Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hương Thành Xông hương Bát Nhã

04/07/201505:22(Xem: 8563)
Hương Thành Xông hương Bát Nhã

HT Bao Lac
HƯƠNG THÀNH  XÔNG HƯƠNG BÁT NHÃ

 

Mỗi người hiện hữu ở thế gian là một đóa hoa kết thành vườn hoa muôn màu sắc, làm đẹp cuộc đời ở mặt ngoài, cùng phong thái đạo đức. Hình dáng do trang điểm, chăm sóc làm cho mỹ miều sắc sảo, tươi sáng, vì ngoại diện dễ nhìn thấy; theo đó xác định được hầu thỏa mãn các giác quan mỗi người. Việc khó là lượng định thế nào để cân đo, đong đếm…chuẩn xác nội tâm, đạo đức, tâm linh…mới định vị được giá trị theo cái nhìn thường nghiệm của chúng ta. Do vậy, con người chỉ còn cách tự nguyện đem mình làm vật thí nghiệm, như muốn biết vàng thật phải cho vào lửa đỏ nung lên mức 360 độ C. Các vị Bồ Tát, những bậc Đại sĩ đủ nội lực mới thể hiện được, vì là nguyện lực không phải ai cũng có thể làm được.

Đại Tạng kinh Đại Chánh Tân Tu Quyển 6, kinh Đại Bát Nhã 600 quyển do Tam Tạng pháp sư Huyền Trang (602-664) đời Đường dịch chữ Phạn sang chữ Hán từ trang 1059 đến trang 1073, phẩm 398 Bồ Tát Thường Đề có nêu rõ Thánh danh Hương Thành hay Tầm Hương Thành này; đối với những vị quan tâm nghiên cứu Phật Giáo hẳn rất quen thuộc, vì nơi đó Bồ Tát Pháp Dũng lập đạo tràng giảng kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, qui tụ thính chúng đủ mọi thành phần:Tỳ Kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà Tắc, Ưu bà di, Bồ Tát tại gia-xuất gia. Pháp tịch của Ngài rất hưng long, nên được đông đảo các vị học sĩ tới dự nghe. Không những người ở gần tới nghe giảng pháp mà những người từ xa như Bồ Tát Thường Đề, các vị thiên vương, trưởng giả nữ, bố mẹ của cô cùng những người tùy tùng đều học được pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa vi diệu giải thoát.

Bồ Tát Thường Đề tu hành nghiêm mật ở nơi thanh tịnh vắng vẻ mà thuật ngữ Phật học gọi là Lan nhã, một trong những hạnh đầu đà (1) của người trí cầu học pháp xuất thế. Trong lúc tọa thiền, Ngài bỗng nghe trên hư không có tiếng vọng xuống bảo:

“Ta báo cho ngươi biết rằng, muốn mau đắc đạo hãy đi về phía hướng Đông, gặp một bảo thành bảy báu, nơi đó có vị Bồ Tát đang giảng kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa”. Rồi âm thanh chợt tắt biến. Bồ Tát suy nghĩ một lúc hơi phân vân tự hỏi: Sao lúc nãy ta không hỏi cho rõ ràng thành đó tên gì, cũng như tên của Bồ Tát chủ trì giảng kinh và đi về hướng đông cách đây bao xa? Trong lúc đang phân vân và tự trách như vậy Ngài buồn lòng, nghĩ tới công phu tu hành mình chưa trọn vẹn. Bồ Tát tỏ vẻ buồn hầu như gần mất chánh niệm thì, bỗng thấy hình Đức Phật hiện ra, đức tướng trang nghiêm, thân vàng chói sáng, ân cần khuyên bảo:

“Đại sĩ chớ có bi quan quá lắm như vậy. Muốn đạo nghiệp chóng thành phải dũng mãnh, tinh tấn, nhẫn nhục hơn nữa mới đạt tới đích. Ta bảo cho ông biết, hãy đi về hướng Đông cách đây 300 dặm sẽ gặp thành Tầm Hương, nơi Bồ Tát Pháp Dũng đang giảng kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa”. Như đang lạc đường lại có người chỉ dẫn, Thường Đề vô cùng hăm hở phấn chấn tinh thần, định hỏi thêm chi tiết thì Đức Phật liền biến mất. Lúc ấy, Bồ Tát suy nghĩ rất nhiều: Đường đi tới Hương Thành tuy không đơn giản, nhưng nếu cố gắng ta cũng có thể tìm tới nơi ra mắt Bồ Tát được. Việc khó là vì nghèo khó ta tìm đâu cho có tiền bạc của báu đem dâng cúng dường đại sư trong lễ nhập môn cho đủ lễ. Lần nầy, Bồ Tát buồn tủi xót xa trong lòng, tâm thần trở nên rối rắm như cuộn chỉ nùi khó phăng ra manh mối. Bỗng dưng Ngài nhớ lời khuyến tấn của Đức Phật, liền nghĩ ra một cách: Đem mình rao bán, hễ có người mua là tâm nguyện được thành tựu. Việc rao bán như vậy trải qua nhiều ngày mà vẫn chẳng thấy ai đoái hoài tới cả. Một lần nữa, Ngài vô cùng bất lực, hướng vọng lên không, kể lể như con trẻ. Do lòng bi cảm, một vị Thần hiện ra hỏi han cho rõ mọi sự. Bồ Tát bèn kể rõ chi tiết hoàn ảnh, cùng tâm trạng của mình cho vị Thần nghe. Vị Thần cảm thông đáp lại rằng: “Nơi đây ta chỉ thờ cúng Thiên thần, đâu cần tới cái thân của Đại sĩ mà chỉ cần 3 món để dâng cúng, nhưng e rằng việc nầy rất khó, Ngài không thể nào đáp ứng được đâu”. Bồ Tát hỏi: “Ba món đó là những thứ gì?”

