Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Tái Sinh

27/01/201112:01(Xem: 3139)
Chương 2: Tái Sinh

VUA MILINDA VẤN ĐẠO
Một bản thâu gọn quyển "Milinda Panha"
Bản Anh ngữ: Tỳ Kheo Pesala - Bản Việt ngữ: Cư sĩ Liễu Pháp

Chương 2: Tái Sinh

1. “Bạch ngài Nāgasena, người bị tái sinh phải chăng cũng là người đó hay là một người khác?”
“Không phải là người đó mà cũng chẳng phải là một người khác.”
“Xin ngài cho một ví dụ.”
“Trong trường hợp một bình sữa, trước hết sữa đông thành sữa đặc, rồi được làm thành bơ, rồi thành dầu bơ. Thật chẳng đúng khi nói rằng dầu bơ, bơ và sữa đặc cũng chính là sữa, nhưng các thứ này đều từ sữa mà có thì cũng không đúng khi nói chúng là một cái gì khác.”

2. “Người sẽ không tái sinh có biết được điều đó không?”
“Thưa Đức Vua, có.”
“Bằng cách gì mà người đó biết được?”
“Bằng cách chấm dứt tất cả những gì là nguyên nhân hay điều kiện của tái sinh. Như một người nông dân mà không cày cấy hoặc không gặt hái thì phải biết là vựa lúa của mình sẽ không được đầy lúa.”

3. “Bạch ngài Nāgasena, trong một người mà kiến thức (ñāna) khởi sinh thì trí tuệ (paññā) có cùng khởi sinh không?”
“Thưa Đức Vua, có.”
“Phải chăng kiến thức cũng như là trí tuệ?”
“Vâng, thưa Đức Vua.”
“Thế thì một người có kiến thức và trí tuệ có vô minh về một điều gì hay không?”
“Người đó vẫn không hiểu biết về những gì chưa đuợc học hỏi, nhưng xét về những gì trí tuệ đã đạt được – đó là sự nhận thức Khổ, Vô Thường và Vô Ngã – thì người đó không vô minh.”
“Thế thì cái gì đã xảy ra cho những ảo tưởng đã có về hạnh phúc, thường còn và tự ngã?”
“Từ khi mà kiến thức sinh khởi thì ảo tưởng mất ngay. Cũng giống như ánh sáng đến thì bóng tối biến đi.”
“Nhưng rồi thì trí tuệ của người đó sẽ trở nên cái gì?”
“ Khi trí tuệ đã hoàn thành nhiệm vụ của nó thì sẽ biến mất; tuy nhiên sự hiểu biết về vô thường, khổ và vô ngã không mất.”
“Xin ngài cho một ví dụ.”
“ Như một người muốn viết một lá thư ban đêm thì phải thắp đèn rồi mới viết thư. Sau đó, người này tắt đèn. Tuy rằng đèn đã tắt, lá thư vẫn còn.”

4. “Người sẽ không tái sinh có cảm thọ đau đớn nào hay không?”
“ Thưa Đức Vua, người đó có thể cảm thấy đau đớn trong thân, nhưng không đau đớn trong tâm.”
“Nếu người đó cảm thấy đau đớn thì tại sao lại không chết đi để dứt bỏ dính mắc và chấm dứt đau khổ?”
“Vị A La Hán không ham thích hay ghét bỏ đời sống. Vị đó không làm rụng trái chưa chín mà chờ cho đến khi trái chín mùi. Về điều này, vị đệ tử chính của Đức Phật, ngài Sariputta (Xá Lợi Phất), có nói:
‘Ta không nâng niu đời sống, cũng chẳng màng đến sự chết;
Như người làm mướn chờ thù lao, ta đợi thời của ta sẽ đến.
Ta chẳng mong muốn sống còn hay mong chờ sự chết,
Ta luôn giữ chánh niệm và hiểu biết rõ rệt khi chờ đợi’.”

5. “Phải chăng lạc thọ là thiện, bất thiện hay vô ký?”
“Có thể là một trong ba thứ.”
“Bạch Đại Đức, nếu thiện nghiệp không mang lại đau khổ và nghiệp mang lại đau khổ là bất thiện thì chắc chắn rằng không có thiện nghiệp nào lại cùng lúc mang lại đau khổ.” (*E 2.5).
“Thưa Đức Vua, ngài nghĩ gì nếu người nọ cầm trên một bàn tay một cục sắt nóng và trên bàn tay kia một cục nước đá thì thử hỏi cả hai thứ có làm cho người đó đau đớn không?”
“Đương nhiên là đau.”
“Vậy thì giả thuyết của ngài đặt ra là sai rồi. Nếu cả hai không phải là sức nóng nhưng sức nóng làm đau, và cả hai không phải là sức lạnh mà sức lạnh làm đau thì cảm giác đau không do ở sức nóng hoặc sức lạnh.”
“Trẫm không thể cải lại với ngài được, xin ngài giảng giảng giải cho.”
Sau đó vị sư dạy cho nhà vua về Vi Diệu Pháp: “Có sáu lạc thọ trên thế gian và sáu lạc thọ của người xuất thế gian; có sáu khổ thọ trên thế gian và sáu khổ thọ của người xuất thế gian; và trong mỗi trường hợp có sáu xả thọ. Gồm lại tất cả là 36 cảm thọ. Có 36 cảm thọ trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai và như thế có tất cả lá 108 cảm thọ. (*V2.5)

