Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Cốt tủy của kinh Lăng Nghiêm

04/08/201113:23(Xem: 10769)
2. Cốt tủy của kinh Lăng Nghiêm

CỐT TỦY CÁC KINH CĂN BẢN PHẬT GIÁO
Tác giả: Phổ Nguyệt

Tập II: Phát Triển

2.Cốt tủy của kinh Lăng Nghiêm

Thật ra muốn hiểu rõ các kinh Phật, chúng ta cần biết cách kết cấu của Tâm. Rõ ràng hơn hết khi đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật dạy chi tiết về các liên hệ của lục căn, lục trần, và lục thức, những thực tại tương đối biến đổi không thật, cũng như thực tại tuyệt đối thường hằng và bất biến. Cốt tủy của kinh Lăng Nghiêm được Phật giải rõ thế nào là Vọng Tâm và Chân Tâm, cũng như Pháp Môn Tu Chứng Lăng Nghiêm Đại Đinh. Tâm thức hay lục thức là sự kết hợp hổ tương với lục trần mới có lục thức. Lại n"a, Lục Nhập vốn là Như Lai Tạng, cũng là diệu tánh chơn như.

Lục Nhập, Phật chỉ rõ:

- Lại nữa, A Nan ! Sao nói Lục Nhập vốn Như Lai Tạng, cũng là diệu tánh chơn như?

Lấy một thí dụ, Nhãn Nhập Vốn Vô Sanh,

- Ví như dùng mắt ngó hẳn một chỗ, lâu tự mỏi mệt, cả con mắt và cái mỏi mệt đó, đều là tướng ngó lâu mỏi mệt của tánh Bồ Đề. Do hai thứ vọng trần Sáng và Tối hiện ra cái thấy, thu nạp cảnh trần, gọi là tánh thấy, cái thấy nầy lìa Sáng và Tối vốn chẳng có tự thể.

- A Nan nên biết ! Kiến tinh này chẳng từ sáng, tối ra, chẳng từ con mắt ra, cũng chẳng từ hư không ra. Tại sao? Nếu từ chỗ sáng ra, thì khi tối, kiến tinh đã theo sáng diệt, lẽ ra chẳng thể thấy tối; nếu từ chỗ tối ra, thì khi sáng, kiến tinh phải theo tối diệt, lẽ ra chẳng thể thấy sáng. Nếu từ con mắt ra thì chẳng có sáng tối, vậy biết kiến tinh chẳng có tự tánh. Nếu từ hư không ra, thì nhìn ra ngoài thấy cảnh trần, xoay về phải thấy con mắt lại, hư không tự thấy có liên quan gì chỗ nhập của ngươi? Vậy biết Nhãn Nhập hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

-Tánh của bổn thức rõ ràng chơn tri, (bổn giác vốn sáng tỏ là giác minh, phân biệt mà chẳng năng sở đối đãi là chân thức), diệu giác trạm nhiên, như như bất động, chẳng thể nghĩ lường được, đầy trùm pháp giới, hiển bày khắp mười phương hư không đâu có xứ sở, tùy theo nghiệp của chúng sanh biến hiện các cảnh giới hiện hữu. Người thế gian chẳng biết, lại mê lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên, ấy đều là do tâm thức phân biệt suy lường. Phàm là lời nói đều chẳng phải nghĩa thật. Vậy, tánh hư không cùng khắp, vốn chẳng lay động. Nên biết hiện tiền địa, thủy, hỏa, phong và hư không gọi là Ngũ Đại, támh chát viên dung, đều là Như Lai Tạng, vốn chẳng sanh diệt. (Quyển ba, HT. Thích Duy Lực dịch)

