Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 11

18/03/201201:08(Xem: 9709)
Chương 11

BỤI ĐƯỜNG

tức Phương Trời Cao Rộng 2

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1995, tái bản năm 1996

oOo

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Sáng hôm sau, thầy Trừng Hùng và chú Đức thu xếp y áo xuống nhà chị Cầm để lo việc mai táng cho ông Điềm. Chú Đức bảo tôi làm ơn phải mang cho trót, tụng kinh suốt tuần rồi sao bây giờ lại từ chối đi đám tang. Tôi chỉ cười. Không đi. Mà hình như đến phút chót, thầy Trừng Hùng cũng không có ý muốn cho tôi đi thì phải. Không biết có phải vì thầy đã nhìn thấy thái độ thân mật hay bịn rịn gì đó giữa tôi và Như Như qua hai lần thầy đến nhà trước đây hay không? Thôi đàng nào tôi cũng thầm cám ơn nếu sự thực thầy có ý ngăn cản tôi vì chuyện đó. Tôi không đi là tốt. Càng gặp Như Như nhiều chừng nào, tâm tôi càng vọng động chừng nấy. Và tôi sợ đến một lúc nào đó, tôi sẽ không còn khả năng kiểm soát tôi được nữa.

Dù đã tự thức tỉnh mình như vậy, trong thời gian thầy Trừng Hùng và chú Đức xuống nhà chị Cầm, tôi đã đứng ngồi không yên. Suốt ngày đó, tôi không màng ăn uống. Để chú Thể tụng kinh hay làm gì thì làm, tôi lang thang quanh núi, rồi ngồi lặng hàng giờ nơi bậc tam cấp, nhìn bâng quơ xuống núi. Như Như ơi! Tôi thầm gọi tên nàng nhiều lần. Và tôi không ngờ bóng dáng nàng lại hiển hiện trong tâm tưởng tôi một cách rõ ràng, sâu đậm như vậy. Bất cứ lúc nào tôi nghĩ đến nàng thì nét mặt, đôi mắt, môi cười của nàng, dễ dàng hiện ra, sờ sờ trước mắt. Lâu nay tôi thuần thục bao nhiêu trong pháp quán tưởng niệm Phật thì nay cũng nhuần nhuyễn bấy nhiêu khi áp dụng cho hình ảnh Như Như. Chỉ khác nhau là khi quán tưởng đức Phật, tâm tôi an lành, thanh thản, trong sáng; còn bây giờ, nghĩ tưởng đến Như Như, tôi thấy tim mình thắt lại, bất an, không thở được, không làm gì được. Với trái tim quằn quại nhung nhớ hình bóng Như Như, tôi chợt nẩy sinh một ước muốn. Tôi ước có mặt Như Như ngay tại đây, lúc này, để nói với Như Như một câu thôi. Câu gì nhỉ? Tôi tự hỏi lại tôi. Tôi sẽ nói: “Như Như ơi…”Nói vậy đủ rồi, chẳng cần nói gì hơn thế. Và tôi ngồi im dưới mái tam quan, nơi bậc tam cấp, bắt đầu gọi tên Như Như, hết tiếng này đến tiếng khác, liên tục nối nhau, y hệt như tôi từng niệm Phật. Như Như, Như Như, Như Như, Như Như… Tôi đọc tên nàng hàng giờ như vậy và tự nhiên có niềm tin rất vô lý rằng nàng sẽ đến với tôi–dù tôi thừa biết nàng bận rộn suốt ngày để giúp mẹ, chẳng đi đâu rời khỏi nhà ngoại trừ đi học; huống chi hiện nay, nàng và gia đình đang bận rộn chuyện đám tang của ông Điềm, không có lý do nào chính đáng để tin rằng nàng sẽ đến đây. Vậy mà tôi cứ tin nàng sẽ đến.

Quả nhiên, ô kìa, dưới chân núi… Lạy Phật, lạy chư Bồ tát, sao các ngài chiều ý đứa con hư đốn này quá vậy. Rõ ràng trên chiếc xe gắn máy vừa dừng dưới chân núi là Như Như và chị Nữ. Như Như chở chị Nữ đến đây! Chị Nữ đứng lại giữ xe dưới chân núi, dặn dò Như Như gì đó, rồi Như Như một mình leo cấp hướng về chỗ tôi ngồi. Tôi run bấn lên, vừa tin mà cũng vừa không tin cái thực tế đang diễn ra trước mắt. Như Như mặc áo sơ mi lụa trắng, với quần tây màu đen. Màu trắng đen của học sinh, cũng là màu cho những ngày tang. Nàng càng tiến đến gần, tôi càng hồi hộp, tim đập nhanh thình thịch. Dốc quá cao, nàng lên nửa đường thì ngừng lại một chốc, ngó lên, bắt gặp tôi nhìn xuống. Nàng mừng rỡ, cười thật tươi và bước thật nhanh lên. Đến lúc đó, tôi mới hoàn hồn, đứng dậy, ngập ngừng một lúc, rồi bước xuống một đoạn để đón nàng giữa đường. Còn cách nhau khoảng bốn năm bậc cấp, tôi và nàng cùng ngừng lại, nhìn nhau. Như Như đặt tay lên ngực nàng. Có lẽ nàng mệt, không nói nên lời được. Tôi nói trước:

“Nghỉ một chút đi rồi hãy nói. Ai leo trăm cấp này cũng mệt như vậy hết. Ngồi xuống đó đi,” nói rồi tôi bước xuống thêm mấy bậc cấp.

Như Như không chịu ngồi, đứng đó ngước nhìn tôi, nói với giọng trách móc:

“Đâu có mệt. Hồi hộp thôi. Không biết sao gặp chú lại thấy hồi hộp quá à. Sao không xuống nhà? Chờ hoài không thấy đâu hết.”

