Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4: Nhiếp Thụ

21/05/201312:48(Xem: 8564)
Chương 4: Nhiếp Thụ

Kinh Thắng Man

Chương 4: Nhiếp Thụ

Hòa Thượng Thích Thanh Từ

Nguồn: Hòa Thượng Thích Thanh Từ

Bấy giờ Thắng Man bạch Phật rằng :
"Nay con lại nương theo oai thần của Phật xin nói về đại nguyện điều phục chân thật không khác."
Phật bảo Thắng Man :
"Cho phép ngươi nói"
Thắng Man bạch Phật:
"Bồ tát có các nguyện lớn như cát sông Hằng tất cả nguyện ấy đều ở trong một nguyện. Đó là nhiếp thụ chánh pháp. Nhiếp thụ chánh pháp thật là nguyện lớn".
Phật khen Thắng Man:
"Hay thay! Hay thay! Trí tuệ phương tiện của ngươi sâu xa nhiệm mầu do ngươi đã hằng lâu trồng các căn lành mới được như vậy. Đời sau chúng sanh nào có trồng căn lành từ lâu mới hiểu được lời ngươi nói".
Nhiếp thụ chánh pháp ngươi nói đây là điều mà quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật đã nói, đang nói, sẽ nói. Ta nay được vô thượng Bồ đề cũng thường nói nhiếp thụ chánh pháp như vậy. Ta nói nhiếp thụ chánh pháp có các công đức không bờ bến như thế nào thì trí tuệ biện tài của Như Lai cũng không bờ bến như vậy.
Bởi vì sao? Vì nhiếp thụ chánh pháp này có công đức lớn, có lợi ích lớn.
Thắng Man bạch Phật:
"Con xin nương theo oai lực của Phật diễn lại ý nghĩa rộng lớn của nhiếp thụ chánh pháp".
Phật bảo: Hãy nói đi!
Thắng Man bạch Phật:
"Ý nghĩa rộng lớn của nhiếp thụ chánh pháp thì vô lượng, vĩ đại như đạt được tất cả Phật pháp và bao la như nhiếp thụ tám vạn bốn ngàn pháp môn".
Ví như khi kiếp mới thành mây lớn nổi lên khắp nơi mưa xuống các cơn mưa màu sắc và nhiều châu báu. Cũng như thế nhiếp thụ chánh pháp mưa vô lượng phúc báu và vô lượng căn lành.
- Thưa Thế Tôn! Lại như khi kiếp mới thành nước lớn tụ đọng sinh ra ba ngàn đại thiên thế giới tạng và bốn trăm ức các châu. Cũng như thế nhiếp thụ chánh pháp sinh ra vô lượng thế giới tạng đại thừa tất cả sức thần thông của Bồ tát, tất cả niềm vui an ổn của thế gian, tất cả sự tự tại như ý của thế gian và sự an vui xuất thế gian cho đến khi kiếp thành tất cả những gì cõi trời, cõi người chưa có, đều từ đó phát sanh ra cả.
Lại như đại địa gánh chở bốn việc lớn. Bốn việc là gì? Một là biển lớn. Hai là các núi. Ba là cỏ cây. Bốn là chúng sanh. Cũng như thế, thiện nam tử, thiện nữ nhơn kiến lập đại địa có thể gánh vác bốn trách nhiệm lớn như đại địa kia.
Bốn trách nhiệm ấy là gì? Là đối với các chúng sanh xa lìa thiện tri thức, không nghe chánh pháp, làm điều phi pháp thì đem căn lành cõi trời, cõi người mà thành thục họ, đối với kẻ cầu Thanh văn thì trao cho pháp Thanh văn, đối với kẻ cầu Duyên giác thì trao cho pháp Duyên giác, đối với kẻ cầu đại thừa thì trao cho pháp đại thừa. Nhiếp thụ chánh pháp là như vậy.
Thiện nam tử, thiện nữ nhơn kiến lập đại địa là có khả năng kham nỗi bốn trách nhiệm lớn.
"Thưa Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn nhiếp thụ chánh pháp như thế là kiến lập đại địa kham nổi bốn trách nhiệm lớn, khắp vì chúng sanh làm người bạn không đợi mời thỉnh, đem lòng từ bi an ủi thương yêu chúng sanh, làm người mẹ pháp cho thế gian.
