Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 4

13/05/201319:39(Xem: 7433)
Phần 4



Những Nét Văn Hóa Của Ðạo Phật

Trung Tâm Văn Hóa – Chùa Việt Nam

TT. Thích Phụng Sơn

---o0o---

Phần 4

9.Bày Tỏ Lòng Thương Tiếc:

Nhu Cầu Cần Thiết Của Con Người

Tổng thống Kennedy qua đời trên hai mươi lăm năm nhưng lòng thương tiếc của người dân Hoa Kỳ đối với ông vẫn còn nhiều. Ông đã để lại nhiều hình ảnh đẹp cho hậu thế và có lẽ hình ảnh trang trọng cuối cùng chúng ta thấy về vị tổng thống này là vào hôm cử hành lễ quốc tang của ông: bà quả phụ Kennedy, hai người con, các anh chị em cùng bà con quyến thuộc hai bên, các vị nguyên thủ hay những vị đại diện của những quốc gia nhiều nước, tất cả đều lặng lẽ trang nghiêm tiễn đưa linh cữu người quá cố đến nơi an nghĩ cuối cùng.

Các tang lễ của người Hoa Kỳ phần lớn được cử hành trang nghiêm như thế cả. Mọi người trong gia đình cố gắng kềm chế các xúc cảm, mặt ngẩng lên cao và giữ im lặng. Buổi tang lễ diễn ra trong “Trật Tự”, trong sự tự chế, trong sự bày tỏ lòng can đảm và sức mạnh của ý chí của những người sống tiếp tục tiến bước trên đường đời dù người thân của mình đã ra đi.

Theo giáo sư Alan Wolfelt, thuộc thường Ðại Học Y Khoa Colorado và là giám đốc chương trình Mất Mát (Chết) và Ðời sống Chuyển Tiếp nghiên cứu và điều trị tâm lý cho những người gặp những khó khăn sau khi thân nhân qua đời, thì những cố gắng đè nén, không bày tỏ đúng mức lòng thương tiếc người thân của mình khi họ mất là sự sai lầm tai hại. Ông Wolfelt nhấn mạnhlà chúng ta sống tại Hoa Kỳ, một nước có nền văn hóa đề cao sự dũng cảm cùng sự bày tỏ lòng dũng cảm đó: “Hãy tiến bước. Hãy ngẩn mặt lên cao và tiếp tục làm việc.”

I. Hãy Thương Khóc Người Qua Ðời

Nhà phân tâm Sigmund Freud cho rằng sự thương tiếc người quá cố làm cho người ta đau đớn nhưng đó là một sự kiện bình thường. Tỏ bày sự thương tiếc giúp cho người sống quên dần, bớt dần sự ràng buộc tâm tình với người đã ra đi. Dĩ nhiên, điều ấy không xảy ra dễ dàng vì không ai muốn chấp nhận là đã mất đi người mình yêu quý. Tuy nhiên, nếu chúng ta thương tiếc quá lâu hay tránh né, đòi lại sự tỏ bày thương tiếc thì cả hai điều gây những kết quả tai hại như nhau.

Vào năm 1989, trong 165 buổi hội thảo nhiều nơi trên nước Mỹ, ông Wolfelt trình bày cho các vị giáo sĩ cách hay nhất để giúp thân nhân của kẻ qua đời là để cho họ trực tiếp đối diện với niềm đau đó và bày tỏ sự thương tiếc một cách tự nhiên theo xúc cảm của họ: “Chỉ qua sự bày tỏ tiếc thương theo niềm tin tôn giáo của họ mà họ sẽ hoàn toàn trở lại bình thường.”

