Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

IV. Độ sanh

05/03/201103:19(Xem: 4819)
IV. Độ sanh

KINH TỲ-KHEO NA-TIÊN
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải; Nguyễn Minh Hiển hiệu đính

QUYỂN THƯỢNG

IV. ĐỘ SANH

Na-tiên từ đó ra đi, du hóa khắp nơi, vì người mà thuyết giảng kinh pháp, dạy người làm việc thiện. Những người được ngài giáo hóa, có kẻ phát tâm thọ trì Năm giới, có người đắc quả Tu-đà-hoàn, có người đắc quả Tư-đà-hàm, có người đắc quả A-na-hàm, hoặc cũng có người xuất gia làm sa-môn, đắc quả A-la-hán. Cho đến các vị Thiên vương, Đế-thích cõi trời cũng thường hiện xuống nghe ngài thuyết pháp. Thanh danh của ngài vang lừng khắp chốn, ngài đi đến đâu, ai nấy được gặp ngài đều sanh tâm hoan hỷ, được nhiều phước báu, cho đến các loài rồng, quỷ thần cũng được nhờ sức tế độ.

Sau ngài đến xứ Xá-kiệt ở Thiên Trúc, ngụ trong chùa Tiết-trì-ca. Nơi ấy, ngài gặp lại người quen cũ từ kiếp trước, nay sanh ra ở một vùng ven biển, làm thái tử con vua, tên là Di-lan-đà.

° ° °

Di-lan-đà tuổi còn nhỏ đã thích đọc kinh sách, học qua các đạo khác biệt đều có thể phân biệt hiểu rõ, thường chất vấn các thầy tu đạo khác, không ai có thể đối đáp hơn được.

Khi vua cha băng hà, Di-lan-đà nối ngôi làm quốc vương, lấy chánh pháp trị quốc. Vua là người tài cao, có trí tuệ, hiểu thấu việc đời, có thể luận bàn việc quá khứ, hiện tại, vị lai đều thông suốt, lại giỏi việc chiến trận, nhiều mưu trí, không việc gì là không rõ biết.

Một hôm, vua ra ngoài thành dạo chơi, dẫn theo cả quần thần binh tướng. Bấy giờ, lòng vua cao ngạo, tự nghĩ rằng: “Ta nay làm vua, có thể hiểu thấu hết thảy kinh điển của các đạo, không còn ai có thể đối đáp hơn được ta.”

Nghĩ vậy rồi, vua liền bảo quần thần rằng: “Bây giờ còn sớm lắm, trở vào thành cũng không có việc chi làm. Các ngươi xem gần đây có vị đạo nhân nào có thể cùng ta đối đáp nghĩa lý kinh đạo hay chăng?”

Có vị cận thần tên là Triêm-di-lỵ Vọng-quần tâu lên rằng: “Tâu đại vương, gần đây có vị sa-môn tên là Giả-hòa-la, thông thạo kinh nghĩa, có thể cùng đại vương đối đáp.”

Vua liền sai Triêm-di-lỵ đi thỉnh trưởng lão Giả-hòa-la đến. Triêm-di-lỵ đến chỗ trưởng lão, thưa rằng: “Đại vương muốn được gặp ngài.” Giả-hòa-la đáp: “Đại vương muốn gặp, nên tự đi đến đây, ta không đến chỗ ông ấy.”

Triêm-di-lỵ trở về tâu lên vua như vậy. Vua liền lên xe, cùng với 500 quân cưỡi ngựa thẳng đến chỗ ngôi chùa của trưởng lão Giả-hòa-la. Gặp nhau chào hỏi xong, vua liền hỏi: “Ngài vì sao từ bỏ nhà cửa, vợ con, xuất gia làm sa-môn? Ngài cầu được đạo lý gì?”

Giả-hòa-la đáp rằng: “Ta học theo đạo Phật, làm việc chân chánh, đời này được phước báu, đời sau lại cũng được nhiều phước báu. Vì thế mà cạo tóc xuất gia làm sa-môn.”

Vua lại hỏi: “Như có người cư sĩ tại gia, có vợ con, làm việc chân chánh thì đời này có được phước báu chăng? Đời sau có được phước báu chăng?”

Giả-hòa-la đáp: “Dù là cư sĩ tại gia, có vợ con, nếu biết làm việc chân chánh thì đời này cũng được phước báu, đời sau cũng được phước báu.”

Vua liền hỏi: “Như người tại gia có vợ con, làm việc chân chánh, đời này cũng được phước báu, đời sau cũng được phước báu. Thế thì ngài đâu cần phải cạo tóc, xuất gia làm sa-môn?”

Giả-hòa-la lặng thinh không đáp lại.

Quần thần quanh vua liền nói rằng: “Vị sa-môn này sáng suốt trí tuệ, cũng không đủ đối đáp với đại vương.” Rồi họ đều đưa nắm tay lên cao mà hô to rằng: “Đại vương thắng rồi! Đại vương thắng rồi!”

Trưởng lão Giả-hòa-la lặng thinh nhận thua cuộc.

Vua đưa mắt nhìn các vị cư sĩ quanh đó, thấy sắc mặt họ thản nhiên không tỏ vẻ gì là xấu hổ. Vua liền nghĩ rằng: “Bọn cư sĩ ở đây chẳng lấy gì làm xấu hổ khi thấy vị sa-môn này thua cuộc. Như vậy chắc hẳn là còn có sa-môn khác trí tuệ sáng suốt hơn, có thể cùng ta đối đáp nghĩa lý.”

Vua liền quay sang hỏi cận thần Triêm-di-lỵ: “Còn có vị sa-môn nào trí tuệ sáng suốt hơn, có thể cùng ta đối đáp chăng?”

Triêm-di-lỵ thưa rằng: “Tâu đại vương! Có vị sa-môn tên là Na-tiên, trí tuệ sâu rộng, hiểu thấu chỗ yếu nghĩa trong kinh điển, có thể cùng đại vương đối đáp.”

Vua hỏi lại: “Quả thật có thể cùng ta đối đáp chăng?”

Triêm-di-lỵ đáp: “Tất nhiên là được. Vị ấy có thể cùng chư thiên cõi trời đối đáp, huống chi là ở cõi người.”

Vua liền lập tức sai Triêm-di-lỵ đi thỉnh Na-tiên đến. Triêm-di-lỵ tìm đến nơi, thưa rằng: “Đại vương muốn được gặp ngài.” Na-tiên liền cùng các vị đệ tử đi theo, thẳng đến chỗ vua.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]