Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Quán Hơi Thở: Thiền Đốn Ngộ của PG Nguyên Thủy

04/08/201113:23(Xem: 9998)
12. Quán Hơi Thở: Thiền Đốn Ngộ của PG Nguyên Thủy

CỐT TỦY CÁC KINH CĂN BẢN PHẬT GIÁO
Tác giả: Phổ Nguyệt

Tập I: Nguyên Thủy

12. Quán Hơi Thở: Thiền Đốn Ngộ của PG Nguyên Thủy

Trong các loại thiền và pháp quán tứ niệm xứ, pháp hơi thở là ưu việt nhất. Đó là loại thiền đốn ngộ, quán thẳng vào thân tâm pháp một cách sáng suốt và không có kẻ hở để cho mọi vọng tưởng xen vào. Hơi thở là đầu mối duy trì của sự sống và là nhân duyên sanh diệt của chúng sinh. Cho nên quán hơi thở đúng cách là không những tạo cho thân tâm được an tịnh mà là còn giải thoát khỏi đám mây mù của tâm thức vốn mang nhiều hệ lụy sanh tử luân hồi từ nghiệp thức.

I. Tàng Thức: Nơi Chứa Nghiệp Thức

Ý nghĩa của Nghiệp

Nghiệp là một trong các giáo lý căn bản của Phật giáo. Mọi việc khổ vui, ngọt bùi trong hiện tại của chúng ta đều do nghiệp của quá khứ và hiện tại chi phối. Hễ nghiệp lành thì được vui, nghiệp ác thì chịu khổ. Vậy nghiệp là gì? Nghiệp theo chữ Phạn là ‘karma’ có nghĩa là hành động và phản ứng, quá trình liên tục của nhân và quả. Luân lý hay hành động tốt xấu (tuy nhiên, từ ‘nghiệp’ luôn được hiểu theo nghĩa tật xấu của tâm hay là kết quả của hành động sai lầm trong quá khứ) xảy ra trong lúc sống, gây nên những quả báo tương ứng trong tương lai. Cuộc sống hiện tại của chúng ta là kết quả tạo nên bởi hành động và tư tưởng của chúng ta trong tiền kiếp. Đời sống và hoàn cảnh hiện tại của chúng ta là sản phẩm của ý nghĩ và hành động của chúng ta trong quá khứ, và cũng thế các hành vi của chúng ta đời nay, sẽ hình thành cách hiện hữu của chúng ta trong tương lai. Nghiệp có thể được gây tạo bởi thân, khẩu, hay ý; nghiệp có thể thiện, bất thiện, hay trung tính (không thiện không ác). Tất cả mọi loại nghiệp đều được chất chứa bởi A Lại Da và Mạt Na thức (hay gọi là Tàng Thức). Chúng sanh đã lên xuống tử sanh trong vô lượng kiếp nên nghiệp cũng vô biên vô lượng. Dù là loại nghiệp gì, không sớm thì muộn, đều sẽ có quả báo đi theo. Không một ai trên đời nầy có thể trốn chạy được quả báo: Như trên đã nói, nghiệp là sản phẩm của thân, khẩu, ý, như hạt giống được gieo trồng, còn quả báo là kết quả của nghiệp, như cây trái. Khi thân làm việc tốt, khẩu nói lời hay, ý nghĩ chuyện đẹp, thì nghiệp là hạt giống thiện. Ngược lại thì nghiệp là hạt giống ác. Chính vì vậy mà Đức Phật dạy: “Muốn sống một đời cao đẹp, các con phải từng ngày từng giờ cố gắng kiểm soát những hoạt động nơi thân khẩu ý chớ đừng để cho những hoạt động nầy làm hại cả ta lẫn người.”

Nghiệp và quả báo

Nghiệp và quả báo tương ứng không sai chạy. Giống lành sanh cây tốt quả ngon, trong khi giống xấu thì cây xấu quả tệ là chuyện tất nhiên. Như vậy, trừ khi nào chúng ta hiểu rõ ràng và hành trì tinh chuyên theo luật nhân quả hay nghiệp báo, chúng ta không thể nào kiểm soát hay kinh qua một cuộc sống như chúng ta ao ước đâu. Theo Phật Pháp thì không có thiên thần quỷ vật nào có thể áp đặt sức mạnh lên chúng ta, mà chúng ta có hoàn toàn tự do xây dựng cuộc sống theo cách mình muốn. Nếu chúng ta tích tụ thiện nghiệp, thì quả báo phải là hạnh phúc sướng vui, chứ không có ma quỷ nào có thể làm hại được chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta gây tạo ác nghiệp, dù có lạy lục van xin thì hậu quả vẫn phải là đắng cay đau khổ, không có trời nào có thể cứu lấy chúng ta.

