Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lược dẫn

21/05/201115:39(Xem: 12415)
Lược dẫn

KINH PHÁP HOA
(Hoa Sen Của Chánh Pháp)
Phần CHÍNH VĂN – Thích Trí Quang dịch

Lược dẫn
Lược nói chủ ý

Không có dịch phẩm nào của tôi dịch chữ Hoa và chữ Hoa Việt ra chữ Việt nhiều bằng Pháp Hoa. Không những cốt làm cho bớt nặng nề mà cốt vì một số chữ quen dùng nên hóa ra không hiểu hay hiểu sai: kiếp là số kiếp, duyên là duyên nợ, phổ môn là... phổ môn, vân vân. Thế nhưng trong các bản in 1 (với ảnh bìa Phổ Hiền), bản in 2 (với ảnh bìa Thế Chí), bản in 3 ( với ảnh bìa Hoa sen), bản in 4 (ở hải ngoại, với bìa Pháp luân), vẫn để nguyên vài chỗ, như 10 như thị, vân vân. Nay thì vài chỗ ấy cũng dịch cả. Lại chữa vài chữ cho thích đáng, thí dụ cúng dường (cung dưỡng) đã dịch là hiến cúng, nay có chỗ chữa là phụng sự, vân vân. Ngoài ra, những từ ngữ nói về số nhiều cũng phải chú ý. Một số để nguyên. Một số để nguyên mà còn dịch rõ hơn. Nhưng một số phải dịch gọn mới nói lên khái niệm nhiều, rất nhiều và cực nhiều.

Kế đến, các bản in trước đây không chú trọng lược giải mà chỉ ghi chú và phụ lục. Nay thì lược giải gồm có ghi chú, phụ lục, lược giải và toát yếu. Do vậy, bản chữa lần này là định bản, gồm có hai tập, cóù thể in chung mà cũng có thể in riêng: Tập 1 gọi là phần chính văn, gồm có chính văn kinh Pháp Hoa, phụ lục phẩm Phổ Hiền và toát yếu kinh Pháp Hoa. Vì nhiều lý do, tôi không dịch hay dịch lược kinh Vô Lượng Nghĩa và kinh Quán Phổ Hiền, làø 2 kinh hay được gồm với Pháp Hoa mà gọi là Pháp Hoa tam kinh. Tập 2 gọi là phần lược giải nội dung mới nói ở trên; ở đây xin nói thêm rằng chủ ý lược giải của tôi, nhất là ghi chú, cốt làm sáng ý của chính văn, vì chính văn có mấy chỗ chuyển văn hay chuyển ý mà rất cần phải tìm hiểu.

Với tuổi đời 76, sức yếu, mắt kém, nhưng tôi ráng hiến cúng Pháùp Hoa lần chót để như là tụng kinh lần chót, hồi hướng cho cha mẹ, sư trưởng, thiện hữu, tín thí, cho đồng loại và chúng sinh.

Lược xét văn bản

Pháp Hoa có 3 bản dịch, nằm cả trong C9/1-198. Bản thứ nhất là Tần dịch (CV), bản thứ hai là Tấn dịch (HD), bản thứ ba là Tùy dịch (ĐD). Hãy lược xét về 3 văn bản ấy.

Nói về thì gian thì HD có sớm nhất (288 dương lịch), CV tiếp theo (406 dương lịch), ĐD có sau đó (601 dương lịch).

Nói về Phạn bản thì có thể suy đoán CV có sớm nhất, HD tiếp theo, ĐD có sau đó. Hãy coi thêm các tiểu mục dưới đây.

Nói về Phạn bản của CV thì bài tựa của ĐD (không có tên tác giả, nằm trong C9/134) suy đoán là bản Qui tư. Nhưng tài liệu này không nói rõ là Phạn văn lưu hành ở Qui tư hay là văn tự Qui tư. Còn tài liệu khác, C51/54t, thì nói Pháp Hoa mà ngài La Thập dịch là được truyền dạy bởi thầy ngài, tôn giả Tu Lị Da Tô Ma (Soryasoma), có nghĩa Phạn bản của CV là Phạn văn Ấn độ. Phạn bản của HD thì lời tựa ĐD suy đoán là bản của Đa la (Đa la diệp: Lá đa la? ). Phạn bản của ĐD thì lời tựa tự cho cũng là bản Đa la.

