi nói một bài kệ, nếu ai đáp được, thì tôi sẽ theo vị ấy tu hành phạm hạnh’ chăng? Bây giờ ông hãy nói kệ, Ta có thể đáp lại.”

Lúc ấy, ngoại đạo kia chất giường dây[9] lên thành chỗ ngồi cao, tự mình lên đó ngồi và nói kệ:

Tỳ-kheo sống đúng pháp,

Không khủng bố chúng sanh,

Ý lặng, hành xả ly,

Trì giới thuận đình chỉ.

Bấy giờ, Thế Tôn biết rõ tâm ngoại đạo Thượng Tọa này, Ngài liền nói kệ:

Nếu ông tự hành theo

Những gì kệ ông nói;

Đối với ông, Ta sẽ

Xem như người Hiền thiện.

Xét những gì ông nói,

Nói, làm không tương ưng.

Người giữ gìn tịnh giới:

Tĩnh lặng, tự điều phục;

Chớ khủng bố chúng sanh;

Ý tĩnh lặng, xa lìa.

Thuận điều phục, tĩnh lặng;

Tâm, miệng, thân lìa ác.

Khéo nhiếp nơi trụ xứ,

Không để cho phóng dật:

Đây gọi là tùy thuận,

Điều phục và tĩnh lặng.

Khi ấy, xuất gia ngoại đạo Thượng Tọa tự nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.” Liền từ trên chỗ ngồi bước xuống, chắp tay bạch Phật:

“Nay con có thể xuất gia thọ cụ túc, trở thành pháp Tỳ-kheo, ở nơi Chánh pháp luật không?”

Phật bảo xuất gia ngoại đạo Thượng Tọa:

“Nay ông có thể xuất gia thọ cụ túc, trở thành Tỳ-kheo, ở nơi Chánh pháp luật.”

Sau khi xuất gia ngoại đạo Thượng Tọa đã xuất gia và trở thành Tỳ-kheo rồi, tự suy nghĩ về lý do khiến cho người thiện nam cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà,... cho đếntâm thiện giải thoát, đắc A-la-hán.

*

KINH 972. TAM ĐẾ[10]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ có nhiều tu sĩ Ba-la-môn ở cạnh ao Tu-ma-kiệt-đà, tập hợp lại một chỗ bàn luận như vầy: “Chân đế của Bà-la-môn như vậy[11]. Chân đế của Ba-la-môn như vậy.”

Bấy giờ Thế Tôn biết tâm niệm của các xuất gia Bà-la-môn kia, Ngài đi đến bờ ao Tu-ma-kiệt-đà. Lúc ấy, các xuất gia Bà-la-môn từ xa trông thấy Đức Phật đang đến, liền vì Phật sửa soạn chỗ ngồi, thỉnh Phật an tọa. Phật ngồi vào chỗ ngồi xong, bảo các xuất gia Bà-la-môn:

“Các ông tụ tập ở bờ ao Tu-ma-kiệt-đà này, để bàn luận những gì?”

Xuất gia Bà-la-môn bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, các tu sĩ Bà-la-môn chúng tôi tập hợp nơi đây bàn luận như vầy: ‘Chân đế của Bà-la-môn như vậy. Chân đế của Bà-la-môn như vậy’.”

Phật bảo các xuất gia Bà-la-môn:

“Có ba chân đế của Bà-la-môn[12] mà Ta đã tự mình giác ngộ, thành Đẳng Chánh Giác, lại vì người diễn nói. Xuất gia Bà-la-môn các ông nói như vầy: ‘Không hại tất cả chúng sanh.’ Đó là chân đế của Bà-la-môn, chẳng phải hư dối. Họ nói với nhau rằng: ‘Ta hơn, rằng ta bằng, rằng ta kém[13].’ Nếu đối với chân đế kia không bị trói buộc, đắm trước và đối với tất cả thế gian biểu hiện lòng từ, đó gọi là chân đế thứ nhất của Bà-la-môn, mà Ta đã tự giác ngộ, thành Đẳng Chánh Giác và vì người diễn nói.

“Lại nữa, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Những gì là pháp tập khởi[14] đều là diệt pháp.’ Đó là chân đế, chẳng phải là hư vọng... cho đếnđối với chân đế này chẳng chấp trước và đối với tất cả thế gian quán sát sanh diệt. Đó gọi là chân đế thứ hai của Bà-la-môn.

“Lại nữa, Bà-la-môn nói vầy: ‘Không có ta bất cứ ở đâu, bất cứ sự gì, hoàn toàn không có gì. Không có ta bất cứ ở đâu, bất cứ sự gì, hoàn toàn không có gì[15].’ Đó là chân đế, chẳng phải hư vọng, như trước đã nói,... cho đếnđối với chân đế kia không bị trói đắm và đối với tất cả thế gian vô ngã như nhau. Đó gọi là chân đế thứ ba của Bà-la-môn, Ta đã tự giác ngộ, thành Đẳng Chánh Giác và vì người diễn nói.”

Bấy giờ các xuất gia Bà-la-môn đều ngồi yên im lặng. Thế Tôn nghĩ rằng: “Hôm nay Ta soi sáng sự ngu si của họ, tiêu diệt điều ác của họ, nhưng hiện tại trong chúng này không có một người có khả năng tự suy xét, muốn tạo nhân duyên để ở trong pháp của Sa-môn Cù-đàm tu hành phạm hạnh!”

Ngài đã biết như vậy rồi, nên từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

*

KINH 973. CHIÊN-ĐÀ[16]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở đó.

Lúc ấy có xuất gia ngoại đạo tên là Chiên-đà[17] đến chỗ Tôn giả A-nan, cùng thăm hỏi khích lệ nhau xong, ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả A-nan:

“Vì lý do gì Tôn giả xuất gia tu phạm hạnh ở nơi Sa-môn Cù-đàm?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Vì muốn đoạn tham dục, sân nhuế, ngu si, nên tôi xuất gia tu phạm hạnh ở nơi Sa-môn Cù-đàm.”

Chiên-đà lại hỏi:

“Vị ấy có thể nói về sự đoạn tham dục, sân nhuế, ngu si chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Tôi cũng có thể nói về sự đoạn tham dục, sân nhuế, ngu si.”

Chiên-đà lại hỏi:

“Ngài thấy tham dục, sân nhuế, ngu si có những sai lầm, tai hại gì mà nói đoạn tham dục, sân nhuế, ngu si?”

A-nan đáp:

“Vì nhiễm trước tham dục, làm che mờ tâm nên hoặc tự hại mình, hoặc hại người, hoặc hại cả hai, hiện tại mắc tội, đời sau mắc tội, hiện tại, đời sau cả hai đều mắc tội; tâm lúc nào cũng cảm thấy buồn khổ. Nếu bị sân nhuế che mờ, ngu si che mờ thì tự hại mình, hại người, mình người đều hại... cho đếnlúc nào cũng có cảm giác buồn khổ.

“Lại nữa tham dục là sự mù quáng, là không có mắt, là không có trí, làm tuệ lực sút kém, làm chướng ngại, không phải là minh, chẳng phải Đẳng giác, chẳng chuyển đến Niết-bàn. Đối với sân nhuế, ngu si cũng lại như vậy. Tôi thấy tham dục, sân nhuế, ngu si có những sai lầm tai hại như vậy nên nói phải đoạn tham dục, sân nhuế, ngu si.”

Chiên-đà lại hỏi:

“Ngài thấy đoạn tham dục, sân nhuế, ngu si có phước lợi gì mà nói đoạn tham dục, sân nhuế, ngu si?”

A-nan đáp:

“Đoạn tham dục rồi thì không tự hại, cũng không hại người, cũng không hại cả hai. Và lại hiện tại không mắc tội, đời sau không mắc tội; hiện tại, đời sau đều không mắc tội; tâm pháp lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ, sung sướng. Đối với sân nhuế, ngu si cũng như vậy. Trong hiện tại thường xa lìa nhiệt não, không chờ thời tiết mà chứng đắc các hiện pháp khác, duyên tự thân mà giác tri[18]. Và vì những công đức lợi ích như vậy, nên nói cần đoạn tham dục, sân nhuế, ngu si.”

Chiên-đà lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Có đạo, có đạo tích nào, mà tu tập, tu tập nhiều thì có thể đoạn được tham dục, sân nhuế, ngu si không?”

A-nan đáp:

“Có, đó là tám Thánh đạo: Chánh kiến... cho đếnchánh định.”

Ngoại đạo Chiên-đà thưa Tôn giả A-nan:

“Đây là đạo hiền thiện vậy thay! Là tích hiền thiện vậy thay! Nếu tu tập, tu tập nhiều thì sẽ có khả năng đoạn tham dục, sân nhuế, ngu si.”

Ngoại đạo Chiên-đà nghe Tôn giả A-nan nói xong, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

*

KINH 974. BỔ-LŨ-ĐÊ-CA (1)[19]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Khi ấy, Thế Tôn vì Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết nhiều pháp, chỉ dạy, soi sáng, làm cho an vui xong, Đức Phật im lặng. Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi đi.

Lúc ấy, có xuất gia ngoại đạo tên Bổ-lũ-đê-ca[20] trên đường đi lại, hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Ngài từ đâu lại?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Này Hỏa chủng, tôi từ chỗ Thế Tôn, nghe Đại Sư nói pháp, dạy dỗ, rồi tới đây.”

Bổ-lũ-để-ca hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Đến nay vẫn còn chưa dứt sữa[21], vẫn theo Đại Sư nghe thuyết pháp, thọ lãnh pháp chăng?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Này Hỏa chủng, tôi không dứt sữa, vẫn ở nơi Đại Sư nghe thuyết pháp, thọ lãnh pháp.”

Bổ-lũ-đề-ca nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi đã dứt sữa từ lâu, xả bỏ những gì Thầy đã truyền dạy.”

Xá-lợi-phất nói:

“Pháp của ông là pháp luật được diễn thuyết một cách tệ hại, được giác ngộ một cách tệ hại; chẳng phải là pháp xuất ly, chẳng phải là đạo chánh giác, là pháp hư hoại, chẳng phải pháp đáng để khen ngợi, chẳng phải pháp đáng để y chỉ.

“Lại nữa, vị Thầy kia không phải là bậc Đẳng chánh giác, cho nên ông nhanh chóng dứt bỏ sữa, lìa bỏ giáo pháp của Thầy. Ví như con bò sữa, cộc cằn hung dữ, dịch sữa lại ít. Nghé con bú sữa xong vội vã bỏ đi. Cũng vậy, pháp luật như vậy được diễn thuyết một cách tệ hại, được giác ngộ môït cách tệ hại; chẳng phải là pháp xuất ly, chẳng phải là đạo Chánh giác, là pháp hư hoại, chẳng phải pháp đáng để khen ngợi, chẳng phải pháp đáng để y chỉ.

“Lại nữa, vị Thầy ấy không phải là bậc Đẳng chánh giác, cho nên ông nhanh chóng lìa bỏ giáo pháp mà Thầy ông đã dạy. Pháp mà tôi có là Chánh pháp luật, là thiện giác, là xuất ly, là đạo chánh giác, chẳng hoại, đáng để khen ngợi, đáng để y chỉ.

