KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐÀ RA NI
* Bắc Lương, Sa-môn Pháp Chúng ở quận Cao Xương dịch từ Phạn ra Hán
* Sa-môn Thích Viên Đức dịch thành Việt văn
Quyển bốn
Phần bốn: Hộ giới
Bấy giờ Văn-thù-sư-lợi liền từ tòa đứng dậy, trịch vai áo bên hữu, gối hữu sát đất, bạch đức Phật rằng: “Kính thưa đức Thế tôn, sau khi Thế tôn qua đời, nếu có Tỳ-khưu hủy phạm bốn trọng giới, hoặc Tỳ-khưu-ni hủy phạm tám trọng giới; nếu có Bồ-tát hoặc Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di hủy phạm các giới tương ứng, khi đã phạm trọng tội rồi thì làm sao mà diệt?”
Phật dạy: “Than ôi, lành thay, Văn-thù-sư-lợi hay thưa hỏi những việc như thế! Lòng từ bi của ông quá thù thắng nên mới phát hỏi lời ấy! Nếu ông không hỏi, ta trọn không nói việc Tỳ-khưu trong đời ác đã hủy phạm giới. Lành thay, lành thay, Văn-thù-sư-lợi! Ông nay lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói. Sau khi ta qua đời, nếu có ác luật nghi Tỳ-khưu hủy phạm tứ trọng giới và cứ mặc nhiên thọ sự cúng dường của đàn việt mà không biết cải hối, phải biết Tỳ-khưu đó chắc chắn phải đoạ địa ngục thọ khổ không chút nghi ngờ. Ta nay sẽ ban cho món lương dược để cứu vớt vị Tỳ-khưu trọng bịnh, sau khi ta qua đời, hủy phạm bốn trọng cấm xấu hổ không phát lồ. Ông nay lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói:
Ly bà ly bà đế Cừu ha cừu ha đế Đà la ly đế Ni ha la đế Tỳ ma ly đế Sa ha.
Văn-thù-sư-lợi, đà-ra-ni này là quá khứ thất Phật đã tuyên nói. Chữ “thất” này không thể đếm cũng không thể tính, nói đà-ra-ni này cứu nhiếp chúng sanh. Hiện tại mười phương không thể tính, không thể đếm thất Phật cũng tuyên nói đà-ra-ni này cứu nhiếp chúng sanh. Vị lai mười phương không thể tính, không thể đếm thất Phật cũng tuyên nói đà-ra-ni này cứu nhiếp chúng sanh. Ông nay thỉnh hỏi nghĩa đà-ra-ni, ta đã nói xong. Ông hãy đem kinh đà-ra-ni này cứu nhiếp luật nghi Tỳ-khưu ở đời ác sau này, khiến cho họ kiên cố trụ thanh tịnh địa.
Thiện nam tử, Tỳ-khưu nào hủy phạm tứ trọng cấm thì phải chí tâm nhớ niệm kinh đà-ra-ni này, tụng 1.400 biến. Tụng 1.400 biến xong rồi mới một lần sám hối, thỉnh một vị Tỳ-khưu vì mình làm chứng nhơn, nơi trước hình tượng mà tự bày tỏ tội lỗi mình. Như thế lần lượt trải qua 87 ngày cần mẫn sám hối rồi, mà các giới căn không hoàn sanh, thì không có lý đó. Người kia cần mẫn sám hối trong 87 ngày xong, nếu không kiên cố tâm Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác, thì cũng không có lý đó.
Lại nữa Văn-thù-sư-lợi, làm thế nào biết được giới đã thanh tịnh? Nếu trong mộng thấy có sư trưởng lấy tay xoa đầu mình, hoặc cha mẹ, Bà-la-môn, kẻ kỳ cựu có đức, dạng người như vậy, hoặc cho ẩm thực, y phục, ngọa cụ, thang dược, thì biết mình được an trụ giới thanh tịnh. Nếu thấy được mỗi mỗi tướng như vừa kể, nên nói cho thầy biết như pháp diệt tội như vậy.
Lại nữa thiện nam tử, trường hợp Tỳ-khưu-ni hủy phạm tám trọng cấm, nếu muốn diệt tội thì phải thỉnh một Tỳ-khưu biết rõ luật trong ngoài, rồi trình bày tội lỗi cho Tỳ-khưu nghe, nghe xong Tỳ-khưu nên như pháp mà dạy nội ngoại luật như thế này:
A lệ ly bà kỳ la đế La đế bà Ma la đế A ma la đế Sa ha.
Thiện nam tử, nếu như pháp thọ trì đọc tụng đà-ra-ni này 97 ngày, mỗi ngày tụng 49 biến rồi sám hối một lượt, theo thầy tu hành, thì không có lý nào mà không diệt trừ được ác nghiệp.
Thiện nam tử, nếu ông không tin, ta nay vì ông lược nói: ta xưa vì duyên ngu hạnh nghiệp nhơn, cho nên mười phương hư không pháp giới và cõi đất lớn, núi sông, rừng cây, nghiền nát hết làm bột, nhỏ như vi trần còn có thể đếm biết được, trừ hết thảy chư Phật ra, không người nào có thể biết ta đã phạm giới. Mười phương vô biên, ta đã phạm giới cũng lại vô biên. Vi trần vô số, ta đã phạm giới cũng lại vô số. Chúng sanh vô biên, ta đã phạm giới cũng lại vô biên. Phương tiện vô biên, ta đã phạm giới cũng lại vô biên. Pháp tánh vô biên, ta đã phạm giới cũng lại vô biên.
