Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Tịnh Lực (1112 - 1175) Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông 🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀

26/10/202109:24(Xem: 23077)
Thiền Sư Tịnh Lực (1112 - 1175) Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông 🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀



Thiền Sư Tịnh Lực (1112 - 1175)
Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông

(Vào thời Vua Lý Anh Tông)
🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️

Thuyết giảng: TT Thích Nguyên Tạng

Bài trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm & Cư Sĩ Huệ Hương

Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh ; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước






Nam Mô A Di Đà Phật

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay Thứ Ba, 26/10/2021 (21/09/Tân Sửu)chúng con được học về Thiền sư Tịnh Lực (1112 - 1175) đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông. Sư phụ dựa theo tài liệu gốc Thiền Sư Việt Nam do HT Thích Thanh Từ biên soạn và ấn hành tại VN vào năm 1972. Pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 302 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19 (đầu tháng 5-2020).

 

 

Sư họ Ngô tên Trạm, quê ở Cát Lăng, Vũ Bình. Thuở nhỏ, Sư rất thông minh, lớn lên càng giỏi về văn chương, nghệ thuật và chữ viết. Sư gặp Thiền sư Đạo Huệ thầy trò tương ưng như cây kim hạt cải. Tâm dừng nơi cảnh Phật, mặc cỏ ăn cây, phước tuệ song tu. 

 

Sư Phụ giải thích:

- Thiền Sư Tịnh Lực là một trong sáu đệ tử của Thiền Sư Đạo Huệ: thiền sư Tịnh Không, thiền sư Đại Xả, thiền sư Tín Học, thiền sư Trí Bảo, thiền sư  Trường Nguyên.

- Sư quê ở Vũ Bình, là tỉnh Thái Bình hiện nay, cách Hà Nội hai giờ lái xe.

- Sư gặp thiền sư Đạo Huệ thầy trò tương ưng như cây kim hạt cải. Cây kim để gần hạt cải sẽ hút dính hạt cải như nam châm, biểu trưng cho sự tâm đầu ý hiệp giữa 2 thầy trò của ngài.

- Tâm dừng nơi cảnh Phật, Sư Phụ giải thích cảnh Phật là tâm Phật.

- Mặc cỏ, ăn cây là ngài kết cỏ khô làm áo và chỉ lá cây, trái cây chứ không ăn cơm.

- Phước tuệ song tu là pháp tu rốt ráo để thành Phật, vì địa vị được tạo lập từ nền tảng phước đức và trí tuệ, Kinh có nói “ Phước tuệ lưỡng toàn, phương tác Phật”, có nghĩa là “Phước tuệ đầy đủ mới có thể thành Phật được” đó là điều kiện tiên quyết. Tu Phước lấy từ bi làm cội gốc như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn.…hiển lộ ra bên ngoài. Kinh Bồ-tát niệm Phật Tam Muội có dạy: “từ tâm quán chúng sanh, như mẫu niệm nhứt tử. Vu thù bất truy ác, cánh sanh lân mẫn tâm”, nghĩa là : “dùng tâm từ quán sát chúng sanh như người mẹ nghĩ nhớ đến con, đối với kẻ thù không sanh khởi tâm ác, ngược lại phải sanh tâm thương xót họ”. Còn tu tuệ ẩn bên trong, đó là đào luyện nội tâm ngang qua pháp môn thiền định, niệm Phật, trì Chú để đạt đến trí tuệ ba la mật, giác ngộ và giải thoát

 

Trải qua nhiều năm giữ tâm càng vững chắc. Thiền sư Đạo Huệ bảo:

- Tâm ấn của chư Phật, ngươi tự có đó, chẳng phải từ nơi người mà được.

Sư thưa:

- Đã nhờ Thầy chỉ dạy, con phải trụ nơi nào?

- Chẳng cần đi xa, nên ở Vũ Ninh là tốt.

 

Sư Phụ giải thích:

- Tâm ấn của chư Phật chính là chơn tâm, là thể tánh tịnh minh của mỗi hành giả, tự mình nhận ra chứ không ai trao cho mình được. Ngài Tịnh Lực được Sư phụ Đạo Huệ ấn chứng là xác nhận ngài đã nhận được bản của mình và khuyên đệ tử đến Vũ Ninh để giáo hóa. Vũ Ninh Vũ Ninh là tên gọi một châu từ thời nhà Ngô, nay là một phần tỉnh Bắc Ninh, cách thủ đô Hà Nội khoảng 40 cây số. 

 

Sư vâng lời thầy thẳng lên núi cất một am cỏ tên Vương Trì, làng Cương Việt, Vũ Ninh rồi trụ trì nơi đây. Trong mười hai giờ, Sư lễ Phật sám hối, được niệm Phật tam-muội. Bấy giờ tiếng nói của Sư trong vắt như tiếng Phạm thiên. Sư thường giảng kinh Viên Giác, nghĩa lý chỗ nào chẳng ổn, đích thân Sư cải chánh. Thời nhân bảo trong miệng Sư có chất thư hoàn (Thư Hoàng là một khoáng chất có màu vàng đỏ. Đời xưa dùng tán nhỏ hòa nước làm mực để bôi những chữ viết lầm. Câu này dùng chỉ người có tài biện bác, lỡ nói sai sửa được ngay, như trong miệng có sẵn thư hoàng.).

