- Đôi nét tiểu sử Đại Sư tác giả
- Lời giới thiệu của Jack Kornfield
- Lời giới thiệu của người dịch
- Lời cảm tạ của tác giả
- Những chữ viết tắt
- Giới thiệu tổng quát về Thiền Định
- Chương 1: Căn Bản Pháp Hành Thiền I
- Chương 2: Căn Bản Pháp Hành Thiền II
- Chương 3: Những Chướng Ngại trong Hành Thiền I
- Chương 4: Những Chướng Ngại trong Hành Thiền II
- Chương 5: Phẩm Chất Của Chánh Niệm
- Chương 6: Sử Dụng Tính Đa Dạng Để Tạo Hứng Thú Cho Hành Thiền
- Chương 7: Hơi Thở Tuyệt Đẹp
- Chương 8: Bốn Trọng Tâm Của Chánh Niệm
- Sách nói: Từ Chánh Niệm Đến Giác Ngộ - Thiền Sư Ajahn Brahm, bản dịch Trần Như Mai
CHƯƠNG 7
Hơi Thở Tuyệt Đẹp
Cốt lõi của Phật Giáo nằm trong sự giác ngộ của Đức Phật. Nhiều thế kỷ trước ở Ấn Độ, Sa môn Gautama nhớ lại một kinh nghiệm thời thơ ấu về nhập Định và ý thức rằng nhập Định là con đường đưa đến giác ngộ (Trung BK, 36). Ngài đi đến một khu rừng bên bờ một con sông lớn, ngồi trên cái gối cỏ dưới một cây bồ đề rợp bóng mát và hành thiền. Phương pháp hành thiền Ngài sử dụng là Pháp Quán Niệm Hơi Thở (ānāpāna-sati). Qua việc thực hành phương pháp này, Ngài đã nhập Định, xuất Định, và nhanh chóng đạt được tuệ giác về sự giác ngộ. Từ đó Ngài được gọi là Đức Phật.
Đức Phật tiếp tục dạy pháp Quán Niệm Hơi Thở cho đến ngày cuối của cuộc đời. Đó là phương pháp đã đem lại giác ngộ cho Ngài, là phương pháp hành thiền xuất sắc, Ngài đã trao truyền lại phương pháp này cho tất cả đệ tử của Ngài, cả xuất gia lẫn tại gia. Phương pháp hành thiền tối thắng này đã được truyền lại cho chúng ta ngày nay trong các văn bản kinh điển Nguyên Thủy như là một phần của nhiều bài kinh, nhưng đặc biệt là bài kinh Pháp Quán Niệm Hơi Thở (Ānāpānasati Sutta) trong Trung Bộ Kinh số 118.
Đức Phật đã mô tả việc tu tập pháp Quán Niệm Hơi Thở gồm có những chuẩn bị ban đầu tiếp theo là mười sáu đề mục thực tập. Mười hai đề mục đầu tiên là những lời hướng dẫn để nhập định, và bốn đề mục cuối cùng là những lời hướng dẫn về những gì cần phải làm sau khi xuất định.
Những Chuẩn Bị Ban Đầu
Một Nơi Yên Tĩnh, Một Chỗ Ngồi Thoải Mái
Đức Phật dạy, trước tiên hãy đi đến một nơi yên tĩnh, nơi nào bạn không bị người khác, âm thanh, hay những vật như muỗi mòng quấy rầy. Một vài thiền sư tuyên bố rằng bạn có thể ngồi thiền giữa chợ hay trong xe hơi giữa dòng xe cộ đông đúc, nhưng những kiểu thiền hời hợt đó sẽ không đưa đến giác ngộ. Đức Phật vẫn luôn luôn khuyên bạn tìm kiếm một nơi yên tĩnh. Những người gan dạ có thể muốn hành thiền trong những khu rừng hoang đầy muỗi mòng hay giữa lối đi của cọp, nhưng làm như vậy có lẽ chỉ rèn luyện được sức chịu đựng nhẫn nhục chứ không đưa đến sự thoải mái của nhập định. Thay vào đó, Đức Phật đã ca ngợi những nơi như là vườn cây ăn trái hay công viên, tương tự như Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Ngài đắc quả giác ngộ.
Tiếp đến, hãy ngồi trên một chỗ thoải mái. Bạn có thể ngồi trên một cái gối, một cái ghế dài, hoặc thậm chí một cái ghế dựa, miễn là nó đừng quá thoải mái. Để cho một buổi quán niệm hơi thở được thành công, cần có sự thoải mái ở mức độ cơ thể bạn cảm thấy dễ chịu trong một thời gian dài. Phật tử không ngồi trên bàn chông bằng miếng kính vỡ hay bàn chông bằng đinh. Ngay cả Đức Phật, Ngài cũng ngồi trên một cái gối cỏ dưới cội đồ đề. Bạn cũng không cần phải ngồi bắt chéo chân theo kiểu kiết già hay bán già và giữ lưng thẳng đứng. Từ kinh nghiệm của mình, tôi biết rằng bạn có thể hành thiền thành công bằng những tư thế ngồi không theo qui ước.Mục đích của thế ngồi chỉ là giúp bạn khỏi bị khó chịu để bạn có thể buông xả cơ thể càng sớm càng tốt.
Toàn thể mười sáu đề mục thực tập quán niệm hơi thở được thực hiện tốt nhất ở tư thế ngồi, cũng giống như Đức Phật đã ngồi dưới cội bồ đề. Trong thiền hành, sự chú tâm của bạn phải nhắm vào đôi bàn chân chứ không phải vào hơi thở. Cũng vậy đối với thiền đứng. Những hành giả chưa giác ngộ cố gắng theo dõi hơi thở trong lúc nằm thường rơi vào giấc ngủ. Vì vậy, hãy thực tập pháp Quán Niệm Hơi Thở trong tư thế ngồi.
Thiết Lập Chánh Niệm
Bây giờ bạn được yêu cầu thiết lập chánh niệm “ngay trước mặt”. Khi Đức Phật dạy “ngay trước mặt” ngài không có ý muốn nói đặt sự chú ý vào đầu chóp mủi của bạn, hay ở môi trên, hay một chỗ nào đó trước mắt bạn. Đặt cái gì trước mặt có nghĩa là xem việc ấy quan trọng. Vì vậy, lời hướng dẫn trước tiên là thiết lập chánh niệm bằng cách xem đó là việc ưu tiên.
Mức độ chánh niệm ban đầu được thiết lập bằng cách thực tập theo hai giai đoạn đầu tiên của phương pháp hành thiền căn bản trong chương I – đó là qua việc thực tập tỉnh giác về giây phút hiện tại và rồi tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tại. Qua những gì đã nói từ đầu cho đến đây, rõ ràng là khi tâm của bạn cứ lang thang trong quá khứ hay vào tương lai, thì bạn không phải đang tỉnh giác về những gì đang xảy ra ngay bây giờ. Cũng thế, khi bạn đang suy nghĩ hay thậm chí chỉ cần ghi nhận việc gì, thì sự chú tâm của bạn tập trung vào ngôn từ, chứ không phải trong cái kinh nghiệm đơn thuần của giây phút hiện tại. Nhưng khi bạn im lặng nhận biết bất cứ cái gì đang xảy ra ngay bây giờ (ngay trước tâm bạn), thì bạn đã thiết lập được mức độ chánh niệm cần có để bắt đầu thực tập Pháp Quán Niệm Hơi Thở.
Cũng đáng nói lại lần nữa là nhiều thiền sinh đi thẳng đến quán niệm hơi thở quá nhanh, bỏ quên lời hướng dẫn ban đầu về việc trước tiên phải thiết lập chánh niệm tương đối vừa đủ, nên họ đã gặp phải rắc rối. Hoặc là họ không thể trụ tâm vào hơi thở được, hay tệ hơn là họ dùng quá nhiều ý chí để giữ chặt hơi thở đến nỗi cuối cùng họ trở nên căng thẳng hơn lúc họ mới bắt đầu. Hạng thiền sinh thứ hai đã làm cho phương pháp Quán Niệm Hơi Thở của Thiền Phật giáo bị mang tiếng không hay.
Mười Sáu Bước Quán Niệm Hơi Thở
Bước Thứ Nhất và Thứ Hai
Mặc dù Đức Phật dạy trước tiên hãy thực tập hơi thở dài và rồi thực tập hơi thở ngắn, bạn không cần phải kiểm soát hơi thở để thực hiện trọn vẹn lời hướng dẫn này. Kiểm soát hơi thở chỉ mang lại cảm giác không thoải mái. Thay vào đó, điều này chỉ có nghĩa là bạn quan sát hơi thở vừa đủ để biết nó dài hay ngắn. Quan sát hơi thở để biết nó không dài cũng không ngắn, nhưng ở vào khoảng trung bình, mặc dù việc này không được đề cập trong kinh, nó cũng giúp bạn thực hiện trọn vẹn lời hướng dẫn.
