Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 16 - Ngồi Thiền

21/06/201318:37(Xem: 7326)
Bài 16 - Ngồi Thiền

Học Phật Hành Nghi

Bài 16 - Ngồi thiền

Thích Minh Thông

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

Chứng nghĩa ghi rằng, thiền đường cũng là nơi lui tới của hiền thánh, là chỗ liễu sanh thoát tử. Muốn thấu rõ môn hướng thượng nếu bỏ nơi đây không do đâu mà vào được. Do vậy mười phương cùng câu hội, mỗi mỗi học đạo vô vi. Đây là tuyển Phật trường (trường chọn người làm Phật), tâm không bậc thứ là vậy. Đã học đạo vô vi tức ứng hợp dứt các duyên, chuyên tâm tham cứu. Nếu ngang bướng làm hỏng, ngông láo, theo thói quen tùy tình, không phải chỉ không khả năng học vô vi mà cũng e trái lại làm tăng thêm dị kiến. Cho nên nói không có qui củ chẳng thể ngăn dứt việc tà, không tinh tấn không thể đạt thành chí hướng là vậy. Kinh ghi rằng, nhân giới sanh định, nhân định phát huệ, chỉ 2 từ này đã bao hàm được hết thảy.
Phàm sa-môn, cư sĩ khi tọa thiền, trước nên nới lỏng dây lưng và vớ tất, chỉnh đốn y phục cho ngay ngắn, lấy vật mềm làm đồ ngồi.
Mỗi khi ngồi tịnh tọa, niệm thầm kệ rằng:
Chánh thân đoan tọa
Đương nguyện chúng sanh
Tọa bồ-đề tòa
Tâm vô sở trước.
Tạm dịch:
Thẳng mình ngồi ngay
Nên nguyện chúng sanh
Ngồi tòa Bồ-đề
Tâm không vướng mắc.
Án phạ tắc ra, a ni bát ra ni, ấp đa da sa-ha (3 lần).
Sau đó lấy chân trái để lên vế phải, rồi lấy chân phải để lên vế trái gọi là già phu tọa. Còn để chân trái lên vế phải gọi là bán phu tọa. Thứ đến lấy lòng bàn tay phải để lên lòng bàn tay trái, để lòng bàn tay hướng lên trên, hai đầu ngón tay cái giao tiếp nhau. Lúc ngồi eo lưng phải thẳng, sống lưng như tường vách, đầu hơi cúi, khiến cho cổ áo vừa tiếp xúc đụng đến cổ làm chừng mực. Răng môi khép lại, đôi mắt hơi hé mở, nhìn xuống duyên theo sống mũi quán tâm, thẳng mình ngồi ngay, chẳng được nghiêng lệch, chẳng được di động, chẳng được tựa lưng, chẳng được ngáy.

Lời phụ: Thiền tọa có 2 cách: bán già và kiết già: Ngồi bán già: nếu để chân trái lên gọi là hàng ma tọa, để chân phải lên gọi là kiết tường tọa. Còn kiết già thì kéo hẳn cả hai chân. Phần trên đây chỉ nói về việc điều thân trong lúc tĩnh tọa. Lúc ban đầu mới tập ngồi nên cần có người chỉ dẫn, hoặc nương lực đại chúng cùng ngồi và có bậc lão thành chăm sóc. Chớ nên tự ý riêng ngồi khi chưa được hướng dẫn qua, không khéo sẽ dẫn đến những lệch lạc đáng tiếc!
Ngồi xuống an định rồi thì có thể dụng pháp sổ tức (phép đếm hơi thở), hoặc trì chú, hoặc niệm Phật, hoặc tác quán, hoặc tập định, hoặc tham thoại đầu, do mỗi người tự chọn. Pháp môn rất nhiều, không chỉ hạn cuộc những phương pháp ở trên.
Lời phụ: đến đây đi sâu hơn nữa về phần điều tâm. Tùy duyên mỗi người thấy mình hợp với pháp môn nào thì thực tập với pháp môn đó. Cái chủ yếu là khiến mình được lợi lạc trong việc thực tập tiến tu. Khi được hướng dẫn thực tập pháp môn nào trong thời gian lâu mà không thấy thăng tiến, thì cần phải nên thưa hỏi với các bậc Tôn túc, hoặc giả pháp môn mình đang thực tập chưa được hướng dẫn thông suốt, hoặc pháp môn này không thích ứng với mình. Chớ nên cố chấp một pháp môn nào để rồi khi tu tập không gặt hái được pháp lạc, lại sinh lòng chán nản mà thoái thất tâm tốt ban đầu.
Sau thời tọa thiền xong, trước hết từ từ mở mắt, lấy lòng bàn tay xoa đầu mặt lên xuống, thứ đến xoa dần di động khắp toàn thân, sau đó mới xả chân ra. Đứng dậy cho áo quần ngay thẳng trở lại, xong ngồi xuống thêm vài phút cho bình thường trở lại rồi mới đứng dậy ra đi. Nếu cùng đại chúng đồng tọa, chưa đánh khánh thì chẳng được mở mắt trước. Trong lúc ngồi nếu có ho hen nhảy mũi đều phải lấy tay che kín miệng.
Lời phụ: Thật ra xả thiền quan trọng hơn cả lúc mới vào ngồi. Mới vào ngồi nếu chỉnh thân điều thích thì ngồi sẽ được lâu và tâm dễ được yên hơn. Nhưng xả thiền không đúng phương pháp, tu tập trong thời gian dài sẽ để lại những di căn không tốt cho thân thể về sau.
Quý vị nào phát tâm muốn tu tập thiền tọa cần phải nên tham khảo học hỏi cùng tập tu theo các bậc lão thành chuyên môn, mới có thể bước trên con đường giác ngộ đúng với nghĩa của nó.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]