 

Sư Phụ giải thích:

- Sư lễ Phật sám hối mỗi ngày mười hai giờ và được niệm Phật tam muội, là đạt tới chỗ cao nhất vào Chánh định, nhờ thiền tịnh song tu. Ngài Tịnh Lực đạt đến Niệm Phật Tam Muội là ngài đạt đến chánh định rốt ráo của pháp tu này, đó là “ Tâm tịnh trăng hiện nước, Ý định trời không mây”.

-Sư Phụ giải thích rõ nghĩa đen của danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” rất hay: Nam Mô có nghĩa là Quy y, là quay trở về; A Di Đà là vô lượng, không gián đoạn; Phật là tánh giác. Nam Mô A Di Đà Phật có nghĩa là quay về với tánh giác của chính bản thân mình 24 trên bảy, không để cho tâm mình gián đoạn, vì có gián đoạn, có kẻ hở , thì  vọng niệm, thất niệm sẽ tấn công ngay lập tức, mà vọng niệm, thất niệm chính là bóng đêm của vô minh, là đường dẫn chúng sanh đi vào vòng luân hồi khổ đau. Niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật trong mọi sát na, mọi hơi thở, mọi cử động, niệm trong chánh niệm thì tạp niệm không sanh khởi mà tạp niệm không sanh khởi thì ngay đó hành giả sẽ đắc tam muội niệm Phật. Con chưa bao giờ thấy pháp tu niệm Phật có ý nghĩa mầu nhiệm như hôm nay. Con cảm ơn Sư Phụ đã giải thích cặn kẽ.

 

- Sư thường giảng kinh Viên Giác. Kính Viên Giác có 12 phẩm, mỗi phẩm có một vị Bồ tát thỉnh hỏi Đức Thế Tôn cho một pháp tu.

- Sư Phụ nhắc lại kinh Viên Giác có tám chữ vàng làm kim chỉ nam cho người tu: “ Tri huyễn tức ly, Ly huyễn tức giác”, có nghĩa là “ biết huyễn liền rời bỏ, rời bỏ ngay đó giác ngộ”. Biết là huyễn nhưng được mấy người lìa bỏ, chúng sanh thường vẫn thích bám theo những huyền ảo đó để rồi trôi lăn vào khổ đau không lối thoát, tự mình trói buộc mình. Biết là huyễn thì dứt khoát từ bỏ là tu là tự giải thoát, là giác ngộ.

 

Đến niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo thứ hai (1175), một hôm Sư cáo bệnh nhóm môn đồ dạy:

- Các ngươi! Tất cả các người học đạo lấy tâm siêng năng cúng dường Phật, không gì khác hơn chỉ cầu dứt được các nghiệp ác. Tâm miệng niệm tụng, tin hiểu nghe nhận, ở chỗ vắng vẻ yên lặng, gần thiện tri thức. Nói ra lời hòa nhã, nói phải thời đúng lúc, trong tâm không khiếp nhược. Liễu đạt nghĩa lý, xa lìa ngu mê, an trụ chỗ bất động. Quán tất cả pháp vô thường vô ngã, vô tác vô vi. Nơi nơi lìa phân biệt, ấy là người học đạo. Nay phần hóa duyên của ta đã xong.

 

 Sư Phụ giải thích:

- Niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo thứ hai (1175) vào thời vua Lý Anh Tông, Sư nhóm môn đồ và ban lời dạy chí thành:

1/ Tấy tâm siêng năng cúng dường Phật: tâm siêng năng là tâm tỉnh cần định tĩnh trong sáng là hướng về Phật tâm là cúng dường mười phương chư Phật. Đây là lời dạy thiết thực mà người đệ tử thời này phải ghi nhớ để áp dụng, không phải cúng Phật bằng vật chất như nhiều người lầm tưởng, rồi cầu Phật gia hộ này nọ kia.

2/ Ở đây ngài Tịnh Lực nói rõ là cầu Phật gia hộ để tự mình dứt hết các nghiệp ác, thường luôn cầu lực Phật của chính mình, không thất niệm giải đãi mà sa vào vòng tạo tác ác nghiệp.

3/ Tâm miệng niệm tụng, tin hiểu nghe nhận, ở chỗ vắng vẻ yên lặng. Miệng niệm, chú tâm theo nghĩa của lời niệm, không phải là “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, dù cho rát cổ cũng bằng không “, mà tự mình phải nghe tiếng của mình niệm để hòa với đại chúng; cần tìm nơi vắng lặng như lời Phật dạy trong Kinh Nikaya (khu rừng, dưới gốc cây hay nhà trống) sẽ giúp tâm ta dễ nhiếp niệm, không bị phân tán).

