Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiên Thứ Mười Lăm: Ðức Thế Tôn Nhập Niết Bàn

10/11/201115:49(Xem: 6910)
Thiên Thứ Mười Lăm: Ðức Thế Tôn Nhập Niết Bàn

LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT TỔ CỒ ĐÀM

Maha Thongkham Medhivongs

THIÊN THỨ MƯỜI LĂM

ĐỨC THẾ TÔN NHẬP NIẾT BÀN

-ooOoo-

Hạ thứ bốn mươi lăm đức Thế Tôn nhập hạ tại làng Veluvagàma. Khi giữa hạ đức Thế Tôn lâm bịnh rất trầm trọng. Nhưng Ngài dùng thiền định chế ngự bịnh ấy và Ngài nghĩ: Chưa phải lúc Như Lai nhập Niết bàn.

Ngày nọ, đức Thế Tôn ngự dưới bóng mát của mái chánh điện. Đại Đức Ananda vào hầu, khi đảnh lễ xong bạch đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn! Tôi được thấy sự phục hồi sức khoẻ của Ngài, tôi cũng đã thấy sự nhẫn nại của Ngài, trong khi Ngài đang lâm trọng bịnh, tôi cảm thấy thân tôi rất nặng nề, không còn phân biệt phương hướng. Các pháp cũng chẳng hiện rõ trong tâm, vì mắc lo nghĩ về bịnh tình của Ngài. Mặc dầu vậy nhưng tôi cũng vẫn còn có nguồn an ủi rằng: Khi mà đức Thế Tôn chưa cho đọc tuyên ngôn gọi chư Tăng hội lại rồi dạy một điều nào thì chắc chắn Ngài chưa nhập diệt. Bạch đức Thế Tôn tôi chỉ còn an lòng chừng ấy thôi.

- Ananda nầy, chư Tỳ khưu Tăng còn hy vọng gì ở Như Lai nữa. Các pháp Như Lai đã thuyết xong rồi rất rõ rệt nghĩa là Như Lai không còn giấu giếm một pháp nào. Như Lai là vị Thiên Nhơn Sư, Tâm đã giải thoát khỏi ái dục, tà kiến thì đâu còn điều nào bí mật che giấu, Như Lai đã thuyết rõ ràng cho chư đệ tử, hoặc giảng rõ cho đệ tử hiểu biết rõ rệt đến nơi ráo rốt hoàn toàn. Ananda nầy, nếu có người nào nghĩ rằng: Như Lai là người quản trị chư Tăng, rồi người ấy thay mặt cho chư Tăng tỏ ra lời mến tiếc. Sự suy nghĩ quản trị chư Tăng không bao giờ có trong tâm của Như Lai.

Nầy Ananda, Như Lai đã già rồi, Như Lai đã tám mươi tuổi rồi, thân hình của Như Lai đã thay đổi, hiện nay ngũ quan của Như Lai thay đổi không còn như khi xưa, tất cả mọi bộ phận trong thân nầy đều thay đổi. Ví như chiếc xe bò cổ lỗ hư nhiều chỗ, sở dĩ còn dùng được là nhờ có những khúc tre cột gá vào nên mới còn nguyên vẹn thôi. Thân hình Như Lai cũng như chiếc xe ấy, nó đã đi đến chỗ già yếu còn dùng được đến ngày hôm nay là nhờ có pháp thiền định tạm giữ lấy không cho hư hoại, cũng như xe nhờ những khúc tre kềm lại để dùng tạm thời thôi. Vì vậy Ananda ơi, ngươi nên tự nương nhờ lấy bản thân mình, không có vật gì ngoài ta mà ta có thể nương nhờ được.

Đức Thế Tôn chỉ trích thân ngũ uẩn của Ngài cho đức Ananda nghe như vậy sau khi dứt thời pháp có rất nhiều vị chư Thiên nghe thời pháp ấy đắc quả Thánh.

Sáng ngày hôm sau, Ngài vào thành Thất La Phiệt khất thực xong Ngài dẫn năm trăm vị Tỳ khưu đi về thành Vesàlì. Đến thành Vesàlì , Ngài ngự tại rừng Mahàvana.

Trong khi ấy đức vua xứ Vesàlì là Licchavì và hoàng tộc nghe rằng: Đức Thế Tôn ngự đến, liền cùng nhau lo vật cúng dường và lập tức đến hầu Phật. Đức Thế Tôn liền thuyết pháp độ các vị ấy. Sau thời pháp nhà vua cùng hoàng tộc xin thỉnh cầu đức Thế Tôn ngự vào thành thọ thực sáng ngày mai. Đức Thế Tôn nhậm lời bằng cách lặng thinh.

Sáng ngày, đức Thế Tôn vào thành khất thực với năm trăm vị Tỳ khưu, sau khi thọ thực xong Ngài cầu chúc cho nhà vua rồi trở về. Đức Thế Tôn đứng ngoài thành Vesàlì ngó vào thành rồi dạy rằng: Như Lai thấy thành Vesàlì nầy là lần cuối cùng. Nói xong Ngài day lại và đi luôn. Nơi Ngài đứng nói ấy sau nầy gọi là NÀGAVA LOKA NACETIYATTHÀNA (Nghĩa là: Tháp mà không bao giờ trở lại xem nữa). Đức Thế Tôn bảo Đại Đức Ananda rằng: Ananda, ngươi nên đem ngọa cụ theo ta, Như Lai vào nghỉ trưa tại tháp Pàlàva. Đại Đức liền lo thu xếp đồ và theo Ngài đến tháp Pàvàla trải ngọa cụ để Ngài nằm; đức Ananda ngồi hầu gần bên.

Đức Thế Tôn dạy: Ananda, xứ Vesàlì là xứ mà ai ai cũng ưa thích, tháp Pàvàla và tháp Gotama cũng là nơi mà người ai cũng thích đến ngắm cảnh. Nếu người nào đã đắc được bốn pháp Như ý người ấy lại có ý muốn sống đến một kiếp hay hơn ấy nữa thì vẫn sống được như ý muốn. Rồi đức Thế Tôn tự vấn và đáp lấy là bốn pháp Như ý là gì? Đáp bốn pháp Như ý là:

CHANDA: Dục như ý (Nghĩa sự muốn trong tâm);
VIRIYA: Tinh tấn như ý (Nghĩa là sự cố gắng tinh tấn bất thối chuyển);
CITTA: Niệm như ý (Nghĩa là sự thành thật của tâm không thối chuyển);
VIMANSÀ: Tư duy như ý (Nghĩa là sự suy nghĩ chu đáo).