Lý do của những lời hướng dẫn đó là vào lúc khởi đầu, có thể bạn thấy chẳng có gì thú vị khi chỉ theo dõi hơi thở-vô và hơi thở-ra trong cơ thể mình, vì thế lời hướng dẫn này cho bạn thêm nhiều việc để theo dõi. Nó làm cho pháp Quán Niệm Hơi Thở thú vị hơn. Đôi lúc tôi đề nghị thiền sinh của tôi rằng vào giai đoạn này, họ nên để ý xem hơi thở-vào và hơi thở-ra, cái nào dài hơn. Khoảng cách giữa hơi thở-vào và hơi thở-ra kế tiếp có dài bằng khoảng ngưng giữa hơi thở-ra và hơi thở-vào kế tiếp? Những cảm giác của hơi thở-vào có giống với những cảm giác của hơi thở-ra? Việc này cũng phục vụ cho cùng mục đích như lời Đức Phật dạy về việc thực tập hơi thở dài và hơi thở ngắn. Nó giúp cho việc thực tập chánh niệm có nhiều chi tiết hơn để theo dõi, nhờ thế sẽ không bị nhàm chán.
Một phương pháp khác cũng thuộc về giai đoạn này là tạo ra một mẩu chuyện đẹp về hơi thở-ra và hơi thở-vào. Tôi gợi ý cho thiền sinh của tôi nhớ rằng dưỡng khí mà họ thở vào đang được cây cối trong vườn và các khu rừng bổ sung không ngừng. Và thán khí mà họ đang thải ra cũng là thực phẩm cho cùng những cây cối đó. Vì vậy hãy tưởng tượng bạn đang hít vào một món quà quý giá của hoa cỏ và cây cối, và bạn cũng đang thở ra một món quà quý giá tương đương cho thiên nhiên xanh tươi chung quanh bạn. Hơi thở của bạn đang kết nối bạn với tất cả cỏ cây sinh động một cách thân tình. Phương cách làm bạn lên tinh thần khi hiểu biết về hơi thở của chính mình như vậy sẽ giúp bạn theo dõi hơi thở dễ dàng hơn.
Trong truyền thống Sơn Lâm ở Thái Lan, họ thêm một chữ thần chú (mantra) khi tập thở. Khi bạn thở vào bạn nghĩ thầm “Bud” và khi bạn thở ra bạn nghĩ thầm “Dho”. Đó là hai vần của chữ Đức Phật (Buddha). Cũng thế, mục đích của việc này là giúp cho việc theo dõi hơi thở được dễ dàng hơn trong giai đoạn sơ khởi.
Bước Thứ Ba: Cảm Giác Toàn Bộ Hơi Thở
Bước thứ ba trong tiếng Pali gọi là sabba-kāya-patisamvedī, nghĩa là cảm giác toàn bộ tiến trình hơi thở. Một số thiền sư hiểu lầm từ Pali kaya nghĩa là thân thể, vì thế đã nhận định sai lầm rằng giờ đây bạn cần phải hướng sự chú tâm đến tất cả cảm giác trong toàn bộ thân thể của bạn. Đây là một điểm sai. Đức Phật đã dạy rõ ràng trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở (Ānāpānasati Sutta, Trung BK 118, 24) rằng Ngài xem tiến trình thở-vào thở-ra như “một thân (kāya) giữa các thân khác.” Hơn nữa, lời chỉ dẫn trong mười hai bước đầu tiên của pháp Quán Niệm Hơi Thở là hướng đến đơn giản hóa đối tượng của tỉnh giác, chứ không phải làm cho nó phức tạp hơn. Như vậy, trong bước thứ ba này là lúc chánh niệm của bạn gia tăng mức độ nhạy bén đủ để theo dõi mọi cảm giác liên hệ đến tiến trình thở-vào thở-ra.
Bạn nhận biết hơi thở-vào ngay từ lúc nó bắt đầu khởi lên từ không gian tĩnh lặng. Bạn thấy cảm giác của hơi thở-vào tiến triển từng khoảnh khắc, đạt đến cao điểm và rồi từ từ tan dần cho đến khi hoàn toàn lắng xuống. Tâm bạn đạt đến một mức độ sáng suốt đến mức thậm chí bạn có thể thấy được khoảng cách, khoảng ngưng giữa hơi thở-vào và hơi thở-ra kế tiếp. Tâm của bạn đạt được sức chú ý của con mèo đang rình chuột, khi bạn chờ hơi thở-ra kế tiếp. Rồi bạn theo dõi những chuyển động đầu tiên của hơi thở-ra. Bạn quan sát cảm giác tiến triển, thay đổi từng khoảnh khắc, cho đến khi nó cũng đạt đến cao điểm rồi yếu dần trước khi tan biến vào không gian. Rồi bạn theo dõi khoảng ngừng, khoảng cách giữa hơi thở-vào và hơi thở-ra kế tiếp. Khi tiến trình này được lặp lại với hơi thở này kế tiếp hơi thở kia, bạn đã hoàn thành bước thứ ba, cảm giác toàn bộ hơi thở.
Trong một tài liệu cổ điển của Ấn Độ, cuốn Mahābhārata, có một câu chuyện minh họa về một vị thầy và ba người đệ tử mà tôi đã mô phỏng để giải thích đề mục thứ ba của pháp Quán Niệm Hơi Thở. Vị thầy đang huấn luyện các đệ tử về hành thiền và dùng nghệ thuật bắn cung như là phương tiện để đánh giá. Sau khi đã giảng dạy ba đệ tử một thời gian dài, ông đặt ra một cuộc thi để đánh giá khả năng của họ. Ông lấy một con chim, một con chim nhồi bông chứ không phải chim thật, và cẩn thận đặt nó trên một cành cây cách xa những đệ tử của ông. Phải đạt một trình độ kỹ năng thật xuất sắc mới có thể bắn con chim bằng một mũi tên từ một khoảng cách xa như vậy. Nhưng vị thầy đặt ra tiêu chuẩn khó đến mức gần như không thể nào đạt được khi bảo các đệ tử:” Ta không muốn các ngươi bắn bất cứ nơi nào trên thân thể con chim. Muốn thi đậu kỳ này, mũi tên của ngươi phải bắn trúng con mắt trái của con chim. Đó là mục tiêu của các người”.
Ông đưa cung tên cho người đệ tử đầu tiên và bảo người này trước tiên phải hành thiền, phải đem tâm nhập làm một với mục tiêu, chỉ khi nào đạt đến mức độ ấy thì mới bắn mũi tên. Vị thầy bảo người đệ tử muốn sử dụng thời gian bao lâu tùy thích, nhưng trước khi bắn mũi tên người này phải ra dấu hiệu cho vị thầy. Ba mươi phút sau, người đệ tử ra dấu hiệu cho vị thầy biết là anh ta đã sẵn sàng. Vị thầy bảo anh ta chờ thêm vài giây và hỏi anh ta: “Ngươi có thấy con chim trên cành cây?” Với tầm mắt vẫn chăm chú tập trung nhắm đến mục tiêu, người đệ tử trả lời “Dạ có”. Nghe vậy, vị thầy đẩy người đệ từ qua một bên, nắm lấy cung tên và bảo, “Đồ ngốc! Hãy đi về và học lại cách hành thiền”. Rồi vị thầy trao cung tên cho người đệ tử thứ hai và cũng dặn dò như trước. Người đệ tử này phải mất cả giờ trước khi ra dấu hiệu cho vị thầy rằng anh ta đã sẵn sàng bắn. Vị thầy hỏi, “Ngươi có thấy con chim trên cây không?”. Người đệ tử trả lời, “Cây nào?”. Vị thầy hỏi tiếp, đầy hy vọng: “Ngươi có thấy con chim không?. Người đệ tử trả lời,” Ồ, dạ có”. Thất vọng, vị thầy đẩy người đệ tử thứ hai qua một bên, chụp lấy cung tên và bảo anh ấy hãy đi về học lại cách hành thiền đúng đắn.
Cuối cùng, ông đưa cung tên cho người đệ tử thứ ba với cùng một lời hướng dẫn. Người đệ tử này phải mất hai giờ hành thiền, đem tâm nhập làm một với mục tiêu, là con mắt trái của con chim. Rồi anh ta ra dấu hiệu cho thầy rằng anh ta đã sẵn sàng bắn. Vị thầy hỏi, “Ngươi có thấy con chim trên cây không?”. Người đệ tử trả lời, “Cây nào?”. Rồi vị thầy hỏi tiếp, “Ngươi có thấy con chim không?”. Người đệ tử trả lời, “Chim nào?”, Vị thầy bắt đầu mỉm cười và hỏi tiếp, “Ngươi thấy gì?”. Người đệ tử trả lời, mắt vẫn không rời mục tiêu, “Bạch thầy, con chỉ thấy cái tròng mắt mà thôi, chỉ có thế”. Vị thầy đáp,“Tốt lắm, hãy bắn”. Và dĩ nhiên là mũi tên đã xuyên qua điểm duy nhất còn lại trong tâm tỉnh giác của người đệ tử.
