Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 14 - Làm Việc Chúng

21/06/201318:35(Xem: 7077)
Bài 14 - Làm Việc Chúng

Học Phật Hành Nghi

Bài 14 - Làm việc chúng

Thích Minh Thông

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

Phàm sa môn, cư sĩ khi làm việc chúng, chẳng được thấy chúng làm việc lao nhọc mà mình tránh né, chẳng được chọn việc dễ để việc khó cho người, chẳng được để người làm nhiều ta làm ít, chẳng được để người đi trước ta theo sau, cố ý trì hoãn kéo dài, chẳng được người nặng ta nhẹ, trừ sức lực chẳng đủ, chẳng được sớm muộn trái thời, chẳng được hồ đồ làm một cách qua loa dấy bẩn.
Lời phụ: Ngồi ngó mọi người lao nhọc là không biết hổ thẹn, kiếm cớ trốn việc trộm an, thì tổn phước thêm tội, lại chẳng phải tư cách thánh hiền. Chúng ta đều là người học Phật nên y pháp hành trì. Ở đây chúng ta cần áp dụng theo Tứ Nhiếp Pháp của Phật chế:
(1)Bố-thí: người thí của, kẻ thí công. Khi đến đạo tràng cần phải buông xuống danh phận cùng địa vị của mình, thảy đồng xả thí chớ nên chấp trước.
(2) Ái-ngữ: trong công việc chẳng được phân bua hơn kém. Oai Nghi Tăng chú nói: chẳng được khoe sự nhọc để tỏ công lao của mình. Khi khiến ai làm việc gì chẳng được cao giọng tỏ vẻ ta đây là người có quyền. Dù bậc trưởng thượng cũng nên dùng lời từ hòa để khiến kia vui vẻ làm việc.
(3) Lợi-hành: khi làm việc luôn nhớ nghĩ đến việc lợi người rồi mới đến lợi mình. Thật ra lợi người mới thật lợi mình, tổn người nhất định tổn mình.
(4) Đồng sự: cùng chung làm việc như văn nói: chẳng được thấy chúng làm việc mệt nhọc mà mình biếng nhác cầu an nhàn nhã, cùng tìm cách viện cớ tránh việc trừ phi sức lực không cho phép. Làm công quả là phương tiện tạo phước để mở con đường lành đi đến giác ngộ giải thoát. Cũng chớ nên chấp trước việc làm lành là để hưởng phước về sau, thế là tự mình ràng buộc lấy mình xuống lên trong ba cõi.
Phải trân trọng đồ vật, chẳng được tùy ý quăng bỏ, phàm rửa rau phải 3 lần đổi nước, phàm múc nước trước phải rửa sạch tay, khi dùng nước cần phải nhìn kỹ có trùng hay không trùng, có trùng thì phải lấy lược dày lượt qua rồi mới dùng. Nếu mùa đông lạnh quá thì không được lược nước sớm, phải chờ mặt trời mọc.
Lời phụ: Đoạn văn này, nguyên là xưa kia nguồn nước được xử dụng từ sông ngòi, ao rạch. Nước có khi được phân làm hai loại: nước uống ăn và nước giặt rửa. Nên trước khi dùng nước phải xem xét có côn trùng li ti trong nước hay không rồi mới dùng. Nếu có thì phải lược nước rồi mới dùng, trong xã hội hiện tại không còn cần đến những thứ này nữa. Vì nước chúng ta dùng đã được lọc sạch bằng máy lọc hiện đại, nhưng cũng nêu ra những cách lược nước của người xưa để đọc thêm.
Theo Oai nghi tăng chú nói: bàn lược nước có năm thứ: (1) Lấy lụa dày làm bàn lược vuông, (2) làm bình Âm Dương, (3) Làm bình “Quân trì”, hai bình này đều lấy lụa bịt miệng bình, dùng dây nhỏ buộc cổ bình rồi thả chìm trong nước, đợi đầy bình rồi kéo lên, (4) Bàn lược rót nước, (5) Bàn lược có góc: dùng lụa vuông chừng một gang, hoặc buộc miệng bình, hoặc để trên cái chén lược dùng.
Văn nói: mùa đông lạnh không được lược nước sớm là vì lòng từ bi sợ côn trùng li ti lạnh chết vậy. Đức Thế Tôn vì thương xót muốn cứu giúp chúng sinh, ăn thịt còn tổn lòng đại bi huống chi sát sinh thì làm sao thành Phật. Giả như có việc tạm rời khỏi chùa cần phải mang theo lưới lược và dây nhỏ cùng vật dụng để phóng sinh. Người không mang theo chẳng phải chính là biểu hiện thái độ khinh lời Phật dạy thì lấy gì để dạy bảo môn đồ. Hành giả phải suy nghĩ việc này, cần phải bảo tồn lợi ích cho mình và người.
