Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 9

18/03/201201:08(Xem: 10158)
Chương 9

BỤI ĐƯỜNG

tức Phương Trời Cao Rộng 2

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1995, tái bản năm 1996

oOo

CHƯƠNG CHÍN

Lâu lắm tôi mới được ăn lại món bánh xèo nên thấy rất ngon miệng, dù rằng chú Đức chiên bánh không phải là khéo lắm. Ăn xong thì cũng vừa khóa lễ Tịnh độ (tụng kinh A Di Đà vào tám giờ tối). Ba đứa chúng tôi (tính luôn chú Thể) tụng kinh xong, đóng hết các cửa rồi lên giường nằm đọc sách thì thầy Trừng Hùng về, gõ cửa.

“Thể! Mở cửa,” thầy ấy từ ngoài gọi lớn.

Chú Thể lật đật chạy đến cửa.

“Tao nói qua mở cửa bên kia chứ không phải mở cửa ở đây.”

Dãy nhà Tây của thầy ấy không có khóa bên ngoài, chỉ khóa được phía trong. Mỗi lần thầy ấy xuống núi trở về, muốn vào nhà Tây, nơi có phòng riêng của thầy, thì phải gọi những người bên nhà Đông băng ngang chánh điện để qua nhà Tây mà mở cửa.

Chú Thể lại lật đật chạy băng ngang cửa hông chánh điện để qua nhà Tây. Nhân cửa nhà Đông mở, thầy Trừng Hùng bước vào nhìn chúng tôi, đôi mắt trừng trừng như giận dữ. Thực ra, tánh thầy vốn nóng nảy, cúng đám mệt, về tới nơi lại phải leo hai trăm mấy chục bậc cấp mới đến chùa nên mới sinh quạu quọ, khó chịu. Chẳng phải chúng tôi có lỗi gì, chỉ vì thầy ấy đi về mệt mà thôi. Thầy hỏi:

“Hồi chiều mấy đứa bây ăn thứ chi vậy?”

“Dạ ăn bánh xèo,” chú Đức đáp.

“Tại sao vậy? tại sao không nấu cơm lại bày đặt nấu bánh xèo cho mất thì giờ?”

“Dạ… thì lâu lâu đổi món cho vui vậy mà. Mấy món như vậy thầy đâu có dùng được nên…” chú Đức nói ngang đó thì thầy Trừng Hùng ngắt lời:

“Bây ăn thì kệ bây chứ, đâu phải tao hỏi cho tao! Rồi bánh xèo ăn với thứ chi? Phải đi chợ à?”

“Dạ, chạy xuống chợ chút xíu để mua rau, mua đậu,” chú Đức đáp.

Thầy Trừng Hùng nguýt chú Đức một cái rồi bước ra, đến ngang cửa thì dừng lại:

“Có tiền không biết giữ, chỉ biết xài tào lao không à! Mà rồi có mua dầu ăn không?”

“Dầu ăn?... Dạ không. Dầu ở chùa có rồi, đâu cần mua thêm chi.”

“Dầu của chùa đâu phải để chiên bánh xèo ăn chơi. Muốn chơi, muốn xài tiền sao không giỏi mua luôn dầu!”

Chú Đức cứng họng chẳng biết nói gì. Tôi nghe chuyện cũng muốn lên tiếng nhưng chưa kịp nói gì thì thầy ấy đã bỏ đi qua nhà Tây.

Hôm sau, đến lượt chú Thể nấu cơm thì phát giác cơm dư ngày trước còn lại trong nồi đã bị thiu. Cơm ngày trước là do chú Đức nấu, vì vậy chú Thể gọi chú Đức, hỏi:

“Cơm chú nấu dư hôm qua bây giờ thiu rồi, làm sao đây chú?”

“Vậy hả? Sao mau quá vậy? Chắc tại trời nóng quá,” chú Đức nói.

“Thôi lỡ rồi, chắc phải đem đổ cho chim sóc nó ăn chứ làm sao bây giờ,” tôi góp ý vào.

Chú Đức suỵt một tiếng:

“Nói nhỏ á, thầy Trừng Hùng nghe được la chết. Lâu lâu cũng bị thiu một lần như vầy, đem đổ ngoài bục đá kia kìa, nhưng lần nào cũng bị thầy cằn nhằn suốt buổi.”

Vừa nói đến đó thì thầy Trừng Hùng bước xuống, đứng ngang cửa bếp hỏi:

“Chi dó? Cơm thiu phải không?”

Chú Đức gãi đầu đáp:

“Dạ, thiu. Chắc tại trời nóng quá.”

“Đừng có đổ hô trời nóng với trời lạnh. Tao bảo bao nhiêu lần rồi, nấu cơm phải lựa chừng, đừng bao giờ nấu dư.”

“Thì cũng lựa chừng đó chứ sao không, nhưng có bữa ai cũng ăn ít hết thì cơm phải dư. Làm sao biết được bụng dạ mọi người mà nấu cho đúng để khỏi dư.”

“Chứ không phải tại hôm qua mi đúc bánh xèo nên để cơm dư bữa trưa lại cho thiu sao?”

“Có khi để từ trưa hôm nay đến chiều hôm sau cũng chưa thiu nữa, chắc tại…”

“Không có chắc tạigì hết. Mi làm cơm thiu thì đừng có chắc tại. Bây giờ đem đi đâu đó?”

“Dạ đem đổ cho chim ăn,” chú Đức đáp.

“Hừm, khỏe vậy đó hả, cứ nấu cơm nhiều cho dư, để thiu, rồi đem đổ cho chim ăn! Chà, chùa này giàu quá há. Cơm gạo của tín thí mà phung phí vậy à?”

“Chứ bây giờ làm sao, không cho chim sóc ăn thì còn phí của hơn là đem chôn nữa.”

“Ai bảo mi là đem chôn?” thầy Trừng Hùng quắc mắt hỏi lại.

“Dạ… nếu không chôn thì đem đổ cho chim ăn,” chú Đức nói, lại tính mang cơm đi đổ.

“Khoan,” thầy Trừng Hùng gọi giật lại, “để đó, tao có biểu mi đem đổ đâu mà định đem đi.”