“Lại nữa, Đại Sư của tôi là Bậc Đẳng Chánh Giác, cho nên từ lâu được uống dòng sữa của Ngài, được nghe Đại Sư dạy dỗ chánh pháp, ví như con bò sữa không cộc cằn hung dữ, lại có nhiều dịch sữa. Nghé con của nó uống sữa lâu mà không chán. Pháp của tôi cũng vậy, là Chánh pháp luật... cho đếntừ lâu đã được nghe và lãnh thọ giáo pháp.”

Khi ấy, Bổ-lũ-đê-ca nói với Xá-lợi-phất:

“Tôn giả chóng được thiện lợi nơi Chánh pháp luật... cho đếntừ lâu đã được nghe và lãnh thọ giáo pháp.”

Xuất gia ngoại đạo Bổ-lũ-để-ca nghe những gì Xá-lợi-phất nói xong, hoan hỷ, tùy hỷ, lên đường mà đi.

*

KINH 975. BỔ-LŨ-ĐÊ-CA (2)[22]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ xuất gia ngoại đạo Bổ-lũ-đê-ca đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Thế Tôn chào hỏi an úy xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, hôm trước có nhiều xuất gia ngoại đạo Sa-môn, Bà-la-môn tập hợp ở giảng đường Vị tằng hữu[23] bàn luận như vầy: ‘Trí tuệ của Sa-môn Cù-đàm như cái nhà trống, không thể ở giữa chỗ đông người kiến lập luận nghị: Điều này nên, điều này không nên; điều này hợp, điều này không hợp. Như con trâu mù đi cạnh bờ ruộng không vào trong ruộng. Sa-môn Cù-đàm cũng lại như vậy, không có điều gì nên, không nên; không có điều gì hợp, không hợp.’”

Phậy bảo Bổ-lũ-đê-ca:

“Sự bàn luận của các ngoại đạo này nói ‘nên hay không nên, hợp hay không hợp’, đối với Chánh pháp luật như trò đùa của trẻ con. Ví như người tám, chín mươi tuổi; tóc bạc, răng rụng, làm trò đùa như trẻ con, dùng đất bùn nặn ra các thứ hình voi, ngựa. Mọi người đều nói: ‘Đây là bé con già tuổi’. Cũng vậy, này Hỏa chủng, các thứ luận thuyết cho rằng: ‘Nên không nên, hợp không hợp’ đối với Chánh pháp luật như trò đùa của trẻ con. Nhưng ở trong đó không có gì cho Tỳ-kheo cần nỗ lực cả.”

Bổ-lũ-để-ca bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, ở nơi nào có điều mà Tỳ-kheo cần nỗ lực?”

Phật bảo ngoại đạo:

“Cái gì không thanh tịnh khiến cho thanh tịnh; đó là chỗ Tỳ-kheo cần nỗ lực. Không điều phục khiến họ điều phục; đó là chỗ Tỳ-kheo cần nỗ lực. Không định khiến cho họ được chánh định; đó là chỗ Tỳ-kheo cần nỗ lực. Không giải thoát khiến họ được giải thoát; đó là chỗ Tỳ-kheo cần nỗ lực. Không đoạn khiến cho đoạn, không biến tri khiến cho biến tri, không tu khiến cho tu, không đắc khiến cho đắc; đó là chỗ Tỳ-kheo cần nỗ lực.

“Thế nào là không thanh tịnh khiến thanh tịnh? Giới không thanh tịnh khiến cho giới thanh tịnh. Thế nào là không điều phục khiến họ điều phục? Các căn mắt, các căn tai, mũi, lưỡi, thân, ý không điều phục khiến điều phục đầy đủ; đó gọi là không điều phục khiến họ điều phục. Thế nào là không định khiến họ được chánh định? Tâm không chánh định khiến cho được chánh định. Thế nào là không giải thoát khiến được giải thoát? Tâm không giải thoát tham dục, sân nhuế, ngu si khiến được giải thoát. Thế nào là không đoạn khiến đoạn? Vô minh, hữu ái không đoạn khiến đoạn. Thế nào là không biến tri khiến biến tri? Đối với danh sắc không biến tri khiến biến tri. Thế nào là không tu khiến cho tu? Đối với chỉ quán không tu khiến tu. Thế nào là không đắc khiến đắc? Đối Niết-bàn không đắc khiến đắc. Đây gọi là chỗ Tỳ-kheo cần nỗ lực.”

Bổ-lũ-để-ca bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, ý nghĩa ấy là chỗ Tỳ-kheo cần nỗ lực. Sự kiên cố này là chỗ Tỳ-kheo cần nỗ lực. Đó chính là tận trừ các hữu lậu.”

Sau khi nghe những gì Phật dạy, xuất gia ngoại đạo Bổ-lũ-đê-ca hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

*

KINH 976. THI-BÀ (1)[24]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ có xuất gia ngoại đạo tên là Thi-bà[25] đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn chào đón thăm hỏi an úy, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, thế nào là học? Gọi là học, vậy thế nào là học?”

Phật bảo Thi-bà:

“Học những gì nên học, nên gọi là học.”

Thi-bà bạch Phật:

“Học những gì?”

Phật bảo Thi-bà:

“Tùy thời học tăng thượng giới, học tăng thượng ý, học tăng thượng tuệ.”

Thi-bà bạch Phật:

“Nếu Tỳ-kheo A-la-hán nào các lậu đã tạân, những việc làm đã xong, đã trút bỏ các gánh nặng, chóng được tự lợi, tận trừ những kết sử của hữu, bằng chánh trí mà khéo giải thoát, bấy giờ lại còn phải học những gì nữa?”

Phật bảo Thi-bà:

“Nếu Tỳ-kheo A-la-hán nào các lậu đã tận... cho đếnchánh trí khéo giải thoát, chính lúc này giác tri tham dục vĩnh viễn sạch hết không còn và giác tri sân nhuế, ngu si vĩnh viễn sạch hết không còn, nên không còn tạo lại các điều ác, lúc nào cũng thực hành các điều lành. Thi-bà, đó gọi là học những gì nên học.”

Sau khi xuất gia ngoại đạo Thi-bà nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

*

KINH 977. THI-BÀ (2)[26]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ xuất gia ngoại đạo Thi-bà[27] đi đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn thăm hỏi an úy xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, có một số xuất gia Bà-la-môn thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả những gì được giác tri bởi con người, tất cả những thứ ấy đều là nhân đã được tạo tác từ trước[28]. Tu các khổ hạnh khiến cho các nghiệp quá khứ sạch hết, không còn tạo ra nghiệp mới, đoạn các nhân duyên, không còn các lậu trong đời vị lai. Vì các lậu đã hết nên nghiệp hết. Vì nghiệp hết nên hết khổ. Khổ hết nên rốt ráo biên tế của khổ.’ Nay chủ trương của Cù-đàm là như thế nào?”

Phật bảo Thi-bà:

“Sa-môn, Bà-la-môn kia thật sự nói một cách mơ hồ, không suy xét, không cân nhắc, ngu si, không khéo léo, không biện biệt. Vì sao? Hoặc khổ khởi lên do gió mà chúng sanh giác tri, hoặc khởi do đờm, hoặc khởi từ nước dãi, hoặc khởi từ đẳng phần[29], hoặc do tự hại, hoặc do kẻ khác hại, hoặc do thời tiết khí hậu. Người tự hại kia, hoặc nhổ tóc, hoặc nhổ râu, hoặc thường đứng giơ tay, hoặc ngồi xổm trên đất, hoặc nằm giữa tro đất, hoặc nằm trên chông gai, hoặc nằm trên cái chày, hoặc nằm trên ván, hoặc nằm trên đất trét phân trâu, hoặc nằm trong nước, hoặc một ngày tắm rửa ba lần, hoặc đứng một chân, thân xoay chuyển theo mặt trời. Họ siêng năng thực hành mọi thứ khổ như vậy. Này Thi-bà, đó gọi là tự hại. Còn khổ do hay kẻ khác hại là, hoặc bị người khác dùng tay, đá, dao, gậy, các thứ hại thân. Đó gọi là kẻ khác làm hại.

“Này Thi-bà, hoặc bị thời tiết làm hại, như mùa Đông thì thật lạnh, mùa Xuân thì thật nóng, mùa Hạ vừa nóng vừa lạnh. Đó là bị thời tiết hại. Những điều này thật có ở thế gian, chẳng phải hư vọng. Này Thi-bà, thế gian có những thực tế này như bị gió làm hại... cho đếnbị thời tiết, khí hậu làm hại. Chúng sanh kia giác tri như thật. Ông cũng tự có những tai họa này: gió, đờm, nước dãi, thời tiết làm hại,... cho đếnbiết thời tiết làm hại như vậy, được giác tri như thật như vậy.

“Này Thi-bà, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào nói rằng: tất cả những gì người ta tri giác được đều là nhân đã được tạo từ trước, thì đó là bỏ việc thực tế ở thế gian mà nói theo sự nhận thấy hư vọng của chính mình.

“Này Thi-bà, có năm nhân năm duyên sanh tâm ưu khổ. Những gì là năm? Nhân bởi tham dục triền phược, duyên bởi tham dục triền phược mà sanh tâm pháp ưu khổ. Nhân bởi sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi triền phược; duyên bởi sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi triền phược sanh tâm pháp ưu khổ. Này Thi-bà, đó là là năm nhân, năm duyên sanh tâm ưu khổ?

“Này Thi-bà, có năm nhân, năm duyên không sanh tâm ưu khổ. Những gì là năm? Nhân tham dục trói buộc, duyên tham dục trói buộc sanh tâm ưu khổ, lìa tham dục trói buộc, thì không khởi tâm ưu khổ. Đây gọi là năm nhân, năm duyên không khởi tâm ưu khổ, ngay hiện tại không bị thiêu đốt, không đợi thời tiết, thông suốt những gì được thấy, duyên nơi chính mình mà giác tri.

“Này Thi-bà, lại có pháp hiện tại không bị thiêu đốt, không đợi thời tiết, đó là tám Thánh đạo, chánh kiến... cho đếnchánh định.”

Lúc nói pháp này, xuất gia ngoại đạo Thi-bà xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Thi-bà thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, lìa hồ nghi, không do người khác, vào trong Chánh pháp luật, đắc vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con có thể xuất gia, thọ cụ túc, trở thành Tỳ-kheo ở trong Chánh pháp luật chăng?”

Phật bảo Thi-bà:

“Nay người được xuất gia…” Nói như trên,... cho đếntâm thiện giải thoát, đắc A-la-hán.

*

KINH 978. THƯƠNG CHỦ[30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Hảo y Yêm-la[31] tại thôn Na-la. Bấy giờ tại thôn Na-la có Thương chủ [32] xuất gia ngoại đạo, đã một trăm hai mươi tuổi, các căn suy yếu, được các Trưởng giả, Bà-la-môn, Cư sĩ thôn Na-la tôn trọng, cúng dường như bậc A-la-hán.