Nói về nội dung thì mục lược trình toàn văn sau đây sẽ nói. Ở đây chỉ nói rằng tôi suy đoán Phạn bản của CV có sớm và thuần hơn, đặc biệt tương đồng với PT (luận Pháp Hoa của ngài Thế Thân) hơn cả. Còn Phạn bản của HD và của ĐD, thêm nữa của KD, thì rõ ràng có chậm lắm, thêm thắt không ít, và những chỗ thêm thắt ấy không thích đáng với phong cách Pháp Hoa cả văn lẫn ý. Lời tựa của ĐD nói CV thiếu thì đáng lẽ phải nói các bản khác thêm và thừa (trừ chỉnh cú phẩm Phổ môn khá thích đáng, nhưng KD lại thêm hơn và vì vậy mà không đáng có).

Nói về giá trị thì CV dĩ nhiên đặc tôn. Nhưng HD có cái sở trường là dịch từ ngữ, không đối chiếu với HD thì có những từ ngữ của CV sẽ bị hiểu lầm. Tức như từ ngữ châu giao lộ man mà không hiểu giao lộ mới là gạch nối. Còn ĐD thì chỉ thêm mấy chỗ mà lời tựa cho là thiếu (nhưng vẫn không đủ bằng HD), ngoài ra, toàn bộ chỉ sao lại CV, nên chẳng có giá trị bao nhiêu.

Lược trình toàn văn

Thật ra nên nói CV có 2 bản: CV nguyên hữu và CV bổ sung. Nguyên hữu là y nguyên của ngài La Thập dịch. Bổ sung là sau này thêm vào 2 chỗ. Đây là toàn văn CV nguyên hữïu, trích và kê theo Pháp Hoa sớ (V150/396-412, được viết năm 432) của ngài Đạo Sinh (355-434, đứng đầu tứ kiệt của học đồ ngài La Thập) : phẩm 1 Mở đầu, phẩm 2 Phương tiện, phẩm 3 Ví dụ, phẩm 4 Tin hiểu, phẩm 5 Cây cỏ, phẩm 6 Thọ ký, phẩm 7 Tương quan xa xưa, phẩm 8 Năm trăm đệ tử tiếp nhận thọ ký, phẩm 9 Thọ ký cho các vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất, phẩm 10 Người diễn giảng Pháp Hoa, phẩm 11 Bảo tháp xuất hiện, phẩm 12 Kính giữ Pháp Hoa, phẩm 13 Sống yên vui, phẩm 14 Từ đất xuất hiện, phẩm 15 Sự sống lâu của đức Thế Tôn, phẩm 16 Phân tích thành quả, phẩm 17 Thành quả tùy hỷ, phẩm 18 Thành quả của người diễn giảng Pháp Hoa, phẩm 19 Bồ tát Thường bất Khinh, phẩm 20 Sức thần của đức Thế Tôn, phẩm 21 Giao phó trọng trách, phẩm 22 Việc cũ của bồ tát Dược Vương, phẩm 23 Bồ tát Diệu Âm, phẩm 24 Quan Âm đại sĩ: vị Toàn diện, phẩm 25 Tổng trì minh chú, phẩm 26 Việc cũ của Diệu Trang Nghiêm Vương, phẩm 27 Sự khuyến khích của bồ tát Phổ Hiền.

CV nguyên hữu, như vậy, là rất gọn gàng và sáng sủa. Còn CV bổ sung thì thêm vào 2 chỗ: một, sau phẩm 11 thêm phẩm Đề bà đạt Đa thành phẩm 12, và do vậy CV bổ sung có 28 phẩm; hai, phẩm 24 thêm phần chỉnh cú. Thế nhưng CV bổ sung lại là bản Pháp Hoa lưu hành, và có thể là định bản. Việc bổ sung 2 chỗ thành Pháp Hoa lưu hành và định bản này không rõ ai làm, lịch sử và dã sử đều chưa tìm thấy, chỉ xét thấy việc làm khá có ý thức, và phải có sau thời ngài Pháp Vân (467-529) viết Pháp Hoa ký (cũng giải thích CV nguyên hữu, làm cho kinh này thành vấn đề và có học thuyết hơn trước).

