Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

79. Phẩm "Kết Khuyến" (Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu, Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên, Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le)

03/08/202012:11(Xem: 9284)
79. Phẩm "Kết Khuyến" (Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu, Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên, Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thin Bu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

79. Phẩm Kết Khuyến


 

PHẨM "KẾT KHUYẾN"



(Phần cuối quyển 400, ĐBN)



Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Quảng Thiện Hùng Jordan Le




 

 

(Phần cuối quyển 400, ĐBN)  

 

- Này Thiện Hiện! Nên biết, do lý thú như thế oai đức Bát nhã Ba la mật sâu xa thù thắng, khiến các Bồ Tát có thể mau dẫn phát được Nhất thiết trí trí. Vì vậy, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát muốn học sáu phép Ba la mật mau được viên mãn, muốn thông đạt đầy đủ cảnh giới chư Phật, muốn đắc thần thông tự tại của chư Phật, muốn mau chứng đắc Nhất thiết trí trí, muốn có thể lợi ích an lạc tất cả hữu tình một cách rốt ráo thì nên học Bát nhã Ba la mật như thế, nên đối với Bát nhã Ba la mật sâu xa như thế cung kính lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, rốt ráo thông suốt, như thuyết tu hành, như lý tư duy nghĩa thú sâu xa, biên chép truyền bá, vì người giải nói; nên dùng các loại tràng hoa, các thứ hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, đèn đuốc thượng diệu và các vật quí hiếm khác cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen. Vì sao? Vì Bát nhã Ba la mật sâu xa đã thuyết này là mẹ sanh mẹ dưỡng, là thầy mô phạm chơn chánh; tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều cùng tôn trọng cung kính khen ngợi. Tất cả chúng Đại Bồ Tát đều cúng dường, tinh cần tu học; đó là giáo huấn chơn thật của Như Lai.

Bấy giờ, Phật bảo A nan:

- Đối với Như Lai, ông có ái kính chăng?

A nan thưa:

- Bạch Thế Tôn! Dạ có! Con thật có ái kính Phật, Như Lai tự biết.

Phật bảo A nan:

- Đúng vậy! Ông đối với Ta, thật có ái kính. Từ trước đến nay ông thường dùng nghiệp thân, ngữ, ý từ hòa, tốt đẹp, cung kính cúng dường, theo hầu bên ta, chưa từng trái ý.

Này A nan! Ông nên dùng sự chân thật cung kính cúng dường thân Ta khi ta còn ở đời. Sau khi Ta Niết bàn ông cũng nên dùng sự ái kính như thế mà cúng dường tôn trọng Bát nhã Ba la mật.

Lần thứ hai, lần thứ ba, đức Phật đem Bát nhã Ba la mật giáo huấn A nan như thế, khiến cho vô cùng ái kính tôn trọng cúng dường hơn là cúng dường thân Như Lai.

Lại bảo:

- Này A nan! Ta đem Bát nhã Ba la mật như thế, trước đại chúng hôm nay phó chúc cho ông, ông nên thọ trì. Sau khi Ta Niết bàn cho đến một chữ chớ để quên mất. Bát nhã Ba la mật như thế, tùy theo thời gian, nơi chốn mà nó lưu bố (lưu hành) ở thế gian, nên biết tức là có chư Phật Thế Tôn hiện trụ thế gian, vì chúng thuyết pháp.

A nan nên biết: Nếu có ai đối với Bát nhã Ba la mật sâu xa này, cung kính lắng nghe, thọ trì, đọc tụng rốt ráo thông suốt, như thuyết tu hành, như lý tư duy, nghĩa thú sâu xa, biên chép truyền bá, vì người giải nói; lại dùng các loại tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, đèn đuốc thượng diệu và các vật quý hiếm khác cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, thì nên biết người ấy thường gặp chư Phật, lắng nghe chánh pháp, tu các phạm hạnh.

Khi ấy, đức Bạc già phạm nói Kinh này xong, có vô lượng chúng đại Bồ Tát, Bồ Tát Từ Thị làm thượng thủ, Đại Ca diếp ba, Xá lợi tử, A nan đà v.v... các đại Thanh văn và trời, rồng, người phi người, v.v... tất cả đại chúng, nghe Phật nói rồi, đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

 

Lược giải:

 

Cũng như hầu hết các Kinh khác, phẩm cuối cùng Phật thường khuyên các đệ tử hãy đọc tụng, thọ trì và truyền bá rộng rãi Kinh này. Đó là nhiệm vụ của phẩm “Kết Khuyến”, thuộc Hội thứ I, Kinh ĐBN do Ngài Huyền Trang dịch. Phật bảo A nan:

- “Đối với Như Lai, ông có ái kính chăng?