Lại như đại địa có bốn kho báu. Bốn kho ấy là gì? Một là vô giá, hai là thượng giá, ba là trung giá, bốn là hạ giá. Đó là bốn kho báu của đại địa. Cũng như thế, thiệân nam tử, thiện nữ nhơn kiến lập đại địa làm được bốn thứ báu cao tột cho chúng sanh. Bốn thứ ấy là gì? Là thiện nam tử, thiện nữ nhơn nhiếp thụ chánh pháp, đối với chúng sanh không nghe chánh pháp làm điều phi pháp thì đem căn lành công đức cõi trời cõi người mà giáo hóa chúng. Đối với kẻ cầu Thanh văn thì trao cho pháp Thanh văn, đối với kẻ cầu Duyên giác thì trao cho pháp Duyên giác, đối với kẻ cầu đại thừa thì trao cho pháp đại thừa, làm được của báu to lớn cho chúng sanh như vậy là do thiện nam tử, thiện nữ nhơn nhiếp thụ chánh pháp mà được công đức kỳ đặc hy hữu này.
Thưa Thế Tôn, cái kho báu lớn đó là nhiếp thụ chánh pháp.
- Thưa Thế Tôn, nhiếp thụ chánh pháp là gì?
Nhiếp thụ chánh pháp không khác chánh pháp. Chánh pháp không khác nhiếp thụ chánh pháp. Chánh pháp tức nhiếp thụ chánh pháp.
Thưa Thế Tôn, nhiếp thụ chánh pháp không khác Ba la mật. Ba la mật không khác nhiếp thụ chánh pháp. Nhiếp thụ chánh pháp tức Ba la mật. Bởi vì sao? Vì thiện nam tư,û thiện nữ nhơn nào nhiếp thụ chánh pháp, nếu phải vì bố thí mà thành thục chúng sanh thì thực hành bố thí để thành thục, kế đến xả bỏ từng chi tiết thân mạng khéo thuận cơ duyên để đạt tới sự thành thục đó. Sự thành thục chúng sanh kiến lập chánh pháp như thế gọi là đàn Ba la mật.
Nếu phải lấy sự trì giới mà thành thục chúng sanh thì gìn giữ sáu căn thanh tịnh các nghiệp thân, khẩu, ý cả đến giữ đúng bốn oai nghi để khéo thuận cơ duyên đạt tới sự thành thục đó. Sự thành thục chúng sanh kiến lập chánh pháp như thế gọi là thí Ba la mật.
Nếu phải lấy nhẫn nhục để thành thục chúng sanh thì dầu bị chúng sanh mắng nhiếc, sĩ nhục hay khủng bố, dọa nạt vẫn đem lòng không biết giận, đem tâm lợi ích, đem sức nhẫn nhục cao nhất cho đến không thay đổi sắc mặt, để khéo thuận cơ duyên đạt tới sự thành thục đó. Sự thành thục chúng sanh kiến lập chánh pháp như thế gọi là Sằn đề Ba la mật.
Nếu phải dùng tinh tấn để thành thục chúng sanh thì sẽ không sanh lòng biếng trễ mà sanh lòng thích muốn to lớn tinh tấn cao nhất, cả đến trong bốn oai nghi để khéo thuận cơ duyên đạt tới sự thành thục đó. Sự thành thục chúng sanh kiến lập chánh pháp như thế gọi là Tì lê da Ba la mật.
Nếu phải dùng thiền để thành thục chúng sanh thì dùng tâm không tán loạn, tâm không hướng ngoại, chánh niệm cao nhất, cả đến làm việc thời gian lâu, nói năng thời gian lâu cũng không quên thiền định để khéo thuận cơ duyên đạt tới sự thành thục đó. Sự thành thục chúng sanh kiến lập chánh pháp như thế, gọi là Thiền Ba la mật.
Nếu phải dùng trí huệ để thành thục chúng sanh, thì khi chúng sanh hỏi tất cả nghĩa gì cũng sẽ đem lòng không sợ (hãi) mà vì họ giảng nói tất cả lý luận, chỉ bày tất cả công xảo rõ ràng đến nơi đến chốn, cho đến tất cả các thứ công xảo kỹ thuật để khéo thuận cơ duyên đạt tới sự thành thục đó. Sự thành thục chúng sanh kiến lập chánh pháp như thế, gọi là Bát nhã Ba la mật.