“Đó là huyết, tủy và tim của Đại sĩ”, Thần đáp. Lặng thinh trong giây lát, rồi Bồ Tát tự nghĩ: Ta đã phát lời thệ nguyện bố thí chẳng cần cầu báo. Về ngoại tài như cơm áo, của cải, vàng bạc, châu báu v.v…ta chẳng có gì để cho. Giờ đây cơ duyên đến vừa đúng lúc cho ta thực hiện bố thí nội tài. Nghĩ như thế, Bồ Tát lấy đá rạch cánh tay trái trích máu, dùng mảnh nhọn chẻ xương rút tủy, đoạn tới bụi cây mổ ngực lôi quả tim ra. Xong xuôi Bồ Tát nâng hai tay dâng trọn qua tay vị thần. Thần thật là bất ngờ, và hối hận việc làm đáng trách của mình, bèn xin sám hối Đại sĩ và nói:

“Tôi muốn thử hạnh bố thí Ba La Mật của Bồ Tát đấy thôi, thật tôi đâu cần tới thân thể của Ngài. Bây giờ tôi có thể hoàn phục thân thể Ngài lại như cũ”. Bồ Tát tự nghĩ: Ta đâu cần cái thân ô trược này làm gì nữa mà chỉ muốn thành tựu hạnh bố thí Ba La Mật Đa, mong Ngài đừng quá bận tâm. Vừa nghĩ vậy, tự nhiên toàn thân Bồ Tát rúng động, và thân hình hoàn phục lại như cũ. Chứng kiến cảnh tượng dũng mãnh của Ngài, bây giờ vị Thần mới hé lộ ông là trời Đế Thích đến hỗ trợ Bồ Tát và chỉ cho Ngài tiếp tục đi tới bến đò bên sông sẽ tìm được ánh sáng. Bồ Tát chia tay vị thần, tìm tới bến đò. Tại đây Bồ Tát gặp được trưởng giả nữ cùng đoàn tùy tùng định qua bờ du ngoạn. Bồ Tát linh cảm biết rằng trưởng giả nữ là ân nhân như lời mách bảo, bèn kể rõ tâm trạng của mình không có phương tiện đi Tầm Hương thành tìm thầy học đạo. Nghe kể, cô ta tự nghĩ thầm: Tâm sự của Đại sĩ như chuyện thần tiên vừa bi tráng vừa dũng kiện, nên cô sẵn sàng chia sẻ ngay với lời đề nghị chân thật: “Nếu thấy không gì trở ngại, mời Đại sĩ theo tôi về nhà, để tôi thưa cùng cha mẹ giúp Ngài đạt thành sở nguyện”. Nghe vậy, Thường Đề vô cùng phấn khởi, và hỏi lại cô gái: “Nếu cô không ngại sự có mặt bất ngờ của tôi tại nhà cô, tôi rất hoan hỷ sẵn sàng cùng đi”. Bồ Tát theo họ về tới nhà, và đề nghị để Ngài đứng đợi trước cửa, cô vào nhà trước trình bày rõ mọi việc cho cha mẹ biết hạnh tu Ba La Mật và nhu cầu hiện tại của Bồ Tát. Vừa nghe xong câu chuyện, ông bà thích thú cho người ra trước cổng mời Đại sĩ vào. Đôi bên chào hỏi xong. Ông bảo ngay cô con gái: “Gia đình nhà ta của ăn của để dư thừa với các kho lẫm như con đã biết. Nếu nhu cầu của Bồ Tát cần dùng tới kho nào, con cứ việc tự tiện lấy trao. Cô gái vô cùng biết ơn cha mẹ về lòng nhân ái, nhân cơ hội cô lấy quyết định ngay và xin phép ông bà cho cô cùng đoàn tỳ nữ tháp tùng đến Hương thành theo thầy học đạo. Không những vui vẻ chấp thuận cho con lên đường học đạo; ông bà còn muốn tiến xa hơn một bước, nên sẵn sàng hoan hỷ cùng theo họ tìm tới thành Tầm Hương ra mắt đại Bồ Tát Pháp Dũng.