Câu chuyện này là một ví dụ chính xác về phương cách làm thế nào để hoàn tất bước thứ ba của pháp Quán Niệm Hơi Thở. Cũng giống người đệ tử thứ ba đã tập trung toàn tâm ý vào mục tiêu, đối với anh ta đó là tròng mắt trái của con chim, vì vậy bạn cũng hoàn toàn tập trung sự chú ý vào bước thứ ba của pháp Quán Niệm Hơi Thở, để bạn cảm giác được toàn bộ hơi thở. Khi bạn đã hoàn tất bước thứ ba này, nếu bạn tự hỏi mình, “Ta có nghe âm thanh gì không?”, bạn sẽ trả lời, “Âm thanh nào?”-“Ta có cảm giác gì về thân không?” – “Thân nào?” – “Ta thấy gì?’ – “Chỉ cảm thấy hơi thở đang hoạt động”. Tốt lắm.
BướcThứ Tư: An Tịnh Hơi Thở
Khi tâm bạn thoải mái hoà nhập làm một với hơi thở, hơi thở sẽ tự động trở nên êm dịu. Sự tiến bộ của bạn sẽ rất ít bị quấy rối nên bạn sẽ tự nhiên kinh nghiệm được từng mỗi phút giây cái cảm giác dịu dàng êm ái hơn, giống như một mảnh vải thô nhám từ từ chuyển thành miếng vải lụa trơn láng. Hay là bạn có thể trợ giúp tiến trình này bằng cách cắt đứt sự im lặng nội tâm trong giây lát và tự nói với mình “An tịnh, an tịnh, an tịnh”. Rồi bạn trở lại im lặng cảm nghiệm hơi thở mà thôi. Làm như vậy nghĩa là bạn đang hướng dẫn người gác cổng như đã mô tả trong chương 5.
Nếu bạn nhảy vọt đến bước thứ tư quá sớm, bạn sẽ là miếng mồi ngon cho hôn trầm. Bạn phải bắt giữ được con ngựa hoang trước khi huấn luyện nó, nghĩa là bạn phải nắm giữ được toàn bộ hơi thở, hoàn tất bước thứ ba, trước khi bạn thử làm cho hơi thở dịu xuống.
Những thiền sinh hoàn tất bước thứ ba bằng sức mạnh của ý chí sẽ thấy không thể nào làm cho hơi thở êm dịu được. Họ đã gắng sức thay vì buông xả, và bây giờ họ bị kẹt. Khi bạn cầm một cái hoa, không bao giờ nên nắm nó quá chặt, nếu không bạn sẽ làm hỏng nó. Những đối tượng tinh tế cần sự xúc chạm nhẹ nhàng. Để giữ được hơi thở êm dịu với sự tỉnh giác trong nhiều phút, bạn cần cái tâm thật tinh tế. Sức chú tâm tinh tế như vậy chỉ có thể đạt được nhờ buông xả nhẹ nhàng và bền bĩ, không bao giờ đạt được bằng sức mạnh của ý chí thuần túy.
Khi người thợ mộc bắt đầu cưa một khúc gỗ, ông ta có thể nhìn thấy toàn thể cái cưa từ tay cầm cho đến đầu lưỡi cưa. Khi ông ta tập trung để cưa, sự chú ý nhắm càng lúc càng gần hơn với điểm lưỡi cưa chạm khúc gỗ. Tay cầm và đầu lưỡi cưa chẳng bao lâu biến mất khỏi tầm nhìn của ông ta. Sau một lúc, cái duy nhất mà ông nhìn thấy là cái răng cưa đang chạm miếng gỗ, còn những răng cưa bên trái và bên phải đều nằm ngoài tầm nhận biết của ông. Ông không biết, và cũng không cần biết cái răng cưa ấy ở đầu, ở giữa hay ở cuối lưỡi cưa. Ông đã vượt lên những khái niệm ấy. Đây là ví dụ cái cưa.
Cũng vậy, ở bước thứ tư này, bạn chỉ biết hơi thở đang diễn tiến bây giờ. Bạn cũng không biết đó là hơi thở-vào hay hơi thở-ra, đang ở chặng đầu, chặng giữa hay chặng cuối. Khi hơi thở dịu xuống sự chú ý của bạn trở nên tinh tế đến nỗi cái duy nhất mà bạn biết là hơi thở ngay lúc này.
Bước Thứ Năm và Thứ Sáu: Cảm Nghiệm Hỷ Lạc Với Hơi Thở
Trong bước thứ năm của pháp Quán Niệm Hơi Thở bạn cảm nghiệm được hỷ (piti) cùng với hơi thở, và trong bước thứ sáu bạn cảm nghiệm lạc (sukha) cùng với hơi thở. Bởi vì hỷ và lạc khó có thể tách rời, và vì chúng thường cùng đi với nhau, nên tôi sẽ xem chúng là một cảm thọ.
Khi bạn vẫn giữ vững chánh niệm để theo dõi hơi thở đang êm dịu xuống, hỷ lạc tự nhiên khởi lên như tia nắng vàng của buổi bình minh đang hé lộ dưới chân trời đông. Nó sẽ khởi lên từ từ nhưng tự động bởi vì tất cả năng lực tinh thần của bạn bây giờ tuôn chảy vào tâm nhận biết chứ không phải tâm tạo tác. Thật ra, bạn không làm gì cả, bạn chỉ theo dõi. Dấu hiệu chắc chắn rằng bạn không làm gì cả là sự an tịnh của hơi thở. Trong những giờ phút ban đầu của buổi bình minh cho đến khi chân trời bừng lên với ánh sáng đầu tiên của một ngày mới, tất cả chỉ là vấn đề thời gian; cũng giống như trong lúc bạn vẫn còn an tịnh với hơi thở êm dịu cho đến khi niềm hỷ lạc khởi lên trong tâm bạn, tất cả cũng chỉ là vấn đề thời gian. Năng lượng tinh thần tuôn chảy vào tâm nhận biết làm cho chánh niệm đầy uy lực, và chánh niệm được tăng cường năng lượng sẽ cho bạn cảm nhận được niềm hỷ lạc (pīti-sukha).
Nếu bạn đạt đến bước thứ tư và vẫn giữ vững chánh niệm về một hơi thở rất an tịnh nhưng không cảm thấy hỷ lạc, thì lời khuyên của tôi là, “Đừng hốt hoảng!” Đừng làm hỏng tiến trình tự nhiên bằng sự thiếu kiên nhẫn của bạn. Vào giai đoạn này, bất cứ bạn làm điều gì cũng sẽ trì hoãn, hay thậm chí ngăn cản niềm hỷ lạc đến với bạn. Thay vào đó, chỉ cần đi sâu vào cảm giác về hơi thở an tịnh đang tiếp diễn. Bạn có thật sự tỉnh giác về hơi thở êm dịu? hay có sự gián đoạn xen vào? Có lẽ bạn thiếu tiến bộ là vì bạn không liên tục tỉnh giác về hơi thở mà thôi. Có phải hơi thở của bạn không còn an tịnh nữa? Có lẽ hơi thở chưa êm dịu đúng mức. Nếu vậy, hãy dành thêm thời gian cho hơi thở. Đây là một tiến trình tự nhiên, hoàn toàn độc lập với bạn. Khi chánh niệm an trú thoải mái vào hơi thở mà không chút gián đoạn nào, và cảm giác về hơi thở càng lúc càng an tịnh hơn, thì hỷ lạc luôn luôn khởi sinh.
Nếu bạn có thể sớm nhận thấy niềm hỷ lạc thì sẽ có ích cho bạn. Để làm được điều này, bạn phải làm quen với những gì bạn tìm kiếm. Niềm hỷ lạc liên kết với sự an tịnh có thể khởi đầu hết sức tinh tế. Cũng giống như một người thích nhạc kích động tham dự một buổi trình diễn nhạc cổ điển của Mahler, và không thể hiểu được tại sao thính giả trả thật nhiều tiền để đi nghe thứ nhạc đó. Chỉ vì người ấy không hiểu đuợc. Cũng giống như một người thường ăn những bữa ăn tối rẻ tiền, lần đầu tiên đi đến một nhà hàng năm sao của Pháp và không thưởng thức được thức ăn bởi vì khẩu vị của người này quá thô thiển. Khi bạn hành thiền ngày càng nhiều hơn, bạn trở thành một người thành thạo về các trang thái an tịnh của tâm và sẽ tự nhiên hiểu được rất sớm lúc nào thì niềm hỷ lạc đang đến với bạn.
Việc hoàn thành bước thứ năm và thứ sáu này của pháp Quán Niệm Hơi Thở cũng chính xác giống như lúc đạt được giai đoạn hoàn toàn duy trì tỉnh giác vào hơi thở tuyệt đẹp trong phương pháp hành thiền căn bản của tôi. Vẻ đẹp của hơi thở ở trình độ này là cách tôi mô tả kinh nghiệm về hỷ lạc. Hơi thở ở giai đoạn này trở nên thật an tịnh và tuyệt đẹp, còn hấp dẫn hơn một khu vườn mùa xuân hay cảnh mặt trời lặn mùa hè, và bạn tự hỏi không biết bạn có còn muốn ngắm cái gì khác nữa không.
