Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 9

21/06/201319:53(Xem: 9925)
Phần 9

Hư hư lục

Phần 9

Thích Nữ Như Thủy

Nguồn: Thích Nữ Như Thủy

Chiếc Chăn Còn Lại

Thuở xưa có một vị tu sĩ nổi danh là thánh thiện, đạo cao đức trọng. Toàn thể vật sở hữu của Ngài trên thế gian này chỉ vỏn vẹn có hai chiếc chăn da sờn rách và một cái muổng dừa dùng để khất thực sống qua ngày. Tu sĩ sống một cuộc đời vô định, rày đây mai đó, hạc nội mây ngàn, ngũ dưới cội cây ăn cơm của bá gia bá tánh.
Hương danh của tu sĩ bay theo các chiều gió nam, bắc, đông, tây tản mạn qua các đầu lưỡi của bàng dân thiên hạ và chui vào tai của một đức vua cao tuổi, đã quá chán ngán với sự vô thường thay đổi của sự vật và lòng người.
Một hôm, đức vua của chúng ta ngự giá đến thăm tu sĩ, lúc ấy đang tĩnh tọa dưới bóng mát của cội đa ở phía nam ngoại thành.
Vị tu sĩ đón tiếp đức quân vương của mình bằng những lời khuyên minh triết vô giá, chứa đựng trong các thời pháp cao siêu... mà khả năng hạn hẹp của ngôn ngữ trần gian có thể diễn đạt được.
Trong bầu không khí thanh cao đó, đức vua ngồi nghe mê mẩn, quên hết mọi buộc ràng của thế giới cung đình. Ngai vàng, điện ngọc, bầu đoàn thê tử... đối với đức vua trong giây phút ấy chính là những trò hợp tan của mây nổi.
Thình lình, ngự lâm quân thảng thốt bước đến, lắp bắp:
- Muôn tâu, kinh thành đang có biến, xin bệ hạ hồi cung gấp!
Ðức vua bình tĩnh bảo tên cận vệ thân tín:
- Im ngay, ta không muốn gián đoạn thời thuyết giảng vô giá của tôn sư.
Và, đức vua vẫn từ tốn, bình thản nghe những lời nói của vị tu sĩ đã bắt đầu rời rạc. Sau cùng tu sĩ bảo vị quân vương kính tín:
- Muôn tâu, xin đại vương cho phép bần đạo được chấm dứt cuộc hội kiến này vì một việc riêng vô cùng khẩn cấp.
Nhà vua đành bái tạ, cáo từ tu sĩ với một tấm lòng sùng kính và luyến tiếc rồi cùng đoàn ngự lâm quân hồi cung.
Tu sĩ hối hả đi vào kinh thành, đến một bờ rào ở mạn hồ tây, nơi ông đã phơi chiếc chăn ban sáng vì e rằng cơn binh lửa có thể thiêu hủy một nửa gia sản hiếm hoi của mình.
Không ai biết được tu sĩ tên gì, tịch lúc nào và ở đâu, nên câu chuyện này đành lấy tựa đề là "Chiếc chăn còn lại" vậy.
Em thân mến!
Chúng ta có thể biểu diễn sự tu hành, phong thái cao siêu thoát tục của mình bằng cách buông xả hết các thứ sở hữu, ngoại trừ các món phụ tùng hết sức cần thiết như vị tu sĩ trên đây chẳng hạn.
Nhưng em ơi! Ðôi khi, chúng ta xả bỏ các thứ phụ tùng gồ ghề như quốc thành thê tử, vàng bạc châu báu... cho bàng dân thiên hạ nom thấy thật là dễ dàng... nhưng buông bỏ các thứ sở hữu gớm ghiếc, rẻ mạt như chiếc chăn rách thì lại đòi hỏi một sự nỗ lực kiên trì hơn nhiều. Và, việc buông xả khó khăn, tối quan trọng của một tu sĩ không phải chỉ nằm trong phạm vi các vật sở hữu bên ngoài, mà chính là các thứ phụ tùng ngủ ngầm trong tâm thức của mỗi con người chúng ta như tham, sân, mạn...
Chiếc áo không làm nên nhà tu là vì vậy.
Bậc trí như vách đá
Gió cuồng nộ chẳng lay
Lời tán dương hủy báng
Không sao gợn đôi mày.

Ðồng Một Chiếc Xiêm

Chuyện xảy ra tại một tu viện.
Tôn giả nọ, trong giờ chấp tác, đi ngang giếng nước, nhòm xuống, chợt thấy một cái quần đen nổi lều bều trong đó, liền hét toáng lên:
- Chèn đét ơi! Cái giếng nước này người ta dùng để nấu ăn, nấu uống, rửa hoa cúng Phật, rửa chén cập tăng... mà ai ăn ở bất nhơn, làm rớt cái quần xuống đây, hỏng biết nữa...
Sau một hồi la lối, đương sự bèn dòm dáo dác, tìm tới tìm lui xem có ai đứng gần đâu đó để ngoắc tới phân bua... Nhưng thật xui xẻo, chung quanh vắng bặt như tờ.
Tôn giả này bèn dòm xuống giếng một cách bực tức... Và chợt bụm miệng la lên:
- Í, chết cha rồi!
Lập tức đương sự vội vàng lấy cây khoèo cái quần đa sự lên, vừa dáo dác canh chừng xem có ai nom thấy không. Và cũng thật là may mắn.. chưa có ai nom thấy hết.
Ðương sự vội vàng làm thinh, đi phơi cái quần và giữ im lặng như là thánh vậy.
Em thân mến!
Ðây là một mẩu chuyện nhỏ rất thường xảy ra trong đời sống thường ngày của chúng ta. Cũng đồng thời là một sự kiện đó, một lỗi lầm đáng trách nhưng nếu do người khác gây ra thì chúng ta sẽ sẵn sàng hô hoán la rùm beng lên. Nhất là nếu người ghét cay ghét đắng thì... ta chỉ còn thiếu một việc là bắt loa phóng thanh lên để rao cho làng trên xóm dưới cùng nghe, cùng biết, cùng hay.
Nhưng, nếu lỗi lầm đó, do chính ta vô tình hoặc cố ý gây nên thì phải dáo dác nhìn xem có ai ngó thấy không và khỏa lấp đi thật lẹ... như vị tôn giả trong câu chuyện trên đây vậy.
Có lẽ vì vậy mà Phật khuyên chúng ta như thế này:
Không nên nhìn lỗi người
Có làm hay không làm
Hãy nên nhìn lỗi mình
Có làm hay không làm.
(PC 50)
Và:
"Thấy lỗi người thì dễ, thấy lỗi mình mới khó. Lỗi người, ta cố phanh tìm như tìm thóc lẫn trong gạo, còn lỗi mình, ta cố che giấu như kẻ cờ gian bạc lận thu giấu quân bài."
(PC 252)
Trong pháp Bảo Ðàn Kinh, Lục Tổ cũng có một lời khuyên chúng ta như thế này:
"Nhược chân tu đạo nhân
Bất kiến thế gian quá..."
Nghĩa là:
Nếu thật người tu đạo
Ðừng thấy lỗi thế gian.
Ghi lại câu chuyện này cùng lời Phật Tổ dạy, để gởi cho em, người bạn đồng hành nhỏ tuổi của tôi, cũng có nghĩa là tôi tự viết cho riêng mình vậy.

Năm Con Lừa

Xưa, có một anh chàng nọ, thuộc hàng danh gia vọng tộc, con nhà nhàu có, đẹp trai hẳn hoi nhưng lại ngu ơi là ngu. Vì thế, thời nhân gọi anh ta là chàng ngốc.
Hôm nọ, Ngốc đi chợ phiên mua được năm con lừa với một giá rất phải chăng. Lòng mừng khấp khởi, anh thót lên lưng một con lừa và dắt bốn con kia về.
Dọc đường, Ngốc chợt nảy ra ý định phải kiểm lại số lừa của mình:
- Một, hai, ba, bốn... Chết cha! Ðâu mất một con rồi?
Hốt hoảng, Ngốc tụt xuống lưng lừa, đếm lại cẩn thận:
- Một, hai, ba, bốn, năm... A, đủ rồi!
Yên tâm, Ngốc leo lên lưng lừa. Ði một đỗi anh bắt đầu đếm:
- Một, hai, ba, bốn... Í, đâu mất một con rồi?
Ngốc lại tuột xuống:
- Một, hai, ba, bốn, năm... đủ rồi!
Sự tình cứ thế mà tiếp diễn, hễ chàng Ngốc cỡi lừa thì cả bầy chỉ còn lại bốn con, nhưng nếu chàng đi bộ thì bầy lừa còn đủ năm con. Cuối cùng, Ngốc đành tuột xuống đi bộ.
Khách qua đường thấy anh mồ hôi nhễ nhại, chạy lúp xúp theo bầy lừa, ngạc nhiên:
- Sao anh không cỡi một con đi cho đỡ mệt?
Ngốc đáp một cách quả quyết:
- Cứ mỗi lần tôi leo lên lưng lừa là mất một con. Vì vậy, thà rằng tôi đi bộ để còn nguyên cả bầy... Cực khổ một chút mà không phải mất mát, mỗi con đến hàng trăm quan đấy, bác ạ!
Em thân mến!
Trên đây là một câu chuyện vui, có thể là không bao giờ xảy ra, nhưng tôi và em, há chẳng ngốc nghếch giống hệt anh chàng trong truyện đó sao?
Chả phải là mỗi lần hạ thủ công phu, giải quyết sinh tử, miên mật, tinh tấn, khẩn thiết, ta đều bị mệt nhoài vì đã phí không biết bao nhiêu tâm lực để chăn trâu, hàng phục, điều ngự vọng tâm... Những lúc ấy, có ta, có pháp, có người tu và có pháp tu hẳn hòi đấy nhé! Có tất cả nhưng mệt ơi là mệt!
Rồi cũng có những lúc lòng ta êm ả, trống vắng, không còn phảng phất một ý niệm nào về ta và người, thiện lẫn ác, phải quấy, tốt xấu, tăng tục... những phút giây như thế, ngày nào chả có? Thật thoải mái, khỏe khoắn, nhẹ nhàng... nhưng eo ơi! Sao mà trống trải, mất mát quá đỗi! Ta đâu rồi, cái gì là ta đó nhỉ? Cái ta thân yêu cùng vô vàn phụ tùng quen thuộc nhưng không kém phần rắc rối của nó bỗng dưng biến đâu mất như chú lừa của chàng ngốc trên đây.
Anh chàng ngốc trong câu chuyện đã tuột xuống lưng lừa vội vàng ra sao thì chúng ta cũng khởi niệm mau lẹ như thế đó. Phải tu, phải hành, phải hạ thủ, phải dán chữ tử trên trán, phải hì hà hì hục... Một, hai, ba, bốn, năm... A, đủ cả rồi! Cả ta lẫn người, ta và pháp đấy nhé! Bởi giống hệt nhau nên thay vì vô tâm, buông xả hoàn toàn những thứ vướng vít trong lòng thì lúc nào ta cũng đăm đăm, đau đáu, nhăn nhăn, nhó nhó lo chuyện tu hành. Chẳng thà mệt một chút mà được có, được còn... hơn là khỏe khoắn mà mất sạch sành sanh.
Ðể kết thúc câu chuyện này, tôi kể em nghe một giai thoại nhà thiền:
Tăng hỏi thiền sư Cư Tuần ở Lang Nha:
- Trong 12 giờ, dụng sức như thế nào?
Sư đáp:
- Như người không tay muốn đánh người.
Tăng khác hỏi:
- Người xưa được cái gì liền thôi?
Sư đáp:
- Như giặc vào nhà trống.