Nghiệp đi vào tiềm thức như thế nào-: Khi chúng ta hành động, dù thiện hay ác, thì chính chúng ta chứng kiến rõ ràng những hành động ấy. Hình ảnh của những hành động nầy sẽ tự động in vào tiềm thức của chúng ta. Hạt giống của hành động hay nghiệp đã được gieo trồng ở đấy. Những hạt giống nầy đợi đến khi có đủ duyên hay điều kiện là nẩy mầm sanh cây trổ quả. Cũng như vậy, khi người nhận lãnh lấy hành động của ta làm, thì hạt giống của yêu thương hay thù hận cũng sẽ được gieo trồng trong tiềm thức của họ, khi có đủ duyên hay điều kiện là hạt giống ấy nẩy mầm sanh cây và trổ quả tương ứng.(TĐVATP)

II. Giải Thoát Nghiệp Thức.

Làm thế nào để chúng ta triệt tiêu nghiệp? - Đức Phật dạy nếu ai đó đem cho ta vật gì mà ta không lấy thì dĩ nhiên người đó phải mang về, có nghĩa là túi chúng ta không chứa đựng vật gì hết. Tương tự như vậy, nếu chúng ta hiểu rằng nghiệp là những gì chúng ta làm, phải cất chứa trong tiềm thức cho chúng ta mang qua kiếp khác, thì chúng ta từ chối không cất chứa nghiệp nữa. Khi túi tiềm thức trống rỗng không có gì, thì không có gì cho chúng ta mang vác. Như vậy làm gì có quả báo, làm gì có khổ đau phiền não. Như vậy thì cuộc sống cuộc tu của chúng ta là gì nếu không là đoạn tận luân hồi sanh tử và mục tiêu giải thoát rốt ráo được thành tựu. (TĐVATP)

Những dòng tâm thức nhiều đời chồng chất trong Vô thức hay Tàng thức (A-lai-Da thức, Mạt- Na thức). Hoạt động vô thức gồm có: hoạt động của thận gan, tim, phổi và hơi thở nhất là tim và hơi thở rõ rệt hơn hết. Thiền hơi thở là rữa sạch dòng tâm thức tối ưu.

III. Quán Hơi Thở: Môt Pháp Thiền Đốn Ngộ.

Thật vậy, hơi thở là sợi dây nối liền giữa Vô Thức và Ý Thức. Nó có thể từ vô thức lôi ra những dòng tâm thức ứ động nhiều đời nhiều kiếp làm cho tâm trở nên trong sáng. Quán hơi thở là một pháp thiền đốn ngộ từ nguyên thủy vì nó rốt ráo không dính thêm mọi tư duy và quán tưởng như các loại thiền khác. Trong Đại Kinh Sáu Xứ Phật dạy, "Thấy Biết như Chơn lục căn lục trần, lục thức v.v...". Đối tượng nhận thức thường dùng quán từ vô thức với những vọng tưởng tự nhiên đột khởi hoặc những đối tượng diễn tả tâm trạng của con người như lời Phật dạy trong Tứ Niệm Xứ là một cách tốt. Tất cả đối tượng đó nói lên những điều có thể chấp chứa trong vô thức của con người có thể xả ra những ô nhiễm, nghiệp thức từ trong thân ngũ uẩn; nhưng chỉ có hơi thở là tốt hơn hết, vì nó thường trực tự nhiên trôi chảy từ vô thức và là trinh nguyên của hoạt động vô thức, chỉ dùng nội giác (đối tượng tự nhiên trong nội thân) không một chút dính dấp đến mọi quán tưởng hay tư duy, tha lực hay những điều kiện bên ngoài.

Vậy, sau khi chuẩn bị mọi thủ tục ngồi thiền, bắt đầu tu tập quán hơi thở với sự thực tập như sau:

Khi hít hơi vào, đồng thời ý thức hay nhận thức luồng hơi thở vào, biết tôi thở vô.

Khi thở hơi ra, đồng thời ý thức hay nhận thức luồng hơi thở ra, biết tôi thở ra.

Tiếp tục niệm biết từng hơi thở theo thời thiền hoặc cố gắng thực hiện trong tứ oai nghi.

Hơi thở ra, vào là đối tượng vô thức, nhận thức quán hơi thở là ý thức hay tâm thức. Vậy khi chúng ta quán hơi thở như trên là ta nhận thức (thuộc tâm thức) nó rồi ta tri nhận (tâm trí) thức đó, với vô thời gian ta sẽ có giác trí tuệ.Chúng ta ngồi với hai mắt khép một chút thôi, và chú tâm vào hơi thở. Chúng ta thở tự nhiên, tốt nhất là thở qua lỗ mũi, đừng tìm cách kiểm soát hơi thở, và chúng ta chú tâm vào cảm thọ về hơi thở khi hơi thở vào và ra hai lỗ mũi. Cảm thọ này là đối tượng thiền tập của chúng ta. Chúng ta nên cố gắng chăm chú vào nó, và gác bỏ mọi thứ khác.