“Đã nói trước rồi mà. Đâu có xuống được, có thầy Trừng Hùng với chú Đức…”

“Như Như đâu cần biết mấy thầy đó. Như Như muốn gặp Khang thôi.”

Nghe nàng gọi tôi bằng tên, tôi vừa thấy tức cười, vừa thấy vui trong lòng. Quả là nàng muốn thành bạn tôi đây mà. Trong khi những người khác nhìn tôi như một thầy tu thì nàng chỉ nhìn tôi như một người bạn. Tôi vỗ về nàng:

“Thôi để khi nào có dịp sẽ xuống nhà Như Như chơi.”

“Bây giờ xuống đi. Thấy Khang ngồi chơi ở ngoài này chứ có bận gì đâu.”

“Đâu có được, còn phải coi chùa, thỉnh chuông, tụng kinh buổi tối… À, Như Như lên đây có việc gì vậy?”

“Đáng lẽ chị Hương chở dì Nữ đi, mà Như Như giành đi đó. Dì Nữ nói là thầy Trừng Hùng bảo lên dặn Khang thỉnh tượng đức Địa Tạng để lập bàn thờ bên nhà bác Điềm. Tại thầy tưởng dưới nhà có nên không mang theo. Dì Nữ chờ dưới kia kìa.”

“Biết rồi. Thôi Như Như lên chùa rồi… đưa tượng cho, với lại lên chùa cho biết chùa chứ.”

Chúng tôi cùng sóng bước lên chùa. Đến bậc cấp cuối cùng dưới mái tam quan, tôi dừng lại một lúc để Như Như nghỉ lấy hơi.

“Mệt lắm hở?” tôi hỏi.

Như Như cười, không nói. Mồ hôi rịn chảy trên trán và dưới hai mai tóc của nàng. Tôi móc cái khăn tay trong túi áo của tôi ra, đưa nàng.

“Lau mồ hôi đi.”

Nàng cầm khăn tay của tôi, nhìn một thoáng, rồi cười, đưa lên chậm trán, má và dưới cằm, sau gáy. Thấy nàng tự nhiên như thế, tôi vui và rung động vô cùng. Và bất chợt, tôi nhìn thấy một vùng mồ hôi thấm ướt làn áo lụa mỏng ở giữa ngực nàng. Vết mồ hôi loanh quanh hột nút nhỏ xíu thứ hai. Chỉ một khoảnh nhỏ thôi, nhưng chẳng hiểu sao, nó khiến tôi chú ý và Như Như đã bắt gặp mắt tôi nhìn vào chỗ ấy, nàng đưa tay kéo cổ áo, nhấc lên một tí cho vải khỏi dính sát vào người, rồi thả ra, đồng thời cúi nhìn nơi ngực mình, một phản ứng tự nhiên như là muốn kiểm soát lại cổ áo của nàng có đủ kín đáo không. Trong một khoảnh khắc nhanh chóng, theo hướng nhìn của Như Như, tôi loáng thoáng nhìn thấy một vùng da trắng muốt dưới cổ áo nàng. Tôi nghe rạo rực cả cơ thể và nỗi khát khao vô bờ từ lâu bị đóng chặt của mình cũng bừng sống dậy. Có lẽ đó là giây phút đầu tiên trên đời, tôi thực sự hiểu được thế nào là mãnh lực của dục vọng. Tôi rùng mình, chớp mắt, cố gắng không nghĩ bậy bạ. Trong khi đó, hình như nàng cũng vừa bắt gặp cái nhìn và sự mất bình tĩnh của tôi, nên có vẻ e thẹn, hơi nghiêng người sang chỗ khác, mặt cúi xuống. Tôi nói với nàng:

“Thôi vô trong nha. Để lấy tượng cho Như Như đem về kẻo ở nhà chờ đợi.”

Tôi dợm bước đi thì Như Như níu áo tôi lại, đưa trả tôi cái khăn tay. Tôi tính cầm nhưng nghĩ lại cái khăn đó có thấm mồ hôi và mùi hương của Như Như e không tiện, bèn nói:

“Như Như cất xài luôn đi.”

“Đâu có được. Đâu phải của em. Với lại em không muốn chia tay đâu. Người ta nói tặng khăn tay sẽ xa nhau đó.”

Vậy là tôi cười xòa và phải cầm lại cái khăn tay của mình, cất vào túi áo. Nhưng đồng lúc, tôi cũng phát giác rằng Như Như đã xưng “em” với mình. Tiếng “em” đó bồi thêm trong tôi một trăm lần xúc cảm mạnh mẽ hơn, khiến tôi cơ hồ muốn ngã quỵ…

Bên trong, chú Thể đang loay hoay nấu bữa cơm chiều. Tôi và Như Như lên chánh điện. Trên đó có cái tủ kinh lớn, bên trên có bức ảnh đức Địa Tạng lồng kiếng, gắn vào một cái giá gỗ. Tôi bưng nguyên cái giá xuống đặt trên cái bàn gần đó, lấy khăn lau bụi. Như Như giành cái khăn:

“Để em lau cho.”

Tôi không rời chiếc khăn, nàng dùng cả hai bàn tay để gỡ tay tôi. Ba bàn tay quấn lấy nhau. Rồi bốn bàn tay đan nhau. Chiếc khăn rơi xuống đất. Không ai giành chiếc khăn lau nữa. Chúng tôi đứng yên như vậy, nắm tay nhau. Một lúc, nàng lên tiếng, gọi nhỏ nhẹ, tình cảm:

“Tay Khang ấm quá.”

“Tay Như Như nhỏ xíu,” tôi nói.