Mặc dầu đức Thế Tôn dạy như vậy, nhưng đức Ananda không hiểu ý đức Thế Tôn để yêu cầu đức Thế Tôn sống lâu để độ chúng sanh. Câu đức Thế Tôn nói có nghĩa là: Ngài là đấng đã đắc được bốn pháp Như ý. Ngài có thể sống đến bao giờ cũng được tuỳ theo ý thích của Ngài.

Trong chú giải có ghi câu hỏi: Tại sao Đại Đức Ananda không yêu cầu đức Thế Tôn?

Đáp: Vì đức Ananda bị Ma vương nhập vào ám ảnh làm cho tâm Ngài mờ tối không nghĩ ra câu nói có một ý nghĩa khác thường của đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn nhắc đi nhắc lại câu ấy đôi ba phen để đánh thức trí nhớ của Ngài Ananda nhưng Ngài không hiểu chi hết, cứ ngồi lặng thinh. Đức Thế Tôn mới dạy Đại Đức Ananda rằng: Ananda nầy, ngươi hãy tìm nơi thanh vắng để nghỉ trưa đi.

Khi đức Ananda vừa lui ra thì Ma vương cũng vừa vào hầu đức Thế Tôn.

Khi đảnh lễ xong ngồi nơi phải lẽ và bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn tôi xin thỉnh cầu đức Th? Tôn nhập diệt. Kể từ khi Ngài vừa đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lúc Ngài ngự dưới cội cây Ajapàlanigrodha (cây dừng của bọn chăn dê thường đến nghỉ) tôi có đến yêu cầu Ngài nhập diệt, nhưng Ngài đã nhận lời của một vị Phạm Thiên thuyết pháp độ đời. Khi ấy tôi có bạch Ngài rằng: Đức Thế Tôn đào tạo Ba la mật hầu đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hôm nay Ngài đã đắc rồi còn phải độ đời làm gì cho khổ thân. Xin Ngài nhập diệt sớm càng hay. Khi ấy đức Thế Tôn có dạy rằng: Nầy Ma vương tâm đầy tội lỗi. Bao giờ đệ tử Như Lai là Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, thiện nam và tín nữ là người hiểu thông Tam tạng, có thể hộ trì Phật pháp hành theo Pháp luật và thay ta giảng dạy Phật tử sau nầy, để nhân loại và chư Thiên đắc được đạo quả Niết bàn, truyền bá Phật pháp được sâu rộng trong thế gian nầy, khi ấy Như Lai mới nhận lời ngươi yêu cầu nhập diệt.

Ma vương bị tiêu tan hy vọng từ ngày ấy đến nay mới được cơ hội tốt, nên vào hầu Phật tại tháp Pàvàla yêu cầu Ngài nhập diệt.

Đức Thế Tôn liền dạy: Nầy Ma vương, tâm đầy tội lỗi, ngươi không nên nặng lòng lo nữa, còn không lâu đâu Như Lai sẽ nhập diệt, kể từ hôm nay đi ba tháng nữa Như Lai sẽ nhập Niết bàn.

Ma vương lấy làm vui vẻ nói: Lành thay, thiện thay, liền lui ra.

Ngày ấy là ngày mà đức Thế Tôn đã định nhập diệt, vì vậy nên quả địa cầu rung động. Đại Đức Ananda vào hầu Phật, đức Thế Tôn mới dạy nguyên nhân quả địa cầu rung chuyển là do nơi Ngài đã định nhập diệt.

Khi nghe đức Thế Tôn dạy vậy, đức Ananda mới bạch đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, xin Ngài mở lòng từ bi thương hại chúng sanh nên sống thêm một kiếp để tế độ chúng sanh.

Đức Thế Tôn dạy: Hiện giờ ngươi không nên yêu cầu Như Lai.

Đức Ananda yêu cầu thêm vài lược, đức Thế Tôn khuyên Ananda ơi, ngươi có tin rằng: Như Lai đã đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay không?

- Bạch đức Thế Tôn, đệ tử tin.

- Ananda nầy, ngươi đã hành động không chu đáo nên lỗi ấy do nơi ngươi. Khi mà Như Lai đã tỏ cho ngươi biết ba lần, nhưng ngươi không hiểu ý nghĩa của lời Như Lai nói. Nếu Ananda hiểu ý câu nói của Như Lai và yêu cầu Như Lai thì Như Lai chỉ từ chối hai lần và sẽ nhận lời lần thứ ba. Nhưng Ananda không có một lời yêu cầu: đó là lỗi của Ananda vậy. Hiện giờ đây Như Lai đã nhận lời yêu cầu của Ma vương để nhập Niết bàn rồi ngươi mới yêu cầu, vì vậy Như Lai (không thể nhận lời người) phải nhập diệt. Sự nhứt định nhập diệt của Như Lai còn ba tháng nữa, và Như Lai không thể nào nói hai lời.

Đức Thế Tôn liền khuyên rằng: Con người dầu già, trẻ, ngu dại hoặc thông minh, sang giàu hay nghèo hèn, những người ấy đ?u có cái chết chắc chắn trong ngày vị lai, cũng ví như cái chén bằng đất mà người thợ gốm đã tạo ra nhỏ lớn, sống hay chín, đẹp hay xấu đều phải đi đến chỗ bể một ngày nào. Tất cả các pháp hành thật không bền vững đó là thế gian pháp, nó chỉ có phận sự là sanh rồi diệt, khi đã có sống tức nhiên phải có chết, chỉ có Niết bàn là nơi an vui tuyệt đối. Ananda nầy, đời Như Lai đã đi đến chỗ già rồi, tuổi thọ Như Lai còn rất ít; sẽ bỏ các người lại mà nhập diệt. Vậy các ngươi nên có trí nhớ chẳng nên dễ duôi, nên cố gắng tạo ra sự nương nhờ cho bản thân, nghĩa là các ngươi phải thọ trì Tứ thanh tịnh giới cho trong sạch và phải niệm về Minh sát tuệ đúng theo Sa môn pháp. Kẻ nào hành đúng theo pháp luật, ở trong pháp luật không hề dễ duôi, kẻ ấy có thể dứt bỏ luân hồi và đến Niết bàn được, kẻ ấy là người đến nơi tận cùng của khổ là giải thoát đến Niết bàn.