Nay lại đối chiếu với HD, ĐD và KD để thấy CV bổ sung không có những gì nữa. Thì ngoài 2 chỗ bổ sung nói trên, còn có 5 chỗ nữa CV bổ sung không có, đó là không có nửa sau của phẩm Cây cỏû (điều này rất giống PT, vì ở đó không có cái ví dụ như nửa sau ấy), là không có 3 chỗ như HD, ở trong các phẩm 8, 10 và 11 (ghi theo số hiệu các phẩm của CV bổ sung), là không có 7 bài chỉnh cú nữa ở trong phẩm 25 như KD. Những chỗ không có trên đây (mà tôi nói không có, không nói là thiếu) sẽ được ghi chú và phụ lục ngay nơi mỗi chỗ, và đủ hơn cả lời tựa đầy nhược điểm của ĐD.

Đến đây xin kết luận rằng, may, rất may, CV bổ sung chỉ có 2 chỗ như đã ghi.

Lược phân đại ý

Toàn văn CV bổ sung, như đã thấy, có 28 phẩm. Xét thẳng ý chính của 28 phẩm ấy, ta có thể, và nên, hệ thống hóa như sau, cực kỳ đơn giản. Phẩm 1 là ngài Di Lạc phát khởi. Phẩm 28 là ngài Phổ Hiền kết thúc. Còn 26 phẩm giữa thì chia làm 2 đại bộ phận. Đại bộ phận 1 gồm các phẩm 2-9, nói về nhất thừa. Đại bộ phận 2 gồm các phẩm 10-27, nói về sự quảng bá nhất thừa.

PH cốt nói nhất thừa. Nhất thừa ở đây là PH. PH không công nhận La hán (hay Duyên giác) là cứu cánh. PH nói Phật xuất thế để làm cho người làm Phật. Phật không có đệ tử Thanh văn, chỉ có đệ tử Bồ tát. Thanh văn chỉ là phương tiện. Phương tiện ở đây có 2 nghĩa:Thanh văn chỉ là Phật phương tiện thiết lập, chỉ là nửa đường đi đến Phật.

Bằng nhiều cách, PH xác quyết nhất thừa như vậy, trong đại bộ phận 1. Qua đại bộ phận 2, càng bằng nhiều cách, PH nói quảng bá như thế nào về nhất thừa, lại bổ túc nhiều mặt cho đại bộ phận 1.

Cũng có thể bỏ sự hệ thống hóa đi, chỉ nhìn cái thế liên hoàn của 28 phẩm, càng có thể thấy, không như kinh khác, PH có lắm văn và ý độc đáo và đặc tôn.

Lược nói đương cơ

Một người hướng dẫn giỏi, dẫn một đoàn người vượt qua con đường hiểm mà dài để đến chỗ vàng ngọc. Nửa đường họ muốn trở lui. Người hướng dẫn phải tạo ra một đô thành giả cho họ nghỉ. Nghỉ thế mà họ cho là an toàn và đến rồi. Người hướng dẫn hủy diệt đô thành ấy, và bảo họ phải đi tới nữa: sắp đến chỗ vàng ngọc rồi.

Phật cũng vậy. Đã hướng dẫn đệ tử, mà chủ yếu là Thanh văn, đến cái niết bàn của La hán rồi thì nay, ở PH, xác quyết rằng niết bàn ấy chỉ là giả thiết. Và rằng Phật xuất thế để đưa người làm Phật. Phật mới cứu cánh. Do vậy mà Thanh văn thành ra đương cơ, đối thoại chủ yếu của PH.

Thế nhưng vẫn có một số Thanh văn tăng thượng mạn: tự thị La hán đã là cứu cánh. Loạn hơn, họ cho Phật cũng chỉ là La hán _ dầu chính nguyên thỉ và tiểu thừa cũng nói, không như La hán, Phật có 10 lực, 4 vô úy, 18 bất cọng, đại bi tam niệm, tam bất hộ, vân vân. Do vậy, Thanh văn tăng thượng mạn không là đương cơ của PH. Họ rời khỏi đại hội PH ngay từ đầu _ dầu sau đó Phật vẫn theo đuổi giáo hóa cho họ cũng được làm Phật. Còn lại là chư vị Thanh văn có thể trở thành Bồ tát, tự tín làm Phật. Họ là đương cơ của PH. PH không như Duy ma nói Thanh văn là mầm hư giống hỏng, tuyệt phần nhất thừa; PH nói, từ lâu và mãi hoài, Phật giáo hóa nhất thừa cho Thanh văn. Thanh văn thời Phật, hay sau đó và sau này, bao kiếp đi nữa rồi ra ai cũng làm Phật, không ai cố định là La hán.