Từ Lục Nhập đến thập nhị xứ, mười tám giới cùng thất đại vốn vô sanh và tương quan lẫn nhau, Phật đã vạch rõ dòng tâm thức (lục căn, lục trần, lục thức cùng với địa, thủy, hoả,phong, không, kiến, thức đại) huyễn hóa như vậy, thì tánh giác (diệu tánh chơn như) đồng nghĩa với Như Lai Tạng. Như Lai Tạng, tánh thức minh tri chơn thức. Biết được rõ ràng chơn thức nghĩa là bổn tánh vốn chơn minh, lìa năng sở đối đãi, thường hằng, hiển bày khắp mười phương, bao la như hư không vô tận. Thí dụ Nhãn Nhập hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tư nhiên. Vì cái trở nên "Nhãn Thức" được kiến lập do sự hòa hợp Nhãn Căn và Sắc Trần, là Tâm Thức, là tướng hư không của Sắc Trần. Tướng hư không của Sắc Trần được được thu nhận bởi Tâm Thức để nhập vào Như Lai Tạng hay Hư Không Vô Tận, tuy thể hư không ấy cũng đồng thể tánh của hư không vô tận, nhưng nó còn giới hạn ở Nhãn căn. Vậy khi Nhãn căn chưa hòa nhập vào Như Lai Tạng thì nó là tướng không, thay đổi tùy theo nghiệp duyên sẳn có của bản thân Sắc Trần. Chúng ta đã nhận xét rằng không có vật chất nào hiện hữu độc lập, dù nó nhỏ như hạt tử hoặc lớn như quả núi. Vạn vật chỉ hiện hữu một cách tương đối, trong sự tương quan với những vật khác. Cũng vì thế có thể biết được Tâm Thức không có thực thể. Nếu đối tượng không có thật, thì tâm cảm nhận nó cũng không có thật. Những khoảnh khắc tri thức này theo thời gian thì nó lôi kéo và dằn co giữa trí và thức mà thành tư tưởng, và nếu khoảnh khắc tri thức đó không lập lại và xa lìa ngay (vô thời gian) thì ta có tri thức nguyên thủy. Vì tánh hư không của đối tượng nhập vào tánh hư không vô tận thì Thực tại ấy toàn diện, là chân lý tối hậu. Vậy, một khi Nhãn Căn hòa nhập vào Như Lai Tạng thì chẳng còn năng sở, lúc ấy chẳng phải nhân duyên hay chẳng tự nhiên mà có diệu tánh chơn minh, là Tánh Gíac hay Tánh của Hư Không Vô Tận là do sự tương quan lẫn nhau vậy.

Thật vậy, để chúng ta hiểu rõ tâm thức và chơn tâm hay diệu tánh chơn như, và sự phân biệt vọng tâm và chơn tâm thì rất dễ dàng trong việc tu pháp môn Lăng Nghiêm Đại Định. Phân tích Tâm Thức và Chơn Tâm qua sự phối hợp lục căn, lục trần và lục thức tương quan lẫn nhau, chúng ta thấy: Ngay cả lục nhập Như Lai Tạng thì chúng đã là hư không. Như đã biết trong kinh Phật dạy, "Lục Nhập vốn là Như Lai Tạng cũng là Diệu Tánh Chơn Như". Mỗi căn trần thức có thể tánh không của hư không hay tướng hư không khi nhập vào Như Lai Tạng (Hư Không Vô Tận hay Thiệt Hư Không bao la vô giới hạn) thì biến thành Diệu Tánh Chơn Như (Tánh Giác). Thí dụ, Nhãn nhập hư vọng vốn chẳng phải tánh nhân duyên cũng chẳng phải tánh tự nhiên. Vì nhãn căn có thể hư không hợp với thể hư không của Sắc trần, được tâm thu nạp bằng Tánh Thấy nên ta có Nhãn Thức hay Tâm thức. Thể hư không của Nhãn căn, Sắc trần hay Nhãn thức thì hư vọng và biến đổi theo căn trần thức (vì giới hạn ở các căn, có thể gọi thể hư không của các căn là "Hư Không Giới Hạn"), nhưng Tánh Thấy chẳng sanh diệt của diệu tâm sáng tỏ, thường hằng, tròn đầy khắp thế giới hợp với Như Lai Tạng tức là "Hư Không Vô Tận". Tánh hư không vô tận cùng khắp, vốn chẳng lay động. Nên biết hiện tiền địa, thủy, hỏa, phong và hư không gọi là Ngũ Đại, tánh chất viên dung, đều là Như Lai Tạng, vốn chẳng sanh diệt. Hiểu được Tánh Giác, "ta dùng tánh chẳng sanh diệt của diệu tâm sáng tỏ đồng với Như Lai Tạng, vì Như Lai Tạng chỉ duy nhất một diệu tâm sáng tỏ, tròn đầy chiếu khắp pháp giới, nên ở trong đó, một là vô lượng, vô lượng là một, trong nhỏ hiện ra lớn, trong lớn hiện ra nhỏ, đạo tràng chẳng động mà khắp mười phương thế giới, thân thể bao hàm vô tận hư không, nơi đầu một mãi lông hiện ra cõi Phật, ngồi trong vi trần chuyển đại pháp, nghịch cảnh trần, hợp giác tánh, nên hiện ra tánh Chơn Như sáng tỏ của diệu tâm." Do vậy muốn tu theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, nghe lời Phật dạy:

- A Nan ! Nay ngươi muốn ngược dòng sanh tử, trở về nguồn gốc của lưu chuyển, đến chỗ chẳng sanh diệt, thì nên xét kỹ sự thọ dụng của lục căn này, cái nào hợp, cái nào lìa; cái nào sâu, cái nào cạn; cái nào viên thông, cái nào chẳng viên thông. Nếu ngươi ngay nơi những căn này ngộ được căn nào viên thông, nương theo căn viên thông đó mà xoay ngược dòng nghiệp hư vọng từ vô thỉ thì so với các căn khác, hiệu quả gấp nhiều lần, một ngày bằng một kiếp. (Quyển bốn, HT. Thích Duy Lực dịch)

Trong quyển năm và sáu, Phật đã dạy, căn trần cùng gốc, thắt mở chẳng hai, tánh thức hư vọng như hoa đố trên không. A Nan , do trần phát tri, vì căn kiến tướng, kiến và tướng chẳng có tự tánh, như những cây sậy gác vào nhau, cho nen ngươi nay lập tri kiến thành tri, tức là căn bản của vô minh, nếu đối với tri kiến chẳng chấp tri kiến ( Biết cái tri kiến = Tri thức), ấy tức là Niết Bàn, trong sạch vô lậu, làm sao trong đó còn có thể dung nạp vật khác.

Khi quyết định tu hành, phải nghe rõ lời Phật dạy:

Phật bảo A Nan:

- Người thường nghe ta giảng ba nghĩa quyết định sự tu hành trong Luật Tạng, ấy là Nhiếp tâm thành giới, từ giới sanh định, từ định phát huệ, gọi là ba vô lậu.

- A Nan ! Làm sao nhiếp tâm gọi là giới?

- Nếu chúng sanh lục đạo trong thế giới, tâm chẳng dâm dục, thì chẳng theo dòng sanh tử tương tục.

- Người chánh định, cốt để ra khỏi trần lao, nếu tâm dâm dục chẳng trừ thì chẳng thể ra khỏi, dẫu cho có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu chẳng đoạn dâm, ắt lạc vào ma đạo, hạng trên thành ma vương, hạng giữa thành ma dạn, hạng dưới thành ma nữ. Bọn ma kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng đã thành đạo vô thượng, sau khi t diệt độ, trong đời mạt pháp, bọn ma dân này sôi nổi trên thế gian, thịnh hành tham dâm, tự xưng là Thiện tri thức, khiến chúng sanh sa vào hầm ái kiến, lạc mất đạo Bồ Đề.

Lời Phật dạy thật chí lý, chúng ta thử xét qua phần tâm lý học, Dục Tình, hay Tính Dâm của Freud. Trong lúc Freud hoạch định những vùng của Trí, ông cố xác định những phương pháp năng lực hóa, tập trung, di chuyển và ngay cả chận lại ánh sáng lóe lên của ý thức. Freud lựa chọn thân thể liên tục tạo ra năng lưc tinh thần, cũng như máy phát điện liên tục sản xuất ra điện năng. Freud gọi điện năng tinh thần này là dục tình và ông tin rằng nó là lực thúc đẩy các khả năng của tất cả tư tưởng, tình cảm và tư cách của chúng ta. Sự xây dựng dục tình tạo nên trạng thái xu hướng đau khổ, nó ép buộc chúng ta trở thành hiểu biết một vài nhu cầu không được thỏa mãn. Lúc đó chúng ta nhắm tới tập trung vào những hoạt động sẽ cho chúng ta giải thoát năng lực đè nén đó mà giảm trừ được xu hướng. Như vậy năng lực dục tình ảnh hưởng đến Tư Tưởng, tình cảm, và hoạt động của chúng ta. (Thực Tại và Chí Đạo, 2002, Phổ Nguyệt) Tánh dục hay dâm dục hiện hữu thường trực trong thân ta như vậy, nên ta phải làm sao ổn định nó như Phật căn dặn chúng ta giữ giới luật này cẩn thận, thì mới có thể tìm về tánh giác được trọn vẹn.

