Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 6

21/06/201319:42(Xem: 7717)
Phần 6

Hư hư lục

Phần 6

Thích Nữ Như Thủy

Nguồn: Thích Nữ Như Thủy

Cuộc Chiến Hai Bàn Tay

Xưa có anh chàng con nhà giàu đẹp trai học giỏi, nhưng chỉ có cái tật cố chấp cùng mình. Một hôm, dùng búa đóng đinh lơ đễnh thế nào mà bàn tay trái của anh nện phải tay mặt một cái đau điếng. Từ đó, anh đâm ra ác cảm cố chấp đối với bàn tay trái. Luôn luôn anh rấp tâm tìm dịp trả thù.
Bữa nọ, tay trái đóng cửa vô ý làm kẹt bàn tay phải đau điếng. Anh chàng liền nổi giận lôi đình, mở một cuộc chiến sống chết giữa hai bàn tay.
Kết cuộc người ta không rõ bàn tay nào thắng trận, chỉ biết thân nhân anh phải chở anh vào nhà thương để bó bột hai cánh tay và chữa bệnh tâm thần.
Em thân mến!
Không có câu chuyện nào vô duyên và vô lý bằng câu chuyện trên đây cả. Trên thực tế, ta không bao giờ thấy có một trận thư hùng giữa hai bàn tay.
Thế mà trong mỗi con người chúng ta, giây phút nào lại vắng bóng những cuộc chiến giằng dai giữa những vọng niệm thiện và ác.
Cũng như anh chàng trên, hàng tu sĩ chúng ta, ai cũng dành nhiều cảm tình, sẵn sàng khoan dung đối với những tư tưởng thiện và ngược lại, chúng ta rất bực bội, đầy thù hằn, ác ý với những vọng niệm xấu ác của chính mình.
Em đã từng nghe nói đến Phật tính chân tâm, nhưng chưa bao giờ em biết cái thực thể ấy nằm ở đâu, trong ngõ ngách nào. Từ không thể tin nó ở bên ta. Trên xác thân vô thường sinh diệt này và chỉ có một lối cuối cùng là tìm nó nơi tâm mình mà thôi.
Nhưng hỡi ơi! Khi nhìn lại bản tâm của mình em sẽ thấy không biết cơ man nào là những vọng tưởng thiện ác đua nhau trình diễn, chúng sinh diệt loạn động liên miên. Vì đã được trui rèn từ thuở nhỏ, lúc nào ta cũng có khuynh hướng thiên về chân, thiện, mỹ và ghét cay ghét đắng những gì ngược lại. Do đó, mà trong ta, lúc nào cũng có những cuộc chiến dai dẳng giữa hai thế lực đối nghịch nhau. Phe nào thắng thì ta cũng mệt nhoài, vì cả hai đều là những vọng niệm của mình cả.
Em thân mến!
Nếu em thấy rằng mình còn sức để mở thêm một cuộc đọ sức giữa hai bàn tay nữa thì xin em cứ tiếp tục! Bằng ngược lại, em đã mệt nhoài, nắm không xong mà thả cũng chẳng ra, thì tôi xin đề nghị, chúng ta hãy thử một lần nhìn thẳng vào những vọng niệm sinh diệt ấy, bất kể nó là thiện hay ác, ta vẫn nhìn nó bằng một thái độ từ hòa như nhìn hai bàn tay của mình không thiên trọng các nào hết… thì cái gì sẽ xảy ra? Khi anh chàng trên khi không còn thù nghịch bàn tay trái nữa… thì… anh ta sẽ được ra khỏi nhà thương điên và tùy tiện sử dụng hai bàn tay. Chỗ này người xưa bảo: "Lượn sóng nào cũng là nước cả" hay "Mỗi vọng niệm là một hóa thân Phật vậy."
Em có thấy thế không?

Chiếc Lu Vô Tận

Xưa, có một chú tiều phu cần cù chất phác rất tốt bụng và nghèo ơi là nghèo.
Bụt thương tình, ban cho chàng một chiếc lu kỳ diệu. Sau khi chỉ dẫn cách sử dụng cái lu cho chú tiều, Bụt biến dạng sau một đám mây lành.
Chú tiều mừng lắm, mang chiếc lu về giấu trong buồng và bỏ vào đó một đồng tiền nhỏ, số tiền bán củi độc nhất trong ngày.
Sáng hôm sau, chú lấy đồng tiền ấy ra mua gạo thì một đồng tiền khác xuất hiện ở đáy lu. Những đồng tiền không bao giờ chấm dứt và nhờ vậy cuộc sống của chú dễ thở hơn, dù mỗi ngày, chú chỉ xin cái lu vỏn vẹn có một đồng tiền.
"Không nên lạm dụng lòng tốt của Bụt," chú tiều thật thà nghĩ và làm thế.
Những tưởng chỉ có chú tiều và Bụt biết chuyện cái lu, nào ngờ "nhà có ngạch, vách có tai," câu chuyện kỳ diệu này lan truyền khắp nơi và đến tai ông bá hộ trong vùng.
Với uy quyền sẵn có, ông phú hộ đoạt cái lu của chú tiều một cách dễ dàng. Ông cho dấu chiếc lu trong phòng kín và hối hả gom góp vàng bạc đang trữ giấu rải rác về để trút hết vào lu.
Trong lúc ông bà phú hộ đang vội vã vận tải vàng bạc vào phòng thì cậu ấm Tèo, đứa con trai cưng độc nhất của họ đang nô đùa với bạn bè. Bọn trẻ đang chơi trò đi trốn đi tìm… Và cu Tèo chợt khám phá ra chiếc lu là một chỗ núp tuyệt diệu, thằng bé liền chui tọt vào lu.
Nhưng vào thì dễ… ra mới khó… Mãn cuộc chơi, Tèo vẫn chưa ra khỏi chiếc lu. Cu cậu la khóc ầm ĩ.
Nghe tiếng con khóc bà phú hộ vội chạy đến bên cái lu và nhất bổng thằng bé ra. Vừa đặt cậu con xuống đất, bà lại thấy thêm một thằng cu nữ, giống hệt thằng trước đứng trong lu la khóc inh ỏi…
Và cứ thế, mãi đến lúc bà nhấc thằng cu thứ 100 ra thì cái lu, sau cái đạp chân quá mạnh của thằng bé, vỡ đôi. Sự kỳ diệu liền chấm dứt.
Từ ngày đó, ông bà phú hộ vì phải nuôi đến 100 cậu quý tử giống nhau như tạc, nghịch ngợm và đòi ăn suốt ngày nên họ trở thành sa sút, nghèo nàn khổ sở còn hơn là anh chàng tiều phu nọ.
Em thân mến!
Mỗi người chúng ta, dường như ai cũng có một chiếc lu vô tận như thế. Và tùy theo cách sử dụng mà chúng ta sẽ lôi ra nhằm "tri kiến Phật" hay "tri kiến chúng sanh." Lỗi không phải ở cái lu điều này chắc đứt đuôi đi rồi, em có thấy thế không?

Chú Chuột Vô Hình

Bé mới lên ba, thường đi lẫm đẫm lấy bút, thước, vở của anh chị nghịch phá. Mỗi khi muốn thu hồi sản vật lại anh chị bé thường lấy giấu và bảo là "chú chuột tha rồi", cho bé khỏi đòi.
Một hôm bé cầm hộp quẹt của ba đi chơi. Lát sau ba gọi bé đến đòi hộp quẹt. Bé đưa hai tay không bảo: "Chú chuột tha rồi." Ba đành chịu mất chiếc hộp quẹt. Chú chuột vô hình là như thế đó.
Em thân mến!
Lúc mới vào chùa, chúng ta thường được nghe nói về nghiệp như một nguyên nhân chính chi phối hầu hết đời sống của con người. Em nhớ mẹ ư? - Nghiệp đó! Em thích ăn quà vặt ư? - Nghiệp đó! Em hay cãi lời, biếng học, ham chơi, buồn, thương, giận ghét ư? - Nghiệp đó! Nghiệp được đưa ra như một chú chuột vô hình mà người lớn dùng để rầy la hay hăm dọa, trấn an em. Em làm quen với nghiệp như con bé làm quen với chú chuột vậy.
Cho đến một ngày nào đó, em thấy bất lực trước cả khối "nghiệp chướng" nặng nề, em lao đao, mệt mỏi, chán nản.
"Ðường lỡ đi chân chực bước quay về" mặc kệ những lời rầy la, hăm dọa, trách móc… em bỏ cuộc tu vì thấy sao mà cái nghiệp của mình nặng quá sức. Ðây chính là lúc con bé đưa hai tay lên nói: "Chú chuột tha cái hộp quẹt của ba" rồi vậy.
Nếu tình trạng đã đến mức này, thì … cũng đã đến lúc tôi phải làm người lớn, dù không lớn hơn em bao nhiêu, dắt em đi tìm chú chuột đó vậy.
Nghiệp không phải là một định mệnh cứng ngắt, bất di bất dịch mà chỉ có nghĩa là một cái thói quen. Thói quen này hoàn toàn do ta tự do lựa chọn và cũng có quyền tự do sửa đổi. Chẳng hạn lúc mới sinh ra, em hoàn toàn không biết ăn ớt. Thói quen ăn ớt được em tập dần qua năm tháng. Cho đến một ngày nào đó, đến bữa ăn thiếu ớt là em bực bội khó chịu, ăn ớt đã thành một thói quen - một cái nghiệp vậy.
Như thế, do những thói quen lâu ngày, em đã có những hành động xấu, lời nói xấu và ý nghĩa xấu. Ðây tức là những nghiệp ác chướng đạo… Bây giờ, em sửa đổi dần, đổi những lời nói dối trá thành lời chân thật, dua nịnh thành lời ngay thẳng, những hành động xấu như trộm cướp thành hành động tốt như bố thí, giúp đỡ người… thì lâu ngày em sẽ tạo thành những thói quen tốt, những nghiệp lành. Em đã chuyển nghiệp dữ thành nghiệp lành, việc này được gọi là tu.
Tiến thêm một bước nữa… là dứt nghiệp. Nghiệp được chia làm ba: thân, miệng và ý. Ý là cái chủ động, thân miệng chỉ thừa hành. Dứt được cái chủ động thì thân miệng hết còn mệnh lệnh để thừa hành, lúc ấy hành giả không biến thành một con búp bê mà thành một ông Phật đó em… Về cách tu dứt nghiệp có rất nhiều đường lối, nếu muốn biết em có thể tham hỏi các bậc cao minh. Phần tôi, tôi chỉ muốn dắt tay em đi tìm con chuột. Em đã thấy rõ nó rồi chưa? Không đáng sợ lắm phải không nào?

Bàn Tay Ðã Mất

Xưa, có một chàng trai lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự. Giặc tan, chàng trở về và bỏ lại một bàn tay ở chiến trường.
Từ dạo đó, trong những đêm hôm khuya khoắt chàng mơ hồ cảm thấy mình đau nhứt dữ dội ở bàn tay đã mất. Cơn đau ngày càng gia tăng, bệnh tưởng đã thành bệnh thật, chàng tìm đến một y sĩ. Y sĩ hỏi:
- Anh đau ra sao?
- Thưa tôi bị nhức nhối ở bàn tay mặt nhất là khi về đêm.
Y sĩ mỉm cười:
- Anh đưa bàn tay đau cho tôi xem nào.
Bệnh nhân sửng sốt hồi lâu ấp úng:
- Thưa bác sĩ, bàn tay mặt của tôi không có ạ!
- Thế thì tôi đã chữa bệnh cho anh rồi.
Bệnh nhân liền ra về với một nụ cười. Hóa ra lâu nay chàng mắc loại bệnh tưởng.
Ít lâu sau thanh niên cùng đến thăm y sĩ với một thanh niên bạn, người bạn này cũng mắc một chứng bệnh tương tự để nhờ y sĩ chữa giùm. Lần lần bệnh nhân tự bảo:
- Thưa bác sĩ, dù rằng đã biết bàn tay mình không có nhưng trong giấc ngủ chập chờn tôi lại thấy đau nhức dữ dội ở bàn tay đã mất xin bác sĩ chữa bệnh cho tôi.
Y sĩ liền hí hoái biên toa, xong căn dặn:
- Toa thuốc này có hai loại, một để uống và một để thoa lên vết thương. Anh về điều trị tuần sau khám lại.
Bệnh nhân thứ hai y lời về mua thuốc, nhưng chàng không biết bôi thuốc vào đâu, vì bàn tay đã không còn thì làm gì có vết thương. Loay hoay tìm kiếm hồi lâu anh bật cười bảo:
- Lão bác sĩ này gạt mình thật!
Từ dạo đó anh lành bệnh. Hai anh bệnh nhân đã lành bệnh trên, về sau lại gặp một người bạn cũng mang chứng bệnh tương tự. Cả hai đều trổ hết kinh nghiệm và sở trường của mình điều trị song cơn đau vẫn không thuyên giảm. Bệnh nhân liền được đưa đến phòng mạch. Y sĩ hỏi:
- Những lúc nào anh bị đau nhức?
- Thưa, tôi bị đau nhức liên tu bất tận.
- Thế không có lúc nào ngừng đau à?
- Thưa có, những lúc nào tôi say mê đọc sách hay nghe nhạc thì cơn đau dường như không còn nữa.
- Thế thì… toa thuốc của anh đấy, khi nào thấy đau đớn hãy lấy sách báo đọc hoặc là nghe nhạc…
Bệnh nhân y lời, bệnh tình ngày một thuyên giảm.
Em thân mến!
Có phải chúng ta tất cả đều mang một chứng bệnh tưởng như ba anh chàng trên đây không?
Chúng ta cứ than van suốt ngày "Tôi buồn, tôi khổ, tôi mệt mỏi, tôi chán nản, tôi tuyệt vọng…" Và nếu có ai hỏi "cái tôi" ấy ở đâu thì chúng ta không khỏi giật mình. Thấu đáo cho rõ CÁI TÔI này thì căn bệnh mới chữa tận gốc. Tôi là thân hay tâm?
Thông thường, chúng ta cho cái suy nghĩ phân biệt, thương ghét, buồn giận đó là tôi. Và cái tôi này quả là loạn động, rối bời, xao xuyến. Chúng ta nghe cuộc gặp gỡ giữa hai người y sĩ Bồ Ðề Ðạt Ma và bệnh nhân Huệ Khả như sau:
Bệnh nhân thưa:
- Tâm con bất an, xin Ngài dạy con phương pháp an tâm.
Y sĩ mỉm cười bảo:
- Ðưa tâm ra đây ta xem!
Bệnh nhân lúng túng:
- Con tìm tâm không ra
Y sĩ:
- Vậy thì ta đã chữa bệnh an tâm cho ông rồi.
Huệ Khả liền đại ngộ, tức là hết bất an, hết kêu than là khổ sở, đau đớn quá nữa.
Trường hợp của Tổ Huệ Khả tương tự như trường hợp anh thương binh thứ nhất, sau một lần đến phòng mạch là lành bệnh.
Trường hợp bệnh nhân thứ hai là những hành giả phải gia công quán chiếu tu trị những tâm thức vọng động của mình bằng các phương pháp trị tâm hay tu tâm. Cho đến bao giờ hành giả chợt thấy rằng "năm uẩn đều không" thì "vượt qua tất cả khổ ách" Ðây là lúc anh chàng thương binh đang loay hoay tìm cách rịt thuốc lên vết thương thì bỗng khám phá ra bàn tay mình không có, vết thương cũng không luôn nên vứt gói thuốc đi và lành bệnh.
Trường hợp thứ ba, chỉ những lúc hì hục tu hành, say mê hạ thủ, tụng kinh lễ bái, niệm Phật trì chú… hành giả mới cảm thấy vơi sầu, bớt khổ não, tâm dần an định… giống như anh chàng thương binh thứ ba, khi nghe nhạc hoặc đọc sách thì không thấy đau đớn gì cả.
Ba chàng thương binh trên đây mang bệnh tưởng vì ngờ rằng bàn tay có thật, bàn tay có thật nên sự đau nhức cũng có thật, sự đau đớn có thật nên thưốc chữa cũng có thật:
"Có thì tự mảy may"
(Tác hữu trần sa hữu)
Bệnh của họ được chữa lành khi họ khám phá ra rằng bàn tay không có, bàn tay không có nên bệnh cũng không, bệnh không nên thuốc cũng không.
"Không thì cả thế gian này cũng không."
(Vi không nhất thiết không)
Chúng ta cũng thế, bao nhiêu khổ đau rắc rối đều thành hình khi ta ngỡ rằng mình là một cái này, một cái nọ… Do có "ta" nên có cái "của ta." Và hỷ, nộ, ái, ố… cũng bắt đầu từ đó. Hành giả chỉ hết khổ khi thấu hiểu được rằng "cái ta không có." Chỗ này, Lục Tổ bảo rằng: "Bản lai vô nhất vật" vậy!
Thầy thuốc xem bệnh nhân bình đẳng như nhau, nhưng tùy theo tình chấp của mỗi người mà cách chữa trị có khác. Các pháp môn tu của Phật cũng thế, tùy theo tình chấp của chúng sanh mà có thiên sai vạn biệt. Chúng ta không thể nói rằng pháp môn này cao pháp môn kia thấp… mà chỉ có thể nói rằng: "Cố chấp của tôi nhiều, tình chấp của anh ít hơn mà thôi."
Em có thấy như thế không?