4/ Ngài Tịnh Lực dạy phải gần gũi bậc thiên tri thức là người chân chính ngay thẳng, có đức hạnh, có khả năng giáo hóa, dẫn dắt người mình theo chánh đạo. Đó là những hành giả tu tập theo tứ nhiếp pháp: bố thí, ái ngữ, đồng sự và lợi hành; những vị tu theo Bát Chánh Đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định).Theo kinh Đại Phẩm Bát Nhã, quyển 27, Phật dạy Thiện Tri Thức là người có khả năng giảng nói các pháp Không, Vô tướng, Vô tác, Vô sinh, Vô diệt và Nhất thiết chủng trí, khiến người khác vui mừng tin ưa và tu tập theo họ để đạt giải thoát. Sư phụ nhắc thêm “ tam nhơn đồng hành, tất hữu ngã sư”, có nghĩa là “ ba người đi chung với mình, sẽ có một người là thầy của mình”; ăn cơm có canh, tu hành có bạn, người bạn thiện hữu tri thức rất cần thiết cho bản thân mình trên con đường hướng đến giải thoát.

5/ Nói ra lời hoà nhã , nói phải đúng thời đúng lúc. Kinh Nikaya Phật dạy phải nói năng như Chánh pháp, có đủ 5 điều:  1/ đúng thời, 2/chân thật, 3/nhu nhuyến, 4/lợi ích, 5/lời nói từ tâm. Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần là biểu trưng cho không gian (có 4: đông, tây, nam, bắc) và thời gian (có 3: quá khứ, hiện tại và vị lai) ý nói phải nói đúng thời và đúng chỗ thì lời nói của mình mới có giá trị, mới giúp được người khác, nếu nói không đúng lúc, không đúng chỗ sẽ mang đến tổn thương cho người khác.

6/ Tâm không khiếp nhược, nếu có nói sai thì phải can đảm sửa sai, hướng thiện, tự tại giải thoát.

7/ Liễu đạt nghĩa lý, xa lìa ngu mê ( vô minh) cho thân tâm này là thật. Nếu thấy thân tâm này chỉ là giả có, là do duyên tứ đại kết hợp, không là của mình tức là đạt được giác ngộ ( tri huyễn tức ly).

8/ An trụ chỗ bất động, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Tâm tuỳ theo hoàn cảnh mà ứng phó, ứng phó xong rồi thì không bám dính, tự tại viên thông. Sư phụ dẫn lời dạy của Cụ Tô Đông Pha như sau nói về tâm an trụ chỗ bất động: “

‘Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh,

Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh.
 Thị cố quân tử sự lai nhi tâm thỉ hiện, sự khứ nhi tâm tùy không’

Có nghĩa là:
‘Gió qua lay trúc, gió đi rồi, trúc không giữ âm thanh

Nhạn lướt mặt hồ, nhạn đi rồi, hồ không lưu hình ảnh.
Người quân tử cũng vậy, việc xảy ra, tâm mới tiếp xử

Việc qua rồi, tâm lại thảnh thơi”.

 

9/ Quán tất cả pháp vô thường, vô ngã, vô tác, vô vi là không làm điều gì tổn hại cho người.

10/ Nơi nơi lìa phân biệt là vào cửa trung đạo, cửa bất nhị là Niết Bàn không còn tạo nghiệp.

 

 

Lại nói kệ:

Tiên tuy ngôn kiết, hậu ngôn hung,
Tự thị Thái Tổ húy bất tùng.
Vi ngộ kiến long vi Phật tử,
Hốt tao thử xuất tịch vô cùng.

 

Bản dịch của HT Thích Thanh Từ:

 

Trước tuy nói kiết, sau gọi hung,
Từ đời Thái Tổ kiêng chẳng tùng.
Vì thấy rồng lên làm Phật tử,
Chợt trông chuột hiện lặng vô cùng.

Bản dịch của Ngô Đức Thọ:

 

Trước tuy là cát sau là hung
Từ đời Thái Tổ kiêng chẳng dùng
Vì thấy rồng lên làm Phật tử
Chợt trông chuột hiện lặng vô cùng

 

Bản dịch của Trần Quê Hương:

Trước tuy là cát sau là hung
Từ đời Thái Tổ kiêng chẳng dùng
Vì thấy rồng lên làm Phật tử
Chợt trông chuột hiện lặng vô cùng

 

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn:

Trước tuy lời kiết sau lời hung,
Thái Tổ từ xưa kiêng chẳng dùng.
Vì gặp rồng lên làm Phật tử,
Bỗng nhiên chuột hiện vắng vô cùng.

 

Sư Phụ giải thích:

Thiền Sư Tịnh Lực để lại cho đời câu kệ 4 câu này để dự báo việc sẽ xảy ra cho triều đại là Nhà Lý và Nhà Trần.