Bước Thứ Bảy: Cảm Nghiệm Hơi Thở Như Một Đối Tượng Của Tâm
Khi hơi thở càng lúc càng đẹp hơn, khi niềm hỷ lạc lặng lẽ gia tăng sức mạnh, hơi thở của bạn có vẻ như hoàn toàn biến mất. Trong chương 2, tôi đã mô tả điều này như là hơi thở đã tách rời khỏi hơi thở tuyệt đẹp, chỉ còn lại cảm giác tuyệt đẹp. Để diễn tả sự kiện này, tôi đã cho ví dụ về nụ cười của Con Mèo Cheshire, khi nó từ từ biến mất chỉ còn để lại nụ cười. Điều này mô tả thật chính xác con đường từ giai đoạn năm và sáu, cảm nhận hỷ lạc với hơi thở, đến giai đoạn bảy lúc hơi thở chỉ còn được biết như một đối tượng của tâm.
Để làm rõ sự chuyển tiếp này, tôi dẫn chứng sự phân tích của Đức Phật về thức đối với sáu căn (Tương Ư.BK, 35) - thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, và nhận biết. Trong những giai đoạn đầu của hành thiền, bạn buông bỏ thấy, nghe, ngửi, nếm đến mức độ sáu căn hoàn toàn đóng lại trong một thời gian. Rồi bạn buông bỏ hầu hết mọi hoạt động của căn thứ năm, là xúc chạm, bằng cách tập trung duy nhất vào sự xúc chạm (cảm giác thân thể) của hơi thở. Căn thứ sáu, là ý căn, hoạt động trong suốt thời gian này. Khi bạn tiến vào giai đoạn bảy, căn thứ năm là xúc chạm bây giờ cũng đóng lại, chỉ còn căn thứ sáu, ý căn, để nhận biết hơi thở. Giờ đây bạn đang cảm nghiệm hơi thở qua một căn mới.
Hãy tưởng tượng một người bạn cũ, râu tóc xồm xoàm, người thường đi đó đi đây trong bộ quần áo cũ bình thường. Rồi ông ta thọ giới xuất gia thành một nhà sư Phật giáo. Khi lần đầu tiên bạn thấy ông ta trong tu viện, có lẽ bạn không nhận ra ông với chiếc đầu trọc và bộ y vàng. Nhưng dù sao thì đó vẫn là người bạn cũ. Ông có vẻ khác lạ trong một khung cảnh mới, chỉ có thế. Cũng vậy, người bạn cũ là hơi thở thường đi ra đi vào trong chiếc áo cảm giác xúc chạm và thường được nhận ra nhờ căn thứ năm (xúc chạm). Trong bước thứ bảy của pháp Quán Niệm Hơi Thở, hơi thở của bạn đã vượt lên trên thế giới của ngũ căn, đặc biệt là căn thứ năm, và bây giờ chỉ được biết qua căn thứ sáu, như một đối tượng của tâm. Đây là lý do tại sao Đức Phật gọi giai đoạn này là ‘cảm nghiệm hơi thở như một đối tượng của tâm’(citta-sankhāra).
Vì vậy nếu hơi thở của bạn hình như biến mất vào giai đoạn này, hãy yên tâm là điều này nhất định phải xảy ra, và đừng có quấy rối tiến trình này bằng cách tìm kiếm loanh quanh cái tri giác trước đây về hơi thở. Thay vào đó, khi hơi thở hình như biến mất, hãy tự hỏi mình còn lại cái gì? Nếu bạn đã tuân theo lời hướng dẫn một cách thận trọng, hơi thở hình như chỉ biến mất sau khi hỷ lạc đã được ổn định, và vì thế cái còn lại là hỷ lạc. Chánh niệm của bạn phải thật tinh tế và trước tiên vẫn phải nhận ra đối tượng tế nhị này, nhưng bạn đã quen thuộc nhờ có nhiều kinh nghiệm trước đây, và tuệ giác sẽ cho bạn biết niềm hỷ lạc vi tế này chính là người bạn cũ của bạn, là hơi thở, và bây giờ được cảm nghiệm như một đối tượng của tâm.
Nếu bạn không thể giữ vững đối tượng của tâm này là vì bạn đã chưa có đầy đủ hỷ lạc với hơi thở trong giai đoạn năm và sáu. Bạn cần phải rèn luyện để nuôi dưỡng một hơi thở tuyệt đẹp với rất nhiều hỷ lạc trước khi bạn đóng lại căn thứ năm. Lúc đó bạn sẽ có một đối tượng của tâm mạnh mẽ hơn để theo dõi. Tuy nhiên, trải qua nhiều lần thực tập, bạn sẽ biết bạn tìm kiếm cái gì ở giai đoạn bảy, chánh niệm sẽ nhạy bén hơn trong việc duy trì những mức độ tinh tế của hỷ lạc, và bạn sẽ có thể buông bỏ căn thứ năm sớm hơn và vẫn có thể giữ được đối tượng của tâm dù chưa đủ mạnh.
Bước Thứ Tám: An Tịnh Tâm Hành
Vào giai đoạn này và những giai đoạn kế tiếp trong tiến trình hành thiền, thường có thể xảy ra sự kiện là niềm hỷ lạc trở nên hưng phấn quá mức và vì vậy đã quấy rối sự an tịnh. Vì lý do này, Đức Phật đã dạy bước thứ tám của pháp Quán Niệm Hơi Thở là làm an tịnh tâm hành về hơi thở.
Khi những thiền sinh tập sự, và đôi lúc cũng có những thiền sinh lâu năm, bắt đầu cảm nghiệm được đôi chút hỷ lạc, họ liền bật lên tiếng “Ồ” một cách vô ý: Ồ! Đây rồi! Thật đáng kinh ngạc! – và tức khắc niềm hỷ lạc vỗ cánh bay đi. Chỉ vì họ quá hưng phấn.
Trong những trường hợp khác, sự sợ hãi có thể khởi lên cùng lúc với niềm hỷ lạc: Điều này thật quá sức đối với tôi! Điều này thật đáng sợ, tôi không xứng được hưởng! - và một lần nữa niềm hỷ lạc sẽ ra đi. Sợ hãi đã hủy diệt sự an tịnh.
Vì vậy, hãy coi chừng hai kẻ thù đó, sợ hãi và hưng phấn, có thể xuất hiện trong giai đoạn này. Hãy nhớ tiếp tục giữ an tịnh tâm hành về hơi thở. Niềm hỷ lạc này phát sinh do sự an bình tĩnh lặng. Hãy giữ vững nguyên do phát sinh niềm hỷ lạc này. Hãy tiếp tục an trú trong tĩnh lặng, nếu không hỷ lạc sẽ ra đi.
Hình ảnh ví dụ nổi tiếng của Ngài Ajahn Chah về “mặt hồ tĩnh lặng” giúp chúng ta hiểu những gì đang xảy ra ở đây. Những người khác cũng có viết về hình ảnh này, nhưng không đầy đủ bằng. Tôi nhớ Ngài Ajahn Chah đã giảng như thế này. Khi Ngài đang đi dạo trong những khu rừng hoang và rừng cây mà ở Thái lan chúng tôi thường gọi là tudong, Ngài luôn luôn cố gắng tìm kiếm một giòng suối vào lúc hoàng hôn xuống. Ngài cần nước để tắm. Sau khi đi dạo trong rừng hoang, đổ mồ hôi vì khí nóng và sự vận động cơ thể, nếu tối đó bạn không tắm bạn sẽ cảm thấy mình dơ bẩn và rít rát khó chịu suốt đêm. Ngài cũng cần nước để uống. Vì những lý do ấy, Ngài Ajahn Chah tìm kiếm một hồ nước, một dòng sông nhỏ hay một dòng suối ở một nơi nào đó trong rừng. Khi Ngài tìm ra, Ngài sẽ ở lại qua đêm gần nơi đó.