Thiện nam tử, ta quán xét hết thảy nghiệp như vậy lại càng lo sợ. Trên đến Bồ-tát, dưới đến Thanh văn, không ai có thể cứu ta thoát những khổ báo. Suy nghĩ như vậy rồi, ta liền đi tìm cầu Kinh điển đà-ra-ni này. Tìm cầu được rồi, ta tu hành 97 ngày, mỗi ngày đọc tụng 49 biến, nghe trong hư không có tiếng nói rằng: “Lành thay, lành thay thiện nam tử, mới hay tìm cầu Kinh điển đà-ra-ni này!” Nghe xong ta nhìn xem bốn phương, thấy có hàng hàng chư Phật hiện tiền, mỗi mỗi chư Phật đưa tay xoa đầu ta, nghe ta hối lỗi. Thiện nam tử, vì nhơn duyên đó, sau khi ta qua đời, nếu có Tỳ-khưu-ni phạm tám trọng cấm, nên phải tìm đến Kinh điển đà-ra-ni này mà đọc tụng tu hành. Nếu trong mộng thấy những việc như trên, phải biết Tỳ-khưu-ni kia đã an trụ thanh tịnh địa, đầy đủ thanh tịnh giới.
Lại nữa thiện nam tử, nếu có Bồ-tát thọ tám trọng cấm rồi sau hủy phạm, ôm lòng cuồng loạn, muốn tự ăn năn trình bày tội lỗi mà không có chỗ quy thú, không thể diệt tội. Những tội lỗi như thế Tăng đem hòa hợp mang ra tẩn xuất nên quá lo sợ. Kẻ có lỗi nên ở trong một tịnh thất, dọn quét trong ngoài cho thật sạch sẽ, thỉnh một Tỳ-khưu thông suốt luật nghi trong ngoài, ở trước vị ấy trình bày lỗi lầm và nói như thế này: “Tăng nay ruồng đuổi, tôi đến nơi đây, tôi nay thỉnh Thầy cũng đến nơi đây, xin Thầy giáo hóa pháp tịnh luật.”
Bà la lệ Cừu na la lệ A na la lệ Kỳ na la lệ Già na lệ A lệ na lệ A đế na lệ A đế na lệ Sa ha.
Thiện nam tử, đà-ra-ni này là chỗ hộ trì của ba đời chư Phật, cũng là bí tạng của ba đời chư Phật. Thiện nam tử, xưa ta chưa nói, nay đã nói. Xưa ta chưa làm, nay đã làm. Xưa chưa từng nghe, nay đã nghe, mở ba nhơn phương tiện này đã xong, khiến cho chúng sanh gặp ba nhơn phương tiện này mà mau ra khỏi tam giới như mù được thấy mặt trời, như con trẻ được mẹ, như chim ra khỏi trứng, như người đói được ăn, như kẻ bị trói được mở, như người lạnh được lửa, như kẻ trần truồng được áo mặc, như kẻ mê được gặp người dẫn đường, như người khát được nước.
Thiện nam tử, pháp vị này của ta lại cũng như vậy. Nếu trụ ở đời lâu một kiếp, hoặc bớt đi một kiếp vì các chúng sanh thọ trì đọc tụng, giải nói nghĩa ấy, vì kẻ ngu si mà nói, phải biết người đó như ta không khác, trụ nơi thanh tịnh địa. Vậy người ấy nên sanh tâm khó gặp, tự mình trình bày tội lỗi, thì không có lý gì mà trọng tội không diệt.”
Văn-thù-sư-lợi bạch Phật rằng: “Kính thưa Thế tôn, đà-ra-ni này nên đọc tụng bao nhiêu biến? Tu hành bao nhiêu ngày mới chấm dứt?”
Phật dạy: “Thiện nam tử, đà-ra-ni này nên tụng 600 biến mới sám hối một lần. Khi sám hối, nên thỉnh một vị Tỳ-khưu đứng trước mặt, mình tự trình bày tội lỗi cho vị ấy nghe, như vậy lần lượt trải qua 67 ngày, đến khi thấy được các mộng tướng kể trên. Nếu được như vậy thì biết là Bồ-tát đã trụ thanh tịnh địa, đầy đủ thanh tịnh giới.
Lại nữa thiện nam tử, nếu Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di hủy phạm các cấm giới, cũng nên thỉnh một Tỳ-khưu biết rõ luật nghi trong ngoài, mình ở trước tôn tượng hoặc tôn kinh Bát-nhã, tự trình bày tội lỗi cho Tỳ-khưu nghe, Tỳ-khưu này nên dạy cho họ pháp tịnh luật:
Luật già la đế Mộ già la đế A đế ma la đế Uùc già la đế Bà la đế Bà tòa la yết đế Tòa la yết đế Đậu la xa yết đế Tỳ xa yết đế Ly bà yết đế Bà la lệ a lệ Kỳ la lệ a lệ Tỳ la lệ a lệ Kỳ lan lệ a lệ Đề lan lệ a lệ Tỳ la a lệ Sa ha.
Thiện nam tử, ta vì thương xót tất cả chúng sanh nên nói đà-ra-ni này. Nếu có hạ liệt Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cũng nên thọ trì đọc tụng đà-ra-ni này, tụng 400 biến mới sám hối một lượt, lần lượt như vậy trải qua 47 ngày, tự mình trình bày tất cả tội lỗi cho vị Tỳ-khưu nghe rõ. Xong hết 47 ngày, nếu thấy những điềm mộng như trên đã kể, thì biết Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kia đã trụ thanh tịnh địa, đủ thanh tịnh giới.”