II. Thời Gian Tỏ Bày Lòng Thương Tiếc

Thương tiếc là niềm thương nhớ trong lòng, thương khóc là sự bày bỏ công khai niềm thương tiếc đó. Sự bày bỏ công khai niềm thương tiếc là điều cần thiết cho những người còn sống. Khi thực hành được điều ấy một cách tự nhiên nhất theo mỗi người như khóc lóc, than thở, nói những lời tỏ bày tình thương yêu người qua đời thì những áp lực bên trong sẽ giảm đi nhiều. Ngoài ra, nghi lễ tôn giáo của người còn sống giúp họ hiểu biết được lẽ sống chết, xoa dịu những đớn đau qua niềm tin và hy vọng thân nhân của mình sẽ về chốn Niết Bàn, chốn Tịnh Ðộ hay chốn thiên đàng khi họ chấm dứt đời sống trên quả đất này.

Tùy theo mối liên hệ bà con sự thương tiếc có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Trong bình, lòng thương tiếc kéo dài trong sáu tháng đầu với tất cả sức mạnh của nó rồi dịu dần. Sau sáu tháng, các sự buồn rầu, giận dữ hay mặc cảm tội lỗi do cái chết của thân nhân tạo ra lắng xuống dần. Kể từ đó, họ đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm của cơn khủng hoảng tinh thần.

Theo các nhà nghiên cứu Bowlby và Parke thì sự thương tiếc người qua đời gồm có ba giai đoạn mà chúng ta có thể quan sát nơi mọi người, không phân biệt nam nữ, chủng tộc, lớn hay nhỏ kể cả các em bé vừa được 6 tháng. Ba giai đoạn này gồm có: Tháng đầu tiên khổ đau vô cùng. Nhiều người phụ nữ biểu lộ bằng sự than khóc sầu não, hoảng hốt, buồn đau hay giận dữ. Người đàn ông có thể ít biểu lộ hơn nhưng không phải vì thế mà không có sự đau đớn bên trong. Lòng họ bị tê liệt trong sự khổ đau đó. Trong giai đoạn này người ta thường không tin, không chấp nhận là cái chết đã xảy ra cho người thân của mình.

Giai đoạn thứ nhì lòng người sống luôn luôn nhớ đến kẻ qua đời, nhớ đến những kỷ niệm bên nhau, và thường phản ứng thuận theo lòng mong ước là kẻ qua đời vẩn còn quanh quẫn nơi đây mà cực độ là có thể “thấy” người đã chết. Giai đoạn này gồm hai yếu tố độc lập với nhau là thương nhớ người qua đời và chống đối sự việc xảy ra mà cực điểm của trạng thái đó là vào tuần lễ thứ hai đến tuần lễ thứ tư.

Giai đoạn thứ ba họ cảm thấy chán chường, không định hướng và không thiết tha nhiều với tương lai. Giai đoạn này xảy ra sau một năm khi thân nhân qua đời.

Những nhà tâm lý, dù thuộc trường phái nào, cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc bày tỏ lòng thương tiếc, đừng có đè nén, đừng có để chậm lại một thời gian sau vì càng để lâu thì càng có những biến chứng khó khăn. Như thế, đừng có biến tang lễ thành một lễ nghi trang nghiêm công cộng mà phải cử hành như là một nghi lễ thương tiếc chân thật của những người trong gia đình. Một nghi lễ có thể rất đẹp, trang trọng nhưng không giúp ích gì cho thân nhân người qua đời. Một nghi lễ khác tuy nhỏ bé, “bình dân”, thân mật, không nặng về hình thức vì để cho người thân bày tỏ dễ dàng cảm xúc của họ. Nghi lễ thứ nhì vốn tốt đẹp bội phần hơn nghi lễ thứ nhất dù nghi lễ này diễn ra rất đẹp, rất trật tự và hoàn toàn đúng theo lớp lang dự trù.

Ở Hoa Kỳ, khóc lóc thường bị gán cho là yếu đuối nên phải đè nén, không biểu lộ ra ngoài. Về phương diện tâm lý, đó là một sự sai lầm nguy hại, nhất là khi thân nhân chúng ta qua đời. Hãy tỏ bày những xúc cảm một cách tự nhiên và chân thành nhất trong các tang lễ, đó là lời khuyên của các chuyên viên tâm lý.