Mối Tình Có Duyên

Vua Kinh có một người thiếp rất xinh đẹp mà vua đặc biệt sủng ái. Hoàng hậu thấy vậy cũng đem lòng yêu mến cưng chìu mỹ nhân này như con gái yêu của mình. Một hôm hoàng hậu bảo người thiếp:
- Bệ hạ bảo em rất xinh đẹp, duy có chiếc mũi hơi thô. Nếu em tìm cách che mũi đi mỗi khi diện kiến ngài thì chắc bệ hạ sẽ yêu em hơn.
Thiếu nữ ngây thơ tin lời. Mỗi khi giáp mặt vua, nàng thường dùng một chiếc khăn lụa che mũi. Vua trông thấy thế ngạc nhiên hỏi hoàng hậu. Hoàng hậu nhất định không nói. Vua gạn hỏi mãi, bà mới thưa:
- Muôn tâu thần thiếp nghe cô ta bảo rằng mồ hôi của bệ hạ có mùi khó ngửi quá! Xin bệ hạ rộng lòng dung thứ cho…
Vua nổi giận lôi đình, truyền cắt mũi mỹ nhân. Hoàng hậu chỉ chờ có thế, liền sai một người tâm phúc đang chực sẵn, thi hành ngay mệnh lệnh.
Nàng ái thiếp bị thất sủng từ đó.
Em thân mến!
Tham sân và tật đố là những thứ phụ tùng mà ai ai cũng có. Vua Kinh yêu mến nàng ái thiếp là do lòng tham lam háo sắc mà ra. Hoàng hậu hại nàng là do tâm tật đố ganh ghét. Và vua truyền lệnh cắt mũi mỹ nhân là do lòng tự ái - tự yêu mình - bị tổn thương nên đổi thành sân hận. Mối tương giao của loài người chúng ta được lập cước trên những tâm sở vô thường như thế… nên tình yêu, tình thương chỉ là những thứ tham lam, sân hận, ganh ghét trá hình mà thôi. Nếu bây giờ, có ai bảo rằng họ yêu em thì em phải coi chừng cái lỗ mũi của mình và lòng đố kỵ của người chung quanh đấy nhé!
Trong các kinh, đức Phật có đề cập đến lòng từ vô duyên - tức là tình yêu thương vô điều kiện – hoàn toàn vắng bóng sư toan tính, lọc lừa của bản ngã. Ta cảm thấy yêu thương người chung quanh vì lòng ta vắng bóng muộn phiền, nhìn người quay quắt khổ đau, ta cảm thấy thương xót nên tìm đủ mọi cách giúp đỡ cho người vơi khổ. Ðó là một sự tương giao hoàn toàn vắng bặt những ý niệm về ta, của ta, không có sự đam mê nồng nàn, ganh ghét nháng lửa và sân hận lôi đình… nên hỏng có ai bị xẻo mũi hết. Muốn chiêm nghiệm và thể hiện tình yêu này, lòng chúng ta phải vắng bóng các tâm sở - tức là những vọng niệm thương ghét sanh khởi liên miên ấy - thấu rõ "mình là ai."
Biết rõ ta là ai? Ta là gì? Rồi mới thoát khỏi lầm lẫn khi đem cái ta ấy đi yêu thương người khác, và cũng không "tá hỏa tam tinh" tim đập loạn xạ khi nghe người ta tuyên bố là yêu mình say đắm. Và khi ấy, chúng ta mới có thể yêu thương tha hồ, vô kể mà không sợ làm hại mình và khổ người. Ðó chính là chỗ mà người xưa nói: "Ða tình thị Phật tâm" nghĩa là "Tâm Phật rất nhiều tình." Do nhiều tình nên Phật mới yêu thương muôn loài… còn tâm chúng sanh chỉ có một tình yêu duy nhất, đó là lòng yêu thương độc nhất có một cái mạng mộc của mình mà thôi.

Tưới Dưa Cho Người

Lương và Sở là hai nước láng giềng ở cạnh nhau vào thời Chiến quốc.
Ở một vùng biên giới của hai nước, dân chúng đều trồng dưa. Dân nước Lương siêng năng chăm sóc tưới nên dưa tốt. Trái lại, dân Sở lười biếng nên dưa xấu. Dân Sở thấy vậy, sanh lòng đố kỵ, mỗi đêm lén chạy qua nước láng giềng Lương cào dưa của người. Dân Lương thấy dưa của mình mỗi ngày chết một ít, lấy làm lạ, theo dõi và phát giác ra nguyên nhân, bèn dự định sẽ lén qua rẫy của dân Sở cào dưa để trả thù.
Quan huyện nước Lương là Tống Tựu, biết được ý đồ ấy, bèn ngăn lại và dạy dân mình rằng:
- Thay vì đi cào dưa mỗi đêm, ta hãy lén sang bên ấy tưới dưa cho người thì có phải tốt hơn không?
Dân Lương bèn y lời. Nhờ đó mà rẫy dưa của dân Sở ngày một xanh tốt. Dân Sở ngạc nhiên, theo dõi và biết được nguyên do, lấy làm hổ thẹn.
Chuyện đến tai quan huyện, rồi vua Sở. Nhà vua bèn sai người mang lễ vật sang tạ tội vua Lương và kết tình giao hữu.
Em thân mến!
Lòng đố kỵ, ganh ghét là một trong những tật xấu của con người ở trần gian này. Ta tật đố khi ta thèm thuồng, ước mơ những gì mà người khác được còn ta thì mất, người khác có và ta thì không. Ta ganh ghét vì mê mờ không rõ lý nhân quả… như bọn người nước Sở trên đây chẳng hạn. Ðâu phải khi không mà dưa người ta tốt hơn là dưa của mình? Người ta siêng, ta lười biếng… Vậy mà khi thấy kết quả tốt đẹp của người ta, mình lại vác cào sang phá hoại kết quả ấy thì thật là thô lỗ và hết sức trẻ con!
Cũng thế, đâu phải đương không mà người ta đẹp đẽ ta xấu xí, người giàu sang thông minh, còn ta nghèo hèn ngu tối? Khi đã thấu rõ lý nhân quả thì không còn ganh ghét và tật đố nữa.
Thời Chiến quốc, Phật giáo chưa phổ cập đến Trung Hoa nhưng Tống Tựu đã có một cách sử lý nột vụ thật tài tình. "Lấy đức báo oán" và dạy mọi người lý nhân quả bằng hành động thiết thực nhất: "Tưới dưa cho người" để dưa người cùng mình đều được sai quả, nhờ đó mà hai nước tránh khỏi những sự hiềm khích, đổ vỡ, có thể đưa đến chiến tranh.
Ðọc xong câu chuyện này tôi và em, những người còn đầy nhóc lòng đố kỵ, có nên vòng tay bái phục ông Tống Tựu và sắm sẵn một cặp thùng thay vì cái cào để "tùy hỷ công đức" với đồng loại cho kịp mỗi khi ta nổi cơn ganh ghét hay không đây, hở nhỏ?

Câu Hỏi Khó Trả Lời

Mạnh Tử hỏi vua Tề Tuyên Vương:
- Giả sử có người đem vợ con tài sản gởi gấm cho một người bạn thân nhờ trông nom giùm, vì anh ta bận việc đi xa. Lúc trở về mới hay người ấy để vợ con mình đói rét, tài sản bị chiếm đoạt hết thì nên có thái độ với người bạn ấy như thế nào?
Vua đáp:
- Tuyệt giao!
Mạnh Tử lại hỏi:
- Giả sử có người làm quan, công việc cẩu thả, bê trễ mọi việc thì bệ hạ sẽ xử y ra sao?
Vua đáp:
- Cách chức!
Thầy Mạnh lại hỏi:
- Thế thì, người làm vua một nước mà không chăm lo đời sống dân chúng cho no ấm, bình trị lại đắm mê tửu sắc… thì nên xử như thế nào?
Ðức vua tìm cách nói lảng sang chuyện khác.
Em thân mến!
Tại sao Tề Tuyên Vương không trả lời câu hỏi thứ ba? Nếu nhà vua kém trí hay chậm chạp thì ông đã không trả lời hai câu hỏi trên một cách mau lẹ và dứt khoát như thế. Cái gì đã làm cho ông vua này "chuyện người thì sáng mà chuyện mình thì quáng" như thế?
Thời quân chủ đã qua rồi, các ông hoàng bà chúa cùng thầy Mạnh, thầy Khổng đều biến mất nhưng câu hỏi trên vẫn chưa được trả lời.
Chúng ta chưa hề làm vua và cũng sẽ không bao giờ làm vua nên ta cũng không biết trả lời giùm Tề Tuyên Vương ra sao hết. Chỉ nhân câu hỏi em cũng có nghĩa là tôi tự hỏi chính mình vậy.
- Nếu có người nhận tiền hàng xóm gởi, đi ra chợ mua gạo. Lúc trở về, người bạn đến hỏi, gạo cũng không mà tiền đã xài hết, thì nên đối xử với họ ra sao?
- Lại có người, nhận một số tiền lớn của bạn hứa sẽ mua giùm đất đai, nhà cửa ruộng vườn… rồi quỵt luôn, nên xử với họ ra sao?
Và, có người nhận tiền của, nhà cửa, y phục, thuốc men, ẩm thực, quà bánh, sự thanh nhàn, lòng cung kính tôn trọng… của người chung quanh đóng góp, với lời hứa sẽ đi tìm đạo giải thoát cho mọi người. Xong, người ấy sáng ngắm kiểng, chiều xem huê, nay dạo làng thăm thân thuộc, mai rảo xóm viếng người quen, chưa đói đã lo ăn, chưa lạnh đã lo đắp, mùa nào thức nấy, vui thú thanh nhàn. Nhận lãnh của mọi người từ những thứ phụ tùng xa xỉ cho đến các nhu cầu cần thiết… để rồi suốt ngày vào than ra thở, đòi hỏi tìm cầu không chán mỏi… Những hạng người như thế nên đối xử ra sao đây?
Câu hỏi này, đức Phật đã trả lời giúp cho tôi và em khỏi lúng túng:
"Thọ của tín thí, tiêu dùng không đúng chỗ sẽ bị đọa vào tam đồ, chịu sự khổ sở, mang lông đội sừng mà đền nợ cũ…"
Ðây không phải là lời hăm dọa suông đâu. Chúng ta chớ có xem thường, các thiền sư cũng đã từng nhắc nhở chúng ta:
"Liễu đạo rồi thì ngày tiêu muôn lượng vàng ròng cũng được. Bằng ngược lại thì một hạt cơm, giọt nước cũng không tiêu nổi."
Hay:
"Học đạo bất thông lý
Hoàn thân đều tín thí…
v.v… và v.v…

Phá Táo Ðọa

Xưa có một thiền tăng vô danh, đi hành cước. Trên đường du phương, sư có đi ngang qua một miếu thờ thần táo, được cư dân đồn đãi là rất mực hiển linh. Tò mò, sư đến trước miễu thờ Táo thần, xem xét. Thấy miếu thờ chỉ có ba viên gạch bắt sơ sài, sư ngạc nhiên buột miệng:
- Ủa, chỉ là ba viên gạch nung kê thành cái bếp, hiển linh ở chỗ nào cà?
Sư vừa nói xong, ba viên gạch liền nát vụn, miếu thờ cũng sụp đổ. Sợ cư dân nghi mình phá miếu, sư vội vàng rảo bước.
Ði được một quãng sư gặp một ông cụ áo xanh quỳ bên vệ đường, kính cẩn thưa:
- Xin tạ ơn thầy đã vì con mà thuyết pháp vô sinh.
Thiền tăng ngạc nhiên:
- Tôi đã gặp cụ lúc nào nhỉ?
Ông lão mỉm cười:
- Thưa con nguyên là vị Táo thần ở ngôi miếu thờ khi nãy. Ðã từ lâu con mê muội tưởng đâu ba viên gạch là thân mình nên cứ phải lẩn quẩn quanh ngôi miếu mà ban phúc giáng họa. Ai đến cung kính lễ bái ba viên gạch ấy thì con tự cao hãnh diện, gặp kẻ khinh dễ ba viên gạch thì con nổi giận lôi đình. Hôm nay nhờ câu nói của thầy mà con tỏ ngộ lý vô sinh. Một lạy này xin đền ơn tri ngộ.
Lễ xong, cụ già biến mất. Từ đó người ta gọi vị tăng này là Phá Táo Ðọa, tức là người đã giúp ông Táo hóa kiếp vậy.
Em thân mến!
Câu chuyện trên hư thực ra sao chưa ai rõ. Song điểm kỳ thú của câu chuyện là sự giác ngộ của ông táo. Ai đã bắt ông ta phải làm thần Táo để ban phúc giáng họa cho cư dân trong vùng? Gây tạo không biết bao nhiêu nghiệp thiện và ác? Và ai đã giải thoát cho ông thoát khỏi kiếp Táo?
Chỗ này em hãy nhớ lại câu chuyện giữa Tam Tổ Tăng Xán và chú Sa di Ðạo Tín:
Ðạo Tín thưa:
- Xin thầy dạy cho con pháp môn giải thoát.
Tổ hỏi:
- Ai trói buộc chú?
Ðạo Tín liền đại ngộ.
Còn chúng ta, ai đã trói chúng ta vào những niềm sầu khổ, sự lo âu, bối rối, dằn vặt thường xuyên? Nếu ông Táo chỉ vì chấp vào ba viên gạch nung cho là thân mình, nên phải làm thần Táo. Một ông Táo có nhà cửa, tên tuổi, đồ đệ, người thương kẻ ghét hẳn hòi… thì chúng ta chỉ do chấp vào thân tứ đại vô thường này cho là mình, nên cũng thành một kẻ có tên họ, cha mẹ, quê hương, thân thuộc, kẻ oán, người thân… và luôn cả hỷ, nộ, ái, ố.
Khi ông Táo không còn bám víu vào ba viên gạch, ông ngộ lý vô sinh – vô sinh tức là hiểu rõ lý vô ngã và thật ngã – ông không phải là ba viên gạch này, không là niềm vui khi được thờ phụng, không là nỗi buồn tức khi bị khinh dễ, ông không là những thứ đó, nhưng không phải vì thế mà ông trở thành hư hỏng… Do đó mà ông đến lạy tạ vị sư để đền ơn khai ngộ.
Vậy thì, khi em không còn nghĩ, không còn chấp rằng mình là cái thân này, là dáng dấp kia là khuôn mặt nọ… là những đức tánh, những cố tật, những sở thích, những buồn thương giận ghét đắp đổi liên miên… thì cái gì sẽ xảy ra? (xin bảo đảm với em rằng, chúng ta sẽ không nát ra thành bụi như ba viên gạch kia đâu!)
Hiểu rõ được chỗ này, chúng ta sẽ thoát được kiếp đọa đày của loài người, tức là "phá nhân đọa" vậy.