“Tay Khang cũng vậy, tay con trai gì mà ngón thon và dài như con gái, bàn tay mũi viết hở? Khang có viết văn làm thơ gì khồng?”

Lúc nàng hỏi vậy, tự dưng tôi lại giật mình, buông tay nàng ra, thấy xấu hổ đã cầm tay nàng với ý niệm thương yêu xằng bậy. Tôi cúi xuống lượm chiếc khăn lau, tiếp tục lau khung tượng vừa nói lảng sang chuyện khác:

“Dì Nữ chờ Như Như ở dưới, phải nhanh lên không thôi bị la đó.”

Như Như chẳng giành khăn lau với tôi nữa, đứng nhìn tôi làm việc. Rồi nàng vén tóc mai, hỏi:

“Khang đi tu hồi nào vậy, mà tại sao phải đi tu?”

Tôi phì cười đáp:

“Tu hồi mười một, mười hai tuổi. Đã nói với Như Như rồi mà.”

“Vậy Khang tu được mấy năm rồi? Chắc cũng sáu, bảy năm gì rồi phải không?”

“Cũng đâu đó.”

Ngưng một lúc, nàng tiếp:

“Vậy rồi… Khang tính đi tu luôn hở?”

Tôi cười nói:

“Dĩ nhiên khi đi tu không ai nghĩ là chỉ tu một thời gian. Tu là phải tu luôn chứ.”

“Vậy lỡ một lúc nào đó mình không muốn tu nữa thì sao?”

“Ý Như Như nói là không muốn ở chùa làm thầy tu nữa đó hở?” thấy nàng gật đầu, tôi tiếp, “trường hợp không muốn làm thầy tu nữa thì về nhà, tiếp tục bằng hoàn cảnh khác, tu kiểu dì Nữ vậy đó. Trong Phật giáo không có vấn đề bắt buộc như vầy như kia. Tự nguyện đi tu, tự nguyện hoàn tục. Tu sĩ hay cư sĩ tại gia cũng tu được cả.”

“A vậy thì hay đó chứ,” nàng reo lên.

“Hay mà cũng không hay,” tôi nói.

“Sao vậy?” nàng ngưng cười, hỏi lại.

“Được quyền tự do chọn lựa hoàn cảnh tu là tốt, nhưng không ràng buộc gì thì lại dễ bỏ ngang chí hướng ban đầu.”

“Bỏ ngang nửa chừng cũng đâu có sao, vì vẫn tu được mà, Khang vừa nói khi nãy đó.”

“Ừ thì biết vậy rồi, nhưng bỏ ngang thì còn gì để nói nữa chứ,” tôi nói đến đó thì lòng chùng xuống.

Như Như cầm một cuốn kinh lên, lật lật mà mắt liếc nhìn tôi, hỏi:

“Vậy… có khi nào Khang nghĩ đến chuyện…”

“Xong rồi, Như Như phải xuống nhanh kẻo dì Nữ đợi,” tôi cắt ngang.

Như Như không chịu đi, còn ráng hỏi thêm:

“Mấy người đi tu… người ta có được quyền thương yêu không vậy Khang?”

“Không” tôi đáp.

“Không? Vậy đối với em thì sao? Khang không có chút tình cảm gì hết hở?”

“À… có chứ. Giống như anh em vậy đó.”

Nàng nhìn sâu vào mắt tôi dò xét. Tôi ngó lơ, nhìn khung tượng vừa lau xong, nói:

“Thôi xong rồi. Cái giá gỗ này nặng lắm, lại thêm cả khung kiếng nữa, Như Như không bưng nổi đâu. Như Như cứ đi tay không, để... bưng xuống dưới đó cho.”

Như Như làm mặt buồn, lẳng lặng không nói một tiếng, bước nhanh ra khỏi chánh điện. Trong khi chờ nàng mang giày, thấy nét mặt đau buồn dàu dàu của nàng, tự dưng lòng tôi xao xuyến trở lại. Nét buồn, giận, chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp của nàng mà thôi. Tôi mang vội đôi giép, bước nhanh để kịp theo nàng. Ra đến sân, tôi gọi:

“Như Như!”

Nàng không quay lại, nhưng đứng im chỗ cổng tam quan, chờ đợi. Tôi bước đến, đứng cạnh nàng. Cả hai chúng tôi cùng lặng thinh nhìn xuống núi. Trong phút chốc, tôi quên tất cả mọi kinh điển, giới luật, công phu thiền định, danh hiệu Phật, thần chú, hạnh nguyện, pháp môn…Tôi chỉ thấy mình đang hiện hữu trên đời, như một chúng sanh phàm phu, như một chàng trai thế tục biết rung cảm, biết ích kỷ, và biết khát khao chiếm hữu cái gì mình yêu thích. Tôi, một chàng trai ở tuổi sung mãn nhựa sống đang đứng bên cạnh một thiếu nữ thanh xuân yêu kiều. Không còn một bức vách hữu hình hay vô hình nào ngăn cản tôi nữa. Tôi run run nói:

“Hồi nãy ngồi ở tam cấp này nhìn xuống núi là nhớ Như Như đó.”

Nàng im lặng không nói. Một lúc lâu mới lên tiếng:

“Đi tu rồi đâu có thương yêu ai đâu mà nhớ.”

Biết nàng còn giận, tôi cười nói tiếp:

“Là con người, ai lại chẳng biết thương yêu. Có điều là biểu lộ hay che đậy mà thôi.”

Nàng đổi vui, quay qua tôi hỏi:

“Vậy khi nãy Khang ngồi đây lâu không?”

“Hơn tiếng đồng hồ.”

“Chỉ ngồi không vậy đó?”

“Đâu có ngồi không. Cũng bận rộn chuyện tưởng nhớ và cầu nguyện đó chứ.”