III. Tạo Môi Trường Thuận Tiện Tỏ Bày Lòng Thương Tiếc

Việt Nam, cũng như nhiều nước Ðông Phương, khuyến khích sự bày tỏ lòng thương tiếc người quá cố. Phật giáo qui định rất rõ ràng các chi tiết tang lễ đễ giúp người sống tỏ bày lòng thương mến người quá vãng qua các lễ Nhập Quan (Liệm Xác), Thành Phục (Phát tang), Cầu Siêu (Cầu nguyện chư Phật tiếp độ người qua đời về chốn Cực Lạc), Cúng Linh (Cầu nguyện và cúng các thức ăn cho hương linh, kẻ qua đời) tại nhà quàng cũng như tại chùa. Ở Việt Nam, buổi lễ được quy định rất chi tiết khi ở nhà, lúc di quan (Chuyển quan tài đi chôn hay hỏa táng), khi đến nghĩa địa, lúc hạ huyệt, v.v… Ngoài ra, những người thân trong gia đình sẽ mặc các tang phục theo sự liên hệ với người qua đời. Những điều ấy rất tốt về phương diện tâm lý vì nó nuôi dưỡng tình thương, bảo vệ mối liên hệ tinh thần của người sống đối với kẻ qua đời, khi tình thương và mối liên hệ đang gặp khủng hoảng vì đối tượng thương yêu bị mất đi. Những nghi thức này một mặt giúp cho gia đình nhận rõ sự thật là người thân của mình đã qua đời, mặt khác vẫn duy trì được tình thương yêu của người sống đối với kẻ ra đi hay nói một cách khác, giúp cho người sống nhận ra tình thương yêu vẩn còn có mặt trong tâm mình và hướng tình thương yêu của họ đến người ấy.09netv25

Trưóc khi cử hành lễ cầu siêu, quý vị tăng ni thường dặn người Phật tử đừng than khóc quá nhiều, đừng làm những điều huyên náo, tạo một không khí yên tĩnh để mọi người có thể tụng kinh, trì chú, đem lòng thành mà cầu nguyện cho hương linh nhờ đó mà người trong gia đình có thể chuyển những niềm thương tiếc buồn rầu thành năng lực của tình thương yêu tích cực. Chính trong bầu không khí linh thiêng đó mà họ cảm nhận được giáo lý mầu nhiệm của đạo Phật và giúp tâm họ khai mở.

Trong những buổi cầu siêu và tiến cúng hương linh người quá vãng tại nhà, nơi nhà quàng và sau đó tại chùa, các vị tăng ni thường tụng kinh A Di Ðà nói lên cảnh giới an vui trong sạch của chốn Tịnh Ðộ, làm lễ quy y Phật, Pháp và Tăng cho hương linh, nhắc nhở hương linh quay về thế giới của an lành và giải thoát vốn là quê hương chân thật ngàn đời của mình. Ngoài ra, quý vị tăng ni còn dâng Sớ (đọc trước bàn Phật) và Ðiệp (Ðọc trước bàn thờ chư hương linh quá vãng). Trong sớ và điệp09netv26

“Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng

Đạo Cảm thông không thể nghỉ bàn …”

Kê khai tên họ của người thân cùng những lời nguyện cầu chân thành và tốt lành cho người mới ra đi cùng tụng các bài thần chú có âm thanh nhiệm màu.