Bấy giờ Văn-thù-sư-lợi và 500 đại đệ tử, tâm có chút ít nghi. Phật biết ý liền dạy rằng: “Như các ông đã nghĩ, kẻ hành giả nên tu năm việc trì các giới tánh, nghĩa là:
1. Không phạm đà-ra-ni nghĩa;
2. Không báng Phương Đẳng kinh;
3. Không thấy lỗi của kẻ khác;
4. Không tán khen Đại thừa mà hủy báng Tiểu thừa;
5. Không rời bạn lành.
Thường nói với chúng sanh năm diệu hạnh như vậy, ấy là hành giả nghiệp không phạm giới tánh.
Lại nữa thiện nam tử, khi được mộng lành thì không được nói cảnh giới đó ra, cũng không được nói mình đã tu hành tốt xấu như thế nào. Ngày ngày nên ba thời dùng hương thơm thoa đất, sái quét sạch sẽ, cũng nên mỗi ngày tụng một biến, mỗi ngày sám hối một lần. Năm việc như thế để cho kẻ hành giả nghiệp không phạm giới tánh.
Thiện nam tử, lại có năm việc nữa:
1. Tỳ-khưu nào tu hành pháp này không được cùng bạch y[6] cúng tế quỷ thần;
2. Cũng không được khinh quỷ thần;
3. Cũng lại không được phá miếu thờ quỷ thần;
4. Giả sử có người cúng tế quỷ thần cũng không được khinh;
5. Cũng không được qua lại với người ấy.
Năm việc như vậy là nghiệp hạnh của kẻ tu hành hộ giới cảnh giới.
Thiện nam tử, lại còn năm việc nữa:
1. Không được qua lại nhà của người phỉ báng kinh Phương Đẳng;
2. Không được qua lại với Tỳ-khưu phá giới;
3. Cũng không được qua lại nhà của Ưu-bà-tắc phá ngũ giới;
4. Không được qua lại nhà của kẻ thợ săn;
5. Không được qua lại với người nào thường nói lỗi của Tỳ-khưu.
Năm việc như vậy là nghiệp hạnh của kẻ tu hành hộ giới cảnh giới.
Thiện nam tử, lại còn năm việc nữa:
1. Không được qua lại nhà của người làm nghề lột da thú;
2. Không được qua lại nhà người nhuộm chàm;
3. Không được qua lại nhà người nuôi tằm;
4. Không được qua lại nhà người ép dầu;
5. Không được qua lại nhà người đào chuột.
Năm việc như vậy là nghiệp hạnh của kẻ tu hành hộ giới cảnh giới.
Thiện nam tử, lại còn năm việc nữa:
1. Không được qua lại nhà kẻ cướp;
2. Không được qua lại nhà người trộm cắp;
3. Không được qua lại nhà người thiêu Tăng phòng;
4. Không được qua lại nhà người trộm cắp của chúng Tăng;
5. Không được qua lại nhà người chỉ trộm lấy vật của một Tỳ-khưu.
Năm việc như vậy là nghiệp hạnh của kẻ tu hành hộ giới cảnh giới.
Thiện nam tử, lại còn năm việc nữa:
1. Không được qua lại nhà người nuôi heo, dê, gà, chó;
2. Không được qua lại nhà người xem sao, thiên văn;
3. Không được qua lại nhà kẻ dâm nữ;
4. Không được qua lại nhà góa phụ;
5. Không được qua lại nhà người nấu rượu.
Năm việc như vậy là nghiệp hạnh của kẻ tu hành hộ giới cảnh giới.
Thiện nam tử, bảy khoa năm việc như trên, người tu hành nên hiểu rõ, quán sát tận nguồn gốc, nhiên hậu xa lìa. Các việc khác cũng lại như thế.
Lại nữa thiện nam tử, có hai hạng người tu hành: xuất thế tu hành và tại thế tu hành. Người xuất thế tu hành, ta không cấm những việc như trên, nhưng ta lại cấm đối với người tại thế tu hành. Vì sao? Thí như con trẻ khi mới biết đi, bà mẹ giữ gìn không cho đi xa. Giả sử đi xa hoặc bị dứt sữa mà chết, hoặc rớt trong nước mà chết, hoặc cọp beo, sư tử ăn thịt, hoặc bị các chim hung tợn làm thương tổn. Trẻ con như vậy, mẹ thường giữ gìn không để bị hại, để sau này lớn lên, nó ra làm thì mới chắc chắn thành tựu.
Thiện nam tử, ta cũng lại như thế, là mẹ của tất cả. Hết thảy chúng sanh tức là con ta, thường hộ trợ họ để không gặp hoạnh, mau ra ba cõi mới có thể làm xong. Nếu không ngăn giữ các con như vậy thì làm thế nào được Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác, như người mẹ kia không ngăn con thì làm thế nào con có thể khôn lớn trưởng thành?
Lại nữa thiện nam tử, nếu các đệ tử của ta thấy những người ác luật nghi không lành như trên, xem tướng tốt xấu, buôn bán đổi chác nuôi sống, một hạng không đúng đắn làm các việc ác, xả bỏ pháp của ta mà đi tham đắm các ác luật nghi, sau rồi mạng chung chịu vô lượng khổ. Ta thấy như vậy sanh tâm thương xót, vì các chúng sanh bày những phương tiện, để cho chúng sanh nương vào đấy mà ra ba cõi khổ, được vui cứu cánh. Vì vậy ta nay bày nhiều phương tiện cứu nhiếp chúng sanh khiến được cứu cánh tịch diệt Niết-bàn.”