"Thoạt tiên, tâm chúng ta sẽ rất bận rộn, thậm chí có thể cảm thấy rằng thiền tập đang làm cho tâm chúng ta bận rộn hơn, nhưng trên thực tế chúng ta chỉ đang ý thức hơn về mức độ bận rộn biến chuyển mà tâm chúng ta đang thực sự hiện hành. Sẽ có một sức lôi cuốn lớn để dẫn [chúng ta] theo các niệm khác nhau khi nó hiện khởi, nhưng chúng ta nên chống lại [lôi cuốn đó] và cứ tập trung nhất tâm vào cảm thọ về hơi thở. Nếu chúng ta thấy là tâm chúng ta lang thang và chạy theo các niệm, chúng ta nên tức khắc trở về với hơi thở. Chúng ta hãy làm thế liên tục khi cần thiết, cho tới khi tâm an trú vào hơi thở.

Nếu chúng ta kiên nhẫn tập cách này, dần dần các niệm lung tung sẽ lắng xuống và chúng ta sẽ kinh nghiệm một cảm thọ về sự an tĩnh trong tâm và sự thư giãn. Tâm chúng ta sẽ cảm thấy sáng rõ và như rộng lớn bát ngát, và chúng ta sẽ cảm thấy như được tươi mới. Khi biển dậy sóng, cặn sẽ cuốn lên và nước sẽ đục ngầu, nhưng khi gió êm thì bùn dần dần lắng xuống và nước nhìn rõ trong suốt.

Tương tự, khi dòng niệm không ngừng tuôn của chúng ta được an tĩnh nhờ tập trung vào hơi thở, tâm chúng ta sẽ trở thành trong suốt và sáng tỏ dị thường. Chúng ta nên ở trong trạng thái an tĩnh tâm thức này một thời gian.

Mặc dù thiền tập hơi thở chỉ là bước đầu thiền tập, nó có thể rất là mãnh liệt. Chúng ta có thể thấy từ pháp tu này là chúng ta có thể đạt được an tĩnh nội tâm và sự an lạc chỉ bằng cách kiểm soát tâm, mà không dựa vào bất kỳ điều kiện bên ngoài nào. Khi dòng niệm lắng xuống, và tâm chúng ta tịch tĩnh, một niềm hạnh phúc sâu thẳm và sự an lạc tự nhiên khởi lên. Cảm thọ về sự an lạc và sự sung mãn giúp chúng ta đối phó với sự bận rộn và khó khăn của đời sống thường nhật. Quá nhiều căng thẳng thường đến từ tâm chúng ta, và nhiều vấn đề chúng ta trải qua, kể cả bệnh hoạn, gây ra hay bị làm trầm trọng thêm bởi sự căng thẳng này. Chỉ bằng cách thiền tập hơi thở trong 10 hay 15 phút mỗi ngày, chúng ta sẽ có thể giảm sự căng thẳng. Chúng ta sẽ kinh nghiệm một cảm thọ tịch tĩnh, bao la bát ngát trong tâm, và nhiều vấn đề thường gặp của chúng ta sẽ biến mất. Các hoàn cảnh gian nan sẽ dễ dàng hơn để đối phó, chúng ta sẽ tự nhiên cảm thấy nồng ấm và cởi mở với người khác, và quan hệ của chúng ta với người khác sẽ dần dần thăng tiến."(Cửa Thiền Tây Tạng, Việt dịch Nguyên Giác)

Cứu cánh Thiền Đốn Ngộ dạt đến Giác Ngộ Giải Thoát khỏi dòng bộc lưu sanh tử vì không còn nghiệp thức đeo đuổi, không còn nhân duyên chằng chịt vượt khỏi thời không. Nếu huân tập thâm sâu dòng tâm thức càng trở nên trong sạch. Ví như cái hồ nước vẩn đục, ta xả ra mà không có đổ vô thêm nước vẩn đục (nghiệp thức) nữa, thì nước vẩn đục (dòng Tâm Thức) dần dần sẽ hết tức là dòng tâm thức không còn tính vẩn đục. Lúc sống được tự tại thì lúc chết làm sao bị dòng tâm thức (nghiệp) quấy nhiểu. Khi chết không còn nghiệp thức vấn vương, thì thể trí cũng tự tại vậy. Trong tứ oai nghi, lúc nào cũng có thể tĩnh giác quán hơi thở. (Thiền: Một Loại Tri Thức của Tâm Trí. Phổ Nguyệt, 2006)