Thân nhân lễ Phật, đem lòng thành tham dự vào lễ cầu nguyện. Tiếng tụng kinh trầm bỗng, thiết tha, lời nguyện cầu tâm thành, tiếng mõ đều nhịp, tiếng chuông thanh thoát, ánh sáng đèn lung linh và mùi thơm của nhang trầm giúp cho thân nhân người qua đời cảm thấy gần gủi hơn với kẻ đã ra đi. Một cách chính thức, họ chấp nhận người thân của mình đã giả từ cuộc đời này. Mặt khác, về phưong diện tâm linh, người thân của họ không bị tiêu mất theo cách nói thông thường “Chết là hết”, và họ cảm nhận được sự có mặt của người thân vẩn còn gần gủi họ trong những buổi lễ cầu nguyện như trên. Chính qua nghi lễ cầu nguyện đó mà những sự tiếc thương, buồn bã, giận hờn, nuối tiếc, khổ đau được chuyển thành tình thương yêu bao la hướng đến người qua đời. Ðó là sự chuyển hoá năng lượng từ tiêu cực thành tích cực.

IV. Phương Tiện Thiện Xảo

Thiện xảo là lành và khéo. Ðạo Phật chú trọng đến những phương pháp lành và khéo để giúp cho con người thoát khỏi những sự khổ đau. Tùy theo căn cơ của mỗi người, tùy theo mức độ tiến bộ về tâm linh của mỗi người mà họ chọn lấy những phương thức thích hợp giúp cho họ sống an vui hạnh phúc nơi cõi đời này cũng như mãi mãi về sau. Các nghi thức quy định cho tang lễ áp dụng chung cho đa số Phật tử để giúp họ thích nghi dần với sự mất mát người thân yêu.

Tại Hoa Kỳ, nghi thức cầu siêu được cải tiến cho phù hợp với sinh hoạt thường ngày. Trong vòng 49 ngày sau khi thân nhân qua đời, những người trong gia đình đến chùa vào ngày chủ nhật hay ngày thường vào mỗi tuần lễ để làm lễ cầu siêu và tiến cúng người qua đời. Qua bảy lần cầu siêu chính thức ở chùa và thêm nhiều lần khác họ tự làm lấy ở nhà, những người trong gia đình đã bày tỏ rất nhiều lòng thương yêu nhớ tiếc một cách công khai ở chùa hay riêng rẻ ở nhà. Họ cũng cầu nguyện cho người quá vãng trở về thế giới an lành và hạnh phúc miên viển nơi chốn Tịnh Ðộ. Qua những lần cầu nguyện ấy, niềm khổ đau trong lòng họ vơi dần, giúp họ vượt qua giai đoạn khủng hoảng nguy hiểm ban đầu và tiến dần đến sự hồi phục đời sống bình thường. Sau 49 ngày gia đình không đến chùa làm lễ cầu siêu nhưng họ có thể để băng kinh cầu siêu phát ra lời tụng đọc của lễ cầu siêu trước đây cùng cầu nguyện cho thân nhân.

Một trăm ngày sau, kể từ ngày thân nhân qua đời, gia đình đến chùa xin thầy làm lễ cầu siêu cho nguời thân đã qua đời. Sau đó, mỗi năm đến ngày giỗ của người quá cố, gia đình lại làm lễ cầu siêu và cúng linh. Những dịp đó, mọi người có dịp bày tỏ lòng thương tiếc cùng nâng đỡ tinh thần nhau. Theo đạo Phật, tổ chức những buổi cầu siêu như thế cũng rất tốt cho người qua đời. Dù họ đã đầu thai và có đời sống khác họ cũng nhận được những năng lượng tốt lành của những lời nguyện cầu chân thành đó.

Phương tiện lành và khéo của cầu siêu và cúng hương linh người qua đời đã được thực hành trên ngàn năm nay trong những nước theo đạo Phật, giờ đây được khoa tâm lý học tân tiến xác nhận giá trị của nghi lễ đó. Nhiều người Việt Nam theo “Tây học” cho rằng cầu siêu và cúng linh như thế là “Mê tín” vì họ chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa của tính cách chữa trị tâm lý cùng nâng đỡ tinh thần người sống khi họ bị khủng hoảng vì cái chết đột ngột của người thân. Giáo sư Wolfelt của trường Ðại Học Y Khoa Colorado nhấn mạnh chính sự thiếu hiểu biết về sự cần thiết của việc bày tỏ tình thương yêu đó tạo ra rất nhiều nguy hiểm tinh thần cho những người còn sống.