Chú Đức không kềm được bực mình, đặt nồi cơm trên bàn, bước ra ngoài cửa bếp. Tưởng cũng nên nhắc ở đây rằng chú Đức tuy còn là sa-di, chưa thọ giới tỳ-kheo nhưng tuổi chú cũng khá lớn, chỉ thua thầy Trừng Hùng chừng năm, sáu tuổi. Cho nên, chỉ vì giới phẩm mà chú phải kiêng dè không dám cãi ngang với thầy Trừng Hùng chứ tính theo tuổi tác thì hai người chỉ như huynh đệ với nhau mà thôi. Tôi biết là chú ấy kềm lòng, nhịn nhục dữ lắm.

“Đứng lại, mi định đi đâu?” thầy Trừng Hùng gọi chú Đức lại.

“Có đi đâu đâu,” chú Đức trả lời, đứng lại ngang cửa sau của bếp.

Thầy Trừng Hùng nghiêm giọng nói:

“Đức, nghe tao nói nè: cơm thiu đó mi phải ăn cho hết, không được đem đổ cho chim sóc gì hết.”

Chú Đức vùng quay lại:

“Thầy nói sao? Tôi ăn?”

Tôi cũng bất bình nói vào:

“Lỡ thiu rồi thì đổ cho chim, chú ấy đâu có cố ý. Chuyện vậy có gì mà thầy bắt chú ấy phải ăn.”

“Không có nói tới nói lui gì hết. Tao bảo thằng Đức phải ăn cho hết mớ cơm thiu đó!” thầy Trừng Hùng quả quyết nhắc lại.

Chú Đức hình như ức quá không nói được nên lời nữa. Tôi lại xen vào:

“Cơm đó chim sóc ăn được. Nói rằng đem đổ, thực ra là đem cho chúng nó ăn chứ không mất gì hết. Thầy bắt chú ấy ăn cơm thiu lỡ chú mang bệnh thì ai lo? Thầy có lo thuốc men không hay để chú chạy về xin tiền gia đình?”

“Chuyện có mắc mớ gì đến mi mà mi xía vô? Tao nói với thằng Đức, tao không nói với mi. Đức, mi nghe không? Tao bảo mi phải ăn cho hết mớ cơm thiu đó, không được đem đổ. Làm gì thì làm, mi phải ăn trước mặt tao. Có bệnh có hoạn gì tao chịu hết. Mi mà không ăn mớ cơm thiu đó thì đừng có bao giờ ngó mặt tao nữa.”

Nói rồi, thầy Trừng Hùng bỏ lên nhà trên. Chúng tôi hiểu những chữ “đừng ngó mặt tao”có nghĩa là gì. Có lẽ đó là cụm từ nhã nhặn, khiêm nhường nhất mà thầy Trừng Hùng có được thay vì dùng cụm từ “đuổi cổ ra khỏi chùa”. Những năm trước 1975, bọn sa-di chúng tôi không ở được chùa này có thể xin qua ở chùa khác, nhất là khi mình không có lỗi gì trầm trọng đối với thầy trụ trì hay giáo hội. Trường hợp một chú sa-di bị đuổi khỏi chùa không phải là hiếm, nhưng chú ấy có thể xin vào bất cứ chùa nào, và có thể xin thọ giáo từ bất cứ vị thầy nào khác; ngoài ra, chú ấy cũng có thể xin vào tu học tại các tu viện, Phật học viện có đông tăng chúng; hoàn cảnh như vậy không có gì bức ngặt lắm. Còn trường hợp một tu sĩ bị khai trừ bởi giáo hội địa phương hay trung ương là trường hợp rất hy hữu. Mà giáo hội Phật giáo, vì không có giáo quyền tuyệt đối nên sự khai trừ đó cũng chỉ có ảnh hưởng rất giới hạn. Như vậy, chuyện bị đuổi ra khỏi chùa, thực ra ở cỡ tuổi tôi và chú Đức thì không đáng ngại. Thậm chí lớp sa-di chúng tôi có thể tự tạo lấy một cái am tranh chứ không cần phải ở chùa. Chuyện tu học tìm cầu giải thoát đâu có quan hệ gì với chùa to, chùa nhỏ hay nhà gạch, nhà lá! Từ năm 1975 đến nay, đã có khá nhiều thầy trẻ và các chú sa-di cỡ tuổi chúng tôi vì lý do nào đó, đi kinh tế mới, hoặc khai phá đất rẫy để tự túc sinh sống tu học. Những chòi tranh, nhà lá rải rác trên các miền rừng núi đó chẳng mang dáng vẻ gì của một ngôi chùa, nhưng không ai phủ nhận được hình thức và cương vị xuất gia của những vị chủ nhân đang sống trong đó. Dù sao, muốn có được cái am tranh trên một cái rẫy cũng phải chuẩn bị trước, và liệu rằng có xin được hộ khẩu hợp pháp ở địa phương đó hay không. Cái hộ khẩu dưới chế độ cộng sản là bùa hộ mệnh của mỗi người dân. Chú Đức đã xin được hộ khẩu tại chùa Linh Phong, nếu bất ngờ bị thầy Trừng Hùng đuổi đi, đòi gạch tên khỏi hộ khẩu thì thực là phiền. Có lẽ thầy Trừng Hùng đã nắm được chỗ nhược này.

Từ lúc nghe thầy Trừng Hùng ra lệnh hăm dọa, chú Đức ngồi im ở bàn ăn, mặt sầm xuống trông rất tội nghiệp. Tướng tá vạm vỡ, vai u thịt bắp của chú, ai nhìn cũng thấy sợ, mà kỳ thực, chú hiền như cục đất. Thỉnh thoảng chú cũng nổi chút ngang ngạnh, cãi lại với người khác, nhưng rồi cũng dịu ngay sau đó, để rồi trở lại với nguyên trạng của một cục đất.

Phải một lúc sau, hình như là để đợi cho cơn nóng giận phẫn uất trong lòng lắng xuống hoàn toàn, chú mới đứng dậy trút cơm thiu từ trong nồi ra một cái rá, đặt vào trong một cái thau, mang ra sau bếp, chỗ thùng phuy đựng nước. Tôi bước theo chú, hỏi:

“Chú làm gì vậy?”