Lược điểm chi tiết

Như đã nói PH có lắm văn và ý độc đáo và đặc tôn. Nhưng ở đây chỉ nêu lên một số cần thiết để làm sáng thêm đại ý của PH.

Trước hết là Phật quan, PH khái niệm về Phật rất độc đáo. Cái gọi là đức Phật trong lịch sử, cái gọi là đức Phật cửu viễn thật thành, cái gọi là đức Phật phi sinh phi diệt, theo PH, toàn là Thích Ca. Phật không nhập diệt. Cái nhân bồ tát hạnh của Phật làm cho sự sống lâu của Phật đã không bao giờ hết. Phật ở bên ta. Ta không thấy Phật chỉ vì ta thấy là thấy sống chết mà Phật thì phi sinh diệt. Nhưng mù nên không thấy mặt trời mà vẫn sống nhờ ánh sáng của nó. Ta không thấy Phật nhưng ơn hóa độ của Phật không rời bỏ ta, ta vẫn luôn luôn được hưởng. Phật quan của PH là như vậy.

Thứ hai là Pháp quan. Khái niệm 10 như vậy (hay 5 gì) về cái gọi là thật tướng, đã khá độc đáo trong văn cũng như ý, vì khái niệm như vậy thì Pháp chính là bản thân và thuộc tính của Phật. Nhưng rõ ràng hơn, chỉnh cú 101 và 102 của phẩm 2, tuy nói cả tánh đức và tu đức mà vẫn rõ ràng đề cao tu đức, khi nói giống Phật cũng phát từ các yếu tố. PH là như vậy, không những nói Pháp là đương xứ tiện thị, mà dẫu vì vốn và vẫn trong sáng nên tu được, nhưng tu mới là điều PH khuyến phát và đôn đốc.

Thứ ba là Niết bàn. PH không công nhận tiểu thừa là không công nhận niết bàn của tiểu thừa. PH nói niết bàn ấy chỉ giải thoát hư ảo, chưa thật niết bàn, vì giải thoát mà chưa được tuệ giác vô thượng. Khái niệm không những phủ nhận niết bàn của tiểu thừa mà còn không cho niết bàn chỉ là đoạn đức. Niết bàn phải đủ hết đoạn đức trí đức và ân đức. Tựa như đứa con vẫn là đứa con, nhưng bỏ cha mà đi là con dại, biết cha mà nhận là con thật. Lăng nghiêm nói cánh tay vẫn là cánh tay, chỉ vì chỉ xuống nên gọi là ngược, khi chỉ lên thì gọi là xuôi. Niết bàn của PH là như vậy: hoạt dụng hơn cả sinh tử, với biết bao bất tư nghị nghiệp, khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.

Thứ tư là Nhất thừa. PH nói tam thừa là phương tiện, nói nhất thừa mới chân thật, cách nói nào cũng nói lên cái khái niệm "ai cũng có thể làm Phật": tất cả Thanh văn đều được thọ ký làm Phật, và bất cứ người nào, và chỉ niệm Phật một tiếng đi nữa, rồi ra cũng làm Phật cả. Ý nghiã này rất quan trọng, vì không những tu hành tiểu thừa cuối cùng cũng làm Phật, mà một điều thiện nhỏ nhặt đến mấy cũng không vô hiệu quả, vô lượng thì gian cũng không mất đi, và cuối cùng sẽ làm Phật tất cả. Chính trong ý nghiã này mà ngài Đạo Sinh nhận định đầu tiên rằng PH là vạn thiện đồng quy. PH nhất thừa cao đến tột đỉnh mà lại bao trùm hết thảy.