Vì thấy rồng lên làm Phật tử” là ý nói  Lý Công Uẩn lên ngôi vua, hiệu là Lý Thái Tổ khai sáng triều đại nhà Lý vào năm 1009, kéo dài 216 năm với 9 đời Vua:

1/Lý Thái Tổ
2/Lý Thái Tông
3/Lý Thánh Tông
4/Lý Nhân Tông
5/Lý Thần Tông
6/Lý Anh Tông
7/Lý Cao Tông
8/Lý Huệ Tông
9/Lý Chiêu Hoàng

 

“Chợt trông chuột hiện lặng vô cùng”.

Ý của Ngài nói là vào năm Tý, con chuột, là thời Vua Lý Chiêu Hoàng, triều Lý sụp đỗ, Thái Sư Trần Thủ Độ đã ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh tức vua Trần Thái Tông, mở ra triều đại nhà Trần, kéo dài đến 175 năm sau. Câu chuyện thâm cung bí sử của thời đại nhà Trần và Thiền Sư Trần Thái Tông sẽ được Sư phụ giảng vào cuối tháng 11-2021 năm nay, mong đại chúng đón nghe.

 

Nói xong, Sư ngồi ngay thẳng an nhiên thị tịch, thọ sáu mươi bốn tuổi.


 thich nguyen tang (8)thich nguyen tang (7)



Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Tịnh Lực do Thượng Tọa Chúc Hiền sáng tán cúng dường Ngài:

Thông minh thuở nhỏ, giỏi văn chương
Chữ tốt văn hay nghệ thuật tường
Đạo Huệ minh sư trao yếu chỉ
Vương trì tịnh thất hiển huyền trăng
Trì kinh sám hối tiêu tai chướng
Niệm Phật tham thiền sạch ách ương
Thuyết pháp giảng kinh rền phạm tiếng
Một đời đạo nghiệp sáng gương trang. 

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Tịnh Lực. Sư là một trong sáu đệ tử nối pháp của thiền sư Đạo Huệ. Đặc biệt Sư được trao truyền pháp tâm ấn tâm như cây kim hạt cải rất diệu mầu. Sư thường giảng kinh Viên Giác. Sư Phụ nêu ra tám chữ vàng trong kinh Viên Giác làm kim chỉ nam cho người tu:

“Tri huyễn tức ly, Ly huyễn tức giác”: Biết là huyễn thì bỏ ngay , lìa bỏ huyễn là giác ngộ. Nghe tuy đơn giản, nhưng huyễn dính như keo, khó mà lìa bỏ, muốn giác ngộ hành giả phải quyết tâm dũng mãnh một lần chặt đứt dây tham ái. Mong lắm thay. 

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Cung kính và tri ơn Sư Phụ,

Đệ tử Quảng Tịnh Tâm

(Montréal, Canada).

 





302_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Tinh Luc

Thiền Sư Tịnh Lực (1112 - 1175)

 Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Anh Tông)

Kính dâng Thày bài viết về Thiền Sư Tịnh Lực sau khi nghe một bài pháp quá tuyệt vời qua đó ....điều cốt tủy chính yếu mà  người tu khi thực hành bất cứ pháp môn nào cũng phải kinh qua để có Phước Huệ song toàn . Kính tri ân Thầy với yếu nghĩa câu Nam Mô A Di Đà Phật, cách gần gũi thiện hữu tri thức để lìa được ba chữ B ( Bệnh, Bận, Biếng ) mà an trụ vào chỗ bất động  để lìa được vô minh ( gốc rễ có từ ngàn kiếp sâu xa đưa ta vào chuỗi thập nhị nhân duyên và trôi lăn trong sinh tử luân hồi) . Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc sức khỏe Thầy, HH 



PHƯỚC TUỆ SONG TOÀN - THIỀN TỊNH SONG TU - NIỆM PHẬT TAM MUỘI . 

Với Đạo hiệu Tịnh Lực ( Tịnh là Thanh Tịnh - Lực là sức mạnh cao tột về Định ) thế nên mỗi  một lời khai thị của Thiền Sư Tịnh Lực trước khi thị tịch là yếu chỉ để tu tập để đi đến Bất Nhị Giải thoát môn. (Trong đó hoàn toàn không có những phân biệt về văn tự, ngôn ngữ. lý luận và đó là nếp sống thật ung dung tự tại của Thiền sư, của hành giả nhập bất nhị pháp môn. Họ hiện hữu lợi ích cho đời vẫn tỏa ngát hương vị giải thoát của bậc xuất trần thượng sĩ)...như bài kệ thị tịch của vua Trần Nhân Tông:

Nhất thiết pháp bất sinh

Nhất thiết pháp bất diệt

Nhược năng như thị giải

Chư Phật thường hiện tiền

Hà khứ lai chi hữu”

Hơn thế nữa là một hành giả Thiền Tịnh Song tu,  Phước Tuệ  song toàn vì đã đạt liễu nghĩa kinh Viên Giác( TRI HUYỄN TỨC LY-LY HUYỄN TỨC GIÁC )và đạt được Niệm Phật Tam muội ( Theo Liễu Dư đại sư thì khi hành giả chuyên nhất niệm Phật, quên hết thân tâm ngoại cảnh, tuyệt cả thời gian không gian. Đến lúc sức cực công thuần, ngay nơi đương niệm trần vọng bỗng thoạt tiêu tan, tâm thể bừng sáng. Chứng vào cảnh giới vô niệm vô bất niệm. ) ....

