Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Phẩm Định Huệ

11/08/201110:14(Xem: 3174)
4. Phẩm Định Huệ

PHÁP BẢO ĐÀN KINH
Minh Trực Thiền Sư Việt dịch

4. Phẩm Định Huệ
(Nói về pháp Thiền Định và Trí Huệ)

Đại Sư bảo chúng rằng: “Chư Thiện tri thức, pháp môn ta đây lấy Định Huệ làm căn bổn. Đại chúng chớ mê lầm mà nói Định với Huệ là khác nhau. Định và Huệ chỉ là một thể, chẳng phải hai. Định là cái thể của Huệ, Huệ là cái dụng của Định, tức là lúc Huệ thì Định ở trong Huệ, lúc Định thì Huệ ở trong Định. Nếu biết cái nghĩa ấy, thì Định và Huệ đều phải học.

Các người học Đạo chớ nói rằng trước Định rồi mới phát Huệ, trước Huệ rồi mới sanh Định, mà phân biệt Định với Huệ là khác nhau. Nếu thấy hiểu như thế, là pháp có hai tướng. Miệng nói lời lành mà trong lòng chẳng lành, nói khống rằng có Định Huệ mà Định Huệ chẳng đồng một thể. Nếu lòng và miệng đều lành, trong ngoài như một, thì Định và Huệ tức đồng nhau. Pháp tự ngộ tu hành chẳng phải tại chỗ tranh. Nếu tranh chỗ trước sau, tức đồng với người mê. Chẳng dứt lòng phân hơn thua, thì quả nhiên làm lớn thêm lòng chấp ngã, chấp pháp, mà không lìa khỏi bốn tướng (Ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng.)

Chư Thiện tri thức, Định và Huệ giống như vật gì? Giống như cái đèn và cái ánh sáng. Có đèn tức là sáng, không đèn tức là tối. Đèn là cái thể của ánh sáng, ánh sáng là cái dụng của đèn. Tên tuy có hai, mà thể vốn có một. Pháp Định Huệ này cũng giống như thế. “

Sư bảo chúng rằng: “Chư Thiện tri thức, chuyên ròng một hạnh Chánh Định nghĩa là trong cả thảy chỗ đi, đứng, ngồi, nằm, thường giữ một lòng ngay thẳng. Kinh Tịnh Danh nói: “Lòng ngay thẳng là Đạo Tràng. Lòng ngay thẳng là Tịnh Độ.” Đừng lòng tưởng điều tà vạy mà miệng nói điều ngay thẳng. ừng miệng nói chuyên ròng một hạnh Chánh Định, mà chẳng giữ lòng ngay thẳng. Nếu giữ lòng ngay thẳng thì đối với cả thảy các pháp, tâm đừng chấp trước. Người mê chấp trước pháp tướng, chấp một hạnh Chánh Định, nói rằng thường ngồi chẳng động, dối rằng lòng không sanh niệm tưởng, gọi đó là một hạnh Chánh Định. Nếu hiểu như thế, tức là đồng với loài vô tình. Quả thật là cái duyên cớ cản ngăn cái Đạo vậy.

Chư Thiện tri thức, Đạo phải là thông lưu, sao lại làm cho nó ngưng trệ. Tâm không trụ pháp, thì Đạo thông lưu. Còn tâm trụ pháp, ấy là mình trói lấy mình. Bằng nói rằng thường ngồi chẳng động, thì cũng như Xá Lợi Phất ngồi im lặng trong rừng mà bị Duy Ma Cật quở vậy.

Chư Thiện tri thức, lại có người dạy ngồi xem cái tâm, quán tưởng tâm cảnh vắng lặng, ngồi yên chẳng dậy, bảo y theo đó mà lập công phu. Người mê chẳng hiểu, cố chấp làm theo, rồi thành điên dại. Số người lầm như thế chẳng phải là ít. Truyền dạy nhau như vậy, thiệt là lầm to !”

Sư bảo chúng rằng: “Chư Thiện tri thức, cái chánh giáo xưa nay không có mau chậm, chỉ tánh người có sáng tối mà thôi. Người tối thì tu tập lần lần, người sáng thì thức tỉnh tức khắc, tự mình biết Bổn Tâm, tự mình thấy Bổn Tánh. Thế thì, không có chỗ gì sai khác. Vì chỗ sáng tối chẳng đồng sở dĩ mới lập ra cái giả danh mau chậm.