Thuyết xong đức Thế Tôn liền gọi đức Ananda rằng: Chúng ta đến làng Bhandugàma. Đức Ananda sửa sang hành trang cùng đi với đức Thế Tôn, có năm trăm vị Tỳ khưu theo hầu. Đức Thế Tôn ngự nơi ấy một lúc thuyết pháp độ được nhiều người đắc Thánh quả và trở nên người Chánh kiến. Sau ấy đức Thế Tôn gọi Ananda đến dạy: Chúng ta nên đến làng Hatthìgàma , làng Ambagàma , làng Jampugàma và đến xứ Bhoganagana mỗi nơi Ngài ngự lại ít lâu thuyết pháp độ đời. Rồi Ngài cùng chư Tăng đến xứ Pàvà. Khi đến xứ Pàvà , đức Thế Tôn ngự tại Ambavana tức là vườn xoài của con người thợ kim hoàn tên Cunda .

Khi ông Cunda nghe tin đức Chánh đẳng Chánh giác vào ngự nơi vườn xoài của mình lấy làm vui mừng, lập tức sắm sanh lễ vật đến cúng dường đức Thế Tôn và chư Tăng. Khi được nghe pháp của đức Thế Tôn, ông Cunda lấy làm thỏa thích và ông đắc quả Tu-đà-hườn. Ông liền cầu thỉnh đức Thế Tôn đến nhà ông thọ thực sáng ngày hôm sau.

Sáng ngày đức Thế Tôn ngự đến nhà ông Cunda thọ thực. Ông Cunda sắm lễ cúng dường rất ngon và rất quí là Sukaramadva (nghĩa là heo sữa) là món ăn ngon nhứt trong thời ấy, món ăn nầy có đủ năm vị.

Đây là lời của soạn giả, Sukaramadva có nghĩa là heo sữa mà cũng là tên một thứ nấm, tàu gọi là nấm Chiên đàn.

Khi ấy chư Thiên trong cõi Sa bà thế giới đem thực phẩm để vào đồ ăn của ông Cunda, vì quí vị ấy biết rằng: Người nào được cúng dường vật thực đến đức Thế Tôn lần chót thì phước báu vô lượng vô biên. Vì vậy nên thực phẩm của ông Cunda có mùi vị thơm ngon.

Đức Thế Tôn dạy ông Cunda rằng: Nầy Cunda, món ăn Sukaramadva của ngươi cúng dường ấy, chỉ được cúng dường cho một mình Như Lai thôi, khi còn dư ngươi phải đem chôn. Như Lai chẳng thấy có chúng sanh nào trong Tam giới nầy có thể dùng món ấy được. Ngươi nên cúng dường đến các vị Tỳ khưu món khác. (Đức Thế Tôn biết trước rằng: Trong món ăn ấy có chất độc. Vì thực phẩm của chư Thiên người thường không thể dùng được, hơn nữa trong vật ấy có lẫn chất độc, và đức Thế Tôn thọ thực món ấy mà nhập diệt).

Ông Cunda vâng lời đức Thế Tôn. Sau khi xong cuộc lễ cúng dường đức Thế Tôn ra về ngự nơi vườn xoài. Bắt đầu sau khi cuộc trai Tăng, đức Thế Tôn thọ bịnh kiết lỵ. Đức Thế Tôn có dạy tiền kiếp của Ngài cho chư Tăng nghe rằng: Trong một kiếp quá khứ Ngài là một vị lương y có chữa bịnh cho con một vị Trưởng giả, Ngài có cho con ông Trưởng giả uống thuốc xổ, vì thuốc xổ ấy nên con ông Trưởng giả bịnh nặng và cũng vì bịnh ấy mà chết. Nhân nghiệp ấy nên hôm nay Ngài phải trả bằng bịnh kiết lỵ và nhập Niết bàn vì bịnh ấy.

Hỏi: Vị lương y ấy không cố tình làm hại con ông Trưởng giả tại sao lại bị cái nghiệp trả quả như vậy?

Đáp: Vì không cố ý giết, do thiếu tác ý nên ông lương y ấy khỏi phải sanh vào địa ngục, và chỉ chịu cái nghiệp rất ít như ta thấy đây thôi. Mà cũng do nơi nhân không có tác ý, và tác ý là chữa bịnh ấy nên hôm nay Ngài thọ nghiệp cũng không phải ông Cunda muốn giết hại Ngài, trái lại ông Cunda muốn dâng cúng vật ngon cho Ngài thọ thực. Như vậy ta thấy hai tác ý rất hợp nhau đúng là nhân nào quả ấy. Hơn nữa ta đừng nghĩ làm bác sĩ rủi phạm thuốc không tội. Thật ra với pháp luật không truy tố vị bác sĩ, nhưng luật thừa trừ của nghiệp báo không nể ai đâu. (Hai câu vấn đáp nầy của soạn giả vấn đáp để giải thắc mắc của quí vị).

Khi Ngài đang lâm bịnh nhưng cũng không nghỉ. Ngài dạy đức Ananda rằng: Ananda , chúng ta nên đến xứ Kusinàrà.

- Lành thay, thiện thay!

Trong khi đi đường đức Thế Tôn dùng thiền định chế ngự căn bịnh. Ngày nọ vì trời nóng bức và đi xa đức Thế Tôn cảm thấy khát nước Ngài liền dừng chân nghỉ dưới một cội cây cổ thụ bên đường, gọi Ngài Ananda đến bảo rằng: Ananda ơi, Như Lai khát nước lắm, vậy Ananda hãy đi tìm nước đem đến cho Như Lai dùng.

