Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

C. Phần Tìm hiểu Nghĩa Ý

23/01/201104:54(Xem: 3129)
C. Phần Tìm hiểu Nghĩa Ý

KINH TỲ KHEO NA TIÊN

Càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753
Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu

C. Phần Tìm hiểu Nghĩa Ý

098.- Xuất-xứ của quyển Tì-kheo Na-Tiên.

Kinh Tì-kheo Na-Tiên được kết-tập trong Hán-Tạng, Càn-Long Đại-Tạng-Kinh, quyển thứ 108, từ trang 706 đến trang 753, chẳng có tên Dịch-giả ra Hán-văn, chỉ thấy ghi là sưu-tập vào đời Đông-Tấn (Trung-hoa). Tác-giả của quyển Kinh, theo truyền-thuyết, là Ngài Long-Thọ (Nagarjuna), vị Tổ-sư thứ 14 của Thiền-tông Ấn-độ. Tên quyển Kinh trong Tạng Pali là Milinda panha (Vua Di-lan hỏi Đạo), thuộc Tiểu-Bộ-Kinh (Khuddaka Nikaya). Cũng theo truyền-thuyết, Ngài Long-Thọ muốn mượn tên Tì-kheo Na-Tiên (Pali: Nagasena) để tự ám-chỉ mình; còn tên Di-lan (Pali: Milinda) lại ám-chỉ đức Vua Ménandre, để nhơn cuộc đối-đáp giữa hai người mà trình-bày Giáo-lý dưới hình-thức giản-dị, dễ hiểu, và nhứt là để giúp ta dứt bỏ được các mối hoài-nghi về Chánh-Pháp.

Kinh Milinda panha được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Tại Việt-Nam trước đây, đại-cư-sĩ Đoàn-Trung-Còn có dựa theo bản dịch Pháp-văn, phối-hợp với bản Hán-văn, cho xuất-bản quyển Na-Tiên Tì-Kheo Kinh, đã được rất nhiều cơ-sở Phật-giáo tái-bản và ấn-tống.

Quyển Tì-kheo Na-Tiên nầy được gọi là Kinh, có lẽ vì đã được ghi trong Kinh-Tạng, Tiểu-Bộ-Kinh. Nhưng xét theo văn-từ, quyển nầy vốn là một bộ Luận, được một bậc đại-sư sáng-tác; các vị kết-tập Kinh-Tạng gọi đó là Kinh, chắc cũng chẳng ngoài lý-do là đề-cao cùng tán-thán tác-phẩm nầy. Trải qua năm tháng, quyển ''Kinh'' được sự hâm-mộ nồng-nhiệt của mọi người Phật-tử khắp thế-giới.

Thiện-Nhựt mạo-muội phỏng-dịch từ Hán-tạng ra tiếng Việt thông-thường ngày nay. Vì tôn-trọng chánh-văn trong Đại-Tạng, tôi giữ nguyên các danh-từ chuyên-môn Phật-học dùng trong bản dịch Hán-văn, và xin được phép nói rõ lại các chữ ấy theo các thuật-ngữ ngày nay, trong Phần Tìm hiểu Nghĩa Chữ và Nghĩa Ý, tách riêng ra khỏi Phần Phỏng-dịch.

*

099.- Bố-cục quyển Tì-kheo Na-Tiên .

Tuy Kinh Tì-kheo Na-Tiên được chia ra làm ba quyển: thượng, trung, hạ; nhưng xét kỹ về ý-tưởng trong các quyển đó chẳng thấy có điểm khác-biệt sâu-sắc nào để chia thành ba cuốn; vả lại, các câu hỏi vua Di-Lan nêu lên trong ba quyển ấy thường được lập đi lập lại đôi ba lần. Vì lẽ đó, Thiện Nhựt xin đề-nghị xem toàn-bộ quyển sách như một cuốn và chia ra làm ba phần chánh:

1.- Tiền-kiếp của Tì-kheo Na-Tiên và Vua Di-Lan (từ tiểu-mục số 001 đến số 008, bản Phỏng-dịch).

2.- Các câu vấn-đáp giữa Vua Di-Lan và Tì-kheo Na-Tiên. Đây là phần chánh, chiếm gần hết quyển sách (từ tiểu-mục số 009 đến số 096).

3.- Tâm-trạng hoan-hỉ của Na-Tiên và Di-Lan sau cuộc đàm-luận (tiểu-mục số 097).

Sau đây, xin tóm lược ba phần chánh đó.

*

100.- Tóm-lược về Tiền kiếp của Na-Tiên và Di-Lan .

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, có đông-đảo các vị Tì-kheo, Tì-kheo-ni và hơn vạn dân-chúng tham-dự để nghe giảng Pháp. Nhận thấy hôm ấy, tâm-trạng của đại-chúng chẳng an, Đức Phật liền rời tịnh-xá đi vào rừng tòng an-tịnh, để niệm Đạo. Vào lúc ấy có Tượng-vương (voi chúa) cũng rời bầy voi đang đùa nghịch, đi tìm nơi thanh-vắng. Tượng-vương trông thấy Đức Phật liền qùi xuống làm lễ. Đức Phật vì Tượng-vương nói Pháp, nhờ đó tâm Tượng-vương khai-ngộ. Kể từ đó, Tượng-vương thừa-sự Đức Phật và quanh-quẩn bên cạnh Ngài luôn. Về sau, khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Tượng-vương mến-tiếc và đến chùa Ca-La-Hoàn nghe chư Tăng tụng Kinh vào các ngày trai. Khi thọ-mạng hết, Tượng-vương được tái-sanh lại làm người, con trai trong một gia-đình Bà-la-môn. (Xin xem lại các tiểu-mục số 001, 002, và 003).

Lớn lên, người con trai ấy nhớ đến Kinh Phật được nghe ở đời trước, mới rời nhà, lên non học Đạo. Cùng với một tu-sĩ Bà-la-môn khác, anh kết làm bạn thiện-tri-thức với nhau. Một người nguyện kiếp sau sẽ làm vua một nước; một người nguyện sẽ làm sa-môn. Như lời họ ước-nguyện, trong kiếp sau, một người sanh ra làm Thái-tử tên là Di-Lan, tại một nước ở ven biển; còn một người tái-sanh lại ở huyện Kế-Tân, nước Thiên-Trúc (Ấn-độ xưa), khi sanh ra có áo cà-sa quấn quanh mình, được cha-mẹ đặt tên là Na-Tiên.

Do đó, tiền-kiếp của Na-Tiên là Tượng-vương; còn tiền-kiếp của vua Di-Lan là một tu-sĩ theo đạo Bà-la-môn. (Xin xem lại tiểu-mục số 004 nơi bản Phỏng-dịch).

*

101.- Na-Tiên đắc quả A-la-hán .

Năm mười sáu tuổi, Na-Tiên thọ giới Sa-di với người cậu là vị sa-môn tên Lâu-Hán; vị nầy đã đắc được đạo-quả A-la-hán. Na-Tiên học thông Kinh-Kệ, giữ-gìn Giới-luật thanh-tịnh, đến năm 20 tưổi được thọ giới Đại-Sa-môn. Vào ngày Rằm, Na-Tiên đến chùa Hoà-Thiền-Tự để dự lễ Bố-tát, đọc tụng Kinh-Giới. Vị Thượng-Tọa trụ-trì nhận thấy Na-Tiên qùi giữa các vị Tì-kheo đều đã đắc quả A-la-hán, thuyết Kinh thí-dụ, giữa các hột gạo trắng có lộn hột gạo đen, đó là Na-Tiên, còn chưa đắc quả A-la-hán. Na-Tiên buồn rầu, cúi lạy xin sám-hối và đi ra khỏi chùa.

Na-Tiên lại theo học với Sư Ca-Duy-Viết, là một thiền-sư hơn tám mươi tuổi, tánh rất nghiêm-khắc. Buổi sáng, Na-Tiên mang bình bát của Sư-phụ đi đến nhà một cư-sĩ thường hay cúng-dường thực-phẩm cho chư Tăng. Sư Ca-Duy-Viết ra lịnh cho Na-Tiên phải ngậm một ngụm nước mặn trong khi đến nhà vị cư-sĩ đó. Đến nơi, vị cư-sĩ dâng hiến thực-phẩm quí-giá. Thể theo lời yêu-cầu của vị cư-sĩ, Na-Tiên thuyết kinh cho nghe, như thế là Na-Tiên phạm điều cấm-đoán của Sư Ca-Duy-Viết, vì phải nhổ ngụm nước mặn ra để nói Pháp. Sau thời Pháp, cả hai, người nói lẫn người nghe, đều chứng quả Tu-đà-huờn. Trở về chùa, Na-Tiên bị trục-xuất vì vi-phạm giới cấm của Thầy, mặc dầu thuyết-pháp thành-công có hiệu-quả lớn. Na-Tiên lạy Thầy, rời chùa, lên non, ẩn tu. Chẳng bao lâu, nhờ tinh-tấn hành Thiền, Na-Tiên chứng quả A-la-hán, đắc được các thần-thông.

Na-Tiên trở lại chùa Hoà-Thiền-Tự, với tư-cách A-la-hán, lạy sám-hối với chư Tăng; rồi ra đi, châu-du khắp nơi để giảng-dạy Kinh-Pháp. Chẳng bao lâu, danh-tiếng của Na-Tiên vang dội gần xa; biện-tài luận-đàm được mọi người kính-phục; đệ-tử theo học Đạo rất đông-đảo, có nhiều vị nhờ đó mà đắc được các Thánh-quả. (Xin xem các tiểu-mục số 005, 006, 007, 008)

*

102.- Sa-môn Dã-Hoà-La bị vua Di-Lan hỏi bí .

Vua Di-Lan cai-trị nước Xá-Kiệt (Pali: Sàgalà) rất giàu-có, đất-đai phì-nhiêu, dân-chúng hiền-lành, việc buôn-bán rất thạnh-vượng. Nhà Vua tuổi trẻ tài cao, văn-võ tinh-thông, thường bàn-luận về các Kinh-kệ ngoại-đạo đủ loại.

Một hôm, nhơn đi du-ngoạn ra ngoài thành, Đức Vua thấy còn sớm, muốn tìm một bực tu-hành đắc đạo để thưa hỏi về các Kinh cao và khó. Các quan mời Vua đến gặp vị sa-môn Dã-Hoà-La được nổi tiếng là bực có đức-hạnh cao. Vua hỏi vị sa-môn:

- Vì sao Khanh cạo râu, cắt tóc, rời bỏ gia-đình đi tu? Khanh theo đạo nào?

- Tôi học hạnh trung-chánh của đạo Phật, đời nầy được phước, đời sau cũng được phước. Vì lẽ đó, tôi xuống tóc, cạo râu, rời bỏ gia-đình, đi tu làm sa-môn.

- Các người còn mặc áo trắng, tu tại-gia mà theo đúng hạnh trung-chánh đó, có được phước đời nầy và đời sau không?

- Các người tu tại nhà, theo đúng hạnh trung-chánh của đạo Phật, cũng được phước ấy trong đời nầy và cả về đời sau.

- Thế thì, tại sao Khanh lại bỏ cả gia-đình đi tu?

Sa-môn Dã-Hoà-La im lặng, trả lời chẳng được. Các quan hầu-cận liền nói: ''Đức Vua đắc-thắng. Nhà Vua đã thắng vị đạo-nhơn.''

Nhà Vua có vẻ tự-mãn, quay lại hỏi các quan:

- Còn có vị sa-môn nào khác đủ sức cùng Ta đối-đáp về các Kinh cao và khó chăng?

Viên quan hầu-cận tên Triêm-Di-Lợi tâu:

- Có một vị Tì-kheo tên là Na-Tiên, vừa đến nước Xá-Kiệt nầy, nổi tiếng là thông-đạt các Kinh-Kệ của Đức Phật, giải-đáp mọi nghi-ngờ rất thông-suốt, có thể cùng nhà Vua bàn-luận về các Kinh cao và khó.

Vua liền sai Triêm đi thỉnh Tì-kheo Na-Tiên đến hội-kiến.

(Xin xem lại các tiểu-mục số 009, 010, 011).

Trước khi kể tiếp, Thiện Nhựt xin mở ngoặc để tìm hiểu thêm về hạnh trung-chánh mà Sa-môn Dã-Hoà-La nói đến. Hạnh, còn đọc là hành, nghĩa là làm; chữ đức-hạnh có nghĩa là lối-sống, là hạnh-kiểm, đứng-đắn, theo con đường lành; chữ giới-hạnh có nghĩa là đời- sống đúng theo giới-luật nhà Phật, tránh mọi điều răn-cấm. Trung-chánh có nghiã: trung là ở thẳng ngay chính giữa, chẳng nghiêng qua hai bên, chánh là chơn-chánh, ngay-thẳng, đứng-đắn.

Hạnh trung-chánh được nói ở đây tức là lối sống theo đúng với Giới-luật do Đức Phật đặt ra: Ngũ Giới cho người tu tại nhà, Cụ-túc-giới cho các tì-kheo và tì-kheo-ni tu trong chùa. Nhưng, theo sự suy-đoán của Thiện-Nhựt, có lẽ dịch-giả bản Hán-văn đã dùng ba chữ hạnh trung-chánh để nói đến con đường Trung-Đạo và cả Bát-Chánh-Đạo ghi trong bản Kinh Chuyển-Pháp-Luân, là bản Kinh đầu-tiên của Đức Phật thuyết-giảng tại vườn Lộc-Uyển. Con đường Trung-Đạo là con đường ở giữa, chẳng nghiêng qua bên tham-muốn các lợi-dưỡng, các thú vui vật-chất, mà cũng chẳng ngã sang bên tu-hành ép-xác. Thực-hiện con đường Trung-Đạo đó, thì phải theo đúng tám ngành của Bát-Chánh-Đạo. Bát-Chánh-Đạo gồm có: (1) chánh-kiến, sự thấy-biết chơn-chánh (2) chánh tư-duy, sự suy-nghĩ đứng-đắn; (3) chánh-ngữ, lời nói ngay thật; (4) chánh mạng, lối mưu-sanh đúng-đắn với nghề-nghiệp chơn-chánh; (5) chánh nghiệp, giữ gìn thân-nghiệp chẳng làm quấy, khẩu-nghiệp nói lời chơn-chánh; ý-nghiệp suy-tư đứng-đắn; (6) chánh tinh-tấn, nỗ-lực làm điều thiện hơn thêm lên; (7) chánh-niệm, biết giữ-gìn tư-tưởng trong tâm thanh-tịnh; và (8) chánh-định, tâm-ý an-trụ đứng-đắn.

Xin đóng dấu ngoặc lại và kể tiếp.

*

103.- Vua Di-Lan thử-thách Tì-kheo Na-Tiên .

Khi quan Triêm-Di-Lợi đến mời, Na-Tiên liền cùng chư tì-kheo tới nơi vua đang ngự. Từ xa, nhìn đoàn tì-kheo di-chuyển, nhà Vua trông thấy một vị sa-môn đi đứng trang-nghiêm, thân-tướng đẹp-đẽ, đoán ngay đó là Na-Tiên. Triêm-Di-Lợi đến gần bên Vua, tâu rằng, vị tì-kheo Na-Tiên vừa đến, và chỉ ngay chính người mà Đức Vua dự-đoán là Na-Tiên. Lòng Vua rất mừng, nhưng tâm ngài lại cảm thấy xao-xuyến. Ngài tự nghĩ: ''Tâm ta đang bàng-hoàng trước mặt Na-Tiên, chắc là Na-Tiên sẽ thắng ta.''