Thương chủ xuất gia ngoại đạo kia trước đây có một người thân, mệnh chung sanh về cõi trời. Ông ở cõi trời kia nhìn thấy Thương chủ xuất gia ngoại đạo, nghĩ rằng: “Ta muốn đến bảo Thương chủ xuất gia ngoại đạo đến chỗ Thế Tôn, tu hành phạm hạnh. Sợ ông ta không nghe theo lời ta. Nay ta nên đến đó, bằng ý luận [33] khiến cho hỏi.” Sau đó liền hiện thân xuống thôn Na-la, đến chỗ Thương chủ xuất gia ngoại đạo kia và nói kệ rằng:

Sao là ác tri thức,

Hiện tướng thiện tri thức?

Sao là thiện tri thức,

Đồng một thể như mình?

Vì sao cầu đoạn dứt?

Làm sao lìa thiêu đốt?

“Này Tiên nhân, nếu ông đem ý luận này hỏi những người kia, ai có thể giải rõ, nói nghĩa kia và đáp được cho ông thì có thể theo người ấy xuất gia tu phạm hạnh.”

Thương chủ xuất gia ngoại đạo nhận những lời mách bảo của vị Thiên nọ, đến chỗ Phú-la-na Ca-diếp đem ý của bài kệ này hỏi Phú-lan-na Ca-diếp. Phú-lan-na Ca-diếp còn không thể hiểu được huống chi là có thể đáp lại.

Sau đó Thương chủ xuất gia ngoại đạo đến chỗ Mạt-ca-lê-cù-xá-lợi Tử, San-xà-gia-tỳ-la-chi Tử, A-kỳ-đa-chỉ-xá-khâm-ba-la, Ca-la-câu-đà Ca-chiên-diên, Ni-càn-đà Nhã-đề Tử, đều đem ý của bài kệ này để hỏi, tất cả đều không thể đáp.

Khi đó Thương chủ xuất gia ngoại đạo nghĩ rằng: “Ta đem ý luận bài kệ này hỏi các bậc Thầy xuất gia, tất cả đều không đáp được. Nay ta lại muốn cầu xuất gia, hiện tại ta tự có tiền của, chẳng bằng trở về nhà hưởng thụ ngũ dục.” Lại suy nghĩ: “Nay ta hãy đến Sa-môn Cù-đàm. Nhưng các vị Thầy Sa-môn, Bà-la-môn kỳ cựu như Phú-la-na Ca-diếp v.v... đều không thể đáp, mà Sa-môn Cù-đàm xuất gia tuổi trẻ, sao có thể thấu tỏ được. Nhưng ta nghe bậc tiên túc nói: ‘Chớ khinh người xuất gia tuổi trẻ mới học. Hoặc có Sa-môn xuất gia tuổi trẻ oai đức lớn.’ Hôm nay ta sẽ đến Sa-môn Cù-đàm, đem ý luận tâm niệm này để hỏi.”

Bấy giờ, Thế Tôn biết được tâm niệm của Thương chủ kia, liền nói kệ:

Sao là ác tri thức,

Hiện tướng là thiện hữu?

Trong tâm thật xấu, tởm,

Miệng nói tôi đồng tâm,

Việc làm không vui chung,

Biết không phải thiện hữu.

Miệng nói lời yêu mến,

Tâm chẳng thật tương ưng,

Việc làm cũng không đồng,

Bậc tuệ nên giác tri,

Đây là ác tri thức.

Cùng ta đồng một thể,

Sao là thiện tri thức?

Cùng ta đồng một thể,

Chẳng phải thiện hữu kia:

Buông lung không chế ngự,

Bại hoại, ôm nghi hoặc.

Suy xét tìm manh mối,

An nơi thiện tri thức,

Như con trong lòng cha,

Không phải kẻ bên ngoài:

Đó là thiện tri thức.

Vì sao cầu đoạn tận?

Sanh vào nơi hoan hỷ,

Trong mát, đáng khen ngợi,

Tu tập quả phước lợi,

Trọn tĩnh lặng, mát mẻ,

Cho nên cầu đoạn tận.

Thế nào là thiêu đốt?

Vị tịch tĩnh vắng lặng,

Biết vị viễn ly kia,

Viễn ly ác thiêu đốt,

Nếm được vị pháp hỷ,

Tịch diệt lìa lửa dục,

Đó gọi lìa thiêu đốt.

Bấy giờ, Thương chủ xuất gia ngoại đạo tự nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm niệm của ta.” Liền bạch Phật:

“Nay con có được xuất gia tu phạm hạnh, thọ giới cụ túc, trở thành Tỳ-kheo ở trong Chánh pháp luật của Sa-môn Cù-đàm chăng?”

Phật bảo Thương chủ xuất gia ngoại đạo:

“Nay ông có thể được xuất gia tu phạm hạnh, thọ giới cụ túc, trở thành Tỳ-kheo ở trong Chánh pháp luật.”

Sau khi được xuất gia như vậy rồi ông tư duy... cho đếntâm thiện giải thoát, đắc quả A-la-hán.

*

KINH 979. TU-BẠT-ĐÀ-LA[34]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong rừng Sa-la song thọ, sanh địa của dòng họ Lực sĩ, nước Câu-di-na-kiệt[35]. Bấy giờ Thế Tôn sắp Niết-bàn, Ngài bảo Tôn giả A-nan:

“Hãy treo giường dây giữa hai cây Sa-la, đầu hướng về Bắc. Trong đêm nay Như Lai sẽ ở nơi Vô dư Niết-bàn, mà nhập Bát-niết-bàn.”

Khi ấy Tôn giả A-nan vâng lời dạy, treo giường dây giữa hai cây Sa-la, đầu hướng về Bắc, rồi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con đã treo giường dây giữa hai cây song thọ, đầu hướng về Bắc.”

Bấy giờ, Thế Tôn đến nằm trên giường dây giữa hai cây, đầu quay về hướng Bắc, nghiêng bên hông phải, hai chân chồng lên nhau, cột niệm vào ánh sáng, chánh niệm, chánh trí.

Lúc ấy, trong nước Câu-di-na-kiệt có xuất gia ngoại đạo tên là Tu-bạt-đà-la[36], tuổi thọ một trăm hai mươi, tuổi già, căn yếu, được người nước Câu-di-na-kiệt cung kính cúng dường như A-la-hán. Xuất gia Tu-bạt-đà-la kia nghe Thế Tôn đêm nay sẽ ở nơi Vô dư Niết-bàn mà Bát-niết-bàn, nhưng ông nghĩ: ‘Ta có điều hoài nghi, hy vọng mà an trụ[37]. Sa-môn Cù-đàm còn đủ sức có thể khai ngộ cho ta. Hôm nay ta nên đến chỗ Sa-môn Cù-đàm thưa hỏi điều hoài nghi của mình’. Ông liền ra khỏi Câu-di-na-kiệt, đi đến chỗ Thế Tôn. Trong lúc đó Tôn giả A-nan đang đi kinh hành ngoài cổng vườn. Tu-bạt-đà-la nói với Tôn giả A-nan:

“Tôi nghe nói đêm nay Sa-môn Cù-đàm sẽ nhập Vô dư Niết-bàn mà Bát-niết-bàn, tôi có điều hoài nghi, hy vọng mà an trụ. Sa-môn Cù-đàm còn đủ sức có thể khiến cho tôi giác ngộ. Nếu như A-nan không ngại khó nhọc, vì tôi đến thưa lại với Cù-đàm, xin dành chút ít thì giờ rảnh để giải đáp cho những thắc mắc của tôi.”

A-nan đáp:

“Thế Tôn đang rất mệt mỏi như vậy, chớ nên làm nhọc Thế Tôn!”

Qua ba lần Tu-bạt-đà-la nài nỉ Tôn giả A-nan, Tôn giả A-nan cũng ba lần từ chối. Tu-bạt-đà-la nói:

“Tôi nghe các bậc xuất gia lão túc Đại sư thuở xưa nói rằng, lâu lắm mới có Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian này như hoa Ưu-đàm-bát, nhưng hiện tại trong đêm nay Như Lai sẽ vào cõi Vô dư Niết-bàn mà Bát-niết-bàn. Đối với pháp, hôm nay tôi có chút nghi, an trụ với tín tâm, vì Sa-môn Cù-đàm còn đủ sức có thể làm cho tôi giác ngộ. Nếu A-nan không ngại khó nhọc, vì tôi mà thưa với Sa-môn Cù-đàm.”

A-nan lại đáp:

“Này Tu-bạt-đà-la, hôm nay Thế Tôn quá mệt mỏi, chớ nên làm nhọc Thế Tôn.”

Bấy giờ, Thế Tôn nhờ thiên nhĩ nghe những lời qua lại giữa A-nan và Tu-bạt-đà-la, liền bảo Tôn giả A-nan:

“Đừng ngăn xuất gia ngoại đạo Tu-bạt-đà-la. Hãy để cho vào hỏi những điều nghi của ông ấy. Vì sao? Vì đây là lần cuối cùng luận nghị với xuất gia ngoại đạo và đây là vị thiện lai Tỳ-kheo Thanh văn chứng đắc sau cùng. Đó là Tu-bạt-đà-la.”

Bấy giờ Tu-bạt-đà-la nghe Thế Tôn vì ông khai mở căn lành, thì vui mừng vô hạn, đến chỗ Thế Tôn cùng Thế Tôn chào đón, thăm hỏi an úy, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, phàm nhập xứ của thế gian, tức là sáu vị Tông sư như Phú-lan-na Ca-diếp, v.v..., mỗi người tự lập tông như vầy: ‘Đây là Sa-môn! Đây là Sa-môn!’ Thế nào, thưa Cù-đàm, có đúng là mỗi một phái đều có tông này chăng[38]?”

Bấy giờ Thế Tôn liền vì Tu-bạt-đa-la nói kệ:

Từ hai mươi chín tuổi,

Xuất gia tu thiện đạo;

Thành đạo tới ngày nay,

Trải qua năm mươi năm.

Tam-muội, minh, hạnh đủ,

Thường tu tập tịnh giới:

Lìa chút đạo phần này,

Ngoài đây không Sa-môn.

Phật bảo Tu-bạt-đà-la:

“Ở trong Chánh pháp luật, ai không được tám Chánh đạo, thì cũng không được sơ quả Sa-môn, cũng không được đệ nhị, đệ tam, đệ tứ quả Sa-môn. Này Tu-bạt-đà-la, ở trong Chánh pháp luật này, ai được tám Chánh đạo thì được Sơ quả Sa-môn, được đệ Nhị, đệ Tam, đệ Tứ quả Sa-môn. Ngoài đây ra, ngoại đạo không có Sa-môn. Ở đây các ông ngoại đạo kia, chỉ Sa-môn, Bà-la-môn suông mà thôi. Cho nên nay Ta ở trong chúng, rống lên tiếng rống sư tử.”