Đoạn nầy chú giải có dạy rằng: Khi xưa đức Thế Tôn thường đi khoảng đường mười tám do tuần sau khi thọ thực xong mà Ngài không hề khát nước hay tỏ ra mệt nhọc chi cả. Nay khát nước vì lẽ bịnh kiết lỵ hành. Sự thật khi thân nầy có thì có những chứng bịnh như vậy. Không phải do nơi vật thực ấy mà phát bịnh. Trái lại nhờ vật thực ấy mà đức Thế Tôn khoẻ hơn (Đây là lời chú giải soạn giả chỉ dịch ra không phê bình và cũng chẳng có ý kiến xin quí vị tự xét).

Đức Thế Tôn gọi Đại Đức Ananda đến dạy rằng: Ananda nầy, nếu về sau nầy có người nghi ngờ hay chỉ trích Cunda rằng: Ngươi là người vô phước, vì đức Chánh đẳng Chánh giác thọ thực lần sau cùng ở nhà ngươi rồi nhập diệt. Nếu có người nói như vậy sẽ làm cho Cunda buồn rầu ân hận. Ngươi nên giải thích oan tình của Cunda rằng: Có hai lần dâng cúng vật thực đến Như Lai có quả báo cao thượng nhứt là: Khi Như Lai thọ thực xong đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; và vật thực mà khi Như Lai thọ thực xong lại nhập Niết bàn. Hai lần ấy có quả báo cao thượng hơn tất cả các lần khác của thí chủ đã cúng dường trong đời của Như Lai.

Trong bộ chú giải của bài kinh nầy có đặt câu hỏi: Tại sao hai sự cúng dường ấy có quả báo bằng nhau, khi nàng Sujàtà dâng cúng vật thực cho Ngài rồi Ngài đắc đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nghĩa là khi thọ thực ấy là phàm nhơn xong nhờ thọ thực ấy Ngài trở nên quả vị vô thượng. Còn ông Cunda dâng cúng vật thực đến Ngài, Ngài đang còn sống lại nhập diệt, hai lẽ khác nhau rất xa. Nghĩa là một người dâng vật thực để Ngài thành đạo còn một đàng dâng vật thực để Ngài nhập diệt nếu không muốn nói là chết.

Thế thì làm sao gọi là có quả bằng nhau?

Đáp: Hai quả ấy bằng nhau là: Khi cô Sujàtà dâng cúng đức Thế Tôn còn là vị Bồ Tát và nhờ nơi ấy đức Thế Tôn đắc quả Hữu Dư Niết Bàn. Còn ông Cunda dâng cúng đức Thế Tôn khi Ngài đoạt được quả Hữu Dư Niết Bàn xong rồi, Ngài nhờ vật thực ấy mà đắc Vô Dư Niết Bàn vì hai lần dâng cúng ấy làm cho Ngài đoạt được Niết Bàn nên Ngài gọi rằng: Hai lần cúng dường ấy có quả báo ngang nhau.

Một lẽ nữa khi Ngài thành đạo Ngài phải trải qua một thời gian nhập định vào ra định đến hai mươi bốn muôn kinh lần mới đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Và khi Ngài nhập diệt cũng vậy Ngài cũng phải nhập định xuôi ngược cả hai mươi bốn muôn kinh lần mới nhập diệt vì vậy nên hai lần dâng cúng ấy có kết quả bằng nhau.

Xin quí vị hiểu như thế này: Nhờ cô Sujàtà cúng dường vật thực nên đức đại Bồ Tát thọ thực ấy xong đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sau ấy bảy tuần lễ Ngài không thọ thực chi hết là do nhờ bốn mươi chín vắt cơm của cô ấy. Còn ông Cunda dâng cúng vật thực ấy mà Ngài dứt bỏ ngũ uẩn nầy. Vì vậy nên hai điều bố thí ấy có quả báo bằng nhau.

Đức Thế Tôn có dạy rằng: Nhân vật nào hằng bố thí thì nhân vật ấy hằng được phước. Nhân vật nào cố gắng thu thúc không dám làm tội, nhân vật ấy sẽ không có oan trái oán thù nhiều. Người thường làm phước thiện là người dứt bỏ được nhiều sự xấu xa đê tiện, và người ấy là người diệt được lòng tham ái, sân hận, si mê và đắc Niết Bàn.

Đại Đức Ananda bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn vừa rồi có năm trăm xe thương hồ vừa qua con suối nầy vì vậy nên nước rất đục; ở trước đây có con sông Kukkuta nước rất trong và mát bên bờ sông có cây to. Vậy xin đức Thế Tôn ngự đến nơi ấy, nếu muốn tắm rửa cũng mát mẻ.

Đức Thế Tôn nghe vậy nhưng Ngài cũng vẫn bảo đức Ananda đi múc nước ấy và Ngài dùng. Ngài bảo đôi ba lượt rằng: Ngươi hãy đi múc nước ấy lại đây, Như Lai đang khát nước lắm.

Lạ thay, khi đức Ananda đến nơi mé suối ấy thấy nước trong và mát như có người đã lọc sẵn. Đức Ananda lấy làm lạ lấy bình bát múc nước đem về dâng Phật. Đức Thế Tôn thọ xong dạy rằng: Chúng ta hãy đi đến con sông Kukkuta .

Đức Ananda đáp: Lành thay, thiện thay!

Khi đến mé sông đức Thế Tôn tỏ vẻ muốn tắm, Đại Đức Ananda biết ý Ngài liền đem choàng tắm đến dâng, đức Thế Tôn thay đồ xuống tắm. Khi tắm xong lên thay đồ dưới một cội cây xoài. Đức Thế Tôn gọi một vị Đại Đức tên là Cundathera đến dạy rằng: Ngươi lấy y Tăng già Lê của Như Lai xếp đôi lại trải nơi đây, Như Lai muốn nằm nghỉ nơi nầy. Đức Thế Tôn bảo Đại Đức Cundathera như vậy vì Đại Đức Ananda bận phơi choàng tắm của Ngài. Đức Thế Tôn nằm nghỉ cách nằm theo nhập định. Chư Tăng nhân dịp ấy xuống tắm ở sông Kukkuta , khi tắm xong lên ngồi hầu Phật.