Sau khi xưng tên và các lời thăm hỏi xã-giao, cuộc đàm-luận bắt đầu. Vua Di-Lan liền dùng một câu hỏi khó, hỏi Na-Tiên:

- Na-Tiên! Ai là Na-Tiên? Đầu, mắt, tai... là Na-Tiên chăng?

Mỗi câu vua hỏi, Na-Tiên đều đáp:

- Chẳng phải là Na-Tiên.

(Để tránh sự trùng-điệp với Phần Phỏng-dịch, tại đây, Thiện Nhựt chẳng thuật lại đầy-đủ các chi-tiết hỏi và đáp giữa hai người, xin độc-giả chịu phiền xem lại tiểu-mục số 013, Phần Phỏng-dịch).

Rồi Na-Tiên hỏi ngược lại Đức Vua:

- Xe là gì? Trục xe, vành bánh xe, căm xe... có phải là xe chăng?

Mỗi câu Na-Tiên hỏi về các bộ-phận của chiếc xe, Vua đều trả lời:

- Chẳng phải là xe.

Na-Tiên liền hỏi câu chót:

- Vậy cái gì mới thật là xe?

Đức Vua im lặng, chẳng đáp được.

Na-Tiên liền kết-luận bằng cách trích-dẫn một đoạn Kinh Phật, hiệp-tụ các bộ-phận (...) đó lại, là nguyên-nhân để có được chiếc xe; con người cũng vậy, hễ hiệp-tụ các bộ-phận trong thân-tâm lại thì thành ra con người, được đặt tên để gọi là Na-Tiên.

Vua khen: ''Lành thay! Lành thay!''

Nhà Vua lại hỏi một câu rất khó, để thử-thách sự lanh-trí của Na-Tiên. Vua nói:

- Ta có điều muốn hỏi.

- Xin Đại-Vương cứ hỏi.

- Ta đã hỏi xong.

- Tôi cũng đã đáp xong.

- Đáp những gì đâu?

- Đại-Vương hỏi tôi những gì đâu?

Đến đây, Thiện Nhựt lại xin ngưng việc tóm-tắt bản Phỏng-dịch, và một lần nữa, xin mở dấu ngoặc để nêu lên chỗ Vua Di-Lan đã thử-thách Na-Tiên về những điểm nào.

Trước nhứt là câu hỏi: Ai là Na-Tiên? Nghĩa sâu-kín của câu hỏi đó là: Vậy chớ cái gì mới thật là Na-Tiên? Bản-chất của con người là gì? Nơi thân-tâm con người, có cái gì là cái Ta, là bản-ngã không? Hoặc nói theo những người còn mê-tín, trong thân-tâm nầy, có cái linh-hồn tồn-tại mãi qua thời-gian chăng?

Các câu trả lời của Na-Tiên, cùng lời kết-luận trích dẫn Kinh Phật đều qui về một vấn-đề căn-bản của Giáo-lý nhà Phật: lý vô-ngã, trong thân-tâm con người chẳng hề có cái Ta, chẳng hề có cái bản-ngã. Tuy Na-Tiên chẳng nói rõ ra, nhưng ta biết thân-tâm con người chỉ là sự tập-hợp của năm uẩn: sắc-uẩn là phần vật-chất, gọi là thân, và bốn uẩn kia, thọ, tưởng, hành, thức- uẩn thuộc về phần tinh-thần, tức là tâm. Chẳng hề thấy trong thân-tâm nầy, đâu là ông chủ gọi là Ta, đâu là linh-hồn, gọi là phần hồn của Ta cả, chỉ có các uẩn tập-hợp lại mà thôi. Đó là lý-lẽ vững-chắc chứng-minh Chơn-lý vô-ngã của Phật-học.

Na-Tiên đã vượt qua dễ-dàng chỗ Vua thử-thách bằng cách hỏi ngược lại: Xe là gì? Cái gì trong xe là xe? Vua chẳng trả lời được, như thế Na-Tiên đã thắng. Rất tiếc, nhà Vua chẳng hỏi thêm chi-tiết về lý vô-ngã nữa, để chúng ta được dịp học-hỏi về cách Na-Tiên giải các mối nghi-ngại còn sót lại về Chơn-Lý quan-trọng nầy.

Nhưng nhà Vua lại đưa ra thêm một câu hỏi rất khó, nếu ai mà lớ-quớ, chẳng nhanh-trí như Na-Tiên, thì liền lọt vào cạm-bẫy ngay. Hỏi mà chẳng nêu câu hỏi là hỏi làm sao? Đáp mà chẳng nói ra lời, là đáp cách nào? Vua và Na-Tiên đang so gươm trí-huệ với nhau đấy!

Nhà Vua muốn hỏi Na-Tiên mà chẳng nêu câu hỏi lên, tức là Nhà Vua muốn hỏi gì? Hai đằng hiện đang bàn-luận về giáo-pháp, thế thì câu Nhà Vua muốn hỏi là câu hỏi thuộc về Pháp (Dharma, giáo-pháp) chớ gì. Tại sao Vua lại chẳng nói đó là câu hỏi về Pháp. Bởi lý-lẽ rất cao-siêu là Pháp vốn Không, tức là Pháp vốn rỗng-rang, chẳng chứa đựng gì, chẳng dính mắc gì, chẳng có hình-tướng gì, thì làm sao diễn-tả ra bằng lời nói được. Nếu có nói ra câu hỏi về Pháp, tức là mặc-nhiên phủ-nhận tánh-chất rỗng-rang của Pháp rồi, đâu nêu lên được chỗ Pháp-Không trong giáo-lý, lại còn khoác thêm cho Pháp một hình-tướng ngôn-từ.

Na-Tiên quả là nhanh-trí, biết ngay chỗ ẩn-ý của nhà Vua, nên mới đáp là, đã đáp xong, mà chẳng nêu rõ là đáp những gì. Nếu Na-Tiên vô-tình hỏi lại Vua, Vua vừa nói: đã hỏi rồi, là hỏi gì đâu? thì Na-Tiên liền rơi vào cạm-bẫy của Vua, chờ đợi một câu hỏi về Pháp bằng ngôn-từ. Pháp vốn là Không, sao diễn ra bằng hình-tướng của lời nói để hỏi thành câu hỏi, hóa ra còn chưa hiểu được điểm giáo-lý rất quan-trọng nầy của nhà Phật sao?

Trở lại câu hỏi đầu-tiên Ai là Na-Tiên? Y-nghĩa sâu-xa của tiểu-mục số 013, là vấn-đề Ngã-không, trong Giáo-Lý Nam-Tông. Câu hỏi của Vua và cách đáp của Na-Tiên ở tiểu-mục số 015, liên-quan đến vấn-đề Pháp-không, trong Giáo-lý Bắc-Tông. Cả hai vấn-đề khó-khăn nầy đều được Na-Tiên vượt qua một cách xuất-sắc. Và xuất-sắc hơn nữa là tác-giả quyển Tì-kheo Na-Tiên nầy, đã trình-bày hai vấn-đề cực-kỳ tế-nhị ấy dưới hình-thức hết sức đơn-giản, dễ hiểu và đầy hứng-thú!

*

104.- Thái-độ trong khi bàn-luận Giáo-pháp.

Còn một vấn-đề cực-kỳ quan-trọng mà các người ưa thảo-luận về giáo-pháp nên lưu-tâm. Đó là thái-độ thích-nghi của những người tham-dự cuộc bàn-luận về các vấn-đề tôn-giáo.

(Tiểu-mục số 014, bản Phỏng-dịch, là một đoạn văn hết sức thiết-yếu, kính mong người đọc xem lại kỹ và suy-gẫm thêm).

Sau khi thử-thách Tì-kheo Na-Tiên, Vua Di-Lan mới ngỏ ý muốn cùng Sư bàn-luận về Giáo-Pháp. Bằng lời nói bộc-trực, Na-Tiên thẳng-thắn nói:

- Nếu Vua dùng trí-huệ để hỏi tôi, thì có thể cùng nhau bàn-luận. Nếu Vua dùng ý lời vương-giả kiêu-quí, thì chẳng thể cùng Vua bàn-luận được.

Sự phân-biệt giữa lời nói của trí-huệ và lời nói của vương-giả đã được Na-Tiên trình-bày rất minh-bạch. Lời nói ngay-thẳng, chơn-chánh, hướng về Chơn-lý, có thua có thắng, thất-bại chẳng chút giận-hờn, là lời nói của bực trí-giả. Lời nói kiêu-quí, phóng theo cảm-nghĩ riêng, gặp chỗ chẳng vừa ý thì trừng-phạt, đó là lời nói của bực vương-giả.

Đức khiêm-cung của nhà Vua cũng được biểu-lộ ra rất rõ-ràng, đáng cho ta khâm-phục, khi Ngài đáp:

- Nguyện dùng lời nói của bực trí-giả, chẳng dùng lời nói của vương-giả, chẳng giữ ý-nghĩ vương-giả trong lời mình nói... khiến cho lòng mình chẳng mang sợ-hãi, thành-tâm cùng được khai-ngộ.

Nhơn vấn-đề quan-trọng nầy, Thiện Nhựt, theo thiển-ý của mình, xin thưa thêm một vài điều:

1.- Kinh-sách Phật-học thường nhắc đến lời Phật dạy là phải tránh các cuộc hí-luận. Thế nào là hí-luận? Hí là vui-đùa. Luận là bàn-cãi. Thường thấy, tiếp theo các buổi trà-dư tửu-hậu, nhiều người tự-nhận là bực ''trí-thức hiểu Đạo'' ngồi nhâm-nhi tách trà, bàn-luận nhau với lời-lẽ dao to búa lớn mà ý-nghĩa lại rỗng-tuếch, phê-bình vị đại-sư nầy, khen-ngợi vị thiền-giả kia, từ Đông sang Tây, hết kim đến cổ; đó là ... bàn-luận chơi cho vui, vậy thôi, chớ nào phải đi tìm Chơn-lý, để rút lấy kinh-nghiệm tu-tập. Thế cho nên, Đức Phật mới gọi là hí-luận và dạy ta cần phải tránh.

2.- Kinh-sách Phật-học phân-biệt hai loại Chơn-lý: (1) sự-thật ở thế-gian, có thể đúng nơi nầy, vào lúc nầy, mà có thể chẳng hợp với chỗ kia, vào một thời khác, cho nên gọi đó là tục-đế, nghĩa là sự-thật tương-đối trong đời sống thế-tục; (2) sự-thật đúng muôn đời và khắp mọi nơi, đưa con người tu-hành đến nơi giác-ngộ và giải-thoát; vì thế cho nên mới gọi là chơn-đế, nghĩa là sự-thật tuyệt-đối, thuộc lãnh-vực xuất-thế-gian. Dùng lời-lẽ của thế-gian khó mà vươn lên đến tận Chơn-lý tuyệt-đối của lãnh-vực xuất-thế. Bởi thế cho nên, người hiểu-biết bao giờ cũng nghĩ là mình chưa hề nắm vững được Chơn-đế, nên phải giữ thái-độ khiêm-hoà, chẳng dám liều-lĩnh bảo rằng điều mình nói là sự-thật duy-nhứt và tối-thượng. Trái lại, tâm-trạng người ấy nên mở rộng ra đón nhận tạm-thời lời-lẽ của người đối-thoại, hẹn với lòng mình sẽ truy-cứu và soát-xét kỹ lại các chỗ đúng cùng sai, hầu rút lấy kinh-nghiệm tu-tập cho bản-thân.

3.- Thái-độ thích-nghi trong khi luận-bàn về Giáo-lý là phải thành-khẩn trong tư-tưởng và lời nói:

a.- Về phiá người thưa hỏi, ở vào vị-thế của người đi học Đạo, cần phải giữ lễ-độ đối với người mà mình thưa-thỉnh. Thái-độ đứng-đắn là nêu ra các câu hỏi cho rõ-ràng, chú-trọng đến chỗ mình còn nghi-ngờ chưa được giải rõ. Và khi nghe lời giảng-giải, phải lắng lòng, chú-tâm, chẳng vội chấp-nhận, cũng chẳng bài-bác ngay, nếu có chỗ chưa kịp hiểu, thì xin được minh-chứng thêm bằng các thí-dụ cụ-thể trong đời sống hằng ngày.

b.- Về phiá người được hỏi, chẳng bao giờ để khởi lên trong lòng mình một chút ý-nghĩ tự-hào cỏn-con nào rằng mình biết Đạo hơn người kia, nếu chẳng đáng làm Thầy thì cũng là người đi trước. Và khi giảng-giải, phải tùy theo căn-cơ của người nghe mà dùng lời-lẽ giản-dị, rõ-ràng, dễ hiểu, kèm theo các thí-dụ trong thực-tế.

4.- Trong một cuộc thảo-luận về các vấn-đề đạo-giáo, có hai điều mà kẻ hỏi và người đáp cần nên tránh, thì mới xứng-danh là một cuộc thảo-luận đứng-đắn và hữu-ích.

a.- Về phía người hỏi, chớ bao giờ có hậu-ý muốn dồn kẻ đối-thoại vào ... ngỏ bí. Trên địa-hạt tâm-linh, có nhiều vấn-đề mà chính Đức Phật đã gọi là bất-khả tư-nghì, nghĩa là chẳng thể nghĩ-bàn được với lời-lẽ của thế-gian. Đừng đòi-hỏi có cho được những bằng-cớ thật cụ-thể, tai nghe mắt thấy, có thực-nghiệm của khoa-học chứng-minh, rồi mới chấp-nhận. Điều mình chẳng tin được, trong khung-cảnh thời-gian và không-gian hiện-tại, chưa chắc hẳn là chẳng thể nào có được, biết đâu đó lại là một sự-thật tại một cảnh-giới khác, vào một thời khác. Thế cho nên, thái-độ khoa-học chơn-chánh là phải tỏ ra dè-dặt, chớ vội bác-bỏ hoàn-toàn mà chẳng cứu-xét kỹ lại khả-năng thông-hiểu của trí-óc con người.

b.- Về phía người đóng vai-trò hướng-dẫn, tưởng cũng chẳng nên đưa ra ''tối-hậu-thơ'': tôi nói như thế, có tin thì tu theo, còn chẳng tin, thì cứ giữ lấy quan-niệm của mình vậy. Người thưa hỏi thành-tâm muốn được giải chỗ còn hoài-nghi, nghe câu nói đó rất chán-nản, và đạo-tâm vì thế mà lùi sụt. Lại nữa, cũng đừng nên dùng luôn câu nói quá dễ-dàng nầy: tôi nói thế, đạo-hữu cứ đọc đi, tụng đi, thi-hành theo đi, rồi sẽ có ngày hiểu rõ được ý-nghĩa sâu-xa mà đạo-hữu muốn hỏi. Người hỏi đang chờ đợi một vài câu khuyên thực-tế, đôi lời giảng-giải gọn-gàng về ý-nghĩa chỗ còn đang thắc-mắc, làm sao mà tiếp-tục đọc-tụng thêm được, nếu chỗ hồ-nghi còn chưa được giải-toả. Tưởng chẳng có chi là đáng hổ-thẹn khi chính mình nhận thấy mình còn chưa đủ lời-lẽ để phân-tách điều đang được hỏi, sao lại chẳng thành-thật nhìn nhận sự thiếu-sót của mình và mời người hỏi tìm đến một bực cao-minh khác?