Bấy giờ Văn-thù-sư-lợi và 500 đại đệ tử, vô lượng đại chúng hoan hỉ phụng hành.
Phần năm: Bất tư nghì liên hoa
Bấy giờ tại rừng Kỳ-đà có vô lượng ức thiên na-do-tha đại chúng, có hoa sen báu từ đất vọt lên cao mười cây đa-la. Hoa ấy có 80 vạn Hằng hà sa lớp, mỗi lớp có một đức Phật cũng vô lượng đại chúng trước sau đoanh vây vi nhiễu mà nói nghĩa đà-ra-ni, như vậy thứ lớp 80 vạn Hằng hà sa chư Phật đều nói nghĩa đà-ra-ni. Trong hoa phóng ra đại quang minh soi khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Lúc đó đại chúng thấy việc này rồi đắc điều chưa từng có, không biết vì nhơn duyên gì mà tướng ấy hiện ra. Đại chúng đều khởi nghi rằng “Đức Như lai vì duyên gì thị hiện diệu bảo liên hoa như vậy? Trong ấy chư Phật nói diệu Pháp tạng. Nay chúng ta sẽ hỏi ai về các tướng này?”
Bấy giờ Văn-thù-sư-lợi biết niềm nghi của đại chúng, liền từ tòa đứng dậy, trịch vai áo bên hữu, gối hữu sát đất, bạch đức Phật rằng: “Kính thưa Thế tôn, tâm của năm trăm đại đệ tử và tất cả đại chúng đang có nghi hoặc, con cũng chưa rõ hoa này gọi là gì, vì duyên gì mà thoạt qua đến đây? Hoa này không thể nghĩ bàn, lại còn có chư Phật ở trong đó cùng vô lượng đại chúng nói diệu Pháp tạng, việc này không thể nghĩ bàn. Lại có hào quang chiếu sáng khắp mười phương vi trần thế giới, việc này cũng không thể nghĩ bàn. Hoa này lại có 32 món vi diệu trang nghiêm cũng không thể nghĩ bàn. Hoa này có bốn điều không thể nghĩ bàn như vậy. Hoa này gọi là gì? Lớp số chư Phật quang minh trong đó từ phương nào thoạt nhiên đến đây? Vì nhơn duyên gì mà hiện tướng ấy?”
Bấy giờ Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: “thiện nam tử, hoa này gọi là Ưu-đàm-bát-la-la-xà[7] , chư Phật trong ấy đều đồng tên Thích-ca Mâu-ni. Ta đã từ lâu thường cúng dường hết thảy chư Phật ấy, nơi các ngài đã thâm nhập pháp tánh. Đại chúng các ông cũng nên cúng dường.”
Lúc bấy giờ đại chúng liền từ tòa đứng dậy, mỗi mỗi đều đến dâng hoa cúng dường chư Phật, đến rồi đầu mặt lễ chân. Cúng dường hoa xong, chiêm ngưỡng chư Phật mắt không tạm rời.
Bấy giờ Xá-lợi-phất nghĩ muốn cúng dường những Phật ấy, liền dùng thần thông nhiễu quanh hoa vương kia trải qua 87 ngày, nhưng trăm ngàn vạn phần không được chu khắp một. Xá-lợi-phất liền lớn tiếng gào khóc, đi bộ mà trở lại, đến trong đại chúng mà bạch đức Phật rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc con mất hết thần thông. Vì sao vậy? Hướng cùng vô lượng đại chúng qua đến chỗ Phật, nghĩ muốn cúng dường những vị Phật kia, con liền dùng thần thông muốn tuần hành xem khắp hoa này, trải qua 87 ngày nhưng trăm ngàn vạn phần không chu khắp được một. Vì nhơn duyên ấy, con nay cho rằng đã mất thần thông, không còn nghi ngờ gì nữa!”
Bấy giờ Phật dạy Xá-lợi-phất: “Giả sử chim bay nhanh hơn điển quang trăm ngàn vạn bội, có A-la-hán lại còn nhanh hơn vậy trăm ngàn vạn bội, lại có Bồ-tát còn hơn ức bội, lại có Bồ-tát còn quá hơn vạn vạn bội. Giả sử (có bay) trăm ngàn vạn ức kiếp cũng còn không chu khắp, huống gì 87 ngày mà ông có thể bay khắp được ư? Hỡi thiện nam tử, ông không mất thần thông đâu! Thí như có hạt muối lớn như vi trần, muối này thế gian cho là mặn, lại không hơn ta, kẻ trí ở thế gian liền đem quăng trong biển lớn, dẫu mất thân ấy, cái muối mặn ở tại chỗ nào? Các ông Thanh văn cũng lại như thế, thần thông lớn nhỏ như muối kia vậy, pháp vị nhiều ít như vị mặn kia, làm thế nào muốn biết biên giới của hoa này?”
Bấy giờ đức Thế tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến chỗ liên hoa, lấy hoa cúng dường hết thảy chư Phật kia. Hoa cúng dường rồi, liền nói đà-ra-ni rằng:
Bà ha la đế Bà đế la Tỳ lưu lại đa kỳ kha đế sa Kha kha kha lê kha điệt trĩ tất Tát bồ ê a ê bồ ê kha Uất kha xà ê Phục xà ê xà Bồ ê xà ê Tất xà ê A nâu xà ê A nâu xà ê ê xà Phục xà ê ê xà Bồ xà ê ê xà Phục xà ê ê xà Phục xà hiếp phục xà Bồ xà ê ê xà Đáo trĩ Sa ha .