“Rửa,” chú đáp.

“Rửa cơm à? Chi vậy?”

“Rửa cho bớt chất nhớt rồi để ráo nước một chút, đem vào chiên ăn.”

Tôi nghe như vậy thì cổ họng thấy nghẹn lại. Chợt nghĩ, có lẽ khi nãy chú ngồi im để nhớ đến gia đình ruột thịt với sự chăm sóc yêu thương của cha mẹ, của anh chị em, tận ngoài Huế–mấy ông thầy tu trẻ thường có cái tâm cảnh đó: một là khi bệnh nặng, hai là lúc bị hất hủi, thường hay nhớ về gia đình ruột thịt. Chú có kể tôi nghe, chỉ vì muốn sống xa gia đình cho dễ tu học nên khi Phật học viện Nguyên Hương ở Phan Thiết giải tán (vì cộng sản toàn chiếm miền Nam) chú mới ghé Nha Trang xin vào chùa Linh Phong chứ đâu phải ngoài Huế chú không có chỗ ở.

Nhìn chú cúi gằm mặt xuống rửa cơm thiu, mặt tái xanh, mắt như rướm lệ, bất giác trong tôi bỗng trỗi dậy một niềm thương cảm vô hạn, đồng thời một niềm tin trong sạch và cao khiết cũng bừng tỏa trong tôi như một luồng sáng, trong chớp nhoáng tràn ngập khắp không gian, hay như một tiếng hét, một tiếng ca hùng tráng vươn khỏi mấy từng cây cao trên đầu núi… Tôi liền nhớ đến mấy câu thơ của thiền sư Huyền Giác trong Chứng Đạo Cado cụ Trúc Thiên dịch mà tôi thuộc lòng, cảm hứng đọc cho chú Đức nghe:

“Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,

Nói – im, động – tịnh, thảy an nhiên

Phỏng gặp gươm đao thường nhẹ hững

Ví nhằm thuốc độc vẫn bồng tênh.”

Chú Đức ngước lên nhìn tôi, cười nói:

“Cái này chẳng phải thuốc độc đâu. Ăn vào chẳng chết chóc gì, nhưng ớn quá là ớn! Ớn rùng mình đi được.”

Tôi cố gắng nhắc chú Đức:

“Trong Chứng Đạo Ca cũng có đoạn nói là những kẻ hại mình, chửi mắng, dèm pha, báng bổ mình chính là thầy của mình đó. Vị thầy này dạy cho mình hạnh nhẫn nhục. Phải đón nhận những điều chua cay đó như uống nước cam lồ. Không những mình không oán mà còn phải cung kính tạ ơn vị thầy đó nữa. Chứng Đạo Cachú từng đọc rồi. Tôi chỉ nhắc lại để chú nhớ thôi. Ở chùa này mình cần thiết phải học cái nhẫn nhục nếu không thì chịu không thấu đâu.”

Bữa cơm do chú Thể nấu đã dọn ra, đơn giản. Món đậu hủ kho và canh rau muống. Chùa có bốn người nên dọn chung một bàn, chia làm hai mâm. Thầy Trừng Hùng một mâm, ba đứa chúng tôi một mâm. Nhưng trong mâm cơm của chúng tôi hôm nay, có thêm một tô cơm thiu chiên lại của chú Đức. Ngồi vào bàn ăn, thầy Trừng Hùng liếc qua một cái rồi nói:

“Cơm đó để thằng Đức ăn một mình. Tao không bắt thằng Khang, thằng Thể ăn.”

“Dĩ nhiên là ăn một mình chứ có kêu ai ăn phụ đâu,” chú Đức nói lầm bầm rồi bới cơm thiu vào chén của chú. Tôi cũng kéo tô cơm thiu về phía mình, chú Đức cố giằng lại nhưng tôi đã giành hẳn tô cơm, tự động lấy vá xúc cho mình một chén. Vậy mà tô cơm hãy còn lại gần hai chén. Thầy Trừng Hùng nói:

“Tao bảo để thằng Đức ăn một mình.”

“Chú ấy ăn không hết đâu. Con muốn ăn phụ,” tôi đáp.

Thầy Trừng Hùng nguýt tôi rồi nói:

“Thôi kệ bây, muốn làm chi đó thì làm.”

Tôi chan nước tương vào chén cơm thiu, và ăn. Dù chú Đức đã rửa bớt, cơm vẫn còn nhớt và dĩ nhiên là hôi chua rất khó nuốt. Tôi chú tâm đọc bài kinh Bát Nhã, cơm lùa vào miệng chỉ việc nhai rồi nuốt, không để cho vị giác nẩy sinh phân biệt, vô tâm vô niệm như nước chảy qua ghềnh, như mây bay qua núi… Chú Đức cũng nhăn mặt nhăn mày nuốt cơm thiu một lúc rồi chợt ngó qua tôi, cười, hỏi nhỏ một câu:

“Khi nãy chú nói chỉ cần đọc một đoạn Bát Nhã Tâm Kinh… Vậy có phải đoạn đó là: Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm…?”

Tôi vừa mới gật đầu thì thầy Trừng Hùng la:

“Ăn cơm không có nói chuyện. Muốn nói gì thì ra ngoài đường mà nói.”

Hết chén thứ nhất của mình rồi, tôi và chú Đức lại chia nhau phần cơm thiu còn lại. Xong chén cơm thiu thứ hai, chúng tôi không còn bụng dạ nào để ăn thêm cơm mới nấu của chú Thể. Bữa ăn trôi qua.

Ô

Với ý niệm xem những nghịch cảnh như là ân nhân, là thầy dạy, là thử thách cần thiết cho bước đường tu tập của mình, những ngày kế tiếp, tôi đã dễ dàng chấp nhận nếp sống khô khan, khuôn thước một cách cổ lỗ của chùa Linh Phong, và tôi cũng đã dễ dàng vui vẻ hòa nhập với tính ý của thầy Trừng Hùng. Tôi và chú Đức thường theo thầy Trừng Hùng đi cúng đám, từ cầu an, an vị Phật cho đến cầu siêu, đám tang v.v… Không có đám nào ở Nha Trang mời mà thầy Trừng Hùng từ chối. Hễ ít đám thì thầy kéo cả tôi và chú Đức cùng theo để hộ niệm, còn nhiều đám cúng chung một giờ trong một ngày thì thầy chia mỗi người lãnh một đám, không bỏ sót đám nào. Tôi và Đức sành nghi lễ Huế, lại thêm có hơi giọng mạnh nên thầy Trừng Hùng rất thích. Có khi trong một ngày, thầy kéo chúng tôi đi cúng ba, bốn đám, từ sáng sớm đến tối mịt mới về tới chùa. Chỉ có chú Thể là được cắt ở chùa để lo thỉnh chuông và tụng kinh hàng ngày.