“Cầu nguyện gì vậy?”

“Cầu nguyện Như Như đến đây để nói với Như Như vài lời, à, nói ba chữ thôi.”

“Vậy nói đi.”

“Ư… không biết sao quên mất, khi nãy nhớ lại rồi, bây giờ quên nữa.”

Nàng cười vui. Tôi thấy mắt nàng sáng lên một cách thông minh và lãng mạn. Nàng nói:

“Khang nói là chỉ muốn nói ba chữ thôi, phải không? Em biết rồi. Em có nghe tụi bạn trong lớp nói ba chữ, hay ba cái hoa hay ba con số một hai ba, có nghĩa là gì.”

“Nếu ai cũng biết vậy thì chắc không phải. Như Như đoán sai rồi. Ba chữ này chưa nói ra thì không ai đoán được. Mà ba chữ tụi bạn Như Như nói là gì vậy?”

“Thôi, em không nói đâu, kỳ lắm.”

“Ấy chết, dì Nữ ngoắc kìa,” tôi đưa mắt ra dấu cho Như Như nhìn xuống núi.

Như Như có vẻ quíu lên, hối thúc:

“Nói đi, nói ba chữ gì của Khang đi, rồi em về.”

“Thôi, để bữa khác nhớ lại sẽ nói. Bây giờ về kẻo dì Nữ la. Đi.”

Nàng dùng dằng một lúc rồi cũng bước đi trước, tôi ôm khung tượng theo sau. Hơn nửa đường, tôi bỗng nhớ lại những gì muốn nói. Tôi gọi nàng lại:

“Như Như, nhớ rồi, đứng lại một chút để nói cho nghe ba chữ ấy.”

Nàng vừa dừng chân đã quay lại, nhón chân lên, nói nhỏ vào tai tôi:

“Thôi đừng nói ra nữa, để dành đi. Em biết Khang muốn nói gì rồi. Bữa nào gặp lại Khang nói em nghe.”

Nói rồi nàng cười khúc khích, tiếp tục bước. Được một đoạn ngắn, nàng quay lại nói:

“Thường ngày Khang đều ở chùa chứ không đi đâu, phải không?”

“Có khi chẳng đi đâu, nhưng có lúc đi tụng kinh cho người ta cả ngày. Hỏi chi vậy?”

“Em sẽ tìm lúc rảnh để lên đây chơi. Khang cũng vậy nghe, khi nào rảnh nhớ xuống nhà em.”

Xuống chân núi, tôi chờ Như Như ngồi cầm tay lái rồi đặt khung tường vào giữa, sau lưng nàng, để chị Nữ ngồi phía sau giữ. Chờ hai người đi khuất tôi mới trở lên núi. Bước chân tôi bỗng nhẹ tênh. Thoắt cái tôi đã lên đến tam quan. Tôi đứng lại nới bậc cấp mà khi nãy tôi và Như Như cùng đứng. Quay nhìn xuống dưới, nhớ lại tất cả thái độ và lời nói của Như Như. Nàng đã mười bảy tuổi rồi mà sao đôi lúc thật là trẻ con. Tôi mỉm cười một mình. Tôi thích cái trẻ con ấy của nàng.

Tôi bước vào chùa. Chú Thể từ nhà Tây bước ra, thấy tôi, chú vừa cười vừa nói:

“Cô nào vậy? Cô nào đến mà trông chú có vẻ lăng xăng vậy? Xưa nay đâu thấy chú lăng xăng như vậy bao giờ!”

“Nói tầm bậy. Cháu chị Nữ chứ ai. Bữa giờ tụng kinh dưới đó thì quen vậy thôi. Nhưng cô ấy đến để thỉnh tượng Địa Tạng đó mà.”

“Thôi đi chú ơi. Hôm qua đến giờ thấy chú khác thường là tôi biết ngay chú có chuyện rồi.”

Tôi thầm nghĩ: “Chú này thiệt lém! Mới mười lăm, mười sáu tuổi mà sao tinh mắt quá. Nhưng cũng tại mình không giấu được sự xung động tình cảm. Kiểu này không phải chỉ mình chú Thể biết, sẽ còn nhiều người khác biết nữa chứ chẳng phải chuyện đùa chơi!”

Chúng tôi cùng ăn chiều. Bữa ăn đáng lẽ không nói chuyện, nhưng chú Thể lại vui miệng nói:

“Mấy ngày chú xuống nhà chị Nữ tụng kinh đó, có chị Lan chạy lên hỏi chú mấy lần đó.”

“Cái gì? Chị Lan nào? Tôi đâu có quen ai mà hỏi.”

“Chú không biết chị Lan à? Cái chị người Tàu còn bà chủ hãng nước đá chứ ai.”

Nói hãng nước đá thì tôi nhớ ngay căn nhà lầu bốn tầng nằm đối diện cổng phụ của chùa dưới chân núi, nhưng vẫn chưa biết được Lan là cô gái nào. Hôm trước có lần thầy Trừng Hùng sai tôi qua đó để lấy xe đạp cho thầy–xe đạp thầy thường gởi bên nhà ấy thay vì vác lên núi–lúc đó tôi có gặp mấy cô gái nói tiếng Tàu xí xô xí xào, đâu biết ai là ai. Thấy tôi im lặng, chú Thể nói tiếp:

“Chú không biết thực à? Ái chà, cái chị này tức cười lắm. Chị ta cũng lăng xăng như chú khi nãy vậy. Lên đây hỏi chú mà lại không biết tên chú. Tôi hỏi chú nào, chị ấy nói: ông thầy trắng trắng đẹp trai đó. Tôi tưởng chị ấy hỏi thầy Trừng Hùng, nhưng không phải. Chị ấy tả chú, hiền, ít nói, hay mắc cỡ như con gái… mà đẹp trai! Nói vậy thì hết nước rồi. Chị ấy tưởng tôi là con nít không biết gì, muốn nói sao thì nói chẳng mắc cỡ gì hết trơn. Rồi đòi gặp chú. Tôi nói chị muốn nhắn gì thì nhắn lại, chị nói không có gì, chỉ hỏi thăm vì lên mấy lần không thấy. Chắc chị muốn rủ chú đi vượt biên bán chính thức đó. Chuyện đó phải gặp riêng chứ. Nè, nếu chị ấy đề nghị chú kết hôn để được theo chị ra khỏi nước thì cứ nhận lời đại đi, qua bên kia rồi tính. Cả gia đình bà chủ hãng nước đá đang lo thủ tục đi đó. Chị Lan chú không biết hả? Cái chị đâu chừng mười tám, mười chín tuổi, lâu lâu đem gạo đem dầu lên cúng, ghi tên là hãng nước đá Đức Thanh, chú có tiếp đó mà. Cái chị có khuôn mặt hao hao giống cô gì em gái của chú đó!”

“À, vậy thì có biết. Nhưng, thôi mệt quá chú ơi. Ăn cơm cho xong đi. Bây giờ có cho đi chính thức cũng không đi nữa, nói gì bán chính thức.”

Chú Thể cười ha hả. Tôi cúi xuống ăn, thầm nghĩ: “Một Như Như đủ cho mình chết đuối trong biển sinh tử rồi, còn Lan liếc gì nữa!”

Ô

Đã có khi, tôi nhìn cuộc đời và tất cả những sinh hoạt của thế gian, chỉ là một giấc mộng, hay như một kịch trường, trong đó, mọi thứ đều giả tạo, không thực, nếu có tham dự vào đó, cũng chỉ là tham dự một trò chơi lớn. Cái nhìn đó ảnh hưởng từ kinh điển Phật giáo, điển hình là kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mậtmà tôi thường tụng đọc. Nhưng khi đi vào thực tế, dợm chân bước vào cuộc chơi thơ mộng của tình yêu, tôi thấy, thực ra tình yêu không phải là một trò chơi. Hay nói đúng hơn, tình yêu là một trò chơi mà người tham dự không có quyền đùa giỡn, coi thường. Người ta có thể gán cho cuộc đời, hay cho tình yêu, bất cứ tính chất nào--mộng, huyễn, bào, ảnh, lộ, điện…--đều được cả, nếu thực sự người ta thấu suốt được bản chất vô tự tính của mỗi sự thể; nhưng khi đó chỉ là quan niệm, là sự hiểu biết ở bề mặt, thì những đợt sóng trên mặt đại dương, hay những người yêu nhau trên đời, vẫn cứ là những thực tại, những sự thể có thực. Những thực thể ấy có đời sống của chúng. Dù hữu hạn, ngắn ngủi, nhưng rõ ràng là chúng cũng có những rung động thể xác và tâm hồn; cho nên, chúng biết khao khát, biết nhớ nhung, biết hờn giận, biết chiếm hữu và biết đau khổ…

Vì thế, tôi bị cuốn vào cơn say tình ái một cách mông muội, đến độ tôi không làm sao có thể kềm được nỗi háo hức tìm gặp Như Như. Thường thì tôi rủ chú Đức cùng đi, vì chuyện chú ấy đến thăm gia đình chị Cầm không có gì là lạ. Lấy cớ đi theo chú ấy, tôi thăm Như Như. Nhưng những lần đi chung với chú Đức, tôi và nàng chỉ có thể nhìn nhau, chào nhau, chứ chẳng nói được với nhau điều gì. Hoàn cảnh của tôi và Như Như sau ngày tang của ông Điềm, đã trở nên khác. Chúng tôi không còn tự do nói chuyện với nhau nữa. Mỗi lúc cùng chú Đúc hoặc một mình đến nhà chị Cầm, tôi luôn được xem như là người khách quý của gia đình, được chị Cầm hoặc chị Nữ tiếp nơi phòng khách. Như Như lúc ấy, chỉ như một đứa con nít trong nhà, có trách nhiệm bưng trà nước cho khách, vậy thôi. Mẹ ngồi nói chuyện, con làm sao dám ngồi hay nói xen vào. Dẫu sao, thấy mặt nhau, cười với nhau, cũng đỡ nhớ phần nào. Như Như chỉ có ở nhà vào buổi sáng, lo phụ giúp công việc lặt vặt cho mẹ trong khi ba và các anh chị lớn của nàng đi làm. Buổi chiều nàng đi học. Buổi tối, nàng phụ mẹ lo bán. Quả thật là khó có dịp nào để chúng tôi trò chuyện với nhau nữa. Mà hình như gia đình chị Cầm cũng lờ mờ đoán biết có cái gì không được bình thường giữa tôi và Như Như. Có lẽ đã có một sự ngăn đón nào đó mà tôi không rõ. Không nói được lời nào với Như Như trong nhiều ngày, tôi đâm quay quắt; và vào một lúc không kềm được lòng mình, tôi đã viết cho nàng một bức thư. Gởi qua đường bưu điện. Ngoài bì không đề tên người gởi, chỉ để tên người nhận là nàng. Lá thư tuy rằng đã được viết với sự thận trọng vì sợ không đến tay Như Như, nhưng dĩ nhiên là cũng không làm sao che giấu được sự liên hệ tình cảm tối thiểu nào đó giữa hai chúng tôi. Kết quả là không bao giờ tôi nhận được thư hồi âm của nàng. Mà vì không nhận, tôi đoán là gia đình nàng đã biết. Tôi xấu hổ không dám xuống nhà nàng nữa. Từ vụng dại này kéo theo vụng dại kia…