5.- Và trong mọi trường-hợp, chớ chẳng cứ là chỉ trong các dịp thảo-luận mà thôi, luôn luôn nên giữ thái-độ cởi-mở, đón nhận mọi lý-lẽ, -- tin hay chẳng chịu tin, đó là quyền tự-do tư-tưởng riêng bên trong của mình -- hãy lắng nghe để cho người đối-thoại có đủ cơ-hội trình-bày lập-trường. Thái-độ đáng trách nhứt là cố-chấp, ôm giữ khư khư các ý-kiến, các cảm-nghĩ cá-nhơn, và cả các thành-kiến!

Thiện Nhựt xin thành-tâm sám-hối đã quá dài-dòng khi nêu ra nhiều ý-kiến thô-thiển của mình. Xin đóng dấu ngoặc lại và quay về kể tiếp câu chuyện giữa vua Di-Lan và tì-kheo Na-Tiên.

*

105.- Dọc đường, Triêm-Di-Lợi được Na-Tiên khai-ngộ .

Lúc bấy giờ trời sắp tối, nhà Vua muốn quay về cung. Hôm sau, Vua sai quan hầu-cận Triêm-Di-Lợi đi thỉnh Na-Tiên đến đền vua để cúng-dường trai-tăng và thưa hỏi về Phật-pháp. Na-Tiên cùng với tám mươi vị tì-kheo lên đường đến hoàng-cung.

Dọc đường, Triêm-Di-Lợi nhớ lại cuộc nói chuyện hôm qua giữa Vua và Na-Tiên, mới thưa cùng Na-Tiên:

- Bạch Ngài, hôm qua, Ngài có bảo, chẳng có gì là Na-Tiên cả, tôi còn chưa hiểu, mong Ngài chỉ-dạy thêm cho.

- Theo ông, thì cái gì là Na-Tiên?

- Có lẽ hơi thở ra vào chính là Na-Tiên.

- Hơi thở có ra mà chẳng vào, thì con người thế nào?

- Hơi thở ra mà chẳng vào lại, mạng sống con người chấm dứt.

- Thế thì, các người thổi kèn, thổi ống bể lò rèn, thổi tù-và, khi thổi hơi ra, hơi đó có trở vào chăng?

- Bạch, không?

- Các người thổi đó có vì thế mà chết đi chăng?

- Bạch, không; họ chẳng vì thế mà chết. Xin Ngài chỉ-dạy rõ thêm.

- Hơi thở ra vào là một phần-việc ở trong cơ-thể; cũng như trong tâm có ý thì lưỡi nói ra lời; đó là phần-việc của tâm và của lưỡi. Mỗi bộ-phận trong thân-tâm đều có phần-việc cả, khi nhìn kỹ lại thì là Không, là rỗng-rang, chẳng có gì là Na-Tiên cả.

Triêm-Di-Lợi nghe xong, tâm liền khai-ngộ.

(Tiểu-mục số 017, bản Phỏng-dịch, vừa được nhắc lại trên đây, nhằm nêu lên lý-do tại sao chẳng có gì là Na-Tiên cả, và để giải-thích thêm lý vô-ngã: trong thân-tâm do năm uẩn tập-hợp lại nầy, chẳng hề có cái gì gọi là ''Ta'',''Ngã'' cả. Bình-dân còn mê-tín tin-tưởng rằng mỗi người có một linh-hồn bất-diệt, cứ đầu-thai lại làm người trải qua nhiều kiếp sống chết. ''Ta'' chẳng có, mà cả ''linh-hồn'' cũng chẳng có; chẳng qua vì mê-tín, vì tà-kiến, mà vướng-mắc phải ý-tưởng sai-lầm nầy là coi trong thân-tâm như có cái ''Ta'', có cái ''linh-hồn''. Tà-kiến đó gọi là thân-kiến, hoặc ngã-kiến.)

Sau khi, chư Tăng an-toạ, Đức Vua tự tay sới cơm và sớt thực-phẩm dâng-hiến lên cho Tì-kheo Na-Tiên. Tiếp theo bữa thọ-trai, nhà Vua sai mang áo ca-sa và giầy ra cúng-dường Tăng-đoàn. Kế đó, nhà Vua truyền lịnh cho các quí-nhơn trong hậu-cung phải ra ngoài thượng-điện, ngồi sau màn, để theo dõi cuộc pháp-đàm giữa Ngài và Ti-kheo Na-Tiên. (Đây là hảo-ý rất đáng khen của nhà Vua muốn cho các phi-tần trong hậu-cung cũng có dịp học-hỏi thêm về Chánh-Pháp).

*

106.- Sắp-xếp lại các loại câu hỏi về Giáo-Pháp .

Đến đây, Thiện-Nhựt vừa kể xong Phần I của quyển Tì-kheo Na-Tiên. Tiếp theo xin tóm-tắt Phần II của quyển sách là phần quan-trọng nói đến các câu hỏi và lời giải-đáp giữa Di-Lan và Na-Tiên.

Rất khó sắp-xếp lại các vấn-đề đạo-pháp mà Vua Di-Lan đã lần-lượt nêu lên để hỏi Tì-kheo Na-Tiên. Nhiều câu hỏi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở nhiều đoạn khác nhau. Thí-dụ như vấn-đề đi tu làm sa-môn, vấn-đề tái-sanh, vấn-đề Trí-huệ, v.v...

Tổng-cộng tất cả có hơn 80 câu hỏi, có thể tạm chia làm mười vấn-đề sau đây:

I.- Tại sao đi tu làm sa-môn?
II.- Sự tái-sanh, nghiệp-lực, và thuyết Luân-hồi;
III.- Phân-biệt các điều thiện và ác;
IV.- 37 Phẩm Trợ Đạo;
V.- Trí-huệ;
VI.- Các loại cảm-thọ;
VII.- Đắc Đạo và cõi Niết-bàn;
VIII.- Phật;
IX.- Con ''Người'' và lý-thuyết vô-ngã;
X.- Các câu hỏi linh-tinh về kiến-thức tổng-quát.

Nơi Bản Mục-Lục có ghi rõ các tiểu-mục và các trang có liên-quan đến mười vấn-đề vừa nêu trên đây.

Trong Phần Tìm hiểu Nghĩa Ý, Thiện Nhựt xin mạn phép chẳng theo đúng thứ-tự từng trang một, trong Bản Phỏng-dịch, mà lại lần-lượt xét theo các vấn-đề nêu trên đây; xin người đọc chịu phiền tra-cứu lại chánh-văn trong bản Phỏng-dịch, nếu thấy cần.

-----*-----

I.- Vấn-đề: Đi tu làm Sa-môn

107.- Tại sao đi tu làm sa-môn?

Vấn-đề tu-hành, đối với người còn tại nhà và đối với các bực đã xuất-gia, là vấn-đề quan-trọng bực nhứt; vì lẽ đó vua Di-Lan đã nêu lên câu hỏi nầy, trước với vị sa-môn Dã-Hoà-La, và sau đó lại đặt vấn-đề ấy với Tì-kheo Na-Tiên, hơn một lần.

Nơi tiểu-mục số 010, phần Phỏng-dịch, nhà Vua hỏi sa-môn Dã-Hoà-La, vì sao cạo đầu đi tu làm sa-môn. Vị sư nầy đáp:

- Chúng tôi học hạnh trung-chánh của đạo Phật, đời nầy được phước, đời sau cũng được phước; vì lẽ đó, tôi xuống tóc, cạo râu, mặc áo cà-sa làm sa-môn.

Lý-do đi tu làm sa-môn, ở đây, được Sư Dã-Hoà-La nêu lên là để được phước đời nầy và đời sau. Đó là tu phước. Phước đó là phước gì? ''Được phước'' là cuộc sống trong hiện-tại và trong tương-lai được nhiều may-mắn, sung-sướng, thí-dụ như được giàu-có, thoát khỏi mọi tai-nạn, thân-tâm được an-lạc và gia-quyến chẳng bị khổ-sở, v.v. Sự hưởng-thọ hạnh-phước đó được xem như ''phần thưởng'' để bù-đắp cho công khó-nhọc đã tu-hành; ''phần-thưởng'' ấy được gọi là ''phước'', đều dành cho cả hai hạng người tu tại-gia và bực xuất-gia, khi đã noi theo đúng ''hạnh trung-chánh''. Hạnh-phước đó do đâu mà có? Đó là vì trong đời nầy tu-hành, tránh các điều ác, làm nhiều điều lành, tạo nên thiện-nghiệp, nên theo Luật Nhân-quả được hưởng phước lành, ngay trong hiện-đời được kẻ khác mến-yêu, kính-nễ, và trong kiếp vị-lai, được sanh lại vào nơi cao-sang, quyền-quí.

Nhưng mục-đích tu-hành của bực xuất-gia chơn-chánh, ngoài việc được phước như người tu tại-gia, còn cao-sâu hơn nữa. Cao-sâu ở điểm nào? Bực xuất-gia đã lià cuộc sống ràng-buộc trong gia-đình, đi tu cốt là để được giải-thoát? Sao gọi là giải-thoát, ai hay cái gì ràng-buộc mình mà phải tìm sự giải-thoát? Đã mang thân-tâm năm uẩn nầy thì phải chịu khổ, cái khổ chẳng chừa một ai, từ lúc sanh ra, lớn lên, già, bịnh, chết; thương nhau chẳng gặp nhau; ghét nhau phải gần nhau, cầu mà chẳng được; các nỗi Khổ đã được kể đầy-đủ trongKhổ-đế nơi bản Kinh Chuyển Pháp-Luân. Chính vì muốn đời nầy tránh các nỗi Khổ đó và đời sau chẳng phải mang lại các nỗi Khổ đó nữa, mà các bực xuất-gia mới tu-tập theo hạnh sa-môn. (Xin xem lại các tiểu-mục số 018; số 085, bản Phỏng-dịch).

Vả lại, phước mà người tu tại-gia được hưởng đời nầy và cả đời sau nữa, là phước hữu-lậu, (hữu = có; lậu = rỉ chảy) hưởng riết rồi có ngày sẽ cạn, và khi hết phước sẽ phải bị khổ-sở trở lại, nhứt là còn chưa được giải-thoát vì phải tái-sanh lại trong cảnh Luân-hồi. Còn phước mà bực tu-hành mong được hưởng là phước được giải-thoát hoàn-toàn, vượt khỏi vòng sanh-tử của Luân-hồi. Phước đó gọi là phước vô-lậu, (vô = chẳng có), hưởng hoài chẳng bao giờ dứt, vì một khi đã được hoàn-toàn giải-thoát rồi thì chứng được vô-sanh, (vô = chẳng có, sanh = ở đây là tái-sanh, sanh trở lại); chẳng còn phải lận-đận trong việc chết đi, sống lại, chết đi ... nữa, để chịu Khổ.

Với sự phân-biệt giữa hai loại phước, hữu-lậu và vô-lậu, cùng mục-đích thấp và cao giữa hai hạng tu-hành tại-gia và xuất-gia, giờ đây ta thấy rõ vì sao Sư Dã-Hoà-La đã ''thua'' vua Di-Lan. Sư thất-bại trong cuộc đối-đáp, chỉ vì Sư chưa phân-biệt được phước hữu-lậu của kẻ tu tại nhà, với phước vô-lậu của bực xuất-gia; và nhứt là mục-đích cao-cả của việc xuất-gia: giải-thoát khỏi cảnh Luân-hồi, tránh mọi sự Khổ, chớ chẳng phải chỉ mong được sung-sướng trong đời nầy và đời sau mà thôi đâu.

Và đây cũng là dịp để ta phân-biệt thêm việc tu phước và việc tu huệ. Tu huệ khác với tu phước ở chỗ là nhằm phát-triển Trí-Huệ, khi theo đúng Tam Vô-lậu-học (= ba môn học vô-lậu, giúp ta đến nơi giác-ngộ và giải-thoát: Giới, Định, Huệ). Nhờ giữ Giới thanh-tịnh, thân-tâm thường an-lạc, nên tâm dễ đắc Định. Nhờ tâm an-định mà Trí-Huệ được phát-triển. Nhờ Trí-Huệ sáng-suốt mới cắt đứt được các loại phiền-não, chấm-dứt sự luyến-ái, mà chứng được vô-sanh, vĩnh-viễn thoát khỏi vòng lẩn-quẩn khổ-sở của Luân-hồi.

Đức Phật được tôn-xưng là bực Lưỡng-Túc-Tôn, tức là vị đã thực-hiện đầy-đủ cả hai Phước và Huệ (lưỡng= hai; túc= đầy-đủ; tôn = tôn-trọng).

*

108.- Có mấy hạng sa-môn?

Nơi tiểu-mục số 018, Tì-kheo Na-Tiên có nêu lên bốn hạng người đi tu theo hạnh sa-môn: (1) người vì nợ-nần; (2) người vì sợ quan-quyền; (3) người vì nghèo-khó; và (4) người muốn dứt bỏ mọi khổ-nhọc đời nầy, đời sau. Và Tì-kheo Na-Tiên cho biết, mình đi tu làm sa-môn là vì cầu Đạo.

Ba hạng người trước đi tu, chỉ vì muốn trốn tránh, hoặc nợ-nần, hoặc bị rắc-rối ở cửa quan, hoặc vì quá nghèo-khó. Trốn việc đời mới đi tu, mục-đích nầy chẳng mấy chính-đáng. Cũng như các người vì thất-vọng, tình-duyên dở-dang, sự-nghiệp tiêu-tan, mới vào chùa để tìm nguồn an-ủi; việc xuất-gia như thế khó mà bền lâu được; hễ nỗi đau-khổ được nguôi-ngoai rồi là khó mà chẳng nhớ và quay lại với việc đời ở thế-gian. Sự xuất-gia cần được đặt trên căn-bản: thấy rõ và hiểu thấu các nỗi Khổ ở thế-gian, quyết lòng cắt đứt mọi ràng-buộc ở gia-đình và xã-hội, để tìm cho bằng được con đường giải-thoát. Có vì cầu Đạo, thì đạo-tâm mới vững-bền, tinh-tấn tu đến ngày giác-ngộ.

(Về ý-nghĩa của hai chữ sa-môn và tì-kheo, xin người đọc chịu phiền xem lại Phần Tìm hiểu Nghĩa Chữ.)

-----*-----

II.- Vấn-đề: Tái-sanh Luân-hồi

109.- Vấn-đề tái-sanh được nêu lên nhiều lần trong quyển Tì-kheo Na-Tiên .

Đề-mục quan-trọng thứ nhì, thường được nhắc đi nhắc lại trong quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' nầy là vấn-đề tái-sanh. Xuyên qua bản Phỏng-dịch, ta thấy Vua Di-Lan đã nêu vấn-đề nầy tất cả mười bốn lần, mỗi lần với một khía-cạnh khác, và rải-rác khắp quyển sách:

Các tiểu-mục số 019; số 037; số 038; số 043; số 044; số 045; số 047; số 049; số 050; số 070; số 071, 072; số 073; và số 087.