Bấy giờ chư Phật nói đà-ra-ni xong, đức Thế tôn liền từ tòa đứng dậy, nói với chư Phật rằng: “Nay kinh Đại Phương Đẳng đà-ra-ni này sẽ phải giao phó cho ai?”
Bấy giờ trong hội có 80 vạn Hằng hà sa Pháp thân Đại sĩ liền từ tòa đứng dậy, chắp tay cung kính bạch đức Phật rằng: ”Kính thưa Thế tôn, cho dù Phật còn ở đời hay đã qua đời, kể từ ngày hôm nay chúng con nguyện nếu có kẻ trai lành, người gái tín nào hay tu hành giải nghĩa Kinh này, hoặc là thành ấp tụ lạc, tịnh xứ hay chốn núi non rừng thẳm, hoặc nơi thọ hạ chỗ thần tiên trú ngụ mà có tu hành giải nghĩa Kinh này, chúng con 80 vạn Hằng hà sa Bồ-tát quyết tới chỗ đó để ủng hộ người tu hành khiến không gặp hoạnh nạn, thân không mỏi mệt, thường được sắc lực danh dự, cùng những việc lợi ích khác. Người tu hành đi đến chỗ nào thì hàng Bồ-tát chúng con đều xây dựng các cung điện, bày những món ẩm thực, tùy ý cung cấp khiến không thiếu thốn, chúng con vì đà-ra-ni này nên cung cấp như vậy khiến cho người tu hành không mất tâm thượng diệu.”
Bấy giờ chư Phật nói với chư Bồ-tát: “Lành thay, lành thay! Đã trụ lâu nơi cõi Ta-bà thế giới, hay thọ trì Kinh điển đà-ra-ni, và còn cúng dường cho người trì Kinh điển này, tức là cúng dường mười phương chư Phật. Các ông không lâu sẽ được Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác. Vì sao vậy? Vì kinh này có vô lượng oai thần lực. Các ông thọ trì kinh này có vô lượng phương tiện, các ông thọ trì kinh này có vô lượng từ bi, các ông thọ trì kinh này có vô lượng thần thông, các ông thọ trì kinh này có vô lượng thần lực như vậy thì làm thế nào mà không thành Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác?”
Bấy giờ chư Phật dạy các Bồ-tát: “Thiện nam tử, cho dù chư Phật còn ở đời hay đã qua đời, nếu có chúng sanh đến từng vị Bồ-tát trong số các ông, nếu có hỏi phải làm thế nào để trước đắc Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác, thì các ông nên chỉ bày là hãy tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào trước hết được vào môn tổng trì đà-ra-ni, thì các ông nên chỉ bày là hãy tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi làm thế nào hay biết được việc trang nghiêm của mười phương thế giới, thì các ông nên chỉ bày là hãy tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi là người nào sẽ sanh trang nghiêm thế giới, thì các ông nên chỉ là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi là người nào đời sau sẽ làm Chuyển Luân Vương, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào đời đương lai hay rộng làm giáo hóa chúng sanh khiến trụ tâm bền chắc nơi đạo Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào đời đương lai được chư Phật khen ngợi, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào hay biết mười phương thế giới có biên giới hay không biên giới, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào hay xa lìa được lục tặc, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào hay xa lìa các giặc phiền não, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào hay xa lìa được thập nhị thực, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào hay xa lìa được thập triền, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào hay xa lìa được ba món ăn ngọt, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào hay xa lìa độc hại, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào hay xa lìa bốn độc, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào hay xa lìa kẻ một phen lừa dối người thân, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào hay xa lìa ác tri thức ở đời, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào không bị ba ái lôi kéo, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào có thể ở đời này hay đời mai sau không hủy báng kinh Phương Đẳng, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào hay biết mười phương thế giới có bao nhiêu chúng sanh phát Bồ-đề tâm, bao nhiêu chúng sanh phát Thanh văn và Duyên giác tâm, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào hay phân biệt tiếng thuyết Pháp của mười phương chư Phật, tiếng Duyên giác, tiếng Thanh văn, tiếng Cụ trụ Bồ-tát, tiếng Bất cụ trụ Bồ-tát, tiếng Chuyển Luân Vương, tiếng chư Thiên, tiếng Bà-la-môn, tiếng đại thần, tiếng giàu, tiếng nghèo, tiếng vui, tiếng khổ, tiếng Dạ-xoa, tiếng ngạ quỷ, tiếng địa ngục, tiếng súc sanh, tiếng kiếp số khổ báo, tiếng phi kiếp số khổ báo, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này. Hoặc có hỏi người nào hay phân biệt được các mùi hương thơm trong thế gian, hương hải chử bỉ ngạn, hương đa-ma-la-già, hương tần-bà-già-la-bà, hương bà-thủ-già-la, hương huân-lục-già, hương tô-mạn-đà, hương bà-sư-già, hương thoa, hương bột, hương kê thiệt, hương trầm thủy, hương thường tại thế, hương phi thường tại thế, hương Phật Bồ-đề, hương Bồ-tát cứu cánh, hương Thanh văn phân đoạn, hương Duyên giác căn tế, hương sơ quả nhơn, hương phi sơ quả nhơn, hương cứu cánh Niết-bàn, hương phi cứu cánh Niết-bàn, hương phần tế, hương phi phần tế, hương Chuyển Luân Vương, hương Lật Tán Vương, hương đại thần, hương Bà-la-môn, hương cư sĩ, hương đồng nam, hương đồng nữ, hương phi đồng nam đồng nữ, hương địa ngục ngạ quỷ súc sanh, hương thập phương thế giới, hương phi thập phương thế giới, thì các ông nên nói là người tu hành giải nghĩa kinh này.