Tử Uyên Thê

Tử Uyên Thê là một quan đại thần thờ vua Tề Giản Công đời Chiến quốc. Vua Tề bị một quyền thần giết. Giết xong, y sai bộ hạ đến dụ Tử Uyên Thê theo phe mình, Tử Uyên Thê ung dung nói:
- Người muốn cho ta vào cùng phe là vì cho ta là người trí chăng? Bầy tôi giết chết vua mà ta không can ngăn nổi, tức là vô trí. Cho ta là nhân chăng? Nếu thấy lợi mà làm chuyện bất chánh thì ta là hạng bất nhân, cho ta là dũng chăng? Bị người uy hiếp mà sợ hãi thì chẳng phải là dũng. Nếu ta không có đủ ba điều kiện ấy thì dù có về cùng bè đảng với ngươi cũng chẳng lợi ích gì cho ngươi. Còn nếu ta đủ ba điều kiện ấy thì đời nào ta chịu theo ngươi mà dỗ với dành.
Tên quyền thần nghe xong đành chịu, không thể bắt tội mà cũng không dụ dỗ Tử Uyên Thê được.
Em thân mến!
Người quân tử thời xưa lấy ba đức tính TRÍ NHÂN DŨNG làm tiêu chuẩn để thờ vua giúp nước. Câu đáp ung dung mà hay tuyệt diệu của Tử Uyên Thê đã giúp ông thoát khỏi một tình trạng nan giải. Ðây không phải là một điều luận biện suông ngoài môi mà thật là phải thực nghiệm mỗi ngày, ông mới có một câu đáp đơn giản mà hiệu dụng như vậy.
Nho gia có ba tính TRÍ NHÂN DŨNG để xử thế thì chúng ta – hàng tăng đồ nhà Phật cũng TRÍ BI DŨNG là ba đức mà không ai có thể thiếu được.
Trên bước đường học đạo, tu đạo, hành đạo, người tu Phật thường vấp phải lỗi lầm vì thiếu TRÍ, BI và DŨNG. Do thiếu Trí nên nhiều lúc chúng ta luống cuống không biết đặt để tay chân vào đâu, thiếu Bi nên chỉ thấy có mỗi một cái bản ngã của mình cùng với những niềm vui nỗi sầu của nó, thiếu Dũng nên mỗi khi gặp bát phong nghịch cảnh là nước mắt đoanh tròng.
Học đạo, tu đạo, hành đạo là ba danh từ nhưng chỉ là một giai đoạn mà thôi. Cả ba đều được thực thi trong mỗi khoảnh khắc ngắn ngủi của hiện tại. Nếu kẻ sĩ người đời, trên đường phò vua giúp nước, bị sa vào cảnh "thân bại danh liệt" vì bị rơi vào cạm bẫy của ngũ dục: tài sắc danh thực thùy (tài, sắc, danh, ăn và ngủ) thì hàng sứ giả của Như Lai cũng bị lâm vào một hoàn cảnh tương tự.
Thông thường chúng ta sợ bệnh hoạn, đói khác làm gián đoạn đường tu, sợ công việc đa đoan trong một tập thể đại chúng làm phí thời giờ tu học. Vậy mà oái ăm thay, như em thấy đó, chúng ta chưa nghe hay thấy một vị tăng hay ni nào bị chết vì sốt rét, kiệt sức vì những công việc rẫy bái ruộng nương, bỏ tu vì những chức vụ đa đoan trong tu viện… Mà nhan nhản trước mắt em và tôi vô số tu sĩ bỏ cuộc vì chạy theo những miếng mồi "tài, sắc, danh lợi…"
Như vậy ta có nói như Tử Uyên Thê mỗi khi có người đến rủ rê ta cộng tác làm những việc khu danh trục lợi, được mệnh danh là Phật sự rằng:
- Nếu bần đạo có đủ Trí, thì bần đạo biết rõ điều gì nên làm, nếu bần đạo đây có đủ Bi thì chuyện lợi tha là một điều dĩ nhiên, nếu bần đạo có đủ Dũng lực thì không bị tiền tài danh lợi quyến rũ được. Ngược lại, nếu bần đạo thiếu ba đức tính đó, thì quý vị có rủ rê cũng chẳng ích lợi gì đâu!
Ậy… tôi xin nhắc lại, câu nói trên chỉ nên nói thầm trong bụng thôi nghe… kẻo lọt vào tai người khác, họ sẽ bực ghê lắm đó! Tự nói thầm với mình để ngăn ngừa những tâm niệm tham đắm vừa nảy sinh trước miếng mồi ngũ dục.
Nhưng, còn ba đức tính Trí Dũng Bi thì chúng ta phải kiếm nơi đâu đây?
Em thân mến!
Thật là vui mừng biết bao khi trong một bản kinh như Hoa Nghiêm chẳng hạn, đức từ phụ đã quả quyết: "Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng trí huệ như ta không khác."
Như vậy muôn đức còn có nữa là ba đức. Và muốn phát huy ba đức này, nói theo Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma thì chỉ cần quán tâm là đủ. Công việc quán tâm là chuyện chúng ta làm hằng ngày. Hay nói một cách giản dị hơn, khi nào em tỉnh táo, lòng rảnh rang, không vướng mắc về những ý niệm, tính toán TA và CỦA TA… lúc ấy, chính là TRÍ. Chính cái tâm không việc này mới làm em an vui thoải mái, do đó mà ta mới có một tình yêu thương giao cảm thật sự với tha nhân, đó chính là BI. Và cũng chính nhờ cái tâm không ấy em mới có thể tiếp ứng dễ dàng với ngoại cảnh đương đầu với bát phong, mà không phải sụt sịt khóc. Ðây chính là DŨNG vậy.
Như thế, học đạo chính là học những "đường đi lối về của vọng tâm, của những ý niệm ngã và ngã sở." Tu đạo là "bình tĩnh sáng suốt, không để những ý niệm ấy đánh lừa phi phối." Hành đạo tức là thực hành những điều mình đã học và tu ngay trong cái khoảnh khắc hiện tại này vậy.
Tự lợi bao gồm cả lợi tha – tu đạo tức là hành đạo. Em có thấy như vậy không? Nếu em chưa thấy rõ điều này, thì tôi xin… thú thật với em rằng, những điều vừa viết trên đây, chỉ thỉnh thoảng mới có trong tâm tôi, chứ chưa được thường hằng. Do không thường hằng nên ba đức BI TRÍ DŨNG dù có sẵn đầy đủ như lời Phật dạy, chúng ta cũng thật là lúng túng và vụng về mỗi khi đem ra sử dụng. Vì vậy mà thỉnh thoảng, tôi cũng như em vẫn thường cứ bối rối không biết đặt để tay chân vào đâu, có lắm khi không thương ai hết (nếu dám nói là ghét, là ganh…) và òa lên khóc mỗi khi thấy bát phong lảng vảng đến gần.
Nhưng mà không sao đâu! Lúc lúng túng ta cứ việc lúng túng, lúc ghét ganh cứ biết rõ là mình ghét ganh, khi muốn khóc cứ òa lên khóc, xong chúng ta chậm rãi hỏi mình rằng: "Ai lúng túng? Ai ghét? Ai ganh? Ai buồn? Ai khóc?" Chẳng có gì đáng sợ hãi khi phải lâm vào những tình trạng đó vì… ai cũng như ai "như nhau dọc mũi ngang mày" mà lị.
Trăng khuyết nhưng sẽ có ngày tròn. Xin hẹn gặp em vào một ngày mà "lòng ta vằng vặc trăng rằm trung thu" vậy!

Khi Quạ Trổ Tài

Một chú quạ đang đậu trên cành cây cao, thấy chim đại bàng cắp một chú cừu con tha đi, liền lên tiếng phẩm bình:
- Ðồ ngốc! Tha một con cừu bé tí tẹo thế kia làm gì cho bõ công. Phải tay tôi thì…
Muôn chim nghe thế liền hỏi:
- Thế bác làm sao?
- Tôi chọn con to nhất đàn kia chứ!
- Nói thì dễ nhưng làm thì khó lắm bác ơi!
Quạ liền trổ tài, giăng cánh bay lượn mấy vòng. Xong giương móng quặp vào lưng một con cừu to béo nung núc. Nhưng khốn nỗi sức quạ không tài nào nhất nổi con cừu… mà quạ cũng không biết làm sao để gỡ đôi chân ra khỏi đám lông cừu dày cộm. Ông chăn cừu thấy thế đến nện cho quạ một trận thừa chết bán sống.
Em thân mến!
Chê bai dèm pha, chỉ trích việc của người là một điều rất dễ dàng, nhưng làm bằng người là một điều rất khó khăn gấp bội. Có lẽ vì vậy mà chúng ta thường làm chuyện dễ dàng ấy hằng ngày chăng?

Chiếc Gương Soi Mặt

Xưa, có một anh nhà quê lên phố chơi. Ðến hàng bán gương soi mặt, cầm lấy một tấm, thấy gương mặt của mình phản chiếu trong đó, anh ngạc nhiên thầm nghĩ:
- Hay là ta mua chú chàng này về để sai vặt vậy!
Và anh liền mua tấm gương.
Về đến nhà, anh vội vàng gọi vợ:
- Bu nó ơi! Ra mà xem. Tôi lên phố mua được cái này hay lắm!
Chị vợ tất tả chạy ra, anh mỡ giấy báo, chìa tấm gương cho chị vợ xem. Nhác trong thấy chị đã ngồi bệt xuống nền nhà, bù lu bù loa khóc kể ầm ĩ.
- Hu hu… hu hu…! Anh đi lên phố rước con quỷ cái đó về đây… để tôi tự vận, tôi chết, tôi giết hết mấy đứa nhỏ cho anh rảnh rang mà sống với con quỷ cái đó.. hu hu hu hu…
Anh chàng chưng hửng, không biết nói gì thì chị vợ đã vật vã kể lể:
- Ối, cha mẹ ơi! Ðàn ông năm bảy lá gan… lá ở với vợ… lá toan cùng người… Một tay tôi trong nhà ngó cửa, nuôi mẹ dạy con… để người ta đi lên phố mà rước con quỷ cái đó về…
Bà mẹ chồng ở nhà sau, nghe tiếng ồn ào, chạy ra, cầm lấy tấm gương nguýt con dâu:
- Mụ đó già cúp bình thiết rồi, đáng tuổi tao mà mày còn ghen tương nỗi gì… không biết.
Em thân mến!
Ðây là một câu chuyện vui mà chúng ta nghe kể thường trong những lúc trà dư tửu hậu. Nhưng có bao giờ em thấy rằng, mỗi người chúng ta đều lầm lẫn giống hệt các nhân vật trong câu chuyện trên chăng?
Trong cuộc tương giao với em, tôi ít khi nào được nhìn em như hiện diện trước mắt tôi, hồn nhiên, vui tươi, trong sáng như tiếng nói nụ cười, khuôn mặt của em đang hiện hữu. Mà, dường như bao giờ, tôi cũng phủ chụp lên hình ảnh em những bóng dáng của quá khứ, trong những lần tương giao trước, khi em xúc phạm hay làm vừa lòng tôi ra sao đó. Hay nói đúng hơn là tôi chỉ nhìn em bằng những gì trong tâm thức tôi phóng chiếu ra. Và theo hình ảnh phóng chiếu đó, tôi sẽ mỉm cười như anh chồng hoặc bù lu bù loa khóc như chị vợ trong câu truyện trên đây.
Ngược lại, em cũng nhìn tôi bằng tất cả những gì em nghĩ hay tưởng tượng về tôi… rồi buồn thương giận ghét tiếp liền theo đó.
Sự lầm lẫn này, danh từ chuyên môn của duy thức học gọi là "BIẾN KẾ SỞ CHẤP." Do cái tình chấp này mà tôi cũng như em, sống giữa cõi đời đầy trăng thanh gió mát nhưng muộn phiền khôn nguôi.
Hiểu rõ những hình ảnh đó chỉ tùy duyên thôi, không có tính cách cố định, nhất thời chứ không vĩnh cửu trường tồn… thì chúng ta cũng sẽ đỡ khổ ghê lắm. Hiểu như thế, duy thức học gọi là Y THA KHỞI.
Và cho đến khi nào, chúng ta gỡ hết những hoài niệm, ngôn từ, không để chúng xen vào giữa ta và nhân vật đối diện… Vẫn thấy nghe, hiểu biết, lãnh hội rất rõ ràng nhưng không còn dấu vết của tình chấp nữa… Cái nhìn này được gọi là VIÊN THÀNH THẬT, đó em!
Như thế, trong sự tương giao, nhìn ai, ta cũng thấy sự phản chiếu của chính mình. Do đó mà đức từ phụ của chúng ta nhìn thấy chúng sanh nào ngài cũng bảo: "Các con đều có đầy đủ Phật tánh." Còn chúng ta thì luôn luôn cằn nhằn: chị này sân, anh nọ tham, bà kia xảo quyệt, mụ nọ làm hồ, anh nớ chanh chua… Ối, giời đất ơi! Làm sao tôi ở với mấy người cho nổi? Cây muốn lặng mà sao gió chẳng ngừng…"
Vì thế, chúng ta chỉ còn một lối thoát cuối cùng là cầu về cõi cực lạc để câu hội cùng Phật và thánh chúng Bồ Tát mà thôi.

Ngựa Nhà

Ngựa rừng thấy ngựa nhà bèn phân bì và khen ngợi:
- Anh trông mập quá, thức ăn của anh mới ngon ngọt làm sao!
Ðến khi thấy người ta chất đồ lên lưng ngựa, tra hàm thiếc vào và thúc nó bằng roi gậy, bắt kéo xe thì ngựa rừng bèn nói:
- Ồ, này người anh em! Bây giờ thì tôi không ganh tỵ nữa, vì tôi đã biết anh trả giá cho cuộc sống sung túc bằng những gì rồi.
Em thân mến!
Không có món quà nào mà cuộc đời trao tặng cho ta lại không ghi giá phải trả ở phía dưới.