Chính trong thời gian đi tụng đám khắp Nha Trang đó, tôi có cơ hội tìm hiểu thêm về sinh hoạt thực tế dưới chế độ mới.

Trong một khóa lễ ở chùa, có thể có hàng trăm thiện nam tín nữ tham dự. Nhưng con số hàng trăm người đó chỉ có mặt để tụng niệm, không phải để giải bày tâm tình và hoàn cảnh sống của họ. Khi đến nhà từng người để tụng kinh, người tăng sĩ mới thực sự lắng nghe và chứng kiến đời sống thế tục, đời sống thực tế. Có gia đình chẳng than vãn gì, nhưng mức sống kham khổ và nỗi đau tinh thần của họ cũng được phơi bày qua mức chi tiêu, sắm sửa cho một đám tang, một khóa lễ riêng tại nhà. Bao nhiêu sách vở báo chí nói về chủ nghĩa cộng sản cũng không thể đầy đủ bằng một giờ một ngày sống dưới chế độ ấy, nhìn thấy thực trạng xã hội diễn ra trong từng bữa cơm, từng mẩu đối thoại nhỏ của những người trong gia đình. Và ngay cả những gì tôi được biết về chế độ mới qua những ngày ở chùa Long Tuyền Hội An, ở viện Hải Đức, chuyện nhà nước chiếm chùa, theo dõi tăng sĩ, bắt bớ tăng sĩ đi nghĩa vụ quân sự, chuyện đốt sách báo, chuyện sĩ quan và công chức chế độ trước bị tập trung cải tạo, chuyện nhà nước chiếm dụng nhà riêng của dân… bao nhiêu điều đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh đời sống hiện thực của xã hội ngày nay. Cứ nhìn những bộ mặt nơm nớp lo âu của những người trên đường thì biết. Dường như người dân chung quanh tôi đã không còn cất nổi tiếng cười, thậm chí không còn mỉm được nụ cười chào nhau. Mọi người có vẻ như đang cúi gằm mặt xuống để cam chịu một gánh nặng trên vai, trên lưng. Với kiến thức nông cạn của một thanh niên mười tám tuổi, tôi không làm sao hiểu nổi ngoài hiện trạng là người cộng sản đang cầm quyền, đâu là những nguyên do chằng chịt liên hệ dẫn đến thảm trạng này cho đất nước quê hương; nhưng tôi có thể linh cảm được rằng, hình như dân tôi đang bị lùa dần vào một thảm họa. Cái thảm họa kinh khiếp nhất, ghê tởm nhất, mà ở đó, tất cả ý thức về đạo đức, tất cả niềm tin và hoài vọng cao đẹp, thậm chí tất cả những ý niệm về chân thiện mỹ cũng bị lột và vất bỏ đi như những cái vỏ chuối , để lại những cái máy người cằn cỗi với những cái đầu rỗng tuếch, và với những trái tim vô hồn, vô cảm.

Cho nên chuyện người dân bỏ trốn ra khỏi nước–nhà nước mới gọi là vượt biển, vượt biênvà kết tội phản quốc–ban đầu có vẻ như chỉ dành cho những người giàu có và những người Hoa kiều đi bán chính thức, nhưng càng ngày nó càng trở nên phổ biến và trở thành giấc mộng chung của những người yêu chuộng tự do, những người muốn tìm đường cứu nước, lẫn những người muốn được yên thân hay vinh thân bằng cơ hội tiến thân dễ dàng ở các nước văn minh tự do. Ai cũng có thể đi vượt biên được miễn là có chút ít tiền để chung góp với nhau, kẻ mua lương thực, người mua xăng nhớt, hoặc đóng tàu đóng ghe. Thậm chí có người không có tiền bạc chi cả nhưng có tấm hải đồ, hoặc cái hải bàn, hay chỉ một cái ống dòm là cũng có thể được đi vượt biên. Những anh hoa tiêu trong hải quân là hạng ưu tiên số một được các nhóm vượt biển mời đi miễn phí. Sau này, có người giả xưng hoa tiêu, hoặc chỉ xưng mình là lính hải quân của chế độ cũ, là cũng được tin tưởng để giao phó công tác làm hoa tiêu cho một chuyến hải hành. Giấc mộng tự do đã tạo nên một phong trào hấp dẫn nhất, và có thể nói là quan trọng nhất trong sinh hoạt quốc gia, thu hút bao nhiêu người dân và kéo theo cả những cán bộ, bộ đội cộng sản vào. Những người cán bộ cộng sản nếu không vượt biên theo dân thì cũng bị cuốn theo dòng thác vượt biên bằng các mánh khóe, các cách làm ăn phi pháp: nào là bán bãi, nào là làm giấy tờ giả, giấy phép đánh cá, giấy phép đi biển, giấy xuất cảnh v.v… Đủ các ngõ ngách để moi móc túi tiền của những người muốn vượt biên. Rồi trong sự phản diện giữa một xã hội đói thiếu gạo cơm và viễn ảnh tự do no ấm ở nước ngoài, tự dưng có một số người nẩy ra những sáng kiến lừa gạt, tráo trở vô cùng tinh tế, miễn sao thu được tiền bạc hoặc chen chân được xuống ghe tàu là quí, chẳng màng đến chuyện đạo đức thị phi gì nữa. Trong khi những cán bộ cộng sản lợi dụng sự khát khao tự do của người dân để làm tiền thì những người ấy cũng nhân danh cứu cánh tự do mà không từ bỏ bất cứ một xảo thuật gian trá, đảo điên nào để thủ lợi cho mình. Nạn nhân của chuyện lường gạt vượt biên ấy không thiếu gì. Chú Đức và tôi cũng là hai nạn nhân rất buồn cười trong giai đoạn ấy.