Điều ấy chứng tỏ rằng  Ngài đã đạt đến Tâm Vô Trụ ( An trụ chỗ bất động ) đúng như Lục  Tổ đã truyền trao yếu chỉ của Nam Phương đốn ngộ là : VÔ NIỆM , VÔ TRỤ, VÔ TÁC vì đã diệt trừ được vô minh bằng cách luôn gần gũi thiện tri thức thực hành Tứ nhiếp pháp và tu tập Bát Chánh Đạo miên mật nhuần nhuyễn lại luôn sáu thời sám hối 

Kính ghi lại lời khai thị như sau : 

"Đến niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo thứ hai (1175), một hôm Sư cáo bệnh nhóm môn đồ dạy

- Các ngươi! Tất cả các người học đạo lấy tâm siêng năng cúng dường Phật, không gì khác hơn chỉ cầu dứt được các nghiệp ác. 

Tâm miệng niệm tụng, tin hiểu nghe nhận, ở chỗ vắng vẻ yên lặng, gần thiện tri thức. Nói ra lời hòa nhã, nói phải thời đúng lúc, trong tâm không khiếp nhược. 

Liễu đạt nghĩa lý, xa lìa ngu mê, an trụ chỗ bất động. 

Quán tất cả pháp vô thường vô ngã, vô tác vô vi. 

Nơi nơi lìa phân biệt, ấy là người học đạo. " 

Lời kết : 

 Các nhà nghiên cứu Phật Giáo, cũng như các nhà chú giải kinh Kim Cang, đều nhất trí cho rằng, nội dung chủ yếu của kinh nằm ở điểm vô sở trụ, và nội dung chủ yếu này được tóm gọn trong câu chìa khoá tuyệt vời là:

"Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm".

Nghĩa là nên vô sở trụ để chân tâm phát sinh. Chân tâm là tâm vô trụ, là tâm giải thoát. Theo tinh thần của kinh Kim Cang thì Phật tử hay các vị tu sĩ Phật Giáo khi hành trì Phật pháp phải lấy "vô sở trụ" làm kim chỉ nam. Nếu không vậy, thì việc tu hành không có kết quả. Trong kinh có dạy rõ, là các Phật tử tu hạnh Bồ Tát khi hành lục độ thì phải hành trì như thế nào để đạt đến cứu cánh giải thoát.

Như vậy : Thiền Sư Tịnh Lực đã đạt đến Tâm Vô Trụ như Thi sĩ Tô Đông Pha .Ngài Tô Đông Pha đã để lại bài thơ để chỉ Tâm vô Trụ ấy như sau 

"Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh"

"Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh’’

Nghĩa là:

Khi nhạn bay qua đầm nước lạnh, thì bóng nhạn in hình trong đầm nước. Nhưng khi nhạn bay qua rồi, thì nước đầm đâu có lưu giữ hình ảnh nào của nhạn nữa.

Khi gió thổi vào bụi trúc thưa, gây tiếng xào xạc trong bụi trúc, nhưng khi gió đã đi rồi, thì bụi trúc trở lại hoàn toàn im lặng, chẳng lưu giữ lại một tiếng động nào do gió đã gây ra trước đó.

Mặt nước đầm lạnh kia và bụi trúc thưa nọ biểu tượng cho cái tâm vô trụ

-Tâm vô trụ là tâm thanh tịnh, là tâm giải thoát. Cuộc sống của con người thiếu gì những khoái lạc, những phiền não, khổ đau và sợ hãi vật lý. Nếu không có tâm vô trụ thì tuy đã qua rồi, nhưng những khoái lạc, phiền não, khổ đau và sợ hãi ấy vẫn hiện diện, đeo cứng để rồi dấy lên trong tâm ta những ham muốn, thèm thuồng, những day dứt, những khủng kinh miên trường, biến cuộc sống thành biển khổ, thành địa ngục trần gian. Nói ngắn lại vô trụ tức giải thoát.

-Người có tâm vô trụ thấy việc gì cần làm thì làm. Làm xong rồi bỏ, chứ không lưu chấp việc đã làm. 

-Người có tâm vô trụ cũng giống như người đã nhuần thấm tinh thần vô vi của đạo Lão. Vô vi chẳng phải là không làm, mà vô vi có nghĩa là làm mọi việc, không gì không làm (dĩ nhiên là làm trong tinh thần tỉnh giác), nhưng làm rồi thì như thể không làm, làm rồi bỏ, in tuồng như không có người làm và không có việc đã làm, một lối hành xử ly năng, tuyệt sở, một lối hành động trong tinh thần vô tư tuyệt đối (désintéressement total).