Khi Phật nói pháp này, xuất gia ngoại đạo Tu-bạt-đà-la lìa xa trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Khi ấy Tu-bạt-đà-la thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, nhập pháp, vượt qua các hồ nghi, được tín tâm không do người khác, không nhờ người độ, trong Chánh pháp luật đắc vô sở úy. Từ chỗ ngồi đứng lên, ông sửa lại y phục, gối phải sát đất, bạch Tôn giả A-nan:

“Tôn giả được thiện lợi, Tôn giả có được Đại Sư, được làm đệ tử Đại Sư, được mưa pháp của Đại Sư rưới lên đỉnh đầu. Ngày nay nếu tôi được xuất gia thọ giới cụ túc làm Tỳ-kheo ở trong Chánh pháp luật, thì cũng sẽ được lợi ích như vậy.”

Lúc ấy, Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, xuất gia ngoại đạo Tu-bạt-đà-la nay cầu xin xuất gia thọ giới cụ túc, làm Tỳ-kheo ở trong Chánh pháp luật.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tu-bạt-đà-la:

“Tỳ-kheo này, hãy đến đây tu hành phạm hạnh.”

Ngay lúc ấy Tôn giả Tu-bạt-đà-la liền được xuất gia thọ giới cụ túc, trở thành Tỳ-kheo. Từ đó tư duy như vậy... cho đếntâm thiện giải thoát, đắc A-la-hán. Khi Tôn giả Tu-bạt-đà-la đắc A-la-hán, được an lạc giải thoát, đã giác tri, tự nghĩ: “Ta không nỡ nhìn Phật Bát-niết-bàn, ta sẽ Bát-niết-bàn trước.” Lúc này, Tôn giả Tu-bạt-đà-la Bát-niết-bàn trước, sau đó Thế Tôn mới Bát-niết-bàn.

*

KINH 980. NIỆM TAM BẢO[39]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hành trong nhân gian từ nước Bạt-kỳ đến nước Tỳ-xá-ly, trú tại giảng đường Trùng các, bên ao Di hầu.

Bấy giờ nước Tỳ-xá-ly có nhiều khách buôn đến nước Đát-sát-thi-la[40], phương tiện trang nghiêm[41]. Các khách buôn nghe Thế Tôn đang du hành trong nhân gian từ nước Bạt-kỳ đến nước Tỳ-xá-ly, đang trú ở giảng đường Trùng các, bên ao Di hầu. Nghe xong, họ đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Phật vì những khách buôn nói pháp, chỉ dạy, soi sáng, làm cho an vui, rồi Ngài ngồi im lặng. Các khách buôn từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chúng con là những khách buôn, phương tiện trang nghiêm, muốn đi đến nước Đát-sát-thi-la. Kính xin Thế Tôn cùng đại chúng sáng mai nhận sự cúng dường của chúng con.”

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Các khách buôn biết Thế Tôn đã nhận lời cầu thỉnh, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật. Mỗi người trở về nhà mình sửa soạn các thứ đồ ăn thức uống thơm ngon tinh khiết, xếp đặt giường ghế, an trí nước sạch. Sáng sớm cho người đến bạch Phật đã đến giờ. Bấy giờ, Thế Tôn cùng với đại chúng đắp y, ôm bát đến chỗ các khách buôn, ngồi trên chỗ ngồi đã dọn. Các khách buôn đem đồ ăn thức uống thơm ngon, thanh khiết tự tay cúng dường. Ăn xong, rửa bát rồi, các khách buôn đặt những cái ghế nhỏ thấp ngồi trước đại chúng nghe Phật thuyết pháp.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các khách buôn:

“Các ông sắp vào nơi hoang mạc, sẽ gặp nhiều khủng bố, tâm kinh hoàng dựng đứng cả lông, lúc ấy nên niệm Như Lai sự: ‘Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác,... cho đếnPhật, Thế Tôn.’ Niệm như vậy thì mọi khủng bố đều tiêu trừ. Lại niệm pháp sự, ‘Chánh pháp luật của Phật, được thấy trong hiện tại[42], có thể xa lìa sự thiêu đốt, không đợi thời tiết, được thấu suốt, được thân cận[43], duyên vào tự mình mà giác tri[44].’ Lại niệm Tăng sự, ‘đệ tử của Thế Tôn thiện hướng, chánh hướng... cho đếnlà ruộng phước của thế gian.’ Niệm như vậy, thì mọi sự khủng bố đều được tiêu trừ.

“Thời quá khứ, Trời và A-tu-la đánh nhau, lúc ấy Thiên đế Thích bảo các chúng trời:

“Trong khi các ngươi cùng chiến đấu với bọn A-tu-la, nếu ai sanh sợ hãi hãy niệm đến ngọn cờ của ta gọi là ngọn cờ Chiến thắng[45]. Khi niệm đến ngọn cờ này thì khủng bố liền tan, nếu ai không niệm đến ngọn cờ của ta, thì nên niệm đến ngọn cờ của Thiên tử Y-xá-na[46], nếu không niệm đến ngọn cờ của Thiên tử Y-xa-na thì nên niệm đến ngọn cờ của Thiên tử Bà-lưu-na[47], lúc niệm đến ngọn cờ ấy, khủng bố liền tiêu trừ.

“Cũng vậy, các khách buôn, các ông ở nơi hoang vắng, bị khủng bố, thì nên niệm Như Lai sự, niệm Pháp sự, niệm Tăng sự.”

Thế Tôn vì các khách buôn Tỳ-xá-ly nói kệ tùy hỷ cúng dường:

Cúng dường Tăng Tỳ-kheo,

Đồ ăn uống tùy thời;

Chuyên niệm chánh tư duy,

Chánh tri mà hành xả.

Tịnh vật, ruộng phước tốt,

Các ông đều đầy đủ.

Duyên công đức lợi này,

Lâu dài được an vui.

Khởi tâm mong cầu gì,

Các lợi đều ứng ngay.

Người vật thảy an ổn,

Đường sá qua lại tốt;

Đêm ngày đều an ổn,

Xa lìa mọi điều ác.

Như ruộng đất mầu mỡ,

Thuần chủng hạt giống tốt;

Thường vun tưới thấm nhuần,

Thu hoạch không thể kể.

Tịnh giới ruộng phước tốt,

Chủng tử thật tốt lành;

Cùng tùy thuận chánh hạnh,

Trọn thành tựu diệu quả.

Cho nên người bố thí,

Muốn cầu đủ công đức;

Phải hành theo trí tuệ,

Tự nhiên đủ các quả.

Đối Bậc Minh Hạnh Túc,

Chánh tâm tận cung kính;

Vun trồng các gốc lành,

Trọn được phước lợi lớn.

Biết thế gian như thật,

Chánh kiến được đầy đủ;

Chánh đạo thấy vẹn toàn,

Hoàn toàn mà tiến lên;

Xa lìa mọi trần cấu,

Chóng đắc đạo Niết-bàn.

Cứu cánh được thoát khổ,

Gọi là đủ công đức.

Sau khi Thế Tôn vì các khách buôn ở Tỳ-xá-ly thuyết pháp, chỉ dạy soi sáng, làm cho an vui rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

*

KINH 981. CÂY PHƯỚN[48]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo nào ở nơi vắng vẻ, dưới bóng cây, trong nhà trống, đôi khi bỗng khởi lên lòng sợ hãi, kinh hoàng đến độ lông dựng lên, thì nên niệm Phật, Pháp, Tăng, nói rộng như trước. Khi niệm đến Như Lai sự, Pháp sự, Tăng sự thì mọi sự sợ hãi tự tiêu trừ.

“Này các Tỳ-kheo, thời quá khứ Thích Đề-hoàn Nhân cùng đánh nhau với A-tu-la. Lúc ấy Đế Thích nói với các vị Tam thập tam thiên rằng: ‘Này các Nhân giả, khi chư Thiên đánh nhau với A-tu-la, nếu có ai sanh lòng sợ hãi, kinh hoàng đến độ lông dựng đứng lên, thì các vị nên niệm đến ngọn cờ hàng phục quân địch của ta[49]. Khi niệm đến ngọn cờ này, thì mọi sự sợ hãi đều tiêu trừ.’ Cũng vậy, Tỳ-kheo nếu ở nơi vắng vẻ, dưới bóng cây, hoặc ở trong nhà trống mà sanh lòng sợ hãi, kinh hoàng đến độ lông dựng đứng lên, thì nên niệm Như Lai là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác... cho đếnPhật, Thế Tôn. Đương lúc niệm Phật, thì sự sợ hãi liền tiêu trừ. Vì sao? Vì Thiên đế Thích này còn giữ lòng tham, sân, si, đối với sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não, không được giải thoát, kinh hoàng sợ hãi bỏ chạy, mà còn dặn lại chư Thiên Tam thập tam nên niệm đến ngọn cờ hàng phục quân địch của ông ấy. Huống chi Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đã lìa tham, sân, si, giải thoát sanh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não, không có điều sợ hãi, trốn tránh, mà không có thể khiến cho người niệm đến Như Lai trừ hết mọi sợ hãi?”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 982. A-NAN XÁ-LỢI-PHẤT (1)[50]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong rừng An-xà-na[51] tại nước Sa-chỉ[52]. Bấy giờ Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Đối với pháp, Ta có thể lược nói và nói rộng, nhưng người hiểu thì khó.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Xin Thế Tôn nói pháp, hoặc lược nói, hoặc rộng nói. Thật sự có người hiểu pháp.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Nếu có chúng sanh nào ở nơi thức thân của mình và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có[53] ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc[54], cho đến ngay trong đời hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu và an trụ với tâm giải thoát, tuệ giải thoát; vị ấy do ở nơi thức thân này và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài sẽ không có ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, cho nên ngay trong đời hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu và an trụ với tâm giải thoát, tuệ giải thoát[55].

“Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo kia, ở nơi thức thân này và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài, mà không có[56] kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc và ngay trong hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu và an trụ với tâm giải thoát, tuệ giải thoát; Tỳ-kheo ấy do ở nơi thức thân này và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, nên ngay trong đời hiện tại tự biết tác chứng, thanh tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuệ giải thoát.

“Này Xá-lợi-phất, nếu lại có Tỳ-kheo ở nơi thức thân này và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài, mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, cùng hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm giải thoát, tuệ giải thoát; Tỳ-kheo ấy, do ở nơi thức thân này và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, cho nên hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuệ giải thoát.

“Xá-lợi-phất, đó gọi là Tỳ-kheo đoạn ái phược, kết sử, hiện quán ngã mạn, rốt ráo biên tế của khổ[57].

“Xá-lợi-phất, đối với điều này Ta có nói thêm khi giải đáp câu hỏi của Ba-la-diên Phú-lân-ni-ca[58].

Thế gian, xét sai biệt,

Bất động mọi hoàn cảnh[59];

Ai tịch tĩnh, sạch bụi,

Bứt rễ, không hy vọng[60];

Vượt qua biển ba hữu,

Không còn lo già chết[61].

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ Tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ mà lui.