IV. Tham Khảo.

KINH AN-NA-BAN-NA NIỆM

Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La

Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ

KINH 8K03. AN-NA-BAN-NA NIỆM (3)[8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy tu tập An-na-ban-na niệm. Nếu Tỳ-kheo tu tập An-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, thân chỉ tức và tâm chỉ tức, có giác, có quán, tịch diệt, thuần nhất, phân minh tưởng, tu tập đầy đủ. Thế nào là tu tập An-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, thân chỉ tức và tâm chỉ tức, có giác, có quán, tịch diệt, thuần nhất, phân minh tưởng, tu tập đầy đủ? Tỳ-kheo, nương vào xóm làng, thành ấp mà ở; sáng sớm đắp y, mang bát, vào thôn khất thực, nên khéo hộ trì thân, giữ gìn các căn, khéo cột tâm an trụ; khất thực xong trở về chỗ ở, cất y bát, rửa chân xong, hoặc vào trong rừng, trong phòng vắng, dưới bóng cây, hoặc nơi đất trống, thân ngồi ngay thẳng, cột niệm trước mặt, cắt đứt mọi tham ái thế gian, ly dục thanh tịnh, đoạn trừ sân nhuế, thùy miên, trạo hối và nghi, vượt qua các nghi hoặc, đối với các pháp lành, tâm được quyết định; viễn ly năm triền cái vốn làm phiền não tâm, khiến tuệ lực suy giảm, là phần chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn.

“Niệm hơi thở vào[9], cột niệm, hãy khéo học. Niệm hơi thở ra[10], cột niệm, hãy khéo học. Hơi thở dài[11], hơi thở ngắn[12]. Cảm giác biết toàn thân khi thở vào, khắp toàn thân thở vào, hãy khéo học[13]; cảm giác biết toàn thân khi thở ra, khắp toàn thân thở ra, hãy khéo học. Giác tri tất cả sự an tịnh của tất cả thân hành khi thở vào[14], tất cả thân hành an tịnh thở vào, hãy khéo học; giác tri tất cả sự an tịnh của tất cả thân hành khi thở ra, tất cả thân hành an tịnh thở vào, hãy khéo học. Giác tri hỷ, giác tri lạc, giác tri tâm hành[15], giác tri sự an tịnh của tâm hành khi thở vào, giác tri tâm hành an tịnh thở vào, hãy khéo học[16]. Giác tri sự an tịnh của tâm hành khi thở ra, giác tri tâm hành an tịnh thở ra, hãy khéo học. Giác tri tâm, giác tri tâm hoan hỷ, giác tri tâm định, giác tri tâm giải thoát khi thở vào[17], giác tri tâm giải thoát thở vào, hãy khéo học. Giác tri tâm giải thoát khi hơi thở ra, giác tri tâm giải thoát thở ra, hãy khéo học. Quán sát vô thường, quán sát đoạn, quán sát vô dục, quán sát diệt[18] khi hơi thở vào, quán sát diệt thở vào, phải khéo học. Quán sát diệt khi hơi thở ra, quán sát diệt thở ra, phải khéo học. Đó gọi là tu An-na-ban-na niệm, thân chỉ tức và tâm chỉ tức, có giác, có quán, tịch diệt, thuần nhất, phân minh tưởng, tu tập đầy đủ.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 810. A-NAN[51]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong rừng Tát-la-lê, cạnh sông Bạt-cầu-ma tại tụ lạc Kim cương. Bấy giờ giờ Tôn giả A-nan ở một mình nơi vắng, thiền quán tư duy, tự nghĩ như vầy: ‘Có một pháp nào được tu tập, tu tập nhiều, khiến cho bốn pháp đầy đủ. Bốn pháp đã đầy đủ rồi, thì bảy pháp đầy đủ. Bảy pháp đã đầy đủ rồi, thì hai pháp đầy đủ?’

Sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, Tôn giả A-nan đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:

“Khi con ở một mình nơi chỗ vắng, thiền quán tư duy tự nghĩ: ‘Có một pháp nào được tu tập, tu tập nhiều, khiến cho bốn pháp đầy đủ. Bốn pháp đã đầy đủ rồi, thì bảy pháp đầy đủ. Bảy pháp đã đầy đủ rồi, thì hai pháp đầy đủ?’.”