Đôi lúc sau khi uống nước, tắm và đã ổn định, Ngài Ajahn Chah thường ngồi thiền cách hồ nước vài thước. Ngài nói rằng đôi lúc Ngài thường hay mở mắt ngồi yên lặng đến nỗi Ngài thấy nhiều thú vật từ trong rừng hoang đi ra. Chúng cũng muốn tắm và uống nước. Ngài nói chúng chỉ đi ra nếu Ngài ngồi hết sức yên lặng, bởi vì thú vật rừng hoang thường rụt rè và sợ loài người hơn là chúng ta sợ chúng nó. Khi chúng xuất hiện từ trong rừng rậm, chúng thường nhìn quanh và đánh hơi xem thử có an toàn không. Nếu chúng nhìn thấy Ngài, chúng chỉ bỏ đi. Nhưng nếu Ngài ngồi tuyệt đối yên lặng, thì bọn thú rừng không thể nghe tiếng động từ chỗ Ngài ngồi. Thậm chí chúng cũng không thể đánh hơi được sự hiện diện của Ngài. Lúc đó chúng sẽ đi ra uống nước. Một vài con sẽ uống nước và đùa giỡn trong nước như là không có Ngài ở đó, như thể Ngài là người vô hình. Ngài nói rằng đôi lúc Ngài ngồi yên đến nỗi, sau khi những con thú bình thường đi ra, có nhiều con thú rất kỳ lạ xuất hiện, những con thú mà Ngài không hề biết tên. Trước đây, Ngài chưa bao giờ thấy những sinh vật lạ thường như vậy. Cha mẹ Ngài cũng chưa bao giờ nói cho Ngài biết về những con thú này. Chỉ khi nào Ngài tuyệt đối yên lặng thì những con thú kỳ diệu này mới đi ra uống nước.
Đây là một ví dụ rất hay về những gì xảy ra trong lúc thiền định thâm sâu. Hồ nước là biểu tượng của tâm. Vào giai đoạn thứ tám của pháp Quán Niệm Hơi Thở, bạn đang ngồi trước hồ nước và theo dõi. Nếu bạn đưa ra bất cứ mệnh lệnh nào nghĩa là bạn không yên lặng. Những sinh vật kỳ diệu – là định tướng và các tầng thiền - chỉ đến với bạn nếu bạn tuyệt đối yên lặng. Nếu chúng mới bước ra để “đánh hơi” mà bạn đã thốt lên “Ồ!” thì chúng sẽ phóng ngay vào rừng và sẽ không trở lại. Nếu chúng đi ra và bạn nhìn chúng, ngay cả bạn chỉ liếc mắt thôi, chúng cũng sẽ biết và bỏ đi. Bạn không thể nhúc nhích nếu bạn muốn những con thú ấy đi ra và chơi đùa. Nhưng nếu bạn giữ tuyệt đối yên lặng – không kiểm soát, không làm, không nói, không nhúc nhích, hay bất cứ cái gì khác – thì định tướng sẽ xuất hiện. Chúng sẽ nhìn quanh và “đánh hơi” bầu không khí. Nếu chúng nghĩ là không có ai ở đó, chúng sẽ đến và chơi đùa ngay trước mặt bạn. Nhưng nếu bạn chỉ cần chớp mắt, chúng lại bỏ đi ngay. Chúng chỉ ở lại khi nào bạn tuyệt đối yên lặng. Những sinh vật bình thường sẽ đi ra trước, rồi đến những sinh vật rất xinh đẹp, và cuối cùng là những sinh vật rất diệu kỳ. Những sinh vật cuối cùng ấy là những kinh nghiệm tuyệt vời mà bạn không biết gọi tên như thế nào, những cảm nghiệm mà bạn không tưởng tượng là có thể hiện hữu bởi vì chúng thật lạ kỳ, đầy hỷ lạc, rất trong sáng thanh tịnh. Đó là cảnh giới các tầng thiền (jhanas).
Ví dụ tuyệt vời này của Ngài Ajahn Chah là một thước đo trí tuệ, và mức độ hiểu biết rất sâu sắc của Ngài về tâm. Thật vậy, đây là đường lối hoạt động của tâm, và có được trí tuệ ấy là có một uy lực rất hùng mạnh. Các tầng thiền tuyệt diệu có thể xuất hiện khi tâm bạn khởi lên niềm hỷ lạc, khi bạn hiểu rằng niềm hỷ lạc này chính là tâm đang cảm nghiệm về hơi thở, và lúc bạn làm an tịnh toàn bộ tiến trình theo dõi hơi thở.
Bước Thứ Chín: Cảm Nghiệm Tâm
Đề mục thứ chín của kinh Quán Niệm Hơi Thở mô tả một người khách rất quan trọng đến viếng thăm tâm tĩnh lặng – đó là định tướng (nimitta). Đề mục này được gọi là cảm nghiệm tâm (citta-patisamvedi). Chỉ vào giai đoạn này bạn mới có thể thật sự nói rằng bạn biết được tâm. Một số người có nhiều lý thuyết và ý tưởng về bản chất của tâm, và họ cố gắng thử nghiệm để chứng minh bằng các trang thiết bị khoa học. Thậm chí họ còn viết nhiều cuốn sách về tâm. Nhưng chỉ ở giai đoạn này bạn mới có thể thật sự cảm nghiệm tâm.
Con đường bạn cảm nghiệm tâm là qua định tướng, vì đó là phản ảnh của tâm. Hãy nhớ rằng tâm là tánh biết. Nhưng tánh biết có thể tự biết mình được không? Mắt là căn để thấy, nhưng mắt cũng có thể tự thấy mình khi nó nhìn vào gương: mắt thấy hình ảnh phản chiếu của chính nó. Hình ảnh phản chiếu bạn thấy trong giai đoạn hành thiền này, định tướng, là một hình ảnh phản chiếu đích thực của tâm. Bạn nhìn vào một tấm gương đã được lau sạch bụi bặm và chất dơ bám trên mặt, và cuối cùng bây giờ bạn đã thấy được chính mình. Bạn chỉ có thể cảm nhận tâm trực tiếp bằng định tướng hay lúc nhập định (jhana).
Khi định tướng khởi lên nó thật lạ lùng đến nỗi hầu như không thể nào mô tả được. Ngôn ngữ được tạo thành qua các ví dụ so sánh. Chúng ta mô tả vật gì đó cứng như gạch hay mềm như cỏ. Chúng ta luôn luôn dùng ví dụ từ thế giới của năm giác quan. Nhưng thế giới của tâm hoàn toàn khác hẳn đến nỗi ta không thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Sau cảm nghiệm đầu tiên về định tướng bạn suy nghĩ “Cái gì đây nhỉ?”. Bạn biết đây là một cảm giác có thật, nhưng bạn phải nặn óc tìm ra ngôn ngữ để mô tả nó. Bạn đành phải sử dụng những ví dụ không hoàn hảo: nó giống như ánh sáng, giống như một cảm giác hỷ lạc tuyệt diệu, giống như thế này, giống như thế kia. Bạn biết nó thật sự hoàn toàn khác với bất cứ kinh nghiệm nào bạn có trước đây, nhưng dù thế nào bạn cũng phải mô tả nó cho chính mình. Đó là lý do tại sao tôi vẫn nói là đôi lúc bạn cảm nghiệm định tướng như ánh sáng, đôi lúc như một cảm thọ, đôi lúc như...một miếng kẹo dẽo Jell-O, hay bất cứ cái gì. Tất cả đều là một cảm giác giống nhau, nhưng chúng ta dùng chữ khác nhau. Tuy nhiên, đối với một số hành giả, tâm bừng sáng rất nhanh và rồi lại biến mất. Cũng giống như con thú đi ra khỏi rừng. Nó cảm giác như có ai đang phấn khích nên nó chạy vụt mất.
Một vài hành giả gặp khó khăn trong việc đạt được định tướng. Họ đạt đến giai đoạn làm an tịnh hơi thở tuyệt đẹp và không thấy có gì xảy ra. Không có ánh sáng xuất hiện. Họ tự hỏi không biết họ đang làm gì sai. Hình ảnh so sánh tương đồng sau đây có thể giúp những người đó hiểu được.
Vào một đêm khuya, tôi đi ra khỏi cái cốc (kuti) được thắp đèn sáng của tôi và bước vào đêm tối dày đặc của khu rừng. Tôi không có đèn pin. Trời tối đen đến nỗi tôi không thể thấy được gì. Tôi vẫn giữ yên lặng và kiên nhẫn. Từ từ mắt tôi bắt đầu quen dần với bóng tối. Chẳng bao lâu tôi có thể nhìn thấy hình dáng của các thân cây, và rồi tôi có thể ngẩng đầu nhìn lên và thấy những vì sao đẹp đẽ, ngay cả toàn bộ Giải Ngân Hà đang lấp lánh sáng ngời trên bầu trời đêm.
Cảm nghiệm định tướng có thể giống như vậy. Trong sự tĩnh lặng vô hình sắc, khi hơi thở dường như biến mất, trước tiên hành giả có thể không thấy gì. Hãy kiên nhẫn. Đừng làm gì cả chỉ việc chờ mà thôi. Chẳng bao lâu chánh niệm sẽ quen với tình trạng “bóng tối” này, khác hẳn với trú xứ thường lệ của nó (là cái phòng của ngũ căn được thắp sáng), và bắt đầu thấy các hình thể lúc đầu còn lờ mờ. Sau một lúc, định tướng tuyệt đẹp như các vì tinh tú có thể xuất hiện, và nếu hành giả vẫn giữ vững tĩnh lặng trong một thời gian dài vừa đủ thì những định tướng tuyệt mỹ nhất sẽ xuất hiện, giống như mảnh trăng rằm vừa thoát khỏi bóng mây, rực sáng giữa trời đêm.