Thứ năm là Thanh văn. Thanh văn chủ yếu là hai bộ đại Tăng, có loại còn tu học có loại hết tu học, và có bốn đạo qủa mà tột bậc là La Hán. PH nói về Thanh văn càng độc đáo. Tất cả Thanh văn, thời Phật cũng như thời nay và sau này, toàn đã là đệ tử của Phật - của vị Sa di Bồ tát thứ 16. Chưa hết, Thanh văn còn là"nội bí Bồ tát hạnh, ngoại hiện Thanh văn tướng." PH thọ ký làm Phật cho Thanh văn, điều này kinh động tiểu thừa quá lăém, vì như thế là không công nhận La Hán đã cứu cánh, niết bàn của La Hán, dầu hữu dư (chỉ hết tập đế) dầu vô dư (hết cả khổ đế) đều chưa thật niết bàn. Thanh văn, kể cả Thanh văn La hán, tự cho đã cứu cánh thì bị PH gọi là kẻ Tăng thượng mạn. Thế nên tất cả Thanh văn phải, và có thể, làm Phật: đó là chủ ý của PH. Vì vậy mà đối tượng chính yếu của PH là Thanh văn, cũng vì vậy mà PH không công nhận có một loại Thanh văn cố định, vĩnh viễn không chuyển hướng đại thừa.

Thứ sáu là Duyên giác. Phạn tự pratyeka buddha, ngoài chữ Duyên giác (giác ngộ đạo lý duyên khởi) còn dịch là Độc giác (độc lực giác ngộ đạo lý duyên khởi). Tra cứu cách nói của các danh tác thuộc cả đại thừa tiểu thừa và nguyên thỉ thì thấy nói Duyên giác có nhiều loại. Nhưng nói thế nào cũng không minh bạch Duyên giác là đệ tử của Phật, Phật có giáo pháp huấn dụ riêng cho, và giáo pháp ấy gọi là Duyên giác thừa. Trái lại, xét cách nói thì thấy Phật giáo thừa nhận có người đời trước hay những đời trước gặp Phật hoặc Phật pháp nên đời này không gặp mà vẫn tự ngộ tương đương với đạo lý duyên khởi. PH thì không thấy Phật thọ ký làm Phật cho ai gọi là Duyên giác. Thế nhưng PH nói đến Duyên giác lại minh bạch các vị này cũng là đệ tử của Phật, minh bạch có cái gọi là Duyên giác thừa. Không dưới vài chỗ nói ai cầu Thanh văn thì Phật nói cho 4 chân lý, ai cầu Duyên giác thì Phật nói cho 12 duyên khởi, ai cầu Bồ tát thì Phật nói cho 6 ba la mật. Phẩm 3 lại nói như sau về tam thừa, "Người nào theo Phật nghe Pháp mà tin tưởng tiếp nhận, thiết tha tinh tiến, nhưng ước muốn cấp tốc thoát ra 3 cõi nên cầu tự niếát bàn, đó là theo cỗ xe Thanh văn. Người nào theo Phật nghe Pháp mà tin tưởng tiếp nhận, thiết tha tinh tiến, nhưng cầu tuệ giác tự nhiên, thích đơn độc, khéo vắng lặng, biết sâu nguyên lý duyên khởi của các pháp, đó là theo cỗ xe Duyên giác. Người nào theo Phật nghe Pháp mà tin tưởng tiếp nhận, thiết tha tinh tiến, nhưng cầu tuệ giác hoàn toàn, tuệ giác Phật đà, tuệ giác tự nhiên, tuệ giác không thầy, nói tóm là cầu sự thấy biết của Phật mà nội dung có đủ các phẩm chất như 10 đại năng lực, 4 sự không sợ, và cầu như vậy là vì thương tưởng, muốn đem lại sự yên vui cho vô số chúng sinh, cứu độ cho hết thảy, đó là theo cỗ xe vĩ đại. Bồ tát cầu cỗ xe vĩ đại ấy nên gọi là bậc vĩ đại". Ngoài đoạn văn trên đây, phẩm 7 nói đức Trí Thắng mà cũng như nói đức Thích Ca, rằng Phật nói 4 chân lý rồi nói rộng thành 12 duyên khởi. Vậy có thể nói thế này: dầu 12 duyên khởi là Phật quảng diễn 4 chân lý, nhưng đối tượng là cho những người có trình độ hơn Thanh văn. Thế nhưng quả vị Duyên giác dẫu hơn Thanh văn về gì đi nữa cũng chỉ chứng niết bàn với trạng huống hữu dư và vô dư, với tận trí và vô sinh trí. Như vậy Duyên giác cũng là La hán mà đặc biệt một chút về trình độ thôi. Và trong PH thì Duyên giác được nói riêng vì trình độ ấy, nhưng vẫn bao gồm trong Thanh văn khi nói về đối tượng đương cơ của PH, về sự thọ ký làm Phật ở đó.