Theo các tiểu-mục vừa được liệt-kê trên đây, quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' đã xét vấn-đề tái-sanh dưới các khía-cạnh sau đây:

1.- Tại sao phải sanh trở lại? Ai phải sanh trở lại, còn ai thì chẳng phải sanh trở lại nữa? Người hết tái-sanh lại có tự-biết đìều đó chăng? Vua hỏi Na-Tiên có biết mình còn phải tái-sanh nữa không?

2.- Khi tái-sanh, dùng thân cũ hay có thân mới? Chỗ đã làm thiện-ác nay đi về đâu? Thân mới có mang theo nghiệp cũ chăng? Thế nào là Danh-Sắc triển-chuyển theo thời-gian, tòng theo các nguyên-nhân dây chuyền?

3.- Cái ''gốc sanh-tử '' của con người là gì?

4.- Chết cùng lúc, có đến nơi tái-sanh cùng một lúc không?

5.- Thế-gian có sự-vật nào tự-nhiên mà sanh ra chăng?

*

110.- Thắc-mắc lớn: Chết rồi, đi về đâu?

Trước khi tìm hiểu Nghĩa Ý của các tiểu-mục nói trên, xin được phép xét qua hai điểm thắc-mắc lớn thường thấy: (1) Chết rồi, sẽ đi về đâu? (2) Có ''hiện-tượng'' tái-sanh thật-sự hay không?

Với mạng sống hiện nay trung-bình vào khoảng sáu, bảy mươi năm, con người thường thắc-mắc tự-hỏi: Khi chết rồi, sẽ đi về đâu? Khoa-học, trong hiện-trạng, còn chưa có câu trả lời dứt-khoát. Tùy theo giáo-lý và tín-điều riêng-biệt, đối với hiện-tượng ''sau cái chết'', các tôn-giáo đã có lắm cách giải-thích khác nhau.

Phật-giáo khẳng-định với thuyết Luân-hồi rằng, chúng-sanh sau đời sống hiện-tại, tùy theo sự dẫn-dắt của nghiệp-lực, do các hành-vi thiện-ác đã qua gây nên, mà tái-sanh lại vào một trong sáu nẻo: ba đường dữ: (1)địa-ngục, (2) ngạ-quỉ và (3)súc-sanh) và ba đường lành: (4) cõi Người, (5) cõi Thần, và (6) cõi Trời). Chỉ trừ những bực tu-hành đắc-đạo, nghiệp-lực đã dứt hẳn và chứng được vô-sanh (vô= chẳng; sanh= sanh lại, ở đây là tái-sanh) an-nghỉ trong cảnh vắng-lặng của Niết-bàn vĩnh-cửu, mới chẳng còn tái-sanh nữa.

(Với sự trình-bày quá sơ-lược về lý-thuyết Luân-hồi như trên đây, chắc-chắn chẳng thể nào giải-tỏa được nỗi thắc-mắc to-lớn về câu hỏi ''Chết rồi, đi về đâu?'' Tuy nhiên căn-bản của vấn-đề có liên-quan đến các cảnh-giới ngoài vòng thế-tục, như cảnh địa-ngục, cảnh Trời, cho nên chẳng thể dùng lời-lẽ và bằng-cớ cụ-thể ở cõi đời nầy mà minh-chứng được. Thái-độ khôn-khéo đối với mọi lý-thuyết là nên cởi-mở, chẳng bác-bỏ hẳn, mà cũng chẳng chấp-nhận ngay, cứ nên ... để bỏ ngỏ, ''chờ và xem''! ).

*

111.- Có ''hiện-tượng'' tái-sanh hay không?

Câu hỏi về tái-sanh vừa nêu trên đây rất khó mà có hẳn một lời đáp rõ-ràng, thẳng-thắn với đầy-đủ các chứng-minh của khoa-học hiện-đại được. Tại sao? Vì ''hiện-tượng'' tái-sanh diễn ra chẳng phải chỉ ở tại thế-gian nầy, mà còn ở các cảnh-giới khác, ở bên kia thế-giới nữa. (Gọi là ''hiện-tượng'', một biến-cố thật-sự có xảy ra trong một khung-cảnh không-gian và thời-gian nào đó). Cũng vì lẽ đó, trong quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'', ta đâu thấy ''vấn-đề việc tái-sanh có thật hay không?'' được đặt ra; trái lại, tác-giả xem đó là một sự-việc dĩ-nhiên, và mặc-nhiên chấp-nhận rằng hiện-tượng tái-sanh là có thật, rồi bàn ngay đến các khía-cạnh khác của tái-sanh như, ai phải tái-sanh, khi tái-sanh cái gì còn, cái gì mất, v.v... Phải chăng đó là một thái-độ dựa theo một sự tin-tưởng tiên-thiên, chẳng cần chứng-minh, cứ xem vấn-đề tái-sanh là một hiện-tượng thiên-nhiên, một sự-việc tự-nhiên, hễ chết đi rồi tất phải có sanh trở lại trong vòng Luân-hồi. Đó cũng tựa như đối với loài thảo-mộc, hễ già cỗi, có trái, có hột, thì hột giống sẽ nẩy mầm sanh cây khác để tiếp-tục chủng-loại mãi mãi.

Hiện-tượng tái-sanh có thật hay chẳng có thật? Quả tình, với khả-năng trí-óc của con người trong hiện-tại đây chẳng thể nào trả lời chính-xác và dứt-khoát được. Tại sao? Thử phân-tách việc tái-sanh ra làm ba giai-đoạn: (1) có một cá-thể chết đi tại thế-gian nầy; (2) cá-thể đó, trong thời-gian chẳng còn có mặt ở thế-gian, được biến-đổi tại một cảnh-giới nào đó, để có được một thân-tâm mới khác; (3) sự sanh ra đời của một cá-thể sau khi được biến-đổi, hoặc ở thế-gian, hoặc ở một cảnh-giới khác. Trong ba giai-đoạn đó, trí-óc con người ở thế-gian, chỉ nhận-thấy rõ ràng được có hai: một, khi chết và một, khi sanh. Còn việc quả-quyết rằng chính cá-thể đã chết nay sanh lại dưới thân-thể mới nầy, thì vượt khỏi sự hiểu-biết của tâm-trí bình-thường. Thế cho nên, chẳng thể nào có được một câu trả lời dứt-khoát bằng lời-lẽ của thế-tục.

Giáo-lý Phật-học căn-cứ trên lời dạy của Đức Phật Thích-ca mâu-ni tuyên-bố khi Ngài đắc đạo tại Bồ-đề đạo-tràng rằng, với thiên-nhãn-thông, Ngài nhìn thấy chúng-sanh chết nơi nầy tái-sanh lại nơi kia, trong vòng Luân-hồi khổ-sở và lẩn-quẩn. Lời tuyên-bố rất rõ-ràng nầy căn-cứ trên kinh-nghiệm bản-thân của Đức Phật ngay sau khi Ngài vừa được giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn. Lời tuyên-bố ấy giải-tỏa được nỗi thắc-mắc ''Chết rồi, đi về đâu?'' cho những ai tin-tưởng vào Giáo-lý nhà Phật; và dĩ nhiên đối với một bực đại-sư như tác-giả quyển ''Na-Tiên Tì-kheo Kinh'' nầy, thì việc tái-sanh được xem như một sự-thật có thật chẳng cần phải bàn-cãi nữa; và vì lẽ đó mà quyển sách nầy đã chẳng đặt lại vấn-đề tái-sanh có thật hay là chẳng có thật.

Đối với những ai cứu-xét vấn-đề ấy theo nhãn-quan lạnh-lùng và khách-quan của khoa-học, chỉ có việc tin hay là chẳng tin vào lời tuyên-bố của Đức Phật mà thôi; nhưng xin được phép nhắc lại lần nữa, đối với các người chưa tin hay chẳng tin, chớ vội bác-bỏ, nên có một thái-độ dè-dặt, bỏ-ngỏ, ''chờ và xem''.

*

112.- Cái gì mất, cái gì còn, khi chết đi?

Con người ở thế-gian khi nhìn vào người chết, biết rõ thân-xác ấy sẽ tan-rả, còn phần tâm-linh, vốn vô-hình, chẳng biết chắc được rồi sẽ ra thế nào, còn hay mất.

Đối với người mê-tín, phần ''linh-hồn'' vốn bất-diệt sẽ thoát ra khỏi thân-xác và đi đầu-thai, hoặc sanh trở lại ở thế-gian, hoặc được lên Thiên-đàng, hay bị đọa xuống địa-ngục. Sự tin-tưởng vào một ''linh-hốn bất-diệt '' chưa thấy được chứng-minh đầy-đủ với bằng-cớ cụ-thể, cho nên Phật-học xem đấy là một tà-kiến được gọi là thường-kiến, nghĩa là một ý-kiến sai-lầm cho rằng nơi thân-tâm con người đã có sẵn một phần tinh-túy, cốt-lõi, chẳng hề biến-diệt; đã là ''người'' rồi, thì bao giờ cũng là ''người'' mãi, cho dầu sống tại đây, hay hiện-diện nơi các cảnh-giới khác.

Trái ngược hẳn với thường-kiến, có đoạn-kiến, cũng là một tà-kiến cho rằng, một khi chết đi, thì cùng với sự tan-rã của thân-thể, phần tâm-linh cũng tan-rã và tiêu-diệt theo, chẳng còn gì tồn-tại cả: chết là hết! Đây là sự tin-tưởng của phần đông dân-chúng thiển-cận thấy thây chết vô-tri nằm bất-động, liền cho đó chẳng còn gì nữa cả.

Thường-kiến và đoạn-kiến đều phủ-nhận việc tái-sanh, bác-bỏ việc tu-hành trong hiện-đời và sẽ đưa đến hậu-quả tai-hại: sống-chết mãi trong thân-phận khổ nhiều, sướng ít của chúng-sanh.

*

113.- Tại sao phải tái-sanh lại? Ai phải tái-sanh lại, còn ai chẳng phải tái-sanh nữa?

Sau khi trình-bày hai điểm thắc-mắc lớn về cái chết và tái-sanh, (chẳng thấy sách ''Tì-kheo Na-Tiên'' nầy có bàn đến), giờ đây xin được tiếp-tục tóm-lược và tìm hiểu ý-nghĩa các tư-tưởng nêu trong cuộc đàm-luận giáo-pháp giữa nhà vua và vị tu-sĩ.

Nơi tiểu-mục số 019, Phần Phỏng-dịch, Vua Di-Lan có hỏi Na-Tiên:

- Ai còn phải tái-sanh lại, và ai chẳng còn sanh lại?

Na-tiên đáp:

- Người quyến-luyến niềm ân-ái nhiều, lắm sự ham-muốn thì sanh lại ở đời sau; người đã dứt sạch sự ân-ái, bỏ hết mọi ham-muốn, thì đời sau chẳng phải sanh trở lại.

Câu trả lời của Tì-kheo Na-Tiên rất rõ-ràng và dứt-khoát: ai còn (1)quyến-luyến sự ân-ái, (2)lắm sự ham-muốn, thì phải tái-sanh trở lại ở đời sau. Quyến-luyến sự ân-ái là gì? Ân-ái trỏ vào mối tình giữa vợ-chồng, hoặc sự tríu-mến giữa nam-nữ. Sự ham-muốn, ở đây, chỉ vào tất cả những tham-vọng và đòi-hỏi còn chưa được thoả-mãn; một cách tổng-quát, còn sự ham-muốn là còn muốn được sống lâu thêm nữa, để có thể được hưởng-thọ những điều mình hằng mơ-ước.

Vua Di-Lan lại hỏi thêm:

- Còn người một lòng niệm Chánh-Pháp, niệm thiện, có trí-huệ và siêng làm điều thiện, cũng chẳng sanh lại đời sau, phải không?

Na-Tiên đáp:

- Người lấy nhứt-tâm niệm Chánh-Pháp, niệm thiện, niệm trí-huệ, và các điều lành khác, nhờ đó đời sau chẳng phải sanh trở lại.

Nhứt-tâm niệm Chánh-Pháp, niệm thiện, niệm trí-huệ và các điều lành, là cách thứ hai để khỏi phải tái-sanh lại chịu khổ trong cõi Luân-hồi. Nhứt-tâm niệm Chánh-Pháp nghĩa là gì? Đó là: một lòng cố chuyên-chú nhớ nghĩ đến Chánh-Pháp và tuân-hành theo. Chánh-Pháp dạy ta ba môn học vô-lậu: Giới, Định, Huệ; và tuân-hành theo Chánh-Pháp thì phải giữ giới (trong đó có sự dứt hẳn việc dâm-dục) cho tâm thanh-tịnh, để sớm đắc định-lực và phát-triển trí-hưệ. Đây là việc tu huệ như ta đã biết ở tiểu-mục số 107, vừa nói ở trên. Nhờ trí-huệ mà cắt đứt mọi sự tham-luyến, do đó mới chấm-dứt được sự tái-sanh; theo như lời Na-Tiên giải-thích tiếp theo: ''Vương từng thấy việc gặt lúa chăng? Tay trái cầm bó lúa. Tay phải cắt đứt các cọng lúa. Trí-huệ con người cắt đứt được sự tham-ái, cũng như ta gặt lúa, cắt lúa vậy...''

*

114.- Người hết tái-sanh lại có tự-biết điều đó chăng?

Từ tiểu-mục số 019, ta phải nhảy đến tiểu-mục số 038,Phần Phỏng-dịch, để có thể trả lời câu hỏi vừa nêu trong tiểu-mục số 114 trên đây. Vua hỏi Na-Tiên:

- Có người chẳng sanh lại ở đời sau không, và có tự-biết được việc chẳng sanh lại ấy chăng?

- Dĩ nhiên, có người như thế, tự biết mình chẳng còn tái-sanh.

Và Na-Tiên đưa ra một thí-dụ về người nông-phu có lúa dự-trữ năm trước, năm nay chẳng trồng lúa nữa, thì tự biết mình chắc-chắn chẳng có lúa mới. Thí-dụ giản-dị nầy hàm chứa một ý-tưởng sâu-xa. Y-tưởng gì? Hễ có gieo mạ, trồng lúa, thì mới có thóc mới. Gieo mạ đây hàm chứa ý-tưởng hễ gieo nhân, thì có quả là thóc mới. Người dứt hẳn sự tham-ái, việc dâm-dục, bỏ mọi ham muốn, thì chẳng gieo nhân nữa, nên đâu còn phải chịu hậu-quả phải tái-sanh vào đời sau; nào có khác chi kẻ nông-phu kia chẳng gieo mạ thì làm gì có lúa mới để phải gặt vào năm tới.

Rồi Na-Tiên kết-luận:

- Người đã đắc-đạo cũng lại như thế, tự biết rằng đã dứt bỏ ân-ái, sướng-khổ, chẳng còn tham-tâm, do đó biết rõ đời sau chẳng sanh lại.

*

115.- Vua hỏi Na-Tiên có biết mình còn phải tái-sanh nữa không?

Tại tiểu-mục số 044, nhà Vua hỏi thẳng Na-Tiên:

- Na-Tiên nay có sanh trở lại đời sau không?