Lại nữa thiện nam tử, khi chư Phật còn tại thế hay khi đã qua đời, nếu có chúng sanh gặp được đà-ra-ni này, phải biết người đó cách Phật không xa, thì như người thợ mộc khéo làm nhà, qua đến rừng rậm trong chốn núi non, trước thấy cây nhỏ, quyết định tự biết ta nay được cây không có nghi vậy. Giả sử sau khi chư Phật qua đời, nếu có chúng sanh gặp đà-ra-ni này, phải biết người đó cách Phật không xa, ví như người đến sông, trông nghe tiếng nước quyết định ta nay được nước mà không có nghi. Giả sử sau khi chư Phật qua đời, nếu có chúng sanh gặp đà-ra-ni này, phải biết người đó cách Phật không xa, ví như người lạc đường trở lại gặp đường chính, quyết định tự biết cách nhà không xa, không còn nghi nữa. Giả sử sau khi chư Phật qua đời, nếu có chúng sanh gặp đà-ra-ni này, phải biết người đó cách Phật không xa mà không còn nghi vậy, ví như người đào giếng lần thấy đất ướt, quyết định biết nước cách không xa, mà chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Giả sử sau khi chư Phật qua đời, nếu có chúng sanh gặp đà-ra-ni này, phải biết người đó cách Phật không xa.”
Bấy giờ chư Phật bảo các Bồ-tát: “Đương lai có kiếp tên là Diệu Âm Thinh, Bồ-tát các ông sẽ sanh vào kiếp này. Trong kiếp ấy có cõi nước tên là Diệu Âm Tràng Hoa, thế giới đó có thành tên là Vô Nhiễm Hạnh, trong thành có vua tên là Nghiêm Thân. Vua này thường đem 10 điều lành giáo hóa chúng sanh. Bồ-tát các ông sẽ sanh vào vương gia này, xuất gia học đạo, thứ lớp thành Phật, đều hiệu Thích-ca Mâu-ni.”
Bấy giờ hoa sen ra khỏi mặt đất, ở tại hư không phóng đại quang minh, trong hào quang kia có các thứ tiếng mầu nhiệm khen ngợi các Bồ-tát rằng: “Lành thay, lành thay hết thảy chư Bồ-tát! Các vị không lâu chắc chắn sẽ được Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác, như lời Phật nói quyết định không nghi, các ông quyết sẽ được kiên cố Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác, được được Thường Lạc Ngã Tịnh.”
Bấy giờ hoa này ở trong hư không thoạt nhiên không hiện. Lúc đó 500 đại đệ tử sanh lòng nghi ngờ mà nói lên rằng: “Ô hô lạ thay, vì nhơn duyên gì có việc như thế? Đại liên hoa này không có biên tế, tại nơi hư không thoạt nhiên ẩn mất, nay không biết đã về nơi nào? Trong hoa này có vô lượng chư Phật nay cũng theo đó mà ẩn mất.”
Bấy giờ Phật biết tâm của chúng hội, liền dạy đại chúng: “Ta nay đã nói Kinh điển đà-ra-ni, bây giờ cũng sẽ không như tướng hoa kia. Tất cả các pháp như huyễn, như hóa, như mây hư không, tất cả các pháp cũng lại như thế. Giả sử có pháp hơn hoa ấy cũng như huyễn hóa, không có định tướng. Thiện nam tử, không nên nghi sợ, những việc như vậy không phải là chỗ nghĩ bàn của hàng Thanh văn. Lúc nãy hoa hiện ra là do sức thần của đà-ra-ni, nay lại hoàn không ấy cũng là do sức thần của đà-ra-ni. Muốn nói đà-ra-ni nên hoa này từ đất vọt lên. Nay đã nói xong, hoa lại hoàn vô, chẳng phải chỗ nghĩ bàn của hàng Thanh văn các ông. Chư pháp hưng khởi cho nên tướng mạo cũng hưng khởi, chư pháp suy tàn cho nên tướng mạo cũng suy tàn. Đà-ra-ni hưng khởi nên các hoa cũng hưng khởi. Nói đà-ra-ni xong, các hoa tàn diệt.
Thiện nam tử, các ông không thấy ư? Ta khi mới ban đầu chuyển Pháp luân, vô lượng vô biên đại chúng nhơn Thiên, A-tu-la …vv, trước sau đoanh vây, ấy gọi là Pháp hưng. Ta đã nói xong là chư Pháp suy tàn, Thiên nhơn A-tu-la tùy ý đã đến, phải biết chư Pháp như tướng huyễn hóa, thí như người sanh đến 50 tuổi thường đến lúc suy hoại. Pháp ta đã nói cũng lại như thế. Lúc mới nói, ban đầu đã có tánh tận diệt, chẳng phải nói xong mới có tánh tận diệt ấy. Hoa này lúc ban đầu xuất hiện chắc đã có khứ tánh không nghi. Pháp tánh thường vậy, có gì là nghi ư?”