Thứ bảy là Bồ tát. Một ít khái niệm về Bồ tát của PH càng phải chú ý. Một, rất đơn giản, Bồ tát có 2 loại cần nói: loại mới phát tâm chí (sơ phát tâm) và loại không còn thoái chuyển (bất thoái). Loại trước thì thấp nhất là Càn tuệ địa, cao nhất là Phát tâm trú; loại sau là Cực hỷ địa sắp lên. Hai, loại trước rất quan trọng, vì từ căn bản, Bồ tát phải có tâm chí xuất từ sự tự tín có thể làm Phật. Ba, Phật xuất thế cốt làm cho ai cũng làm Phật, do vậy, PH nói rõ, Phật chỉ có đệ tử Bồ tát, không có đệ tử Thanh văn. Nói cách khác, PH không công nhận có loại Thanh văn cố định là Thanh văn; Thanh văn nào rồi cũng là Bồ tát và được thọ ký làm Phật. Bốn, Bồ tát, đúng ra là tư cách Bồ tát (Bồ tát chủng tánh), mới được nói cho PH, thế nên cuối cùng, khi thấy Thanh văn đã có thể chuyển ra Bồ tát thì Phật nói cho PH. Thêm nữa, PH còn có một loại Bồ tát mà bản (gốc gác) và tích (dấu vết) đều rất cao. Thí dụ các ngài Quan Âm, Diệu Âm, Dược Vương, Văn Thù... Thí dụ các vị Bồ tát từ đất xuất hiện... Nhưng nói Bồ tát thì phải nói Bồ tát hạnh (việc làm của Bồ tát). Bồ tát hạnh mà PH nói thì tổng quát là "tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh’’ (làm sạch thế giới, làm nên chúng sinh).

Thứ tám là thọ ký. Thọ ký làø trao cho lời biết trước, lời phán quyết, lời ghi nhận. Thọ ký ở đây là Phật thọ ký cho làm Phật. Sự thọ ký này xác quyết ai cũng sẽ làm Phật, đặc biệt các vị Thanh văn La hán phải làm Phật mới là cứu cánh. Thế nên 5.000 người rời khỏi đại hội PH khi Phật sắp xác quyết La hán là giả thiết, Phật đà mới tột bậc. Họ là tăng thượng mạn, tự cho đã là cứu cánh. Họ không thể đương cơ PH, dẫu sau đó bao nhiêu đời kiếp đi nữa Phật vẫn theo đuổi giáo hóa cho họ cũng được làm Phật (không có vấn đề họ cố định là họ). Ngoài họ ra, Phật đã thọ ký cho tất cả Thanh văn, không phân giới tính và trình độ. Không những thọ ký cho Thanh văn, PH còn có mấy sự thọ ký nữa rất đặc thù. Thọ ký cho Đề bà đạt Đa để thấy cực ác cũng vẫn có thể sẽ làm Phật. Long Nữ thì Phật chứng kiến cho làm Phật để thấy bộ loại, giới tính và tuổi tác, không là chướng ngại cho sự làm Phật. Rồi Bồ tát Thường bất Khinh nói không dám khinh ai, ai cũng sẽ làm Phật, thì đó là điều mà Bồ tát Thế Thân ghi cũng là sự thọ ký. Sau hết, phải ghi nhận cũng là sự thọ ký về lời Phật nói sau đây, trong phẩm 10,"Dược Vương, sau khi Như Lai nhập diệt, nếu có người nào nghe kinh Pháp Hoa, thì dẫu chỉ nghe được một bài chỉnh cú, một câu đủ nghĩa, hay đến nỗi chỉ có được một ý niệm tùy hỷ mà thôi, Như Lai cũng thọ ký cho tất cả sẽ được tuệ giác vô thượng’’.