Vào một chiều nọ, chùa có khách từ Sài Gòn ra. Khách là một chàng thanh niên tên Tâm, cũng người Huế, đâu chừng hai mươi bốn tuổi. Không rõ do ai giới thiệu, Tâm lên núi, vào chùa hỏi thầy Trừng Hùng và xin được ở lại đêm. Thầy Trừng Hùng viện lẽ Tâm không có đầy đủ giấy tùy thân và giấy thông hành nên không cho. Tâm được mời ăn bữa cơm chiều tại chùa rồi xuống núi. Trước khi rời chùa, Tâm tự động đến làm quen với Đức và tôi, rủ chúng tôi ra ngồi chơi ở bậc tam cấp trước chùa để nói chuyện cho thoải mái, rồi tự giới thiệu mình là thị giảcũ của Hòa Thượng Già Lam (tức là Hòa Thượng Thích Trí Thủ, một vị cao tăng đức độ trong nước mà ai cũng biết). Thực ra chức thị giảtrong chùa chẳng là gì cả, chỉ là người hầu hạ, bưng cơm nước, quét dọn phòng ốc cho một vị thầy (thường thường là trụ trì và cao tuổi); nhưng tự xưng là ‘thị giả của Hòa Thượng Già Lam’thì cũng gây được chút uy tín đối với người lạ. Không rõ vì lý do gì, Tâm không còn mang hình thức tu sĩ nữa. Tâm cho chúng tôi biết rằng anh đã hoàn tục chừng nửa năm trước để lo chuyện vượt biên. Anh còn nói rằng hiện gia đình mẹ nuôi của anh ở Sài Gòn đang muốn tổ chức một chuyến vượt biên cho gia đình, tốn bao nhiêu vàng cũng chịu. Tâm ra Nha Trang để tìm ngõ đi. Nếu có ghe tàu và bãi tốt, Tâm sẽ mang gia đình mẹ nuôi từ Sài Gòn ra. Tất cả chi phí do gia đình ấy chịu.

“Mấy chú có quen ai ở Hà-Ra hay xóm Bóng không?” Tâm hỏi.

Đức lắc đầu. Tôi thì còn đang suy nghĩ. Tâm nói tiếp:

“Nếu hai chú mà giới thiệu được một người nào có ghe đánh cá, bất cứ ở vùng biển nào, Nha Trang, xóm Bóng, Hà Ra, Ba Làng, xóm Dương, Đại Lãnh, Vạn Giã, Tu Bông… tôi sẽ cho các chú đi theo, khỏi tốn đồng bạc nào hết.”

Nghe được chuyện ấy, cái mộng vượt biên nẩy nở thật nhanh trong tôi. Tôi không ngờ chuyện vượt biên đơn giản đến như vậy: chỉ cần biết người nào có ghe, giới thiệu cho người có tiền, vậy là được đi, quá khỏe! Không cần phải tìm cho ra một cái ống dòm vốn khan hiếm và đắt tiền. Không cần phải có hải bàn, hải đồ là dụng cụ chuyên môn của ngành hàng hải mà cả đời chưa hề nhìn thấy. Không cần phải là hoa tiêu. Không cần phải là tài công. Không cần phải là một anh lính hải quân (dù là anh hải quân chưa hề đặt chân xuống tàu). Không cần phải có tiền hay vàng thật nhiều–điều kiện mà tăng sĩ tu núi như tôi không bao giờ có thể hội đủ. Không cần phải là Hoa kiều. Và… không cần phải làm bộ lấy một cô gái Tàu…

Dù háo hức trong lòng, tôi cũng không nói gì. Chỉ có Đức lên tiếng:

“Anh Tâm hay là chú Khang đi vượt biên còn có lý, chứ tôi đâu có biết tiếng Anh; còn tiếng Pháp thì sơ sơ dăm ba chữ, đi làm gì.”

Tâm quay sang tôi, hỏi:

“Chú Khang biết tiếng Anh khá không?”

“Không. Có học chi nhiều đâu. Chút xíu thôi.”

“Vậy hả. Các chú đừng lo. Qua bên đó tôi dạy cho hai chú tiếng Anh. Trước năm 1975 tôi học Văn khoa. Tôi đi dạy kèm Anh văn từ lúc mới mười sáu, mười bảy tuổi kia,” Tâm khoe, ngưng một lúc rồi tiếp, “còn như mấy chú không có thân nhân ở nước ngoài thì tôi cũng lo được hết. Ba nuôi tôi trước làm cho tòa đại sứ Việt Nam tại Mỹ, hiện ông đang ở bên đó. Bao nhiêu người ổng cũng bảo lãnh, lo gì. Đi qua Mỹ tiếp tục tu học chứ ở lại với mấy ông cộng sản này làm gì chứ, phải không? Vả lại, đâu phải biết ngoại ngữ mới đi vượt biên. Thiếu gì người có học hành chi đâu, cũng đi qua Mỹ đó. Dân đánh cá cũng đi nữa mà, huống chi tụi mình là dân có ăn học.”

Chú Đức nghe chừng xuôi tai rồi, không kềm được phấn khởi, liền hỏi:

“Vậy bây giờ anh muốn hai đứa chúng tôi đóng góp gì, anh nói lại đi? Chỉ tìm người nào có ghe tàu đánh cá thôi, phải không?”

“Ừ, tìm người có ghe nhưng phải là chỗ tin tưởng được, tức là phải có quen biết bằng cách nào đó. Rồi mấy chú cũng coi thử gia đình nào có tiền mà muốn đi thì giới thiệu cho tôi luôn. Có thêm người đi thì cũng đỡ vất vả tài chánh cho phía bà mẹ nuôi của tôi chứ. Với lại… mỗi chuyến tôi từ Sài Gòn ra Nha Trang, tốn kém dữ lắm, nào tiền xe cộ, nào ăn uống ngoài đường, thuê phòng trọ… một mình tôi tự lo, chịu sao thấu. Tôi không muốn lấy tiền của bà mẹ nuôi; chỉ muốn lo xong việc rồi mới kêu bà ấy bỏ tiền ra mua lương thực, mua bãi này nọ… Mấy chú hiểu chứ gì!”