*

KINH 983. A-NAN XÁ-LỢI-PHẤT (2)[62]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ, một mình ở chỗ vắng tư duy như vầy: “Nếu có người suy nghĩ như vầy: ‘Ta ở nơi thức thân này và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài, mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử ràng buộc. Và do ngay trong đời hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuẹâ giải thoát nào mà ở nơi thức thân này và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, ta sẽ ở nơi đó mà hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuệ giải thoát ấy.’”

Chiều hôm ấy sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả A-nan đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, một mình ở chỗ vắng con tư duy như vầy: Nếu có người nói như vầy: ‘Ta ở nơi thức thân này và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài, …, cho đến, tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuệ giải thoát ấy.’”

Phật dạy Tôn giả A-nan:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Nếu có người suy nghĩ như vầy: ‘Ta ở nơi thức thân này và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài, mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc. Và do ngay trong đời hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuẹâ giải thoát nào mà ở nơi thức thân này và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, ta sẽ ở nơi đó mà hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuệ giải thoát ấy’. A-nan, Tỳ-kheo đó ở nơi thức thân này và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài, mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc và do ngay trong đời hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuẹâ giải thoát nào mà ở nơi thức thân này và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kiến chấp ngã, ngã sở, ngã mạn, kết sử ràng buộc, ta sẽ ở nơi đó mà hiện tại tự biết tác chứng, thành tựu an trụ với tâm được giải thoát, tuệ giải thoát ấy.’

“Này A-nan, nếu lại có Tỳ-kheo nào đối với thức thân này và tất cả tướng cảnh giới bên ngoài... cho đếntự biết tác chứng, an trụ đầy đủ. Đó gọi là Tỳ-kheo đoạn ái phược, kết sử, hiện quán ngã mạn, rốt ráo biên tế của khổ.

“Này A-nan, ở đây Ta còn nói thêm khi đáp lại câu hỏi của Ba-la-diên Ưu-đà-da[63].

Đoạn tận tưởng ái dục,

Ưu khổ cũng đều lìa;

Tỉnh giác đối ngủ nghỉ,

Diệt trừ trạo hối cái.

Xả tham, nhuế, thanh tịnh,

Hiện tiền quán sát pháp;

Ta nói trí giải thoát,

Diệt trừ màn vô minh[64].

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ mà lui.

*

KINH 984. ÁI (1)[65]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói ái là lưới, là chất keo, là dòng suối, là rễ sen[66]. Những thứ này thường làm chướng ngại chúng sanh, che lấp, dính chặt, giữ chặt, che phủ, đóng kín, bế tắt, tối tăm, như ruột chó, như cỏ rối, như tơ, từ đời này sang đời khác, từ đời khác đến đời này, lưu chuyển qua lại, không lúc nào ngừng.

“Này các Tỳ-kheo, tại sao ái là lưới, là chất keo... cho đếnlưu chuyển qua lại, không lúc nào ngừng? Nghĩa là có ngã: ta tồn tại, ta ước muốn[67], ta như vầy, có ta[68], không ta[69], khác ta, ta sẽ tồn tại, ta sẽ không tồn tại, ta sẽ ươc muốn, ta sẽ như vầy, ta sẽ khác khác, mong ta ước muốn (tồn tại nơi đây), mong ta như vậy, mong ta khác, mong ta đúng như vậy, mong ta muốn như vậy, mong ta khác. Mười tám ái hành[70] như vậy, phát khởi từ bên trong.

“Tỳ-kheo nói rằng ta tồn tại nơi những gì đang có, rằng ta muốn, ta như vậy[71]... cho đếnmười tám ái hành, khởi lên từ bên ngoài. Tổng cộng với mười tám ái hành kia như vậy, tất cả là ba mươi sáu ái hành. Hoặc nói quá khứ khởi, hoặc vị lai, hoặc hiện tại khởi lên như vậy cộng lại là một trăm lẻ tám ái hành. Cho nên gọi đó là lưới, là chất keo, là dòng suối, là rễ sen hay làm chướng ngại chúng sanh, che lấp, dính chặt, giữ chặt, che phủ, đóng kín, bế tắc, tối tăm, như ruột chó, như cỏ rối, như tơ, từ đời này sang đời khác, từ đời khác đến đời này, lưu chuyển qua lại, không lúc nào ngừng.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo, nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 985. ÁI (2)[72]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có khi từ ái sanh ra ái, từ ái sanh ra nhuế, từ nhuế sanh ra ái, từ nhuế sanh ra nhuế[73].

“Thế nào là từ ái sanh ra ái? Có người đối với chúng sanh[74] là hoan hỷ, là đáng yêu, là đáng nhớ, là đáng thích ý. Mọi người khác đối với người này đáp lại là hoan hỷ, là đáng yêu, là đáng nhớ, là đáng thích ý. Nó tự nghĩ: ‘Ta đối với chúng sanh kia là hoan hỷ, là đáng yêu, là đáng nhớ, là đáng thích ý. Những người khác đối xử với chúng sanh kia cũng hoan hỷ, đáng yêu, đáng nhớ, đáng thích ý[75]. Cho nên ta lại sanh yêu mến mọi người khác.’ Đó gọi là từ ái sanh ra ái.

“Thế nào là từ ái sanh ra nhuế? Có một người đối với chúng sanh kia là hoan hỷ, là đáng yêu, là đáng nhớ, là đáng thích ý. Nhưng mà những người khác đối xử với chúng sanh kia lại không hoan hỷ, không đáng yêu, không đáng nhớ, không đáng thích ý. Nó nghĩ rằng: ‘Ta đối với chúng sanh kia, là hoan hỷ, là đáng yêu, là đáng nhớ, là đáng thích ý. Nhưng những người khác đối xử với người kia lại không hoan hỷ, không đáng yêu, không đáng nhớ, không đáng thích ý. Cho nên ta sanh ra sân nhuế đối với mọi người kia.’ Đó gọi là từ ái sanh ra nhuế.

“Thế nào là từ nhuế sanh ra ái? Có một người đối với chúng sanh kia không là hoan hỷ, không là đáng yêu, không là đáng nhớ, không là đáng thích ý. Những người khác lại đối xử với người kia không hoan hỷ, không đáng yêu, không đáng nhớ, không đáng thích ý.[76] Do đó nên ta đối với những người khác sanh ra ái niệm[77]. Đó gọi là từ nhuế sanh ra ái.

“Thế nào là từ nhuế sanh ra nhuế? Có một người đối với chúng sanh kia không là hoan hỷ, không là đáng yêu, không là đáng nhớ, không là đáng thích ý. Mọi người khác đối xử với người này lại là hoan hỷ, là đáng yêu, là đáng nhớ, là đáng thích ý. Nó nghĩ rằng: ‘Ta đối với chúng sanh kia không là hoan hỷ, không là đáng yêu, không là đáng nhớ, không là đáng thích ý. Nhưng mà người khác đối với người kia lại là hoan hỷ, là đáng yêu, là đáng nhớ, là đáng thích ý. Do đó ta sanh lòng sân nhuế đối với người khác ấy.’ Đó gọi là từ nhuế sanh ra nhuế.

“Nếu Tỳ-kheo nào lìa dục, lìa pháp ác bất thiện, có giác, có quán... cho đếnthành tựu an trụ Sơ thiền, cho đến Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, thì ái từ ái sanh, nhuế từ nhuế sanh, nhuế từ ái sanh, ái từ nhuế sanh, tất cả đều đã đoạn, đã biến tri. Đoạn tận cội gốc của nó như chặt đứt ngọn cây đa-la, không thể mọc lại nữa, ở đời vị lai trở thành pháp bất sanh. Nếu Tỳ-kheo nào sạch hết hữu lậu, tâm vô lậu giải thoát, tuệ giải thoát, ngay đời hiện tại tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Chính lúc này không bốc lên, không chống trả[78], không nổi bụi, không thiêu đốt, không hiềm người[79].

“Thế nào là bị bốc lên? Thấy sắc là ngã, sắc khác ngã, ngã trong sắc, sắc trong ngã; đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đó gọi là bị bốc lên.

“Thế nào là không bị bốc lên? Không thấy sắc là ngã, sắc khác ngã, sắc ở trong ngã, ngã ở trong sắc; và thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đó gọi là không bị bốc lên.

“Thế nào là chống trả? Đối với người mạ lỵ thì mạ lỵ lại; đối với người sân giận thì sân giận lại, đối với người đánh thì đánh lại; đối với người xúc phạm thì xúc phạm lại. Đó gọi là chống trả.

“Thế nào là không chống trả? Đối với người mắng chưởi mà không mắng chưởi lại; đối với người sân giận mà không sân giận lại; đối với người đánh mà không đánh lại; đối với người xúc phạm mà không xúc phạm lại. Đó gọi là không chống trả lại.

“Thế nào là nổi bụi? Có ngã, ngã dục,... cho đếnmười tám thứ ái[80]. Đó gọi là khởi trần lao.

“Thế nào là không nổi bụi? Không có ngã, không có ngã dục,... cho đếnmười tám thứ ái không khởi. Đó gọi là không khởi trần lao.

“Thế nào là thiêu đốt? Có ngã sở, ngã sở dục,... cho đếnmười tám ái hành bên ngoài. Đó gọi là thiêu đốt.

“Thế nào là không thiêu đốt? Không có ngã sở, không có ngã sở dục,... cho đếnkhông có mười tám ái hành bên ngoài. Đó gọi là thiêu đốt.

“Thế nào là hiềm người? Thấy ngã chân thật, mà khởi lên ngã mạn, ngã dục, ngã sử; không đoạn, không biến tri[81]. Đó gọi là hiềm người.

“Thế nào là không hiềm người? Không thấy ngã là chân thật, đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử đã đoạn, đã biến tri. Đó gọi là không hiềm người.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 986. HAI SỰ KHÓ ĐOẠN[82]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có hai sự đoạn tuyệt khó duy trì. Những gì là hai? Nếu nơi người thế tục, nơi phi nhân, mà duy trì sự đoạn tuyệt đối với những nhu cầu của cuộc sống như cơm ăn, áo mặc, giường nằm v.v... đó là việc làm khó. Lại nữa, Tỳ-kheo là người xuất gia, không nhà, đoạn trừ tham ái. Duy trì sự đoạn tuyệt ấy cũng là một việc làm rất khó.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Thế gian có hai việc,

Trì đoạn thì khó làm.

Đó là lời chân thật,

Những gì Phật đã biết.

Tại gia tiền thu chi,

Cơm áo mọi vật dụng,

Tham ái bởi thế gian,

Muốn đoạn rất khó khăn.