Đức Thế Tôn gọi Đại Đức Ananda đến bảo: Ananda, chúng ta phải đi đến Sàlavana của vua Malla và đến Kusinàrà ở bên kia sông Hiranàvati. Đại Đức vâng lời đi theo Phật cùng năm trăm vị Tỳ khưu.

Trong bộ chú giải nầy có câu hỏi: Vì sao đức Thế Tôn gấp đi trong khi Ngài đang bịnh trầm trọng. Tại sao phải nhập diệt tại thành Kusinàrà không nhập diệt nơi nào khác?

Đáp: Có ba nguyên nhân mà Ngài cần phải nhập diệt ở xứ Kusinàrà

1) Ngài nghĩ: Nếu Như Lai nhập diệt nơi nào ngoài ra Kusinàrà Như Lai sẽ không có dịp thuyết thời pháp Sudasana. Khi Như Lai thuyết thời pháp Sudasana thì có nhiều người đắc quả và rất nhiều người trong sạch với Tam bảo làm phước thí sẽ là con đường đi đến Thiên đàng và Niết bàn. Thật một đấng Đại Từ Bi trót đời chỉ nghĩ đến hạnh phúc của chúng sanh, đến giờ phút cuối cùng đang lâm trọng bịnh mà cũng vẫn nghĩ đến chúng sanh không màn gì bản thân mình, miễn làm sao chúng sanh hiểu được chân lý.

2) Nếu Như Lai nhập diệt nơi nào khác thì người ngoại đạo tên Subhadda không được gặp Như Lai, thì không ai độ Subhadda được vì Subhadda là người có duyên với Phật chớ không có vị Thinh Văn Duyên Giác nào khác độ ông được. Khi ta nhập diệt tại Kusinàrà thì Subhadda sẽ vào hầu ta và vấn đạo, khi Như Lai giảng rõ Subhadda sẽ hiểu lý đạo xin xuất gia thiền định đắc A-la-hán quả trước giờ Như Lai nhập diệt. Đây là người học trò chót của ta.

3) Lại nữa nếu ta nhập diệt nơi nào khác, nhứt là nơi xứ của một cường quốc thì trận chiến tranh vì giành Xá lợi của ta lại phát sanh. Máu nhân loại lại đổ như sông. Khi Như Lai nhập diệt tại Kusinàrà sẽ có thầy Bà la môn tên Dona đứng ra ngăn cản chiến tranh và chia Xá lợi của ta cho các xứ đến đòi hỏi.

Chiều hôm ấy, đức Thế Tôn và chư Tăng đến Sàlavana. Nơi nầy có đủ tiện nghi và rất trang nhã, có cửa tam quan rất đẹp, có ao sen, có đủ kỳ hoa dị thảo mùi thơm ngào ngạt, nơi đây là nơi hàng vua chúa xứ Malla thường đến nghỉ mát. Có một tòa nhà xây bằng đá thật tuyệt mỹ gần tòa nhà ấy có hai cây cổ thụ cành lá giao nhau thật là đẹp, khoảng giữa hai cây cổ thụ ấy có một tảng đá to bóng như gương đây là một cái giường để vua Malla ngự.

Khi vào đến nơi, đức Thế Tôn bảo Đại Đức Ananda rằng: Nầy Ananda người dọn tảng đá nầy cho sạch rồi trải y Tăng già Lê lên đầu day về hướng Đông Như Lai đã mệt mỏi lắm phải nghỉ nơi nầy.

Đức Thế Tôn an ngọa, mình nghiêng về tay mặt, bàn tay mặt xoè ra để lót dưới vành tai mặt; đầu day hướng Bắc, mắt nhìn hướng Tây.

Đức Ananda vâng lời làm đúng theo lời dạy của đức Thế Tôn. Khi đức Thế Tôn nằm nghỉ, Đại Đức Ananda cùng người làm vườn thượng uyển lo treo màn bên ngoài để đức Thế Tôn nằm day đầu về hướng Bắc tay để dưới mặt, chân mặt tréo lên chân trái, đây là phép nằm theo thiền định. Đức Thế Tôn nhứt định nằm nơi ấy đến khi nhập diệt.

Khi ấy hai cây cổ thụ là cây Sàla trổ bông từ dưới gốc cây đến trên ngọn, mùi hoa thơm tỏa đi khắp một vùng lạ nhứt là mùa ấy không phải là mùa hoa Sàla nở, và càng lạ hơn là các thứ hoa to như cây dù từ trên hư không rơi xuống như trong ấy có bông Mạn thù lớn và Mạn thù nhỏ, mùi hoa nầy thơm không sao tả được. Đó là hoa lạ của chư Thiên cúng dường Phật bảo. Khi ấy tiếng ong bay bướm lượn nghe như tiếng than khóc ai oán não nề, hoa của hai cây cổ thụ Sàla rụng liên miên không ngớt, không khác nào giọt lệ của chúng sanh đang khóc người cha lành sắp lìa bỏ cõi đời, đàn con thơ dại bơ vơ giữa biển rộng rừng sâu có nhiều điều tai biến. Lúc ấy mặt trời cũng vừa lặn để lại ánh sáng vàng lợt lạt hình như mặt nhựt cũng không muốn xa lìa đức Đại Giác tâm rất từ bi, và cũng như buồn vì ánh sáng của bản thân không đủ soi rõ đường cho chúng sanh đi ra ngoài vòng cương tỏa của Ma vương, hôm nay ánh sáng huyền diệu nhứt làm cho Ma vương thúc thủ và hãi hùng sắp tắt. Ánh trăng cũng vừa lố mọc làm cho cây cờ sáng tươi hình như muốn thoa dịu cõi lòng của những đứa con đau khổ khi cha sắp lìa bỏ cõi đời. Cùng lúc ấy địa cầu rung chuyển sấm nổ vang trời, chư Thiên đánh trống vang rền; mưa hoa đầy mặt đất, đâu đâu cũng có hoa thơm, đây là chư Thiên muốn cúng dường lần chót đến đức Thế Tôn.