Đoàn nguời đem theo nhiều vàng bạc, châu báu chở trên 3 xe, còn dùng 3 xe khác chở người. Một xe riêng cho Bồ Tát Thường Đề, một xe cho cha mẹ và cô gái, còn một xe cho đoàn hậu vệ. Mọi người hăng hái chở báu vật và người lên đường chẳng bao lâu đã tới nơi của Bồ Tát Pháp Dũng. Đoàn người dừng lại trước cổng thành. Đây là chốn trang nghiêm thanh tịnh như tỏa mùi hương giải thoát phảng phất khắp gần xa. Cảnh trí đẹp mà vô cùng thiền vị với đủ loại chim hót nói pháp hòa nhã, có nhạc trời du dương hòa tấu suốt ngày đêm, có cây báu bảy hàng ngay thẳng ngăn nắp, với ao nước trong mát đủ tám thứ công đức (2), chung quanh trồng chỉ một loại cỏ xanh mượt mà như khiêu vũ trước từng cơn gió thổi. Thật là sạch đẹp tươi sáng, uyển chuyển của cảnh vật chung quanh. Con người nơi đây sống trong cõi Tịnh độ, tất cả đều thuần thiện với tâm chân thật, hòa nhã với mọi người, mọi loài và môi trường cuộc sống. Gương mặt họ luôn tươi sáng, đầy đặn nét phúc hậu thuần thiện, nên dễ kết thân với mọi người. Đoàn người tiến lần vào bên trong qua một cánh cổng như ma thuật, tự động mở đóng phát ra bản nhạc thiều êm nhẹ làm cho những người mới tới đây lần đầu say sưa đứng lại ngắm nhìn chăm chú. Bồ Tát Pháp Dũng đang giảng pháp nơi đài Bát Nhã cho thính chúng đông đảo ở đó. Mọi người phải chờ đợi xong giờ giảng. Hồi chuông vừa báo hiệu chấm dứt, thị giả lên trình báo có Bồ Tát Thường Đề ở xa từ phương Nam đến, cùng với số nam nữ cư sĩ muốn ra mắt đảnh lễ, cúng dường Đại sư và cũng muốn theo học đạo. Bồ Tát y phục chỉnh tề rồi bước xuống pháp tòa, mời khách vào ngồi tiếp chuyện. Bồ Tát Thường Đề đảnh lễ Đại sĩ Pháp Dũng xong, đi nhiễu quanh 3 vòng rồi dâng hương hoa lễ phẩm, báu vật, các món cần dùng lên cúng dường Bồ Tát Pháp Dũng. Bồ Tát Thường Đề đứng ra tác bạch:

“Ngưỡng bạch Đại sư, chúng đệ tử từng nghe rằng:

Đệ tử của đức đại hiền

Ngày đêm tỉnh giác trú thiền niệm tâm

Đệ tử đức chuyển pháp luân

Ngày đêm tỉnh giác chuyên cần tấn tu

Niềm vui vô hại, vô thù

Nằm ngồi, ăn nói, công phu, thiền hành

Đệ tử của Đức Vô Sanh

Ngày đêm tỉnh giác trong lành hỷ an

Thân tâm chú niệm chu toàn

Vui đời thiền quán xứng hàng Sa Môn!

(Giới Đức dịch kinh Lời Vàng câu 298-301)

Cúi xin Ngài từ bi chỉ giáo cho chúng đệ tử được ân triêm công đức. Nghe bạch xong, Bồ Tát Pháp Dũng đáp lời khuyến tấn rằng: “Lành thay chư nhân giả! Giáo pháp của Phật rộng sâu như đại hải, những thuyền bè muốn vượt đại dương, người thủy thủ cần vững tay lái chống chèo qua tới bờ bên kia. Người học đạo cũng thế chẳng khác chi kẻ bơi thuyền ngược dòng nước. Có bao nhiêu những bất trắc, tai nạn hiểm nguy đang rình rập, ập đến mỗi khi lơ là, giải đãi, thất niệm, buông lơi… để cướp mạng hành giả. Do vậy, những mong chư nhân giả hãy gia tâm chánh niệm, và xin khuyến thỉnh mỗi người cần nên tinh tấn tu tập trong mọi thời mọi khắc để tự độ và độ tha thoát khỏi bến mê sớm về bờ giác. Cầu chúc các vị chóng thành đại nguyện”.

Sau khi nghe lời dạy ân cần thực tiễn, sâu sắc của Đại sư, Bồ Tát Thường Đề, ông bà trưởng giả, trưởng giả nữ và gia nhân thành tâm lạy ba lạy, rồi ngồi sang một bên dự pháp hội giảng kinh Bát Nhã. E Bồ Tát Thường Đề và những người mới dự nghe kinh chưa nắm vững được yếu nghĩa của pháp Bát Nhã nên Bồ Tát Pháp Dũng vì chúng hội giảng giải nghĩa thú qua pháp thoại chuyên đề. Bồ Tát nói: Thưa các vị, tất cả chư Phật, bậc Chánh Đẳng Giác, Như Lai, bậc xứng đáng nhận của ứng cúng, bậc Thiện Thệ…hạnh sáng viên mãn, bậc Thiện Sĩ tỏ rõ thế gian, bậc trượng phu cao cả, bậc Điều Ngự, thầy của trời người, Đức Bạt Già Phạm. Phật với pháp thân thanh tịnh không từ đâu đến cũng không đi về đâu. Vì lẽ, thật tánh của vạn pháp đều là bất động. Các pháp chân như, không đến cũng chẳng đi nên không thể thiết đặt được. Chân Như ấy tức là Như Lai, Ứng Cúng…Bạt Già Phạm vậy. Các pháp, pháp giới (3) không đến không đi, không thể thiết đặt. Như vậy, pháp giới tức là Như Lai, Ứng Cúng…Bạt Già Phạm. Các pháp pháp tánh không đến không đi không thể thiết đặt. Như thế, pháp tánh tức là Như Lai, là Bạt Già Phạm.