Tỳ-kheo đã lìa dục,

Tin xuất gia, không nhà;

Diệt trừ các tham ái,

Trì đoạn cũng khó làm.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 987. HAI PHÁP[83]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta y chỉ, an trụ nhiều nơi hai pháp. Những gì là hai? Đó là, đối với các pháp thiện Ta chưa từng biết đủ; đối với việc đoạn pháp ác Ta chưa từng lìa bỏ. Vì đối với pháp thiện không biết đủ và đối với việc đoạn trừ pháp ác chưa từng lìa bỏ, nên dù đến da khô thịt tiêu, gân liền với xương, trọn không lìa bỏ cố gắng siêng năng, không bỏ thiện pháp, không được những điều chưa được thì quyết không dừng nghỉ; đối với tâm yếu kém chưa từng sanh vui mừng, lúc nào cũng ưa thích tiến lên, vượt lên đạo cả. Vì sống tinh tấn như vậy nên mau đạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đối với hai pháp này Tỳ-kheo nên y chỉ, an trụ nhiều. Đối với các pháp thiện thì không sanh ý tưởng thỏa mãn. Y chỉ trên những đoạn trừ chưa từng lìa bỏ,... cho đếnda khô, thịt tiêu, gân liền với xương, siêng năng nỗ lực không ngừng mới có thể tu tập pháp thiện. Cho nên Tỳ-kheo đối với các điều hạ liệt chớ nên[84] sanh ý tưởng hoan hỷ, hãy nên lúc nào cũng sống, tu tập thăng tiến hơn nữa. Tu tập như vậy, không bao lâu sẽ nhanh chóng diệt tận các lậu, tâm vô lậu giải thoát, tuệ giải thoát, hiện tại tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 988. ĐẾ THÍCH (1)[85]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân, với hình sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, lui đứng qua một bên. Do oai lực của thân trời, ánh sánh chiếu khắp vườn Trúc, khu Ca-lan-đà. Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã từng ở trong hang đá núi Cách giới[86] nói rằng: ‘Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào vô thượng ái tận giải thoát, tâm khéo giải thoát, vị ấy đã tận cùng mục đích, tận cùng ly nhiễm, tận cùng phạm hạnh[87].’ Thế nào là Tỳ-kheo đã tận cùng mục đích, tận cùng ly nhiễm, tận cùng phạm hạnh?”

Phật bảo Đế Thích:

“Tỳ-kheo nào biết như thật khi tiếp nhận những cảm giác có được hoặc khổ hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc; biết như thật về các thọ tập, thọ diệt, thọ vị, thọ hoạn, thọ xuất. Sau khi đã biết như thật rồi, quán sát thọ kia vô thường, quán sanh diệt, quán lìa dục, quán diệt tận, quán xả bỏ. Sau khi đã quán sát như vậy, chắc chắn đi đến tận cùng, tột cùng mục đích, tận cùng ly nhiễm, tận cùng phạm hạnh.

“Này Câu-thi-ca, đó gọi là Tỳ-kheo đi đến tận cùng trong Chánh pháp luật, tột cùng mục đích, tận cùng ly nhiễm, tận cùng phạm hạnh... cho đếnThiên đế Thích nghe Phật dạy xong, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ mà lui.

*

KINH 989. ĐẾ THÍCH (2)[88]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang ở trong núi Kỳ-xà-quật, cuối đêm dậy kinh hành, trông thấy có ánh sánh chiếu khắp vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thấy rồi liền nghĩ: ‘Đêm nay hoặc có Đại lực quỷ thần đến chỗ Thế Tôn nên mới có ánh sáng này.’

Bấy giờ, vào sáng sớm, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, cuối đêm qua con ra khỏi phòng kinh hành, trông thấy ánh sáng chói lọi chiếu khắp vườn Trúc, khu Ca-lan-đà. Thấy rồi nghĩ thầm: ‘Chắc có vị Đại lực quỷ thần nào đến chỗ Thế Tôn nên có ánh sáng này.’”

Phật bảo Đại Mục-kiền-liên:

‘Cuối đêm qua Thích Đề-hoàn Nhân đến chỗ Ta cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên…” Nói rộng như kinh trên... hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ mà lui.

*

KINH 990. LỘC TRÚ (1)[89]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ, sáng sớm, Tôn giả A-nan đắp y, ôm bát, đi đến thành Xá-vệ, lần lượt khất thực, đến nhà Ưu-bà-di Lộc Trụ[90]. Ưu-bà-di Lộc Trụ từ xa trông thấy Tôn giả A-nan vội vàng sửa soạn chỗ ngồi và mời Tôn giả A-nan an tọa. Sau đó, Ưu-bà-di Lộc Trụ cúi đầu lễ dưới chân Tôn giả A-nan, rồi đứng lui qua một bên, bạch Tôn giả A-nan:

“Thưa Tôn giả, pháp của Thế Tôn cần được hiểu như thế nào? Cha của con là Phú-lan-na[91] trước kia tu phạm hạnh, lìa dục, thanh tịnh, không đeo hương hoa, xa lìa những thứ phàm tục thô bỉ[92]. Còn chú là Lê-sư-đạt-đa[93] không tu phạm hạnh nhưng ông biết đủ. Cả hai người đều qua đời, mà Thế Tôn đều ký thuyết hai người sanh một nơi, cùng thọ sanh như nhau, đời sau đồng đắc Tư-đà-hàm, sanh về cõi trời Đâu-suất, một lần trở lại thế gian, cứu cánh biên tế của khổ.

“Tại sao, thưa A-nan, người tu phạm hạnh và người không tu phạm hạnh lại cùng sanh một nơi, cùng thọ sanh như nhau và đời sau của họ cũng giống nhau?”

A-nan đáp:

“Này cô, hãy thôi đi! Cô không thể biết được căn tánh sai biệt của chúng sanh thế gian. Như Lai tất biết rõ căn tính ưu, liệt của chúng sanh thế gian.”

Nói như vậy xong, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

Tôn giả A-nan trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân, rồi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, đem những gì Ưu-bà-di Lộc Trụ nói bạch hết lên Thế Tôn.

Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:

“Ưu-bà-di Lộc Trụ làm sao có thể biết được căn tính ưu, liệt của chúng sanh thế gian. A-nan, Như Lai tất biết rõ căn tánh ưu, liệt của chúng sanh thế gian. Này A-nan, hoặc[94] có một người phạm giới[95]. Người ấy không biết như thật đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Nhưng sự phạm giới mà người ấy khởi lên đã diệt không còn, đã chìm mất không còn, dục hết không còn. Lại có một người phạm giới, do biết như thật tâm giải thoát, tuệ giải thoát, sự phạm giới mà người ấy khởi lên đã diệt không còn, đã chìm mất không còn, dục hết không còn. Đối với những người này, so sánh mà nói rằng: ‘Người này cũng có pháp như vậy, người kia cũng có pháp như vậy, ở đây cả hai phải cùng sanh một chỗ, đồng thọ sanh như nhau và đời sau cũng như nhau.’ Người nào so sánh như vậy, sẽ khổ lâu dài, không nghĩa, không lợi ích.

“Này A-nan, người phạm giới kia, đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát mà không biết như thật, nhưng sự phạm giới mà người ấy khởi lên đã diệt không còn, đã chìm mất không còn, dục hết không còn. Nên biết người này thoái đọa, không phải thăng tiến. Ta nói người này thuộc hạng thoái đọa.

“A-nan, có kẻ phạm giới, do biết như thật tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nên sự phạm giới mà người ấy khởi lên đã diệt không còn, đã chìm mất không còn, dục hết không còn; nên biết người này thăng tiến chứ không thoái đọa. Ta nói người này thuộc hạng thăng tiến. Nếu chẳng phải Như Lai thì ai có thể biết rõ sự gián cách giữa hai hạng người này?

“Cho nên, này A-nan, chớ nên so sánh người này với người kia mà thiên chấp người. Chớ so sánh người này với người kia gây bệnh người. Chớ so sánh người này với người kia thì tự chiêu lấy tai hại. Chỉ có Như Lai mới biết rõ người này với người kia mà thôi.

“Như hai hạng người phạm giới, hai hạng người trì giới cũng vậy. Người kia không biết như thật tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nhưng sự trì giới mà người ấy khởi lên thì đã diệt, không còn.

“Hoặc người trạo cử tháo động[96], không biết như thật đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nhưng sự trạo cử của người ấy đã diệt không còn.

“Hoặc người kia sân hận, không biết như thật đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nhưng tâm sân hận của họ đã diệt không còn.

“Hoặc người khổ tham[97], không biết như thật đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nhưng sự khổ tham của họ đã diệt không còn.”

Ô uế và thanh tịnh, cũng được nói như trên... cho đến“Chỉ có Như Lai mới biết rõ người này với người kia mà thôi.”

“Này A-nan, Ưu-bà-di Lộc Trụ ngu si, trí kém, nên đối với việc thuyết pháp nhất hướng của Như Lai tâm sanh hồ nghi. Thế nào, A-nan, những gì Như Lai dạy có phải là hai hướng không?”

A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không!”

Phật bảo A-nan:

“Lành thay! Lành thay! Như Lai nói pháp nếu là hai thì điều này không thể có. Này A-nan, nếu Phú-lan-na trì giới, Lê-sư-đạt-đa cũng là người trì giới, mà chỗ thọ sanh, là điều Phú-lan-na không thể biết được, rằng Lê-sư-đạt-đa sanh nơi nào, thọ sanh thế nào, đời sau thế nào? Nếu Lê-sư-đạt-đa thành tựu trí tuệ và Phú-lan-na cũng thành tựu trí tuệ này, thì Lê-sư-đạt-đa cũng không thể biết Phú-lan-na sẽ sanh nơi nào, thọ sanh thế nào, đời sau thế nào? A-nan, Phú-lan-na trì giới hơn, còn Lê-sư-đạt-đa trí tuệ hơn, nếu cả hai mạng chung, thì Ta nói hai người cùng sanh một nơi, cùng thọ sanh như nhau, đời sau cùng đắc Tư-đà-hàm, sanh lên cõi trời Đâu-suất, chỉ một lần sanh trở lại nơi này cứu cánh biên tế của khổ.

“Giữa hai người này nếu chẳng phải Như Lai, thì ai có thể biết được? Cho nên A-nan, chớ nên so sánh người này với người kia. Nếu so sánh người này với người kia thì tự sanh tổn giảm. Chỉ có Như Lai mới có thể biết rõ người.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 991. LỘC TRÚ (2)[98]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật hạ an cư tại ấp Lưu-lợi[99] trong thành Di họ Thích. Bấy giờ có Tỳ-kheo hạ an cư trong vườn Cấp cô đọâc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Sáng sớm Tỳ-kheo kia đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, lần lượt đi đến nhà Ưu-bà-di Lộc Trụ. Ưu-ba-di Lọâc Trụ từ xa trông thấy Tỳ-kheo vội vàng sửa soạn chỗ ngồi rồi mời Tỳ-kheo an tọa. Nói giống như kinh A-nan ở trước. Bấy giờ, Tỳ-kheo ấy nói với Ưu-bà-di Lộc Trụ:

“Này cô, hãy thôi đi! Cô làm sao biết được căn tính ưu, liệt của chúng sanh. Này cô, chỉ có Như Lai mới có thể biết được căn tính ưu, liệt của chúng sanh. Nói như vậy xong Tỳ-kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Tỳ-kheo kia sau ba tháng hạ an cư, may y xong, đắp y mang bát đi đến ấp Lưu-lợi, thành Di của họ Thích, cất y bát, rửa chân xong, Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, đem những lời đàm luận giữa Tỳ-kheo cùng Ưu-bà-di Lộc Trụ trình hết lên Thế Tôn.