Phật bảo A-nan:

“Có một pháp được tu tập, tu tập nhiều,… cho đến hai pháp đầy đủ. Những gì là một pháp? Đó là An-na-ban-na niệm, được tu tập, tu tập nhiều, có khả năng làm cho bốn Niệm xứ đầy đủ. Bốn Niệm xứ đã đầy đủ rồi, bảy Giác phần đầy đủ. Bảy Giác phần đã đầy đủ rồi, minh và giải thoát[52] đầy đủ.

“Thế nào là tu tập An-na-ban-na niệm, thì bốn Niệm xứ đầy đủ? Tỳ-kheo nương vào làng xóm mà ở… cho đến khéo học quán diệt khi niệm hơi thở ra.

“Này A-nan, như vậy Thánh đệ tử, khi niệm hơi thở vào, học như niệm hơi thở vào; khi niệm hơi thở ra, học như niệm hơi thở ra. Hoặc dài hoặc ngắn. Giác tri tất cả thân hành, khi niệm hơi thở vào, học như niệm hơi thở vào; khi niệm hơi thở ra, học như niệm hơi thở ra. Thân hành an tịnh khi niệm hơi thở vào, học như thân hành an tịnh niệm hơi thở vào; thân hành an tịnh khi niệm hơi thở ra, học như thân hành an tịnh niệm hơi thở ra. Thánh đệ tử lúc bấy giờ, an trụ chánh niệm quán thân trên thân. Nếu khác với thân[53], kia cũng như vậy, tùy theo thân tương tự tư duy.

“Nếu có lúc Thánh đệ tử giác tri hỷ, giác tri lạc, giác tri tâm hành, giác tri tâm hành an tịnh, khi niệm hơi thở vào, học như tâm hành an tịnh niệm hơi thở vào; tâm hành an tịnh khi niệm hơi thở ra, học như tâm hành an tịnh niệm hơi thở ra. Thánh đệ tử lúc bấy giờ, an trụ chánh niệm quán thọ trên thọ. Nếu khác với thọ thì kia cũng tùy theo thọ tương tự tư duy[54].

“Nếu có khi Thánh đệ tử giác tri tâm, giác tri tâm hoan hỷ, tâm định, tâm giải thoát, khi niệm hơi thở vào, học như tâm giải thoát niệm hơi thở vào. Tâm giải thoát khi niệm hơi thở ra, học như tâm giải thoát niệm hơi thở ra. Thánh đệ tử lúc bấy giờ, an trụ chánh niệm quán tâm nơi tâm. Nếu có tâm khác, kia cũng tùy theo tâm tương tự tư duy.

“Nếu có khi Thánh đệ tử quán vô thường, đoạn, vô dục, diệt, học an trụ quán như vô thường, đoạn, vô dục, diệt. Thánh đệ tử lúc bấy giờ, an trụ chánh niệm quán pháp trên pháp. Nếu có pháp khác, kia cũng tùy theo pháp tương tự tư duy. Đó gọi là tu An-na-ban-na niệm, thì bốn Niệm xứ đầy đủ.”

A-nan bạch Phật:

“Khi tu tập An-na-ban-na niệm như vậy, khiến cho bốn Niệm xứ đầy đủ. Thế nào là tu bốn Niệm xứ làm cho bảy Giác phần đầy đủ?”

Phật bảo A-nan:

“Nếu Tỳ-kheo an trụ chánh niệm quán thân trên thân. Sau an trụ với chánh niệm, cột niệm trụ yên không cho mất, bấy giờ, phương tiện tu Niệm giác phần. Khi đã tu niệm giác phần rồi, niệm giác phần được đầy đủ. Khi niệm giác phần đã đầy đủ rồi, đối với pháp mà tuyển trạch, tư lường; bấy giờ phương tiện tu Trạch pháp giác phần. Khi đã tu trạch pháp giác phần rồi, trạch pháp giác phần được đầy đủ. Sau khi đối với pháp đã tuyển trạch, phân biệt, tư lường rồi, phương tiện tinh cần sẽ đạt được, lúc bấy giờ phương tiện tu tập Tinh tấn giác phần. Khi đã tu tinh tấn giác phần rồi, tinh tấn giác phần được đầy đủ. Sau khi phương tiện tinh tấn, tâm được hoan hỷ, lúc bấy giờ phương tiện tu Hỷ giác phần. Khi đã tu hỷ giác phần rồi, hỷ giác phần được đầy đủ. Khi đã có hoan hỷ rồi, thân tâm khinh an, lúc bấy giờ phương tiện tu Khinh an giác phần. Khi đã tu khinh an phần rồi, khinh an giác phần được đầy đủ. Sau khi thân tâm an lạc rồi đạt được tam-muội, lúc bấy giờ tu định giác phần. Sau khi đã tu Định giác phần rồi, định giác phần được đầy đủ. Khi định giác phần đã đầy đủ rồi, tham ưu thế gian bị diệt, đạt được xả bình đẳng, lúc bấy giờ phương tiện tu Xả giác phần. Sau khi đã tu xả giác phần rồi, xả giác phần được đầy đủ. Đối với thọ, tâm, pháp trên pháp niệm xứ cũng nói như vậy. Đó gọi là tu bốn Niệm xứ thì bảy Giác phần sẽ đầy đủ.”