Xác định lại, Phản văn bản tánh văn:

Nếu chấp cái nghe là thật, thì nghe ngoài phải nghe trong, không nghe động phải nghe tịnh. Nghe trong, ngoài, động, tịnh. đèu là bỏ gốc theo ngọn, nên gọi là cái nghe điên đảo. Xoay cái nghe điên đảo này về chánh, chánh thì chẳng có năng văn, sở văn, tức là bản lai diện mục, cũng là tánh Văn này, liền thành vô lượng Bồ Đề. Thật vậy, nhắc lại quyển hai Phật đã nói rõ hai chữ kiến kiến nghĩa là thấy cái thấy vì cái thấy chỉ là tâm thức hay biết (Trí) cái thấy của tâm thức là ta đã chuyển thức thành trí rồi, vì bản kiến bản giác chẳng ở trong bịnh (năng sở) mới gọi là kiến kiến, tức là kiến tánh, nhưng còn phải lìa kiến (kiến do ly kiến hay Kiến bất năng cập) mới giữ trọn vẹn bản giác.

Thật sự qua cái nhìn của chân lý tuyệt đối, lúc đầu Phật dùng cái thấy (năng tri) qua nhãn thức để nói là chơn tâm, nhưng sau Ngài xác nhận rằng cái thấy không phải là chơn tâm vì cái thấy do cảm quan nhận thức, nên đối tượng mà giác quan nhận thức là thực tại giả lập mà thôi. Nên Phật và Bồ Tát xác nhận lại như trong tánh nghe "Nghe lại tánh Nghe của mình hay Thấy lại Tánh Thấy của mình." Đó là trực nhận thực thể qua tánh nghe hay tánh thấy, và các căa khác cũng vậy.

Nên nhớ:

" Nhận thức niệm đầu của trần cảnh, ta có chơn thức (cũng còn thuộc về tâm thức); liền đó ta tri nhận chơn thức đó thì có được Tri Thức Nguyên Thủy và xa lìa nó ngay (vô thời gian)" Tri Thức Nguyên Thủy đó hay Chơn Trí, còn Gọi là Chơn Tâm hay Bản Giác. Thí dụ, chúng ta thấy con bò (thấy này là Tâm thức), chúng ta Biết có tánh thấy, lập tức xa lìa cái biết đó. Đối với lục trần chúng ta thể hiện như vậy, còn khi tâm suy nghĩ vẩn vơ hay tư duy điều gì ta liền biết đó là tưởng thức, thôi xa lìa nó mgay. Như thế gọi là "Phản văn bản tánh văn," hay là Tĩnh Giác vậy.

Phải nhớ lại: Tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh chạm, và tánh ý là lục thức hay là tâm thức. Biết (Cognize) lại Tâm Thức (Perception) mới có được Giác Trí hay Tâm Trí (Cognition), vì có thời không nên tâm trí gọi là thường trí (Usual Cognition) hay là tâm phàm tình (Common Mind), vì Thức và Trí kiên hợp: Tư Tưởng. Chơn Trí (Pure Cognition) là cái dụng của ChơnTâm (True Mind), vô thời không.

Pháp Môn Tu Chứng Lăng Nghiêm Đại Định là một phương pháp Tĩnh Giác trong tứ oai nghi.

Trong các quyển bảy, tám, chín và mười trong kinh Kim Cang, Phật dạy tu chứng Lăng Nghiêm và vạch rõ những tác hại phải tránh hay là giới luật phải nghiêm minh. Tu chứng Lăng Nghiêm Đại Định là pháp môn rốt ráo như Thiền Đốn Ngộ, nhưng có thể thực hành trong tứ oai nghi. Tu Pháp Tam Ma Địa là pháp môn vi diệu với sự nhiếp tâm miên mật và liên tục bất thối chuyển. Trong cách nhiếp tâm, người cầu đạo Bồ Đề trước tiên phải giữ luật nghi trong sáng như băng tuyết, giữ kỹ giới chẳng bỏ sót, tâm còn chẳng duyên theo lục trần, thì tất cả ma sự làm sao sanh khởi được.

Người đời tu Tam Ma Địa, trước nhất phải dứt dâm dục, Phật bảo:

- A Nan! Nếu chẳng dứtdâm dục mà tu thiền định, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dù trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chỉ là cát nóng. Tại sao? Vì cát vốn chẳng phải là cơm vậy. Nếu thân dâm mà cầu diệu quả của Phật, dẫu được khai ngộ cũng chỉ là gốc dâm; cội gốc đã thành dâm thì phải trôi lăn trong tam ác đạo, chẳng thể thoát khỏi, vậy làm sao có thể tu chứng đạo Niết Bàn ! ?t phải khiến thân tâm đều dứt hết sự dâm, cả cái dứt cũng chẳng có, thì mới có thể hy vọng chứng quả Bồ Đề.