Chiếc Gương Khả Ố

Thuở xưa, có một cô gái tầm thường và bình thường như bao nhiêu cô gái khác trên thế gian này. Nghĩa là, cô không đẹp nhưng cũng không xấu, không giàu cũng không nghèo..., lứa tuổi dậy thì đã giúp cô khá mặn mà duyên dáng... và cũng như bao nhiêu thiếu nữ đồng trang lứa khác, cô ao ước muốn biết được mặt mũi của mình ra sao.
Dịp may đã đến, thiếu nữ mua được một tấm gương soi mặt. Vừa nhác thấy nhan diện mình hiện trong gương, cô đã rú lên như một cánh chim bị đạn, lòng đau khổ tột độ vì thấy sao mà mình không giống như mình tưởng.
Chuyện xảy ra sau đó rất thường tình, nghĩa là, khi nào phải chường mặt ra giữa đám đông, thiếu nữ không còn hồn nhiên vô tư như dạo trước nữa. Cô thường xấu hổ, cúi mặt xuống hết cắn môi đến vân vê tà áo, lúng túng không biết để tay chân vào đâu, chớp mắt nhíu mày, cười mỉm chi theo một cách mà cô nghĩ là có duyên nhất v.v... và v.v...
Và, trong những lúc vắng người, cô gái đáng thương kia thường ngồi hàng giờ trước tấm gương soi, tỉ mỉ tỉa từn sợi lông mày, tẩn mẩn nặn từng hạt mụn... và cũng nhíu mày trợn mắt mỉm cười để tìm cho ra một kiểu thức nào đó, hy vọng mình sẽ dễ coi hơn trước mắt mọi người...
Em thân mến!
Một thiền sư Nhật Bản có dạy chúng ta như thế này:
"Ta hãy đặt một tấm gương soi bên trong lòng mình. Mọi tư tưởng, ý niệm, toan tính vừa xuất hiện trong tâm trí đều được phản chiếu trong tấm gương một cách đầy đủ trọn vẹn. Tấm gương tuy thu trọn vẹn các hình ảnh diễn biến của các tư tưởng, ý niệm nhưng hoàn toàn không phê phán.
Và, khi các tư tưởng, ý niệm toan tính đó tan biến thì gương vẫn trong suốt, không hề vương vấn một dấu vết nào của tư tưởng, ý niệm, toan tính vừa qua."
Self-Knowledge, Meditation course
B.H. Viên Thông
Ðây là một lời khuyên sáng suốt nhưng thật khó thực hiện vì chúng thường hành động hệt như thiếu nữ soi gương trong câu chuyện trên.
Suốt ngày và suốt đời, chẳng phải chúng ta cứ lải nhải: "Tôi thiết nghĩ, tôi quan niệm, tôi muốn, tôi cần, tôi yêu cầu..." Nhưng, TÔI là ai, là gì nhỉ? Bất cứ người tu hành nào cũng thao thức muốn thấy được gương mặt thật của mình, nhan diện đích thực của cái TÔI đó. Và, mỗi giờ tĩnh tọa chính là những lúc ta soi gương vậy.
Việc gì xảy ra cho cô gái trên cũng na ná như những chuyện xảy ra cho tôi và em vậy.
Phản ứng đầu tiên thì chúng ta vừa nhìn lại bản tâm mình thì... thật là hỡi ơi! Ta đã từng nghe nói rằng mình có chân tâm, Phật tánh chơn như... ở đâu thì chả biết. Nhưng nơi lòng ta, chỉ phản chiếu bóng dáng của một khuôn mặt thật khả ố. Ðó là những cái tôi thoáng hiện: tham lam, bực tức, ganh tỵ, thù hằn, dối trá, siểm nịnh... ôi, ta không đẹp như mình lầm tưởng mà thật là quá đỗi xấu xa! Ta không phải là con người mà là một con thú, một ác quỷ hiện hình. Phải làm sao đây? Tại sao như thế nhỉ? À, tại vì nghiệp chướng nặng nề, tội nhiều phước ít chăng?
Và cũng y hệt như cô gái soi gương trên, ta thường xử lý như thế này:
Cách tốt nhất là lui vào khuê phòng, tức là nhập thất kín ấy, rút tấm gương ra (leo lên bồ đoàn ngồi), nhìn thật chăm chú (bất đầu tĩnh tọa), tỉa bớt mấy sợi lông mày mọc vô trật tự (đàn áp những tâm niệm xấu), nặn mấy hạt mụn (dẹp trừ tham sân si), cười đủ kiểu: mỉm chi, cười ruồi... để xem cách nào dễ coi nhất... (ráng uốn nắn tâm thức mình, lôi ra cho bằng được mấy đức tánh từ bi, hỷ xả), õng ẹo đi vài bước, ngước mắt nhìn lên ngó xuống... theo kiểu một tài tử xi-nê nào mà mình ái mộ... (tập nhìn, tập đi, tập đứng hệt như những lời diễn tả về oai nghi của Phật và các bậc tu hành đắc đạo mà sách vở còn ghi lại...
Xong, khi nào bất đắc dĩ phải giáp mặt cuộc đời, ta sẽ từ từ bước ra, đi đứng nói cười nín thinh... một cách lúng túng, cứng nhắc, thiếu hồn nhiên như cô gái trên hoặc là điêu luyện như một kịch sĩ đại tài.
Có phải phản ứng của tôi và em đối với con người thật "bản lai diện mục" của chính mình là như thế không?
Bây giờ tôi xin chép ra đây lời khuyên của thiền giả trên thay cho lời của chính mình vì thú thực với em, tôi cũng rất ư là khổ tâm khi thấy bóng mình trong gương và vô vàn lúng túng khi phải hiện diện trước đám đông, hệt như em vậy: "... Khi bắt gặp một cơn giận nổi lên, ta hãy thản nhiên theo dõi như xem anh hề đóng kịch trên sân khấu, theo dõi với tất cả sự chăm chú của một kẻ tò mò, từ khi cơn giận bắt đầu cho đến lúc nó tan biến. Rồi quý vị sẽ học được nhiều điều hay, phát giác ra lắm cái lạ lùng thích thú. Ðừng tỏ một thái độ nào hết. Khi thái độ được đưa ra là vấn đề bị méo mó rồi. Và ta cũng sẽ không phát giác được điều gì, cũng như không giải quyết được vấn đề.
Ðối với nỗi buồn, đừng tìm cách lẩn trốn. Mỗi lần trốn không giải quyết được vấn đề. Hãy bình thản đối diện với nỗi buồn đó, theo dõi tất cả diễn biến và chuyển hướng của nó, lắng nghe cái ray rứt của nó, trong tâm trí cũng như trong bắp thịt, các tế bào, trong hơi thở... lắng nghe, theo dõi trọn vẹn tiến trình của nó, xem cách thức nó hình thành và biến dạng ra sao. Rồi quý vị sẽ khám phá ra nhiều điều thật lạ lùng. Các vấn đề khác cũng được áp dụng như thế.
Buổi đầu hẳn hơi khó, nhưng dần dần, từng lớp tư tưởng hỗn độn sẽ trở nên trong suốt, rõ ràng, khả năng tự tri của ta, mỗi lúc một cao hơn...
... Tâm trí lần lần rỗng rang, tĩnh lặng, tất cả những tư tưởng ý niệm thoáng qua đều được nhận diện một cách trọn vẹn mà không cần đến một cố gắng nào...
... Các vấn đề xưa kia thường gây hỗn loạn và làm nặng trĩu tâm trí thì nay khó mà hình thành và tồn tại được lâu. Ðây là cao độ mà một tỉnh thức nội tại đương nhiên phải xảy đến. Khi một tỉnh thức trỗi dậy sẽ gọi nhiều tỉnh thức kế tiếp và các quan niệm của ta sẽ nối đuôi nhau sụp đổ ngay khi một tỉnh thức đầu tiên trổi dậy... Cá nhân bắt đầu buông rơi các kinh nghiệm để sống theo một đường hướng mà tỉnh thức nội tại đã soi sáng. Nhân cách cá nhân cũng bắt đầu thay đổi, cá nhân bắt đầu nhìn đời một cách bình thản tỉnh táo, hành động trong sự xuất hiện qua tâm trí được giải quyết tức khắc. Trong mọi sinh hoạt, cá nhân luôn ý thức được con người mình, ý thức một cách trọn vẹn, tự nhiên không cần đến một cố gắng nào."
Self-knowledge Meditation course 18-10-1986

Một Nhà Bác Học

Thuở xưa, có một nhà bác học rất ư là tài ba, và giàu tâm huyết. Ông sống một cuộc đời giản dị, cô độc, không vợ con, quyến thuộc, dành hết thì giờ vào việc nghiên cứu hoa học. Nhà bác học của chúng ta may mắn có một gia sản vừa đủ sống qua ngày, công trình nghiên cứu của ông thuộc lãnh vực toán học nên chỉ tốn phấn và giấy mực. Do đó, cuộc sống của nhà bác học tuy không dư giả lắm nhưng chẳng đến đỗi nào. Ông chi rất dè xẻn, các nhu cầu ăn mặc giải trí, giao thiệp, đọc sách, nói năng đều được hạn chế tối đa. Hầu hết thì giờ của nhà bác học đều được sử dụng để giải các bài toán hóc búa, rắc rốt nhất.
Một hôm, có vài nhà hảo tâm giàu có đến thăm và đề nghị ủng hộ nhà bác học hoàn toàn đầy đủ các nhu cầu cần thiết để ông an tâm dành hết thì giờ và tâm sức cho cuộc nghiên cứu. Từ đó, thế giới loài người không còn thấy được bóng dáng của con người tài ba ấy nữa, nhà toán học đã khép chặt "khuê phòng," thề chẳng ra ánh sáng mặt trời nếu ông chưa tìm được cách giải bài toán hóc búa nhất của thế hệ mình. Năm mươi năm trôi qua…
Một hôm, nguồn tin nhà bác học đã mở cửa để công bố kết quả nghiên cứu loan ra khắp nơi như một trái bom nổ chậm. Báo chí, đài phát thanh, truyền hình, thâu băng… đều được chuẩn bị để tiếp kiến với con người tài ba vĩ đại đó.
Buổi gặp gỡ giữa nhà bác học và cộng đồng nhân loại sau 50 năm xa cách thật là éo le và cảm động. Trong khi đám đông nín thở, thán phục nhìn con người già nua, râu tóc bạc phơ, khoác những y phục của ông bà họ, ngỡ ngàng bước ra ánh sáng của những ngọn đèn 220v thì nhà bác học cũng sững sờ không kém! Ông hấp háy nhìn đám người lạ lùng, khoác các thứ y phục kệch cỡm đủ màu sắc, lố lăng và trân tráo nhất… Một thanh niên chững chạc đến bắt tay ông, tự xưng là con trai người bạn cố tri, thay mặt đám đông, xin được nghe và thấy công trình khám phá của nhà toán học.
Cố nén vẻ khó chịu, nhà bác học tội nghiệp của chúng ta trao cho chàng trai một tập giấy dày cộm, đầy chi chít chữ rồi bước lui vào thư phòng, tiếp tục công trình nghiên cứu khác.
Ngày hôm sau, báo chí nhất loạt đăng tin mới và sốt dẻo nhất về nhà bác học như thế này:
"… Theo nguồn tin đáng tin cậy nhất, nhà toán học, sau 50 năm ròng rã nghiên cứu, bỏ ngủ quên ăn, cắt đứt duyên trần, chẳng giao thiệp với cộng đồng nhân loại, đã tìm ra cách giải phương trình bậc hai… và đang tiếp tục nghiên cứu cách giải phương trình bậc ba…"
Câu chuyện về nhà bác học chỉ gây xôn xao trong dư luận khoảng một tuần lễ rồi rơi vào quên lãng, vì kết quả 50 năm dài nghiên cứu của ông đã được nhân loại tìm ra cũng gần 50 năm rồi. Và các học sinh cấp ba đang giải phương trình bậc ba bằng những công thức ngắn và giản dị nhất.
Nhưng vì lòng kính trọng người cao tuổi, toàn thể nhân loại đều im lặng, không ai nói cho nhà toán học biết được điều ấy. Các nhà hảo tâm vẫn tiếp tục cung cấp các nhu cầu cần thiết để ông có thể… tiếp tục nghiên cứu cách giải các bài toán hóc búa mà các thế hệ con cháu đã tìm ra đáp số từ lâu.
Em thân mến!
Có những cuộc thí nghiệm được thực hiện và thành công trong phòng thí nghiệm nhưng không ít các nhà bác học đã phát minh ra cái sáng kiến vĩ đại ở ngoài phòng thí nghiệm. Newton đã khám phá ra định luật hấp dẫn, sức húc của trái đất tác dụng lên mọi vật khi đi dạo tình cờ nhìn thấy một quả táo rơi. Archimède khám phá ra sức đẩy của nước lúc đang tắm… có những cuộc thí nghiệm thành công do công trình của một người nhưng cũng có những cuộc thí nghiệm cần sự đóng góp của tập thể.
Mỗi hành giả chúng ta đều là các nhà thí nghiệm. Có khác chăng, đối tượng nghiên cứu của chúng ta không phải bên ngoài mà chính là tâm thức của mình. Những thời tĩnh tọa nghiên cứu trong các tịnh thất vắng lặng, rất ư cần thiết cho hành giả, như những lúc đi dạo trên bờ đê, dưới các tàn cây rậm lá, khi cuốc đất, lúc bửa củi, nhổ cỏ, trồng rau tiếp khách, trò chuyện… đều không phải là vô bổ… cho việc tu hành.
Trong các bộ Nikaya hay kinh A Hàm, đức Phật thường khuyên hàng môn đệ sơ cơ:
- Này các tỳ kheo! Hãy tỉnh giác khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi co, khi duỗi, khi cúi, khi ngước, khi mặc áo hay ăn cơm, khi đại tiểu tiện…
Ngài muốn nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ hạn cuộc việc tu hành của mình trong một thời gian không gian cố định…, mà nên uyển chuyển, linh động để tùy thuận tu tập theo ngoại cảnh. Về sau, kinh Duy Ma Cật, một bộ kinh thuộc hệ phát triển, có nêu lên đề nghị: "Nơi nào cũng có thể tu tập, đâu cũng là đạo tràng" cũng không ngoài việc khai triển và tiếp tục lời nhắc nhở của đức đạo sư trên.
Trong việc tương giao với tha nhân, chúng ta sẽ gặp nhiều việc phiền phức nhưng không kém phần thú vị. Những điều làm ta ngạc nhiên khi nhìn thấy ở người chung quanh chẳng phải là các khám phá lạ lùng đó sao? Gặp một việc bất như ý, bực bội, quạu quọ… phát ra ngôn ngữ, hành động rồi ân hận nuối tiếc… Ðó là một diễn trình tâm lý thường gặp mà ta khó tìm được khi ở một mình. Và đôi khi, trong trạng thái cô lập ta phát minh ra nhiều việc mới mẻ hay ho, đối với riêng ta… nhưng thật tầm thường và cũ rích đối với mọi người…, y hệt như công trình của nhà toán học trên đây vậy.