Tuy nhiên, tâm vô trụ vẫn khác xa so với mặt gương, mặt nước đầm lạnh, hay bụi trúc thưa, hay căn nhà trống. (Vì tâm vô trụ tuy không in dấu các sự kiện đã qua, việc đến thì tâm có, việc đi thì tâm lại không. )

Nhưng không mà có, các sự kiện qua đi, đã chìm sâu trong quá khứ, tuy không dính cứng vào tâm vô trụ, nhưng một khi cần đến thì những sự kiện kia lại hiện ra rỏ nét trong tâm vô trụ không thiếu, không sót.

Và ...

Một điều đáng ngạc nhiên trong hành trạng của Thiền Sư Tịnh Lực có điểm thú vị là Ngài đã đạt năng lực tiên tri bí ẩn, tuyệt vời qua việc Vua Lý chiêu Hoàng truyền trao triều đại nhà Lý cho chồng là Trần  Cảnh sáng lập  triều đại nhà Trần (1225) với bài kệ thị tịch  trước đó 50  năm (1175) .

Trước tuy nói kiết, sau gọi hung,

Từ đời Thái Tổ kiêng chẳng tùng.

Vì thấy rồng lên làm Phật tử,

Chợt trông chuột hiện lặng vô cùng.

 

(Tiên tuy ngôn kiết, hậu ngôn hung,

Tự thị Thái Tổ húy bất tùng.

Vi ngộ kiến long vi Phật tử,

Hốt tao thử xuất tịch vô cùng.)

Kính trân trọng, 

Ngưỡng kính Thiền Sư Tịnh Lực ...

Vị danh tăng viên mãn song toàn Phước Tuệ (1) 

Đạo hiệu mang yếu nghĩa Công hạnh tuyệt vời 

Luôn sống trong cảnh giới Phật, sám hối sáu thời (2) 

Đạt tâm ấn ... Thiền  Tịnh tiến nhanh vào giác ngộ (3) 

Kính đa tạ Giảng Sư : 

Mỗi một lời khai thị khi thị tịch ... pháp môn tu biểu lộ (4) 

Tu chứng Niệm Phật Tam Muội do nhất tâm (5) 

Câu "Nam Mô A Di Đà Phật" ....tạp niệm bất sanh 

Quay về an trú lại ....trong Tánh Giác ! 

Nơi vắng vẻ, siêng năng Tứ nhiếp pháp 

Gần thiện  hữu tri thức chân chánh thiện lành 

Cùng nhau Tứ Chánh cần, Bát Chánh Đạo thực hành 

An trụ bất động ...  Lìa vô minh, giải thoát (6) 

Thông minh sẵn có .......Liễu tri Kinh Viên Giác ! (7) 

Thượng đường miệng  có chất thư hoàng

..sửa chỗ hiểu sai của người tu tập (8) 

Kính tri ân Giảng Sư chỉ ra tài bí ẩn tiên tri 

Bài kệ thị tịch ....thi đàn  Lý Trần chép ghi   (9)

Triều đại nhà Lý ra đi....

 .... mãi tới 50 năm hiện rõ (10) 

Nam Mô Thiền Sư Tịnh Lực tác đại chứng minh . 



Huệ Hương 

Melbourne 26/10/2021 






thich nguyen tang (12)thich nguyen tang (11)thich nguyen tang (10)thich nguyen tang (6)thich nguyen tang (5)thich nguyen tang (4)thich nguyen tang (3)thich nguyen tang (2)thich nguyen tang (1)




Chú thích : 

(1) 

Sư họ Ngô tên Trạm, quê ở Cát Lăng, Vũ Bình. Thuở nhỏ, Sư rất thông minh, lớn lên càng giỏi về văn chương, nghệ thuật và chữ viết. Sư gặp Thiền sư Đạo Huệ thầy trò tương ưng như cây kim hạt cải. Tâm dừng nơi cảnh Phật, mặc cỏ ăn cây, phước tuệ song tu. 

(2) Sư vâng lời thầy thẳng lên núi cất một am cỏ tên Vương Trì, làng Cương Việt, Vũ Ninh rồi trụ trì nơi đây

. Trong mười hai giờ, Sư lễ Phật sám hối, được niệm Phật tam-muội. Bấy giờ tiếng nói của Sư trong vắt như tiếng Phạm thiên. 

(3)

Trải qua nhiều năm giữ tâm càng vững chắc. Thiền sư Đạo Huệ bảo:

- Tâm ấn của chư Phật, ngươi tự có đó, chẳng phải từ nơi người mà được.

Sư thưa:

- Đã nhờ Thầy chỉ dạy, con phải trụ nơi nào?

- Chẳng cần đi xa, nên ở Vũ Ninh là tốt.