Bước Thứ Mười: Làm Rực Sáng Định Tướng/ Làm Tâm Hân Hoan
Hai khuyết điểm của định tướng có thể làm cản trở bước tiến xa hơn: Định tướng có vẻ quá lờ mờ, và định tướng không ổn định. Để giải quyết hai vấn đề phổ biến này, Đức Phật đã dạy bước thứ mười và thứ mười một của pháp Quán Niệm Hơi Thở: Làm rực sáng định tướng và giữ vững định tướng. “Làm rực sáng” là từ ngữ tôi dùng để diễn tả ý nghĩa của từ ngữ Pali là abhippamodayam cittam, nghĩa đen là “làm cho tâm hân hoan”. Tâm càng hân hoan, thì định tướng càng sáng rực rỡ. Để tiến vào định (jhana), định tướng phải là cái gì sáng rực rỡ nhất mà bạn từng được thấy, và có một vẻ đẹp siêu thoát.
Hãy xem thử tại sao định tướng có thể xuất hiện lờ mờ và thậm chí còn có vẻ vẩn đục. Thật hữu ích khi nhớ lại rằng định tướng chỉ là một phản ảnh của tâm. Nếu định tướng lờ mờ, nghĩa là tâm bạn đang lờ đờ. Nếu định tướng vẩn đục, nghĩa là tâm bạn đang bị cấu uế phiền não. Không có vấn đề dối trá hay phủ nhận ở đây, vì bạn đang phải đối mặt với sự thật về trạng thái của tâm bạn.
Chính ở đây, sự quan trọng của Giới (Sīla) trở nên rõ ràng. Nếu tâm cấu uế vì những hành động về thân, khẩu ý không thanh tịnh, thì định tướng, nếu có xuất hiện, cũng sẽ lờ mờ và vẩn đục. Nếu đó là kinh nghiệm của bạn, thì hãy dành nỗ lực để thanh tịnh tam nghiệp trước khi hành thiền. Hãy giữ giới luật thật nghiêm minh. Hãy kiểm soát lời nói. Đức Phật dạy rằng trước tiên nếu không giữ giới luật thanh tịnh thì không thể nào thanh tịnh tâm (Tăng Ch.BK 61).
Những người đầy lòng từ bi và tâm bố thí cùng với đức tin vững chắc là có cái mà người ta thường gọi là “tâm trong sáng”. Từ kinh nghiệm giảng dạy thiền của tôi, những hành giả có tâm trong sáng như vậy là những người thường cảm nghiệm được định tướng sáng rực rỡ, điều này đã trở thành một qui luật tổng quát. Vì thế, ngoài việc giữ gìn giới luật thanh tịnh, hãy phát triển cái tâm trong sáng ấy.
Tuy nhiên, đôi lúc ngay cả những người đạo đức cũng cảm nghiệm định tướng lờ mờ. Điều này xảy ra thường là do năng lượng tinh thần của họ thấp, có lẽ vì sức khỏe kém hay làm việc quá mức. Một phương tiện khéo léo để vượt qua vấn đề này là dành một số thời gian hành thiền để phát triển những buổi thiền tập theo cảm hứng, chẳng hạn như suy tư về Phật, Pháp và Tăng. Những đề mục này cần được nghiền ngẫm cho đến khi tâm tràn đầy hoan hỷ. Hoặc để thay đổi, nếu bạn là hạng người có tâm bố thí rộng rãi, bạn có thể suy tư về những hành động bố thí trong quá khứ và từ đó khơi nguồn cảm hứng cho bạn. Đức Phật gọi điều này là, quán niệm về hạnh bố thí (cāga-anussati). Hoặc là bạn có thể dùng một ít thời giờ để thực tập Quán Từ Bi (metta). Một khi năng lượng tinh thần đã được nâng cao đến mức độ sáng tươi hoan hỷ, lúc đó bạn có thể trở lại với pháp Quán Niệm Hơi Thở (ānāpāna-sati).
Như vậy tôi đã nói đến những kỹ thuật để làm rực sáng định tướng ngay cả trước khi bạn bắt đầu thực tập Quán Niệm Hơi Thở. Trong thực tế đó là những phương pháp rất hữu hiệu. Tuy nhiên, trong lúc hành thiền, khi định tướng đã khởi lên nhưng vẫn có vẻ lờ mờ, có bốn cách để tiến hành.
Nhắm đến trung tâm điểm của định tướng (nimitta). Ngay cả khi định tướng vẫn lờ mờ, trung tâm điểm của nó vẫn sáng hơn ở ngoại biên. Bằng cách nhẹ nhàng gợi ý cho chính mình nhìn về phía trung tâm điểm của định tướng, thì ánh sáng ở tâm điểm sẽ tỏa rộng ra. Rồi lại nhắm vào tâm điểm của vùng mở rộng, và vùng ấy trở nên sáng hơn. Bằng cách nhắm đến trung tâm, rồi tâm điểm của trung tâm mới, và cứ như thế, định tướng lờ mờ chẳng bao lâu sẽ trở nên rất sáng sủa và thường tiếp tục “bùng vỡ” ánh sáng trên suốt con đường tiến vào định .
Chú tâm thật sắc bén vào phút giây hiện tại. Mặc dù tỉnh giác về giây phút hiện tại là một phần trong bước khởi đầu thực tập pháp Quán Niệm Hơi Thở, vào giai đoạn này thường xảy ra sự kiện là sự chú tâm bị “hoen ố” trong giây phút hiện tại. Riêng cá nhân tôi, tôi thường thấy rằng một lời nhắc nhở nhẹ nhàng để tập trung sắc bén hơn trong giây phút hiện tại sẽ làm tỏa sáng chánh niệm và làm rực rỡ định tướng, xoá tan mọi cảm giác lờ mờ.
Mỉm cười với định tướng. Nên nhớ rằng định tướng là một phản ảnh của tâm bạn. Vì vậy, nếu tâm mỉm cười, thì định tướng cũng mỉm cười đáp lại! Nó sẽ tỏa sáng. Có thể còn một chút sân hận (chướng ngại thứ hai) sót lại nên đã làm cho định tướng lờ mờ. Mỉm cười vừa dịu dàng vừa đủ mãnh lực để vượt qua hình thái chướng ngại tế nhị này. Nếu bạn không hiểu ý nghĩa của điều tôi nói về ‘mỉm cười với định tướng’, hãy đi đến nhìn mình trong gương, mỉm cười, và đem tinh thần của nụ cười ấy áp dụng lại với định tướng.
Trở về với hơi thở tuyệt đẹp. Đôi lúc chỉ vì đi đến định tướng quá sớm, và tốt hơn là nhẹ nhàng quyết tâm tiếp tục duy trì hơi thở tuyệt đẹp thêm một thời gian nữa. Ngay cả nếu định tướng khởi lên, khi thấy nó lờ mờ thì bỏ qua và trở về với cảm nghiệm tinh thần về hơi thở tuyệt đẹp. Thường khi tôi làm điều này, chỉ sau một thời gian ngắn định tướng khởi lên lại và sáng hơn một chút. Tôi lại bỏ qua nó. Nó tiếp tục khởi lên, cứ mỗi lúc một sáng hơn, nhưng tôi vẫn tiếp tục bỏ qua cho đến khi một định tướng rực rỡ xuất hiện. Lúc đó thì tôi không còn bỏ qua nữa!
Như vậy đây là những cách làm “rực sáng” định tướng, đánh bóng nó, cho đến khi nó sáng chói, tuyệt đẹp và rực rỡ.
Bước Thứ Mười Một: Giữ Vững Định Tướng/ An Định Tâm
Khuyết điểm thứ hai của định tướng gây trở ngại cho việc tiến sâu vào kinh nghiệm thiền định là tính không ổn định của định tướng. Nó không đứng yên và nhanh chóng biến mất. Để giải quyết vấn đề này, Đức Phật dạy bước thứ mười một của pháp Quán Niệm Hơi Thở, samādaham citam, nghĩa đen là ‘chăm chú an định tâm” và ở đây nghĩa là “duy trì sự chú tâm vào định tướng”.
Trong một vài lần đầu khi định tướng xuất hiện, rất thông thường là nó bừng lên một thời gian ngắn rồi vụt biến mất, hay nó di chuyển loanh quanh trong tầm nhìn thấy của lãnh vực ý thức. Nó không ổn định. Thường thường thì định tướng sáng chói và mạnh mẽ sẽ được giữ vững lâu hơn định tướng yếu ớt lờ mờ, vì vậy nên Đức Phật đã dạy đề mục ‘làm rực sáng định tướng’ trước đề mục ‘giữ vững định tướng’. Đôi lúc làm rực sáng định tướng cũng đủ để giữ vững nó - định tướng trở nên rực rỡ tuyệt đẹp đến nỗi nó thu hút sức chú ý trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ngay cả một định tướng sáng chói cũng có thể không ổn định, vì vậy có những phương pháp để giữ vững sự chú tâm vào định tướng.