A nan thưa:

- Bạch Thế Tôn! Dạ có! Con thật có ái kính Phật, Như Lai tự biết.

Phật bảo A nan:

- Đúng vậy! Ông đối với Ta, thật có ái kính. Từ trước đến nay ông thường dùng nghiệp thân, ngữ, ý từ hòa, tốt đẹp, cung kính cúng dường, theo hầu bên ta, chưa từng trái ý.

Này A nan! Ông nên dùng sự chân thật cung kính cúng dường thân Ta khi ta còn ở đời. Sau khi Ta Niết bàn ông cũng nên dùng sự ái kính như thế mà cúng dường tôn trọng Bát Nhã”.

(...) “Ta đem Bát nhã Ba la mật như thế, trước đại chúng hôm nay phó chúc cho ông, ông nên thọ trì. Sau khi Ta Niết bàn cho đến một chữ chớ để quên mất. Bát nhã Ba la mật như thế, tùy theo thời gian, nơi chốn mà nó lưu bố ở thế gian, nên biết tức là có chư Phật Thế Tôn hiện trụ thế gian, vì chúng thuyết pháp”.

 

Chúng tôi thiết nghĩ, lời phó chúc chân thành này cũng đủ khích lệ cho những ai hành trì cũng như truyền bá giáo lý Bát nhã Ba la mật, nên không cần bàn thêm./.

 

---o0o---

 

 

Đến đây chấm dứt phần thứ nhất,

(Hội thứ I).

 

Hội thứ I, ĐBN, còn gọi là Đại phẩm (Phạm: Zatasàhasrik-prajĩàpàramità), cả thảy tổng cộng 79 phẩm, 400 quyển, tức chiếm hết 2/3 trong số 600 quyển Đại Bát Nhã. Các học giả cũng như các nhà khảo cứu về Đại Bát Nhã đều đồng ý “Hội thứ I có tên là Đại phẩm” trùng tuyên quá nhiều như chúng ta đã biết. Vì vậy, chúng tôi cố gắng giản lược như trên, cốt để độc giả dễ tụng đọc, dễ tu hành. Chúng tôi chỉ cắt xén phần trùng tuyên mà thôi, còn cốt tủy vẫn giữ y nguyên bản như Quý vị đọc qua tự rõ.

Tất cả các giáo lý căn bản của Bát nhã Ba la mật đều nằm ở Hội thứ I này. Nếu tụng đọc kỹ Hội thứ I thì có thể hiểu tất cả 6 Hội đầu.

Cũng xin lưu ý độc giả tuy nói là luận giải nhưng thật sự chỉ lược giải đại cương mà thôi. Ở phẩm nào kinh miêu tả về sự kiện theo lối trần thuật thì chúng tôi tóm lược ngắn gọn; phẩm nào gút mắt khó khăn chúng tôi thích nghĩa, lược giải tỉ mỉ. Phần lớn là lặp lại lời Phật, Tổ hay các Thiền sư có đạo học sâu dày. Lưu ý này không những dành cho Hội thứ I mà cho cả toàn bộ Đại Bát Nhã. Cái quan trọng nhất của chúng tôi là cố nêu lên những biểu thị hay pháp nghĩa hiển hiện của Bát Nhã. Còn tiêu hóa hay thẩm thấu nổi hay không là tùy thuộc người thọ trì nhiều hơn. Bát nhã Ba la mật lúc nào cũng ngụ ý như vậy. Không ai dọn sẵn cơm cho mình ăn cả. Trâu Bảo Lộc ăn cỏ trâu Đồng Nai không thể no được.

Cứ mỗi lần củ soát lại bản thảo, chúng tôi có khi phải viết lạị, sửa đổi hay thêm thắt đôi chút. Tại sao? Kinh nghiệm bản thân cho thấy rằng càng trì tng thì càng thâm hiểu thêm. Đây không dám nói là một sự chuyển y, nhưng gần như vậy dù chỉ trong gang tấc. Quý vị trì tụng nhiều chính văn, có khi Quý vị luận giải chắc chắn còn hơn những gì mà chúng tôi đã viết. Chúng tôi chỉ là người đi trước, một hướng dẫn viên hơn là một pháp sư hay một đạo sư chính thống!