 

(4) Đến niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo thứ hai (1175), một hôm Sư cáo bệnh nhóm môn đồ dạy

- Các ngươi! Tất cả các người học đạo lấy tâm siêng năng cúng dường Phật, không gì khác hơn chỉ cầu dứt được các nghiệp ác. 

Tâm miệng niệm tụng, tin hiểu nghe nhận, ở chỗ vắng vẻ yên lặng, gần thiện tri thức. Nói ra lời hòa nhã, nói phải thời đúng lúc, trong tâm không khiếp nhược. 

Liễu đạt nghĩa lý, xa lìa ngu mê, an trụ chỗ bất động. 

Quán tất cả pháp vô thường vô ngã, vô tác vô vi. 

Nơi nơi lìa phân biệt, ấy là người học đạo. 

Nay phần hóa duyên của ta đã xong.

(5) 

Niệm Phật tam muội phương tiện và phương pháp tu quán tưởng niệm Phật. Quán tưởng niệm Phật từ nội tâm cho đến ngoại cảnh, chẳng còn thấy có chơn vọng, khi ấy được thuần thục chứng nhập Chánh định (Tam Muội) Cảnh Tịch tịnh hiện tiền. Như thế mới thực hiện được lý “Duy Tâm Tịnh Độ, Tự Tánh Di Đà”.

Nên biết phương pháp niệm Phật Tam Muội này, thuộc về Thiền Quán, Đại thừa diệu lý. Khi tu phải thể hiện ngay đời sống hiện tại, để chứng thiền định giải thoát. (Chẳng giống như pháp xưng danh niệm Phật, để khi chết cầu vãng sinh về cõi Tịnh Độ). Không phải như người ta tưởng ngoài tâm ra, mà cần có Phật và các Pháp.

Yếu chỉ của tam muội trong pháp môn niệm Phật là sự " lắng nghe" chứ không cốt niệm cho nhiều mà tâm chẳng rõ. Lắng nghe càng rõ sức tam muội càng tự tập trung, tự thanh tịnh. Thanh tịnh càng rõ ràng càng tăng trưởng trí tuệ.

Tam muội cũng gọi là nhất tâm, cũng có nghĩa là chánh định. Chánh định trong niệm Phật đã gồm chánh kiến, chánh niệm, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh ngữ, chánh tinh tấn, kể cả chánh tư duy trong Bát chánh đạo. Đặc biệt, niệm Phật tam muội bao trùm các căn cơ, trình độ nào tu cũng được, hoàn cảnh nào áp dụng cũng được.

(6)

Muốn có tâm vô trụ phải vứt bỏ sở trụ. Trụ là đứng, là nương tựa. Sở trụ là chổ để đứng, vật để đứng, chổ để nương tựa, vật để nương tựa. Nếu sở trụ đã phá bỏ rồi, thì còn làm thế nào mà trụ được nữa. Chỗ đứng, vật để đứng, chỗ nương tựa, vật để nương tựa đã không còn, thì làm sao ta có thể đứng, có thể nương tựa được nữa. Nói khác đi, cái hậu quả tất nhiên của vô sở trụ là vô trụ.

Phật Giáo dạy pháp vô sở trụ, trong kinh Kim Cang. Là Phật tử, nếu không tụng đọc kinh này thì chắc ít nhiều cũng nghe nói tới. Tinh thần chủ đạo (idée maitresse) của kinh là vô sở trụ. Các nhà nghiên cứu Phật Giáo, cũng như các nhà chú giải kinh Kim Cang, đều nhất trí cho rằng, nội dung chủ yếu của kinh nằm ở điểm vô sở trụ, và nội dung chủ yếu này được tóm gọn trong câu chìa khoá tuyệt vời là:

"Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm".

Nghĩa là nên vô sở trụ để chân tâm phát sinh. Chân tâm là tâm vô trụ, là tâm giải thoát. Theo tinh thần của kinh Kim Cang thì Phật tử hay các vị tu sĩ Phật Giáo khi hành trì Phật pháp phải lấy "vô sở trụ" làm kim chỉ nam. Nếu không vậy, thì việc tu hành không có kết quả. Trong kinh có dạy rõ, là các Phật tử tu hạnh Bồ Tát khi hành lục độ thì phải hành trì như thế nào để đạt đến cứu cánh giải thoát.

Lục độ còn gọi là sáu ba-la-mật gồm có:(1. Bố thí 2. Trì giới 3. Nhẫn nhục 4. Tinh tấn

5. Thiền định6. Trí huệ) 

Bắt đầu là hạnh Bố thí, kinh Kim Cang dạy như sau: "Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư bố thí". Tu mà như thể không tu thì cuộc sống người hành đạo mới thật sự hồn nhiên, từ đó tâm mới hoàn toàn vắng lặng, thanh tịnh.

Năm độ còn lại cũng phải được hành theo tinh thần vô sở trụ như vậy, nghĩa là:

Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư trì giới cho đến :

Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư trí huệ.