Người Ði Chợ

Xưa, có một bà đi chợ, nhằm ngày rằm, bà xác làn vào chợ, định bụng chỉ mua ít rau cải, đậu khuôn về cho cả nhà dùng vì toàn thể gia đình bà đều ăn thập trai. Nhác trông thấy bà, mụ bán cá đã đon đả mời:
- Mua ký cá tươi chị hai!
Bà đi chợ bực dọc, cau mặt đáp:
- Hôm nay tôi ăn chay.
Ði được vài bước, nghe cô hàng thịt gọi:
- Có mấy ký bắp đùi ngon lắm, chị hai ơi!
Bà Hai liền sừng sộ:
- Tui ăn chay, không biết sao mà mời?
Và, cứ thế, bà Hai của chúng ta cứ nhăn nhó, quạu quọ, cãi cọ, gây gỗ và suýt chút nữa thì sinh ấu đả với các bà đã mời bà mua đồ mặn: tôm tép, gà vịt, mắm… Mãi đến lúc chợ gần tan, bà vẫn chưa mua được món nào mình cần vì cứ mãi đôi co với những kẻ không biết bà ăn chay.
Em thân mến!
Trong thực tế, không có bà đi chợ nào vụng về và ngu ngốc như bà Hai trên đây cả, các bà nội trợ đều đến chợ vội vàng tìm và mua các thứ cần dùng, mỉm cười từ chối lời mời mọc của các bà hàng rồi hối hả quay về với biết bao công việc đang chờ đợi họ ở nhà.
Nhưng, nếu chúng ta có thể ví môi trường của mình đang sống với một cái chợ thì y như là, tôi và em đều giống bà Hai đi chợ ở trên.
Từ khi bắt đầu cuộc sống mới, từ giã những rắc rối của thế gian giới, điều mà chúng ta cần tìm cho mình là sự giải thoát, giải thoát khỏi những niềm sầu nỗi khổ, những lo toan tầm ruồng đang ray rứt, vướng bận tâm trí mình. Trong cuộc tương giao với người chung quanh, ta chỉ giữ một giới hạn tối thiểu để dành hết thì giờ cho việc hộ tâm, chăn một con trâu hoang đàng xấu nết.
Và, thật là bực mình, dễ giận khi những người chung quanh cứ đến bày hàng, rao hàng, mời chúng ta mua những món mà mình đang cố tình lẩn tránh (dù hết sức thèm thuồng) như: thị phi, nhân ngã, bỉ thữ, thương ghét… tin đầu làng cho chí cuối xóm…, chuyện từ trái đất đến cung trăng chẳng hạn.
Và, cũng y hệt như bà Hai nọ, chúng ta bực bội, tỏ phản ứng mạnh mẽ: "Hôm nay tui ăn chay" tức là "tui đang mắc tu hành đây." Ta cũng nhăn nhó, quạu quọ, cãi lẫy với những lời mời mọc, cho đến giận hờn, tuyệt giao… Và rốt cuộc, món hàng ta cần là sự an tĩnh của tâm thức thì hoàn toàn vắng bóng.
Ðành rằng hôm nay bà Hai ăn chay, nhưng hôm qua và ngày mai bà còn ngã mặn. Vì bà có ăn mặn nên người ta mới cố mời, phải không nào?
Ðành rằng, hôm nay ta tỉnh giác, không "ưa" nói chuyện thị phi, ta nhiếp niệm không muốn tán dóc, nhưng mới ngày qua, ta còn phê bình anh kia, nói xấu chị nọ… Và ngày mai biết đâu chừng ai biết được ra sao? Vậy thì, sở dĩ trong cuộc tương giao, người ta thường mời mọc, tặng mình những món ấy là vì ta ưa thích, khoái sử dụng đến… Có phải thế không nào?
Thế thì, tại sao ta không bắt chước các bà nội trợ khôn ngoan kia, mỉm cười từ chối các món hàng không cần thiết để đi thẳng đến sập hàng có món ta cần mua, rồi nhanh chân về nhà với biết bao công việc đang chờ đón… thay vì gay gổ, cãi cọ, nhăn nhó cùng các bà hàng như bà Hai trong câu chuyện trên đây.
Em có thấy như thế không?

Ba Loại Học Trò

Trong bất cứ trường học nào trên thế giới, chúng ta đều có thể tìm thấy ba loại học trò sau đây khi phải làm một bài toán của thầy giáo:
1- Loại một, tự mình loay hoay, kiên nhẫn giải bài toán một mình.
2- Loại hai, "cọp dê," sao y bản chánh của bạn, không cần tìm tòi thắc mắc chi cả.
3- Loại ba, nhờ người khác hướng dẫn, biết đáp số và tập giải cho đến lúc tìm ra đáp số ấy.
Thông thường ba hạng học trò trên đều có thể được đến số điểm giống nhau. Nhưng đến lúc vào trường thi, sẽ có ba kết quả khác nhau:
1- Hạng một, nhờ đã tự giải một mình nên khi gặp lại đề cũ hoặc tương tự, trúng tủ liền.
2- Hạng hai, do "cọp dê" bạn hoặc chép sách nên đến lúc phải xoay sở một mình, liền bí tịt, xơi luôn một cặp trứng ngỗng.
3- Hạng ba, vừa "cọp dê" vừa tập giải theo nên dăm thuở mười thì, cũng có thể giải lấy một mình.
Em thân mến!
Cuộc đời này há chẳng phải là một bài toán nan giải của mỗi người chúng ta đó sao? Ðức Phật và các bậc độc giác là hạng học trò số một tự giải lấy bài toán một mình. Các vị thánh đệ tử của ngài cùng chư tổ… có thể ví với hạng thứ ba… còn chúng ta, là hạng thứ hai, chuyên môn "cọp dê" lời của Phật và tổ vậy.
Thế thì, em đã hiểu tại sao khi thấy có nhiều người, trong số ấy có tôi và em, nói rất giỏi lưu loát và hay ho hơn cả Phật tổ và các bậc thầy của mình, nhưng vẫn òa lên khóc, trốn chui trốn nhủi, dọa sẽ cắn lưỡi tự vận mỗi khi thấy bát phong lảng vảng đến gần… rồi chứ?
Hèn chi mà thầy chúng ta đã xem bát phong như trường thi và "xuy bất động" là số điểm cần thiết để chấm đậu vậy.

Huyễn Sư

Xưa, có một anh nông dân chất phác, đang ngồi nghỉ mệt trên một bờ đê thì gặp một nhà ảo thuật, tức Huyễn sư đi đến.
(Xưa có một cô sư ngụ trong tu viện nọ, đang ngừng tay chấp tác ngồi nghỉ mệt trong vườn chùa thì gặp một cô bạn từ thành đô đến.)
Hai người hàn huyên tâm sự, chàng nông dân yêu cầu nhà ảo thuật trổ ít tài mọn cho anh em.
(Hai bên tay bắt mặt mừng, cô sư hỏi bạn những chuyện xảy ra từ phố thị…)
Huyễn sư bèn thí thố xảo thuật. Ông há miệng và phun ra một mụ vợ…
(Cô bạn bèn bắt đầu kể lể: Hôm nọ, em gặp chị Hai ở chợ Bến Thành…)
Mụ đàn bà này lại há miệng phun ra một chàng thanh niên…
(Chị Hai kể lại với em rằng, hôm rằm chị đi chùa Từ Nghiêm và chị gặp cô Ba…)
Chàng thanh niên lại há miệng phun ra một thiếu nữ…
(Cô Ba bảo rằng đích thân cô nghe mụ Tư nói lại rằng…)
Thiếu nữ há miệng phun ra một bé trai…
(Mụ Tư bảo có một đứa em là bé Năm, đang tu ở chùa Dược Sư…)
Bé trai này há miệng phun ra một, hai, ba, bốn bé gái… Các bé gái này đồng thanh cất tiếng thóa mạ anh nông dân…
(Cô bé Năm bảo rằng, rất nhiều người nói về cô sư, họ đồng ý rằng… cô sư là một người hữu danh vô thực, chỉ được cái ăn nói lẻo mép chứ bất tài vô tướng, xài không vô, ngửi không thấu…)
Quên phứt rằng mình đang xem ảo thuật, chàng nông dân đứng dậy, vớ lấy cây cuốc, phang vào đám trẻ…
(Quên phứt mình đang tiếp chuyện với bạn cô sư ứa nước mắt, chảy nước mủi, đỏ mặt, nghẹn lời, sụt sịt nói: Mô Phật, tui có làm gì đâu… ôi, cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng…)
Nhà ảo thuật bị một cán cuốc vào đầu, tức tối bỏ đi…
(Cô bạn cụt hứng, bụng đói meo, khát nước nữa, ngồi củ rũ…)

Chú Sói Thông Minh

Một sư tử và chín chó sói đi săn với nhau. Chúng bắt được cả thảy 10 con nai. Ðến lúc chia phần, sư tử hỏi ý kiến đồng đội:
- Chúng ta nên chia phần như thế nào đây?
Một con sói nhanh nhẩu:
- Bẩm, chúng ta có 10 người, chia đều ra là tiện và bình đẳng nhất.
Nói vừa dứt lời, sói đã bị sư tử tát cho một cái, lòi cả mắt. Xong sư tử lại hỏi:
- Chúng ta nên chia thế nào đây, hỡi bạn sói thân mến?
Sói nâu run rẩy thưa:
- Bẩm, nên để hết 10 con nai cho ngài ăn dần… lấy thảo ạ!
Sư tử lại vẫn cho sói nâu một tát, rách toạt cả má, bảo:
- Mi chừa thói phỉnh nịnh nhé!
Xong, sư tử cất tiếng hỏi lần nữa:
- Chúng ta nên chia phần như thế nào đây, hỡi các bạn thân mến?
Bầy sói sợ xanh mặt, không dám đáp, sư tử bực bội hỏi:
- Sói đen, ý kiến bạn như thế nào?
Sói đen hồi hộp thưa:
- Bẩm… đoàn chúng ta có cả thảy 10 người săn được 10 nai tơ. Phần ngài chín nai, phần chúng tôi một nai chín sói. Hai bên tổng cộng đều thành số 10… Ðó là cách chia khoa học và công bình nhất ạ!
Sư tử gật gù khen:
- Hay lắm! Công bình và khoa học lắm. Bạn tốt nghiệp phân khoa nào mà thông minh thế nhỉ? Ta không muốn là kẻ mạnh hiếp yếu, ta căm thù sự bất công và phỉnh nịnh nhất đấy.
Sói đen cung kính tâu:
- Bẩm, thần không biết chữ, nhưng nhờ hai trường hợp thực nghiệm của bạn thần vừa rồi, tự nhiên thần nảy ra sáng kiến đấy ạ!
Sư tử gật gù:
- Giỏi đấy! Này đồ chết tiệt kia… lũ bay phải ngoáy tai ra mà nghe và học khôn như sói đen đấy nhé.
Bầy sói đồng thanh dập đầu, gào lên:
- Vâng ạ!
Em thân mến
Gã sư tử trên đây là một tay tham lam hạng nặng. Vừa tham danh nữa. Nhưng, thật ra, loài vật không đáo để và gian hùng thế đâu. Theo thú tính, chúng chỉ sát hại con mồi khi đói lòng và hoàn toàn dửng dưng khi no bụng. Chỉ có loài người đa sự của chúng ta là khôn khéo và tinh ranh, lừa gạt đồng loại, cướp công cướp của người ta… mà vẫn dương dương tự đắc, xem mình là một kẻ công bình và liêm chính nhất mực vậy.
Và, những bài học đau thương đó, chúng ta đã thâu lượm qua nỗi tủi nhục, thất bại của người đi trước… Ðôi khi là của chính mình nữa.
Em có thấy như thế không?