Cụ Già Tu Mướn

Thiền sư Bạch Ẩn Huệ ở Nhật Bản có một tục gia đệ tử. Ông đệ tử này thường đến than phiền rằng cha già của y, dù tuổi đã cao, vẫn cứ mải mê làm việc kiếm tiền chứ không chịu tu hành gì ráo. Mỗi lần y nhắc nhở thì ông cụ quả quyết khẳng định:
- Nếu chuyện tu hành mà té tiền té bạc thì hãy nói với ta, bằng không thì đừng hòng!
Hôm nọ nghe xong nỗi băn khoăn của người đệ tử, thiền sư bảo:
- Chiều nay con hãy về bảo với cha con rằng: Hòa thượng Bạch Ẩn bận bịu công việc quá đỗi nên không thể tu hành như ý muốn được. Ngài nhờ con tìm một người tu mướn. Cứ 10 chuỗi niệm Phật là một quan tiền. Cần chọn người trung hậu làm ăn sòng phẳng để ký giao kèo trao đổi. Người làm mướn có thể lãnh tiền mỗi ngày hoặc hàng tuần cũng được.
Ông đệ tử y lời, trở về thưa với cha mình. Nhận thấy rằng đây quả là một công chuyện làm ăn té tiền té bạc hẳn hoi, ông lão sốt sắng nhận lời. Thêm vào đó, ngoài 10 xâu chuỗi niệm Phật ăn tiền ông còn hoan hỷ biếu không cho Hòa thượng hai xâu nữa.
Giao kèo đã ký kết, ông cụ cứ đến chùa lãnh tiền hàng ngày. Về sau để khỏi mất thì giờ, cụ để dồn hằng tuần mới lãnh.
Bẵng đi một thời gian không thấy ông cụ đến lãnh tiền. Người con theo lời dạy của Hòa thượng, cứ để cha già làm theo ý muốn. Ngoài ba bữa ăn ông cụ ngồi ngay ngắn trước điện Phật và làm mướn. Cho đến một hôm, thấy cha mình cơ hồ đã ngưng lần chuỗi, mắt khép nhẹ, hơi thở điều hòa, nhẹ nhàng. Người con liền đến báo tin cho Hòa thượng hay.
Thiền sư Bạch Ẩn đến tận nơi quan sát. Thấy cụ già dáng ngồi có hơi nghiêng, do tuổi tác chất chồng, nhưng mặt mũi hồng hào. Gương mặt ông phảng phất một niềm bình thản khinh an.
Hòa thượng nói khẽ với người con, nhẹ như một hơi gió thoảng:
- Cha con đã nhập định.
Thiền sư đã dạy thiền cho ông cụ bằng cách này.

Ương Quật Ma La

Ương Quật Ma La là tên mà dân chúng Kiều Tất La đặt cho Ahimsaka từ khi chàng bắt đầu chuỗi ngày tàn bạo giết người, chặt lấy ngón tay và đeo lên cổ như một vòng hoa (Tên Ahimsaka do cha chàng đặt có nghĩa là "Người vô tội")
Ahimsaka nguyên là một thanh niên khôi ngô anh kiệt của vương quốc Kiều Tất La (Kosala). Chàng được sinh ra từ một vọng tộc Bà La Môn. Cha chàng làm quan quốc sư cho vua Ba Tư Nặc.
Ðược gởi đến Hoa Thị Thành (Taxila) từ thuở bé, Ahimkasa chỉ thụ giáo với danh sư Mani, và trở thành một sinh viên lỗi lạc. Tài năng và đức hạnh của Ahimsaka chỉ chiếm được lòng tin yêu của sư phụ chàng nhưng lại chuốc lấy nhiều sự ganh tỵ ghét ghen của bạn đồng môn. Ðể lung lạc ông thầy, các bạn đồng môn của Ahimsaka phao tin rằng chàng có tình ý với cô vợ của Mani. Trước những tin đồn bất chánh ấy, danh sư Mani đều tỏ ra dửng dưng không chút xao xuyến, nhưng bà vợ trẻ của anh lại xúc động vì ngỡ rằng chàng trai trẻ thầm yêu mình thật. Thấy chàng khôi ngô tuấn tú, bà tìm cách lân la dọ ý, và chẳng bao lâu bà trở nên say mê Ahimsaka một cách điên cuồng.
Một hôm thừa lúc vắng người, bà cho gọi Ahimsaka đến và ngỏ hết nỗi lòng. Bị chàng trai thẳng thắn cự tuyệt, bà Mani xấu hổ đến cùng cực và bèn rấp tâm mưu hại chàng cho bỏ ghét.
Khi nghe chính miệng vợ mình thuật lại hành vi đê tiện của tên đệ tử thân tín. Mani phừng phừng nổi giận. Nhưng vốn là một tay đa mưu nham hiểm, ông không lộ vẻ bất bình ra mặt chỉ mời Ahimsaka đến, tỏ lời thân ái rồi bí mật bảo:
- Này Ahimsaka! Con theo thầy học đạo đã khá lâu. Lòng cương trực và ý chí cầu tiến của con khiến thầy rất đẹp lòng. Vì vậy thầy nhất định chọn con làm người kế thừa tông môn ta.
Trước thâm tình của sư phụ, Ahimkasa bồi hồi xúc động, chàng kính cẩn thốt lời tạ ân, thì Mani đã tiếp:
- Môn phái của ta có một bí pháp vô cùng tuyệt diệu. Bí pháp này chỉ được truyền trao cho những căn cơ siêu việt. Trước khi thụ huấn bí pháp này con phải tuyệt đối thanh tịnh vô nhiễm. Những ác nghiệp quá khứ của con phải được rửa sạch bằng máu người thay vì máu cừu dê như bọn phàm phu tục tử. Vậy bây giờ ta trao cho con thanh gươm thừa kế này, con phải lập tức khởi hành đi đến rừng Jalam để khởi đầu cuộc sám hối, con chỉ trở về đây gặp ta khi đã giết xong một nghìn người không hơn không kém.
Ahimkasa sững sờ, chàng không muốn tin rằng những lời vừa nghe lại được thốt ra từ miệng của con người khả kính thánh thiện mà chàng đã hết dạ kính yêu. Thấy chàng trai do dự, Mani liền đem hết tài hùng biện ra thuyết phục. Cuối cùng Ahimsaka đành phải vâng lời, gắng gượng ra đi mà lòng hoang mang khôn tả.
Khi vừa hạ sát xong nạn nhân đầu tiên, Ahimkasa kinh hoàng đến điên dại. Từ đó gặp ai chàng cũng vung gươm chém liền, bất kể nam nữ, già trẻ thân sơ. Tiếng than khóc của các gia đình nạn nhân vang đến tai vua quan, nhưng tất cả đều bất lực, bó tay trước tài nghệ vô song của Ahimsaka. Dân chúng run sợ gọi chàng là vô não - tức là người mất trí.
Vô não chặt lấy ngón tay út của nạn nhân sưu tập thành một chuỗi dài treo lòng thòng trên cây, về sau sợ quạ diều tha mất bộ sưu tập độc đáo ấy, chàng lại đeo vào cổ giữ khư khư như một bảo vật. Dân chúng lại đổi tên chàng thành Angulimala, có nghĩa là "chuỗi ngón tay."
Câu chuyện về Angulimala đến tai Phật, nên một hôm trên đườngg du hóa, đấng đạo sư cố ý chọn con đường xuyên qua rừng Jalini, nơi tên hung thủ khát máu đang hùng cứ, bất chấp những lời can ngăn của cư dân vùng lân cận.
Trong các kinh sách còn ghi lại rằng: Ðức đạo sư xuất hiện lúc chàng Angulimala vừa giết xong nạn nhân thứ 999. Thấy bóng ngài Angulimala vô cùng mừng rỡ, nghĩ rằng đây là một cơ hội tốt để chàng hoàn tất sứ mạng mà tôn sư chàng đã giao phó. Angulimala rảo bước đuổi theo Phật, chiếc gươm đẫm máu cầm sẵn nơi tay, đức đạo sư dùng thần thông khiến Angulimala không tài nào đuổi kịp ngài, dù y đã thi triển hết tài nghệ. Cuối cùng Angulimala đành dừng chân cất tiếng gọi:
- Ðứng lại! Ðứng lại! Bớ sa môn!
Ðấng đạo sư bình thản đáp:
- Này Angulimala! Dù Như Lai đang đi Như Lai đã dừng bước. Còn con, con đã dừng bước hay chưa?
Angulimala ngạc nhiên thầm nghĩ:
- Hàng sa môn đầu trọc này không bao giờ nói láo. Vậy mà ông sư này ổng lại nói là ổng đã dừng chân, còn ta thì đang đi. Thế nghĩa là sao?
Angulimala liền hỏi:
- Này sa môn! Ông đang đi chính tôi mới là người dừng chân. Sao ông lại nói năng tương phản thế, ông muốn nói gì?
- Ðúng vậy, này thanh niên! Như Lai đã dừng chân và dừng chân mãi mãi. Như Lai đã khước từ, vứt bỏ không còn hành hung hay gây thương tổn cho một sinh vật nào. Còn con, bàn tay đang đẫm máu của đồng loại. Sao con lại đem sự đau khỗ hãi hùng cho người khác để mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình? Vì thế mà ta bảo rằng Như Lai đã dừng còn Angulimala thì đang tiếp tục.
Angulimala bối rối. Chàng im lặng, lặng lẽ nhìn đấng đạo sư hồi lâu. Thái độ từ ái cùng dung mạo phi phàm của ngài khiến chàng cảm thấy an tâm và lấy lại được sự bình tĩnh khi xưa: "Trước đây còn thơ ấu, ta có nghe thiên hạ đồn đãi rằng sa môn Cồ Ðàm là một bậc giác ngộ. Ngài có một dung nhan sáng rỡ và một giọng nói rất là từ hòa thân ái, có lẽ đây là ngài chăng?
Angulimala bèn vứt gươm và quỳ gối trước mặt đức Phật, hỏi:
- Bạch sa môn! Ngài có phải là sa môn Cô Ðàm không? Là con của đức vua Tịnh Phạn?
- Ðúng vậy, này Angulimala! Con đã vứt bỏ thanh gươm đẫm máu kia, có nghĩa là con đã vứt bỏ con đường lầm lạc cũ, con có cần Như Lai giúp đỡ điều gì không?
- Bạch sa môn, đã từ lâu, con không hề quỳ lạy một ai, mà ngược lại ai thấy con cũng run rẫy quỳ mọp van xin được tha mạng. Con đường này không ai dám lai vãng một mình, mà thiên hạ thường rủ nhau đi từng đoàn hàng trăm người. Bạch sa môn! Con đã từng nghe rằng có những sinh vật bị khắc phục bằng võ lực, bằng cù móc hay roi vọt. Nhưng con, một con thú hoang đàng cuồng dại, lại được chế ngự bởi một người không gươm dao hay roi vọt.
- Bạch sa môn! Hình bóng từ ái của người đã khiến con muốn trở về với con đường thuần lương sống yêu thương và giúp đỡ đồng loại như những ngày xa xưa, lúc con chưa điên loạn… Nhưng ai, ai có thể cho phép chở che và giúp đỡ một con người như con - người đã giết chết nghìn nhân mạng?
- Này thanh niên, trên thế gian này có hai hạng người được xem là thanh tịnh: hạng thứ nhất là người không hề gây tội lỗi, hạng thứ hai là kẻ gây tội nhưng biết ăn năn và không bao giờ tái phạm. Nếu lòng con tha thiết muốn hoàn lương Như Lai sẽ giúp con toại nguyện.
- Bạch sa môn, con không dám nghi ngờ gì về lòng từ bi bao la của ngài đối với con. Nhưng con đã gây tạo một ác nghiệp mà có lẽ không một ai trên thế gian này dám làm. Làm sao con có thể ước mơ làm đệ tử của sa môn Cù Ðàm, một người mà suốt đời chưa hề làm xúc não bất cứ ai?
- Này thanh niên! Ví như có một gian phòng tăm tối suốt cả nghìn năm dài. Nếu muốn thắp sáng cho nó, con cần phải đốt bao nhiêu ngọn đèn và mất bao nhiêu lâu để dẹp cho nó tươm tất?
- Bạch sa môn, bóng tối dù đã ngự trị căn phòng suốt nghìn năm nhưng chỉ cần mỗi một ngọn đèn được thắp lên thì bóng tối sẽ tan ngay, và thời gian để dọn dẹp căn phòng thì tùy thuộc vào khả năng siêng hay nhác của từng người.
- Cũng vậy, này thanh niên dù con đã sát hại cả nghìn đồng loại, nhưng nếu con thành tâm cải hối, thắp lên ngọn đèn bằng ánh sáng trí huệ của con thì bóng tối ác nghiệp u mê sẽ tan biến ngay. Con vẫn có cơ hội ngộ đạo như bao nhiêu người khác. Ðó là điều mà Như Lai xác quyết với con.