Mãi gần một tháng sau, tôi mới rủ chú Đức cùng đi. Chúng tôi đến vào giấc trưa, vừa sau bữa ăn. Chị Nữ ra tiếp chúng tôi ở phòng khách. Người bưng nước là một người anh của Như Như chứ không phải chính nàng như thường lệ. Sự kiện này tôi không nghĩ là ngẫu nhiên. Trong khi chú Đức nói chuyện với chị Nữ, ruột gan tôi nóng như đốt. Tôi cảm thấy mình có lỗi khi viết và gửi lá thư kia. Có thể trong nhiều ngày qua, một mình nàng đã câm lặng chịu đựng tất cả sự la trách của gia đình mà tôi không làm sao hiểu thấu. Đang bồn chồn ngồi không yên, bỗng thấy Như Như từ gian bếp bước ra phía phòng khách. Chị Nữ ngồi quay lưng vào trong và đang mải lo nói chuyện với chú Đức nên không thấy và không biết Như Như xuất hiện. Chỉ có tôi, trong tự thế chờ đợi, mới nhận ra nàng thật nhanh, và khi mắt chúng tôi giao nhau, tôi thấy được đôi mắt nhòa lệ của nàng. Như Như ôm tập đi học. Nàng vẫy tay giã từ tôi bằng cánh tay phải buông thõng xuống chứ không dám đưa lên cao, sợ chú Đức trông thấy. Tôi giả gật đầu theo câu chuyện giữa chú Đức và chị Nữ mà thực ra là để đáp lại cái vẫy tay của nàng. Như Như quay đi. Tóc nàng bồng bềnh những nhịp buồn.

Chuyện riêng tư giữa tôi và Như Như, tôi đâu cho ai biết, ngay cả chú Đức là bạn thân nhất lúc đó. Vậy mà trên đường về, chú Đức lại mở miệng nói:

“Sao dạo này thấy Như Như có vẻ buồn quá hở. Mà chú Khang cũng vậy nữa. Bộ hai người giận nhau hay sao đây?”

Tôi giật thót mình:

“Sao chú biết?”

Đức bụm miệng cười:

“Sao không biết. Nhìn là biết ngay. Giấu gì được. Cái hôm đám tang ông Điềm, Như Như hỏi tôi chú Khang có xuống không, tôi nói khòng, cô ta buồn xo. Rồi buổi chiều thấy tôi ngồi một mình lại đến hỏi thăm, tìm hiểu về chú Khang đủ thứ chuyện. Còn chú hở, hễ không gặp được Như Như thì giống như người mất hồn. Gặp rồi là ra về tươi tắn, yêu đời. Chỉ có hôm nay là thấy lạ. Cả hai đều buồn. Sao vậy? Có cần tôi giúp gì không?”

Tôi không đáp. Thấy tôi không muốn tiết lộ điều gì, chú Đức bắt qua chuyện khác. Về tới chùa, tôi thẫn thờ ra đứng sau núi nhìn về hướng phố. Chú Đức cũng tìm đến, đứng một bên, an ủi:

“Giận hờn chi rồi cũng hết, có gì đâu mà buồn.”

“Có giận gì đâu. Chỉ tại… tại tôi viết thư gởi cho Như Như lại gởi ngay địa chỉ nhà đó qua đường bưu điện. Chắc là ba mẹ Như Như nhận thư, lấy đọc. Tôi hối hận về lá thư ấy. Tôi nghĩ là nó đã làm khổ Như Như không ít đâu.”

“Vậy bây giờ chú tính sao?” chú Đức hỏi.

“Tính sao! Chứ không phải chú ra đây để làm cố vấn cho tôi à? Còn hỏi tính sao!”

Đức cười ngặt nghẽo. Tôi cũng cười theo; một lúc, tôi nói, giọng đổi nghiêm trọng:

“Đùa với chú vậy thôi chứ tôi nghĩ, chuyện tình cảm thực ra mình chẳng nên vướng vào làm gì. Cái đó đáng ra tôi phải biết trước và phải tránh trước. Chẳng hiểu sao tôi lại dễ dãi, buông xuôi chạy theo tình cảm như vậy. Để bây giờ, tâm ý lao xao, bất định, chẳng tập trung gì được. Ngẫm lại, sự trắc trở giữa tôi và Như Như biết đâu lại chẳng là trợ duyên thức tỉnh tôi quay trở về với đời sống yên tịnh lâu nay. Tu sĩ mà nói chuyện yêu thương thì rõ là lẩm cẩm, phải không? Bởi vì… rồi nó sẽ đến đâu? Chẳng đến đâu cả. Chẳng ra làm sao cả. Biết trước như vậy mà cứ nhảy vào thì rõ là điên khùng. Thầy tu mà đòi yêu thương kiểu thế tục thì tham lam quá. Chỉ tội nghiệp cho những ai không biết, lại đi yêu tu sĩ mà thôi. Tội nghiệp Như Như. Nàng hồn nhiên lắm. Thấy thương thì thương chứ đâu hiểu sâu là có nên thương một tu sĩ hay không. Nàng có biết gì đâu. Tất cả là lỗi tôi cả. Giả như tôi quyết định hoàn tục, rồi sau đó, tiến đến chuyện tình cảm với Như Như thì chẳng nói làm gì; đằng này, tôi chưa hề có ý hoàn tục. Vậy thì biểu lộ thương yêu với nàng làm gì nhỉ? Làm vậy chỉ hại cho nàng thôi.”

Nghe tôi tự trách như vậy, chú Đức bỗng sầm mặt xuống, vẻ ưu tư. Một lúc lâu, Đúc nói:

“Tôi cũng đang lâm vào một hoàn cảnh như chú…"

“Lạy Phật! Chú cũng biết… chú cũng vậy nữa à!...” tôi ôm đầu ngồi xuống một tảng đá lớn gần đó.