Cặp Kính Mới

Thuở xưa, có anh chàng nọ, con nhà giàu, đẹp trai học giỏi… Anh sẽ là mẫu người lý tưởng hoàn toàn nếu không có cái tật ưa bắt chước thiên hạ chạy theo thời trang.
Thấy bạn bè đeo kính trắng, có vẻ sang trọng và trí thức, anh cũng đi khám mắt và mua một chiếc. Bác sĩ tuyên bố anh bị cận. Thế là anh chàng tậu ngay một cặp kính cận, gọng vàng hẳn hoi.
Từ khi mang kính, anh thường bị nhức đầu, chóng mặt và buồn nôn. Nên được vài bữa, anh lại đi khám mắt ở một bác sĩ khác. Bác sĩ này tuyên bố anh bị viễn thị và bắt anh mua một cặp kính viễn.
Anh chàng mua kính mới, chứng chóng mặt buồn nôn lập tức biến mất… nhưng khổ nỗi, anh lại bị chảy nước mắt sống cả ngày. Ðành phải tìm một bác sĩ khác vậy.
Vị bác sĩ thứ ba, một người du học từ ngoại quốc về, quả quyết anh bị chứng loạn thị và đề nghị nên mua một cặp kính khác. Lần này anh thấy sự vật lùi ra xa thay cho chứng chảy nước mắt sống.
Và, cứ thế, mỗi cặp kính mới lại mang đến cho anh một chứng bệnh mới. Ðể trị bệnh, anh đành phải thay kính liên tục… Cho đến một hôm trợt chân vấp té, anh đột nhiên thấy trời đất phong quang, mọi vật sáng sủa rõ ràng hiện ra trước mắt.
Mừng vô kể anh bước vội về nhà, người nhà chào anh, ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, cặp kính anh làm sao thế?
Anh lột kính, cầm lên xem, hóa ra đôi tròng kính đã vỡ đâu mất, từ cú trợt chân khi nãy.
Từ đó, anh chàng không thèm mang cặp kính nào nữa cả.
(Theo Axit Nêxin, trong "Những người thích đùa")
Em thân mến!
Qua câu chuyện trên, em đã hiểu lý do tại sao các kinh A Hàm dạy, muốn bước vào thánh quả đầu tiên, người ta phải đoạn KIẾN HOẶC rồi chứ?
Kiến hoặc là những thứ nhận định, thấy lầm hiểu bậy của chúng ta về thân, tâm của mình và tha nhân, về môi trường thế giới của chúng ta đang sống. Những niềm sầu khổ của chúng ta đều bắt nguồn từ các nhận định sai lầm đó.
Khi hành giả đã trừ sạch kiến hoặc, vị đó được gọi là "Ðắc pháp nhãn tịnh." Nghĩa là, được con mắt pháp thanh tịnh. Vẫn đôi mắt ngày xưa, đôi mắt mà thuở còn kiến chấp, tư dục nặng nề, nhìn đâu cũng thấy bực dọc, muộn phiền… Một khi đã gột sạch tình chấp, hành giả sẽ thấy cuộc sống vui tươi, thoải mái, an tịnh hơn, nên đôi mắt ấy gọi là mắt pháp.
Trong câu chuyện trên, điều buồn cười và lý thú nhất là anh chàng đó, vốn biết rõ mắt mình không bệnh, không đau, nhưng vì lòng háo danh, ưa thích thời trang, chạy theo mốt mà anh cố tình hành hạ đôi mắt của mình. Từ bệnh tưởng hóa ra bệnh thật. Ðến lúc tình cờ vấp ngã, bị vỡ kính, anh mới trở lại với đôi mắt bình thường dạo trước.
Cũng thế, từ một bản tâm bình thường, thoải mái, trong sáng… do xã hội môi trường chung quanh huân tập, chúng ta đã khoác lên nó không biết bao nhiêu là thành kiến, cố chấp, quan niệm, lý tưởng, truyền thống… cho hợp thời trang. Từ chủ động biến thành thụ động, dần dần, bị đè nặng dưới hàng khối vọng tưởng rối ren đó, tâm ta bắt đầu loạn động, xao xuyến, bất an… rất là thường xuyên.
Muốn trở lại với bản tâm bình thường, cũng hệt như anh chàng trong truyện, chúng ta không nên đổi thầy thay kính, không buông pháp này chụp pháp kia, mà chỉ cần buông xả hết tình chấp quan niệm, thành kiến mà ta đang khư khư nắm giữ, chấp nhặt như những thứ gia bảo của mình.
Khi anh chàng trong truyện thấy trời đất phong quang, mọi vật rõ ràng là lúc chiếc kính anh đeo bị bể nát. Ðây cũng là chỗ mà người xưa đại ngộ, la lên: "Chèn ơi! Ai dè tâm mình vốn không ô nhiễm…" (Lục Tổ) hay là: "Bây giờ, nói một vật cũng trật lất…"
Sau khi khám phá ra sự sai lầm của mình anh chàng nọ mới biết đã bị thầy thuốc, bác sĩ lừa. Vì thế, người xưa sau khi ngộ, liền quả quyết: "Từ đây không bị ai lừa nữa…" (Kể cả những bậc thầy trứ danh như Phật và tổ…)
Và, một thiền sư, khi có vị tăng năn nỉ dạy cho pháp môn tu hành đã nhất định:
- Ta không nói đâu! Nếu ta nói ra, mai kia mốt nọ, khi khám phá ra được, ngươi sẽ chửi ta."
Em có thấy như thế không?

Những Chiếc Ngục Vô Hình

Ngày xưa, có một anh chàng, tên là Trí. Trí sinh ra và lớn lên bình thường như bao nhiêu con người khác. Duy có một điều là chàng luôn luôn ngạc nhiên, thắc mắc. Tại sao con người chỉ đi bằng hai chân, trong khi con bò đi bốn chân? Tại sao con cá biết lội, con chim biết bay? Tại sao con cò trắng, con quạ đen?... Những câu hỏi liên tục của Trí về mọi vấn đề đã làm rối trí và bực mình bà mẹ chàng không ít. Một hôm, chịu hết nổi, bà mẹ chàng nổi cáu, bảo con:
- Ði tìm thần mặt trời mà hỏi!
Câu nói của bà mẹ khơi động dòng máu phiêu linh của chàng trai mới lớn. Trí liền khăn gói lên đường, tìm thần mặt trời mà hỏi cho thỏa dạ.
Trên đường đi, trải qua không biết bao nhiêu là núi sông ao hồ, làng mạc và phố thị… chàng hỏi thăm rất nhiều người nhưng chưa có ai chỉ cho chàng mặt trời trú ngụ ở nơi đâu cả. Tiện thể, người ta còn gởi gấm cho chàng nhiều câu hỏi, nhờ thần mặt trời giải quyết giùm.
Trong số đó, có ba câu hỏi sau đây là lạ lùng nhất:
- Trường hợp thứ nhất là câu hỏi của một anh chàng chuyên hành nghề bới rác, anh đã hành nghề khá lâu rồi, đến ngán ngẩm mà cứ phải bới hoài bới mãi, chẳng rõ duyên cớ tại sao.
- Trường hợp thứ hai là một anh thanh niên giàu có, suốt ngày cứ thơ thẩn đứng vịn bờ rào của mình, không sao dứt áo đi một chỗ khác được.
- Trường hợp thứ ba, dưới tàng cây rậm lá, trên một tảng đá bằng phẳng, có anh chàng cứ ngồi mãi nơi đó, không có cách nào dứt áo ra đi cho được.
Trí nhận tất cả các câu hỏi của bàng dân thiên hạ, đơn thân độc mã mà đi tìm thần mặt trời.
Cuối cùng, tâm thành của anh được đáp ứng: một thiếu nữ đẹp tợ hằng nga mách cho chàng biết chỗ ở và cách thức để gặp thần mặt trời.
Ðó là một ông lão vạm vỡ, toàn thân hừng hực hơi nóng. Không đợi chàng trai nêu rõ hàng lô hàng lốc câu hỏi, thần đã vội vã quơ các tia nắng lại, bó thành một cây hèo và đập lên trán chàng trai dũng cảm.
Ăn xong ba hèo của thần mặt trời, Trí cảm thấy đầu óc mình bừng sáng lên. Bao nhiêu băn khoăn thắc mắc bỗng bay vào đâu mất… nhưng đồng thời, chàng cảm thấy con tim mình lạnh lẽo như băng giá mùa đông. Các niềm sầu khổ, những lo toan của kiếp người trở nên nhỏ nhoi, tủn mủn như trò chơi trẻ con.
Trên đường về, Trí đáp lại lời khẩn cầu của những kẻ gởi gấm chàng bằng một nụ cười khinh mạn. Trí óc chàng thấu hiểu cội nguồn mọi việc nhưng con tim băng giá không chịu đập cùng một nhịp với tha nhân. Chàng vẫn ăn ngủ hít thở, nói nín như mọi người, nhưng ánh mắt làn môi chàng đã như ngọn gió lạnh lẽo cách ly chàng cùng ngoại cảnh.
Ðến một ngã ba đường, Trí tình cờ tao ngộ với cô gái đẹp tợ hằng nga dạo trước chỉ đường cho chàng. Nhan sắc xinh tươi của thiếu nữ đã sưởi ấm con tim chàng trai thông thái. Trí ngỏ lời cầu hôn và đưa nàng về nhà. Nhờ tình yêu của cô gái Trí trở nên từ hòa, cảm thông với mọi người hơn.
Gặp lại anh chàng bới rác, Trí đáp ngay:
- Ban sơ anh là một khách bộ hành đi ngang qua đống rác này, vô tình làm rơi một đồng xu ten. Anh vội vã ngồi xuống bươi rác tìm. Bới mãi, anh quên mất mục đích của mình là bị trói buộc vào công việc. Nếu anh biết rõ rằng đồng xu đã mất không giá trị bao nhiêu, nên dùng thời gian bới rác làm những việc hữu ích hơn, có thể tạo ra hằng trăm hằng ngàn đồng xu mới thì anh sẽ thoát được đống rác kinh khủng này.
Với anh chàng vịn hàng rào, Trí giải đáp:
- Anh đã đóng được một bờ rào rất ưng ý. Vì vậy anh luôn luôn lo sợ nó bị hư gẫy, hoặc bị phá hoại. Ðó là lý do tại sao anh cứ đứng bịn rịn với nó mãi. Nếu anh biết rõ rằng cái gì có sinh thành đều có hoại diệt. Khi nó hư hoại ta sẽ tu bổ hoặc làm cái mới. Nên dùng thời giờ vào những việc hữu ích hơn là đứng lưu luyến mãi một cái bờ giậu.
Gặp anh chàng cứ bò lê trên tảng đá, dưới bóng một tàng cây, Trí đáp:- Cách đây mấy năm, sau khi đi qua một đoạn đường chói chang ánh nắng, anh tình cờ gặp được tảng đá và bóng cây này. Vì sợ người khác chiếm mất chỗ nên anh cứ bò lê mãi trên tảng đá. Cái khung cảnh lúc đầu gây thoải mái dần dà trở thành chốn ngục tù của anh. Nếu anh biết rõ rằng nó chính là chiếc cùm vô hình tước đoạt sự tự do của mình thì anh có thể rời bỏ nó bất cứ lúc nào.
Sau lời giải đáp của Trí, ba anh chàng đều lìa bỏ những chiếc ngục vô hình của mình.
Em thân mến!
Câu chuyện trên đây tôi đã tóm tắt, viết theo một cổ tích của nước cộng hòa Bê Lô Ru Xia. Ðiểm kỳ thú của câu chuyện là nó vô tình trùng hợp với lời dạy của Phật tổ, một cách lạ lùng hèn chi mà các thiền sư gọi là "vạn lý đồng phong" – muôn dặm cùng một ngọn gió. Phải chăng cổ nhân đã để lại cho chúng ta những bài học nghìn vàng qua các câu chuyện cổ ngô nghê, thần thoại. Trong tôi và em dường như có đủ mặt của ba anh chàng trên?
Ðang sống trong hiện tại, bỗng dưng tâm ta khởi lên một hoài niệm về quá khứ (đồng xu bị rơi vào đống rác), hoài niệm này dẫn theo hoài niệm khác (ngồi xuống bới rác liên tục) cho đến lúc thời gian và khung cảnh hiện thực hoàn toàn bị ngoại cảnh làm u tối (không làm sao thoát khỏi thói quen bới rác).
Nếu không bị chìm ngập trong đống rác quá khứ, chúng ta lại lo lắng về tương lai. Biết đâu mai này mình sẽ già, sẽ xấu, sẽ bệnh đau? Người thân yêu sẽ chia lìa tử biệt? Lúc lo ra, chìm đắm những viễn tượng xấu tốt của tương lai, chính là lúc chúng ta làm anh chàng bịn rịn, vịn mãi một cái hàng rào bao quanh khu vườn ngã chấp của mình vậy.
Nhưng nếu không hoài niệm về quá khứ, lo lắng cho tương lai, tâm trí chúng ta cũng không thể nào an tĩnh vì cứ mãi đắm say, níu bắt, chấp thủ những sự vật vừa lòng thích ý trong hiện tại (đích thị là anh chàng đang bò lê trên tảng đá rồi nhé)
Như vậy, muốn làm một con người tự do sáng suốt, ta phải rời khỏi đống rác nhơ nhớp của quá khứ, thả tay khỏi chiếc hàng rào bao bọc chúng ta (khi nào nó đổ thì mình sửa lại)… và sẵn sàng nhường chỗ mình cho kẻ đến sau… Ðây chính là điều mà một Tổ sư thiền tông đã nhắc nhở:
"Việc qua rồi chẳng nhớ
Việc chưa đến đừng lo
Việc hiện tại chớ đem lòng đắm trước"
Thiếu thất lục môn
Em thân mến!
Chỉ sử dụng trí tuệ trong đời sống không thôi chúng ta dễ trở thành một con người lạnh lùng khô khan, có trái tim băng giá như anh chàng trong chuyện. Phải nhờ tình yêu của cô thiếu nữ xinh đẹp, trái tim chàng trai mới hồi sinh, đập cùng nhịp điệu với nhân loại. Chính vì vậy mà yếu tố "từ bi" được đề cập song hành với "trí huệ" trong Phật điển. Một con người có trí huệ thấy rõ các pháp trên thế gian này mơ hồ như "mộng huyễn bào ảnh," nhưng phải có từ bi mới có thể thông cảm với các "khổ não, ưu, bi" mà kiếp thường nhân nào cũng vướng mắc.
Từ bi không phải là một kết quả của quá trình tập luyện lâu dài, chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm và yêu thương những người đang nằm mộng dữ khi mình đã hoàn toàn thức tỉnh, ra khỏi cơn mơ của chính mình. Vì thế mà trong kinh Duy Ma Cật có một đoạn như thế này:
"Do giác ngộ mà khởi tâm từ, do giác ngộ mà khởi tâm bi, do giác ngộ mà khởi tâm hỷ, do giác ngộ mà khởi tâm xả…" vậy.