Tôi và Đức gật gù tỏ ý hiểu, nhưng thực ra thì chúng tôi chưa hiểu ý Tâm muốn gì. Một lúc lâu, thấy chúng tôi thực sự không hiểu, Tâm mới nói rõ ràng hơn:

“Bây giờ hai chú có bao nhiêu tiền góp trước cho tôi để tôi đi xe, đi tàu, lo công việc chung. Ngày mai tôi vào Sài Gòn nói bà mẹ nuôi đưa trước mấy cây vàng để khi đi nói chuyện mình mới gây được niềm tin cho chủ ghe. Trong thời gian tôi vào Sài Gòn, mấy chú ở ngoài này lo tìm ghe, khi ra lại, tôi sẽ theo mấy chú đến nói chuyện với người ta. Mà chuyện vượt biên này rất là nguy hiểm, mấy chú đừng tiết lộ với bất cứ ai, công an mà biết được chúng bắt mấy chú bỏ tù rục xương đó! Ngay cả với thầy Trừng Hùng, các chú cũng đừng nói chuyện này. Ông ấy có vẻ khó chịu và bảo thủ lắm, chắc chắn là không muốn mấy chú vượt biên đâu… À, tìm được mối ghe rồi, các chú chuẩn bị chút tiền bạc, có thứ gì bán được thì bán. Khi tôi từ Sài Gòn ra lại là cũng sắp đến ngày lên đường rồi đó. Tuy rằng người ta sẽ lo liệu mọi thứ, nhưng mình có tiền mang theo cũng tốt hơn là đi cái mạng không.”

Nghe chuyện Tâm nói thật rành mạch, hữu lý, tôi chẳng nghi ngờ gì nữa, gục gặc nói:

“Để tôi vào trong coi thử có được bao nhiêu tiền.”

Chú Đức vốn là bậc thầy của tôi trong chuyện nhẹ dạ, dễ tin, thấy tôi vào trong lấy tiền thì cũng đi theo:

“Anh Tâm ngồi chờ ngoài này nghe, để tôi với chú Khang vào trong chút rồi ra.”

Vậy là hai đứa chúng tôi gom hết tiền bạc còn sót lại trong túi áo, hộc bàn, gồm tiền lương tháng trước còn lại của hai người, cộng thêm ít tiền riêng của chú Đức do gia đình gởi cho. Cả thảy được chừng một ngàn đồng. Tiền của tôi ít hơn vì giờ làm việc của tôi ít thua Đức, mà cũng vì tôi tiêu vào tiền sách nhiều hơn Đức. Một ngàn đồng đối với chúng tôi lúc ấy khá lớn (lương tháng của tôi chừng năm trăm đồng) nhưng nếu đem đun vào cái lò vượt biên thì chẳng thấm vào đâu. Được đi nước ngoài với cái giá đó thì còn gì may mắn hơn. Chúng tôi mang tiền ra, giao hết cho Tâm. Đức nói:

“Hiện giờ chúng tôi chỉ có bao nhiêu đó thôi. Chưa chuẩn bị trước. Lần sau anh ghé, chắc đỡ hơn.”

Tâm cầm tiền, liếc sơ một cái, ngó bâng quơ lên trời, dưới đất, rồi nói giọng cảm động:

“Mấy chú ở chùa làm gì có tiền có bạc. Tôi từng ở chùa tôi biết chứ. Tụi mình mới thực là vô sản đó. Cho nên, cầm tiền của mấy chú thấy đau xót quá. Nhưng đành phải vậy thôi, mình phải chia sẻ với nhau những đồng tiền tạm bợ này, chứ ít hôm nữa ra nước ngoài tu học, tiền này có đáng gì đâu! Mấy hôm nay chạy lo công việc, tôi nhịn đói nhịn khát, khổ như chó…” Tâm tằng hắng lấy giọng, rồi nói tiếp, “Thấy mấy chú chí tình thực tội nghiệp, tôi muốn nói thật mấy chú nghe: thực ra, bây giờ tôi đã có sẵn một chuyến vượt biên rồi nhưng gấp lắm, trong vòng tuần lễ đến mười ngày thôi. Tôi sợ vào Sài Gòn gọi mẹ nuôi tôi mà bà ấy chuẩn bị không kịp, nên mới nói mấy chú lo tìm một ghe khác để sẵn. Trường hợp bà ấy lo kịp, tôi sẽ nói bà cho hai chú đi luôn; còn không kịp… thì tôi với mấy chú đi. Bỏ bà ấy ở lại đi chuyến khác.”

Chú Đưc xen vào:

“Vậy kỳ quá. Lỡ bà ấy không biết cách lo đi thì sao?”

“Xì, bà ấy có tiền thì lo gì, trước sau gì cũng lọt thôi. Có bọn mình là khổ, là khó thôi, được cơ hội thì phải nắm lấy, tại sao phải bỏ. Cho nên, tôi mới nghĩ ra cách này: nếu mẹ nuôi tôi không kịp đi chuyến này, tôi xin bà ấy một ít vàng cho phần tôi. Còn phần hai chú, ở ngoài này cố chạy sao cho đủ, thiếu thì tôi bù thêm cho.”

Tôi hỏi:

“Mỗi người cần bao nhiêu?”

“Mỗi người ba cây,” Tâm đáp.

Đức bật cười lên ha hả, rồi nói:

“Tôi với chú Khang làm gì có được số đó!”

Tôi hỏi:

“Ba cây là bao nhiêu?”

“Là ba lượng vàng đó,” Đức đáp, “một lượng có mười chỉ, một chỉ có mười phân. Khi nãy mình gom tiền của hai đứa mới được có một phân, mong gì gom đủ sáu cây!”

Tâm nói:

“Đó là nói cái giá chính thức mà khách muốn đi phải có thôi, chứ hai chú ở chùa thì tôi biết chứ, làm gì có vàng như người ta. Nhưng vì tôi là người đứng lo tổ chức, tôi có thể xin cho hai chú được, miễn là hai chú cố gắng gom hết những gì mình có thể gom, được bao nhiêu cũng quí, rồi tôi nói với người ta. Tôi dàn xếp cho hai chú được mà. Ủa, chứ bộ hai chú không xin được chút nào từ gia đình hết sao? Gia đình hai chú ở đâu?”