Đây là một câu hỏi thẳng-thắn, chờ đợi một câu trả lời minh-bạch rằng ''có'' hay ''không có''. Nhưng câu trả lời của Na-Tiên dường như chẳng đáp-ứng đúng hẳn vào hậu-ý của nhà Vua. Tại sao? Na-Tiên đáp:

- Lời Đại-Vương hỏi tôi đây, trước tôi đã đáp rồi: Nếu như tôi còn có sự lưu-luyến về ân-ái, thì đời sau sẽ sanh trở lại; còn nếu dứt được sự ân-ái, thì tôi chẳng sanh lại nữa.

Đáp như thế, mới nghe qua, tưởng như đó là lời nói ''phân hai'' chẳng quả-quyết rằng mình đã dứt được sự ân-ái để khỏi tái-sanh, mà cũng chẳng nói chắc rằng mình vẫn còn sự ân-ái. Nhưng nếu ta nghĩ sâu-xa thêm một chút nữa, sẽ thấy chỗ thành-thật và khéo-léo của Tì-kheo Na-Tiên trong lời đáp. Thành-thật ở chỗ nào? Việc chấm-dứt sự ân-ái của mình, chính mình mình biết lấy, có nói thẳng ra, lấy chi làm bằng-cớ, rồi ai ''làm chứng'' cho mình? Vì lẽ đó, Na-Tiên mới dùng chữ ''nếu'' trong câu trả lời. Khéo-léo ở chỗ nào? Nếu nói toạc ra rằng đã từ lâu mình dứt hẳn sự ân-ái và nay mình đã chứng-đắc được vô-sanh rồi, (chẳng còn tái-sanh nữa), thì đó là lời -- tuy thành-thật -- nhưng vẫn mang ít nhiều sự khoe-khoang mình đã đắc-đạo.

Ngày nay, ta thấy lắm hành-giả thiếu chơn-chánh rêu-rao đã chứng đắc đạo nầy quả kia, tưởng nên xem kỹ lại lời đáp của Na-Tiên.

*

116.- Khi tái-sanh, dùng thân cũ hay có thân mới?

Xin trở lại tiểu-mục số 037, Phần Phỏng-dịch, để cứu-xét vấn-đề vừa nêu.

Vua hỏi Na-Tiên:

- Người chết rồi đi theo hướng các ngỏ thiện và ác, có phải lấy thân-tâm cũ sanh ra lại, hay là dùng thân-tâm mới?

- Cũng chẳng phải lấy thân-tâm cũ sanh ra lại, mà cũng chẳng phải lià bỏ thân-tâm cũ.

Câu trả lời nầy của Na-Tiên rất thâm-sâu, tưởng nên suy-gẫm thêm cho cẩn-thận, vì có liên-quan đến hai vấn-đề: tái-sanh, và khi chết đi, cái gì còn, cái gì mất.

Trước hết, ta nên xét qua chữ ''thân-tâm''. Trong Phật-học, chữ thân-tâm trỏ vào sự kết-hợp của năm uẩn (còn gọi là năm ấm, tức là năm nhóm): sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, và thức-uẩn, tạo nên một cá-thể (tức là một chúng-sanh). Sắc-uẩn là phần vật-chất, thân, tức là thân-thể, do bốn đại có: (1) chất cứng (gọi là điạ, đất), (2) chất lỏng (thủy, nước), (3) chất khí (phong, gió) và (4) hơi nóng (hoả, lửa) mà lập thành. Còn tâm là phần tinh-thần do sự tập-hợp của bốn uẩn: thọ-uẩn (các tình-cảm), tưởng-uẩn (các tri-giác), hành-uẩn (các ý-nghĩ biến-chuyển bên trong) và thức-uẩn (các sự hiểu-biết). Như mọi người đều biết chắc, khi chết đi, phần thân tan rã, các yếu-tố trở về với bốn đại. Còn phần tâm, vì lúc sống phải dựa theo phần vật-chất của thân mà sanh-hoạt, nên khi thân mất, thì tâm cũng tan-rã theo. Vấn-đề quan-trọng là các yếu-tố của tâm, có yếu-tố nào còn, yếu-tố nào mất, và đi về đâu? Giáo-lý nhà Phật, cả hai tông Nam và Bắc đều cho rằng các yếu-tố của tâm khi chết đi thì liền hòa tan vào hư-không. Riêng giáo-lý Bắc-tông nói rõ hơn, trong thức-uẩn có một phần của A-lại-da-thức, còn gọi là tạng-thức, chịu ảnh-hưởng của nghiệp-lực dẫn-dắt đến một trong sáu nẻo thiện-ác của Luân-hồi. Nghiệp-lực là gì? Đó là ảnh-hưởng của các hành-động cố-ý đã qua của cá-thể lúc còn sống, vẫn còn tồn-tại tiềm-tàng, nay phát-động lại và đưa đến việc tái-sanh; vì lẽ đó nên Bắc-Tông còn gọi thức A-lại-da là nghiệp-thức, nơi tàng-trữ ảnh-hưởng các hành-nghiệp (hành-vi cố-ý cũ). Sự tồn-tại của thức A-lại-da sở dĩ có được là vì thức nầy chứa các chủng-tử (= hột giống); (chủng-tử chỉ là một tiếng suông thôi, được dùng tượng-trưng, để chỉ ảnh-hưởng của hành-động cố-ý cũ).

Kế đến là chữ Nghiệp, tiếng Sanskrit là Karma, tiếng Pali là Kamma, bao gồm ảnh-hưởng của (1)thân-nghiệp, hành-động cố-ý của thân, (2)khẩu-nghiệp, lời nói cố-ý, (3)ý-nghiệp, tư-tưởng cứ đeo đuổi mãi trong lòng. Một hành-vi cố-ý dầu đã qua rồi, nhưng ảnh-hưởng của nó có thể phát-động trong hiện-tại, cũng như trong tương-lai; vì lẽ đó nghiệp-lực mới phát-sanh dẫn-dắt đi theo các ''ngỏ thiện và ác'', như lời của Vua Di-Lan nói, khi hỏi Tì-kheo Na-Tiên.

Trở lại câu trả lời của Na-Tiên, ''chẳng phải thân-tâm cũ sanh lại, mà cũng chẳng phải lià bỏ thân-tâm cũ'', ta thấy Tì-kheo Na-Tiên muốn nhấn mạnh đến mối liên-quan mật-thiết giữa thân-tâm cũ và thân-tâm mới: (1) thân-tâm mới đây chẳng phải hoàn-toàn là do thân-tâm cũ sanh trở lại, nhưng phải chịu ảnh-hưởng nặng-nề của thân-tâm cũ; (2) giữa thân-tâm cũ và thân-tâm mới vừa có sự liên-tục, vừa có sự biến-đổi.

Về điểm (1), ai ai cũng biết chắc, chẳng thể nào bảo rằng một thân-tâm cũ khi gần chết và một thân-tâm mới khi sanh ra, cả hai đều chỉ là một thân-tâm cho được.

Về điểm (2), sự liên-tục giữa hai thân-tâm, với sự biến-đổi giữa thân-tâm cũ để trở thành thân-tâm mới, Tì-kheo Na-Tiên đưa ra năm thí-dụ để chứng-minh. Thí-dụ thứ nhứt là, trong khi sống, thân-tâm lúc còn bé khác hơn thân-tâm lúc trưởng-thành, tuy khác nhưng vẫn là một, với các sự biến-đổi theo năm tháng lớn lên. Thí-dụ thứ hai là, có sự liên-tục giữa hai thân-tâm cũ và mới, chẳng hề có một cá-thể nào khác xen vào giữa hai thân-tâm ấy; cũng ví như người học sách thì kẻ ngồi bên cạnh chẳng thể nhận lấy công đọc sách của người ấy được. Thí-dụ thứ ba: cũng ví như người đã phạm tội, đâu có thể bắt kẻ vô-tội chịu hình-phạt thay cho mình được. Thí-dụ thứ tư: lại ví như ngọn đèn có đủ dầu cháy đến sáng, từ đầu hôm, đến nửa đêm cho đến gần sáng, vẫn là một ngọn đèn, mặc dầu ánh-sáng lu-mờ hay tỏ- rạng mỗi lúc có khác nhau. Thí-dụ thứ năm: sự biến-đổi của sữa, từ sữa tươi, qua kem, qua bơ rồi thành phó-mát; làm sao lấy phó-mát để biến trở ngược lại thành sữa tươi cho được.

Năm thí-dụ kể trên được Tì-kheo Na-Tiên dùng để chứng-minh sự biến-đổi trong tinh-thần con người: ''Tinh-thần con người cứ triển-chuyển tiếp nối nhau... một cái đi thì một cái đến. Con người tòng theo tinh-thần từ lúc sanh ra cho tới già, đến khi chết, tinh-thần lại một lần nữa hướng về nẻo sanh, rồi triển-chuyển liên-tục mãi...''

Lời giải-đáp của Tì-kheo Na-Tiên được vua Di-Lan khen ngợi là Lành thay! Lành thay!, nhưng trí thiển-cận của Thiện-Nhựt thấy còn chưa được thoả-mãn hoàn-toàn. Tại sao? Na-Tiên dùng chữ tinh-thần để chỉ sự liên-tục giữa thân-tâm cũ và thân-tâm mới, danh-từ nầy quá tổng-quát, còn chưa được rõ-ràng bằng lời giải-đáp trong Giáo-lý Bắc-Tông: trong phần tâm-linh, có yếu-tố thức; trong yếu-tố thức, có phần A-lại-da thức dung chứa các chủng-tử (= ảnh-hưởng của các hành-động cố-ý cũ) vẫn còn tiềm-tàng chờ đủ cơ-duyên để tái phát-động, khiến cho xảy ra việc tái-sanh dưới một thân-tâm mới còn chịu ảnh-hưởng nặng-nề của thân-tâm cũ. Nếu bảo rằng, chắc gì thức A-lại-da còn tồn-tại khi chết đi, thì Thiện-Nhựt chẳng đủ khả-năng để chứng-minh được sự tồn-tại đó; nhưng trí nông-cạn của mình vẫn thấy rằng một hành-vi cố-ý đã xảy ra, ảnh-hưởng của nó chẳng thể nào tiêu-diệt hết được. Dầu có gọi ảnh-hưởng đó là gì, nghiệp-lực hoặc Karma, hay Kamma, gì gì đi nữa, ảnh-hưởng ấy vẫn còn đó, trừ khi cơ-duyên chưa đầy-đủ nên chưa kịp phát-sanh, hay chẳng phát-sanh được mà thôi. Nếu hành-giả chuyên-tâm làm việc thiện, thì các việc ác đâu có cơ-hội nẩy sanh cho mình, và các điều thiện mình làm cũng có thể thay-đổi được ảnh-hưởng của các hành-vi sai-lầm cũ.

Tuy cuối tiểu-mục số 037, Vua Di-Lan có lời khen: Lành thay! Lành thay! như thế, nhưng Thiện-Nhựt phỏng-đoán nhà Vua chưa hẳn hoàn-toàn thỏa-mãn, vì tiếp theo nơi tiểu-mục số 043, nhà Vua đặt lại vấn-đề một lần nữa, với Tì-kheo Na-Tiên:

- Con người chết rồi, khi sanh lại ở đời sau, là ai vậy?

- Danh và Thân sanh lại ở đời sau.

- Danh cũ và Thân cũ của người ấy sanh lại chăng?

- Chẳng phải như vậy. Chẳng phải Danh cũ, cũng chẳng phải Thân cũ đã giữ lấy thân-tâm nầy ở đời nay làm điều thiện ác cho đến đời sau, mà sanh ra lại đâu.

- Như khiến dùng thân-tâm nầy làm điều thiện, điều ác ở đời nầy, rồi đời sau chẳng sanh lại, thì cứ hết sức làm điều thiện, điều ác cũng được thoát hết, chẳng phải chịu khổ lại nữa hay sao?

- Nơi đời nầy làm đìều thiện, thì đời sau chẳng sanh lại nữa, liền được giải-thoát. Còn người chẳng ngừng làm điều thiện, điều ác thì phải sanh lại về sau, cho nên chẳng được giải-thoát.

Đọc tới đây, ta thấy lời giải-đáp của Na-Tiên còn vấp phải hai chỗ chẳng được rõ-ràng: (1) chẳng nói rõ Danh là gì? và Thân là gì? (2) bảo: chẳng phải Danh, Thân cũ đã giữ lấy thân-tâm nầy, mà sanh lại đời sau. Về điểm (1), mãi đến trang 35 Bản Phỏng-dịch, nơi tiểu-mục số 045, ta mới thấy định-nghĩa của hai danh-từ Danh và Thân. Về điểm (2), câu trả lời còn chưa trọn-vẹn của Na-Tiên: ''chẳng phải thân-tâm cũ sanh trở lại'', đã khiến Vua Di-Lan vội rút ra một hệ-luận (sai-lầm): nếu thân-tâm cũ chẳng sanh lại, thì cứ việc hết-sức làm các điều ác, rồi cũng được thoát hết.

Nhưng mục-đích của tiểu-mục số 043 đang cứu-xét đây chẳng phải là nhắc lại cái gì còn, cái gì mất của thân-tâm cũ, khi thân-tâm mới sanh ra? mà để chứng-minh rằng: thân-tâm cũ là căn-bản cho việc tái-sanh lại. Như thế nghĩa là sao? Na-Tiên đã dùng một loạt sáu thí-dụ cụ-thể để chứng-minh một cách gián-tiếp: căn-bản của việc tái-sanh, chính là vì thân-tâm đời nầy làm các điều thiện-ác cho nên phải tái-sanh lại.

Sáu thí-dụ nào? Đó là: (1) trộm trái cây; (2) trộm thóc; (3) đốt lửa cháy nhà; (4) đốt đuốc cháy thành; (5) tiền sính-lễ cưới vợ; (6) sữa chua. Đọc kỹ lại sáu thí-dụ đó -- mà Na-Tiên đã khéo chọn trong các việc tranh-tụng mà nhà Vua thường gặp phải khi phân-xử -- ta thấy ở mỗi thí-dụ có sự tranh-chấp giữa một người đã gieo nhân, và một người dành lấy việc gặt quả: (1) một anh trồng cây, còn một anh hái trộm quả; (2) một người gieo mạ trồng luá, bị kẻ kia gặt hết thóc, (3) chú nọ đốt lửa sưởi ấm, lại để lửa bốc lan ra đã cháy nhà mình còn thiêu luôn ngôi lầu bên cạnh; (4) tên kia đốt đuốc sáng để ăn cơm ở nhà mình, để lửa bùng lên thiêu hủy luôn cả một thành-phố; (5) cậu nầy mang sính-lễ xin cưới một cô bé, bị chàng nọ cưới tranh khi nàng con gái ấy đến tuổi trưởng-thành; (6) một kẻ mua sữa tươi gởi lại chủ nuôi bò, sau đến lấy, trách sao chủ bò lại đổi ra sữa chua. Để tự bào-chữa, sáu người làm sái-quấy đã đưa ra một lập-luận rất là... buồn cười: (1) tôi hái trái, chớ nào trộm cây của anh; (2) tôi gặt thóc, chớ nào đá động gì đến luá-mạ anh đã gieo; (3) lửa tôi đốt trong nhà tôi, tôi đâu đốt lầu anh kia; (4) lửa cháy thành-thị bùng to lên nào phải là lửa nhỏ của tôi đã đốt trong nhà; (5) tôi nay đi cưới cô thiếu-nữ nầy, nào liên-hệ gì với đứa bé trước kia anh đã cầu-hôn; (6) sữa lúc tôi gởi thì tươi chớ đâu có chua như bây giờ. Thật là buồn cười cho họ, vì khi lập-luận, họ đã chẳng chịu nhìn thấy rõ-ràng nguyên-nhân trước kia đã làm căn-bản cho việc sanh ra hậu-quả ngày nay. Và sau mỗi thí-dụ buồn cười đó, Na-Tiên đều đưa ra một kết-luận rất nghiêm-trang, hàm-súc một chơn-lý sâu-xa mà lý-trí người thường ít khi chịu lưu-tâm để nhìn thấy:

- Đời người cũng lại như thế. Người đời nay dùng thân-tâm nầy làm điều thiện, điều ác, cho đến khi sanh lại vào đời sau, thì thân-tâm làm thiện-ác ở đời nầy là căn-bản vậy.