A-nan bạch Phật:

“Đó gọi là tu bốn Niệm xứ, bảy Giác phần sẽ đầy đủ. Thế nào là khi tu bảy Giác phần thì minh và giải thoát sẽ đầy đủ?”

Phật bảo A-nan:

“Nếu Tỳ-kheo tu Niệm giác phần, y viễn ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả. Sau khi đã tu niệm giác phần rồi, minh giải thoát sẽ đầy đủ… cho đến khi tu xả giác phần y viễn ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả. Cũng vậy, khi đã tu xả giác phần rồi, minh giải thoát sẽ đầy đủ.

“A-nan, đó gọi là mọi pháp đều tùy thuộc vào nhau, mọi pháp đều ảnh hưởng lẫn nhau. Mười ba pháp như vậy, một pháp làm tăng thượng, một pháp là cửa ngõ, theo thứ lớp tiến lên, tu tập đầy đủ.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Trích: KINH TẠP A-HÀM

Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La

Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ

VỀ PHÁP QUÁN NIỆM HƠI THỞ

Pháp sư Tăng-già-bạt-đà-la (Sanghabhadra - Chúng-Hiền)

Tỳ kheo Tâm Hạnh dịch Việt

Trích: "Chú giải Luật Thiện Kiến", quyển 10-11, Pháp sư Tăng-già-bạt-đà-la dịch sang Hoa văn năm 488 TL, Tỳ kheo Tâm Hạnh dịch sang Việt văn năm 2000 TL.

Đây là pháp niệm A-na-ba-na (Anàpànasati - quán hơi thở) mà trong luật bản đã nói đến. Sau đây tôi sẽ trình bày đầy đủ về câu văn và ý nghĩa pháp thiền vô thượng mà đức Phật dạy cho các Tỳ kheo. Các vị hãy chú tâm lắng nghe để ghi nhận.

Tỳ kheo hiện tại này, Phật bảo các Tỳ kheo: - Không chỉ có tu tập pháp quán bất tịnh mới trừ diệt được phiền não mà pháp quán hơi thở này cũng trừ diệt được phiền não.

Pháp sư nói: - Tuần tự sẽ giảng rộng, A-na-ba-na (anàpàna) nghĩa là hít vào và thở ra. Như trong kinh có dạy: Tướng trạng hít vào không phải là tướng thở ra, tướng thở ra không phải là tướng hít vào, niệm hơi thở vào, niệm hơi thở ra, niệm hơi thở ra vào thì tâm được định. Niệm hơi thở vào hơi thở ra chính là chánh định. Các vị hãy biết rõ ý nghĩa như vậy.

Sổ quán: nghĩa là nuôi dưỡng (chánh niệm) làm cho tăng lên.

Làm lại: nghĩa là tư duy đi, tư duy lại đến giai đoạn rất tịnh hảo.

Hỏi: - Hai pháp này ý nghĩa thế nào?

Đáp: - Không giống nhau, bởi vì A-na-ba-na làm cho tâm không còn loạn động, còn quán bất tịnh thường làm cho tâm không ổn định. Tại sao? Vì nhàm chán. Trong luật bản có nói: Pháp này rất an tịnh vi diệu tăng thêm làm cho an lạc mãi, ngay từ khi mới phát tâm cũng đã không bị não loạn nên Như Lai khen ngợi pháp này rất tốt đẹp an tịnh, có khí vi, làm cho thân tâm hoan hỷ thoải mái, dễ thâm nhập.

Pháp khởi là không bị trụ lại, không bị che đậy làm cho pháp ác bị tiêu diệt rất nhanh, đạt bốn đạo quả tùy theo khả năng. Như vào nửa tháng không mưa giữa mùa xuân, voi, ngựa, người, bò dẫm đạp làm cho bụi bay khắp không trung. Vào tháng năm đầu mùa hạ mưa to gió lớn làm cho trên không chẳng còn chút bụi nào nữa. Pháp quán A-na-ba-na diệt trừ phiền não như mưa làm mất bụi.

Phật bảo các Tỳ kheo: - Đối với pháp thiền định A-na-ba-na (anàpànasati-samàdhi) thì tư duy, chánh niệm và hành trì như thế nào để biết tu tập về niệm hơi thở. Các Tỳ kheo, người nào (vì lòng tốt mà) xuất gia học đạo, ở tại nơi trống vắng, dưới gốc cây, nơi rừng núi là những nơi đưa đến sự an tịnh.