Đức nhìn tôi, thấy tôi im lặng, bèn nói:

“Gia đình tôi ở Huế. Còn gia đình chú Khang thì ở đây. Nhưng… có đi thì cũng tự túc lo đi chứ ai mà nhờ vả gia đình làm gì. Thời buổi này gia đình nào cũng gặp khó khăn…”

“Dĩ nhiên là ai cũng gặp khó khăn rồi. Nhưng nghe mấy chú muốn đi ra nước ngoài, chắc chắn là gia đình cũng túm vén chút ít chi đó cho mấy chú chứ. Ai lại chẳng muốn con mình được ra nước ngoài tu học nên danh nên phận. Phải không chú Khang? Nhà chú ở gần đây hả?”

Tôi nói:

“Tôi không có thói quen xin tiền gia đình. Không phải vì gia đình đang gặp khó khăn vào thời buổi này, mà ngay cả những năm trước 1975 nữa kia, tôi cũng không muốn lấy tiền của gia đình gởi cho, huống chi lại mở miệng xin. Chuyện vượt biên, nếu may mắn có cơ hội đi thì đi, không có thì thôi, tôi không mơ ước chuyện đó điên cuồng đến độ phải phiền đến gia đình hay cầu cạnh người nào khác.”

Đức nói:

“Ừ, phải rồi. Ba cây cho mỗi người thì không cần phải bàn tán nhiều, mất công. Chắc chắn là tôi và chú Khang không có khả năng. Hơn nữa, chuyến đó gấp quá, lo chuyến khác đi. Như anh Tâm đã nói khi nãy, tôi và chú Khang sẽ lo tìm mối ghe, còn anh lo chuyện tổ chức này nọ. Vậy dễ cho chúng tôi hơn.”

Tâm nói:

“Nói như mấy chú thì khỏe quá. Thực ra khi người ta đã có mộng vượt biên thì có cơ hội là chụp ngay, biết chuyến nào là tốt, chuyến nào là xấu mà chọn lựa! Chuyến nào đến trước thì lo chuyến đó.”

“Nhưng đây không phải là cơ hội. Không có đủ tiền đi thì coi như chẳng có cơ hội gì. Còn mộng vượt biên hả? Cái mộng đó mới đến với chúng tôi từ khi anh đề cập đến chuyện vượt biên không cần tốn nhiều tiền, chỉ cần lo mối ghe thôi… Lâu nay chúng tôi có mơ ước gì chuyện vượt biên, cứ nghĩ đó là chuyện của người ta thôi,” Đức nói giọng buồn.

Tâm đổi giọng:

“Đã nói các chú cố gắng lo hết mình, được bao nhiêu thì được. Thiếu thì tôi bù đắp hoặc tìm cách dàn xếp với người ta. Bây giờ phải coi nhau như anh em, được thì cùng đi, không thì cùng ở lại. Tôi lo phần tôi, hai chú lo phần hai chú, cứ chuẩn bị trước đi, có bao nhiêu gom bao nhiêu, có thứ gì bán được thì bán, gom tiền lại để đó. Khi tôi đến gọi mấy chú đi, là có sẵn, khỏi mất công quýnh quáng chạy lo nữa. Tôi hứa là dàn xếp cho cả hai chú mà.”

Vậy rồi Tâm từ giã chúng tôi, xuống ga tàu hỏa trở vào Sài Gòn.

Khi chúng tôi quay vào trong, thầy Trừng Hùng gọi lại hỏi:

“Nãy giờ hai đứa mi ở đâu vậy? Nói chuyện chi với thằng Tâm phải không?”

“Dạ thì chú Tâm kể chuyện mấy chùa trong Sài Gòn đó mà,” Đức đáp.

Thầy Trừng Hùng cảnh cáo:

“Cái thằng Tâm đó không phải là người có thể tin được. Nhìn qua thì thấy cao ráo bảnh trai lắm, nhưng con mắt lươn liếc dọc liếc ngang, cái miệng thì nói dẻo đeo, cứ một chốc lại liếm môi như thế thì chẳng phải là người ngay thẳng. Ngó mặt hắn là tao thấy ngay là thằng đểu. Tụi bây liệu hồn mà kết bạn kết bè với hắn.”

Dù thầy Trừng Hùng nói vậy, chúng tôi vẫn không nghe. Tôi phác vẽ một chương trình tu học, làm việc cũng như con đường đến xứ Phật sau khi ra được nước ngoài cho chú Đức nghe, và nó cũng mau chóng trở thành ước mơ khôn nguôi của Đức. Ước mơ đó làm mờ cả những phán đoán của chúng tôi. Trong tuần lễ kế tiếp, chúng tôi thực sự gom hết vốn liếng tài sản của mình để chờ đợi Tâm. Vốn liếng có bao nhiêu đâu, cũng là tiền lương mới lãnh của tháng cộng thêm tiền bán cây đàn ghi-ta của tôi cất trong phòng riêng bên viện Hải Đức, cùng với chiếc xe đạp mới của chú Đức–chiếc xe đạp mà chú nói là của gia đình từ Huế gởi tiền vào cho chú mua. Cộng hết tiền lương của chúng tôi với tiền bán đồ chỉ hơn ba chỉ vàng một chút, chú Đức nói tôi biết như vậy. Trong mấy ngày đó, tôi đi tìm lại các bạn học cũ ở xóm cầu Hà Ra, Xóm Bóng, và cả những bạn học cũ ở thành phố Nha Trang mà tôi hy vọng sẽ cho tôi được chút manh mối gì về những ông chủ ghe nào đó. Tôi còn đi ra Vạn Giã, đến chùa Linh Sơn và Giác Hải gặp các bạn tu của mình để nhờ tìm mối… Các bạn ở chùa Linh Sơn có hứa giới thiệu cho tôi một vài chủ ghe của xóm chài gần chùa. Ngoài ra còn hứa nếu có chuyến vượt biên nào mời một ông thầy theo để cầu nguyện thì sẽ giới thiệu tôi. Kể từ đó tôi biết thêm rằng tu sĩ không tiền như tôi cũng có giá trị lớn trong một chuyến vượt biên như anh chàng hoa tiêu hay tài công vậy, chỉ tại nhiều người không dám mời tu sĩ đi vì nghĩ rằng tu sĩ không cần vượt biên. Người ta nghĩ rằng tu hành thì ở đâu cũng được, bon chen ra nước ngoài để đấu tranh, để làm giàu hoặc hưởng thụ văn minh làm gì!