Một Ngón Tay

Sư Câu Chi, một tăng sĩ thời vãn Ðường, lúc đầu ở trong một tịnh thất và tạm hài lòng với tình trạng tu học của mình.
Hôm nọ, có một ni cô tên tên Thực Tế, đi thẳng vào cốc của sư, nghinh ngang đầu đội mũ ni, tay cầm tích trượng, nhiễu ba vòng thiền sàng, chỗ sư Câu Chi đang ngồi bảo:
- Nói đi, nói rồi ta dở nón!
Ni cô lập lại câu ấy ba lần, Câu Chi không biết nói gì đành ngậm miệng.
Chiều đến ni cô toan cáo từ, Câu Chi bảo:
- Trời tối rồi cô nán lại qua đêm.
Ni cô đáp:
- Nói đi! Nói đi, rồi ta ở lại.
Câu Chi lại ngậm miệng, không biết đáp sao cho ổn. Ni cô bèn bỏ ra đi.
Sự kiện xảy ra là một đòn nặng cho Câu Chi. Sư than:
- Tuy ta mang thân trượng phu mà không có khí trượng phu.
Sư bèn nhất quyết thu xếp mọi việc, tìm thầy học đạo. Tình cờ sư gặp hòa thượng Thiên Long đi ngang tịnh thất, sư bèn đón ngài, lại rước vào tịnh thất, cặn kẽ kể hết nỗi xấu hổ vừa qua. Nghe xong, hòa thượng im lặng giơ lên một ngón tay, Câu Chi hoát nhiên đại ngộ.
Từ đó, ai hỏi gì về thiền, sư chỉ giơ lên một ngón tay.
Câu Chi có nuôi một đồng tử, có người hỏi chú bé:
- Thầy chú trông tầm thường như thế, thì dùng pháp gì để dạy người?
Ðồng tử bắt chước thầy giơ lên một ngón tay.
Khi gặp Câu Chi, đồng tử thuật lại tự sự. Sư bèn rút dao cắt đứt ngón tay của đồng tử. Chú bé sợ quá cắm cổ chạy. Câu Chi rượt theo cất tiếng gọi. Ðồng tử ngoảnh mặt lại. Câu Chi bèn đưa lên một ngón tay, đồng tử hoát nhiên sáng tỏ. Câu Chi gật gù bảo:
- Ta được hòa thượng Thiên Long truyền cho một ngón tay, bình sanh dùng hoài không hết.
(Bích Nham Lục, tắc 19)
Xưa, có một lão tiều phu già, hiếm hoi chỉ có một mụn con trai. Khỏi nói hai vợ chồng ông tiều cưng con như trứng mỏng.
Thói thường, con cưng là con hư. Theo năm tháng, chú bé đã trở thành một thanh niên lực lưỡng, khôi ngô, nhưng chỉ biết ăn chơi tùy thích và sống bám vào cha mẹ. Biết mình không còn sống được bao lâu, ông tiều dành dụm chút ít tiền bạc cất vào một nơi kín đáo, hứa sẽ trao cho cậu con ngay lúc nào mà cậu ta có thể làm ra đồng bạc đầu tiên do chính sức lao động của mình. Chàng thanh niên thích hũ bạc nhưng không chấp nhận điều kiện của cha. Bà tiều thương con, giấu chồng bán một ít gia súc trong nhà cùng với tư trang của bà, đem cho con trai.
Cậu con trai mang số vốn độc nhất của mẹ vào một tửu điếm nhậu gần hết sạch.
Còn mấy đồng lẻ cậu ta mang về nhà trao cho cha, nói dối rằng đó là số tiền chàng kiếm được trong ngày. Ông tiều chẳng nói chẳng rằng, cầm số tiền ấy quăng ngay xuống ao. Bà mẹ tiếc của ôm mặt khóc, riêng cậu con trai thì cứ tươi tỉnh như không có chuyện gì xảy ra.
Ông tiều lập lời giao ước và đuổi cậu con quý ra khỏi nhà ngay lập tức. Cậu con ra đi tha phương cầu thực. Ðến lúc đói bụng thì đầu gối phải bò, chàng đành phải khuân thuê vác mướn, kiếm ăn qua ngày. Ðến lúc dành dụm được ít tiền chàng mới đi về thăm bố mẹ.
Cầm số tiền ít ỏi của cậu con, ông tiều vẫn giữ nguyên thái độ cũ, quăng ngay vào bếp than hồng.
Cậu con xót của, vội vã cào than ra nhặt tiền quên cả bỏng tay. Khi ấy ông tiều mới cười ha hả:
- Bây giờ, cha mới tin số tiền này là do con làm ra, con trai ạ!
Ông bèn trao hết gia tài cho con.
Em thân mến!
Cậu con trai trong truyện, chỉ biết sống bám vào cha mẹ, chưa từng làm ra đồng tiền nên chưa biết giá trị của nó. Ðến lúc phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, chàng mới thấy quý trọng nó.
Cũng thế, trong nhà thiền, sự thực nghiệm tu và chứng có giá trị hơn là tri giải suông. Qua công trình của người khác, ta có thể sưu khảo, biên chép, dẫn giải, trích yếu… để làm thành kiến giải, sở tri của riêng. Cái sở tri đó giống hệt như đồng tiền của kẻ khác, chỉ làm chúng ta thêm nhác nhúa, ỷ lại… y như anh chàng ăn bám trên.
Ðến lúc phải giáp mặt với cuộc đời, đối phó cùng bát phong, chúng ta mới thấy mình là một kẻ ăn bánh vẽ, tri và hành hoàn toàn khác xa nhau.
Như ông cha trong truyện đã kiểm chứng sự chơn thật của cậu con một cách tài tình, các thiền sư cũng thế, các ngài thường tra vấn, gạn lục để xem đồng tiền nào là của chính mình. Và may mắn thay, loài người chúng ta có thể mạo, bắt chước đủ thứ, ngoại trừ sự giác ngộ.
Ðồng tiền của chàng trai làm ra, tuy ít oi nhưng giá trị gấp trăm ngàn lần số tiền ăn bám. Vì vậy mà ông tiều đã cười ha hả khi nhìn thấy thái độ quýnh quáng của cậu con. Cũng vậy sự thực nghiệm tu chứng của chúng ta, dù vụng về nhưng có giá trị gấp nghìn gấp trăm lần những kiến giải mà ta ăn cắp của người khác. Quý báu vì nó giúp chính đương nhân chống chỏi hữu hiệu với cuồng phong theo dòng đời mà không hề ô nhiễm, và nhất là nó có thể giúp hành giả biện biệt rõ chân giả… giúp cho thế hệ đàn em có được sự vững chãi của chính mình mà không cần viện đến hằng hà sa số kinh sách, ngôn từ vậy. Ðó là ý chỉ câu nói của thiền sư Câu Chi.
- Ta được hòa thượng Thiên Long truyền cho một ngón tay, bình sanh dùng hoài không hết.
Ðược uống dòng nước pháp
Lòng thanh tịnh an lạc
Người trí thường hoan hỷ
Nghe bậc thánh thuyết pháp.
PC 79

Thiền Sư Niệm Phật

Tăng Nhất Biến (1229-1280) đến học thiền với thiền sư Pháp Ðăng (1203-1298). Thiền sư muốn kiểm chứng trình độ của học trò, bắt Nhất Biến làm kệ. Nhất Biến liền ứng khẩu đọc một bài kệ:
Khi xưng tụng danh hiệu
Không Phật cũng không ta
Duy chỉ nghe có tiếng
Nam mô A Di Ðà
Thiền sư không chấp nhận. Nhất Biến bèn trình bài thứ hai:
Khi xưng niệm danh hiệu
Không Phật cũng không ta
Chỉ có
Nam mô A Di Ðà
Nam mô A Di Ðà
Thiền sư bèn gật đầu.