Và trưa hôm ấy đức Thế Tôn đi khất thực về với Angulimala làm thị giả, chàng đã vứt bỏ chuỗn ngón tay, xuất gia làm tỳ kheo. Nhưng các bạn đồng phạm hạnh vẫn theo cư dân gọi chàng là huynh Angulimala.
Một hôm vua Ba Tư Nặc, vua nước Kiều tát lai đến yết kiến Phật. Thấy long nhan có vẻ u sầu, đấng đạo sư bèn thăm hỏi:
- Này đại vương! Vì sao mà mặt mũi ủ dột như thế?
- Bạch Thế Tôn, suốt mấy tháng qua con mất ngủ vì hành vi khát máu của một tên du đãng ở rừng Jalini. Dân chúng gọi nó là Angulimala vì hắn chuyên giết người để lấy ngón tay kết vòng đeo cổ. Chính quyền địa phương cùng quân triều đình mất không biết bao nhiêu công của mà vẫn chưa trừ khử được tên vô hại ấy. Ngày nào con cũng nghe báo cáo có người bị giết về tay hắn. Chính vì vậy mà trong thời gian qua con không có thời giờ rảnh rỗi đến thăm viếng đức Thế Tôn.
- Ðại vương! Nếu hiện giờ có người báo cáo với đại vương hay rằng Angulimala đang ở cách đại vương chưa đầy 50 bước thì đại vương nghĩ sao?
Vua Ba Tư Nặc liền đứng phắt dậy dòm nhớn nhác tóc râu đều dựng ngược, mặt biến sắc nói nhanh:
- Con sẽ huy động quân sĩ giết hắn ngay lập tức để trừ hậu hoạn cho cư dân Kiều Tát La.
- Nhưng nếu Angulimala cạo bỏ râu tóc xuất gia làm tỳ khưu, thì đại vương sẽ đối xử với y như thế nào?
- Bạch Thế Tôn! Nếu đó là một chuyện có thật thì con sẽ đầu thành đảnh lễ đấng điều ngự hy hữu của muôn loài. Nhưng con không tin rằng tên mất dạy ác ôn đó lại có thể thay tâm đổi tánh cho được.
Ðức Phật mỉm cười, đưa tay chỉ một sa môn trẻ tuổi, hình dung tuấn tú, uy nghiêm đang ngồi trầm tư trên một tảng đá gần hương thất bảo:
- Này đại vương! Vị tỳ kheo có dáng điệu từ hòa kia trước đây ba ngày được dân chúng gọi là hung thần rừng Jalini.
Vua Ba Tư Nặt giật mình kinh ngạc hồi lâu mới nói:
- Bạch Thế Tôn! Nếu những lời nói trên không được thốt ra từ kim khẩu của Thế Tôn thì con không thể nào tin được. Bạch Thế Tôn! Con muốn được diện kiến cùng tôn giả ấy.
- Ðại vương cứ tự tiện.
Vua Ba Tư Nặt bèn rời chỗ ngồi, e dè đến chỗ tôn giả Angulimala đang rồi vái chào và hỏi:
- Thưa tôn giả, ngài tên là gì?
- Thưa đại vương, tên của tôi là Vô Hại, nhưng vì một ác nghiệp trước ngày xuất gia nên mọi người đều gọi tôi là Angulimala, nghĩa là "Chuỗi ngón tay."
- Thưa tôn giả, trước đây một tuần, ngài ở đâu và làm gì?
- Tâu đại dương, tôi trú ngụ tại rừng Jalini và làm tên hung thần ở vùng ấy.
- Bạch đại đức, thật là hy hữu! Thật là kỳ diệu. Xin đại đức cho phép trẫm được cúng dường y bát và ngọa cụ.
- Thưa đại vương! Các bạn đồng phạm hạnh đã cho tôi đầy đủ mọi thứ cần dùng…
Và đại vương Ba Tư Nặc sau khi đảnh lễ đấng đạo sư tán thán và cáo từ ra về, lòng nhẹ nhõm như một phiến mây.
Tỳ kheo Angulimala tuy đã xuất gia và được đấng đạo sư ân cần khai thị nhưng lòng thầy luôn luôn bị xao động. Lúc nào và ở đâu, thầy cũng nghe văng vẳng tiếng than khóc cùng rên la của các nạn nhân bị chính thầy sát hại dạo trước. Trên đường đi khất thực dân chúng thường nhìn thầy với đôi mắt thù hận lẫn sợ hãi. Tuy đã có lệnh bảo hộ của vua Ba Tư Nặc, nhưng cũng rất nhiều khi, thầy trở về tinh xá với y bát tả tơi, thương tích đầy mình, thầy vẫn im lặng chịu đựng không hề kêu van hay lẩn trốn.
Ngày kia, lúc đi thọ bát tôn giả Angulimala gặp một thiếu phụ đang lâm bồn. Gặp sản phụ nằm rên siết bên đường, động lòng bi mẫn, thầy trở về bạch đức đạo sư, xem có cách gì cứu giúp nạn nhân không? Phật dạy:
- Con hãy đến gặp người thiếu phụ ấy và chúc lành cho nàng như thế này:
- Thưa chị, từ ngày sinh ra đến nay, tôi chưa hề cố ý tiêu diệt đời sống một sinh vật nào. Do lời nói chân thật này, ước mong chị được mẹ tròn con vuông.
Tỳ kheo Angulimala bối rối:
- Bạch Thế Tôn! Làm sao con dám thốt ra câu ấy… khi con là "chuỗi ngón tay"?
- Này tỳ kheo, từ ngày sinh ra cho đến nay có nghĩa là từ khi con xuất gia, sanh vào thánh tộc vâng giữ đời phạm hạnh.
Thầy tỳ kheo trẻ tuổi liền hoan hỷ hối hả ra đi. Người thiếu phụ vẫn còn nằm rên siết bên vệ đường. Tôn giả Angulimala liền gởi lời chúc lành đến cho nàng sau một bức mành trúc. Kỳ diệu thay, một chú bé kháu khỉnh liền chào đời trong sự vui mừng của tất cả mọi người hiện diện… Từ ngày đó các bạn đồng phạm hạnh gọi thầy Angulimala là Paritta có nghĩa là "chúc lành."
Và cũng kể từ ngày hôm ấy, tôn giả Paritta thêm vững niềm tin, tinh cần tu tập, chẳng bao lâu thầy đắc quả A La Hán. Câu chúc lành của thầy gởi đến người thiếu phụ lâm bồn dạo nọ được xem như một bài kệ cầu an và được lưu truyền làm mọi người đều kinh ngạc. Người ta muốn biết rằng tại sao một con người hung bạo, đầy dãy nghiệp chướng như thế mà lại có thể đạt đến A La Hán quả, một quả vị mà các bậc hiền nhân đầy phước báu như tôn giả A Nan vẫn chưa chứng đắc.
Ðể giải đáp, đức đạo sư đã dạy:
- Trên thế gian này, mọi người đều bình đẳng với nhau ở khổ đau cũng như giác ngộ. Thầy Angulimala trước kia là người hung bạo, đầy dãy nghiệp chướng như thế, nhưng về sau thầy đã tinh cần miên mật phát huy trí huệ sẵn có của thầy, đánh bạt hết ác nghiệp, giống như vầng trăng ló dạng ra khỏi mây mù, chiếu sáng thế gian. Lời dạy của đấng đạo sư đã được kết tập thành câu pháp cú 173 lưu truyền cho đến ngày nay. Cũng như trong kinh Pháp cú câu thứ 422 đã ghi lại lời khen ngợi của đấng đạo sư khi ngài đề cặp đến đức vô úy lòng khiêm tốn của tỳ kheo Angulimala tức là La Hán Paritta:
"Người vô úy, cao thượng như một bậc đại thánh, người đã tự khắc phục không còn dục vọng, người đã rửa sạch mọi nhiễm ô, đã giác ngộ, người ấy Như Lai gọi là Bà La Môn."
Danh từ Bà La Môn trên được người Ấn Ðộ dành để gọi những kẽ thuộc giai cấp cao sang quyền quý nhất trong xã hội loài người.

Vakkali

Vakkali là một thanh niên Bà La Môn thành Xá Vệ. Thời niên thiếu và thanh xuân của chàng trôi qua bình thản trong tình yêu của cha mẹ và các bạn hữu đồng trang lứa. Cho đến một hôm, tâm tư chàng trẻ tuổi bỗng dưng bị xáo động bởi một hình bóng của sa môn áo vàng. Tư thế uy nghiêm, cốt cách phi phàm cùng tướng hảo vô song của vị tu sĩ khiến chàng trai trẻ vô cùng kinh ngạc. Vakkali đứng ngây người ra chiêm ngưỡng phong cách vị tu sĩ và bỗng cảm thấy lòng nhem nhúm một sự tôn kính vô bờ đối với con người xa lạ đó. Chàng nghĩ thầm:
- Quái lạ! Không ngờ trên cõi đời này lại có một người đẹp trai lạ lùng đến thế! Ôi! Ước gì ta được kề cận bên người để nhìn cho thỏa thích.
Vakkali dò hỏi và được biết rằng vị sa môn đó xưa kia là một ông hoàng vương giả, đã từ bỏ ngai vàng đi tầm đạo và giác ngộ. Người ta bèn gọi Ngài là sa môn Cồ Ðàm và hàng đệ tử thì cung kính gọi Ngài là Thế Tôn.
Vakkali bèn xin xuất gia vào tăng đoàn sống đời khất sĩ. Vì mục đích xuất gia của chàng không lấy gì làm cao xa cho lắm, nên hằng ngày ngoài những giờ đi bát cần thiết, tỳ kheo Vakkali luôn luôn tìm một chỗ ngồi thuật tiện để được chiêm ngưỡng từ dung đức đạo sư cho thỏa thích. Thầy chẳng quan tâm gì đến việc học kinh hay những bổn phận của một chú tiểu sơ cơ. Ðấng đạo sư biết rõ tâm niệm của Vakkali nhưng Ngài vẫn im lặng chờ đợi, như chờ đợi ngày "trăng đến rằm thì tròn" vậy. Và ngày ấy đã đến.
Một hôm, đức đạo sư quay lại bảo Vakkali khi chàng đang say đắm nhìn Ngài:
- Này Vakkali! Ðâu có gì thích thú khi nhìn ngắm một hợp thể bất tịnh gọi là thân ta. Chỉ khi nào Vakkali nghe lời Như Lai dạy, thấy được pháp sinh diệt thì mới gọi là thấy Như Lai.
Nhưng, bất kể lời khuyên của Phật, Vakkali không thể nào buông tầm mắt khỏi đức đạo sư… Cuối cùng đức đạo sư đành rời Xá Vệ và cấm không cho Vakkali đi theo.
Ba tuần trăng trôi qua Vakkali không được nhìn thấy hình bóng và nghe pháp âm của đấng đạo sư. Lòng sầu khổ vô hạn, chàng tự nghĩ rằng: mình đã từ bỏ gia đình, cởi lớp áo cao sang của một chàng công tử danh giá để vào cuộc sống bần hàn khất sĩ, chỉ với một mục đích duy nhất là được gần gũi chiêm ngưỡng đấng đạo sư. Thế mà Ngài hất hủi ghét bỏ chàng trong khi Ngài rất mực từ bi dịu dàng đối với tất cả chúng sanh, chí, đến con sâu cái kiến.
Một hôm quá sầu não, Vakkali nảy ra ý định quyên sinh, chàng leo lên một đỉnh núi cao, định buông mình xuống vực sâu cho rảnh nợ. Biết được ý định ngông cuồng của người đệ tử trẻ tuổi, đức đạo sư hiện thân đến gần Vakkali và cất tiếng gọi:
- Này Vakkali! Hãy đến đây với Như Lai.
Vakkali run lên vì vui mừng:
- Có thật chăng? Có thật Thế Tôn gọi con? Ngài không xua đuổi con nữa chứ?
Và dưới bóng mát của một cội cây rừng bên tảng đá, đức đạo sư ôn tồn bảo:
- Này Vakkali! Tại sao con có ý định quyên sinh?
- Bạch Thế Tôn, vì con cảm thấy quá sầu khổ, quá phiền muộn. Con không tìm thấy niềm vui nào trong cuộc đời khất sĩ đạm bạc này, ngoài sự chiêm ngưỡng tướng mạo phi phàm của Thế Tôn.
- Này Vakkali! Niềm vui nào cũng phải úa tàn… sắc thân Như Lai dù là phi phàm đi nữa rồi cũng phải chịu sự chi phối của già, bệnh, chết. Bất cứ pháp gì trên đời này có sinh đều phải có diệt. Ðó là một định luật đương nhiên. Nếu biết rõ điều ấy, ta có nên đặt hết lòng hy vọng, ước mong bám víu vào những pháp sinh diệt ấy mưu cầu một hạnh phúc vĩnh cửu không?
Vakkali im lặng cúi đầu. Ðấng đạo sư liền giảng trạch thêm cho chàng về tính chất phù du tạm bợ của hợp thể gọi là sắc thân Ngài. Sau thời thuyết pháp, Vakkali xúc động thưa:
- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu rồi. Từ lâu con đã chạy theo những bóng dáng phù hoa do tâm thức con phóng chiếu ra, lấy đó làm niềm vui độc nhất của mình. Khi niềm vui ấy bị cản trở con đâm ra buồn phiền, sầu khổ, con quá si mê không biết rằng cái gì có sinh cũng phải có diệt. Sắc thân Như Lai tuy đẹp đẽ vô song thật nhưng trước kia không nay có, thì thế nào cũng sẽ trở về không. Nguồn vui của con cũng chính là một cảm xúc nhất thời, nếu không được nuôi dưỡng thì nó cũng sẽ lụi tàn. Con đã hiểu rồi và con cũng xin hứa cùng Thế Tôn là từ nay Vakkali chỉ thực hành những lời giáo huấn của Như Lai thay vì chiêm ngưỡng từ dung của Ngài như dạo trước.
- Hay lắm! Này tỳ kheo, nếu lòng con đầy phỉ lạc, đầy niềm tin nơi lời dạy của Như Lai thì chẳng bao lâu con sẽ đạt được hạnh phúc tối thượng.
Và thế rồi, Vakkali từ giã đức đạo sư, độc cư thiền định ngay trên đỉnh núi mà chàng định quyên sinh dạo nọ. Ðúng như lời tiên đoán của đấng đạo sư, chẳng bao lâu Vakkali đắc quả A La Hán. Từ đó đức Thế Tôn xếp Vakkali vào hàng môn đệ có lòng tin chân thật nhất. Lời dạy của Ngài cho Vakkali trên đỉnh núi dạo nọ cũng được kết tập vào kinh tạng, thành câu pháp cú 381 lưu truyền cho đến ngày nay:
"Thầy tỳ kheo nào tâm đầy hoan hỷ thành tín theo lời Phật dạy sẽ đạt tới cảnh giới tịch tĩnh, an lạc giải thoát khỏi các hành" (pháp cú 381)