Thứ chín là kỳ vĩ. PH có lắm sự kỳ lạ, vĩ đại, tiêu biểu sâu xa cho ý nghĩa của kinh này. Trước hết hãy nói thêm về Phật, về đức Bổn sư Thích Ca. Đặc biệt phẩm 16, ở đó nói Phật ở cạnh ta; đỉnh Linh sơn là tịnh độ của Phật mà lửa hoại kiếp cũng không thiêu hủy được; Phật biểu hiện qua thân và việc mình hoặc qua thân và việc khác; Phật phi tồn tại phi nhập diệt, phi là một phi khác nhau; quả báo Bồ tát hạnh của Phật cũng đã làm cho Phật có thọ lượng bất tận. Phẩm 11 nói phân thân ở hướng đông của Phật mà đã ngồi đầy một thế giới Phật lớn đến ba ngàn hai trăm vạn ức lần trăm triệu quốc độ. Phẩm 7 nói tất cả đệ tử thời Phật, sau đó và sau này, toàn là đệ tử của Phật, Phật bao giờ cũng đeo đuổi giáo hóa cho bằng nhất thừa. Qua những cách nói trên đây cho thấy, không những cái thuyết 3 thân mà chính cái nghĩa bản tích cũng không đủ để nói, và nói rất khéo, về Phật. Điều phải chú ý là những cách nói này cho thấy Phật nói cho PH là quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là Phật làm cho ta đến được trình độ để Phật nói cho PH. Bổ khuyết cho điều này, kinh Địa Tạng còn nói Phật biểu hiện mọi thân hình và mọi cảûnh vật có tác dụng hóa độ; luận Khởûi tín nói Phật biểu hiện đến cả tôi tớ và kẻ thù;"không phải biểu hiện chỉ có thân Phật’’.

Ngoài sự kỳ vĩ trên đây của đức Bổn sư, PH còn có sự xuất hiện của bảo tháp và toàn thân của đức Đa Bảo, xuất hiện với phong cách đến nỗi thuyết cửu triệt nói Đa Bảo là "bản Phật’’, là pháp thân. Còn có ngài Thường bất Khinh, rất đơn sơ, đáng mến và gần gũi. Còn có hằng hà sa Bồ tát dũng xuất. Còn có thần dụng của các giác quan do cha mẹ sinh ra. Còn có Đề Bà được thọ ký và ai nghe PH nói về việc này mà không hoài nghi hay lầm lẫn thì sinh ra ở đâu cũng được nghe thuyếát PH. Còn có Long Nữ không khác bao nhiêu với thiên nữ trong kinh Duy Ma (dầu ở đó Thanh văn than mình là mầm hư giống hỏng đối với đại thừa, không như trong PH Thanh văn được thọ ký làm Phật).

Thứ mười là bà con. PH trọng thị sự liên hệ với nhau, nhất là liên hệ thành thân quyến (bà con thế gian) rồi thành pháp quyến (bà con Phật pháp). Phẩm 1, nhất là phẩm 7, chưa nói phẩm 27, không những là thân quyến, là pháp quyến, mà còn là khởi đầu về PH của đức Bổn sư. Sau này Lương Hoàng Sám đặc biệt đề cao cái gọi là "bồ đề quyến thuộc’’, còn Cảnh Sách nguyện"bách kiếp thiên sinh đồng vi pháp lữ’’, thì quả thật rất phù hợp với PH.

Thứ mười một là quảng bá. Trước hết PH trọng thị sự thọ trì đọc tụng vị thuyết thư tả là vì PH đề cao sự quảng bá PH. PH còn đặc biệt đề cao sự tùy hỷ, nhất là 3 yếu tố và 4 cách sống. Riêng 3 yếu tố thật đáng cảm,"muốn thuyết PH thì hãy vào nhà của Phật, mặc áo của Phật, ngồi chỗ của Phật’’. Quảng bá PH là như vậy, nên người làm việc này được Phật nói là "sứ giả của Như Lai làm việc của Như Lai’’.

Lược nói hiệu lực

Pháp hạnh PH đem lại tướng tốt (mà PH rất trọng thị tướng tốt ấy, coi các phẩm 18, 28 và 23 thì biết), không bệnh tật, không chết yểu, sống mà chiêm bao cũng đẹp, hơi thở như hương sen, "ước nguyện không vô hiệu quả’’. Nên khi chết thì được"cả ngàn đức Phật trao tay cho’’, rồi hoặc sinh Cực lạc củûa đức Di Đà (phẩm 23) hoặc sinh Đâu suất của đức Di Lạc (phẩm 28) hoặc sinh Đao lợi (cũng phẩm 28) hoặc sinh trong nhân loại chư thiên hay trước chư Phật (phẩm 12). "Cả ngàn đức Phật trao tay cho’’, điều này rất quan trọng, so sánh được với người niệm Phật thì lâm chung được Phật tiếp dẫn như thế nào.