- Mười cảnh giới thiền định đều do Tưởng Ấm và dụng tâm giao tranh lẫn nhau mà hiện ra, nhưng chúng sanh ngu mê, chẳng tự xét kỹ, gặp nhân duyên này mà chẳng tự biết, nói là chứng tánh, thành đại vọng ngữ, đọa ngục A Tỳ.

Tóm lại, lời nói của Phật chẳng có hư vọng. Phật dạy rõ ràng và quá chi tiết về Tâm. Nên phân biệt kỹ lư"ng thế nào là vọng tâm, và chơn tâm, động và tịnh. Bản chất lục căn, lục trần, tướng không của chúng thật sự có sẳn, và hiện hữu đồng thời với nhau trong hư không và chẳng có nhân duyên nào là chủ yếu, cũng chẳng phải tự nhiên chúng được thu nhận bởi lục thức hay tâm thức; do khi lục căn và lục trần hòa hợp với nhau mà thành lập, cũng như chẳng phải tự nhiên chúng ta nắm bắt được bản giác mà phải tri nhận tâm thức vừa hòa hợp bởi căn trần. Trong kinh Lăng Nghiêm chủ đích của Phật muốn chỉ cho hội chúng biết mọi người đều có tánh giác trong sáng, gọi là Tánh Giác Diệu Minh (Diệu Tánh Chơn Như) hay Như Lai Tạng hay Chơn Tâm... Sáu căn là gốc luân hồi, sáu căn cũng là gốc giải thoát. Trong cái thấy biết của sáu căn, chạy theo phân biệt là gốc vô minh, trong cái thấy vô phân biệt là Niết Bàn. Đó là con đường trở về Tánh Giác. Vậy Tu Chứng Thủ Lăng Nghiêm Đại Định, theo HT. Thích Huệ Hưng phỏng dịch, là hợp lý, "Vả lại, cảnh là pháp trần, tâm sanh phân biệt, cảnh và tâm không thể rời nhau, mà tự cho là thanh tịnh, kỳ thật toàn là hư vọng loạn động và hư chuyển. Nếu định có xuất có nhập, đều thuộc vi tế phân biệt, chỉ nương vào vi tế phân biệt đó để duy trì cảnh tịch tịnh kia, một khi không phân biệt nữa, cảnh tịch định liền mất, gọi là xuất định. --Đó là nguyên nhân cố gắng cư"ng ép tâm thức sanh diệt để cho yên định, sự thật chưa tỏ ngộ được chơn tâm bất động sẵn có, đã nhận lầm giả tưởng là chơn thật.-- Tu LĂNG NGHIÊM ĐAI ĐINH không thể như vậy." Cho nên, tu Lăng Nghiêm hành gỉả, phải giữ giới luật nghiêm minh, đặc biệt là tâm chẳng dâm dục,hoặc chỉ có tâm chú, nghĩa là khi niệm thầm thần chú, ta biết có niệm thức, hoặc giả, trong tứ oai nghi lúc nào cũng tĩnh giác. Phật dạy đầu tiên pháp thiền Tam Ma Đề, gọi là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Vương, là đường lối vi diệu trang nghiêm, cũng là pháp môn đưa đến giải thoát cuối cùng của mười phương Như Lai. Chúng sanh từ vô thủy đến nay, sanh tử liên tục, chỉ vì chẳng biết chơn tâm thường trụ, thể tánh trong sạch sáng tỏ, lại nương theo vọng tưởng, vọng tưởng chẳng chơn nên có luân hồi. Mười phương chư Phật cùng một đạo lìa khỏi sanh tử đều do trực tâm, vì tâm hạnh và lời nói ngay thẳng, như thế từ đầu đến cuối, cho đến các ngôi bậc, ở khoảng giữa chẳng có các tướng quanh co. Cho nên:

- Tri thức đúng cái tri thức sai lầm của chủ khách (nhị nguyên) là giải thoát mọi phiền não, nhân duyên chằng chịt, cũng là tự giác và giác tha.

- Hành trình đi đến chân nguyên là sự miên mật "Thắp sáng hiện hữu" trong từng khoảnh khắc sống tĩnh giác với "Tâm bình thường", an nhiên tự tại.

- Nắm bắt được thực tướng của vạn hữu là sự vượt khỏi thời không làm cho Tâm trở nên trong sáng thanh thản, tức là giải thoát khổ đau, nhân quả luân hồi.

(Thực Tại và Chí Đạo, 2002, Phổ Nguyệt)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]