Đức nói:

“Đáng lẽ câu đó là tôi hỏi chú chứ không phải để chú hỏi tôi đâu.”

“Là sao?” tôi ngước lên hỏi lại

“Thì lâu nay chú nghiêm trang, ít cười đùa, suốt ngày cứ đọc kinh sách, mở miệng ra là nói chuyện thiền với Bát nhã… đôi lúc tôi thấy chú khô khan như khúc gỗ, như cục đá, nghĩ là chú sẽ chẳng bao giờ rung động. Vậy mà rồi chú cũng biết thương, biết yêu. Tôi mới là người phải hỏi chú câu đó: chú mà cũng biết yêu sao!”

Tôi ngước nhìn Đức, chọc lại:

“Mô Phật, chú nhìn lại chú xem. Cái tướng của chú mà biết yêu mới là chuyện kỳ chứ tôi thì lạ gì. Tôi tuy có mê thiền, mê Bát nhã thật, nhưng cũng có khi ướt át đàn dịch, ca hát nhạc tình, lại làm thơ, viết truyện… Tôi đâu có khô khan, phải không? Còn chú hả? Có bài Lòng Mẹcủa Y Vân, với bài gì nữa đó, à Làng Tôi, Nhớ Chùa, Từ Đàm Quê Hương Tôi… cứ hát hoài! Bài nào cũng tha thiết nhắc đến mẹ, quê hương, ai mà tưởng tượng nổi trái tim chú lại đập cái nhịp khác! Suốt ngày lầm lầm lì lì, giữ gìn oai nghi tế hạnh, tướng đi hiên ngang như gấu mà hiền khô như con nai, như cục đất. Đã vậy còn xâm bốn chữ Hán Sanh Tử Đại Sựtrên cánh tay nữa! Cứ theo cái cách quyết liệt đó, làm sao ngờ được chú biết rung động!”

Cả hai chúng tôi cùng cười một lúc thật lâu. Cười ra nước mắt. Chưa bao giờ chúng tôi cười nhiều như vậy.

Sau cơn cười hổ thẹn và tự cảnh tỉnh đó, chúng tôi cùng chìm vào im lặng. Và lúc ấy tôi mới thấy rõ tất cả sự lố bịch của mình trong trò chơi tình yêu mà chính mình biết trước là sẽ không có kết quả gì. Nếu tôi và Như Như càng lúc càng tiến xa hơn trong tình cảm, rồi sẽ đến đâu? Thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái? Không! Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện ấy. Tôi vẫn thường cho đó là chuyện tầm thường, dung tục, là vòng dây oan trái níu kéo con người trong khổ lụy. Trong khi trái tim tôi vô minh đòi hỏi cái quyền lợi muôn thưở của nó thì cả chí nguyện và nhiệt huyết tuổi trẻ của tôi vẫn muốn dốc trọn vào con đường giải thoát giác ngộ. Ừ thì tôi vốn nhẹ dạ, mẫn cảm, dễ xiêu lòng… nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không biết chiến đấu. Trong cuộc chiến nội tâm, tôi đã từng đánh tan tành đội ngũ của những con ma phiền não khi chúng chỉ vừa mới ló đầu ra khỏi những hang ổ u minh của chúng. Lẽ nào tôi không thắng nổi ma lực của tình yêu! Phải chăng vì quen hình dung phiền não với những khuôn mặt hung tàn, gian xảo, quỷ quyệt… tôi đã không lường được chúng có thể tấn công tôi ở một khuôn mặt, một nghi dung đoan trang, nhu mì, dễ thương… của một thiếu nữ đương xuân? Chàng dũng sĩ quả cảm xông trận, thấy yêu ma quỉ mị thì vung gươm đâm chém chẳng chút gờm tay, nhưng thanh gươm đó làm sao có thể vũ lộng tung hoành trước những dung nhan yêu kiều diễm lệ? Một lời nói nặng, một cử chỉ vô tình tỏ vẻ không quan tâm là đã khiến cho mỹ nhân rơi lệ, hờn dỗi rồi, làm sao cất nổi thanh gươm bén! Mà những giọt lệ ấy có chất cường toan thì phải: chúng có thể làm rỉ sét vũ khí của những anh hùng trên cả trận mạc của ngoại giới lẫn nội tâm.

Tôi rùng mình nhớ lại gương thất bại của những thầy đi trước. Tăng sĩ một khi vướng vào tình cảm thì như con ngựa không cương xông vào trận địa đầy những hầm bẫy; tuy rằng có thể tự mình tung tác, muốn nằm yên hay cất vó hí vang thì tùy ý, nhưng làm sao có thể lường được những hiểm nguy nào đang chờ đón. Mà một khi đã sập bẫy thì muôn đời không cứu vãn gì được nữa… Bao nhiêu chí nguyện đội đá vá trời, liễu sinh thoát tử, đốn ngộ thiền cơ… cũng vất đi!

Tôi nói với Đức:

“Tôi đang tìm cách ra khỏi cái màn lưới ấy, chú còn chui vào làm gì! Thiệt khổ, tôi tưởng mình tôi lâm nạn, có chú ở ngoài nhắc nhở, góp ý, để tôi tìm đường thoát, nào ngờ chú cũng cùng một bệnh!”

“Bộ chú tưởng tôi mới vướng vào đó hả? Đâu phải chú tìm cách thoát ra tôi mới tìm cách chui vào! Tôi còn rơi vào đó trước chú nữa kia!”