Lược giải đề kinh

HD là Chánh Pháp Hoa, CV là Diệu Pháp Liên Hoa, đều có từ gốc Phạn tự Saddharma pundarika. Chánh pháp hay Diệu pháp là chỉ cho Nhất thừa (xác quyết ai cũng làm Phật). Nhất thừa ấy ví dụ như hoa sen. Hoa sen ở đây là thế nào?

Một, khởûi đầu như ngài Tăng Duệ giải thích hoa sen ở đây là phân đà lị (pundarika), là hoa sen mà nở đúng độ, không phải mới nở hay đã tàn. Đem Nhất thừa ví dụ như hoa sen ấy là nói sự viên mãn (C9/62).

Hai, ngay khi mới thành đạo, Phật đã đem hoa sen ví dụ cho chúng sinh: có kẻ như hoa sen ngoi ra khỏi bùn, có kẻ như hoa sen ngoi lên nửa nước, có kẻ như hoa sen ngoi lên mặt nước, có kẻ như hoa sen ngoi lên khỏi mặt nước và nở ra. Nói theo ý nghĩa"vạn thiện đồng qui’’ thì Nhất thừa chẳng phải chỉ làm cho chúng sinh làm Phật, mà còn làm cho chúng sinh ngoi ra khỏi bùn cho đến ngoi lên mặt nước. Thế Thân đại sĩ nói càng sát ý PH, rằng hoa sen ở đây là lấy sự ngoi lên và nở ra: Nhất thừa làm cho Thanh văn ngoi lên khỏi bùn nước Tiểu thừa mà tín giải pháp thân của Phật (C26/3t). Pháp thân ở đây ngôn ngữ PH gọi là Phật tri kiến.

Ba, thế nhưng chính trong phẩm 2, Phật nói Nhất thừa hiếm có như hoa ưu đàm. Ưu đàm là ưu đàm bát la (udumbara) mà nay có người nói tên khoa học là ficus glomerata. Ưu đàm là hoa thiêng quí hiếm hay là ficus glomerata thì tôi tồn nghi. Nhưng điều chắc chắn là ưu đàm không thể không liên hệ gì với hoa sen.

Do vài điều sơ lược trên đây mà ít ra cũng biết nói hoa sen nhân quả đồng thời (mà thật ra đâu phải chỉ hoa sen mới là như vậy) chỉ là ý kiến mới có từ trung diệp bách kỷ 6.

*

Đến đây có thể tạm ngưng được để nói như lược lại, rằng tu học PH thì phải thấy mấy điều sau đây. Một, thấy chính cái thế giới này là tịnh độ của Phật. Phật thuyết PH tại Linh sơn thì Linh sơn là tịnh độ của Phật. Tịnh độ của Phật là đương xứ tiện thị: ở đâu và lúc nào cũng là tịnh độ của Phật. Hai, thấy Phật không nhập diệt. Phật siêu sống chết, siêu thì gian và không gian. Phật luôn luôn ở bên ta, trên ta và trong ta. Cái thấy của ta không cục bộ thì thế là thấy Phật. Ba, thấy đạo lý PH là "như vậy’’: biểu hiện, đặc tính, bản thể, năng lực, động tác, nhân tố, duyên tố, kết quả, hình thành, toàn bộ, hết thảy các mặt của các pháp toàn là"như vậy’’: toàn là PH. Nói ngay ta đây, tất cả những gì là ta thì chính tất cả những gì ấy là Phật, như cả cái cánh tay đang chỉ xuống chính là cả cái cánh tay sẽ chỉ lên. Bốn, thấy ta cũng từng là đệ tử của Phật, không của ngài Thường Bất Khinh thì của vị Sa di Bồ tát thứ 16. Năm, thấy làm gì cũng không vô hiệu quả: một câu con tôn kính Phật, một lời giới thiệu PH, rồi ra cũng làøm Phật cả. Sáu, tu học PH là vào nhà Phật, mặc áo Phật, ngồi chỗ Phật. Bảy, chết thì được chư Phật trao tay cho, rồi sinh chỗ đức Di Đà, chỗ đức Di Lạc, sinh lại tại thế giới này, chưa kể chỉ sao chép ấn hành PH cũng sinh Đao lợi, kỳ lạ nữa là nghe kẻ cực ác được thọ ký mà tin hiểu chính xác thì hết còn đọa lạc đường dữ, sinh trong nhân loại hay chư thiên, sinh trước chư Phật.

Rằm tháng 2, 2542 (3, 1998)

TRÍ QUANG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]