Và điều thiếu-sót của hạng người thiển-cận trên đây là chẳng thấy nổi vai-trò của thời-gian trong việc đi từ nguyên-nhân đến hậu-quả: có nguyên-nhân gây ra hậu-quả ngay trong hiện-tiền, mà cũng có nhiều nguyên-nhân chỉ gây ra hậu-quả sau một thời-gian dài, có thể từ một hay nhiều đời trước nữa.

Trở lại danh-từ Danh-Thân được nói ngay ở đầu tiểu-mục số 043, ta tìm thấy định-nghĩa của danh-từ nầy nơi tiểu-mục số 045, Phần Phỏng-dịch. Theo Na-Tiên, tấm thân hiện nay đang thấy đây là Thân, còn chỗ nhớ nghĩ trong lòng là Danh. Thiện-Nhựt thấy cần phải nói lại cho đúng theo Giáo-lý cả hai Tông Nam và Bắc. Tiếng Pali Nàma-Rùpa thường được dịch ra tiếng Hán-Việt là Danh-Sắc: Danh chỉ phần tâm-linh, gồm có bốn uẩn: thọ, tưởng, hành và thức; còn Sắc chỉ phần vật-chất, tức là sắc-uẩn. Danh-Sắc hợp lại lập thành ra Thân-tâm của một cá-thể, tức là một chúng-sanh; danh-từ Danh-Sắc chánh-thức được công-nhận trong giáo-lý cả hai tông Nam và Bắc để dịch chữ Nàma-Rùpa. Còn riêng chữ Thân thường được dùng để dịch chữ Pali Kàya, với ý-nghĩa là thân-thể, hay một tập-hợp, hoặc một nhóm. Thiện-Nhựt chẳng may-mắn để có được bản chánh-văn của quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' bằng tiếng Phạn, nên chẳng dám phê-bình sự thiếu-sót của dịch-giả Hán-văn trong Hán-Tạng; nhưng Thiện-Nhựt tha-thiết mong độc-giả mỗi khi đọc Phần Phỏng-dịch của Thiện-Nhựt, hễ gặp hai chữ Danh-Thân thì xin đọc và hiểu cho đó là Danh-Sắc.

*

117.- Chỗ đã làm thiện, ác nay đi về đâu và thân mới có mang theo nghiệp cũ không?

Lẽ ra đang bàn về Danh-Sắc (trong bản dịch Hán-văn, dịch-giả dùng chữ Danh-Thân), thì nên nói ngay đến sự triển-chuyển của Danh-Sắc, từ lúc sơ-sanh cho đến lúc chết đi và tái-sanh lại; nhưng vấn-đề nầy có liên-hệ đến lý Mười hai Nhân-Duyên, khá phức-tạp và hết sức tế-nhị, cho nên Thiện-Nhựt xin hãy xét nốt cho xong các điều thiện-ác đã làm nay đi về đâu và ảnh-hưởng về sau của các điều ấy.

Tiểu-mục số 071, Phần Phỏng-dịch, có chỗ hơi lủng-củng, vì Vua Di-Lan đang hỏi về Trí, mà Na-Tiên lại quay sang trả lời về các hành-vi thiện-ác đã làm. Vua hỏi:

- Xét cho kỹ, có trí hay chẳng có trí?

- Trí chẳng có. Thí-dụ như có người trộm trái dưa, người ấy có tội chăng?

- Có tội chớ!

- Lúc trồng dưa chẳng có trái; cớ gì nay lấy trộm trái dưa mà lại có tội?

- Giá như chẳng trồng dưa, cớ gì lại có trái được; cho nên kẻ trộm chẳng thể nào bào-chữa được.

- Con người cũng lại như vậy, vì đời nầy làm điều thiện-ác, nên sanh ra ở đời sau liền thọ thân mới.

Rõ-ràng ta thấy Na-Tiên chẳng nói gì thêm tại sao chẳng có trí, mà trở lại các điều thiện-ác đã làm và bàn thêm về ảnh-hưởng của chúng đến đời sau. Kế đó, Na-Tiên lại đưa ra tiếp thêm hai thí-dụ -- rất hay -- để chứng-minh điều đó:

- Các điều thiện-ác của một người đi theo người ấy như bóng theo thân-hình; người tuy chết, chỉ có thân mất, chớ các hành-động đã làm thì chẳng mất. Ví như ban đêm đốt đèn viết thơ, đèn tắt nhưng chữ vẫn còn đó; khi đèn sáng trở lại thì chữ hiện lên. Đời nầy, con người làm chỗ thiện-ác còn đó, thành ra đến đời sau thì phải thọ lấy như thế.

Đến tiểu-mục số 072, tiếp theo, Vua Di-Lan có hỏi Na-Tiên:

- Chỗ đã làm thiện-ác có thể phân-biệt chỉ rõ chỗ ấy hiện ở đâu chăng?

- Chẳng thể phân-biệt để chỉ rõ chỗ đã làm điều thiện-ác ở vào chỗ nào.

Để chứng-minh, Na-Tiên đưa ra thí-dụ cây chưa trổ trái, thì chẳng thể nào bảo trước nhánh nào sẽ có trái, nhánh nào không. Và Na-Tiên lại kết-luận, người chưa đắc-đạo chẳng thể biết trước thiện-ác ở vào đâu. Thiện-Nhựt xin tán-thán việc khéo chọn thí-dụ nầy của Na-Tiên, và xin đồng-ý rằng chẳng thể chỉ rõ vị-trí nào trong không-gian và thời-gian đang lưu-trữ chỗ thiện-ác đã làm đó; nhưng Thiện-nhựt xin nhắc lại hai điều: (1) người tu-hành tuy chưa đắc đạo cũng biết chắc, làm một hành-vi ác là tạo nhân, thế nào cũng mang lại quả xấu về sau; (2) giáo-lý Bắc-Tông có nói: thức A-lại-da tàng-trữ các chủng-tử của việc thiện-ác, đó phải chăng là nơi mà ta có thể suy-đoán các hành-vi thiện-ác còn ghi lại ảnh-hưởng của nguyên-nhân để chờ khi đầy-đủ cơ-duyên thì tái-phát lại dưới hình-thức hậu-quả. Nếu đi sâu hơn nữa, đòi hỏi một sự mô-tả thật tỉ-mỉ về thức A-lại-da, thì xin nói thêm rằng, thức nầy thuộc về tiềm-thức (tiềm = tiềm-tàng, đang chìm sâu bên trong) mà khoa Tâm-lý-học hiện-đại vẫn còn chưa khám-phá được hết các chi-tiết.

Và trước khi kết-thúc việc tìm hiểu các hành-vi thiện-ác đã cố-ý làm trong thời-gian qua, sẽ có ảnh-hưởng đến việc tái-sanh về sau, Thiện-Nhựt xin tóm-tắt lại:

1.- Mọi hành-vi cố-ý của (1) thân, (2) miệng và (3) của tâm-ý đều tạo nên nghiệp, có ảnh-hưởng trong việc tái-sanh, chiếu theo luật Nhân-Quả;

2.- Nghiệp, trước do mình tạo ra, sau nghiệp lại làm chủ mình, dẫn dắt mình đi theo các nẻo Luân-hồi. Kể cũng công-bằng chớ! Có tự-do trong hành-động (lúc sống), thì phải gánh lấy nghiệp cũ (khi tái-sanh), vì đó là trách-nhiệm. Tự-do phải đi đôi với Trách-nhiệm!

*

118.- Thế nào là Danh-Sắc triển-chuyển qua Thời-gian, tòng theo các nguyên-nhân dây chuyền?

Bây giờ xin quay lại vấn-đề Danh-Sắc. Nơi tiểu-mục số 045, Phần Phỏng-dịch, Na-Tiên đã định-nghĩa Danh-Sắc rất rõ-ràng:

- Tấm thân hiện nay đang thấy đây là Thân/Sắc, còn chỗ nhớ nghĩ trong lòng là Danh (...). Thân/Sắc và Danh của con người, trước sau liên-quan nhau, ví như mầm con gà-con trong chất lỏng và vỏ cứng bên ngoài, lớn lên cho đến khi thành con gà con...

Về Thời-gian, nơi tiểu-mục số 046, Phần Phỏng-dịch, Na-Tiên nói:

- Lấy việc quá-khứ đã qua làm lâu dài; cũng lấy việc vị-lai sắp tới làm lâu dài; chỉ có hiện-tại bây giờ là chẳng dài lâu.

Như thế, theo Na-Tiên, Thời-gian được chia ra làm quá-khứ, hiện-tại và vị-lai; trong ba thời ấy, chỉ có hiện-tại, đứng làm chuẩn ở giữa, thì chẳng dài lâu, tức là chẳng có thời-gian-tính, hay nói đúng ra, hiện-tại là ngay trong một khoảnh-khắc đang nói đây mà thôi.

Tiểu-mục số 047, Phần Phỏng-dịch, là một trong các tiểu-mục vừa dài và khó nhứt của quyển ''Tì-kheo Na-Tiên''. Y chánh tiểu-mục nầy là chỉ vào thân-tâm biến-chuyển, qua thời-gian, từ lúc sơ-sanh đến khi chết đi và tái-sanh lại, chẳng dứt. Sự biến-chuyển nầy được diễn ra tùy thuộc vào các nguyên-nhân dây chuyền.

Trong việc tóm-lược và tìm hiểu sự biến-chuyển đó, Thiện-Nhựt xin lần-lượt: (1) nhắc lại vắn-tắt diễn-tiến của sự biến-chuyển (tiểu-mục số 047-a); (2) nêu lên các nguyên-nhân dây chuyền dọc theo sự biến-chuyển đó (tiểu-mục số 047-b) và hai thí-dụ chứng-minh (tiểu-mục số 047-c); (3) rút gọn lại sự trình-bày của Na-Tiên về việc phối-hợp giữa sáu căn, sáu trần và sáu thức trong sự biến-chuyển liên-tục (tiểu-mục 047-d).

Và sau cùng, Thiện-Nhựt xin đối-chiếu lời giải-thích của Tì-kheo Na-Tiên với các điểm căn-bản trong giáo-pháp có liên-quan đến Lý Mười-hai Nhân-Duyên, tại tiểu-mục riêng số 119, tiếp theo sau.

Tóm-tắt:

1.- Do sự ngu-si lấy ba thời: quá-khứ, hiện-tại và vị-lai làm căn-bản, nên tinh-thần nẩy sanh ra. Tinh-thần sanh ra thân (sắc); sắc sanh danh, danh sanh sáu thức. Do sự phối-hiệp ở trong danh, liền biết sướng-khổ; sướng sanh ra ân-ái, ân-ái kéo theo ham-muốn, khiến có sự truyền-đạt. Rồi tòng theo sự truyền-đạt mà có sanh, có già, có bịnh, có chết, có ưu-sầu, đau-đớn trong nội-tâm. Hiệp các nỗi khổ vừa kể thì thành ra con người, có sống-chết chẳng bao giờ dứt.

2.- Các danh-từ in nghiêng trong tiểu-đoạn ''1'' trên đây nêu rõ thứ-tự các nguyên-nhân dây chuyền. Để chứng-minh sự sống-chết tiếp-nối nhau chẳng bao giờ dứt, Tì-kheo Na-Tiên đưa ra hai thí-dụ:

(a) trứng gà nở ra gà, gà lại đẻ trứng, rồi lại nở ra gà ...
(b) vẽ một vòng tròn khép kín, tượng-trưng sự tiếp-nối chẳng dứt.

Rồi, Na-Tiên trích-dẫn Kinh Phật: ''Đời người sống chết cũng như bánh xe chuyển lăn, sanh-tử, tử-sanh, chẳng bao giờ dứt tuyệt.''

3.- Sự biến-chuyển chẳng bao giờ dứt-tuyệt đó được Tì-kheo Na-Tiên trình-bày lại dưới hình-thức của sự phối-hợp giữa các căn, trần và thức. Do mắt (căn) thấy sắc (trần), nhãn-thức (thức) liền khởi lên sanh ra giác-tri (= hiểu-biết), ba sự-việc đó (mắt, hinh-sắc và nhãn-thức) phối-hiệp lại mà sanh ra sướng-khổ; do sự sướng sanh ra ân-ái, kéo theo sự ham-muốn, khiến cho có sự truyền-đạt; và do đấy mà có sự sanh sanh ra, tạo nên nguyên-nhân cho việc làm các điều thiện-ác. Những gì vừa được nói về mắt, sắc và nhãn-thức, được nhắc lại với các căn, các trần và các thức còn lại.

*

119.- Đối-chiếu lập-luận của Na-Tiên với Lý Mười-hai Nhân-Duyên trong giáo-lý.

(Trước khi đối-chiếu, Thiện-Nhựt xin người đọc xem kỹ lại các tiểu-mục số 043, 045, 046, nhứt là số 047, vì phần tóm-tắt trên đây quá sơ-lược, đã lướt bỏ qua nhiều chi-tiết.)