Tóm lại, các pháp đều tánh không, không đến không đi, không thể thiết đặt. Mọi pháp tánh không tức là Như Lai, Như Lai tức là các pháp tánh không. Tất cả các Đức Như Lai…chẳng phải là các pháp, cũng chẳng lìa mọi pháp. Các pháp Chân Như tức Như Lai Chân Như, một mà chẳng phải hai. Các pháp Chân Như chẳng hiệp chẳng tan, duy chỉ một tướng, và như vậy gọi vô tướng. Mọi pháp Chân Như chẳng phải một, chẳng hai, ba, chẳng bốn, nói rộng hơn cho đến chẳng phải trăm nghìn v.v…Bởi lẽ, pháp Chân Như không thể dùng toán số tính được, vì chẳng phải hữu tánh. Thí dụ: Một người đi dạo chơi giữa cánh đồng trống vào một hôm trời nóng bức, miệng khát nước nên thấy đằng xa có giọt nắng gợn, anh lầm tưởng nước, cứ nghĩ giờ mình được uống nước. Anh ta càng ra sức đi nhanh tới thì bóng dợn càng xa dần. Người bộ hành tìm đủ cách cho có nước uống cũng không có được.

“Quý vị nghĩ sao? Ở chỗ dợn sóng đó nước từ núi non, khe suối, ao rạch…chảy ra, nay đi đâu? Nước chảy ra biển Đông, Tây hay biển Nam, biển Bắc?” Thường Đề đáp: “Trong chỗ gợn sóng lăn tăn đó, nước còn chẳng có, huống chi cho rằng có nước chảy ra và nơi đến.”

“Đúng vậy, Ngài nói rất đúng, như người khát nước kia vì không biết, vì sự khát quá bức bách nên không thấy dợn sóng lầm tưởng nước. Nếu cho rằng Như Lai, bậc Chánh Đẳng Giác có đến đi cũng giống như thế. Vì lẽ, không nên lấy sắc tướng thấy Như Lai; Như Lai tức là pháp thân. Pháp Thân Như Lai tức là các pháp Chân Như pháp giới. Chân như pháp giới không thể nói có đến đi; pháp thân Như Lai cũng như thế, không đến không đi.

Lấy một thí dụ khác, như có nhà ảo thuật và các đồ đệ tạo ra đủ loại nào quân tượng, quân mã, quân xa, bộ binh, trâu dê…các thứ, những thứ ấy trong chốc lát không còn trông thấy nữa. Những thứ kia từ đâu đến và rồi đi đâu? Cũng như có người cho rằng Như Lai có đến đi, cũng giống như thế. Một thí dụ nữa: Trong gương có hình trông thấy rõ, hình ảnh đó tạm có rồi hoàn không. Hình ảnh trong gương từ đâu đến và đi đâu?” Bồ Tát Pháp Dũng hỏi. Thường Đề đáp: “Những hình ảnh kia không thật thì làm sao nói có đến có đi. Như Lai Chánh Đẳng Giác không thể dùng sắc thân trông thấy được. Luận về Như Lai tức là pháp thân; pháp thân Như Lai tức là mọi pháp-pháp giới Chân Như. Pháp giới Chân Như bất khả thuyết, không đến đi. Pháp thân Như Lai cũng như thế, không đến đi.” Hỏi: “Cũng như thành Tầm Hương đây có nhiều quang cảnh lạ biểu hiện đủ loại, nhưng những cảnh tượng ấy tạm có rồi không. Như thế những cảnh ấy từ đâu đến và đi về đâu?”

-Đáp: “Những cảnh tượng ấy chẳng thật có, như vậy làm sao có thể nói chúng từ đâu đến và đi đâu. “Đúng như vậy đấy! Thưa Ngài Thường Đề. Người nào chấp những quang cảnh nơi thành này có thật, nên biết kẻ ấy vô trí. Nếu cho rằng Như Lai, bậc Chánh Giác có đến đi, cũng giống như vậy. Tất cả các Đức Như Lai, bậc Chánh Giác không do sắc thân thấy được; luận về Như Lai tức là pháp thân. Pháp thân Như Lai tức là các pháp Chân Như pháp giới. Pháp giới Chân Như bất khả thuyết không đến đi; pháp thân Như Lai cũng như thế, không đến đi”.

Hỏi: “Như có người nằm mộng thấy các Đức Phật hoặc một, hai, ba, mười, trăm hoặc nghìn Đức Phật, cho đến vô số Phật. Lúc tỉnh mộng người ấy biết rằng việc thấy đó đều không có thật. Vậy thì, trong giấc mộng thấy Phật đó từ đâu đến và đi đâu?”

Đáp: “Việc thấy trong mộng đều không thật mà hư vọng cả, toàn là không thật có làm sao có thể nói là có chỗ đến đi. Quả thật như thế, người chấp việc trong giấc mơ có đến đi, nên biết kẻ ấy vô trí. Nếu cho rằng Như Lai bậc Chánh Giác có đến đi, cũng giống như thế.