Khi Công Tử Chê Tiền

Kàla là con trai của nhà cự phú Cấp Cô Ðộc, một vị trưởng giả đầy lòng kính tin, đã xuất của cải kho vàng ra mà mua vườn cây của Thái tử Kỳ Ðà về xây tinh xá cúng dường Phật. Vậy mà công tử Kàla lại không có cảm tình với đức Thế Tôn và tăng chúng tí nào cả.
Vốn được sinh trưởng trong một gia đình thế phiệt lại thông minh tài giỏi nên Kàla được vời làm quan cận thần dưới triều vua Ba Tư Nặc khi hãy còn rất trẻ.
Một hôm, vua Ba Tư Nặc cùng hoàng hậu Mạt Lợi thiết trai cúng dường Phật và tăng chúng tại hoàng cung, toàn thể triều thần và hoàng tộc đều hoan hỷ, duy có công tử Kàla là nhún vai phẩm bình:
- Hoàng thượng tiêu xài thật vô lối, chẳng khác gì ông bố của ta. Mấy ông lão áo vàng kia ăn no nê xong đi về tịnh xá đánh một giấc tới chiều, thật là vô ích.
Ðức Thế Tôn đoán biết được ý niệm của Kàla nên sau buổi lễ Ngài đọc một bài kệ: "Người xan tham không thể sanh lên cõi trời, kẻ ngu không ưa việc bố thí. Nhưng người thiện trí lại sanh lòng tùy hỷ và do đó cũng được dự phần an lạc." (Pháp cú 177)
Chuyện đến tai vua Ba Tư Nặc, Kàla liền bị đuổi ra khỏi hoàng cung, chàng công tử nhân đó càng thêm ác cảm với Phật và tăng chúng.
Kàla thường tìm cách lánh mặt Phật mỗi khi cha chàng thiết trai cúng dường. Trước thái độ của cậu con cưng, trưởng giả Cấp Cô Ðộc rất lấy làm khổ tâm. Sau nhiều phen rầy la vô hiệu, ông nghĩ ra một diệu kế, gọi con đến dỗ ngọt:
- Này Kàla! Mai này cha bận việc không thể đi đến Kỳ Viên thọ bát quan trai được. Nếu con đi giúp cha sẽ thưởng cho 100 đồng tiền vàng.
Vừa nghe nhắc đến tịnh xá, Kàla đã cau mày, nhưng số tiền quá hấp dẫn khiến chàng phân vân.
- Mấy cái giới đó có khó giữ lắm không, thưa cha?
- Dễ ợt! Tụi con nít trong nhà này còn làm được huống chi là thanh niên như con.
- Ðâu cha nói sơ cho con nghe thử…
- Có gì đâu! Con chỉ phải giữ vỏn vẹn tám điều răn sau đây trong 24 giờ thôi. Ðây này:
Không giết
Không trộm cắp
Không dâm dục
Không nói dối
Không uống rượu
Không trang điểm
Không nằm giường cao chiếu rộng
Không ăn quá ngọ
Ðó, dễ quá phải không con?
Kàla chặt lưỡi thầm tính:
- Thôi kệ! Mình chịu khó ép xác trong một ngày một đêm để lãnh 100 đồng tiền vàng, ngày mốt ta ăn bù cũng được.
Và Kàla bằng lòng, không quên mặc cả:
- Nhưng cha phải nhớ giữ đúng lời. Một trăm đồng tiền vàng hẳn hoi đấy nhé!
- Ðược rồi! Con yên tâm!
Hai cha con đều yên lòng vui mừng.
Sáng hôm sau, công tử Kàla cởi hết đồ trang sức, khoác một manh áo thô, ăn một bữa điểm tâm thịnh soạn đến căng bụng và gọi gia nhân thắng kiệu đi thẳng đến tinh xá Kỳ Viên. Ðến nơi chàng cho kiệu về, tảng lờ như không thấy ai hết, kiếm một chỗ mát mẻ, trải rơm nằm đánh một giấc cho qua "tai nạn."
Tờ mờ sáng hôm sau Kàla đã đến nhà khua vang ầm ĩ và quát tháo, hối thúc gia nhân dọn điểm tâm.
Ăn uống và phục sức đỏm dáng xong, Kàla đến gặp cha đòi tiền công:
- Con đã hoàn tất nhiệm vụ mà cha giao phó, xin cha cho con số tiền đã hứa.
Tất cả hành động của người con không lọt khỏi cặp mắt người cha tốt bụng. Ông trưởng giả vẫn không nản lòng, trao tiền cho con và điềm tĩnh bảo:
- Này Kàla! Tốt lắm! Con đã làm một việc tốt đẹp lòng cha. Và ngày mai này cha muốn đi nghe đức đạo sư thuyết pháp nhưng lại không rỗi rảnh. Nếu con đi giúp cha, cha sẽ thưởng cho con 200 đồng tiền vàng. Con nghĩ sao?
Kàla nghe nói đến tiền là sáng mắt, chàng vội vã nhận lời và nghĩ bụng:
- Cha mình ngó bộ mê mấy lão đầu trọc đó dữ dội rồi! Thây kệ! Cờ tới tay ai nấy phất. Ðấy quả là một cách kiếm tiền lương thiện và khoẻ khoắn nhất.
Thế là hệt bữa trước, công tử Kàla lại đến Kỳ Viên len vào giữa đám thính giả chen chút trước pháp tòa dự thời pháp của đấng đạo sư, chàng hết ngoáy mũi đến gãi tay, rung đùi… Không một pháp âm nào lọt vào đôi tai hờ hững của chàng.
Và Kàla lại được lãnh 200 đồng tiền vàng sau những thủ tục như bữa trước.
Vài hôm sau, trưởng giả Cấp Cô Ðộc lại gọi Kàla đến bảo:
- Này con độ rày chuyện nhà quá bề bộn khiến cha không thể nào đến hầu thăm đức đạo sư và nghe Ngài thuyết pháp được. Nếu con có thể đi nghe và về nói lại cho cha biết dù chỉ một bài kệ ngắn thôi, cha cũng sẽ thưởng cho con 500 đồng tiền vàng.
Ðã có kinh nghiệm qua hai lần trước, Kàla lập tức bằng lòng ngay vì chàng nhận thấy rằng không có công cuộc làm ăn nào mau phát tài bằng việc đi thăm khu vườn của mấy ông sư đầu trọc.
Sáng hôm ấy, Kàla đến Kỳ Viên thật sớm định bụng sẽ chỉ nghe và nhớ một bài kệ thôi rồi sẽ bỏ trở về đi xem hát. Với trí thông minh sẵn có, Kàla thuộc lòng ngay một bài kệ mà đức đạo sư vừa đọc, chàng vội vã quay về. Ði được một quãng, sực nhớ ra là mình chưa rõ ý thú của bài kệ. Không muốn ấp úng trước mặt cha, Kàla đành phải quay lại chăm chú nghe đức đạo sư thuyết pháp. Như một trái cây vừa chín tới gặp phải cơ gió giao mùa liền rơi rụng, nhờ những cơ duyên lành đời trước, sau thời thuyết pháp của đức đạo sư, Kàla chứng ngay sơ quả Tu Ðà Hoàn.
Lần đầu tiên, công tử Kàla đến quỳ bên gối đức đạo sư, đặt vầng trán thông minh, chưa có một vết nhăn của chàng lên đôi chân trần của đức đạo sư, bày tỏ một niềm tri ân vô bờ bến. Ðức Thế Tôn bình thản bảo chàng:
- Này Kàla, hôm nay cha con có mời Như Lai đến nhà thọ trai… đã sắp đến giờ ngọ rồi, chúng ta đi thôi.
Kàla cung kính đón lấy chiếc bát của Phật và khép nép đi sau Ngài như một chú thị giả thuần thục chính hiệu.
Cử chỉ của Kàla ngày hôm ấy đã khiến trưởng giả Cấp Cô Ðộc rất đẹp lòng, ông hân hoan mang tiền ra thưởng con trước mặt quan khách:
- Này con trai cưng! Thái độ của con làm cha vui sướng vô hạn, dù con chưa thuyết giảng lại cho cha nghe một lời pháp nào của đấng đạo sư, cha vẫn sẵn sàng trao cho con 1000 đồng vàng thay vì 500 đồng như cha đã hứa.
Công tử Kàla thẹn đỏ mặt, cúi đầu nói nhỏ:
- Thưa cha, con không cần tiền…
- Hãy cầm lấy tiền thưởng của cha cho con cơ mà!
Kàla vẫn khăng khăng từ chối. Người cha ngạc nhiên sửng sốt nhìn con rồi quay sang bạch Phật.
- Bạch Thế Tôn! Lần đầu tiên cháu nó mới chê tiền.
Ðức Phật mỉm cười giải thích thái độ của Kàla:
- Này trưởng giả, Kàla đã chứng sơ quả Tu Ðà Hoàn và kể từ giờ phút ấy không một của cải trên trần gian này có thể làm lung lạc được tâm của chàng ta.
Ngài đọc kệ:
Dù là vua cõi đất
Hay là chúa cõi trời
Cũng không sao sánh được
Quả vị Tu Ðà Hoàn
Bài kệ này được ghi thành pháp cú số 174 và lưu truyền cho đến ngày nay.

Ni Ðề

Trước khi Phật xuất thế, xã hội Ấn đã được phẩm định thành bốn giai cấp chính:
Bà La Môn: tức giai cấp giáo sĩ, sáng chế luật pháp, nắm độc quyền về tôn giáo và văn hóa.
Sát Ðế Lỵ: giai cấp vua chúa, chủ trì việc cai trị, được hưởng quyền thế tập, cha truyền con nối, nắm toàn quyền sinh sát đối với nhân dân và xem lãnh thổ cai trị như tư hữu của riêng mình.
Phệ Xá: gồm các giới công nông thương không được quyền học hỏi, có nhiệm vụ cung phụng hai giai cấp giáo quyền và chánh quyền trên.
Thủ Ðà La: giai cấp cùng đinh, nô lệ, gồm những tiện dân và các giai cấp trên không xem họ là con người, đời sống của họ còn cùng khốn hơn là thú vật, chuyên làm các nghề đồ tể, đạo tỳ, tôi tớ…
Luật Mã nổ, hiến pháp thành văn của xã hội Ấn Ðộ thời ấy, Chương 8, tiết 270-272 quy định rằng:
- Thủ Ðà La là giai cấp được trời sinh ra để làm nô lệ. Nếu Thủ Ðà La kêu tên của giai cấp Bà La Môn thì bị cắt lưỡi, không tuân thượng lệnh từ ba giai cấp trên thì sẽ bị nấu dầu đổ vô lỗ tai v.v…
Sự phân chia trên đã được quy định và khống chế xã hội Ấn trong hàng nghìn năm trước khi đức Phật xuất hiện, tạo nên những điều bất công cùng cực. Hai giai cấp giáo sĩ và vua chúa chiếm thiểu số ngườì, sống ung dung nhàn hạ trong khi hàng Phệ Xá phải nai lưng ra làm và cung phụng họ, còn Thủ Ðà La thì đời sống còn tàn tệ hơn cả thú vật, mặt mũi lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi và nước mắt.
Ðức Phật là người đầu tiên trong lịch sử Ấn đã chỉ trích sự vô lý và bất công trong sự phân chia ấy. Lúc vừa thành đạo, chưa rời khỏi Bồ đề đạo tràng, Ngài đã khẳng định:
- Hết thảy chúng sinh đều có đủ đức tánh trí huệ để giác ngộ.
Và sau đó, trên đường du hóa, Ngài đã không ngừng nỗ lực để xóa tan những thành kiến mặc cảm tự tôn cũng như tự ty đã bắt rễ sâu xa trong tâm tưởng của người dân Ấn. Rất nhiều lần Ngài giảng dạy:
"Là cùng đinh không phải do sinh trưởng, là Bà La Môn không phải do sinh trưởng. Do hành động người này là cùng đinh, do hành động người kia là Bà La Môn."
Lời kêu gọi của Ngài đã mở ra một chân trời mới cho hai giai cấp dưới nhưng đồng thời cũng gây luôn sự bất bình trong hai giai cấp trên, nhất là hệ tộc Bà La Môn. Sự bất mãn này được gia tăng tột độ khi đức Phật công nhiên công nhận hàng Thủ Ðà La vào tăng đoàn. Các tỳ kheo thuộc dòng Thủ Ðà La cũng được tôn trọng và đối xử ngang hàng như các tỳ kheo dòng Bà La Môn.
Người tiện dân đầu tiên được gia nhập giáo hội là chàng trai Ni Ðề, chuyên sống bằng nghề gánh phân – công nhân viên của sở vệ sinh thành Xá Vệ, có nghề nghiệp hẳn hoi nhưng lại vô gia đình lẫn gia cư.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuộc tao ngộ kỳ thú giữa chàng trai này với Phật pháp cùng quý độc giả.
Sáng hôm ấy, đức đạo sư cùng tôn giả A Nan đang đi bát ở ngoại ô thành Xá Vệ thì gặp phải Ni Ðề đang gánh hai thùng phân nặng trĩu đi ngược lại. Thấy dáng các vị sa môn, Ni Ðề luống cuống vội vã rẽ vào một ngõ hẻm để tránh bước, vì theo luật pháp quy định chàng không được phép gặp mặt và để mùi xú uế xông lên làm các giáo sĩ khó ngửi. Thoáng thấy vẻ sợ sệt của chàng, đức Phật dạy tôn giả A Nan cứ tiếp tục đi thẳng, còn Ngài thì rẽ vào một ngõ hẻm khác và thình lình xuất hiện trước mặt chàng gánh phân. Sự xuất hiện của đấng đạo sư khiến Ni Ðề kinh hoảng, chàng vột vã đặt gánh phân xuống, quỳ mọp bên vệ đường, kêu van:
- Kính bạch sa môn! Thật là một lỗi lầm to lớn khi con lại hiện diện trước mặt Ngài với những thứ bẩn thỉu như thế này. Xin sa môn dung thứ cho vì đây chỉ là một việc rủi ro ngoài ý muốn của con.
- Ni Ðề! Con hãy đứng dậy!
Nghe đức Phật gọi đích danh mình, chàng nô lệ kinh ngạc nhưng vẫn bối rối quỳ mọp bên vệ đường không dám nhúc nhích.
- Ni Ðề, con có muốn vứt bỏ gánh nặng này, bỏ hẳn cuộc đời nô lệ để theo Như Lai tu tập không?
Ni Ðề càng sửng sốt và lúng túng hơn… Ðã từ lâu, chàng vẫn thường nghe người ta kháo nhau rằng sa môn Cồ Ðàm, thuộc thế cấp Sát Ðế Lợi, đã giác ngộ và tuyên bố rằng, người sẵn sàng tiếp độ bất cứ ai , kể cả những kẻ thuộc tập cấp Thủ Ðà La. Câu chuyện đồn đãi ấy đẹp như một giấc mơ nên không bao giờ Ni Ðề dám tin rằng có thật… Vậy mà giờ đây, vị sa môn uy nghiêm, nhưng chẳng kém phần từ ái này hỏi chàng có muốn xuất gia tu học theo ông ta không. Ni Ðề thu hết can đảm, ấp úng hỏi:
- Bạch sa môn! Phải chăng Ngài là đệ tử của sa môn Cồ Ðàm?
- Sa môn Cồ Ðàm chính là ta.
- Bạch Thế Tôn từ lâu con đã nghe nói đến uy danh và lòng từ ái vô bờ của Ngài đối với hàng tiện dân chúng con. Nhưng làm sao Ni Ðề lại có thể được phép gia nhập tăng đoàn, một đoàn thể chỉ dành riêng cho các ngài danh gia vọng tộc?
- Này Ni Ðề, một người hạ, tiện không do ở dòng họ hay nơi ăn chốn ở. Như Lai chỉ gọi là hạ tiện khi kẻ ấy đang đắm chìm trong tham dục, giận tức và si mê.
- Nhưng… bạch Thế Tôn! Tăng đoàn của Ngài chỉ toàn là các thầy Bà La Môn cao cả, những quốc vương, hoàng tử, đại thần, cháu chúa con vua. Còn con… con chỉ là một tên nô lệ hèn hạ… Dầu Thế Tôn có thương xót định cứu vớt con, nhưng e rằng sự có mặt của con sẽ gây xáo trộn và phiền toái cho đại chúng.
- Này Ni Ðề, mọi người sinh ra vốn bình đẳng, bình đẳng trước khổ đau cũng như giác ngộ. Dù là Bà La Môn hay Thủ Ðà La, nếu đã làm những hành động bất thiện thì phải chiêu vời những quả khổ như nhau. Cũng thế, ta xác quyết với con rằng bất cứ ai dù ở giai cấp nào cũng đều có đầy đủ khả năng giác ngộ. Nếu con chấp nhận điều ấy, phát huy trí tuệ sẵn có bằng năng lực của riêng con, thì con sẽ chứng đạo không khác các sa môn thuộc dòng Bà La Môn hay Sát Ðế Lợi khác.
- Bạch Thế Tôn, nghe Ngài nói xong con có cảm tưởng như mình được sinh ra đời một lần thứ hai nữa, như một người mù chợt sáng mắt. Nhưng, ngoài Thế Tôn ra, có ai dám tin rằng tên Ni Ðề gánh phân lại có khả năng giác ngộ? Con e rằng nếu gia nhập tăng đoàn, những lúc vắng bóng Thế Tôn các thầy Bà La Môn và hàng vương tử sẽ nọc con ra và nấu chì đổ vào lỗ tai con. Vì vậy, dù rất ước mong được thân cận Thế Tôn và nghe những lời dịu dàng an ủi của Ngài, con lại e rằng, chẳng những không được chứng quả như lời Thế Tôn dạy mà còn bị mất mạng nữa… Vì ai cũng có quyền đánh đập hành hạ con hết…
- Ni Ðề, nếu những người thuộc giai cấp nô lệ như con chưa được giải thoát thì sự xuất hiện của Như Lai trên thế gian này sẽ vô nghĩa. Chính vì muốn phá tan sự phân chia vô lý và bất công ấy mà Như Lai đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc để ra đi tìm đạo. Như Lai đã đắc quả vô thượng, giáo pháp đã được tuyên dương khắp nơi, cửa giải thoát đã mở ra cho tất cả chúng sanh. Như Lai tin rằng, nếu Ni Ðề xuất gia và chứng đạo, sẽ có vô số người Thủ Ðà La nối gót Ni Ðề gia nhập tăng đoàn, mở đầu một kỷ nguyên mới, xóa bỏ những đạo luật bất công tàn bạo, phục hồi lại giá trị giác ngộ đích thực của mỗi chúng sanh trên thế gian này.
Và thanh niên Ni Ðề, sau khi được đức đạo sư thân hành cạo bỏ râu tóc, tắm rửa sạch sẽ, thay đổi y phục… liền trở thành một vị tỳ kheo rất mực khôi ngô đường bệ. Thầy tỳ kheo Ni Ðề tỏ ra rất xứng đáng với lòng tin yêu của đức đạo sư vì chưa đầy một tuần trăng tinh cần tu tập, thầy đã đắc quả A La Hán với đầy đủ thần thông phụ tùng.
Tin chàng Thủ Ðà La Ni Ðề gia nhập tăng đoàn làm chấn động dư luận cư dân thành Xá Vệ. Giai cấp Bà La Môn tràn đầy phẫn nộ khi thấy giáo quyền bị xâm phạm lâm nguy. Quốc vương Ba Tư Nặc cùng đình thần đều lấy làm khó nghĩ. Hai giai cấp Phệ Xá và Thủ Ðà La thì khấp khởi hy vọng nhưng không kém phần lo ngại.
Sau một tuần trăng phân vân suy tính, vua Ba Tư Nặc thân hành đến gặp Phật. Vừa đến cổng Kỳ Viên, nhà vua nom thấy một sa môn trẻ tuổi phong cách uy nghiêm như tượng vương đang ngồi dưới một tàng cây. Ðức vua tiến đến vái chào và xin phép được vào gặp đức đạo sư.
Thầy sa môn trẻ tuổi liền dùng thầy lực rẽ đôi tảng đá và bước vào khuôn viên tinh xá để báo tin đức đạo sư hay là có nhà vua đến bệ kiến.
Ðức vua vào hương thất đảnh lễ đấng đạo sư, lui ngồi một bên và cung kính thưa:
- Bạch Thế Tôn! Lúc mới vào cổng, con được trong thấy một vị sa môn trẻ tuổi rất mực khôi ngô đang thi triển thần thông. Con đoán rằng có lẽ đó là một thanh niên con nhà danh gia vọng tộc mới xuất gia và đã đắc quả nên mới có nhiều thần lực như thế.
- Ðúng thế, này đại vương! Ðó là một sa môn vừa gia nhập tăng đoàn và đã đắc quả A La Hán.
- Thật là hi hữu! Thật là kỳ diệu! Bạch Thế Tôn, con muốn đảnh lễ và cúng dường vị sa môn ấy.
- Ðại vương sẽ được toại nguyện… Nhưng mục đích chính của cuộc viếng thăm này là gì?
- Bạch Thế Tôn từ ngày con vào hoàng tộc quy y tam bảo cho đến hôm nay, chúng con vô cùng sung sướng khi được tắm gội mưa pháp. Ðể tỏ lòng khát ngưỡng và tri ân, mỗi khi gặp đức Thế Tôn và tăng chúng, con đều thành tâm đảnh lễ cúng dường. Gần đây con có nghe đình thần xôn xao về việc Thế Tôn đã chấp nhận cho một tên Thủ Ðà La làm nghề gánh phân gia nhập tăng đoàn. Bạch Thế Tôn! Dù biết rằng lòng từ bi của Thế Tôn vô hạn lượng… nhưng con không khỏi lấy làm kinh hoàng. Thật là một điều sỉ nhục cho các tỳ kheo dòng Bà La Môn và Sát Ðế Lợi khi phải chung đụng với tên tiện dân đốn mạt đó… Và chúng con sẽ xử xự ra sao khi đảnh lễ chư tăng? Chẳng lẽ chúng con phải khấu đầu dưới tên khốn kiếp đó… Vì thế, hôm nay con đến đây nhân danh quốc vương Kiều Tát La, kính mong Thế Tôn trục xuất Ni Ðề ra khỏi tăng đoàn, để đoàn thể xuất gia của Thế Tôn còn giữ nguyên vẹn được phong cách cao sang và thanh tịnh như trước.
- Này đại vương! Nếu như tên nô lệ ấy đã xuất gia, tinh cần tu tập và cũng đã đắc quả A La Hán rồi thì đại vương nghĩ sao?
- Bạch Thế Tôn, làm sao có chuyện đó khi vô số thanh niên dòng Bà La Môn đã xuất gia mà chưa đắc quả… thì tên cùng đinh ấy…
- Như Lai xác nhận điều đó đã xảy ra.
- Vậy thì… Nếu có thể… Ðức Thế Tôn cho phép con giáp mặt hắn mới được!
- Ðại vương đã gặp rồi.
- Ủa!
- Ðó chính là thầy sa môn ngồi trước cổng tinh xá mà đại vương đòi đãnh lễ cúng dường khi nãy.
Vua Ba Tư Nặc sững sờ ngồi yên lặng như một pho tượng. Ðức đạo sư nói tiếp:
- Này đại vương! Ví như ao nước tù đọng hôi thúi bỗng xuất hiện một đóa sen thơm, tỏa hương ngào ngạt, người khôn ngoan có nên vì chút tỵ hiềm bùn nhơ mà không chịu thưởng thức hương sắc của bông hoa chăng?
- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu… Chúng con được sinh ra và lớn lên trong muôn nghìn hoàn cảnh cá biệt, giàu nghèo, đẹp xấu, sang hèn… nhưng ai cũng có đầy đủ khả năng giác ngộ. Không thể nào vì bùn nhơ mà bỏ quên sự hiện diện của đóa sen đang tỏa ngát hương thơm kia. Con quốc vương Kiều Tát La, xin khấu đầu đảnh lễ sám hối tôn giả Ni Ðề và xin Thế Tôn cho phép con được cúng dưòng tứ sự1 cho Ngài, kể từ ngày nay cho đến mãn đời.
- Tốt lắm! Này đại vương, nên làm những gì mà đại vương nghĩ là hợp thời…
Tứ sự: bốn nhu cầu cần thiết phải có của một tu sĩ: thức ăn, y phục, mền mùng, và thuốc men.