Khi viết xong thiên Tổng luận Đại Bát Nhã chúng tôi mới có dịp tụng bộ Đại Trí Độ Luận do Bồ Tát Long Thọ soạn thảo vào đầu kỹ nguyên thứ II sau Tây Lịch. Đây là một bộ luận đồ sộ gồm 5 tập, 100 quyển (khoảng gần 4.000 trang giấy khổ 6”X 9”) do nhóm của Tam tạng Pháp sư Lưu Ma La Thập soạn dịch. Bộ luận này dùng để chiết giải Kinh MHBNBLMĐ, tức là Hội thứ II, một trong 16 Hội của Đại Bát Nhã. Bồ Tát Long Thọ là Tổ thứ XIV truyền thừa từ đức Thế Tôn để thay thế Phật nắm giữ và phát triển Tăng đoàn. Ngài là bậc Long tượng đã viết ba bộ luận nổi tiếng (gọi chung là Trung luận Bát bất) trước khi viết bộ Đại Trí Độ Luận này. Đây là bậc thật tu thật chứng có công phu sâu dày, nên Bộ luận của Ngài làm sáng tỏ thêm kinh Đại Bát Nhã như đức Thế Tôn đã tiên đoán. Kỳ xuất bản lần thứ II này của thiên Tổng luận Đại Bát Nhã, chúng tôi mới có dịp cập nhật hóa Hội thứ II, là nhờ bộ Luận này. Nếu Hội thứ I thiếu sót gây trở ngại thì Hội thứ II sẽ bổ túc, giúp Quý vị nắm vững các giáo lý Bát nhã Ba la mật nhất là các pháp tu Phật học.

 

Sau đây, chúng ta sẽ tiếp tục trì tụng “phần hai, Hội thứ II gọi là Đại bản” (Phạm: Paĩcaviôzatisàhasrikà-prajĩàpàramità), gồm 79 quyển, 87 phẩm bắt đầu từ quyển 401 cho đến hết quyển 478, nhưng thiếu 3 phẩm “Bồ Tát Thường Đề”, “Bồ Tát Pháp Dũng” và phẩm “Kết Khuyến”. Hội thứ II này có tên là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, do nhóm của Ngài Cưu Ma La Thập dịch từ Phạn sang Hán, HT. Thích Trí Tịnh dịch từ Hán sang Việt -Bản Việt dịch Kinh MHBNBLMĐ do HT. Thích trí Tịnh dịch, Viện Phật Học Phổ Hiền xuất bản, Thành Hội Phật Giáo T.P. Hồ chí Minh ấn hành năm 1995, trọn bộ 3 tập, có ghi thêm 3 phẩm nói trên. Chúng tôi tìm thấy bản chính văn Kinh MHBNBLMĐ và bản chiết giải Đại Trí Độ Luận của Bồ Tát Long Thọ có đăng trên các mạng Phật học và có bán trên thị trường. Nếu có thể được, xin Quý vị tụng song hành với Hội thứ II của ĐBN càng tốt.

Cũng nên nói trước rằng: Phần hai, Hội thứ II, ĐBN thuyết về giáo lý, cơ, cảnh, hành, quả... cũng như kỹ thuật tu trì quán tưởng chẳng khác Hội thứ I, chỉ khác là các phẩm của Hội thứ II ngắn gọn. Đọc Hội thứ II Quý vị sẽ cảm thấy “dễ chịu” hơn! Chúng tôi cố gắng chiết giải đầy đủ như Hội thứ I, ĐBN vậy.

Mặc dù nói hai Hội tương đương nhau, nói như vậy không có nghĩa là tụng Hội thứ I xong thì không cần tụng Hội thứ II nữa. Nhất định không phải vậy! Đọc Hội thứ II để nắm vững Hội thứ I, vì Hội thứ II gãy gọn, tổng quát, ít trùng tụng dễ nắm, lại được bổ túc bởi Đại Trí Độ Luận, nên dễ hiểu dễ thâm nhập Tánh Không Bát Nhã hơn.

Lại nữa, học Phật là trì tụng, càng tụng nhiều càng tốt, càng tụng thì càng vỡ ra, cái gì dấu kín trong tiềm thức bấy lâu thì có một lúc nào đó sẽ bùng nổ, để tự phát chiếu các diệu dụng của nó! Có lẽ chúng tôi lưu ý quá nhiều về vấn đề này? Xin lỗi, vì nó cần thiết trong vấn đề đọc tụng cũng như thọ trì kinh điển!

Hội thứ II chia ra thành nhiều phẩm gẫy gọn, phẩm tựa rất phù hợp với chánh văn, nên chúng tôi không phải chia thành nhiều đoạn hay nhiều phân đoạn như Hội thứ I. Do vậy, việc đọc tụng thọ trì Hội thứ II “xuôi chèo mát mái” hơn so với các Hội khác. Vì vậy, mỗi lần ôn tập lại các giáo lý của 6 Hội đầu, chúng tôi thường ưu tiên đọc tụng Hội thứ II nhiều nhất! Đó là kinh nghiệm. Hy vọng Quý vị gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp khi đọc tụng thọ trì Hội thứ II, ĐBN này./.

 

 

---o0o---

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]