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ưu-bà-di Lộc Trụ làm sao có thể biết được căn tính ưu, liệt của chúng sanh thế gian. Chỉ có Như Lai mới có thể biết rõ căn tính hơn kém của chúng sanh ở thế gian thôi.

“Kẻ chẳng lìa sân hận, kiêu mạn, có khi khởi pháp tham, không lãnh thọ pháp, không học hỏi đa văn, ở nơi pháp không điều phục kiến chấp, không thể hằng thời khởi tâm giải thoát.

“Này Tỳ-kheo, lại có một người không lìa sân hận, kiêu mạn, có khi khởi pháp tham, nhưng người ấy nghe pháp, tu học đa văn, đối với kiến chấp khéo điều phục, hằng thời có thể khởi tâm pháp giải thoát. Nếu suy xét về chúng, rằng: ‘Người này có pháp như vậy, người kia có pháp như vậy, thì ở đây họ cùng đi đến một chỗ, cùng thọ sanh như nhau và đời sau như nhau.’ Người nào so sánh như vậy, thường chịu khổ, không nghĩa, không lợi ích.

“Này Tỳ-kheo, lại có người không lìa sân hận, kiêu mạn, luôn khởi pháp tham, không lãnh thọ pháp, không học hỏi đa văn, ở nơi pháp không điều phục kiến chấp, không thể hằng thời khởi tâm giải thoát, Ta nói người này là kẻ hẹp hòi nhỏ mọn, thấp kém.

“Này Tỳ-kheo, lại có người không lìa sân hận, kiêu mạn, luôn khởi pháp tham, nhưng người ấy nghe pháp, tu học đa văn, đối với kiến chấp khéo điều phục, hằng thời có thể khởi tâm pháp giải thoát, Ta nói người này là thắng diệu bậc nhất.

“Giữa hai người này, nếu chẳng phải tự Như Lai, thì ai có thể phân biệt, biết rõ. Cho nên, này Tỳ-kheo, chớ nên so sánh người này với người kia... cho đếnNhư Lai mới có thể biết căn tính ưu, liệt.

“Này Tỳ-kheo, lại có người không lìa sân, mạn, lúc nào cũng khởi ác hành nơi miệng…” Còn lại, nói như trên đã nói.

“Lại nữa, có người hiền thiện, an vui, cùng sống vui thích minh trí, người tu phạm hạnh thích ở chung, nhưng người kia chẳng thích nghe pháp... cho đếnlúc nào cũng không được tâm giải thoát, nên biết người này trụ nơi đất hiền thiện, mà không thể thăng tiến. Chỗ đất hiền thiện đó là cõi trời, người.

“Lại nữa, có người căn tính hiền thiện, cùng ở chung, được an vui, ưa thích phạm hạnh, lấy làm bạn hữu, ưa nghe chánh pháp, học tập, đa văn, khéo điều phục kiến chấp, lúc nào cũng được tâm pháp giải thoát, nên biết người này ở chỗ hiền thiện, có thể thăng tiến, nên biết người này có đủ khả năng vào dòng Chánh pháp, có chỗ kham năng.

“Giữa hai người này, nếu chẳng phải tự Như Lai, thì ai có thể phân biệt, biết rõ? Cho nên, Tỳ-kheo, chớ nên so sánh người này với người kia. Nếu so sánh người này với người kia thì sẽ chuốc lấy tai hại, chỉ có Như Lai mới có thể biết rõ người mà thôi.

“Này Tỳ-kheo, Ưu-bà-di Lộc Trụ vì ngu si, trí kém…”Nói như kinh trên.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 992. PHƯỚC ĐIỀN[100]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ gia chủ Cấp Cô Độc đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, thế gian có bao nhiêu loại ruộng phước?”

Phật bảo gia chủ:

“Thế gian có hai loại ruộng phước. Những gì là hai? Đó là hữu học cùng vô học.”

Và nói kệ:

Đời có Học, Vô học,

Đại hội thường kính thỉnh;

Tâm ngay thẳng chân thật,

Thân, miệng cũng như vậy.

Đó là ruộng phước tốt,

Người thí được quả lớn.

Phật nói kinh này xong, gia chủ Cấp Cô Độc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*


[1].Pāli,A.3.64.Sarabha.Skt.Śarabha(Pṅchel).Biệtdịch,№ 100(204).

[2].Xá-la-bộ舍羅步. Pāli: Sarabha, một tu sĩ ngoại đạo từng xuất gia theo Phật. Sau đó xả giới, trở về đạo cũ.

[3].Tu-ma-kiệt-đàtrì 須摩竭陀池. Pāli:? Cf. A.3.64: acirapakkanto hoti imasmā dhamma-vinayā,từ bỏ Pháp luật này chưa bao lâu (xả giới hoàn tục).

[4].BảnHán:phi… vô…,phủđịnhkép.Dưchữ,lượcbỏ.

[5].BảnHán:Thanhvăn 聲聞

[6].Thiệnhướng 善向, haychánhhành,ngườiđanghướngthẳngđếngiảithoát.

[7].Pāli,khôngthấytươngđương.Skt.Parivràjakasthavira (Pṅchel).Biệtdịch,№100(205).

[8].Danh Thượng Tọa 名上坐. Skt. Parivrājaka-Sthavira.

[9].Hán: thằng sàng 繩床.

[10].Ba sự thực. Pāli, A.4.185. Brāmaṇa-sacca. Skt. Brāhmana-satyāni (Pṅchel). Biệt dịch, №100(206), №125(26.8).

[11]. Pāli: itipi bhāhmaṇasaccāni, đây là những chân lý của Bà-la-môn.

[12].Bản Pāli: cattārimāni brāhmaṇasaccāni, đây là bốn chân lý của Bà-la-môn.

[13].Bản Pāli: so tena na samaṇo ti maññati,... na seyyoham asmīti maññati, na sadisoham asmīti maññati… api ca yadeva tattha saccaṃ anuddayāya anukampāya paṭipanno hoti: vị ấy vì vậy không nghĩ rằng mình là Sa-môn… không nghĩ rằng ta hơn, ta bằng… Lại nữa do nhận thức chính xác chân lý ở đây mà vị ấy thực hành lòng thương yêu, thương xót đối với các chúng sanh.

[14].Tập pháp 集法. Bản Pāli, gồm hai chân đế: sabbe kāmā aniccā…sabbe bhavā aniccā…, tất cả dục là vô thường… tất cả sự hữu là vô thường.

[15].Hán: Vô ngã xứ sở cập sự đô vô sở hữu.Vô ngã xứ sở cập sự đô vô sở hữu 無我處所及事都無所有. Tham chiếu Pāli: nāham kvacani kassaci kiñcana tasmiṃ na ca mama kvacani katthaci kiñcanatatthī ti: “Ta không là ai, của bất cứ ai, là bất cứ cái gì. Trong đó, không có bất cứ ai, bất cứ ở đâu, bất cứ cái gì, là của ta”.

[16].Pāli, A.3.71.Channa. Biệt dịch, №100(207).

[17].Chiên-đà 栴陀 . Pāli: Sandako paribbājako Pilakkhaguhayāṃ paṭivasati, ngoại đạo xuất gia Sandaka sống trong hang Pilakkha. Bản Hán đọc là Caṇḍo.

[18]. Hán: bất đãi thời tiết, hữu đắc dư hiện pháp, duyên tự giác tri 不待時節。有得餘現法緣自覺知Văn dịch khác đó của định cú thường gặp nói về pháp; Pāli:akaliko ehipassiko opanāyīko paccataṃ veditabbo viññūhī ti.

[19].Biệt dịch, №100(208).

[20].Bổ-lũ-đê-ca 補縷低迦 .

[21]. Hán: ly nhũ 離乳.

[22].Biệt dịch, №100(209).

[23].Vị tằng hữu giảng đường 未曾有講堂 .

[24].Pāli, xem cht. 26, kinh 977 dưới. Biệt dịch, №100(210).

[25].Thi-bà 尸婆. Xem cht.27, kinh 977 dưới.

[26].Pāli, S.36.21. Sīvako. Biệt dịch, №100(211).

[27].Thi-bà ngoại đạo 尸婆外道. Pāli: MoḷiyaSīvaka paribbājaka, tu sĩ bện tóc Sīvaka.

[28].Pāli: yaṃ kiñcāyaṃ purisapuggalo paṭíaṃvedeti sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkham-asukhaṃ vā sabbaṃ taṃ pubbekatahetū’ti:Bất cứ lạc thọ gì, khổ thọ gì, hay phi khổ phi lạc thọ gì, mà con người cảm thọ, tất cả đều là nhân được tạo tác từ trước.

[29].Đẳng phần khởi, khởi lên do các yếu tố kể trên hợp lại.

[30].Biệt dịch, №100(212).

[31].Na-la tụ lạc Hảo y Yêm-la viên 那羅聚落好衣菴羅園.

[32].Thương chủ 商主. №100(212): Na-lị-bà-lực 那利婆力. Pāli: Nālivaṇika ?

[33].Ý luận 意論 . №100(212): tâm trung mặc niệm 心中默念.

[34].Cf. D.16 Mahāparinibbāna-suttanta (Ro ii. 149ff: Subhaddaparibbājakavatthu). Biệt dịch, №100 (213), №100 (110).

[35].Câu-di-na-kiệt quốc Lực sĩ sanh xứ Kiên cố song thọ lâm 俱夷那竭國力士生處堅固雙樹林. Pāli: Kusinārā upavattanaṃ Mallānaṃ sālavanaṃ.

[36].Tu-bạt-đà-la 須跋陀羅. Pāli: Subhadda.

[37].Hy vọng nhi trụ 希望而住; đoạn dưới: tín tâm nhi trụ 信心而住. Tham chiếu Pāli: evaṃ pasanno ahaṃ samaṇe gotame: Tôi có niềm tin như vậy nơi Sa-môn Gotama.

[38].Câu hỏi trong bản Pāli: yeme bho gotama samaṇa-brāhmaṇā… seyyathidaṃ pūraṇo kassapo,…, sabbete sakāya paṭiññāya abbhaññiṃsu sabbeva na abbhaññiṃsu, udāhu ekacce abbhaññiṃsu ekacce na sabbhaññiṃsu: phàm những Sa-môn, Bà-la-môn, như Phú-lan-na Ca-diếp,… Tất cả họ tự mình thừa nhận đã chứng ngộ, hay tất cả không chứng ngộ, hay một số chứng ngộ, một số không chứng ngộ?

[39].Ấn Thuận, “48. Tương ưng Tạp” thuộc Tụng 7. Như Lai sở thuyết, gồm các kinh, Đại Chánh quyển 35, nửa cuối, kinh 980-992, quyển 47, phần đầu, kinh 1241-1245.