Cho nên, thưa Thế Tôn, vì thế mà nói nhiếp thụ chánh pháp không khác Ba la mật, Ba la mật không khác nhiếùp thụ chánh pháp. Nhiếp thụ chánh pháp tức Ba la mật.
- Thưa Thế Tôn, nay con nương oai thần của Phật xin nói lại ý nghĩa trọng đại.
Phật bảo : "Hãy nói đi".
Thắng Man bạch Phật:
- "Nhiếp thụ chánh pháp là gì?". Người nhiếp thụ chánh pháp không khác nhiếp thụ chánh pháp, nhiếp thụ chánh pháp không khác người nhiếp thụ chánh pháp. Thiện nam tử, thiện nữ nhơn nhiếp thụ chánh pháp tức nhiếp thụ chánh pháp".
Bởi vì sao? Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn nhiếp thụ chánh pháp, thì vì nhiếp thụ chánh pháp mà xả bỏ ba phần. Ba phần ấy là gì? Là thân mạng và của cải.
Thiện nam tử, thiện nữ nhơn, xả thân thì sau cái sanh tử này sẽ thoát ly, già, bệnh, chết được pháp thân Như Lai công đức không thể nghĩ bàn, thường trú không hư hoại không biến đổi. Xả mạng thì sau cái sanh tử này rốt ráo thoát ly sự chết, thường trú vô biên công đức không thể nghĩ bàn, thông suốt tất cả Phật pháp sâu xa. Xả bỏ của cải, thì sau cái sanh tử này sẽ được cái khác hơn tất cả chúng sanh là không hết, không tiêu giảm, rốt ráo thường trú, đầy đủ công đức không thể nghĩ bàn, được tất cả chúng sanh cúng dường thù thắng.
- Thưa Thế Tôn, thiện nam tử, thiện nữ nhơn xả bỏ ba phần mà nhiếp thụ chánh pháp như thế sẽ được tất cả chư Phật thọ ký, sẽ được tất cả chúng sanh chiêm ngưỡng.
- Thưa Thế Tôn, lại nữa, khi giáo pháp gần diệt thì Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di chia bè lập đảng tranh chấp lẫn nhau, phá hoại ly tán nhau. Bấy giờ thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào nhiếp thụ chánh pháp, lấy sự không dua nịnh không lường gạt, không trá ngụy yêu mến chánh pháp mà nhiếp thụ chánh pháp vào trong bạn pháp. Những người vào trong bạn pháp như thế chắc chắn sẽ được chư Phật thọ ký.
- Thưa Thế Tôn, con thấy các sức nhiếp thụ chánh pháp to lớn như vậy. Phật có con mắt chân thật, có trí huệ chân thật . Phật là căn bản của pháp, là pháp thông suốt, là chỗ y sơ ûy của chánh pháp cũng sẽ thấy biết tất cả.
Bấy giờ, Thế Tôn đối với sức tinh tấn lớn nhiếp thụ chánh pháp mà Thắng Man vừa nói khởi tâm tùy hỷ bảo rằng:
"Đúng vậy Thắng Man! Như ngươi đã nói, sức tinh tấn nhiếp thụ chánh pháp như sức của một đại lực sĩ ai đụng phải sẽ bị đau đớn lắm.
- Thắng Man! Người nhiếp thụ chánh pháp, dù một ít thôi cũng làm các ma khổ não. Ta chưa thấy một pháp lành nào khiến ma khổ não như nhiếp thụ chánh pháp dù một ít thôi.
Cũng như con bò chúa hình sắc đẹp hơn tất cả những bò khác. Nhiếp thụ một ít chánh pháp đại thừa là hơn tất cả các căn lành của nhị thừa, vì pháp đại thừa là rộng lớn.
Cho nên này Thắng Man! Hãy dùng nhiếp thụ chánh pháp khai hóa chúng sanh dạy dỗ chúng sanh, kiến lập chúng sanh.
Thắng Man! Nhiếp thụ chánh pháp như thế đó, lợi lớn như vậy đó, phúc lớn như vậy đó, quả lớn như vậy đó.
Thắng Man! Ta trong bao số kiếp A tăng kỳ đã nói ý nghĩa và lợi ích không bờ bến của công đức nhiếp thụ chánh pháp. Cho nên nhiếp thụ chánh pháp có công đức vô lượng vô biên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567