Kẻ Mạnh Nhất

Thuở xưa có một con mèo. Vốn yếu đuối và thích nương tựa. Mèo nghĩ bụng rằng phải tìm một người bạn thật khỏe mạnh để nhờ cậy. Nhìn tới ngắm lui, chỉ thấy có sư tử là khỏe nhất trong các loài thú. Mèo liền mon men đến kết bạn với sư tử.
Một thời gian sau sư tử bị voi giày chất mất, mèo mới khám phá ra voi còn mạnh hơn người bạn cố tri của mình. Thế là mèo đánh bạn với voi.
Hôm nọ, voi bị một chàng thợ săn bắn chết, mèo liền theo anh thợ săn về nhà.
Về đến nhà trông thấy chị vợ của anh thợ săn chạy ra lấy hết thịt săn, mũ áo và cả khẩu súng của anh đem cất. Mèo ngạc nhiên nghĩ bụng: "Không ngờ mụ đàn bà này còn khỏe hơn anh thợ săn. Anh ta bị tước khí giới, đồ đạc mà chỉ làm thinh chớ không dám hó hé một tiếng."
Mèo liền đi theo chị vợ vào bếp, chị ta cho mèo ăn, vuốt ve nó. Thế là mèo quyết định ở lại làm bạn với phái nữ, nhân vật mảnh mai, yếu đuối mà lại mạnh hơn cả đàn ông, voi và sư tử. Nếu bạn không tin thì cứ hỏi các chú mèo đang lẩn quẩn bên chân các bà ấy.
Em thân mến!
Người ta thường gọi phái nữ là phái yếu. Ðiều này chưa chắc đã đúng. Sự thật lịch sử cho ta thấy rằng nhiều đấng tu mi vạm vỡ có thể hạ một con bò tót bằng đôi tay trần của anh ta, nhưng lại bó tay quy hàng khi bị trói bằng một sợi tóc của mỹ nhân kia đấy. Nụ cười của Bao Tự đáng giá bằng cả cơ nghiệp của U Vương. Chính đức đạo sư của chúng ta cũng có lần than thở rằng, nếu trên thế gian này, có sức mạnh nào tương đương với nữ sắc thì chắc chắn là không có ai thành Phật nổi… May mà cõi hồng trần chỉ có mỗi một hạng sinh vật nguy hiểm nhất: phụ nữ.
Các bậc tu hành, giáo tổ, thánh nhân là đàn ông… đều nhất loạt lên án đàn bà… khiến bọn phàm phu nhao nhao bắt chước nói theo mà quên rằng, chính lòng đam mê, háo sắc của người đàn ông mới là nguyên nhân chính làm cho họ bủn rủn tay chân, tiêu tan hết dũng khí. Vì thế, đức Phật thường canh chừng nhắc nhở đám con trai của Ngài rất kỹ. Phật thường khuyên các thầy tỳ kheo: "Tốt nhất là tránh xa phụ nữ, rủi ro có kề cận thì chớ có nói chuyện, nếu có nói chuyện thì chớ có nhìn (thật là bất lịch sự)… nên… nếu phải nhìn thì chớ có dại mà nhìn từ mắt cá chân họ trở lên… Ðừng bao giờ tin tưởng vào tâm mình khi chưa chứng A La Hán, tức là đã gột sạch các kiết sử: tham, sân, si, mạn, nghi… v.v…

Con Người Hạnh Phúc

Ngày xưa, có một ông vua. Như bao nhiêu vì vua khác, ông có vô số vợ con, đất đai, vàng bạc châu báu… cùng tất cả thú vui mà trí óc hạn hẹp của con người có thể tưởng tượng ra. Ông chỉ thiếu có một điều độc nhất là hạnh phúc.
Nhà vua đáng thương của chúng ta ra lệnh cho đình thần phải tìm đủ mọi cách để ông có được hạnh phúc. Thế là, người ta dâng lên ông đủ thứ phương án: yến tiệc, hội hè, ca vũ, săn bắn… Chí đến ngắm trăng cùng sao.. Nhưng… tất đều không kết quả. Ðấng quân vương của họ vẫn cứ nhăn nhó suốt ngày… than phiền rằng:
"Bao nhiêu đau khổ của trần gian
Trời đã dành riêng để tặng chàng."
Như thường lệ, một người bình thường mà u sầu, bực bội thì chỉ làm khổ họ và vợ con, người chung quanh… Nhưng một vì vua mà nổi sùng (khi buồn… người ta dễ nổi sùng) thì quả là một đại họa cho thần dân cả nước. Công việc cấp bách nhất của bàng dân thiên hạ nước đó là làm sao cho nhà vua được hạnh phúc.
Cuối cùng nhà tiên tri xủ quẻ rằng: "Phải lấy chiếc áo của một người hạnh phúc cho vua mặc thì vua sẽ được hạnh phúc ké…"
Ðáp số đã tìm ra, nhưng người hạnh phúc đó là ai, ở đâu mới được chứ?
Thế là, theo thượng lệnh, hàng trăm, hàng nghìn ngự lâm quân, công an mật vụ, tình báo được tung ra khắp chốn, từ thâm sơn cùng cốc chí đến hang cùng ngõ hẻm để tìm ra cái con người dám tự nhận là hạnh phúc trên trần gian.
"Tìm ắt sẽ gặp," Chúa Kito đã bảo như thế nên rốt cuộc, người ta dẫn về hoàng cung một gã thợ rèn nghèo khổ đã dại mồm, dại miệng thốt lên:
"Ôi hạnh phúc thay!"
Ðấng quân vương bèn truyền lệnh phải lột ngay chiếc áo tên thần dân hạnh phúc ấy cho ngài lập tức. Nhưng than ôi! Gia tài của chàng thợ rèn chỉ vọn vẹn có hai chiếc quần xà lỏn..
Biết làm sao bây giờ?
Truyện cổ Phi Châu
Em thân mến!
Thế thường, chúng ta thường quan niệm hạnh phúc là khi chúng ta được có càng ngày càng thêm hơn những cảm thọ lạc và hỷ… nhưng cảm thọ nào sau sự kích thích mới lạ lúc đầu, cũng mang đến sự nhàm chán lúc đã quen thuộc. Ðó là lý do giải thích tại sao ông vua dù đã có tất cả những phụ tụng mơ ước của trần gian mà vẫn không thấy hạnh phúc.
Ðộng lực thúc đẩy đấng đạo sư đi tìm đạo là khi mục kích sự đau khổ của tha nhân và chính mình. Sau khi giác ngộ, Ngài đi rao truyền giáo pháp để diệt khổ, khổ đau chấm dứt, thì đương nhân sẽ chiêm nghiệm một cảnh giới an lạc, hạnh phúc gọi là niết bàn. Trong một đoạn kinh đức Phật có dạy:
"Không có khổ đau với người không sở hữu". Danh từ "vô sở hữu" có nghĩa là không chấp thủ, bám víu v.v… và v.v… nhưng nếu hiểu theo một ý nghĩa khác thì đó là sự diễn tả cái nghèo của nội tâm, lúc hành giả trực ngộ cái "vô nhất vật" của chính mình, như ngài Hương Nghiêm đã nói:
"Năm xưa nghèo chưa thật là nghèo
Năm nay nghèo mới thật là nghèo
Năm xưa nghèo không đất cắm dùi
Năm nay nghèo đến dùi cũng không có."
Và phàm tục hơn, chúng ta có thể nói với chàng thợ rèn như thế này:
"Ðau khổ không đến với người chỉ có… hai cái quần xà lỏn" vậy.