Pháp Sư Ðậu Hũ

Thuở xưa có một ông Ðồ thông minh, bác học. Ông ta làm khổ vị hòa thượng trụ trì chùa láng giềng không ít vì những câu hỏi lý sự cùng mình của ông ta. Vì thế, mỗi lần nghe tiếng guốc lộp cộp của ông Ðồ đến gần, dù đang bận làm bất cứ công việc gì, xem kinh hay cuốc đất… hòa thượng đều vội vàng leo lên thiền sàng để "tỵ nạn" tham vấn của ông Ðồ đa sự.
Một hôm, đang ăn mấy củ khoai lỡ bữa, chợt nghe tiếng khua ngoài cổng tam quan, hòa thượng vội vàng lau miệng, tức tốc trở về phương trượng. Thấy chủ nhà lật đật, khách cũng hối hả không kém. Nhờ vậy, ông khách bắt được hòa thượng lúc ngài mới leo lên bồ đoàn mà chưa kịp gác tréo chân. Cực chẳng đã, hòa thượng phải quay lại chào khách. Ngài thở phào nhẹ nhõm:
- A, thì ra bác đậu hũ! Vậy mà bác làm tôi sợ đến bở vía…
Chàng đậu hũ ngạc nhiên:
- Có chuyện gì vậy, bạch thầy. Hôm nay bán ế quá, con tạt vào chùa, nài thầy mua giùm vài miếng chứ con có làm gì đâu nào?
- Ậy, không phải vậy!
Và, hòa thượng bèn thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Xong, ngài than thở:
- Hôm nào cái tên đa sự đó đến đây thì ta vô phương làm ăn… Cứ phải ngoáy tai ra nghe nào là pháp thân, niết bàn, tối thượng thừa, đệ nhất nghĩa đế, chơn đế… thiếu điều điếc con ráy…
Chàng đậu hũ bất bình:
- Rồi thầy chịu trận chứ không có cách nào tống cổ hắn à?
Hòa thượng nhắm mắt:
- Ta có mở miệng được tiếng nào đâu. Hắn cứ thao thao bất tuyệt đến lúc nào khô cổ mới chịu ngừng lại hớp nước, lấy hơi và nói tiếp…
- Thế hôm nay hắn có đến không ạ?
- Hôm nào lại khỏi, quả là một đại họa của ta.
Gã đậu hủ thuộc loại người có máu Lục Vân Tiên, nghĩa là thấy chuyện bất bình thì phải ra tay nghĩa hiệp, hăng hái:
- Thầy để đó cho con… Con sẽ trị hắn một mẻ, thế nào cũng cạch đến già…
- Chú có cách nào? Ðừng có chọc người ta mà phải tội!
- Ậy, thầy cứ cho con mượn cái mũ ni, áo tràng cùng y bá nạp nữa… Rồi thầy trò mình sẽ làm như vầy… như vầy…
Hai thầy trò còn đang bàn tính thì đã nghe tiếng guốc của ông Ðồ. Ðương sự mới đến sân ngoài đã đánh tiếng: "A Di Ðà Phật! A Di Ðà Phật! Bạch hòa thượng, con mới đến ạ!"
Hòa thượng vội bước ra, suỵt nhỏ:
- Im nào! Ông bạn… Hôm nay chùa có khách!
- Ai thế nhỉ?
- Một thiền sư vừa hạ sơn. Ngài ở Tà Lơn mới xuống….
- Ồ, quý hóa quá! Thật là "hữu duyên thiên lý năng tao ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng."
- Suỵt, ngài còn trẻ nhưng đạo cao đức trọng lắm…
- Ồ… vạn hạnh, vạn hạnh… Thật là vị tăng hữu… Sư tử lên ba còn hơn dã can đầu bạc…
- Nhưng mà… ngài không thích nói nhiều.
- Ðó mới là… "vô ngôn thông, tri giả bất ngôn." Người biết thì không nói… mà lại.
- Ðạo hữu có hầu chuyện với ngài thì nên ít lời một tí…
- Thế thì… con xin phép được hầu chuyện với ngài bằng lối im lặng… Một cuộc im lặng như sấm sét của những tâm hồn vĩ đại và chơn thật…
Hòa thượng ngơ ngác:
- Thế nghĩa là sao?
- Im lặng, im lặng và im lặng. Ðó là sự đối thoại của Bồ Tát cư sĩ Duy Ma Cật, một lối mặc ngữ mà pháp âm vang như sấm rền.
Hòa thượng đành lắc đầu:
- Thôi thì… chú cứ làm những gì mà chú thấy là cần thiết.
Ông Ðồ liền tuột guốc, rón rén bước đến vái chào vị thiền sư Tà Lơn. "Thiền sư" vẫn im lặng, hai mắt hơi hé ra rồi nhắm tít lại như cũ. Khách và chủ cùng phân tòa ngồi. Hòa thượng cũng kiếm một chỗ ngồi, hồi hộp theo dõi cơ sự.
Thoạt tiên, ông đưa tay lên, nhưng đến ba ngón. Ông Ðồ gật gù, tỏ vẻ thông cảm tiếp thu kịp.
Ông Ðồ lại đưa lên 5 ngón tay. Thiền sư mỉm cười, lắc đầu ra vẻ khoan dung rồi đưa hai bàn tay lên, xòe đủ mười ngón.
Ông Ðồ chặc lưỡi tỏ vẻ thán phục, đưa tay vẽ một vòng tròn. Thiền sư có vẻ bất bình, đưa tay hất mạnh, chỉ ra ngoài ngõ.
Ông Ðồ sụp lạy, cung kính cáo từ ra về. Tiễn y đến tam quan hòa thượng hỏi:
- Sao chú thấy thế nào?
- Ồ, quả là "thiên niên thiết thọ khai hoa dị…," nghìn năm cây sắt đơm bông dễ… nhưng tìm được người như thiền sư Tà Lơn thì quả là khó. "Tam sinh hữu hạnh" mới có một cuộc đối đáp như chớp xẹt lửa nháng như thế.
- Ngài đã nói với chú những gì?
- Ồ hòa thượng làm sao hiểu thấu!
Hòa thượng khẩn khoản:
- Tôi ở chốn rừng núi quê mùa, dốt đặc cán mai. Xin chú làm ơn, thuật lại tỉ mỉ cho tôi mở rộng tầm con mắt. Tại sao chú lại đưa lên một ngón tay?
- Ðó là chỉ "nhất tâm"…
- Còn ổng đưa ra ba ngón tay là sao?
- Ðó là, nhất tâm… tam giới. Một tâm nhưng bao trùm cả ba cõi, đầy đủ thể tướng dụng. Ðó là "chân không mà diệu hữu." Nhất tâm sinh ra muôn pháp. Ngài đã đưa ra "tam giới" để trả lời cho "nhất tâm." Thật là hay, hay tuyệt!
- Rồi khi chú đưa năm ngón tay lên?
- Ðó là ý hỏi: "Nhưng đối với kẻ đã lỡ tạo tội ngũ nghịch thì sao?"
- Rồi ổng đưa mười ngón tay?
- Ý dạy: "Phải khuyên đương sự tu mười điều thiện."
- Ồ, hay quá! Chỗ này thì tôi đã hiểu kịp. Thế, lúc chưa tay vẽ một vòng tròn?
- Tôi muốn nói: "Chúng ta đang đi quanh quẩn trong vòng luân hồi vô tận."
- Và ổng lắc đầu, hất tay chỉ ra ngoài ngõ.
- Ý ngài nhắc chúng ta có chí hướng thượng, vĩnh xuất tam giới… xong, ngài buông thõng hai tay, lắc đầu, tỏ ý là đến chỗ vô ngôn tuyệt lự, bất lập văn tự. Tôi khi ấy chỉ còn nước im lặng, đảnh lễ ra về mà vẫn nghe pháp âm rền vang như sấm nổ.
Ông Ðồ cáo từ, hòa thượng trở vào, gặp thiền sư Tà Lơn, tức chàng bán đậu hủ đang đứng lúng túng trong đống y cùng áo. Hòa thượng tiếp tay, giúp anh ta xếp y cất áo mão xong, hỏi:
- Chú ra dấu hiệu gì mà hắn ta chạy một mạch vậy?
Anh bán đậu hủ cười hề hề:
- Có chi đâu! Cũng chuyện làm ăn mà! Ðâu có gì ngoài việc mua với bán. Hắn gạt hòa thượng chứ đâu có qua mắt thằng Tư này nổi!
- Chú thuật lại đầu đuôi ta nghe thử!
- Ðầu tiên hắn ta đưa lên một ngón tay, ý hỏi: "Bao nhiêu một miếng đậu hủ?" Con liền xòe ba ngón, tức "ba đồng bạc."
Hắn liền đưa ra năm ngón tay, tức là ngỏ ý mua 5 miếng. Con nghĩ hôm nay mình bán ế, mình để giá vốn cho hắn, nên đưa lên 10 ngón, ra giá là 10 đồng. Thấy rẻ, hắn động lòng tham, đưa tay ra dấu đòi mua hết cả thúng… Con nổi sùng hất tay bảo hắn ra chợ hỏi xem có ai chịu bán giá đó không. Còn thúng đậu ế này, thà con đem cúng thầy làm chao cúng rằm cho có phước…
Từ đó ông Ðồ không còn làm phiền hòa thượng nữa. Có lẽ ông đã nghe được đầu đuôi câu chuyện vì bác đậu hũ không phải là một người kín miệng cho lắm. Và cũng nhờ vậy mà câu chuyện được đồn đãi cho đến ngày nay đó em ạ!