Hỏi: - Thế nào là đưa đến sự an tịnh?

Đáp: - Tránh xa nơi ồn ào. Như người chăn bò có một con bò nghé phải bú sữa mẹ từ khi mới sinh ra cho đến khi lớn. Khi muốn lấy sữa bò mẹ, phải cột bò nghé vào cây trụ. Bò nghé nhớ sữa nên cứ kéo dây và đạp chân liên tục. Do dây chắc, trụ cứng nên con nghé không thoát ra được phải dựa trụ mà thở. Tỳ kheo như người chăn bò, bò mẹ như làng xóm, tâm là con nghé, sữa là năm dục, cây trụ là A-lan-nhã (aranna), dây cột là pháp niệm hơi thở, tất cả thiền định về niệm hơi thở là pháp được chư Phật, A-la-hán, Duyên giác tôn trọng. Nếu không xa lánh làng xóm tụ lạc thì tu tập niệm hơi thở khó có kết quả. Tỳ kheo tu thiền nào nắm rõ được định này rồi, tức là thâm nhập vào thiền thứ tư và lấy đó làm nơi y cứ để quán sát về khổ, không, vô ngã. Khi quán sát được thành tựu thì chứng quả A-la-hán. Do đó, vì người tu tập thiền mà đức Phật quy định về trú xứ A-lan-nhã.

Đức Phật như thầy địa lý (vatthuvijjàcariya) muốn xây dựng thành phố, đất nước phải biết phân biệt rõ tướng tốt xấu của các thế đất và tâu vua rằng vùng đất này tốt có thể dựng nước, lập làng xóm... thì vua được lợi lớn. Nghe theo lời, nhà vua cho dựng nước, làng xóm và ban thưởng cho thầy địa lý.

Đức Phật cũng vậy, biết rõ về các cảnh giới thiền nên nói với người tu tập thiền rằng pháp này dễ thành tựu được thiền. Nghe lời và làm theo Phật dạy, những người tu thiền tuần tự chứng quả A-la-hán, khen ngợi đức Phật cũng như nhà vua tạ ơn thầy địa lý. Những người tu thiền như sư tử ở trong rừng rậm ẩn kín thân để rình cầm thú. Con nào đến gần, sư tử liền vọt ra bắt ăn thịt. Cũng vậy, Tỳ kheo sống ở nơi A-lan-nhã theo dõi từng đạo quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán và tuần tự chứng đắc theo từng quả vị. Xưa có bài kệ:

Cũng như vua sư tử,

Ở ẩn trong núi rừng,

Rình các thú đến gần,

Liền bắt ngay, ăn thịt,

Phật tử cũng như vậy,

Ẩn cư nơi yên tịnh,

Tu tập đạo vô thượng,

Chứng đắc quả sa-môn.

Dưới gốc cây (rukkhamùlagata) là ngồi hay kinh hành dưới gốc cây.

Tịnh thất (sunnàgàragata), là trừ dưới gốc cây và chỗ A-lan-nhã ra, các chỗ ở yên tịnh khác đều gọi là tịnh thất. Thời tiết thích hợp với thân thể là thuận tiện cho việc tu tập niệm hơi thở. Thế nên trong luật nói: Ngồi kiết già, đó là biểu hiện sự tu tập niệm hơi thở... cũng dễ hiểu.

Ngồi kiết già: dễ hiểu.

Ngồi thẳng là 18 đốt xương sống nối thẳng nhau, thư thả lỏng gân, mạch, da. Nếu ngồi mà giữ cứng các cơ thì rất nhanh mệt nhọc và thối thất khỏi thiền.

Đặt niệm ở trước (mặt) (parimukham), là chánh niệm vào pháp thiền và đặt nó trước mặt.

Hơi thở vào ra, là sau khi ngồi kiết già ổn định, Tỳ kheo chánh niệm tỉnh giác niệm hơi thở vào ra như sau: Biết rõ thở hơi dài, biết rõ thở hơi ngắn. Nhờ biết rõ hơi thở dài ngắn nên tâm được tịnh, không còn tán loạn; nhờ không tán loạn nên thành tựu chánh niệm. Nhờ niệm và tuệ phát sinh nên biết rõ hơi thở dài, ngắn. Như đứa bé trong thai, mới vừa ra khỏi thai; (hành giả) có thể biết được hơi thở dài hay ngắn ban đầu của nó.