Tất cả Như Lai Chánh Đẳng Giác dạy rằng, hết thảy mọi pháp như cái thấy trong mộng, như những sự biến hóa, như thành Tầm Hương, như ảnh tượng, tiếng vang dội lại, việc ảo, nắng dợn.. đều chẳng có thật. Nương những việc như thế, chư Phật diễn nói pháp mầu sâu rộng. Người không hiểu biết chấp thân Như Lai là danh, là sắc, có đến có đi, nên biết người ấy không hiểu biết pháp tánh là gì. Kẻ vô trí ấy trôi lăn trong các cõi thọ khổ sanh tử; xa lìa trí tuệ Bát Nhã lại cũng xa lìa Phật Pháp. Nương những việc như thế, chư Phật thuyết pháp sâu mầu. Hiểu đúng như thật không chấp thân Phật là danh là sắc, cũng chẳng nói Phật có đến đi, nên biết người ấy đối với những lời Phật dạy hiểu rõ đúng, không chấp các pháp có đến đi, có sanh diệt, có nhiễm tịnh. Do không chấp nên tu hành Bát Nhã Ba La Mật Đa, cũng thường luôn tinh tấn tu tập Phật Pháp thời được đáp ứng mong cầu giác ngộ giải thoát, nên cũng gọi vị ấy là chân Phật tử. Người như thế không phụ thọ nhận của đất nước, dân chúng, hay của người cúng thí; cũng trợ giúp làm nơi tạo ruộng phúc mới thọ của thế gian, người và trời cúng dường. Như loại đàn Không Hầu do đầy đủ các duyên hợp mới phát lên thành tiếng. Tiếng đàn ấy nhờ các duyên như dây căng, thân, bụng, cán, phím đàn và người gãy đàn tạo thành. Tách riêng mỗi thứ thì không thể nào phát ra thành tiếng đàn mà phải hợp các thứ lại tiếng đàn mới phát ra được. Âm thanh ấy phát không từ đâu đến và lúc tiếng đàn dứt không đi đâu. Thân chư Phật cũng như thế, nương nhờ các duyên mà sanh. Thân do nhân duyên sanh nên nói rằng có vô lượng phước đức, trí tuệ; hữu tình chúng sanh do tu thấy căn lành Phật thuần thục. Cũng thế, tách mỗi thứ riêng không thể sanh ra thân mà cần hợp các duyên lại thân mới thành. Thân hình thành không từ đâu sanh, hoại diệt cũng không đi đâu. Thân Như Lai bậc Chánh Đẳng Giác cũng thế không đến đi. Nên biết rằng theo như lý luận, hết thảy mọi pháp, tướng không đến đi, cũng phải biết rõ như thế... Với Như Lai bậc Đẳng Chánh Giác hay với hết thảy mọi pháp nên hiểu như vầy: Không đến, không đi, không tăng, không giảm, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Người có quyết tâm tu tập trí tuệ Bát Nhã thâm sâu với phương tiện khéo léo hẳn đạt tới giải thoát giác ngộ.”

Pháp hội giảng kinh Bát Nhã của Bồ Tát Pháp Dũng làm chấn động đến ba ngàn đại thiên thế giới, làm cho mặt đất, núi non, biển cả, và cả thiên cung đều chấn động. Bồ Tát Thường Đề thấy hiện các tướng chưa từng thấy, bèn hỏi đại sĩ Pháp Dũng do nhân duyên gì mà có điềm lạ như thế? Pháp Dũng trả lời: “Do tôi trả lời Ngài những câu hỏi tướng đến đi của Như Lai bậc Chánh Đẳng Giác. Do vậy, pháp hội này có 8000 người chứng quả vô sanh, có vô số chúng sanh khác phát tâm cầu đạo vô thượng Bồ Đề; còn có 84,000 chúng sanh dứt trừ phiền não đạt chỗ thấy pháp. Do nhân duyên như vậy, làm cho thế giới này cả mặt đất, núi non, biển cả đều chấn động.” Sau khi lãnh thọ pháp mầu sâu sắc, Bồ Tát Thường Đề trong lòng phấn khởi nghĩ rằng, nay ta đạt được những điều thiện lợi là nhờ hỏi pháp Bồ Tát Pháp Dũng, khiến chúng hữu tình nghe được pháp Bát Nhã thâm sâu. Nay đây nơi đạo vô thượng chánh đẳng Bồ Đề, ta không còn nghi vấn gì nữa. Ta nguyện đời sau nhất định sẽ thành Như Lai Chánh Đẳng Giác làm lợi lạc vô số hữu tình. Nghĩ thế rồi Ngài nhấc bổng lên không, nhưng vẫn phân vân: Ta nên dùng những vật gì cúng dường Đại sư để đền đáp ân đức Ngài đã nói pháp? Biết được tâm niệm của Ngài, trời Đế Thích hóa hiện vô số hoa hương tươi đẹp mang trao cho Bồ Tát Thường Đề và nói rằng:

- “Đại sĩ, nay xin Ngài thương tưởng tôi mà nhận những hoa nầy đem cúng dường Bồ                Tát Pháp Dũng. Mong Ngài hoan hỷ nhận của cúng dường của chúng tôi, đây là tôi tán trợ công đức của Đại sĩ. Vì nhờ Đại sĩ nên chúng tôi đạt được nhiều lợi ích, và ắt hẳn đạt mong cầu chứng vô thượng Chánh Đẳng Bồ Đề”. Trời Đế Thích nói tiếp: “Đại sĩ nên biết, Ngài vì hết thảy hữu tình mà trải qua vô số kiếp phải chịu biết bao nhiêu cần khổ như Đại sĩ thật khó có được. Vì thế mong Ngài thọ nhận của cúng dường này”. Bằng sự ân cần với ý nghĩ chân thật như thế, Bồ Tát Thường Đề hoan hỷ nhận hoa của trời Đế Thích đem dâng cúng Đại Bồ Tát Pháp Dũng xong, rồi từ trên không trung xuống đảnh lễ dưới chân Đại sư, Ngài cung kính chấp tay bạch rằng: “Chúng con từ nay đem thân này dâng hiến hầu hạ Đại sư, ngưỡng mong Ngài dũ lòng từ nạp thọ. Nhờ căn lành này mong được pháp thù thắng như Tôn Giả đã chứng, những mong đời sau luôn gần gũi tôn giả, thường thân cận hầu hạ cúng dường chư Phật cùng các đức Bồ Tát đồng tu phạm hạnh”. Pháp hội chưa xong, nhưng đại Bồ Tát Pháp Dũng cần nhập định trong bảy năm tịnh tu nhất tâm bất loạn đạt được nhiều loại thần thông tam ma địa. Học hạnh xả thí như Đại Sư, giữa hội chúng Bồ Tát Thường Đề phát bảy điều tâm nguyện:

- Thứ nhất, không nằm, ngồi mà chỉ đi, đứng; có nghĩa là hy sinh thân mạng cầu pháp, không cần đoái tới những việc khác.

- Thứ hai, không cần ngủ nghỉ. Đây mới quả là nguyện phi thường. Bình thường mỗi ngày ta ngủ ít nhất từ 4 tới 6 tiếng mới giữ gìn được sức khỏe.

- Thứ ba, không nghĩ tới ngày hay đêm. Chỉ những hành giả lắng sâu trong chánh định mới tìm an lạc trong thiền quán mà Bồ Tát Thường Đề muốn dự vào.

- Thứ tư, không cảm thấy mệt mỏi. Sức người thường có giới hạn, làm việc trong ngày phải có giờ nghỉ ngơi, và cuối tuần cần nghỉ dưỡng sức để tiếp tục công việc lâu dài.

- Thứ năm, không nghĩ tới việc ăn uống. Người ta chỉ có thể nhịn ăn, mà không ai nhịn uống tới vài ngày; huống chi nhịn ăn uống trong dài hạn.

- Thứ sáu, không quan tâm tới sự nóng lạnh.

- Thứ bảy, chẳng dính ngoại duyên hay những việc bên trong.

Thời gian an trú trong định, Bồ Tát chỉ niệm nghĩ: Chừng nào Đại Sư Pháp Dũng xuất định cho ta có dịp hầu hạ cúng dường, học pháp? Một hôm Bồ Tát đang tọa thiền, bỗng nghe trên không trung có tiếng vọng xuống nói rằng: “Sau đây 7 ngày Bồ Tát Pháp Dũng xuất định”. Nghe xong Ngài liền xuất định trước, lo thiết đặt pháp tòa cho Đại sư thuyết pháp. Công việc gần xong, Ngài cần nước rưới quét tòa ngồi, nhưng chúng ác ma ganh tỵ đem cất dấu hết nước, trong và ngoài thành đều khô cạn. Trong hoàn cảnh khó xử như thế, lại một lần nữa Đại Bồ Tát phát tâm chích máu thay nước để công việc được thành tựu. Thấy sự hy sinh quá dũng mãnh của Bồ Tát, trưởng giả nữ và những người thân thuộc cũng phát nguyện làm theo. Vì thế, ác ma không thể phá được hạnh tu bố thí Ba La Mật Đa của Đại Bồ Tát Thường Đề; cũng như không dám tung hoành, hó hé cản ngăn người tu thiện pháp. Bấy giờ trời Đế Thích hết lời ca tụng hạnh tu hy hữu của Thường Đề và đồ đệ; bèn dùng sức thần thông biến máu ấy thành nước hương chiên đàn rưới quét sạch pháp tòa và khắp chung quanh.

Thệ nguyện hay nguyện lực có sức mạnh phi thường, như mọi người còn nhớ, lúc thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền định dưới cây Bồ Đề tại Bồ Đề đạo tràng 49 ngày sau cùng, cũng phát lời nguyện đanh thép như sau:

“Ta ngồi thiền quán dưới cội cây này, nếu không thành đạo, dù thịt nát xương tan, ta nhất quyết không rời khỏi nơi đây”. Cho tới ngày cuối,Thái tử chứng được đạo quả, thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Noi gương hạnh Phật, Bồ Tát Thường Đề không hề đoái tới thân mạng, chỉ mong đạt thành chánh quả. Ngài phát nguyện rằng: “Ta muốn nhổ sạch gốc khổ não thân tâm của vô số chúng sanh trong sanh tử luân hồi mà cầu vô thượng chánh đẳng Bồ Đề. Nếu việc chưa thành, dù phải hy sinh thân mạng, ta quyết đeo đuổi đến cùng không hề thoái lui”