1.- Trình-bày sơ-lược Lý Mười-hai Nhân-Duyên:

Lý Mười-hai Nhân-Duyên, còn gọi là Lý Duyên-Sanh, hoặc Lý Duyên-Khởi, là một lý-thuyết căn-bản của Phật-giáo. Nó vạch rõ do đâu mà chúng-sanh sanh ra ở đời, lớn lên, già bịnh rồi chết, để phải tái-sanh lại, rồi cứ luân-chuyển mãi trong sáu nẻo Luân-hồi.

a.- Mười-hai Nhân-Duyên là những gì? Theo thứ-tự, (1) Vô-minh, tức là sự ngu-si; (2) Hành, tức là sự-vật bị biến-đổi theo điều-kiện; (3)Thức, tức là nghiệp-thức, ảnh-hưởng của các hành-vi cố-ý cũ; (4) Danh-Sắc, tức là thân-tâm; (5) Lục nhập tức là sáu giác-quan; (6) Xúc, tức là sự tiếp-xúc giữa các giác-quan với các trần (cảnh-vật bên ngoài); (7) Thọ, tức là các cảm-giác; (8) Ái, tức là sự khao-khát, mến-thích quá; (9) Thủ, tức là đeo giữ chặt; (10) Hữu, tức là sự hiện-hữu, cuộc sống; (11) Sanh, tức là sanh ra đời; (12) Lão-tử, tức là già, chết.

b.- Sự luân-chuyển của Mười hai Nhân-Duyên: Sự luân-chuyển theo dây chuyền của Mười-hai Nhân-Duyên quay theo hai chiều:

(i) - Chiều Lưu-chuyển đưa đến sự tái-sanh lẩn-quẩn trong vòng Luân-hồi, chia ra ba thời-kỳ:

- thời quá-khứ: (1)Vô-minh duyên Hành; (2)Hành duyên Thức; (3)Thức duyên Danh-Sắc. (Chữ duyên có nghĩa là cơ-duyên, hay là các điều-kiện làm thay-đổi; nói: ''Vô-minh duyên Hành'', tức là muốn nói: vì có Vô-minh sanh ra, cho nên Hành mới sanh ra theo);

- thời hiện-tại: (4)Danh-Sắc duyên Lục-nhập; (5)Lục-nhập duyên Xúc; (6)Xúc duyên Thọ; (7)Thọ duyên Ái; (8)Ái duyên Thủ; (9)Thủ duyên Hữu;

- thời vị-lai: (10) Hữu duyên Sanh; (11) Sanh duyên Lão-tử; (12) Lão-tử duyên Vô-minh, khép kín vòng tròn của Luân-hồi lại, để cứ tiếp-tục quay mãi như thế.

(ii) - Chiều hoàn-diệt: nhằm phá vở vòng Luân-hồi, chẳng còn phải tái-sanh nữa: (1) hễ Vô-minh diệt, thì Hành diệt, (2) hễ Hành diệt, thì Thức diệt; (3) hễ Thức diệt, thì Danh-Sắc diệt; (4) hễ Danh-Sắc diệt, thì Lục-nhập diệt; (5) hễ Lục-nhập diệt, thì Xúc diệt; (6) hễ Xúc diệt, thì Thọ diệt; (7) hễ Thọ diệt, thì Ái diệt; (8) hễ Ái diệt, thì Thủ diệt; (9) hễ Thủ diệt, thì Hữu diệt; (10) hễ Hữu diệt, thì Sanh diệt; (11) hễ Sanh diệt thì Lão-tử diệt; (12) hễ Lão-tử diệt, thì Vô-minh diệt.

Vòng Luân-hồi tựa như sợi dây xích có mười hai khoen, mỗi khoen là một Nhân-duyên; hễ bẻ gãy được một khoen, vòng Luân-hồi liền bị phá vở và chẳng lưu-chuyển được nữa (tức là người tu-hành đã chứng đắc được sự vô-sanh.)

2.- Tìm hiểu sơ-lược về Lý Mười-hai Nhân-Duyên

Thân-phận của mọi chúng-sanh là phải chịu Khổ thì nhiều mà hưởng sướng thì ít, cứ sống đi chết lại mãi mãi trong vòng lẩn-quẩn. Con đường thoát khỏi vĩnh-viễn cảnh Khổ là phải vượt ra ngoài vòng Luân-hồi. Vòng Luân-hồi khép kín lại do sự luân-chuyển dây chuyền của Mười-hai Nhân-duyên, ví như mười hai khoen của sợi dây xích cứ trói buộc mãi mọi chúng-sanh. Lý Mười-hai Nhân-duyên có dạy những chỗ có thể phá-vở, như (1) diệt vô-minh; như (2) trừ tham-Ái; như (3) chẳng chấp-Thủ; như (4) hộ-trì các căn nơi Lục-nhập; như (5) phòng-vệ các căn nơi Xúc và Thọ ... Nhưng trong việc tu-hành, thường được nghe dạy hai điều quan-trọng: thứ nhứt là diệt-trừ sự luyến-ái, như trong Kinh Chuyển Pháp-Luân Đức Phật có dạy tại Khổ-tập-đế; và thứ hai là việc phát-triển Trí-huệ để diệt Vô-minh, qua ba môn học trong Chánh-Pháp: Giới, Định, Huệ. Vì tại đây đang cứu-xét ý-nghĩa lời giải-đáp của Tì-kheo Na-Tiên liên-quan đến Danh-Sắc, nên xin được phép tạm ngưng việc tìm hiểu về Lý Mười-hai Nhân-Duyên.

3.- Đối-chiếu lời giải-đáp của Na-Tiên về Danh-Sắc và giáo-lý về Mười hai Nhân-Duyên:

(a).- Vì tôn-trọng bản dịch Hán-văn trong Đại-Tạng, Thiện-Nhựt đã ghi là Danh-Thân, tức là thân-tâm của một cá-thể khi còn sống và khi tái-sanh lại. Danh-từ chánh-thức Danh-Sắc được dùng cả trong hai Tông Nam, Bắc, để chỉ thân-thể là phần vật-chất và tâm là phần tinh-thần; phần tinh-thần nầy được gọi là Danh (Pali: Nàma), còn phần vật-chất được gọi là Sắc (Pali: Rùpa). Xin nói lại cho đúng.

(b).- Chữ ngu-si, đọc thấy nơi tiểu-mục 047-a, trong giáo-lý Bắc-tông thường gọi là Vô-minh (vô= chẳng có; minh= sáng). Vì thế, nguyên-nhân đầu-tiên trong chiều lưu-chuyển của Lý Mười-hai Nhân-Duyên, chính là sự ngu-si, nói theo tiếng Hán-Việt là vô-minh. Ta tự hỏi: Tại sao lại ngu-si? Ngu, vì lúc gần chết quá sợ-hãi, muốn sống lâu thêm nữa; chính sự ham-muốn đó là một ý-nghiệp dẫn-dắt cá-thể ấy theo các nẻo tái-sanh. Mà hễ còn tái-sanh là còn chịu Khổ dài-dài, thế cho nên, đó chẳng phải thiếu trí-khôn hay sao? Nhưng mặt khác, Na-Tiên bảo: ''Hễ ngu-si sanh, thì tinh-thần sanh'', thì Thiện-Nhựt chẳng hoàn-toàn đồng-ý với chữ tinh-thần. Tại sao? Thường thường hễ tinh-thần sanh ra, làm sao mà ngu-si cho được, vì tinh-thần có khả-năng hiểu-biết, suy-luận, v.v. Lý Mười-hai Nhân-Duyên nói chính-xác hơn: Vô-minh duyên Hành, có nghĩa là hễ đã có vô-minh làm nhân-duyên (làm điều-kiện), thì sẽ có Hành khởi-sanh ra.

Hành là gì? Nguyên chữ Hành, tiếng Hán-Việt, dùng để dịch chữ Pali Sankhàra, với ba nghĩa chánh: (1) điều-kiện gây ra sự biến-đổi; (2) sự-vật bị điều-kiện-hoá, tức là các sự-vật bị các điều-kiện chung quanh làm biến-đổi; (3) chính sự biến-đổi đó, do các điều-kiện gây ra. Như thế, chữ Hành trỏ vào các pháp hữu-vi, tức là các sự- vật phải chịu thay-đổi vì hoàn-cảnh chung quanh hay vì các điều-kiện khác.

(Xin lưu-ý người đọc: chữ pháp, nơi danh-tứ các pháp hữu-vi, có nghĩa là các sự sự vật vật nói chung, chữ pháp tiếng Pali là dhamma, tiếng Sanskrit là dharma, viết chữ dh bằng chữ thường; xin đừng lầm với nghĩa chữ Dhamma/Dharma, có nghĩa là Giáo-pháp, Chánh-pháp, thì chữ Dh ở đầu lại được viết hoa.)

Trở lại với chữ Tinh-thần mà Na-Tiên đã dùng, khi nói ''hễ ngu-si sanh, thì tinh-thần sanh'', đáng lý Na-Tiên nên nói: "hễ có vô-minh, thì có Hành sanh ra'' mới chính-xác hơn, mặc dầu tinh-thần cũng là một sự-vật bị điều-kiện-hoá, cũng là một pháp hữu-vi, tức cũng như là một Hành vậy.

(c).- Kế đó, Na-Tiên nói: ''Tinh thần sanh Thân, Thân sanh Danh, Danh sanh Sắc, Sắc sanh ra sáu Thức...'' Đối-chiếu với Lý Mười-hai Nhân-duyên trong Giáo-lý, ta có: ''Hành duyên Thức, Thức duyên Danh-Sắc, Danh-Sắc duyên Lục-nhập'', thì thấy rõ chỗ sai-lầm của Na-Tiên trong lời đáp. Sai chỗ nào? Làm sao mà tinh-thần sanh ra tấm thân vật-chất cho được? Làm sao mà tấm thân trở ngược lại sanh ra Danh tức là phần tinh-thần được? Làm sao mà sắc (= vật-chất) vốn vô-tri lại có thể sanh ra sự hiểu-biết, tức là thức cho được. Cả câu nói trên đây của Na-Tiên, tưởng nên sửa lại theo thứ-tự trong Lý Mười-hai Nhân-duyên, từ Hành cho đến Lục-nhập, thì mới đúng được.

Lại nữa, xin được phép thưa rõ thêm về ba Nhân-Duyên đầu: Vô-minh, Hành, Thức, lưu-chuyển trong thời quá-khứ. Trong đời trước, khi lâm-chung, cá-thể vì sợ-hãi cái chết sắp đến, nên khao-khát đòi sống lâu thêm nữa, đó là Vô-minh. Sự vô-minh ấy làm khởi sanh lên Hành, một pháp hữu-vi về tâm-linh, rồi Hành duyên với Thức, (Thức đây là nghiệp-thức, một yếu-tố (hay chủng-tử) của thức A-lại-da, dẫn cá-thể đến các nẻo tái-sanh vào thời hiện-tại.) Việc tái-sanh, ở đây, có nghĩa là nghiệp-thức hoà-nhập với tinh cha, huyết mẹ, thành ra bào-thai, vì chưa tượng hình đủ các bộ-phận nên mới được tạm gọi Danh-Sắc (Nàma-Rùpa, tinh-thần và vật-chất). Với thời-gian, thai-nhi phát-triển đầy-đủ các cơ-quan, các giác-quan (các căn); và khi lọt lòng mẹ, các căn tiếp-xúc với hoàn-cảnh chung quanh, nên gọi là Lục-nhập, làm khởi lên sáu thức; chữ thức nầy mới thật-sự chỉ vào các sự hiểu-biết ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý (từ nhãn-thức cho đến ý-thức.)

(d).- Đến tiểu-đoạn 047-d, Phần Phỏng-dịch, nhan-đề: Sáu căn, sáu trần, và sáu thức phối-hiệp, sự trình-bày của Na-Tiên về nguyên-nhân sâu-xa của việc tái-sanh, do các việc làm thiện-ác phát-xuất từ các căn, hết sức rõ-ràng và thật là tỉ-mỉ, làm sáng-tỏ thêm rất nhiều cho Lý Mười-hai Nhân-duyên.

Rõ-ràng như thế nào? Trong khi Lý Mười-hai Nhân-duyên có dạy: ''Lục-nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu'', mà chẳng chỉ rõ cho thấy sự biến-chuyển từ Nhân-duyên trước đến Nhân-duyên sau, thì Na-Tiên đã vạch rõ ra được sự phối-hiệp xảy ra nơi Lục-nhập giữa ba yếu-tố: căn, trần và thức, tạo nên sự giác-tri khiến cá-thể có sự hiểu-biết về sướng-khổ (tức là Thọ), rồi tòng theo Thọ mà sanh ra ân-ái, ham-muốn (tức là Ái và Thủ); và chính sự ham-muốn nầy là nguyên-nhân sanh ra hữu-trí (tức là Hữu, hiện-hữu, cuộc sống) để có sự sanh sanh ra, làm nguyên-nhân cho cá-thể thi-hành điều thiện-ác sau nầy. Đó là nguyên-nhân sâu-xa của việc tái-sanh: do các điều thiện-ác phát-xuất từ các căn, mà Na-Tiên nói ở tiểu-đoạn 047-d, , Phần Phỏng-dịch.

Tỉ-mỉ như thế nào? Na-Tiên chẳng những chỉ rõ sự phối-hiệp nơi Lục-nhập, giữa một căn, một trần và một thức, mà trình-bày thật là tận-tường luôn cả sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), sáu trần (hình-sắc, âm-thanh, mùi, vị, xúc-chạm và ý-niệm) và sáu thức (nhãn-thức, nhĩ-thức, tị-thức, thiệt-thức, thân-thức và ý-thức).

Sau khi kể lại tỉ-mỉ và trình-bày rõ-ràng như thế, Na-Tiên đi đến một kết-luận, rất sắc-bén, ''Như thế, con người triển-chuyển, sanh-tử, tử sanh, chẳng bao giờ dứt tuyệt.''

*

120.- Cái ''gốc sanh-tử'' của chúng-sanh là gì?

Lời kết-luận trên đây đã khiến Vua Di-Lan đưa ra thêm một câu hỏi rất sâu-sắc, liên-quan chẳng những riêng đến việc tái-sanh mà còn đến tận gốc-rễ của việc sống-chết của chúng-sanh.

Vua hỏi (nơi tiểu-mục số 049, Phần Phỏng-dịch):

- Ta (chỉ) muốn hỏi Na-Tiên, cái gốc sanh-tử của con người là gì?

Na-Tiên đã đáp rất dài (tiểu-mục số 049-a, b và c), nêu lên vừa cái ''gốc sanh-tử'' của con người, vừa giải-thích nguyên-nhân của sự tái-sanh và của sự chứng-đắc được vô-sanh.

Về cái gốc sanh-tử, Na-Tiên nói:

- Cây-cối sanh ra, lấy chồi non làm gốc; ngũ cốc lấy hột lúa làm gốc; thiên-hạ, vạn-vật đều lấy gốc của loài mình mà sanh ra. Con người thì tòng theo sáu tình-cảm, ân-ái, làm gốc.

Giải-thích thêm về sự khởi-phát của cái gốc sanh-tử đó nơi con người, Na-Tiên nhấn mạnh đến vai-trò của sáu căn: do sáu căn mà có nguyên-nhân gây ra tái-sanh, mà cũng do sáu căn mà chấm-dứt được tái-sanh. Giải-thích như thế nào?

(a) từ sáu căn đến nguyên-nhân phải tái-sanh: Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm-ý) tiếp-xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), và sáu thức (từ nhãn-thức đến ý-thức), phối-hiệp nhau sanh ra sướng-khổ (tình-cảm), rồi sướng sanh ra ham-muốn, ân-ái, làm nguyên-nhân cho sự sanh sanh ra; tòng theo sanh mà có già, có bịnh, có chết, rồi lại có sự tái-sanh tiếp theo chẳng dứt... Lời giải-thích nầy, Na-Tiên đã có nói ở đoạn trước, theo đúng với Lý Mười-hai Nhân-duyên, từ Lục-nhập (căn, trần, thức) duyên Xúc (phối-hiệp lại), Xúc duyên Thọ (tình-cảm), Thọ duyên Ái (ái-ân), Ái duyên Thủ và Thủ duyên Hữu (sự sống). Như thế, do có sự phối-hiệp của sáu căn với sáu trần và sáu thức mà sanh ra sướng và ân-ái (Thọ và Ái) làm nguyên-nhân của sự tái-sanh.