Chàng Xạ Thủ

Thuở xưa, có một chàng trai tên là Kỳ Dương. Kỳ Dương nuôi ước vọng được trở thành một xạ thủ lừng danh, nên đã tìm đến Vệ Phủ, một đệ nhất thiện xạ thời đó.
Vệ Phủ hứa sẽ truyền nghề cho chàng trai với điều kiện là Kỳ Dương phải tự mình tập luyện sao cho khỏi chớp mi mắt trong bất cứ trường hợp nào.
Kỳ Dương bèn về nhà, chui xuống dưới khung cửi của vợ, nhìn không chớp mắt vào con thoi đang chạy thoăn thoắt trên khung cửi. Tập luyện ròng rã suốt hai năm dài như thế, đôi mắt của Kỳ Dương đã đạt đến trình độ bất động, ngay cả lúc con thoi chạm vào mi mắt làm đứt mấy sợi lông nheo của chàng. Ngay trong giấc ngủ, đôi mắt Kỳ Dương vẫn mở trao tráo. Ðến lúc ấy, chàng tìm gặp Vệ Phủ. Lần này, Vệ Phủ bảo Kỳ Dương hãy tập nhìn. Phải tập nhìn bằng cách nào cho một con sâu biến thành bự như con gà mới được.
Kỳ Dương lại trở về, chàng bắt một con sâu nhỏ, dùng dây cước treo lủng lẳng ở đầu giường và ngồi trên giường, tập trung hết tinh thần và nhãn lực để nhìn con sâu.
Ngày này qua ngày khác, Kỳ Dương chỉ ngồi nhìn con sâu, quên hết ngoại cảnh. Ðược chừng mười hôm, Kỳ Dương thấy con sâu to hơn trước. Cuối tháng thứ ba, chàng nhìn thấy con sâu to bằng con tằm, và nhìn thấy rõ cả những sợi tơ óng ánh trên xác con sâu.
Trong suốt ba năm, Kỳ Dương không ra đến cửa, chỉ ngồi nhìn con sâu.
Cuối cùng, chàng thấy con sâu to bằng con bò, chỉ có mỗi một con sâu thôi, còn toàn thể vũ trụ đều tan biến đâu mất. Kỳ Dương bèn đứng dậy, lấy cung tên, lắp tên, lùi ra xa, tập trung nhãn lực nhìn con sâu rồi phóng tên. Ðầu mũi tên cắm trúng con sâu vào cánh cửa gỗ.
Kỳ Dương bèn đến thăm Vệ Phủ. Vệ Phủ bảo:
- Người đã đến đích rồi.
Từ ngày hôm đó, Kỳ Dương bắn tên bách phát bách trúng. Chàng có thể đứng xa hàng trăm thước bắn trúng xuyên tâm chiếc lá liễu bay phất phơ trước gió. Chàng có thể giương chiếc cung rất nặng, đặt trên khuỷu tay phải một cái chung đầy nước rồi bật dây cung phóng tên mà chén nước vẫn không sánh đổ ra ngoài một giọt. Chàng đã hoàn toàn làm chủ được tay chân và tâm thức trong lúc bắn cung. Tài nghệ nghiễm nhiên ngang hàng với Vệ Phủ, không cần phải học hỏi gì thêm nơi ông ta nữa. Kỳ Dương bỗng nảy ra một ý nghĩ: "Nếu Vệ Phủ còn sống, Kỳ Dương không thể nào là đệ nhất xạ thủ trong thiên hạ được." Chàng quyết tâm sẽ giết Vệ Phủ nếu tiện dịp.
Dịp may đã đến. Một hôm, đang đi dạo ven rừng chàng bắt gặp bóng dáng đơn độc của Vệ Phủ bên kia sườn núi. Kỳ Dương bèn dương cung, nhắm nhay vị thầy cũng là địch thủ duy nhất của chàng trên đường danh lợi. Nhưng Vệ Phủ, nhà vô địch thiện xạ thời danh, cũng không phải là tầm thường. Ðã từ lâu, ông ngầm đọc được bản án tử hình của mình trong đôi mắt của đệ tử đầy tham vọng. Vệ Phủ cũng rút cung, lắp tên, bắn trả lại kịp thời. Hai mũi tên gặp nhau trong hư không đồng rơi xuống. Hai người tiếp tục bắn, và lần nào, hai mũi tên cũng gặp nhau và rơi xuống đất.
Cuối cùng, Vệ Phủ hết cả tên trong khi gã học trò phản phúc hãy còn một mũi định mệnh.
Túng thế, Vệ Phủ bẻ vội một cành cây phóng trả… Nhành cây gặp mũi tên của Kỳ Dương và cùng rơi xuống đất. Khi đã bắn hết tên Kỳ Dương cảm thấy hối hận, chàng vui mừng chạy về phía Vệ Phủ, như gặp lại một người thân yêu trở về từ bên kia cửa tử. Phần ông thầy già quá vui thích trước sự thành công của mình và tài nghệ của học trò nên đã mở rộng vòng tay ôm lấy tên bội bạc. Cả hai đều bật khóc.
Vệ Phủ bảo Kỳ Dương:
- Ðến nay, ta đã truyền cho con hết khả năng của mình. Nếu con muốn tiến thân nữa, hãy đến ngọn Tây Sơn, bên sườn núi phía Nam mà thọ giáo với một dị nhân nơi đó. Tài nghệ của ta so với người cách xa như mặt đất và bầu trời vậy.
Kỳ Dương liền bỏ ra đi. Sau nửa năm dài trèo non lội suối, chàng tìm đến chỗ ở của dị nhân và thành khẩn xin thọ giáo.
Sau mười năm học tập, chàng trở về quê nhà mà không mang theo cung lẫn tên. Trên gương mặt đầy kiêu khí và ngạo mạn ngày xưa, chỉ còn lại một vầng trán rộng, đôi mày dài là của Kỳ Dương thuở nọ. Không bao giờ người ta thấy Kỳ Dương sử dụng cung tên hay nhắc đến chúng. Duy có một điều là, theo lời người ta kể lại, chỉ cần một cái nhìn, chàng bắn rơi cả bầy chim đang bay… và những tên bất lương đều né chàng như gặp đao phủ vậy.
Có một lần Vệ Phủ tìm đến thăm học trò. Vừa nhìn thấy Kỳ Dương, ông đã vội vã thi lễ:
- Bây giờ người mới đích thị là đệ nhất thiện xạ. Ta không đáng rửa chân cho ngươi.
Và, nếu lời đồn không ngoa thì, đã có lần Kỳ Dương trả lời cho những người hiếu kỳ, tại sao chàng không dùng cung tên nữa:
- Giai đoạn tối thượng của hữu vi là vô vi. Giai đoạn tối thượng của lời nói là im lặng. Giai đoạn tối thượng của nghệ thuật bắn cung là không còn biết đến cung tên nữa.
Em thân mến!
Câu chuyện trên được đề cập trong quyển Trung Hư Chân Kinh, thiên 6, một bản kinh của đạo gia Trung quốc. Qua đó, ta có thể thấy nghệ thuật cung cũng na ná như nghệ thuật học thiền.
Nếu Kỳ Dương phải bỏ hai năm tập không nháy mắt, ba năm để nhìn một con sâu hóa to bằng con gà thì một hành giả thiền tông cũng phải bỏ một khoảng thời gian vô định để tập tự chủ và chú trọng vào tâm thức mình bất kể trời đất xoay vần ra sao.
Một sự tập trung tư tưởng cao độ có thể giúp hành giả điêu luyện trong nghệ thuật thiền, nhưng chưa thể hàng phục tham, sân, si.. mà bất cứ tâm thức điên đảo nào cũng có. Ðó là lý do giải thích vì sao mà Kỳ Dương nảy ra ý định giết chết ân sư của mình.
Bây giờ, chúng ta chưa khám phá ra bộ mặt đích thực của chính mình thì chúng ta có thể bị sai sử bởi vô minh, ta vẫn thèm khát những hư danh hoa hòe của trần thế. Và thật là tai hại khi nghệ thuật, tài hoa được sử dụng bởi một bản tâm ô nhiễm, đầy dẫy thù hận, ghét ganh.
Sau 10 năm dài thọ giáo với dị nhân, Kỳ Dương không còn là Kỳ Dương ngạo mạn và hiếu danh thuở trước. Ðến lúc ấy, Vệ Phủ, vị ân sư của chàng mới thành thật bái phục: "Ta nay không bằng nhà ngươi."
Thông thường, chúng ta cứ nghĩ, hễ là xạ thủ thì phải có cung tên để sử dụng. Thiền sư thì phải kè kè bồ đoàn tọa cụ một bên, pháp sư thì phải nói láp váp cả ngày, tu sĩ thì phải hì hục dụng công đối trị, tập trung tư tưởng, kềm tâm, chăn trâu v.v… có lẽ vì vậy mà chúng ta hụt hẫng khi nghe câu nói sau cùng của Kỳ Dương hoặc ngơ ngác khi đọc các trang kinh đề cập đến hạnh "vô công dụng" của nhà Phật.
Thiền sư Viên Ngộ, một cao tăng lừng danh đời nhà Tống, cũng có lần rơi vào trường hợp của chúng ta:
"Hôm nọ, Viên Ngộ vào thất để luận đạo cùng thầy mình là Pháp Ðiển. Lúc cáo từ, sư bắt gặp một nét bất như ý trên gương mặt của ông thầy. Sư liền hỏi:
- Bẩm, cuộc luận đạo hôm nay có gì khiếm khuyết?
- Ngươi đề cập đến Phật, đạo, thiền, tu hành nhiều quá!
Viên Ngộ ngạc nhiên:
- Thưa con là một tu sĩ Phật giáo thì đề cập đến những vấn đề đó… là chuyện thường tình chứ!
- Người ta hay nói đến cái gì mà người ta thiếu.
- Nếu không nói những chuyện đó… thì con biết nói gì với thầy bây giờ?
- Một cuộc trò chuyện bình thường thôi, đồ đệ ạ!

Mũi Tên Vàng

Theo thần thoại Hy Lạp, Eros là một vị thần bất tử, đẹp trai, trông coi về tình ái của chư thần và nhân gian. Eros được hình dung là một cậu bé có cánh, một tay cầm tên, một tay cầm cung, sau lưng là ống tên, tóc quăn đôi khi bịt mắt.
Eros thường bay lượn trên đôi cánh bằng vàng, qua các lục địa và đại dương nhanh như gió, tay cầm chiếc cung bạc và bắng những mũi tên vàng nhỏ xíu. Không ai có thể thoát khỏi những mũi tên của thần, "những mũi tên chinh phục mọi con tim và thắng những lời khuyên sáng suốt." Tuy không làm chết ai nhưng lại gieo rắc cái dục vọng mãnh liệt vào tâm hồn người trúng tuyển. Nhưng Eros cũng không thoát khỏi những mũi tên của mình. Mối tình Eros và Xisê khá cảm động và đẹp như mơ.
Xisê là người trần có sắc đẹp lộng lẫy đến nỗi Aphrôdít, thần sắc đẹp, là mẹ của Eros phải đem lòng ganh tỵ.
Aphrôdít sai Eros xuống bắn tên, dàn xếp cho Xisê phải kết duyên với một con độc long khủng khiếp. Nhưng sắc đẹp của Xisê làm thần ái tình bàng hoàng, chàng bỡ ngỡ thế nào mà làm mũi tên vàng cắm sâu vào tim mình. Thế là Eros mang người đẹp lên lâu đài của chàng cung sống với người ngọc… nhưng Xisê không bao giờ thấy mặt chồng, nếu nàng muốn hạnh phúc mãi mãi.
Xisê bằng lòng sống với tình yêu toàn mãn của con người giấu mặt đó.
Cho đến một hôm, hai bà chị Xisê đến thăm, họ nghi ngờ Eros phải là một con quái vật hung bạo và xấu xí. Vì thế, Xisê nhất định nhìn mặt chồng.
Ðêm hôm đó, chờ Eros ngủ say, nàng thắp đèn ngắm dung nhan con người bí ẩn. Trong ánh sáng lung linh của ngọn nến, trước mắt nàng là một chàng trai má đỏ môi hồng, tóc vàng lượn sóng vô cùng xinh đẹp. Xisê đang mê mẩn ngắm người chồng yêu quý thì Eros bừng tỉnh và biến mất cùng với toàn bộ lâu đài nguy nga, vườn hoa ngào ngạt hương thơm.
Xisê thấy mình ngồi trên tản đá khô cằn, bơ vơ và hối hận, nàng không biết làm gì hơn là úp mặt vào đôi tay, khóc than thảm thiết.
Em thân mến!
Ðó là một câu chuyện nhỏ trong thần thoại Hy Lạp. Tương truyền rằng, khi thần ái tình chào đời, thượng đế đã đoán trước rằng thần sẽ mang lại cho trần gian nhiều thống khổ bằng những mũi tên vàng, định giết đi nhưng không đành.
Kể lại câu chuyện này cho em nghe, tôi muốn nhấn mạnh đến câu chuyện tình của thần Eros, đến niềm hạnh phúc của nàng Xisê và điều kiện hạnh phúc: không được thấy mặt người tình. Ðôi tình nhân phải sống trong bóng đêm đen kịt. Chỉ cần một chút ánh sáng le lói là toàn thể cung vàng điện ngọc, tình yêu… đều biến mất, đương sự sẽ thấy mình đứng bơ vơ một mình, khóc than cho mối tình đã mất và niềm hạnh phúc chỉ được nuôi dưỡng bằng bóng tối sẽ không bao giờ trở lại.
Người Hy Lạp đã có lý khi xây dựng cốt truyện trên. Tình yêu ở thế gian này là một cái gì thật lạ lùng, chỉ được tồn tại trong bóng tối, khi ta giáp mặt người tình và nhắm tít mắt lại… nó sẽ biến mất cùng bao nhiêu hoa mộng khi bị phơi bài ra ánh sáng phũ phàng.
Tình yêu đó, trong Kinh gọi là dục, là ái, là đầu mối của sinh tử cùng đau khổ. Ðức Phật có đề cập đến tình yêu không khổ, không biến mất khi bị ánh sáng dọi vào. Ðó là tấm lòng đại từ, đó là lòng yêu thương không duyên cớ, không đối tượng, không còn ranh giới giữa năng và sở. Muốn với tới loại tình yêu này, tâm hồn chúng ta phải an tĩnh, vắng bặt những lo toan, vọng động, xao xuyến… nên câu chuyện xin dừng lại nơi đây vậy.

Tu Hành

Ðạo Nguyên là một thiền tăng Nhật Bản. Khi mới sang Trung quốc, ông lưu lại dưới thuyền của một thương khách.
Hôm nọ, gặp một vị sư già, làm chức điển tọa, trông nom việc bếp núc trong chùa A Dục Vương đến thuyền mua nấm. Ðạo Nguyên mời ông sư dùng trà và thăm hỏi tình hình Trung quốc. Lúc khách cáo từ, Ðạo Nguyên hỏi:
- Sao thầy không lo việc tọa thiền, chỉ chuyên bếp núc, lại lặn lội đi xa xôi mua nấm thế này?
Vị sư già cười lớn bảo:
- Này ông khách Nhật Bản, thật ông chưa biết gì là học đạo, tu hành cả.
Ðạo Nguyên chợt nhận ra sự sai lầm của mình và từ đó, ông có một quan niệm về hai chữ tu hành mới mẻ và thực tiễn hơn.
Khi đã thành một thiền sư chính hiệu, Ðạo Nguyên viết trong quyển Hành Trì, những dòng sau:
"Hành trì hằng ngày là báo tạ ơn lớn của thầy tổ."
Em thân mến!
Quan điểm về chuyện tu hành của thiền tăng Ðạo Nguyên cũng chính là quan điểm của tôi và em.
Thông thường, chúng ta cứ nghĩ rằng tu có nghĩa là cạo tóc, ăn chay, tọa thiền, tụng kinh, lễ Phật… mới là tu. Còn ngoài ra các động tác khác trong đời sống thường ngày như ăn cơm, mặc áo, tiếp chuyện, quét nhà, gánh nước, đều là phàm phu tục tử ráo trọi.
Cũng chính vì vậy mà chúng ta thường hành trì thành kính trang nghiêm rất mực trong thời gian tu và "xả giàn" trong những lúc "không tu", từ hòa nhẫn nhục trong khi tọa thiền, lễ Phật, và náo loạn, cau có, nói sùi bọt mép trong lúc chấp tác… chẳng hạn.
Quan điểm sai lầm này không phải chỉ có ngài Ðạo Nguyên, tôi và em vấp phải mà thuở xưa, các vị tỳ kheo sống cùng thời với Phật hằng ngày cũng vậy. Do đó mà đức đạo sư đã nhắn nhủ với chúng ta rằng:
"Này các tỳ kheo! Các con phải tỉnh giác khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, khi co, khi duỗi… khi cúi , khi ngước, khi mặc áo tăng già lê, khi đại tiểu tiện…v.v…"
Trong kinh Duy Ma, Bồ tát Duy Ma Cật tuyên bố: "Ðâu cũng là đạo tràng…" cũng là tiếp nối chiều hướng đó.
Hiểu được điều này, chúng ta mới thấy thời giờ tu hành của mình thật là dồi dào và đạo tràng của chúng ta cũng sẽ hết sức là rộng rãi. Nơi điện Phật, trong tịnh thất, hay ngoài ruộng rẫy, chúng ta có thể dụng công lúc tọa thiền và chẳng mất công phu hạ thủ những khi nấu cơm, gánh nước, cuốc đất, trồng rau v.v… Hành động nào cũng cần thiết và quan trọng như nhau, cũng là báo ân Phật tổ, là cúng dường chúng sanh hết… cả! (miễn là biết tỉnh giác).
Em có thấy như thế không?
"Misuya kun
Asu wa chiri mambaha da nino
Chikara no kagiri hito toki o saku"
Kuji Takerko
Người thấy chăng?
Ngày mai hoa sẽ rụng
Ðời hoa chỉ một lần.
"Sự báo ân không có cách nào khác hơn là chân thật hành trì hằng ngày. Ðó là cách báo ân đứng đắn nhất." TS Ðạo Nguyên