Các vị Bồ Tát thường trưởng dưỡng đạo tâm dũng mãnh nên các Ngài luôn toát ra tâm từ vô lượng, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả vô lượng. Sự xả thí cao đẹp của Ngài Thường Đề, lúc đầu ta ngây ngô tưởng là những chuyện tầm thường như của chúng ta hằng ngày. Như việc ăn uống, ngủ nghỉ, không ngồi, không nằm, không nghỉ ngày đêm, không để thân tâm mỏi mệt, không màng chuyện nóng lạnh, không bị mọi duyên ràng buộc chi phối…Hẳn ta nghĩ những việc ấy mình dư sức có gì đâu, như chiếc xe lao nhanh an toàn trên xa lộ. Suy nghĩ là một việc, tới khi bắt tay thực hiện lại là một việc khác, cần phải sẵn sàng bằng tâm từ bi quảng đại mới mong thực hiện được. Y như lời thệ nguyện trên của Bồ Tát, đối với ta phát lên như thế này” Ta muốn nhổ trừ khổ não thân tâm của vô số chúng sanh trong sanh tử luân hồi mà cầu vô thượng chánh đẳng Bồ Đề. Nếu việc chưa thành, ta quyết chí đeo đuổi tới cùng”. Nguyện như thế là trớt quớt rồi, đó chưa phải lời thề son sắt, vì nó không có gì ràng buộc người phát nguyện phải tuân thủ cả. Câu nhấn mạnh quan trọng nhất “Dù phải hy sinh thân mạng” hay câu thệ nguyện của Tất Đạt Đa “Dù thịt nát xương tan”, đó chính là cốt tủy của vấn đề. Do nghiệp lực còn nặng, do duyên nợ ba sinh đạo tâm chưa đủ sâu dày, người thường cũng khó mà so sánh xứng với các vị Bồ Tát, nhất là chỉ giới hạn trong việc bố thí thôi. Việt Nam có câu giáo giới này: “Lấy vải thưa che mắt thánh”, nên tâm phàm việc gì cũng trớt lớt như nước đổ lá sen chẳng bao giờ dính cả. Do vậy tâm nguyện của ta khó thành hoặc không đạt được là lẽ đương nhiên, không cần đổ thừa, quy kết cho ai cả. Nhân đây người viết muốn dẫn lại một đoạn của thời pháp thoại ngắn hầu quý vị đọc cho vui:

Nhân đề cập về nhà lãnh đạo cần có các đức tính: Kỷ luật, liêm khiết, công tâm, và ngoài ra còn có những đức tính khoan dung rộng lượng, từ bi nhân hậu, thương yêu tha thứ, nhẫn nhục nhu hòa hay bố thí, trì giới kham nhẫn, tinh tấn, thiền định; phát tâm Bồ Đề thương yêu hết thảy mọi loài hữu tình và vô tình chúng sanh, không phân biệt màu da chủng tộc, ngôn ngữ v.v…liệu ta có làm được? Thế nhưng, nhà lãnh đạo một hiệp hội, tổ chức giáo dục, chính phủ, quốc gia hay quốc tế còn nặng gấp trăm ngàn lần hơn vai trò điều hành đơn vị gia đình, ngôi chùa, học đường… như vừa nêu trên. (Pháp thoại của H.T.Bảo Lạc ngày 29-11-14 tại tu viện Đa Bảo, Sydney)

Bảy điểm Bồ Tát Thường Đề phát nguyện đó chỉ mới bước khởi đầu, nuôi dưỡng tâm Bồ Đề kiên cố qua những thử thách. Chính việc bố thí cũng đâu có dễ thực hành, bởi do cái tâm ta chưa dứt khoát nên còn sợ sệt, nghi ngờ. Bố thí ngoại tài do công lao mình tạo đã khó, huống chi  bố thí nội tài các cơ phận nơi thân thể lại càng khó gấp trăm lần hơn. Qua kinh nghiệm cho thấy rằng Bồ Tát hy sinh dễ dàng như ánh sáng, như hư không, khiến chư thiên nể phục, ma quân khiếp vía kinh hồn; sau cùng Ngài chứng quả giải thoát.

Hành trình tìm thầy học đạo của Bồ Tát vô cùng gian nan hiểm trở, nhất là trong khi tu hạnh  Bồ Tát đã thể hiện rõ, đúng cách ban cho hơn của đem cho là thế nào. Người ta cần máu cho máu, cần tủy cho tủy, cần tim cho tim…là những việc khó còn làm được, huống gì việc nào khác lại không làm được. Người ta cần gì cho nấy như cần xe cho xe, nhà cửa, vàng bạc, ngọc ngà châu báu v.v…đều ban phát thảy. Nếu có ai xin vợ cho vợ, xin con cho con không một chút ngần ngại, không chần chừ suy tính. Thực hành hạnh bố thí như thế mới gọi là bố thí Ba La Mật. Bởi vì, giữa 3 điều: Vật thí, người thí, kẻ nhận bố thí không ngăn cách, không niệm phân biệt, không lui sụt tâm Bồ Đề, chính là phương tiện hay đẹp của Bồ Tát dũng mãnh vào đời thực hành hạnh xả, để tuyên dương giáo pháp Phật Đà như trong quá khứ, hiện tại đến tương lai các vị Bồ Tát đều như thế.

Bố thí không tùy thuộc vào người

Vào vật hay đồng thời nơi đâu…

 

Bố thí của buông xả ban cho

Không lẫn tiếc, đắn đo suy tính

Tài thí gồm hai loại phân minh

Các cơ phận nội tài xác định

Tủy não, đầu, mũi, tai, mắt, thận

Cứu giúp người nguy khẩn cấp kỳ.