Biết như thế nào? Cũng như nước chảy tùy theo vật dài ngắn, như voi và rắn vì thân to, dài nên hơi thở vì vậy mà dài, thân con ếch ngắn nên hơi thở ngắn. Tỳ kheo tọa thiền cũng vậy, nhờ ví dụ này mà biết hơi thở dài ngắn, nhờ chánh niệm nên tâm sinh lạc, nhờ lạc nên hơi thở ra vào dài và vi tế. Tâm trở nên an lạc nhờ hơi thở ra vào và càng an lạc thì hơi thở càng nhẹ và dài. Nhờ lạc nên tâm hoan hỷ và thêm hoan hỷ nửa, hơi thở nhờ vậy càng thêm vi tế khó phân biệt và tiến đến tâm xả. Đây là chín pháp (nava àkàrà), các vị hãy biết lấy.

Biết rõ toàn thân, ta thở ra; biết rõ toàn thân, ta thở vào, biết rõ hơi thở vào ra toàn thân; biết rõ hơi thở dài, ngắn, trước, giữa, sau một cách rõ ràng, bằng tâm biết rõ sự biết này, biết hơi thở trước và sau. Lại nữa, có Tỳ kheo tu tập thiền thấy hơi thở ra như rải bụi. Thấy rõ trong hiện tại, thấy bắt đầu thở ra, không thấy giữa và sau, muốn thấy giữa và sau thì tâm cũng không cảm nhận được. Lại nữa, khi đã thở ra thì chỉ thấy hơi thở ở giữa chứ không thấy hơi thở trước và sau. Lại nữa, khi thấy hơi thở ra ở đoạn sau thì không thấy hơi thở ở đoạn đầu và giữa.

Lại có Tỳ kheo thấy rõ hơi thở ở cả ba giai đoạn đầu, giữa, cuối, vì tâm vị ấy không có mệt mỏi. Ai đạt được như vậy là thiện xảo với pháp thở ra vào.

Người học về thiền này không nghỉ, không ngưng lại, luôn luôn quán sát hơi thở ra vào thì hộ trì được ba nghiệp thân, miệng, ý, gọi là giới học và định, tuệ. Tâm định gọi là định-học. Nếu phân biệt rõ được giới và định thì gọi là tuệ. Đây là ba học. Đối với quán xứ này, dùng chánh niệm đem tâm tùy thuận theo pháp đã học và liên tục duy trì như vậy cho đến về sau.

Người nào chuyên cần học như vậy sẽ diệt được hơi thở vào, hơi thở ra. Phần thô của hơi thở ra và vào bị diệt. Diệt nghĩa là (diệt) sự trú vào (phần thô). Thô là gì? Tỳ kheo mới vào thiền thì thân tâm mệt mỏi nên hơi thở ra vào thô nặng đầy cả hai lỗ mũi và theo miệng thở ra vào nên thô. Khi thân tâm không còn mệt nhọc thì hơi thở dần dần nhẹ đến vi tế và Tỳ kheo sẽ sinh ý nghĩ phân vân ta còn có hơi thở ra vào hay không. Như người leo lên núi cao, thân tâm mệt nhọc, hơi thở nặng nề, nhưng lúc đi xuống núi đến chỗ bằng phẳng, có ao nước và cây lớn. Người này sau khi xuống ao tắm, đến nghỉ dưới bóng cây, hoặc ngủ hoặc ngồi nghỉ, thân tâm trở nên mát mẻ và hơi thở trở nên nhẹ nhàng vi tế. Tỳ kheo vừa nhập định cũng như vậy, khi chưa điều phục đuợc thân tâm nên hơi thở ra vào thô nặng. Vì sao? Vì không chánh niệm. Niệm trở nên vi tế vì điều phục được thân tâm. Như có bài kệ:

Thân tâm rất mệt nhọc,

Nên hơi thở thô nặng.

Thiền thứ nhất thô (olàrika), thiền thứ hai vi tế (sukhuma), thiền thứ ba tế hơn, thiền thứ tư là định. Thiền thứ ba là thô, thiền thứ tư gọi là tế. Đây là chỗ tận cùng của hơi thở. Nếu không giữ lấy hơi thở thì hơi thở vào ra thô, nếu giữ hơi thở vào ra thì hơi thở tế. Không giữ nghĩa là thả hơi thở. Giữ hơi thở nghĩa là bắt đầu thiền thứ tư chỉ còn giữ tâm, đến khi vào thiền thứ tư thì không còn hơi thở vào ra. Đây gọi là pháp Xá-ma-đà (samatha - thiền chỉ).

Pháp Tỳ-bà-xá-na (vipassanà - thiền quán) không giữ phần rất thô của hơi thở ra vào, quán sát bốn đại là tế, nếu quán Ưu-ba-đà-na sắc tế (upàdàrùpapariggahe sukhuma)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]