(b) từ sáu căn đến chứng-đắc vô-sanh: Na-Tiên bảo, ''Nếu chẳng có mắt, thì chẳng thấy hình-sắc, chẳng hay chẳng biết; tòng theo sự chẳng hay chẳng biết nên chẳng có sự phối-hiệp; chẳng có sự phối-hiệp thì chẳng có sướng-khổ; chẳng có sướng-khổ liền chẳng sanh ra ân-ái; chẳng ân-ái thì chẳng sanh ham-muốn, chẳng có ham-muốn thì chẳng có ...sự sanh sanh ra, chẳng gìà, chẳng chết, chẳng sầu, chẳng khóc... Chẳng có các điều khổ đó, liền đắc được đạo Nê-Hoàn (= Niết-Bàn)''.

Đây là lập-luận theo chiều hoàn-diệt của Lý Mười-hai Nhân-duyên, nhằm phá vở vòng Luân-hồi, để chứng đắc vô-sanh của cõi Niết-bàn. Phá-vở vòng Luân-hồi tại đâu? Các chữ ''Nếu chẳng có mắt'' ám-chỉ Nhân-duyên Lục-nhập, vì mắt là một căn trong Lục-nhập. Các chữ ''chẳng có sự phối-hiệp'' trỏ vào Nhân-duyên Xúc; các chữ ''chẳng có sướng-khổ liền chẳng sanh ân-ái'' chỉ vào hai Nhân-duyên Thọ và Ái; còn các chữ ''chẳng ân-ái thì chẳng sanh ham-muốn'' muốn nói đến Nhân-duyên Thủ... Như thế, việc phá-vở, theo Na-Tiên, phải bắt đầu tại Nhân-duyên Lục-nhập, rồi từ đó theo ảnh-hưởng dây-chuyền đến các Nhân-duyên khác tiếp theo.

Nhưng, xét kỹ lại, ta thấy lập-luận đó chẳng được ''chỉnh'' mấy, vì nếu bảo ''chẳng có mắt, tai, mũi... '' thì con người hóa thành vật vô-tri ''chẳng hay, chẳng biết'' gì cả mất rồi, còn có Trí đâu để phá các phiền-não, hầu được giải-thoát mà chứng-đắc cõi Niết-bàn vô-sanh?

Thế cho nên, Thiện-Nhựt xin được nói rõ thêm, để đoạn văn nầy của Na-Tiên, được phù-hợp với lời dạy trong Giáo-lý. Sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm-ý, chẳng thể nào đem ra diệt đi cho được; mà cũng chẳng thể nào ngăn cản được sự ''phối-hiệp'' giữa các căn-trần-thức, sẽ sanh ra sướng-khổ. Điều có thể làm được -- và điều nầy được Đức Phật dạy rõ trong Chánh-Pháp -- là phải biết phòng-vệ các căn, mỗi khi chúng tiếp-xúc với các trần, tức là mắt chỉ nên nhìn vào chỗ đáng nhìn, tai chẳng nghe những chỗ chẳng đáng nghe, mũi ... v.v., như thế, do sự phối-hiệp đứng-đắn giữa căn-trần-thức, các thức chẳng đưa tới chỗ ham-muốn chạy theo các thú-vui vật-chất, để rồi sa-ngã vào các điều ác, mà hậu-quả là vẫn còn bị vòng Luân-hồi ràng-buộc mãi bằng việc tái-sanh. Vậy thì, thay vì nói diệt các căn, phải nói phòng-vệ các căn, hoặc hộ-trì các căn, thì mới đúng.

Thiện-Nhựt xin chịu lỗi với người đọc, vì vừa qua, đã quá dông-dài và rườm-rà khi Tìm hiểu sự triển-chuyển của Danh-Sắc qua thời-gian trong việc tái-sanh, nơi tiểu-mục số 047. Bây giờ, xin tóm-tắt tiểu-mục số 087, nói đến một vấn-đề nhỏ, thuộc loại tò-mò, chẳng mấy quan-trọng.

*

121.- Hai người chết cùng lúc, có tái-sanh cùng một lúc, ở hai nơi xa gần khác nhau không?

Vua Di-Lan hỏi:

- Nếu như có hai người cùng chết vào một lúc, một người tái-sanh lên cõi Trời Đại-Phạm, còn một người sanh lại tại Kế-tân, cách đây bảy trăm hai mươi dặm, ai là người đến trước?

Na-Tiên đáp:

- Cả hai đến nơi cùng một lúc.

Lời giải-đáp nầy khiến cho vua Di-Lan ngạc-nhiên, vì từ nơi nầy đến cõi Trời Đại-Phạm thì xa, còn đến Kế-tân thì gần, sao lại hai kẻ xuất-phát từ một chỗ đến hai nơi xa gần khác nhau mà tới cùng một lúc được. Nhưng câu trả lời của Na-Tiên được giải-thích thêm bằng hai thí-dụ: (1) hễ nghĩ đến hai thành-phố xa gần khác nhau, thì hai sự nghĩ đến mỗi nơi ấy đều lâu bằng nhau; (2) một con chim đậu trên cao, một con đậu dưới thấp, nhưng bóng của chúng cùng rọi lên đất cùng một lúc. Như thế, theo Na-Tiên, thời-gian suy-nghĩ trong đầu, và thời-gian ánh-sáng rọi từ thân chim xuống đất, đều xảy ra một cách tức-khắc, chẳng kéo dài, chẳng có thời-gian-tính. Phải chăng Na-Tiên muốn ám-chỉ: việc tái-sanh xảy ra tức-khắc, ngay vào lúc vừa chết? Điều nầy, khoa-học trong hiện-trạng còn chưa có câu trả lời dứt-khoát. Mặt khác, trong Kinh sách Phật-học, lại thường nói: ở trên cõi trời Dục-giới, một ngày dài bằng một năm dưới trần-thế.

Như Thiện-Nhựt có thưa trước, vấn-đề nầy thuộc vào loại tò-mò, chẳng đem lại ích-lợi gì rõ-rệt cho việc tu-hành, vì nếu được xảy ra ngay tức-khắc, hay lâu hơn, thì cũng chẳng làm thay đổi chi được kết-quả của việc tái-sanh cả.

Còn một việc khác, quan-trọng hơn việc đến nơi tái-sanh, cần cứu-xét trước khi tạm kết-thúc vấn-đề sống-chết. Đó là:

*

122.- Chẳng hề có việc tự-nhiên mà sanh ra .

Nơi tiểu-mục số 050, Phần Phỏng-dịch, Vua hỏi:

- Thế-gian có vật nào tự-nhiên mà sanh ra chăng?

Câu trả lời của Na-Tiên rất rõ-ràng:

- Chẳng hề có vật nào tự-nhiên mà tự-sanh ra lấy cả; phải có nguyên-nhân mới sanh ra.

Rồi Na-Tiên đưa ra nhiều thí-dụ cụ-thể, dễ thấy, để chứng-minh: (1) tòa điện cao phải do gỗ, đất và công thợ xây nên; (2) đồ gốm do đất sét, được thợ nặn nung trong lò rồi mới thành vật-dụng được; (3) cây đờn phải có người khảy mới ra tiếng; (4) có hai khúc gỗ, cũng còn phải có người cọ lâu mới ra lửa; (5) có kiếng, có ánh mặt trời rồi cũng phải có người cầm kiếng rọi nắng, thì bùi-nhùi mới bắt lửa...

Nhưng câu trả lời và các thí-dụ đó hàm-chứa một sự-thật mà con người, vì mê-tín, hoặc thiếu thông-minh, còn chưa chịu nhìn-nhận: chẳng có sự-vật gì ngẫu-nhiên sanh ra cả; phải có nguyên-nhân, thì mới có hậu-quả được.

Hãy cho phép Thiện-Nhựt kể một thí-dụ... vui-vui:

Thằng bé-con hỏi cha nó:

- Ai sanh ra con?

- Cha-mẹ sanh ra con.

- Ai sanh ra cha-mẹ?

- Ông bà sanh ra cha-mẹ.

- Ai sanh ra ông bà?

- Ông-cố, bà cố sanh ra ông bà.

- Ai sanh ra ông bà cố?

- Ông sơ, bà sơ, sanh ra ông bà cố.

- Ai sanh ra ông bà sơ?

- Ông bà thủy-tổ sanh ra.

- Ai sanh ra ông bà thủy-tổ?

- Ông Bành-tổ sanh ra.

- Ai sanh ra ông Bành-tổ?

- Thượng-đế sanh ra ông Bành-tổ.

- Ai sanh ra Thượng-đế?

-!!!

Chẳng thể biết được nguồn-gốc cuối-cùng ở vào đâu cả. Thế cho nên, chỉ biết: hễ cái nầy có, thì cái kia có; hễ cái nầy diệt, thì cái kia diệt. Đó là Luật Nhân-Quả ghi trong Phật-học: hễ có Nhân thì tất có Quả; chẳng hề có Quả mà lại chẳng có Nhân bao giờ.

Đối với các tôn-giáo cuồng-tín, bảo rằng vạn-vật nầy do một đấng Thượng-Đế toàn-năng nắm quyền thưởng-phạt, sáng-tạo nên, tưởng cần phải suy-gẫm lại.

*

123.- Vấn-đề tái-sanh Luân-hồi: tin hay chẳng tin?

Vấn-đề tái-sanh trong vòng Luân-hồi đã được sách ''Tì-kheo Na-Tiên'' nầy bàn rất dài-dòng, mà Phần Tìm hiểu về Nghĩa Ý do Thiện-Nhựt viết lại càng thêm rườm-rà; nhưng Thiện-Nhựt vẫn còn thấy cần nên nói thêm một tiểu-đoạn nữa, để riêng tặng các bạn trẻ mà niềm tin chỉ đặt trọn-vẹn vào Khoa-học thực-nghiệm.

Như có thưa trước (nơi tiểu-mục số 111, Phần Tìm hiểu Nghĩa Ý ), việc tái-sanh, nếu thật-sự có, phải xảy ra vào ba giai-đoạn: (1) khi chết ở thế-gian nầy, (2) có sự biến-đổi ở một cảnh-giới khác, (3) khi sanh trở lại ở đời nầy; trong ba giai-đoạn ấy, con người chỉ biết chắc có hai: giai-đoạn (1) và giai-đoạn (3), còn thời-gian ở cảnh-giới khác có sự thay đổi thế nào thì chẳng thể nào biết chắc được. Giai-đoạn (2) nầy vượt khỏi tầm nghe-thấy và hiểu-biết của con người ở thế-gian, và khoa-học thực-nghiệm trong hiện-trạng vẫn còn chưa thấy có khám-phá rõ-rệt nào. Chỉ có hai trường-hợp nầy mà thôi: (a) hoặc có tái-sanh; (b) hoặc chẳng có tái-sanh, chẳng thể còn có một trường-hợp thứ ba nào khác nữa. Và cũng chỉ có thể có hai thái-độ: (a) hoặc tin; (b) hoặc chẳng tin. Vậy thì, tại sao ta lại chẳng cân-phân lợi-hại của hai trường-hợp, bên nào ít, bên nào nhiều, để chọn một thái-độ cho đứng-đắn và hợp lý: tin hay chẳng tin?

Người tin, tạm gọi là ông A, có thái-độ của kẻ tu-hành, tuân theo Chánh-Pháp, giữ gìn giới-luật, siêng làm điều thiện. Còn người kia chẳng tin, tạm gọi là ông B, có thái-độ của người chẳng biết gì đến Chánh-Pháp, tự cho mình có đủ tự-do hành-động điều thiện, điều ác, và mục-đích ở đời là theo đuổi các thú-vui vật-chất để hưởng-thụ.

Những gì xảy ra cho A và B, khi chẳng có tái-sanh thật-sự?

Bất-lợi:

- A sẽ bị bất-lợi:
= uổng mất công tu-hành,
= bỏ qua dịp để hưởng-thụ các thú-vui vật-chất của đời;

- B chẳng bị bất-lợi nào cả.

Lợi:

- A đang có lợi:
= được đời kính-nễ vì đức-hạnh;
= tránh được các tội-ác có thể gây hại cho mình và gia-đình

- B đang có lợi ''lớn'':
= hưởng các thú-vui vật-chất cho thỏa-thích một đời.

Những gì xảy ra cho A và B, khi thật-sự có việc tái-sanh?

Lợi:

- A sẽ được lợi:
= được hưởng phước-báu vì hành-động thiện của mình;
= có cơ-duyên được giải-thoát vĩnh-viễn khỏi cảnh Khổ;

- B đang có lợi:
= chẳng uổng-phí một đời vì hiện hưởng thú-vui vật-chất;

Bất-lợi:

- A chẳng bị bất-lợi nào cả.

- B đang và sẽ bị bất-lợi:
= hậu-quả hiện nay của hành-vi xấu-ác để giành danh-lợi;
= quả-báo, kéo dài nhiều đời, của các hành-động xấu;
= chẳng bao giờ có cơ-hội để được giải-thoát vĩnh-viễn.

Cân-phân lợi-hại để quyết-định thái-độ tin hay chẳng tin, ta thấy rõ: cán cân nghiêng hẳn về phiá A: tin có tái-sanh.

Dầu có tái-sanh hay chẳng có, A cũng vẫn có lợi: lợi vì giới-đức thanh-tịnh của mình trong hiện-đời, chẳng những tránh gây ra tội-ác mà còn đem lại sự kính-nể của người khác.

Còn về phần B, mối lợi khi chẳng có tái-sanh, là hưởng-thụ các thú vui vật-chất, nhưng chỉ trong một đời mà thôi, chưa kể vì tranh giành danh-lợi có thể gây ra tội-ác và chịu hình-phạt trong hiện-đời. Nhưng khi có tái-sanh thật-sự thì mối bất-lợi vô-cùng to-tát của B, là phải chịu quả-báo trải qua nhiều đời nơi các ác-đạo; đó là chưa nói đến sự khiếm-khuyết mọi cơ-hội để được giải-thoát khỏi thân-phận khổ nhiều sướng ít của chúng-sanh cứ phải trầm-luân triền-miên trong cõi Luân-hồi.

Đối với các bạn trẻ chẳng chịu tin vào việc tái-sanh, Thiện-Nhựt xin mời xét qua hai điểm nầy: (1) lỗ-lã gì khi tin có tái-sanh, chẳng qua chỉ thiếu dịp hưởng-thụ bừa-bãi các thú-vui vật-chất; (2) còn mất-mát nào lớn hơn nữa, khi thật-sự có tái-sanh, là bỏ qua đi cơ-duyên được giải-thoát vĩnh-viễn mọi Khổ-sở, để hiện-hữu mãi mãi trong sự tự-do, tự-tại hoàn-toàn?

Về vấn-đề nầy, Thiện-Nhựt xin thưa nốt một điều tâm-sự, trước khi chấm dứt: Thiện-Nhựt tự xem mình là một Phật-tử, gọi Đức Phật là đấng Từ-phụ, có lẽ nào mình chẳng chịu tin lời của đấng Cha lành, khi Ngài bảo, chính Ngài đã nhìn thấy chúng-sanh chết nơi đây, sanh lại nơi kia.

Làm con mà chẳng chịu tin Cha, thì còn tin ai đây?

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]