Trăng Sao

Trong những đêm trăng mờ, nhìn lên bầu trời, chúng ta thấy màn đêm chi chít những sao là sao! Rõ ràng nhất là sao hôm và sao mai… Ðó là những vì sao nằm trong thái dương hệ với hành tinh của chúng ta.
Theo các nhà khoa học, mặt trăng và sao mai không tự phát ra ánh sáng nhưng nhờ ánh sáng mặt trời chiếu soi mà chúng trở thành sáng lấp la lấp lánh như thế.
Ánh sáng phát ra từ mặt trời, tung tóe khắp nơi, trở nên rực rỡ khi có vật cản và dường như khó nhận thấy khi không có vật phản chiếu. Chính vì vậy mà chúng ta thấy trăng sao lóng lánh và màn đêm đen thẫm.
Em thân mến!
Tôi tạm mượn bầu trời, trăng cùng sao để nói về tâm thức của chính mình.
Trong những lúc lòng ta vắng bặt mọi vấn đề: tham, sân, từ bi, hỷ xả, vui buồn ta thấy dường như mình biến đâu mất. Trạng thái này gọi là TỊCH (tịch tĩnh).
Ngược lại, trong các giờ tĩnh tọa, vấn đề ta đang cưu mang, bận tâm (như bỏ thẻ chứng minh nhân dân đâu mất tiêu) bỗng dưng sáng bừng lên, dù ta không cố gắng nhớ, nghĩ tới. Trạng thái này tạm thời gọi là CHIẾU, sáng soi, sáng tỏ.
Như ánh sáng mặt trời, luôn luôn chiếu soi bất kể đêm ngày trong ta không giây phút nào vắng bóng trí tuệ. Ánh sáng mặt trời chỉ được nhận thấy khi có vật cản (trăng sao)… thì trí tuệ chỉ biểu lộ rõ ràng khi vấn đề trong tâm thức đang cưu mang được tháo tung… Và, ngay cả lúc lòng ta vô sự, trí tuệ vẫn không vắng bóng.
Trăng sao, ánh sáng, mặt trời hay nói đúng hơn là chứng CÓ mà dường như KHÔNG vào những ngày giông bão, mây mù giăng bủa khắp nơi.
Cũng vậy, khi tâm ta bị vây bủa bởi các triền cái: tham lam, giận tức, nghi ngờ, náo loạn, hôn trầm… thì trí tuệ, tịch, chiếu… đều biến mất, chỉ còn lại sự buồn phiền, mệt mỏi, chán ngán mà thôi.
Muốn phục hồi trở lại ánh sáng trí tuệ sẵn có, hành giả phải chọn một pháp môn thích hợp với căn cơ của mình như: tọa thiền, quán tưởng, niệm Phật, trì chú… pháp môn nào cũng được, miễn sao lúc hành trì nó giúp cho hành giả quét sạch tham, sân, si, nghi… chuyển các tâm rối loạn, đa sự thành nhất niệm, một tâm niệm chuyên nhất, từ nhất niệm tiến dần đến vô niệm, không còn tưởng niệm nào hết, thì khi ấy, như bầu trời trong đã hết mây mù, trăng sao, mặt trời đều hiện rõ, tha hồ mà chiếu hay tịch gì cũng được.

Khi Phật Làm Thầy Ðám

Một thuở nọ, đức đạo sư đi du hành đến một khu làng của Bà La Môn tên là Khanumunata.
Nơi đó, gia chủ giàu có òa Kùtadanla đang chuẩn bị một đại lễ tế đàn với 3500 súc vật gồm:
- 700 con trâu đực
- 700 con nghé đực
- 700 con nghé cái
- 700 con dê
- 700 con cừu
Mọi việc đang được chuẩn bị thì Kùtadanla nghe danh Phật, ông nghĩ bụng: Thiên hạ đồn rằng sa môn Cồ Ðàm là một thầy tu nổi danh vĩ đại… Tu sĩ nào cũng rành rẽ mấy nghề bùa chú, cúng quảy, bói toán… hơn là thường nhân… mình phải tới hỏi ông về cách thức lập đại lễ tế đàn mới được! Chắc chả có tốn kém gì mấy vì nghe đâu ông ta ít có nhận tiền thù lao như mấy ông thầy cúng, thầy đám khác.
Nghĩ xong, Kùtadanla thân hành đến gặp Phật nói:
- Thưa sa môn Cồ Ðàm! Tôi đang chuẩn bị lập một đại lễ tế đàn để cầu phước, xin Ngài chỉ giùm cách thức cho tôi với.
Ðức đạo sư đáp:
- Này cụ Bà La Môn! Từ thuở làm sa môn đến nay, ta chưa hề đứng ra tổ chức một cuộc lễ cầu an, cầu siêu, cầu tài, cầu phúc, chẩn tế… gì cả…
Nhìn nét thất vọng của Kùtadanla, Phật tiếp:
- Nhưng… xem nào! Trong các tiền kiếp ta rất rành về chuyện này…
Ông Bà La Môn hồ hởi:
- Thưa Ngài Cồ Ðàm! Thế Ngài còn nhớ rõ cách làm lễ trong các tiền kiếp đó không ạ?
- Nhớ chắc đi chứ!
- Thưa, vậy thì chẳng dám nào, Ngài kể cho tôi nghe về một cách tế lễ nào mà Ngài đã từng tổ chức trong quá khứ và đem lại nhiều phước cho gia chủ nhất… tốn kém bao nhiêu tôi cũng không từ.
- Vào thuở xa xưa, ta làm vị Bà La Môn, cố vấn nghi lễ cho vua Màhavijita. Hôm nọ, đức vua vời ta đến ngỏ ý muốn tổ chức một lễ tế đàn để cầu nguyện cho quốc thới dân an, âm siêu dương thới, phước thọ tăng long… Ta bèn thưa với vua rằng: Nghi thức đầu tiên để làm cho quốc thới dân an trong khi nước nhà còn đầy dẫy giặc cướp là chớ nên đặt thêm thuế mới, cũng chẳng nên trừng phạt dân chúng, vì đó chỉ là cách giải quyết tạm thời. Phương pháp hữu hiệu nhất là nên cung cấp hột giống và thực vật cho nông dân, mở ngân hàng thêm vốn đầu tư cho thương gia, tăng lương và nhu yếu phẩm cho cán bộ công nhân viên nhà nước. Làm như vậy nhân dân sẽ được an cư lạc nghiệp, giặc cướp chấm dứt và quốc khố sẽ dồi dào ra…
Nhà vua thực hành theo lời chỉ dẫn và quả nhiên là mọi việc thật mỹ mãn. Khi đó ta mới đề nghị vua nên tìm cách hội đủ các điều kiện sau:
Thân thể khỏe mạnh
Dung sắc tươi vui
Ngân khố dồi dào
Binh lực hùng mạnh
Biết kính trên thương dưới
Có trình độ văn hóa cao
Thông thuộc nội ngữ và ngoại ngữ
Sáng suốt để xử lý đẹp mọi vấn đề.
Riêng vị giáo sĩ chủ tế Bà La Môn là ta, cũng phải hội đủ bốn điều kiện:
Thân thể khỏe mạnh
Thông thạo nghi lễ
Có giới đức
Trình độ văn hóa cao
Sau đó, ta đề nghị vua triệu tập một quốc dân đại hội đến kinh đô để nêu rõ ý định của vua. Mọi người đều hoan hỷ. Ta yêu cầu vua phải có một cách xử sự như sau:
Ðối với mọi người, bất kể lành dữ tốt xấu, đều nên đối tiếp lịch sự, bình đẳng.
Có tinh thần đoàn kết, thông cảm với các đại biểu.
Không giết hại súc vật, không cưỡng bách mọi người nô dịch mà nên để họ tùy hỷ đóng góp của. Lễ đàn chỉ dùng toàn đồ chay giản dị như: dầu, sữa, bơ, mật đường tán.
Vua và các đại biểu nhân dân đều hoan hỷ và tế đàn được tổ chức thật nghiêm trọng, giản dị nhưng đem lại niềm an vui, hòa ái cho tất cả mọi người.
Kùtadanla nghe Phật kể xong, hỏi:
- Thưa Ngài Cồ Ðàm, tôi không thể là vua nên tôi không thể thực hiện mọi việc đúng như lời Ngài dạy trong chuyện vừa kể. Xin Ngài chỉ cho tôi cách tế lễ nào đơn giản và mang lại nhiều phước báu hơn cả.
- Này Kùtadanla! Muốn vậy ông nên thường xuyên bố thí cúng dường cho các tu sĩ có giới đức, hơn là lập đàn chuẩn tế…
- Thưa, tại sao thế ạ?
- Vì các tu sĩ chân chánh sẽ không bao giờ hiện diện tại các tế đàn có sự đánh đập, túm cổ lôi kéo… cúng dường các ngài, giúp phương tiện cho người ta tu học sẽ có phước báu nhiều hơn là giết hại súc vật.
- Thưa còn có cách tế lễ nào đơn giản và mang lại phước báu nhiều hơn nữa không ạ?
- Có chứ, nếu có đủ phương tiện, ông nên xây dựng các tinh xá cho tứ phương tăng đến tu học.
- Thưa, còn cách nào hay hơn nữa?
- Tâm thành quy y Tam bảo.
- Cách nào đơn giản và có nhiều phước báu nhiều hơn nữa?
- Giữ năm giới cấm: sát, trộm, dâm, vọng và không uống rượu.
- Thưa, tôi xin nêu một câu hỏi cuối. Phương cách nào giản dị nhưng mang lại nhiều phước báu an lạc nhất cho người tổ chức tế đàn?
- Nên tu đạo theo pháp giới, định, huệ…
Bà La Môn nghe xong, vui mừng xin tổ chức đại lễ tế đàn bằng cách tâm thành quy y Tam bảo và giải phóng cho 3500 tế vật đang bị cột trói tại tế đàn của ông.
(Kinh chủng Ðức Trường Bộ I)
Em thân mến!
Ước muốn được bình an hạnh phúc, tiêu tai, trừ họa, giải nạn, nhiều tài, nhiều của, nhiều con là một khát vọng muôn đời của con người.
Nhằm thỏa mãn nhu cầu đó, các nghi thức cầu nguyện của tôn giáo được thiết lập càng cầu kỳ rắc rối, tốn kém càng được thế nhân tin tưởng hâm mộ. Ðức Phật cũng được thời nhân tìm đến hỏi ý kiến về vấn đề này. Ðiều lý thú là đức đạo sư đã không bác bỏ sự hiệu dụng cũng như niềm tin ngây thơ của người đời vào các tế lễ, như lời khẳng định của ngài đối với hàng môn đệ thân tín, mà chỉ khéo léo chuyển hướng các nghi thức dã man, tốn kém, đến các nghi lễ đơn giản, ít tốn kém nhưng đem lại kết quả thiết thực cho đương nhân là tự thanh lọc lấy nhân cách mình, cùng giúp đỡ cho những người chung quanh tu học hơn là sát hại sinh linh để cúng tế một vị thần vô hình nào đó, như một hình thức hối lộ mà trí óc mê muội của loài người có thể tưởng tượng ra.
Lối dạy đó thật là đáng cho chúng ta suy gẫm vậy.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]