Tuệ giác giúp tôi giữ vững định tướng là sự nhận thức rằng cái định tướng mà tôi đang thấy chỉ là một phản ảnh của tâm nhận biết, cái tâm đang theo dõi. Nếu tâm nhận biết dao động, thì phản ảnh của nó, là định tướng, cũng dao động. Cũng giống như nhìn vào hình ảnh của chính mình trong gương, nếu bạn còn nhúc nhích thì hình ảnh trong gương cũng nhúc nhích. Bao lâu mà bạn còn dao động, thật lãng phí thời giờ nếu bạn chỉ tìm cách nắm chặt tấm gương để giữ cho hình ảnh khỏi dao động. Làm như vậy chẳng có kết quả gì. Thay vào đó hãy tập trung chú ý vào tâm nhận biết, là tâm đang cảm nghiệm định tướng, và làm an tịnh tâm. Rồi hình ảnh của tâm nhận biết này, là định tướng, sẽ dần dần ổn định và có vẻ bất động, liên tục rực sáng.
Một lần nữa, thường thường chính là nỗi sợ hãi và niềm hưng phấn đã tạo ra sự bất ổn. Bạn đang có quá nhiều phản ứng thay vì chỉ theo dõi một cách thụ động. Cảm nghiệm định tướng lần đầu tiên cũng giống như gặp gỡ những người hoàn toàn xa lạ. Thường thì bạn căng thẳng vì bạn không biết họ là ai và sẽ đối xử với bạn như thế nào. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, bạn trở nên thoải mái khi ở cạnh họ. Họ là những người bạn tốt, và bạn cảm thấy dễ chịu với họ. Phản ứng thái quá sẽ không còn. Hoặc cũng giống như khi còn bé, lần đầu tiên bạn tập đi xe đạp. Trong vài lần đầu đạp xe, có lẽ bạn đã nắm chặt tay cầm đến nỗi, giống như tôi lúc đó, khớp ngón tay của bạn trắng bạch. Và bởi vì tôi không thoải mái, nên tôi cứ tiếp tục bị ngã xe. Sau nhiều lần bị bầm dập, chẳng bao lâu tôi khám phá ra rằng tôi càng thoải mái thì càng dễ giữ được thăng bằng. Cũng vậy, chẳng bao lâu bạn sẽ biết là cần phải ngưng nắm chặt định tướng. Bạn tỏ ra thoải mái hơn và khám phá ra rằng bạn càng nới lỏng sự kiểm soát thì bạn càng dễ giữ vững định tướng.
Một phương tiện khéo léo khác mà tôi đã triển khai để ngưng kiểm soát là sử dụng hình ảnh lái một chiếc xe. Khi định tướng khởi lên, tôi đưa chìa khóa cho nó và nói: “Từ nay trở đi thì bạn lái xe nhé”. Tôi hoàn toàn tín nhiệm nó, hoàn toàn tin tưởng. Thật sự tôi đã cố gắng tưởng tượng lòng tin cậy và trao trọn vẹn lòng tin cậy của tôi cho định tướng rực rỡ. Tôi nhận thức rằng cái còn sót lại cuối cùng của tâm tạo tác, là ý tưởng muốn kiểm soát, vẫn còn muốn làm hỏng mọi việc. Vì thế tôi dùng hình ảnh ẩn dụ này để giúp tôi từ bỏ mọi ý muốn kiểm soát. Đây là lúc tôi ngừng lại. Khi tôi ngừng kiểm soát, thì định tướng cùng đứng lại với tôi.
Sau một thời gian duy trì sự chú ý vào định tướng, nó càng trở nên rực sáng hơn và rất mạnh mẽ. Những dấu hiệu của định tướng tốt đẹp là chúng tỏa ra những màu sắc đẹp nhất mà bạn đã từng được thấy trong đời. Thí dụ, nếu bạn thấy một định tướng màu xanh, thì màu xanh này không phải là màu xanh bình thường nhưng là một màu xanh ngắt, xanh thẳm, đẹp nhất mà bạn đã từng biết trước đây. Những định tướng tốt đẹp, hay tôi phải gọi là những định tướng “hữu ích”, cũng rất ổn định và hầu như bất động. Khi bạn đang cảm nghiệm một định tướng ổn định tuyệt đẹp, nghĩa là bạn đang tiến đến biên giới của các tầng thiền (jhanas), và đang nhìn vào.
Bước Thứ Mười Hai: Giải Thoát Tâm
Bước thứ mười hai của pháp Quán Niệm Hơi Thở (ānāpāna-sati) được gọi là ‘giải thoát tâm’ (vimocayam cittam). Ở đây, bạn có một kinh nghiệm mà sau đó bạn có thể mô tả bằng hai cách khác nhau, tùy theo quan điểm của bạn. Hoặc là bạn thấy mình như đang chìm hay lặn sâu vào định tướng, hay định tướng với ánh sáng rực rỡ và cảm giác xuất thần như bao trùm bạn. Bạn không làm nên những chuyện này. Chuyện này xảy ra như kết quả tự nhiên của sự buông xả tất cả mọi tạo tác.
Bạn nhập tầng thiền (jhana) hay nhập định qua việc giải thoát tâm. Các tầng thiền, như Đức Phật đã dạy, là những giai đoạn của sự giải thoát (vimokkha){Trường BK 15, 35). Vimokkha cũng là từ được dùng để mô tả một người đã được ra khỏi nhà tù và được tự do. Có thể bạn biết chữ này từ tiếng Sankrit moksha cũng có nghĩa giống như vậy. Tâm bây giờ được giải thoát. Nghĩa là, giải thoát khỏi thân và năm giác quan. Tôi không nói là tâm bây giờ đang trôi bềnh bồng đâu đó trong một cảm giác bên ngoài cơ thể. Bạn không còn có cảm giác đang ở một vị trí trong không gian, bởi vì tất cả cảm giác về không gian tùy thuộc vào năm giác quan. Ở đây, tâm được giải thoát khỏi tất cả những cảm giác đó. Bạn không còn có cảm giác về những gì xảy ra cho cơ thể. Bạn không còn có thể nghe bất cứ cái gì, không thể nói bất cứ cái gì. Bạn hoàn toàn ở trong trạng thái xuất thần tuy vẫn tỉnh giác, an tịnh và vững chắc như một tảng đá. Đó là những dấu hiệu cho thấy tâm đã giải thoát. Cảm nghiệm này trở nên một trong những cảm nghiệm mạnh mẽ nhất, nếu không muốn nói là cảm nghiệm có uy lực tột đỉnh của đời bạn.
Nếu bạn nhập định một vài lần, bạn thường muốn trở thành một vị tăng hay ni. Thế giới này trở nên kém hấp dẫn đối với bạn. Quan hệ tình yêu, nghệ thuật, âm nhạc, phim ảnh, tình dục, danh vọng, tiền tài..v..v, tất cả đều có vẻ không còn quan trọng và không còn hấp dẫn khi so sánh với cảm nghiệm nhập định và niềm hỷ lạc của một tâm giải thoát. Nhưng đó không phải chỉ là hỷ lạc mà thôi. Còn có cả một triết lý sâu sắc về cảm nghiệm này. Khi bạn trải qua nhiều giờ nhập định, bạn có thể tự gọi mình là một nhà huyền bí học, nếu bạn muốn. Bạn đã có một cảm nghiệm mà tất cả mọi truyền thống tôn giáo đều gọi là một cảm nghiệm huyền bí - một cái gì vượt xa cái bình thường. Đức Phật gọi đó là một ‘pháp vượt thoát thế gian’ (uttari-manussa-dhamma) (Trung BK 31, 10). Ngài gọi đó là tâm đã ‘đạt đến sự siêu việt’(mahā-ggata). Ngài cũng cho rằng niềm hỷ lạc của cảm nghiệm nhập định rất giống với niềm hỷ lạc của tâm giác ngộ đến nỗi Ngài gọi đó ‘lạc giác ngộ ‘(sambodhi sukha) (TrungBK 66,21). Đó là ‘nơi phiền não không thể đến gần’. Vì vậy đây là nơi mà Ác Ma (Māra) - loại Ma trong Phật giáo - không thể đến gần bạn. Bạn đã giác ngộ và giải thoát trong lúc này.
Vì vậy, nếu bạn đã phát triển được các giai đoạn này, mười hai bước đầu tiên của pháp Quán Niệm Hơi Thở (ānāpāna-sati), chúng sẽ đưa bạn nhập định (jhana).