Khi đức Thế Tôn thấy sự cúng dường trọng hậu của chư Thiên như vậy, Ngài muốn dạy cho chúng sanh biết có hai thể thức cúng dường là cúng dường vật thực và cúng dường là sự hành theo chánh pháp để chúng sanh hiểu rõ hành theo. Ngài liền dạy Ananda rằng: Nầy Ananda ! Người và chư Thiên cúng dường trọng thể đến Như Lai như thế nầy, người và chư Thiên ấy không gọi là cúng dường trọng thể và kính trọng đức Như Lai. Nếu hàng Tứ chúng là Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, Thiện nam, Tín nữ hành đúng theo lời răn dạy của Như Lai mới gọi là người cúng dường trọng thể và cung kính Như Lai bằng cách hành đạo cao thượng, người nầy sẽ được quả báo cao thượng hơn hết tất cả các điều cúng dường khác.

Rồi đức Thế Tôn thuyết tiếp: Ananda ơi! Như Lai sẽ nhập diệt trong canh chót đêm nay.

Khi Đại Đức Ananda nghe vậy lấy làm buồn không cầm được hai giòng lệ, liền bạch Phật rằng: Xin đức Thế Tôn đừng vội nhập diệt xứ nầy, vì xứ nầy là một tiểu quốc là một xứ ở xa Vương Xá thành, còn có nhiều xứ lớn như Campa (đọc là Champa) Vương Xá, Sisaket, Thất La Phiệt, Bàrànasì, Kosambì v.v... Các nơi ấy mới xứng đáng là nơi Ngài nhập diệt. Vì nơi ấy có vua chúa sang trọng, các vị trí thức như Bà la môn, cũng có nhiều Trưởng giả, là những bực có đức tin với Ngài. Những vị ấy sẽ làm lễ hỏa táng và cúng dường long trọng.

Đức Thế Tôn khuyên đức Ananda rằng: Ananda ơi! Ngươi không nên chỉ trích xứ Kusinàrà là xứ bé nhỏ và bán khai. Lúc quá khứ nơi nầy là một xứ phồn thịnh và tiến hoá hơn tất cả các xứ đồng thời. Đức vua ngự trị xứ nầy là vị Chuyển luân Thánh vương cai trị bốn châu thiên hạ. Đức vua ấy tên là Mahasunasana. Thủ đô xứ nầy khi xưa tên là Kusàvatì, bề dài mười hai do tuần, bề ngang bảy do tuần là nơi cư ngụ của các vị tu hành, các bực trí thức và hàng vương giả cùng trưởng giả.

Đức Thế Tôn có thuyết bài kinh gọi là Sudasadasutta. Sau khi dứt thời pháp đức Thế Tôn dạy Đại Đức Ananda rằng: Ngươi hãy vào thành Kusinàrà bảo cho vua Malla biết rằng: Như Lai sẽ nhập diệt tại vườn thượng uyển trong canh chót đêm nay. Xin quí vị đừng để ân hận rằng: Đức Thế Tôn nhập diệt trong xứ mà ta không được yết kiến Ngài lần chót. Hãy lập tức đến hầu Ngài không nên diên trì.

Đại Đức Ananda nói: Lành thay, thiện thay! Rồi Ngài liền vào thành Kusinàrà bảo cho vua Malla hay theo lời Phật dạy.

Vua và hoàng tộc xứ Malla hay tin ấy lấy làm buồn rầu nên than khóc vang lên, nhưng cũng không quên lo sửa sang vật liệu đem đến cúng dường. Những vị ấy kể lể rằng: Thật đáng tiếc thay! Đức Đại Từ Bi là đấng cha lành vội nhập Niết bàn bỏ đàn con khờ dại lại làm mồi cho Ma vương ác quỉ, ngọn đuốc soi đường cho nhân loại sắp tắt. Quí Ngài vào đến nơi đảnh lễ đức Thế Tôn.

Khi ấy có người ngoại đạo tên là Subhadda được nghe tin rằng đức Chánh đẳng Chánh giác sắp nhập Niết bàn. Ông mới nghĩ: Ông đại Sa môn Cồ Đàm sẽ nhập diệt canh chót đêm nay. Ta phải đến để hỏi những nghi vấn của ta từ bấy lâu nay trước giờ ông nhập diệt. Ông ngoại đạo Subhadda lật đật đến nơi Phật ngự, nói với Đại Đức Ananda rằng: Thưa ông, tôi muốn vào yết kiến ông đại Sa môn Cồ Đàm để hỏi những sự nghi ngờ trong lòng tôi.

Đại Đức Ananda nghĩ: Lẽ thường bọn ngoại đạo là người ngoan cố chấp lấy cái hiểu biết của mình không bao giờ biết phục thiện. Ông ta sẽ hỏi nhiều điều làm cho đức Thế Tôn giải đáp càng thêm mệt nhọc. Ngài liền bảo rằng: Nầy ông Subhadda ơi! Ông không nên đến làm bận đức Thế Tôn giờ phút chót, hiện giờ Ngài đang mệt nhọc. Ngài Đại Đức đứng chận nơi ra vào không cho ông vào, nhưng ông ta không nản lòng một mực yêu cầu xin cho được vào yết kiến Phật lần cuối cùng. Ông yêu cầu bằng nhiều lượt nhưng không đắc thành sở nguyện.

Khi ấy đức Thế Tôn được nghe hai vị bàn cãi với nhau nên Ngài bảo đức Ananda rằng: Ananda ơi, ngươi không nên ngăn cản Subhadda. Sở dĩ Như Lai không nại khổ cực đường sá xa xuôi đến nhập diệt nơi đây không có chi hơn là độ Subhadda, vậy ngươi nên để Subhadda vào hầu Như Lai.

(Nơi đây chúng ta là đệ tử Phật thì ai cũng chẳng nhìn thấy lòng đại từ bi của Ngài đối với chúng sanh mặc dầu giờ phút cuối cùng không còn mấy giờ và đang lâm trọng bịnh cũng vẫn cố độ đời).

Đức Ananda vâng lời để cho ông Subhadda vào hầu Phật. Khi vào đến nơi đảnh lễ Phật xong ngồi nơi phải lẽ rồi hỏi Phật: Bạch Ngài đại Sa môn Cồ Đàm. Tất cả các vị Sa môn, Bà la môn và sáu vị Tổ sư của sáu giáo phái lớn hiện nay hằng nói rằng: Ta là Sa môn. Vậy những vị ấy có hành đúng theo đường lối của Ngài, hay những người ấy có đường lối riêng khác hơn của Ngài, hoặc giả có nơi khác nhau và cũng có chỗ giống nhau. Vậy những vị ấy có thể giải thoát khỏi luân hồi khổ không?