6. “Bạch ngài Nāgasena, cái gì đươc tái sinh?”
“Tâm và Thân”.
“Phải chăng chính thân và tâm hiện tại này tái sinh?”
“Không, không phải như vậy, nhưng bằng chính thân và tâm này mà hành nghiệp được
________________________________________________________________________
*E 2.5: Thiện nghiệp không mang lại đau khổ, nhưng khó làm vì tham ái và sân hận. Chính vì những ô nhiễm này tạo nên đau khổ chứ không phải do thiện nghiệp. Ác nghiệp thì tạo đau khổ nhưng chúng ta thích làm là do vô minh, rồi khi nghiệp quả đến thì ta phải đau khổ.
*V 2.5: Nguồn gốc của khổ thọ là do ô nhiễm trong tâm (tham, sân) chứ không do nghiệp bất thiện. Theo Vi Diệu Pháp có 108 cảm thọ. Khó có thể đoan chắc cảm thọ nào là thiện hay bất thiện. Có 6 lạc thọ được người đời ưa thích trong thế gian trần tục và là những cảm thọ thô trược, không bền vững, nhưng người xuất thế gian (người đạt được Minh Sát tuệ - thành tựu Thiền Minh sát) thì có 6 lạc thọ thanh cao. Tương tự, có 6 khổ thọ cho người ở đời và có 6 khổ thọ cho người xuất thế gian. Vi Diệu Pháp có đối tượng là tất cả các loại tâm, tâm sở và sắc (các loại tâm là tâm Dục giới, tâm Sắc giới, tâm Vô Sắc giới và tâm Siêu thế, gồm tất cả 121 tâm; sắc gồm Tứ Đại và 24 Sắc Y Đại Sinh).
________________________________________________________________________

tạo nên và bởi do những hành nghiệp này mà một thân và tâm khác tái sinh; tuy nhiên thân và tâm sau này không vì thế mà khỏi chịu quả của hành nghiệp tạo ra từ trước.”
“Xin ngài cho một ví dụ.”
“Cũng như ngọn lửa mà một người đã đốt lên và sau khi đã sưởi ấm, người đó bỏ đi và để lửa vẫn cháy. Rồi nếu ngọn lửa bắt cháy vào ruộng lúa và người chủ ruộng lúa bắt giữ và truy tố người đó trước Đức Vua. Nếu người đó nói rằng ‘Tâu Bệ Hạ, con đã không đốt cháy ruộng lúa. Ngọn lửa nà con đã để lại khác với ngọn lửa đốt cháy ruộng lúa. Con không có tội.’ Người này có đáng bị trừng phạt không?”
“Dĩ nhiên đáng tội vì, dù người đó có nói gì, ngọn lửa sau là do ngọn lửa trước mà có.”
“Thưa Đức Vua, cũng giống như vậy, hành nghiệp được làm bằng thân và tâm này và bởi vì các hành nghiệp đó mà một thân và tâm khác tái sinh; tuy nhiên thân và tâm sau này không vì thế mà khỏi chịu quả của các hành nghiệp đã làm từ trước.”

7. “Bạch ngài Nāgasena, ngài sẽ bị tái sinh không?”
“Hỏi lại câu đó thì có ích lợi gì? Có phải bần đạo đã nói rằng nếu chết với sự dính mắc trong tâm thì sẽ tái sinh, còn nếu không có dính mắc thì sẽ không tái sinh.”

8. “Ngài vừa giảng về tâm và thân. Vậy thân là gì? Và tâm là gì ?’’
‘‘Cái gì thô kệch là thuộc về vật chất (sắc, thân), cái gì vi-tế, tâm hay trạng thái tâm thì thuộc về tinh thần (danh, tâm).’’
‘‘Tại sao thân và tâm không sinh ra riêng rẽ ?’’
‘‘Những nhân duyên này liên hệ với nhau cũng giống như lòng trứng và vỏ trứng, chúng luôn luôn cùng sinh khởi và liên hệ như thế từ vô thỉ.’’

9. ‘‘Bạch ngài Nāgasena, khi ngài nói đến thời vô thỉ, thời gian có ý nghĩa gì ? Quả thật có thời gian như vậy không ? ’’
‘‘Thời gian có nghĩa là quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời gian có đối với một số người, đối với một số người khác thì không có. Nơi đâu có chúng sinh sẽ tái sinh thì thời gian hiện hữu, ở đâu có chúng sinh không tái sinh thì đối với họ thời gian không có.’’
‘Hay quá, bạch ngài Nāgasena, ngài đã đối đáp tài tình.’’



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]