Phật dạy A-nan: “Ông phải thọ trì kinh đà-ra-ni này. Ta nay ra đời để ba lần chuyển kinh đà-ra-ni này. Khi ban đầu mới nói phó chúc cho ông cứu nhiếp ách bệnh khổ của chúng sanh. Khi nói lần thứ hai cứu hộ Pháp của ta, khiến cho ma Ba-tuần không hủy loạn được. Nay lần thứ ba nói, đều vì cứu nhiếp tất cả chúng sanh đến chốn Niết-bàn. Vậy cho nên một Pháp phương tiện, ba phen nói độ các chúng sanh. Đem ba Pháp này phó chúc cho ông, thí như trưởng giả có ba phương tiện thường dùng tu hành bản thân: Tâm phương tiện suy niệm; Nhãn phương tiện để xem xét; Tay phương tiện để làm. Như vậy ba việc hòa hiệp thành một. Kinh đà-ra-ni này của ta cũng lại như thế. Ban đầu nói dụ Tâm, thứ hai nói dụ Mắt, thứ ba nói dụ Tay. Tuy có ba tên mà kỳ thật là một, một Phật Bồ-đề. Như cư sĩ kia sắp lâm chung chỉ có một người con, đem ba việc này giao phó cho con, con đã thọ giáo, nhiên hậu tu hành thường được cao vị.
Thiện nam tử, ta tức là cha, ông là con ta. Tu ba nhơn đại phương tiện của ta về sau đắc làm Thiên trung tôn vương, như con cư sĩ thuận lời cha dạy, về sau được giàu sang phú quý. Nếu không thuận lời cha dạy thì làm sao được sang quý? Nếu ông không thuận lời dạy này của ta thì làm sao đắc được Thiên trung tôn vương?
Lại nữa thiện nam tử, thí như sông lớn có chỗ thủng lớn. Ý ông nghĩ sao? Thủng lớn hay sông lớn?”
A-nan thưa rằng: “Kính thưa Thế tôn, thủng có thể đầy chẳng phải sông đầy, thủng quyết lớn vậy.”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay thiện nam tử, khéo nói lời ấy! Thủng ấy dụ ta, sông ấy dụ ông. Thủng tràn lớn nước lần lượt chảy đến nơi bể. Nếu lại có nước mà không nhờ thủng đất mặn chứa đầy, nước mặn ấy chảy thì lại mất thân kia.
Thiện nam tử, lại có một thứ nước trụ tại trong thủng không chịu chảy ra. Thiện nam tử, thủng ấy dụ cho bể lớn, ví dụ là ta, nước dụ Bồ-tát, trụ dụ Thanh văn, mặn ấy dụ Duyên giác. Tuy nhập vào trong mặn rồi lần lượt mà đi vào bể lớn. Tuy trụ trong thủng lần lượt đã tìm vào biển lớn. Thiện nam tử, ba việc như thế đều quy về đại hải. Ta nay đã nói nghĩa đà-ra-ni, ban đầu nói cứu bệnh, thứ hai là nói cứu Pháp, thứ ba là nói hộ thân, tuy nói ba tên mà kỳ thật là một.
Lại nữa thiện nam tử, thí như cây lớn, nhơn đất mà sanh, đầu nó có hai nhánh. Ý ông nghĩ sao? Cây nhơn đất sanh hay đất nhơn cây sanh?”
A-nan thưa: “Kính thưa Thế tôn, cây nhơn đất sanh, chẳng phải cây sanh đất.”
– Thiện nam tử, ông khéo nói lời ấy. Đất dụ là ta, cây dụ Bồ-tát, nhánh dụ Thanh văn và Duyên giác. Thiện nam tử, ba việc như thế có thể nói chẳng phải một loại không?”
A-nan thưa: “Một loại đã sanh không thể khác vậy. Vì sao? Một đại địa sanh nên một rễ lớn, không thể nói chẳng phải một loại vậy.”
Phật dạy: “Lành thay thiện nam tử, ta đã nói nghĩa đà-ra-ni cũng lại như thế mà không có khác. Bởi vì sao? Bởi một thân kim cang cho nên một ý sanh, một khẩu thuyết, vì nhơn duyên ấy mà không có cái gì xen khác. Ta nay đã ba lần nói đà-ra-ni đem phó chúc cho ông, một Phật Bồ-đề thừa cũng giao phó cho ông, ông nay lắng nghe thọ trì, dè dặt chớ nên quên lãng đà-ra-ni này. Khi ta đã qua đời, ông nên lưu bố đà-ra-ni này.”
Lại dạy A-nan: “Thí như vị quốc vương trong mái tóc có viên minh châu rất cưng quý ái trọng, nên lúc sắp lâm chung trao cho con cưng. Ta nay là vua của chư Pháp, kinh này ví như là minh châu trong búi tóc. Ông như con ta, nay lấy kinh Đại Phương Đẳng đà-ra-ni này trao cho ông, thí như vị vua lấy viên minh châu nơi búi tóc trao cho con mình.”
Lại dạy A-nan: “Thí như đại vương thống lãnh tất cả nước, khi sắp lâm chung, việc quốc chánh giao phó cho con. Ta nay cũng lại như thế, là vua trong tất cả các Pháp được tự tại. Đại tiểu thừa Kinh điển giao phó cho ông thí như đại vương, việc tốt xấu giao phó cho con.
A-nan, ta nay đem kinh Đại Phương Đẳng đà-ra-ni này giao phó cho ông. Nếu có chúng sanh đến chỗ ông muốn cầu kinh này, ông nên khéo léo vì họ nói mười sự tướng, mười hai mộng vương như trên. Với người ấy, ông có thể nói việc cảnh giới. Ở trong một hội, chớ vì nhiều mà nói, ví như kẻ đi buôn dạo khắp bốn phương, đến một nước để bán của báu, đến lúc bán đều không chỉ người. Ông nay cũng lại như thế, ít ít mà nói.