Tất cả sáu độ đều không là sở trụ của hành giả, thì hành giả còn trụ vào đâu. Tức là vềmặt pháp tu thì vô sở trụ, mà về mặt hành giả thì vô trụ. Có tu hành đúng như kinh dạy, thì việc tu hành mới mang lại kết quả tốt đẹp được.

- Sở trụ chính là kiến thức và kinh nghiệm tích lũy trong quá khứ hay nói khác đi sở trụ chính là tư tưởng.

Sở trụ đã không, thì năng trụ cũng không. Tư tưởng (thought) đã không, thì người tư tưởng (thinker) cũng không.

Đã là kiến thức và kinh nghiệm thì sở trụ tất thuộc quá khứ, nghĩa là sở trụ tức thời gian. Vậy phi thời gian thì vô sở trụ. Như thế vấn đề gút lại chỉ còn là thoát khỏi sự chi phối của thời gian, không gian mà thôi. Cứ phi thời gian là lập tức sở trụ hồn nhiên tan biến và tâm vô trụ hồn nhiên phát sanh.

Ta có thể tóm tắt như sau:

Sở trụ = tư tưởng = thời gian

Phi thời gian = phi tư tưởng = vô sở trụ.

Vô sở trụ -> vô trụ -> Tâm vô trụ.

Tâm vô trụ = chân tâm, tâm thanh tịnh, tâm giải thoát.

(7) . 

Sư thường giảng kinh Viên Giác, nghĩa lý chỗ nào chẳng ổn, đích thân Sư cải chánh. 

Kính xin nhớ liễu nghĩa kinh Viên Giác  là chứng ngộ được  ( TRI HUYỄN TỨC LY-LY HUYỄN TỨC GIÁC) 

 (8) Bấy giờ tiếng nói của Sư trong vắt như tiếng Phạm thiên. 

Thời nhân bảo trong miệng Sư có chất thư hoàng

Thư Hoàng là một khoáng chất có màu vàng đỏ. Đời xưa  dùng tán nhỏ hòa nước làm mực để bôi những chữ viết lầm. Câu này dùng chỉ người có tài biện bác, lỡ nói sai sửa được ngay, như trong miệng có sẵn thư hoàng.

(9)Trước tuy nói kiết, sau gọi hung,

Từ đời Thái Tổ kiêng chẳng tùng.

Vì thấy rồng lên làm Phật tử,

Chợt trông chuột hiện lặng vô cùng.

 

(Tiên tuy ngôn kiết, hậu ngôn hung,

Tự thị Thái Tổ húy bất tùng.

Vi ngộ kiến long vi Phật tử,

Hốt tao thử xuất tịch vô cùng.)

 

Nói xong, Sư ngồi ngay thẳng an nhiên thị tịch, thọ sáu mươi bốn tuổi.(1175) 

(10)

Dưới  sự “đạo diễn” của Trần Thủ Độ, vở kịch chuyển giao ngôi vị từ họ Lý sang họ Trần kết thúc vào ngày 11 tháng Chạp năm Ất Dậu (1225), tại điện Thiên An, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu “nhường ngôi cho chồng”. Trần Cảnh mở đầu cho vương triều Trần nhưng hậu thế không gọi là Trần Thái Tổ bởi vì đây là sự sắp đặt của ba người lớn nắm quyền lực của họ Trần là Trần Thừa, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung. Việc Trần Cảnh được họ Lý nhường ngôi lên làm vua lấy hiệu là Thái Tông thì theo lẽ cha Trần Cảnh là Trần Thừa, dù chưa làm vua giây phút nào vẫn được tôn lên làm Thượng hoàng. Trần Thừa sinh năm 1184 ở làng Tức Mạc, là con trưởng của Trần Lý (sau này giúp Lý Cao Tông dẹp loạn mà chết), là anh của dũng lược tướng quân Thái úy Trần Tự Khánh, Hoàng hậu Trần Thị Dung, anh họ Thái sư Trần Thủ Độ. Trần Thừa từ nhỏ đã theo cha và cậu đem quân về kinh dẹp giặc giúp vua Lý, sau lại cùng em là Trần Tự Khánh lập nhiều công lao đánh tan dư đảng giặc ngoài cõi nên được Lý Huệ Tông phong làm quan. 

Khi Trần Cảnh lên ngôi, Trần Thừa được tôn là Thượng hoàng trông coi việc nước. Trong chín năm ở ngôi Thượng hoàng, ông dung hòa mọi mâu thuẫn với các bậc cựu thần thời Lý để củng cố vương triều, tái thiết đất nước.

Có thể chưa nói hết những công lao của Trần Thừa với triều Trần, với dân tộc; nhưng với những việc kể trên chứng tỏ ông là người có tầm nhìn, góp công lớn trong buổi đầu khai nghiệp. Ông mất năm Giáp Ngọ (1234), hưởng dương 51 tuổi. Sau khi ông mất 12 năm, được truy tôn làm Thái Tổ nhà Trần (tức Trần Thái Tổ).



youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]