Phàm đốt bếp, chẳng được đốt củi thối nát, phàm làm đồ ăn chẳng được để cáu bẩn trong móng tay. Phàm đổ bỏ nước dơ, chẳng được đưa cao tay mà hắt bỏ nước ấy, mà phải cách đất 4-5 phân từ từ mà đổ bỏ nước ấy. Phàm quét đất, chẳng được quét ngược gió, chẳng được gom tro đất để sau cánh cửa. Giặt rửa nội y nên bắt chấy rận rồi mới đem giặt. Vào tháng hè dùng chậu nước rồi phải nên lật úp xuống, nếu để ngửa ra sẽ sanh trùng, chẳng được nước đang nóng mà đổ rãi ra đất. Tất cả gạo, bột mì, rau trái, v.v... chẳng được để đồ đạc ngổn ngang bề bộn, cần phải gia tâm quý tiếc.
Lời phụ: Củi mục nát thường hay sanh các loài trùng mối, nên chẳng đốt. Thời đại bây giờ đa số dùng gas, nước giặt rửa đều thông qua đường cống cho nên thật tiện lợi. Còn dùng thau chậu ở ngoài trời thì sau khi dùng xong nên lật úp xuống để khô ráo tránh sanh trùng muỗi, khi sanh trùng rồi mà để thì dơ, còn giết thì tội. Chẳng được nước đang nóng mà đổ rãi ra đất vì sợ chết côn trùng bên dưới vậy. Còn tất cả gạo bột, rau trái, v.v... phải gia tâm quý tiếc vì sợ nhân quả. Đời nay không tiếc của, đời sau không có mà dùng, việc đời còn vậy. Huống chi vật của “Đạo-tràng, thường-trụ”, há không gia tâm quý tiếc hay sao?
Phàm rửa tay cùng làm các việc, đều niệm thầm những bài kệ như dưới đây:
Tẩy Thủ Kệ (Rửa tay)
Dĩ thủy quán chưởng
Đương nguyện chúng sanh
Đắc thanh tịnh thủ
Thọ trì Phật pháp.
Án chủ ca ra da sa-ha (3x).
Tạm dịch:
Lấy nước rửa tay
Nên nguyện chúng sanh
Được tay thanh tịnh
Nhận giữ Phật pháp.
***
Tẩy Diện Kệ (Rửa Mặt)
Dĩ thủy tẩy diện
Đương nguyện chúng sanh
Đắc tịnh pháp môn
Vĩnh vô cấu nhiễm.
Tạm dịch:
Lấy nước rửa mặt
Nên nguyện chúng sanh
Được pháp thanh tịnh
Hết hẳn dơ bẩn
Án lam sa-ha (21x).
***
Sấu Khẩu Kệ (Súc Miệng)
Sấu khẩu liên tâm tịnh
Vẫn thủy bách hoa hương
Tam nghiệp hằng thanh tịnh
Đồng Phật vãng Tây-phương.
Án hạm án hãn sa-ha (3x).
Tạm dịch:
Súc miệng lòng sạch luôn
Miệng thơm trăm hoa hương
Ba nghiệp hằng trong sạch
Cùng Phật đến Tây-phương.
Tẩy Cước Kệ (Rửa Chân)
Nhược tẩy túc thời
Đương nguyện chúng sanh
Cụ thần túc lực
Sở hành vô ngại.
Án lam sa-ha (3x).
Tạm dịch:
Trong lúc rửa chân
Nên nguyện chúng sanh
Đủ thần túc lực
Phi hành tự tại.
***
Tước Dương Chi Kệ (Nhấm Tăm)
Tước dương chi thời
Đương nguyện chúng sanh
Kỳ tâm điều tịnh
Phệ chư phiền não.
Án a mộ gia, di ma lệ, nhĩ phạ ca ra, tăng thâu đà da, Đà ra đà ra, tố di ma lê, sa phạ-ha (3x).
Tạm dịch:
Nhấm tăm dương chi
Nên nguyện chúng sanh
Tâm tịnh thuần hóa
Cắn nát phiền não.

(Tục nhấm tăm dương chi là làm cho sạch miệng, bởi hương vị của dương chi hơi đắng và thơm, người xưa sau bữa cơm thường nhai dương chi cho sạch răng vậy. Người đời nay dùng kem đánh răng, chẳng phải dùng nhành dương nữa thì sự lợi ích càng thêm nhiều).
Dục Phật Kệ (Tắm Phật)
Ngã kim quán dục chư Như Lai
Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ
Ngũ trược chúng sanh linh ly cấu
Đồng chứng Như Lai tịnh pháp thân.
Tạm dịch:
Con nay rưới tắm thân Như Lai
Trí sạch trang nghiêm tụ công đức
Chúng sanh năm trược được lìa xa
Như Lai pháp thân đồng chứng đắc.
Những việc trên, mỗi mỗi đều không được để cho nước nóng tạt ướt người bên cạnh.

Lời phụ: trên đây là những bài kệ tụng trong Luật Tỳ-ni, tức kệ tụng được áp dụng trong đời sống hằng ngày. Chủ ý để giúp chúng ta nhiếp tâm vào trong sinh hoạt khi đi đứng nằm ngồi. Tạo thành một thói quen cho chúng ta luôn được an định trong hiện trú pháp lạc.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]