“Trời đất! Dữ vậy đó! Thực là… tiên sanh khả úy! Thôi thôi, bây giờ hai đứa cùng biết chuyện của nhau rồi, nên nhắc nhở nhau xa lánh, bằng cách nào cũng phải từ bỏ chuyện ấy mới xong. Ừ mà chuyện của chú… như thế nào? Tôi cũng tò mò muốn biết chút chút cái tình sử lâm ly của chú, có vậy tôi mới sáng mắt mà cảnh tỉnh chú được chứ. Ai vậy? Chắc cũng một người nào đó trong nhà Như Như phải khồng? Như Như có nhiều chị quá mà! Với lại, chú cũng thường xuống nhà Như Như… hẳn phải có lý do chứ?”

“Không, không có người nào dưới đó cả. Người ấy… người ấy là người chú biết rành nhất.”

“Tôi biết rành? Tôi có quen cô gái nào đâu mà biết rành! Hơn nữa, nếu tôi mà biết rành thì tôi càng không để cho chú với người đó yêu nhau đâu! Sao, ai vậy? Nói đi, giấu làm gì.”

“Đâu có giấu. Để từ từ tôi nói chứ thúc hối chi dữ vậy. Nhưng mà tôi nói trước là chuyện của tôi không giống chuyện của chú đâu nhé. Tôi chỉ đơn phương thôi, chứ có yêu nhauđâu mà chú nói nghe thấy ghê quá!”

“A, đơn phương càng tốt, càng dễ thoát. Ai vậy?”

Đức ngập ngừng một lúc, vừa cười vừa nói gọn một tiếng thật nhỏ:

“Uyên.”

“Cái gì? Uyên, em gái tôi?”

“Bởi vậy tôi mới nói là chú rành nhất về người này. Nhưng mà… Uyên không biết gì hết.”

“Chỉ mình chú thầm yêu trộm nhớthôi!”

Đức cười ngặt nghẽo. Giọng cười thật tội nghiệp. Tôi không dám nói gì đụng chạm đến chú ấy dù rằng trong lòng, tôi không đồng ý chuyện chú ấy lấy em gái tôi làm đối tượng thương yêu. Tôi không muốn gia đình tôi nghĩ lầm rằng tôi tán trợ chuyện tình cảm của chú ấy vì thỉnh thoảng tôi về thăm nhà, có kéo chú ấy đi cùng–lúc ấy tôi đâu có ngờ được là chú “phải lòng”em gái tôi.

Sau một trận cười ứa nước mắt, Đức trở nên đăm chiêu, đôi mắt buồn bã nhìn chăm chăm vào một điểm nào đó dưới núi. Tôi nói:

“Thôi thì quen hay lạ gì cũng vậy, phải bỏ hết. Tôi hứa với chú, mà chú cũng phải hứa với tôi nghe, dứt khoát là từ nay, bằng mọi cách, phải chôn sâu, không, phải dẹp bỏ, cái chuyện tình cảm vô ích cho việc tu học như thế. Đồng ý không?”

Đức cười nhẹ, đáp:

“Đồng ý.”

Tuần lễ sau, Đức bỏ chùa Linh Phong, qua ở chung một tịnh thất với thầy Thiện Hữu. Tịnh thất ấy cũng nằm trên đồi Trại Thủy, cách chùa Linh Phong đâu chừng một trăm mét thôi, nhưng cây cỏ mọc um tùm không có đường qua lại nên tôi có muốn đến thăm Đức thì phải xuống núi, theo đường quốc lộ đến chùa Tỉnh hội, rồi từ chùa Tỉnh hội leo gần trăm bậc cấp mới đến được khuôn viên tịnh thất ấy. Thầy Thiện Hữu có một cái rẫy ở suối Đổ. Đức theo thầy ấy vào làm rẫy, có khi cả tháng mới về lại Nha Trang. Nơi ấy, theo Đức tả thì cảnh trí thơ mộng, đẹp đẽ lắm. Nghe chú tả cảnh đẹp mà không lộ một chút buồn nào, tôi mừng. Hy vọng chú lãng quên thật nhanh mối tình đơn phương tội nghiệp của chú để chú mãi là một sa-môn phạm hạnh, trong trắng.

Phần chú ấy, coi như yên ổn. Chỉ còn tôi là lận đận, lao đao. Tôi đã thất hứa với chú Đức. Trong thời gian chú Đức vắng mặt ở Nha Trang, tôi đã… thật là xấu hổ khi nói đến điều này, tôi có đến nhà Như Như để được nhìn mặt nàng. Và thỉnh thoảng có những buổi trưa–mà Như Như nói là cô giáo bệnh cho nghỉ học, hoặc một lý do rất hợp lý nào đó của tuổi học trò biết yêu–Như Như đến chùa tìm tôi, tôi đã mừng vui vô cùng. Khi nàng chia tay, cả tôi và nàng đều bịn rịn không muốn dứt. Nàng về rồi, lòng tôi buồn dàu dàu suốt ngày. Đêm về, tôi rơi vào nỗi nhớ nhung điên cuồng, không sao định tâm quán tưởng hay niệm Phật gì được. Tôi đã tự hỏi, không còn lối thoát nào cho ta nữa hay sao?

Thực ra, trường hợp của tôi thì khác chứ đâu có đơn giản như trường hợp của chú Đức được. Dù rằng tình cảm giữa tôi và Như Như cũng chưa phải là quá sâu đậm, nhưng trái tim tôi, như đã nói, đâu phải tim heo tim bò rao bán ngoài chợ thịt! Không thể giỡn chơi với nó được. Đâu phải chỉ nói một tiếng, hứa một lời, là xong! Không, tôi nghe thật rõ trong từng giây phút, nó vẫn còn nhảy đập những nhịp điệu dị thường khó hiểu của tiền kiếp u minh lãng mạn nào đó…

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com