- Nầy thầy Subhadda, ngươi chẳng nên hỏi đến những điều của các giáo pháp khác, người nên cố để tâm trong sạch nghe pháp của Như Lai dạy ngươi. Pháp hành của Như Lai đúng đắn theo đường lối giải thoát là Bát chánh đạo. Người thấy hiểu rõ Bát chánh đạo bằng Tuệ nhãn rồi là người đã đắc Tu-đà-hườn quả, là bực Sa môn hạng Dự lưu hay cũng gọi là hạng sơ khởi. Rồi hành cho đắc được Tư đà hàm quả là hạng Sa môn bực nhì, đến bực A na hàm là hạng Sa môn bực ba, đến A-la-hán là hạng Sa môn bực tư. Nầy Subhadda , khi nào còn các vị Sa môn hay Bà la môn là hạng Tỳ khưu trong Phật giáo hành chân chánh ráo rốt theo Bát chánh đạo, có thể nhờ sự hành chân chánh ấy đắc được A-la-hán quả thì có thể gọi là thế gian còn có bực Sa môn nhứt, nhì, ba, tư. Và không có nhân vật nào có thể giải thoát (nếu không hành theo Bát chánh đạo).

Khi ông nghe đức Thế Tôn dạy tâm ông rất trong sạch nên phỉ lạc phát sanh rất dũng mãnh, đảnh lễ đức Thế Tôn và bạch: Bạch Ngài Cồ Đàm là đấng cao quí nhứt dòng Thích Ca. Pháp bảo mà Ngài đã dạy tôi thật là pháp giải thoát và cao quí nhất không còn chi sánh bằng. Chính tôi là kẻ ngu ngốc tối mê nên không thể thông hiểu từ lâu, và cũng chẳng nghe pháp của Ngài là pháp có đủ phương tiện độ đời khỏi khổ. Ông liền xin cho ông xuất gia, đức Thế Tôn dạy Đại Đức Ananda làm lễ xuất gia cho ông. Chính đức Thế Tôn dạy thiền định cho ông. Ông dùng trí tuệ quan sát ba tướng là Vô thường, Khổ não và Vô ngã, đắc A-la-hán quả cả tuệ Phân tích trước khi đức Thế Tôn nhập diệt.

Trong chú giải có để câu hỏi: Tại sao vị Tỳ khưu Subhadda đắc A-la-hán quả sau rốt đến lúc đức Thế Tôn sắp nhập diệt?

Đáp: Lúc quá khứ trong một gia đình kia có hai anh em; cả hai đều có đức tin làm phước nhứt là bố thí. Người anh có cúng dường vật thực đến hai vị đại đệ tử chánh thức đến chín lần. Khi làm ruộng hai anh em làm chung nhau. Đến khi lúa vừa ngậm sữa đồng đồng thì người anh nói với em rằng: Anh sẽ đem lúa đang ngậm đồng đồng ra xay lấy nước ấy nấu với sữa và đường mật cúng dường đến chư Tăng có đức Thế Tôn làm chủ tọa. Khi ấy nhằm thời kỳ của đức Thế Tôn có hồng danh là Padumuttara. Người em nghe anh nói vậy không bằng lòng vì sợ hao lúa, nên hai anh em phải chia ruộng ra mà làm. Người anh làm theo ý muốn của mình, và sau ấy ông còn làm chín thứ cốm dẹp cúng dường cho chư Tăng chín lần có đức Thế Tôn làm tọa chủ.

Còn người em thì đợi đến bao giờ gặt hái xong mới bố thí. Vì vậy nên đến thời kỳ đức Thế Tôn của chúng ta hiện tại, người anh sanh lại là Đại Đức Kiều Trần Như đắc A-la-hán quả trước nhứt. Còn người em sanh lại là ông Subhadda đắc quả sau hết.

Sau khi dạy thiền định cho ông Subhadda xong, đức Thế Tôn dạy đạo cho chư Tăng. Riêng Đại Đức Ananda càng nghe lời giảng dạy của đức Thế Tôn càng thấy lòng mình đau khổ vì Ngài đinh ninh rằng Ngài sẽ mất người thân yêu kính mến nhứt đời Ngài, Ngài nghĩ: Nếu ta than khóc gần nơi Phật ngự; làm cho đức Thế Tôn không được an lòng; tốt hơn ta tìm nơi vắng vẻ khóc than. Nghĩ xong Ngài ra khỏi nơi chư Tăng đang nghe lời giáo huấn. Ngài liền đến nơi một cánh cửa xa vắng tay vịn ngạch cửa khóc than: Thật ta là người vô phước đã theo hầu Phật từ lâu ví như bóng với hình đến giờ ta vẫn còn trong hàng Hữu học (Người đắc từ Tu-đà-hườn trở lên tới A na hàm là hạng hữu học, ý nói học để đến quả A-la-hán mới là hạng vô học, nghĩa là đến nơi giải thoát khỏi học hành gì nữa). Phận sự của người xuất gia ta chưa hành xong mà đức Thế Tôn vội bỏ ta lại nhập Niết bàn. Ngài đành bỏ Ananda lại trên đời nầy bơ vơ một mình, bắt đầu từ sáng mai nầy Ananda dâng nước cho ai súc miệng, trải tọa cụ cho ai ngồi? Mang vật dụng cho ai?

Khi đức Thế Tôn thuyết pháp không thấy có Đại Đức Ananda trong hàng Tăng chúng, Ngài mới hỏi: Ananda đi đâu vắng?

Chư Tăng đáp: Bạch đức Thế Tôn, Đại Đức Ananda níu ngạch cửa than khóc rất thảm thương.