[40].Đát-sát-thi-la 怛剎尸羅. Pāli: Takkasīlā, trung tâm thương mại và giáo dục được nhắc nhiều trong các Jataka, nhưng không hề được nói đến trong các kinh Pāli.

[41].Phương tiện trang nghiêm 方便莊嚴; chưa rõ nghĩa.

[42].Nguyên Hán: hiện pháp 現法. Huyền Trang: hiện kiến 現見 . Pāli: ehipassiko, pháp đến để thấy.

[43].Hán: thông đạt thân cận 通達親近. Huyền Trang: dẫn đạo cận quán 引導近觀,pháp có khả năng hướng dẫn, được quán sát trực tiếp.

[44].Hán: duyên tự giác tri 緣自覺知. Huyền Trang: trí giả nội chứng 智者內證, được chứng ngộ nội tâm bởi bậc trí.

[45].Hán: Tồi phục tràng 摧伏幢. Xem kinh 981.

[46].Y-xá-na Thiên tử tràng 伊舍那天子幢. Xem kinh 981. Tham chiếu, S.11.3: Pajāpatissa devarājassa dhajaggaṃ: chóp ngọn cờ của Thiên vương Pajāpati (Sanh Chủ).

[47].Bà-lưu-na Thiên tử tràng 婆留那天子幢. Xem kinh 981. Tham chiếu, S.11.3 : Varuṇassa devarājassadhajaggaṃ: chóp ngọn cờ của Thiên vương Varuṇa.

[48].Pāli, S.11.3. Dhajagga. Cf. №125(24.1).

[49].Phục địch chi tràng 伏敵之幢. Kinh 980: tồi phục tràng 摧伏幢. Pāli: dhajaggaṃ ullokeyyātha, các ông hãy nhìn lên đỉnh ngọn phướn.

[50].Pāli, A. 3.32.2. Sāriputta.

[51].An-xà-na 安闍那. Pāli: Añjana-vana, khu rừng nai ở Sāketa.

[52].Sa-chỉ quốc 娑枳國. Pāli: Sāketa.

[53].Bản Pāli: na bhavissanti, (vị lai) sẽ không tồn tại.

[54].Tham chiếu Pāli: imasmiñca saviññāṇake kāye ahaṅkāramamaṅkāramānāusayā na bhavissanti, trong thân có thức này sẽ không tồn tại các tùy miên (bản Hán: sử) tác thành ý niệm về ta và của ta.

[55].Đoạn văn Hán này hơi tối nghĩa. Tham khảo Pāli: yañca cetovimuttiṃ paññāvimuttiṃ upasampajja viharato ahaṅkāramamaṃkāramānānusayā na honti, tañca cetovimuttiṃ paññāvimuttiṃ upasampajja viharati, (Tỳ-kheo) do chứng đắc và an trụ tâm giải thoát tuệ giải thoát nào mà ở đó các tùy miên của phức cảm tác thành ý niệm về ta và của ta không tồn tại, thì (Tỳ-kheo ấy) chứng và an trụ tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy.

[56].Pāli:na honti, (hiệntại)khôngtồntại.

[57].ThamchiếuPāli:acchecchi taṇhaṃ vivattayi samyojanaṃ sammā mānābhisamayā antam akāsi dukkhassa, vị ấy đã cắt đứt khát ái, bứt bỏ kết sử, chân chánh hiện quán các mạn, đã tận cùng biên tế của khổ.

[58].Ba-la-diênPhú-lân-ni-casởvấn波羅延富鄰尼迦所問. Pāli: pārāyane puṇṇakapañhe. Cf. Sn.5.4. Puṇṇakamāṇava-pucchā.

[59]. Pāli: saṅkhāya lokasmiṃ paroparāni, yassiñjitaṃ metthi kuhiñci loke, tư duy trong đời những gì là cao hay thấp; những ai không dao động trong mọi hoàn cảnh. Saṅkhāya (tư duy, tư trạch), bản Hán hiểu là Số.

[60].Vôhyvọng無悕望, bản Thánh: vô minh. Pāli:nirāso.

[61].Kệ Pāli,Sn. 1048.

[62].Pāli, A. 3.32. Ānanda-Sāriputta.

[63].Ba-la-diênƯu-đà-dasởvấn波羅延憂陀耶. Páli: Sn. 5.14. Udayamānava-pucchā.

[64].Kệ Pāli,Sn. 1106-1107.

[65].Pāli,A. 4.199. Taṇhā.

[66].Pāli:jāliniṃ saṃsaritaṃ visataṃ visattikaṃ:cáilướiđượcdichuyển,đượcbủarộng,làmdính chặt.

[67].Dụcngã欲我; cólẽbảnHánđọcnhầmitthasmi:tôihiệnhữuởđây,thànhicchasmi:tôimuốn.

[68].Hữungã有我. BảnHánđọcsata ’smi(tôithườnghằng)thànhsati ’smi(tôiđanghiệnhữu).

[69].Vôngã.BảnHánđọcasata’smi(tôikhôngthườnghằng)thànhasati’smi(tôikhôngđanghiệnhữu).

[70].Thập bát ái hành: hữu ngã, dục ngã, nhĩ ngã, hữu ngã, vô ngã, dị ngã, đương ngã, bất đương ngã, dục ngã, đương nhĩ thời, đương dị dị ngã, hoặc dục ngã, hoặc nhĩ ngã, hoặc dị, hoặc nhiên, hoặc dục nhiên, hoặc nhĩ nhiên, hoạc dị. 十八愛行:有我.欲我.爾我.有我.無我.異我.當我.不當我.欲我.當爾時.當異異我.或欲我.或爾我.或異.或然.或欲然.或欲然.或爾然.或異. So sánh Pāli: atthārasa taṇhā-vicaritāni: 1. asmīti sati, 2.itthasmī ti hoti, 3. evasmīti hoti, 4.aññthasmīti hoti, 5.asatasmīti hoti, 6.satasmīti hoti, 7.santi hoti, 8.itthaṃ santi hoti, 9.evaṃ santi hoti, 10.aññathā santi hoti, 11.api ha santi hoti, 12.api itthaṃ santi hoti, 13.api evaṃ santi hoti, 14.api aññathā santi hoti, 15.bhivissanti hoti, 16.itthaṃ bhavissanti hoti, 17.evaṃ bhavissanti hoti, 18.aññathā bhavissanti hoti:1. tôi hiện hữu, 2. tôi hiện hữu ở đây, 3. tôi hiện hữu như vầy, 4. tôi hiện hữu khác vầy, 5. tôi không thường hằng, 6. tôi thường hằng, 7. tôi đang tồn tại, 8. tôi đang tồn tại ở đây, 9. tôi đang tồn tại như vầy, 10. tôi đang tồn tại khác như vầy, 11. ước gì tôi đang tồn tại, 12. ước gì tôi đang tồn tại ở đây, 13. ước gì tôi đang tồn tại như vầy, 14. ước gì tôi đang tồn tại như thế khác, 15. tôi sẽ hiện hữu, 16. tôi sẽ hiện hữu ở đây, 17. tôi sẽ hiện hữu như vầy, 18. tôi sẽ hiện hữu như thế khác.

[71].Pāli:imināsmī ti sati, iminā itthasmī ti hoti, iminā evaṃsmī ti hoti:vớinhữngcáinàytôihiện hữu; với những cái này tôi tồn tại ở đây; với những cái này tôi như vầy...

[72].A.4.200. Pema.

[73]. Pāli: cattāri pemāni, bốn sự luyến ái.

[74].Pāli:puggalo puggalassa iṭṭho hoti,mộtngườinàylàkhảáiđốivớimọâtngườikia.

[75].Pāli:yo kho myāyaṃ puggalo iṭṭho… taṃ pare iṭṭhena… samudācaranti,ngườimàđốivớita là khả ái, người ấy được mọi người đối xử một cách khả ái.

[76]. Nhảy sót trong bản Hán. Theo văn mạch các đoạn trên, cần thêm: “Nó nghĩ như vầy: Ta đối với chúng sanh kia là không hoan hỷ... Những người khác đối với chúng sanh kia cũng không hoan hỷ... Do đó, Ta...”.

[77].Tứclà,sanháiniệmđốivớinhữngaikhôngưangườimàmìnhkhôngưa.

[78].Hán: bất hoàn cử不還舉. BảnHánthiếu.Theovăndướibổtúc.

[79].Hán: bất tự cử, bất khởi trần, bất xí nhiên, bất hiềm bỉ 不自舉不起塵不熾然不嫌彼. Pāli: neva usseneti na paṭisseneti na dhūpāyati na pajjati na sampajjhāyati: không bị lôi cuốn, không bị kháng cự, không bị xông khói, không bốc cháy, không khô cằn.

[80].Xem kinh 984 trên.

[81].Pāli:asmimāno pahīno na hoti,không đoạn trừ phức cảm (mạn) về ý tưởng “Tôi hiện hữu”.

[82].Không thấy Pāli tương đương.

[83].Không thấy Pāli tương đương.

[84].Nguyên Hán sót phủ định từ. Theo nội dung, thêm vào.

[85].Pāli, S.40.10. Sakka.

[86].Cách giới sơn隔界山.

[87].Cf.Cūḷa-Taṅhāsaṅkhaya-sutta, M. i. 249:taṅhāsaṅkhayavimutto hoti accântniṭṭho accantayogakkhemī accantabrahmacārī accantapariyosāno seṭṭho devamanussānan ti: vị ấy giải thoát với khát ái đã tận diệt, đã tận cùng mục đích cứu cánh, tuyệt đối an ổn thoát khỏi gông cùm, tuyệt đối phạm hạnh, tuyệt đối viên mãn, tối thượng giữa chư Thiên và Nhân loại.

[88].Thamchiếukinh 988 trên.Cf.M.i.320 (Cūḷa-Taṅhāsaṅkhaya-sutta).

[89].Pāli, A.10.75. Migasālā.

[90].Lộc Trụ Ưu-bà-di鹿住優婆夷. Pāli: Migasālā upāsikā.

[91].Phú-lan-na富蘭那. Pāli: Pūraṇa.

[92].Hán:phàmbỉ凡鄙. Pāli: ārācārī virato methunā gāmadhammā,làngườiẩndật,sốngxalánhcác pháp dâm dục thấp hèn.

[93].Lê-sư-đạt-đa梨師達多. Pāli: Isidatta.

[94].Pāli: dasayime … puggalā santo saṃvijjamānā lokasmim, có mười hạng người này hiện diện trong thế gian.

[95].Phạm giới 犯戒. Pāli: dussīla, ác giới.

[96].Hán: trạo động động 掉動, hay trạo cử. Pāli: uddhata.

[97].Khổ tham 苦貪 . Pāli: tibbaāgo, ham muốn rất kịch liệt.

[98].Pāli, A. 6.44. Migasālā.

[99].Thích thị Di thành Lưu-lợi ấp 釋氏彌城留利邑.

[100].Pāli, A.2.4.4. Dakkhiṇeyyā. Biệt dịch, №26(127).


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567