Lại nữa A-nan, thí như người nữ có một đứa con, làm các thức ăn uống để trong nhà đều không chỉ cho con. Như vậy các thức ăn uống ấy đều là của con mình, trọn không cho hết mà thảy khiến hết vậy. Ông nay cũng lại như thế, không nên trong một hội vì chúng sanh mà nói tận hết việc cảnh giới.
Lại nữa A-nan, đà-ra-ni không được dùng chú phương đạo trị bệnh: Càn-đà quỷ bệnh, Cuồng loạn quỷ bệnh, Bất ngữ quỷ bệnh, Bất khai nhãn quỷ bệnh, Hấp tinh khí quỷ bệnh, Thùy nhơn quỷ bệnh, Thị nhơn quỷ bệnh, Thực nùng huyết quỷ bệnh, Khí thủy hỏa quỷ bệnh, Ly mị quỷ bệnh, Mê nhơn quỷ bệnh, Thực phát quỷ bệnh, Hay khiến người vô tâm thức quỷ bệnh, Thực nhơn tâm quỷ bệnh, Đại dịch quỷ bệnh, nếu gặp những bệnh như vậy thì không được dùng, trừ tự nhớ niệm kinh Đại Phương Đẳng đà-ra-ni. Vì sao? Bởi chẳng phải đối trị vậy. Thiện nam tử, ý ông nghĩ sao? Có kẻ thiện nam, người thiện nữ nào mài đất đại địa dùng làm thức ăn để nuôi thân tứ đại, ngày ngày thường ăn như vậy để nuôi thân không?”
A-nan bạch Phật: “Không vậy, thưa Thế tôn! Đất như vậy gốc không phải là món ăn, làm thế nào nuôi thân được?”
Phật dạy A-nan: “Lành thay, lành thay thiện nam tử, lời ấy thật không dối. Đất ấy nhất định không phải là thức ăn. Pháp này của ta nay nhất định không dùng trị bịnh cho đời. Vì sao thế? Vì đà-ra-ni này không phải là pháp đối trị.
A-nan, ta nay đã nói xong Đại Phương Đẳng đà-ra-ni, chỗ đáng thọ trì thì đã thọ trì, chỗ đáng giáo hóa thì đã thọ hóa, chỗ đáng nói thì ta đã nói xong, chỗ đáng trì thì Bồ-tát đã trì xong. Thanh văn đã trì mà chưa nên vậy. A-nan, ý ông nghĩ sao? Thọ trì chương cú như vậy không?”
A-nan bạch Phật: “Kính thưa Thế tôn, con sẽ thọ trì chương cú như vậy. Sau khi Phật qua đời, nếu có Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Bà-la-môn, Bà-la-môn nữ, cư sĩ, cư sĩ nữ, Thiên, Long, Dạ-xoa, Ma-hầu-la-già …vv mà đến chỗ con tìm hỏi nghĩa đà-ra-ni, con sẽ vì họ nói như Phật Thế tôn. Cúi mong ngài cho phép!”
Phật dạy A-nan: “Lành thay, lành thay! Chơn đệ tử ta, chơn dụng Pháp ta để ra khỏi khổ ba cõi. Lành thay, lành thay A-nan! Chúng sanh không hay thọ trì Kinh điển như vậy vi phạm trọng giới, hủy báng chánh pháp, nghịch hại thánh nhơn. A-nan, vì nhơn duyên ấy, ta nay chú trọng kinh này đem phó chúc cho ông, sẽ vì chúng sanh trừ diệt trọng tội.”
Bấy giờ A-nan và 500 đại đệ tử, Văn-thù-sư-lợi cùng chư Bồ-tát, vua Ba-tư-nặc và 500 Tỳ-khưu, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cư sĩ, cư sĩ tử và mười phương thiên tử, Bà-tẩu đại sĩ cùng các tội nhơn, tám mươi vạn ức Hằng hà sa chư ba, chín mươi hai ức Thiên tử và các Thiên nhơn, A-tu-la, vô lượng đại chúng hoan hỉ phụng hành, mỗi mỗi đều lễ chân Phật đảnh đới thọ trì.
Kinh Đại Phương Đẳng đà-ra-ni (hết)
Sa-môn Thích Viên Đức dịch Hán ra Việt,
bản dịch thô lưu hành nội bộ, chưa hiệu đính.
Người chép bản dịch kinh: Nguyễn Minh Hoàng
[1] Dàna-paramità (Bố thí); Sila-paramità (Trì giới); Ksanti-paramità (Nhẫn nhục); Vìrya-paramità (Tinh tấn); Dhỳana-paramità (Thiền định); Pràjnà-paramità (Trí tuệ).
[2] Hay làm tươi nhuận các hạt giống bại.
[3] Đồ tắm giặt, bình bát đựng thức ăn, và đồ trải ngồi tọa thiền và nằm nghỉ.
[4] Một là y may riêng, hai là mặc theo thế tục.
[5] Trộm vật dụng của chư Tăng để dùng riêng.
[6] Người đời không quy y Tam Bảo.
[7] Utpalaraja: Liên hoa vương màu xanh.
[8] Phụ lục đầy đủ thần chú, sau khi so ba bản đời Minh, Tống, Nguyên: Bà la ha đế Bà đế la tỳ lưu lại đa Kỳ kha đế Sa ha Kha kha lê kha điệt trỉ a ê Bồ ê kha uất kha xà ê Bồ ê xà ê bàn xà ê A nâu xà ê A nâu xà ê ê xà Phục xà ê ê xà Bồ xà ê ê xà Phục xà ê ê xà Bồ xà ê ê xà Phục xà hiếp phục xà bàn điệt trỉ Sa ha.