Đức Thế Tôn dạy đi gọi Ananda vào. Đức Thế Tôn dạy Ngài Ananda rằng: Ananda ơi, người không nên buồn rầu khóc lóc than van, Như Lai đã dạy ngươi rồi: Lẽ cố nhiên của các pháp hành là thường xa lìa các nhân vật thương yêu. Các pháp đều là vô thường. Hơn nữa Ananda là người đệ tử hầu cận ta từ lâu, sự hầu cận giúp đỡ một đấng Giáo chủ như Như Lai sẽ không có lợi ích chi hết. Ananda nầy, người đã có đào tạo Ba la mật rất nhiều từ ngàn xưa, ngươi chẳng nên than khóc đau buồn hãy rán cố tinh tấn đừng dễ duôi, không bao lâu thì ngươi sẽ diệt được phiền não, ngươi sẽ đắc A-la-hán quả khi kết tập Tam tạng lần thứ nhứt (sau khi Như Lai nhập diệt ba tháng).

Khi trời rựng sáng hào quang sáu màu bao quanh mình đức Thế Tôn một sải tay càng chói ngời rực rỡ khác thường. Đức Thế Tôn hỏi Đại Đức Ananda rằng: Lúc nầy là canh mấy rồi?

- Bạch đức Thế Tôn, trời rựng sáng rồi.

- Ngươi nên hội chư Tăng lại đây.

- Bạch đức Thế Tôn, chư Tăng đã hội nơi đây rồi.

Khi ấy đức Thế Tôn dạy rằng: Nầy chư Tăng, hiện nay khi Như Lai còn tại thế Như Lai là thầy của các ngươi. Sau khi Như Lai nhập định rồi thì còn có tám muôn bốn ngàn pháp môn là thầy của các ngươi thay Như Lai để dạy bảo các ngươi. Các ngươi đừng bao giờ nghĩ rằng: Khi Như Lai nhập diệt thì Pháp bảo cũng tiêu diệt, không phải là thầy ta. Nhưng trái lại những pháp luật mà Như Lai đã giáo truyền, pháp luật ấy lại là thầy các ngươi sau khi Như Lai đã nhập diệt.

Rồi đức Thế Tôn mới chia ra những điều luật như điều nầy vô tội, điều kia có tội vì phạm vào điều cấm của Phật, điều nọ có tội vì phạm vào điều cấm của chính phủ. Điều nầy có tội không phải phạm vào điều luật của Chánh phủ mà vì phong tục của người đời. Điều nầy có tội vì phạm vào pháp luật của Phật mà theo luật của chánh phủ cũng phạm. Chẳng hạn buôn lậu, hay chạy đồ quốc cấm giùm cho một người nào lợi dụng nhà Sư. Còn phạm vì người đời chỉ trích hay vì phong tục là như nhà sư vào ăn trong tiệm, hay hàng cơm. Khi có người tín đồ thấy hay không phải tín đồ chỉ trích rằng: Người xuất gia mà vào ăn trong các nơi nầy coi không được. Hay người ta mà dùng đồ của người thế tục những vật ấy khi Phật còn tại thế không có, vì vậy trong luật không có để, nhưng khi thầy Tỳ khưu dùng có người chỉ trích rằng: Các bực xuất gia dùng đồ ấy coi không được. Điển hình như dùng máy chụp ảnh. Thật không thích hợp với các bực xuất gia. Nói tóm lại người xuất gia không nên dùng những gì như người cư sĩ. Vì người xuất gia là người đi ngoài vòng tục lụy. Kể từ hành động như nói, cười cũng có khác hơn người cư sĩ.

Đức Thế Tôn có dạy: Sau khi Như Lai nhập diệt pháp luật là thầy của các ngươi. Các ngươi nên ở dưới cội cây hay nhà thanh vắng hành Minh sát tuệ, không nên làm điều gì mà có sự hối tiếc về sau. Nên giữ Tứ thanh tịnh giới cho thật trong sạch, nên dùng trí tuệ quan sát thấy các pháp hành đáng kinh sợ và sợ sự luân hồi.

Sau khi dạy xong đức Thế Tôn muốn nhắc chư Tăng nên kính trọng Pháp bảo nên Ngài có dạy câu cuối cùng rằng: AMANTAYÀMI VO BHIKHAVE v.v... Nghĩa: Như Lai xin giã biệt các thầy nhập Niết bàn. Nầy các thầy Tỳ khưu, các pháp hành hằng có sự tiêu diệt về ngày vị lai, các thầy nên giữ mình cho trong sạch bằng pháp không dễ duôi. Đây là lời cuối cùng của đức Đại Giác.

Sau khi dạy xong câu ấy đức Thế Tôn liền nhập Tứ thiền Hữu sắc bắt đầu từ Sơ thiền trở lên, khi xuất Tứ thiền Hữu sắc liền nhập vào Sơ thiền Vô sắc lần lên đến Tứ thiền Vô sắc lại trở ngược lại Tam thiền Vô sắc, tới Sơ thiền Vô sắc lại vào Tứ thiền Hữu sắc, Ngài trở ngược xuôi như vậy sau lại đến Tứ thiền Vô sắc ra Tứ thiền Vô sắc, Ngài liền nhập đại định gọi là Diệt thọ Vô tưởng định.

Khi ấy Đại Đức Ananda hỏi Đại Đức Anuruddha rằng: Hiện giờ đức Thế Tôn ở nơi nào? Ngài nhập diệt chưa?

- Chưa, Ngài còn đang ở trong Diệt thọ Vô tưởng định.

Chú giải hỏi: Tại sao Ngài Đại Đức Anuruddha biết rõ đức Thế Tôn đang ở nơi nào?

Đáp: Ngài muốn biết đức Thế Tôn nhập diệt nơi nào nên Ngài theo coi. Vì vậy Ngài biết rõ từng mỗi chi tiết.

Đức Thế Tôn trở đi trở lại như thế đến lần chót Ngài nhập diệt ở khoảng giữa của Tứ thiền Hữu sắc và Vô sắc. Vì vậy nên Ma vương muốn biết Ngài nhập diệt nơi nào bằng cách nào không sao hiểu nổi.

Thiên thứ mười lăm nầy tôi viết theo chú giải. Quí vị muốn xem rõ xin xem quyển Phật Nhập Niết bàn cùng một soạn giả, quyển ấy có nhiều chi tiết rõ rệt hơn vì tôi dịch đúng theo bài kinh Đại Niết Bàn trong bộ Dighànikàya (Trường A Hàm).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]