 

Vật ngoại tài kể chi của cải

Bạc vàng cũng ban rải thi ân

Về pháp thí là phần cao quí

Nghiền ngẫm câu chân lý nằm lòng

Nguyện học tu cải đổi thân tâm

Diệt phiền não mê lầm hận si

Phần tiếp sau là vô úy thí

Ban không sợ an nguy tự tại

Sống trong đời vô ngại thong dong

 

Trì giới phải chí quyết một lòng

Giữ tâm thanh mới mong thoát nạn

Bi- Trí- Dũng thành toàn mọi hướng

Tạo quân bình tư tưởng chánh chân

Nhẫn nhục là không sân mọi lẽ

Ai khen chê mặc kệ lặng thinh

Học như đất bình tĩnh dửng dưng

Mọi sóng gió lắng ngưng chớp nhoáng.

Tinh tấn giúp thành toàn mọi việc

Đạt kết quả ưu việt nhẹ nhàng

Trợ giúp người rải ban hạnh phúc

Cũng giúp ta đắc lực xả buông.

Thiền định trợ giúp luôn an tịnh

Quán chiếu xem minh định rõ ràng

Đường chánh đạo thênh thang tiến bước

Theo dấu chân Bồ Tát Như Lai.

Trí huệ minh giồi mài trau luyện

Diệt não phiền cải thiện ngu si

Gương Bát Nhã chi li soi tỏ

Bộ mặt thật lầm lỡ xưa nay…

(Thi tập Trầm Hương của Sông Thu, chùa Pháp Bảo ấn hành tại Sydney năm 2008)

 

Tấm gương hy sinh cầu pháp của Bồ Tát Thường Đề vẫn luôn sáng tỏ trải qua không gian và thời gian cho cổ kim soi chung. Công hạnh bố thí dũng mãnh của Bồ Tát, tưởng chừng việc vừa xảy ra trước mắt. Thật hùng tráng, trí dũng cao thượng mà lực cảm hóa chúng sanh vẫn còn mạnh mẽ qua lịch sử truyền bá Phật Giáo suốt 2600 năm, khiến người con Phật phải cúi đầu đảnh lễ, học hỏi noi gương Bồ Tát.

 

Nam Mô Thường Đề Bồ Tát Ma Ha Tát.

Sydney ngày 6 tháng 5 năm 2015.

 

Sa Môn Thích Bảo Lạc.

 

 

Chú thích:

(1) Hạnh đầu đà: Hay còn gọi là tu khổ hạnh; tu hành để dứt trừ tham đắm ăn mặc, quần áo, ngủ nghỉ, chỗ ở v.v…hầu điều phục tâm thanh tịnh. Hành giả tu hạnh đầu đà phải tuân thủ 12 điều như sau:

1- Ở chỗ thanh vắng (lan nhã), yên tĩnh; xa lánh nơi đông đảo

2- Thực hành hạnh khất thực mỗi ngày

3- Khất thực theo thứ tự từng nhà, không phân biệt giàu nghèo.

4- Ngày chỉ ăn một bữa đúng ngọ.

5- Ăn đúng lượng trong bình bát, không ăn quá nhiều.

6- Sau giờ ngọ trai không được uống nước trái cây.

7 Đắp Ca Sa chắp vá bằng những vải vụn.

8- Chỉ giữ 3 y: Y hạ khi  làm việc, y trung khi giảng pháp, y hậu khi lễ bái.

9- Ở nơi nghĩa địa hay bãi tha ma.

10- Ban đêm ngủ dưới gốc cây.

11- Ngồi chỗ đất trống.

12- Thường ngồi không nằm.

(2) Nước tám công đức: Kinh A Di Đà miêu tả cảnh giới Cực Lạc có ao báu cực đẹp chứa đầy nước tám công đức:

1- Trong lắng sạch sẽ.

2- Thanh tịnh mát mẽ.

3- Vị ngọt thơm tho.

4- Nhẹ nhàng mềm mại.

5- Nhuần vị mượt mà.

6- Yên ổn điều hòa.

7- Trừ được chứng đói khát.

8- Uống vào trưởng dưỡng các căn, thân tâm thư thái.

(3) Pháp giới: Còn gọi là Pháp Tánh, Thật tướng. Các pháp đều có tự thể, giới hạn riêng không giống nhau. Nhưng nói chung, vạn pháp cũng chỉ từ một pháp giới, đó là sự. Còn về lý là Pháp Tướng. Hoa Nghiêm chủ trương lý tính chân như pháp giới hoặc chân như pháp tánh. Trong Pháp Giới bao gồm hết thảy các pháp hữu vi, vô vi, nên cũng gọi là nhân hay tính mà các pháp nương tựa vào; vì các pháp cùng một tính cho nên gọi là Pháp Giới.

 

Tài liệu tham khảo:

1- Đại Chánh tân tu đại tạng kinh quyển 6, kinh Đại Bát Nhã 600 quyển, phẩm Thường Đề Bồ Tát 398, từ tr.1059 đến tr.1073, Tam Tạng pháp sư Huyền Trang dịch.

2- Từ điển Phật học Hán Việt do phân viện Phật học Việt Nam, H.T Kim Cang Tử chủ biên, xuất bản năm 1994 tại Hà Nội, Việt Nam.

3- Thi tập Trầm Hương của Sông Thu do Pháp Bảo, Sydney ấn hành năm 2008 tại Australia.

4- Từ điển Phật Học Huệ Quang do H T Minh Cảnh chủ trương, bản phổ biến nội bộ tại Sài gòn, Việt Nam 1994.

5- Pháp thoại của H.T Thích Bảo Lạc trình bày ngày 29 tháng 11 năm 2014 tại tu viện Đa Bảo, Sydney, Australia.

   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]