Chư Thiện tri thức, pháp môn của ta đây từ trên truyền xuống, trước hết lập Không Niệm (Vô Niệm) làm tông, Không Tướng (Vô Tướng) làm thể, Không Trụ (Vô Trụ) làm gốc. Không niệm nghĩa là trong khi niệm, lòng không động niệm. Không tướng nghĩa là đối với sắc tướng, lòng lìa sắc tướng. Không trụ có nghĩa là đối với các điều lành dữ, tốt xấu ở thế gian, cùng với kẻ thù, người thân, đối với lúc nghe các lời xúc pham, châm chích, khinh khi, tranh đấu, Bổn tánh con người xem cả thảy như không không, chẳng nghĩ đến việc đền ơn trả oán. Trong niệm niệm lòng không nghĩ đến các cảnh mình đã gặp trước. Nếu niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm nối tiếp nhau chẳng dứt, thì gọi là bị buộc ràng. Đối với các pháp, niệm niệm lòng không trụ vào đâu thì khỏi bị buộc ràng. Ấy là lấy Không Trụ làm Gốc.

Chư Thiện tri thức, ngoài lìa cả thảy các sắc tướng, gọi Không Tướng. Đối với các sắc tướng mà tâm lìa được, thì cái thể của các pháp tự nhiên thanh tịnh. Ấy là Không Tướng làm Thể.

Chư Thiện tri thức, đối với các cảnh mà tâm chẳng nhiễm gọi là không niệm. Trong các niệm tưởng của mình, tâm thường lìa cảnh, chẳng vì đối cảnh mà sanh tâm. Bằng đối với trăm việc, tâm chẳng nghĩ đến, các niệm tưởng đều bỏ hết, và nếu một niệm dứt tuyệt, thì chết liền và phải chịu đầu sanh nơi khác. Ấy là một điều lầm to, người học Đạo khá suy nghĩ lấy đó. Nếu chẳng biết cái ý chỉ của pháp, tự mình lầm còn khá, sợ e lại khuyên dạy người khác. Tự mình mê mà chẳng thấy, lại còn nhạo báng kinh Phật. Bởi vậy mới lập Không Niệm làm Tông.

Chư Thiện tri thức, sao gọi lập Không Niệm làm tông? Chỉ vì người mê, miệng nói thấy tánh, mà đối cảnh tâm còn vọng niệm, trong chỗ vọng niệm, lại khởi tà kiến. Cho nên cả thảy các sự trần lao vọng tưởng đều do đó mà sanh ra. Bổn tánh mình vốn không có một pháp gì mà tìm được. Nếu có cái chỉ tìm được trong tánh mình, mà nói dối là họa phước, thì cái ấy là trần lao tà kiến. Cho nên, pháp môn này lập Không Niệm làm Tông.

Chư Thiện tri thức, Không là không sự gì? Niệm là niệm vật chi? Không nghĩa là không chấp hai tướng, không có lòng phiền não. Niệm, nghĩa là niệm cái Chơn Như Bổn Tánh. Chơn Như tức là cái Thể của niệm, niệm tức là cái dụng của Chơn Như. Tánh Chơn Như của mình khởi niệm, chớ chẳng phải con mắt, lỗ tai, lỗ mũi, cái lưỡi mà niệm được. Cái Chơn Như có tánh, sở dĩ mới sanh ra niệm tưởng. Nếu như cái Chơn Như ấy không có, thì mắt, tai, màu, tiếng, đương lúc ấy liền hư hoại.

Chư Thiện tri thức, tánh Chơn Như của mình khởi niệm, thì sáu căn tuy có thấy nghe, biết hiểu, mà chẳng nhiễm muôn cảnh. Bởi thế nên Chơn Tánh của mình bao giờ cũng tự tại. Cho nên kinh nói: “Phân biệt đặng các pháp tướng một cách tường tận chi lý, mà cái tánh Thanh Tịnh Niết Bàn chẳng động.”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]