Quả nhiên đúng tuần lễ sau, Tâm trở lại. Lần này Tâm có vẻ gấp gáp lắm, bảo chúng tôi đưa ngay tiền để anh đi nói chuyện với người ta; được thì anh sẽ quay trở lại gọi chúng tôi chuẩn bị đi, không được anh cũng mang tiền về đưa trả cho chúng tôi giữ, chờ lo chuyến khác. Anh vỗ mấy cái nơi lưng quần của anh, nói:

“Tôi có mang vàng theo đây, còn của mấy chú đâu?”

Đức lôi ra nguyên một gói tiền từ trong túi áo rộng rinh của chú ra, đưa cho Tâm:

“Chỉ được bao nhiêu đó thôi, nhưng chúng tôi cũng đã gắng hết sức rồi.”

Tâm cầm gói tiền, không đếm, nhét vào lưng quần, nói:

“Có thể khuya nay khởi hành rồi. Bây giờ tôi đi nói chuyện với họ. Được là tôi quay về báo các chú biết liền. Tối nay đừng có ngủ nha, mất công tôi gọi cửa lắm đó.”

Rồi Tâm xuống núi mang theo gói tiền nhỏ chứa cả một trời hy vọng của hai chúng tôi. Tôi và Đức nghe lời Tâm dặn, thức trắng đêm hôm đó. Cảnh đồi núi sáng vằng vặc dưới ánh trăng đêm ấy bỗng dưng khiến lòng tôi dậy lên một niềm xao xuyến như thể mình sắp sửa phải từ giã đất nước trong vài giờ sắp tới…

Đang ngồi im, bất chợt Đức mở miệng nói:

“Khang à, nếu người ta chỉ đồng ý cho một trong hai đứa thôi thì chú hãy đi đi, tôi ở lại cho. Tôi nghĩ chú ra nước ngoài thì có tương lai hơn tôi, được chuyện hơn tôi nhiều. Hơn nữa, chú có người chị ruột bên Mỹ, lại có nhiều thầy, nhiều bạn quen. Còn tôi, ra ngoài đã không người thân, lại chẳng quen thầy nào bên đó…”

“Không, gặp trường hợp chỉ có chỗ cho một người, chú cứ đi đi. Đâu cần phải có thân nhân hay bạn bè ở nước ngoài. Người ta sống được thì mình sống được. Tôi mà ra được bên ngoài cũng không có ý nhờ vả bà chị hay bạn bè gì cả, vậy thì cũng như chú thôi. Ra được rồi là lo liên hệ với các chùa bên Pháp, Mỹ hay bất cứ ở nước nào. Tôi tin các chùa đó sẽ giúp chú. Đừng ngại. Tôi nghĩ là chú nên đi trước nếu cơ hội này chỉ dành cho một người. Tôi quen biết nhiều người ở Nha Trang, tôi sẽ tìm cách đi sau. Có mấy thầy ở Vạn Giã hứa giúp tôi mà.”

Chỉ bàn với nhau trước vậy cho dễ tính vậy thôi, chứ chúng tôi cứ hy vọng sẽ được đi hết cả hai. Khi Đức đồng ý với tôi rồi, chúng tôi hết chuyện nói, im lặng ngó xuống đường. Xe cộ đã thưa thớt. Thỉnh thoảng mới có chiếc xích lô uể oải chạy ngang. Chúng tôi ngồi đó thật lâu. Sương khuya lạnh hắt qua những làn gió nhẹ khiến đôi lúc tôi phải rùng mình.

Rồi gà gáy. Rồi tàu hỏa kéo còi, xùng xịch chạy ngang chân núi. Rồi ngựa xe tấp nập. Rồi mặt trời mọc. Anh Tâm mang hy vọng xuất dương của chúng tôi đi luôn, không bao giờ trở lại. Tôi và Đức không cần phải nhường nhau chuyến đi đó nữa.

Sau này một thầy ở Sài Gòn ghé ra viện Hải Đức, có kể chuyện về Tâm cho tôi nghe. Mẹ nuôi của Tâm thực ra chỉ là một góa phụ yêu thương Tâm như một tình nhân trẻ chứ không phải như con nuôi. Nhưng cuối cùng thì bà lại gả con gái của bà cho Tâm. Tâm đã mượn danh nghĩa là “thị giả của Hòa Thượng” để gạt không biết bao nhiêu tăng sĩ và bao nhiêu người phật-tử tín tâm khác trong Sài Gòn. Không còn làm ăn được bằng nghề dụ dỗ người vượt biên tại Sài Gòn, Tâm ra Huế, rồi Nha Trang để tìm mối mới… Nhưng cuối cùng thì Tâm cũng tạm chấm dứt những cuộc lường gạt để cùng gia đình vợ vượt biên qua tới Nhật. Tôi tự nghĩ, con người có nhiều sáng kiến lừa đảo như Tâm ra ngoài chắc bon chen với xã hội văn minh chẳng thua kém ai, chứ khờ khạo như tôi và Đức mà ra nước ngoài làm gì nhỉ! Những người chậm chạp, ít bén nhạy như chúng tôi không những vô dụng cho xã hội mà còn làm cản trở bước tiến văn minh của nhân loại nữa không chừng. Thôi thì cứ an phận làm thầy chùa núi, sớm tôi ê a kinh kệ, học hạnh nhẫn nhục bên cạnh vị thầy cố đô bảo thủ, biết đâu lại chẳng là môi trường tốt nhất để giữ gìn đạo hạnh, và thay vì đi chiêm bái Phật tích tại Ấn Độ, hãy tiến đến xứ Phậtngay trong chính bản tâm mình!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]