Xuất Định
Bốn bước cuối cùng trong kinh Quán Niệm Hơi Thở (ānāpāna-sati) liên hệ đến hành giả vừa mới xuất định. Sau khi bạn ra khỏi cảm nghiệm lần đầu về nhập định, bạn không thể không nghĩ, “Ồ, đó là cái gì nhỉ?”. Vì vậy việc đầu tiên bạn làm là duyệt lại cảm nghiệm này. Hãy tìm hiểu cảm nghiệm đó, mặc dù bạn phải nặn óc để tìm từ ngữ diễn tả nó. Hãy tự hỏi mình,” Nó khởi lên như thế nào? Ta đã làm điều gì đặc biệt? Lúc đang nhập định ta cảm thấy như thế nào? Tại sao nó cho ta cảm giác như thế? Bây giờ ta cảm thấy như thế nào? Tại sao nó mang lại hỷ lạc đến thế? Tất cả những quán chiếu này sẽ giúp khởi sinh tuệ giác.
Bạn sẽ thấy rằng hai từ hay nhất để mô tả tại sao bạn đã tiến vào định, đó là “buông xả”. Lần đầu tiên bạn đã thật sự buông xả. Không phải buông xả những gì bạn bị dính mắc, nhưng là buông xả cái chủ thể tạo nên dính mắc. Bạn đã buông xả cái tâm tạo tác. Bạn đã buông xả ‘cái tôi’. Thật khó để cho ‘cái ngã’ buông xả ‘cái tôi’, nhưng qua các giai đoạn thực tập có phương pháp bạn đã thực sự làm được chuyện đó.Và đó là hỷ lạc.
Vì vậy, sau khi đã quán chiếu về cảm nghiệm nhập định, hoặc là bạn sẽ bắt đầu thực tập Thiền Tứ Niệm Xứ (satipatthāna) (các trọng tâm của chánh niệm), hay chỉ muốn đi thẳng đến bốn giai đoạn cuối cùng của pháp Quán Niệm Hơi Thở.
Bước Thứ Mười Ba: Quán Vô Thường
Pháp quán chiếu đầu tiên là quán vô thường (anicca), anicca vẫn được dịch là vô thường, nhưng từ này mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Chữ đối nghĩa với nó là ‘thường’ (nicca), nicca là từ Pali dùng để mô tả một vật gì xảy ra thường xuyên, bất biến. Chẳng hạn, trong Giới luật, việc cung cấp thường xuyên thực phẩm cúng dường do một Phật tử mang đến chùa mỗi thứ ba, được gọi là ‘thực phẩm thường xuyên’ (nicca food) (Luật T. II, 4,4,6). Khi điều gì vẫn xảy ra thường xuyên nay ngừng lại, đó là vô thường (anicca). Sau những kinh nghiệm sâu sắc về thiền định, điều quan trọng để quán chiếu là có một cái gì bất biến đến nỗi bạn không bao giờ để ý – cái này chúng ta gọi là ‘ngã’. Trong khi nhập định, cái ngã này biến mất! Hãy để ý đến điều đó. Để ý đến điều này bạn sẽ thấy chân lý vô ngã (anattā) mang tính thuyết phục bạn sâu sắc đến nỗi nó có thể giúp bạn phát khởi cảm nghiệm về quả “nhập lưu”.
Bước Thứ Mười Bốn: Quán Xả Ly
Nếu quán vô thường không đạt kết quả, bạn có pháp quán ‘xả ly hết mọi sự vật’ (virāga) – đôi lúc còn gọi là ly tham. Nó thường có hai nghĩa, nhưng tôi vẫn thích ý nghĩa ‘xả ly’. Đây là lúc mọi sự vật tự nhiên biến mất. Khi bạn nhập định, bạn đã thấy nhiều sự vật biến mất - có vài thứ quá thiết thân với bạn đến nỗi bạn xem nó như là một phần chính yếu của bản sắc bạn. Tất cả đều biến mất khi bạn nhập định. Bạn có kinh nghiệm về sự xả ly ‘cái ngã’ của bạn.
Bước Thứ Mười Lăm: Quán Đoạn Diệt
Pháp quán chiếu thứ ba sau khi xuất định sẽ là quán ‘đoạn diệt’ (nirodha). Cái gì trước đây đã từng có mặt ở chỗ này nay hoàn toàn biến mất. Tất cả đã chấm dứt, đã ra đi, và chỗ này bây giờ trống không! Cái ‘không’ này chỉ có thể nhận biết trong thiền định thâm sâu. Bao nhiêu sự vật của vũ trụ này mà bạn nghĩ là thiết yếu nay đã đoạn diệt, và bạn đang ở trong một không gian hoàn toàn khác hẳn.
Đoạn diệt cũng là diệu đế thứ ba (trong Tứ Diệu Đế). Chấm dứt khổ đau được gọi là diệt. Nguyên nhân đưa đến đoạn diệt là buông xả. Bạn thật sự đã buông xả. Khổ (Dukkha) đã chấm dứt – phần lớn, đến 99%. Và cái gì còn lại? Cái gì đối nghịch với khổ? Đó là lạc (sukha). Lạc là chấm dứt khổ đau. Đó là lý do tại sao bạn phải quán chiếu rằng nhập định (jhanas) là một kinh nghiệm hỷ lạc tuyệt vời nhất mà bạn đã được cảm nhận trong đời. Và nếu bạn có được chút ít trí tuệ hay thông minh, bạn sẽ thấy rằng hỷ lạc khởi sinh là vì khổ đau đã chấm dứt.
Bạn cảm nghiệm niềm hỷ lạc và bạn biết được nguyên nhân. Hãy tưởng tượng bạn bị chứng nhức đầu kinh niên nhiều năm, và có người cho bạn một thứ thuốc vừa mới được sáng chế, nói rằng thuốc này hiệu nghiệm đối với một số người nhưng không phải với tất cả mọi người. Vì thế bạn uống thử và thấy hiệu nghiệm đối với bạn. Bịnh nhức đầu kinh niên đã hết! Đôi lúc bạn muốn khóc lên vì sung sướng. Chấm dứt khổ đau tức là hạnh phúc. Tại sao học sinh cảm thấy vui đến thế khi chúng chấm dứt kỳ thi cuối niên học? Bởi vì rất nhiều điều khổ sở đã chấm dứt. Trong thế giới này, nhiều lúc hạnh phúc chỉ là mức độ đo lường của bao nhiêu khổ đau phải chịu đựng trước đó. Cuối cùng, khi bạn trả hết món nợ vay tiền mua nhà, bạn thấy thật hạnh phúc; tất cả nỗi vất vả nhọc nhằn của bao tháng năm phải làm việc để trả nợ nay bỗng tiêu tan.
Bước Thứ Mười Sáu: Quán Từ Bỏ
Bước cuối cùng trong kinh Quán Niệm Hơi Thở là ‘quán từ bỏ’, từ ngữ đẹp đẽ này tiếng Pali là patinissagga, “buông xả, từ bỏ”. Trong bối cảnh ở đây, patinissagga nghĩa là từ bỏ không phải cái ‘ngoài kia’ nhưng là cái ‘trong tâm này’. Rất nhiều lần, người ta cho là Phật giáo phủ nhận cuộc đời, từ bỏ mọi thứ ngoài xã hội. Nhưng patinissagga nghĩa là từ bỏ thế giới nội tâm, từ bỏ cái tâm tạo tác và thậm chí cả tâm nhận biết. Nếu bạn nhìn thật kỹ, bạn sẽ thấy những gì xảy ra khi nhập định (jhana) là không những chỉ từ bỏ thế giới bên ngoài, mà lại còn cả thế giới nội tâm, nhất là từ bỏ tâm tạo tác, cái ý chí, cái tâm muốn kiểm soát. Tuệ giác này làm sinh khởi thật nhiều hạnh phúc, thật nhiều thanh tịnh, thật nhiều tự do, thật nhiều hỷ lạc. Bạn đã tìm thấy con đường chấm dứt khổ đau.
Trên đây là những gì Đức Phật mô tả về pháp Quán Niệm Hơi Thở. Đó là một công phu tu tập hoàn chỉnh, bắt đầu chỉ bằng cách ngồi xuống ở một nơi yên tĩnh, trên một chỗ ngồi thoải mái, giữ vững chánh niệm ở trước mặt và theo dõi hơi thở. Rồi từng bước một – theo những bước mà bạn thấy vừa khả năng mình - bạn đạt đến những trạng thái thâm sâu tràn đầy hỷ lạc gọi là nhập định.
Khi bạn xuất định, bạn có bốn bước để quán chiếu: quán vô thường (anicca) hay sự bất định của vạn pháp; quán xả ly các pháp (virāga); quán về sự đoạn diệt cái ngã (nirodha); và quán từ bỏ tất cả những gì ‘trong tâm này’ (patinissagga). Và nếu bạn quán chiếu lại những bước trên sau trải nghiệm nhập định, thì sẽ có một việc gì đó sẽ xảy ra. Tôi thường nói rằng nhập định là thuốc súng và quán chiếu là que diêm. Nếu bạn đặt hai thứ gần nhau, thì sẽ có sự bùng vỡ ở đâu đó. Chỉ là vấn đề thời gian.
Cầu nguyện tất cả các bạn đều cảm nghiệm được những bùng vỡ tuyệt đẹp gọi là giác ngộ!.