Xa Ðầu Tụ Lạc

Thuở ấy, đức Thế Tôn đang ngự tại Xa Ðầu Tụ Lạc (Càtuma) thì hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên dẫn một phái đoàn gồm 500 vị tân tỳ kheo đến yết kiến Phật.
Ðang ngự trong hương thất, chợt nghe tiếng ồn ào nổi lên, đức đạo sư gọi tôn giả A Nan đến hỏi:
- Này A Nan, ra xem vì sao bỗng dưng khu rừng yên tĩnh này lại ồn náo như một cái chợ cá vậy?
Tôn giả A Nan vâng lời, đi quan sát tình hình xong, trở về bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, tiếng ồn ào đó là do các vị tỳ kheo trong phái đoàn do hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên dẫn về. Các vị tỳ kheo ấy mới gia nhập tăng đoàn, chưa thuần thục sa môn hạnh nên đã gây ra những tiếng động như thế.
- Này A Nan, hãy ra bảo với Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên rằng ta không muốn gặp một ai trong đám người ấy cả. Hãy bảo họ đi cho thật xa.
Tôn giả A Nan y lời Phật dạy và rừng cây Xa Ðầu trở lại không khí trầm lặng như xưa.
Lúc ấy, có một số tục gia đệ tử đến thăm Phật, biết được câu chuyện vừa xảy ra, họ liền bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, lời quở trách của Thế Tôn đối với quý vị sa môn thật là quý báu. Và, chúng con trộm nghĩ rằng, như những con bê còn thơ dại, chưa dứt sữa thì không thể sống xa bò mẹ quá lâu. Xin Thế Tôn tha lỗi cho quý vị ấy và cho phép họ được gặp mặt kẻo họ thối thất tâm lành.
Trời Phạm Thiên cũng đứng ra can thiệp, nài nỉ đức đạo sư bằng một thí dụ tương tự:
- Những cây con mới gieo trồng, không thể nào chễnh mãng việc vun phân tưới nước như các cây trường thành được. Xin Thế Tôn tha lỗi và chăm sóc cho các tân sa môn ấy…
Thấy đã đủ thời gian cần thiết cho các thầy tỳ kheo ăn năn hối lỗi, đức đạo sư cho vời hai môn đệ tử trưởng tràng đến.
Trước một hội chúng đông đảo, đức Phật hỏi:
- Này Xá Lợi Phất, ông nghĩ sao khi Như Lai đuổi 500 vị tỳ kheo ấy?
Tôn giả Xá Lợi Phất thưa:
- Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng Thế Tôn sẽ được ít bận rộn và nhờ đó mà con được rãnh rang.
Ðức đạo sư bèn quở tôn giả:
- Này Xá Lợi Phất! Chớ để tâm niệm như thế khởi lên nơi ông nữa.
Và đức đạo sư quay sang hỏi tôn giả Mục Kiền Liên:
- Còn Mục Kiền Liên, ông nghĩ sao?
- Bạch Thế Tôn con nghĩ rằng Thế Tôn sẽ được ít bận rộn. Nhưng riêng con và tôn giả Xá Lợi Phất phải có trách nhiệm hướng dẫn hội chúng này.
- Lành thay! Này Mục Kiền Liên, chỉ có Như Lai và hai ông mới có đủ khả năng hướng dẫn các tỳ kheo ấy.
Và đức đạo sư bèn truyền lệnh vời 500 thầy tỳ kheo đến, an ủi và dạy rằng:
- Này các tỳ kheo! Có bốn điều nguy hiểm cho những ai lạc xuống nước. Ðó là: sóng, cá sấu, nước xoáy và cá dữ. Cũng vậy, đối với người xuất gia chưa đoạn trừ phiền não thời cũng có bốn điều đáng sợ. Những gì là bốn?
Này tỳ kheo! Có những vị hảo tâm xuất gia nhưng không tránh khỏi những lỗi lầm nhỏ nhặt. Khi được các bạn đồng phạm hạnh nhỏ tuổi hơn nhắc nhở về sa môn hạnh, vị ấy cảm thấy tổn thương, nghĩ bụng:
"Ở ngoài đời, ông đây đã từng dạy dỗ bao nhiêu người. Vậy mà bây giờ, ông phải chấp tay đứng nghe những gã đáng con đáng cháu, đáng đầy tớ ông bày khôn chỉ khéo, dạy với dỗ."
Và, vị tỳ kheo này lấy làm bất mãn, hoàn tục. Ðó là hạng người bị sóng cuốn.
Này các tỳ kheo! Có những tu sĩ bị kềm thúc về việc ăn uống, bực bội nghĩ rằng:
"Hồi trước mình muốn ăn gì cũng được! Còn bây giờ… hễ mở miệng ra là nghe cấm với đoán. Có bao nhiêu thức ăn ngon lành, bổ dưỡng đều bị chận họng hết…
Vị ấy bất mãn và hoàn tục. Ðó là hạng người bị cá sấu nuốt.
Này tỳ kheo! Có những tu sĩ trên đường đi khất thực, thấy các tục gia đệ tử thọ hưởng ngũ dục, liền khởi nghĩ:
"Ðời sống xuất gia thật là tù túng khốn khổ. Ngày trước mình còn ở nhà, thọ dụng tùy ý, lòng lúc nào cũng hân hoan, vui vẻ. Còn bây giờ thiếu thốn đủ thứ. Lúc nào cũng mệt mỏi và chán ngán… Chi bằng mình về nhà cất một cái cốc tu vừa khoẻ thân lại an tâm… Của mình mình ăn, khỏi sợ mắc nợ đàn na tín thí. Còn dư tiền mình đem bố thí cúng dường, kiếm thêm công đức…"
Và, vị ấy bất mãn hoàn tục. Ðó là hạng người bị nước xoáy.
Hạng thứ tư, là những tỳ kheo trên đường khất thực, không biết phòng hộ tâm mình. Vị ấy nhìn thấy những phụ nữ ăn mặc hở hang, khêu gợi… liền khởi lòng tham dục, chán ngán đời sống phạm hạnh. Vị này trở về tinh xá… kiếm chuyện giận hờn, bất mãn gây gỗ với bạn đồng tu rồi hoàn tục. Ðó là người bị nạn cá dữ.
Này các tỳ kheo! Ðó là bốn điều đáng sợ của người xuất gia. Các ông phải cẩn thận.
Ðức đạo sư dạy xong, chư tỳ kheo đều hoan hỷ tín thọ phụng hành. Các thiện nam tử này, dưới sự dẫn dắt tận tâm của hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, tinh cần tu tập, chẳng bao lâu đắc A La Hán quả.

Tôn Giả Thất Lai

Thất Lai là tên mà các bạn đồng phạm hạnh đặt cho tôn giả Citta không phải vì thầy đắc quả Tu Ðà Hoàn mà vì Citta đã xuất gia đến bảy lần trong một đời người.
Citta nguyên là một thanh niên nông dân nghèo khó, cả gia sản của chàng chỉ vỏn vẹn có một cây cuốc, ít hạt giống và một thửa đất đầy sỏi đá. Vì thế, dù đã làm quần quật suốt cả ngày Citta vẫn không tìm đủ lương thực cho cái dạ dày háu đói của chàng.
Một hôm, có dịp ra phố, Citta trông thấy một thầy sa môn áo vàng, đầu cạo trọc được thiện tín cúng dường hậu hỹ. Nhìn chiếc bát chứa đầy thức ăn của vị tu sĩ, Citta thầm nghĩ:
- Té ra vẫn còn một cách kiếm ăn khấm khá hơn cái nghề mạt rệp của mình, cứ xem sư thầy này da dẻ hồng hào thì biết. Có lẽ ngày nào ông cũng nhận được vài bát đồ ăn cỡ này.
Citta bèn đến thăm hỏi:
- Thưa sa môn, con có thể làm sa môn như ngài được không?
Vị tu sĩ từ tốn đáp:
- Lành thay! Này thiện nam, đức đạo sư dạy: mọi người đều bình đẳng với nhau về khổ đau cũng như giác ngộ. Nếu cha mẹ con cho phép con có thể gia nhập tăng đoàn.
Citta cảm tạ vị sa môn và quay ghót trở về vừa đi vừa nghĩ ngợi:
"Thủ tục cũng không có gì rắt rối lắm, hay là ta đổi nghề một chuyến xem sao. Ðành hy sinh cái đầu vậy, đổi mấy cọng tóc để lấy bát cơm mà nuôi thân."
Citta bèn thu xếp gia duyên, rửa sạch gậy cuốc đem giấu vào một bọng cây kín đáo, gài sơ sài căn chòi xiêu vẹo của chàng lại và lên đường. Ðến một tinh xá, Citta được hướng dẫn cạo tóc, làm những việc vặt vãnh của một chú tiểu sơ cơ. Và sáng hôm sau chàng đắp y mang bát vào thành phố khất thực lòng đầy hy vọng.
Nhưng cuộc sống mới không phải cũng lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, nhàn hạ, êm ấm như Citta thầm nghĩ. Không phải hôm nào chàng cũng nhận được những thức ăn hảo hạng, mà rất thường khi, chàng phải uống một bát nước lã dằn bụng cho qua ngày. Thêm vào đó còn có những giới luật uy nghi, những giờ tĩnh tọa phải ngồi xếp tay xếp chân một chỗ hàng mấy giờ liền, không được nhúc nhích dù chỉ là để đuổi ruồi muỗi hay gãi đầu, chàng phải làm thinh không được trả miếng khi bị người trêu chọc, khinh dễ, nhất là không được bỏ gì vô bụng cả khi mặt trời đã quá đỉnh đầu. Citta đâm ngán. Vì thế, sau một buổi đi bát về không chàng liền ôm bát về nhà, nhập gia và hành nghề nông dân như cũ.
Ðược vài tháng, có chuyện cãi cọ với một anh chàng hàng xóm, Citta chợt nhớ đến khung cảnh an tịnh của rừng cây Kỳ Viên với những người bạn đồng phạm hạnh hiền hòa, dễ tính, Citta liền đem cây cuốc rửa sạch giấu vào họng cây, ôm y bát đến gặp thầy tế độ xin được xuất gia lần thứ hai.
Ðược vài tháng, hết giận anh hàng xóm, lại gặp một chuyện bất hòa với bạn đồng tu, Citta bèn hoàn tục lần thứ hai.
Và cứ thế, Citta cứ nhập gia rồi xuất gia đến lần thứ năm. Việc thay đổi nhanh như chong chóng của chàng khiến cho các bạn đồng tu vừa buồn cười, vừa khó chịu.
Nghĩ rằng vì mình không có sợi dây nào ràng buộc của cuộc đời thế tục nên cứ mãi long đong trôi dạt, Citta cũng đâm ra ngán cái tật hay thay đổi của mình nên sau lần hoàn tục thứ năm chàng vội vã đi cưới một cô hàng xóm cũng nghèo khó và cô đơn như chàng, để may ra cuộc đời mới với những thứ phụ tùng rắc rối hơn, có ổn định hơn chăng?
Không ngờ cuộc sống lứa đôi, một túp lều tranh hai quả tim vàng cũng không lấy gì làm êm đẹp cho lắm. Những trận cãi vã giận hờn xảy ra như cơm bữa. Một đêm khuya giật mình tỉnh giấc, Citta bàng hoàng nhìn người bạn đường của mình đang say ngủ. Dưới ánh trăng cô vợ trẻ đang há hốc miệng, nước dãi chảy đầy trên mặt gối, đầu tóc rối bù, xiêm áo xốc xếch… Citta bỗng dưng thấm thía và chán nản đến tột độ về những hoa hòe giả dối của ngũ dục mà chính bản thân chàng đã trải qua. Vừa đến cổng tinh xá Citta đắc ngay qua Dự lưu.
Chư vị tỳ kheo im lặng đón Citta trở lại tăng đoàn với những đôi mắt nghi ngờ. Lần này Citta hăng hái tập để xóa tan những thành kiến không mấy tốt đẹp mà chàng để lại tu viện sau năm lần hoàn tục. Nhờ thế mà sau một tuần trăng nỗ lực tỳ kheo Citta phát triển thiền quán và đắc tứ thiền. Ðiều này làm thầy hân hoan vô cùng. Citta luôn luôn tìm cách biểu diễn thành quả của mình… Các bạn đồng tu sơ cơ chia sẻ niềm vui của Citta một cách nhiệt thành. Nhưng các trưởng lão đều dửng dưng và còn khuyến cáo chàng nên dè dặt kẻo lại rơi vào một mạng lưới khác của vô minh.
Chẳng hạn, như có một bữa thừa dịp các tôn giả đang luận đạo, Citta bèn xen vào không ngớt ngắt lời các sư huynh để đưa quan điểm của mình vào. Trưởng lão Câu Hy La thấy thế bảo:
- Này Citta! Chú hãy đợi cho chư vị Thượng tọa nói xong cái đã… rồi sẽ phát biểu ý kiến của chú.
Các tỳ kheo trẻ tuổi bên vực Citta:
- Bạch Thượng tọa, huynh Citta đã đắc pháp nhãn, huynh ấy có quyền nói lên những gì đã thực chứng…
- Ta không phủ nhận rằng chú ấy có thực chứng về thiền, nhưng điều ấy không đủ sức giữ chú ấy lại trong đời sống phạm hạnh lâu dài được.
- Ồ! Sao lại thế, bạch Thượng tọa?
- Giống như một con bò khi được buộc chặt vào một cái ách thì nó rất là ngoan ngoãn, nhưng khi tháo ách ra thì thế nào?
- Thưa… nó có thể dẫm nát lúa mạ.
- Cũng thế, một tăng sĩ có thể rất khiêm cung và đạo hạnh khi đứng trước đức đạo sư, chư trưởng lão hay một đám đông bè bạn nhưng y vẫn có thể buông lung thối đọa khi ở một mình có phải thế không nào?
- Thưa, đúng như vậy.
- Một hành giả có thể đạt đến tứ thiền, nội tâm tạm thời an tĩnh, ổn định nhưng đến lúc xuất thiền, y lại ba hoa không thể kiềm chế, ưa thích khoe khoang thành quả của mình. Lòng kiêu căng, ngã mạn nổi dậy, y đâm ra khoác lác, khen mình chê người và sẽ thối đọa dễ dàng. Khi y hoan hỷ tự mạn về những thành quả đã chứng, những thiền chứng sẽ trở thành tai họa cho y.
- Thưa Thượng tọa, chúng con đã hiểu nhưng xin Ngài giải thích thêm cho tại sao mà thiền chứng lại trở thành tai họa cơ chứ?
- Vì những cấu uế của nội tâm rất nhỏ nhiệm, những thiền chứng chỉ làm nó tạm thời lắng xuống chứ chưa tiêu diệt hẳn.
- Thưa… nhưng đâu phải là ai cũng chứng thiền được dễ dàng? Tâm của hành giả thiền chứng ít ra cũng lắng dịu và an tịnh hơn tâm của các hàng phàm phu chứ, bạch Thượng tọa?
- Ðiều này giống như khi có một đạo binh đi qua rừng, tiếng voi, kèn, trống, loa, xe cộ, sẽ làm cho ta có cảm tưởng rằng những côn trùng nhỏ nhít trong các bờ cỏ bụi cây đã biến mất… nhưng khi đoàn quân đi qua côn trùng lại nỉ non như cũ.
Và đúng như lời tiên đoán của chư vị trưởng lão, thiền chứng và tài hùng biện của Citta không đủ sức giữ chân chàng bằng mùi ngũ dục. Citta lại hoàn tục lần thứ sáu.
Một hôm, Citta trong bộ áo cư sĩ cùng với người bạn là một nhà tu khổ hạnh lang thang đến yết kiến đức đạo sư. Những câu giải của đức đạo sư với vị tu sĩ ngoại giáo này làm Citta xúc động và bừng tỉnh, chàng lại xin xuất gia lần thứ bảy. Ðức đạo sư bằng lòng và tăng đoàn lại đón chàng bằng ánh mắt tin tưởng vừa phải. Các bạn đồng phạm hạnh cùng trang lứa gọi Citta là Thất Lai, với hy vọng rằng chàng sẽ không đổi ý đến lần thứ tám.
May mắn hơn sáu lần trước, tỳ kheo Thất Lai tinh cần và đắc A La Hán trước sự kinh ngạc lẫn vui mừng của bạn bè, nhiều người tỏ ý nghi ngờ về thành quả của tôn giả Thất Lai. Vì thế đức đạo sư trước một hội chúng đông đảo đã xác định kết quả tốt đẹp của La Hán Citta bằng hai câu kệ, giải thích trạng thái tâm của ngài trước và sau khi đắc quả:
"Người tâm không an tịnh, không thấu rõ chánh pháp, niềm tin dao động, không thể nào thành tựu được trí huệ cao siêu."
Và: "Người nào tâm đã thanh tịnh không còn bị chi phối bởi tham ái và sân hận, người đã vượt lên khỏi hai lẽ thiện và ác của thế gian. Người ấy đã giác ngộ, không bao giờ còn sợ hãi một điều gì."
Hai câu này được ghi vào thành kinh Pháp cú (số 38-39) và được lưu truyền cho đến ngày nay.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567