Một nền văn hóa chỉ chú trọng đến sự trẻ trung và đang giảm dần các dịp tế lễ, cúng kiến như tại Hoa Kỳ làm cho người ta có cảm tưởng sai lầm là làm đám tang cho chóng rồi quên đi. Giáo sư Wolfelt phát biểu: “Giờ đây khi có thân nhân qua đời, họ nghĩ cách hay nhất là làm đám ma cho xong và quên hẵn kẻ qua đời đi”. Ðó là một điều sai lầm tai hại, đó là một sự tin tưởng mù quáng (một thứ mê tín) về sự lãng quên có thể xảy ra dễ dàng cũng như khả năng xóa bỏ dễ dàng hình ảnh người thân của mình vừa mất trong tâm thức để khỏi khổ đau. Họ không biết rằng làm như thế là tạo ra những điều nguy hại cho đời sống tinh thần của mình cùng gia đình mình trong thời gian lâu dài.

V. Xóa Ði Sự Cách Biệt Sanh Tử

Một điểm tích cực khác trong đạo Phật là quan niệm “Duy tâm sở hiện” mà ta thường nói một cách giản dị hơn là mọi thứ do tâm mình mà ra cả. Các nhà tâm lý học đề cập đến sự nội hoá, chuyển hình ảnh của những người hay vật mình yêu thích vào trong tâm mình. Sự kiện ấy xảy ra khi có người thân yêu của chúng ta qua đời. Do đó, dù họ không còn nữa những ta luôn luôn gần gủi họ trong tâm của mình. Nói một cách giản dị hơn, họ luôn luôn có mặt trong lòng mình khi mình thương nhớ họ. Khi bày tỏ công khai lòng thương nhớ đó qua các lễ cầu siêu và cúng các thức ăn cho người qua đời, chúng ta thấy mình gần gủi với họ theo như ước vọng tốt đẹp tự nhiên nơi mỗi chúng ta. Nói khác đi, lằn ranh giữa đồi bờ sanh tử bị xóa mờ. Do đó, sự tiến cúng chư hương linh bằng những nghi thức lễ lạy, cầu nguyện và cúng hương hoa, quả phẩm cùng thức ăn vào những ngày đầu và ngày giổ sau đó rất có ích lợi cho người sống. Và dĩ nhiên mọi điều tốt đẹp được thực hành trong sự chừng mực, trong giới hạn cần thiết, không quá nhiều và không quá ít qua việc bỏ bớt các điều không còn hợp thời.

Trong ý nghĩa tốt lành đó mà sau bảy lễ cầu siêu và cúng linh ở chùa, gia đình người quá cố có thể xin ký linh tại chùa, đem bài bị gồm có hình và tên tuổi người qua đời đến xin thờ tại chùa với niềm tin là hương linh nhờ đó mà được thường ngày nghe kinh kệ, trút bỏ mọi điều dính mắc, quay về với Phật tánh và nhờ đó mà trở về với thế giới an lành giải thoát của chư Phật. Lòng những người thân quyến do đó được an ổn rất nhiều. Một trăm ngày sau kể từ ngày quá vãng, gia đình người qua đời lại đến chùa xin làm lễ cầu siêu. Kể từ đó, cứ mỗi năm đến ngày giổ họ lại cùng đến chùa làm lễ cầu siêu và cúng linh.

Trước đây ở Việt Nam, con cái thường để tang cha ba năm và mẹ hai năm và trong thời gian chịu tang cha, me, ông, bà những người con cháu hiếu thảo thường tránh tham dự những cuộc vui choi, những lễ cưới hỏi để tỏ lòng hiếu thảo của mình. Khi làm lễ họ bận áo quần trắng và bịt khăn trắng, ngày thường thì họ đeo một miếng vải đen nơi áo. Ở Hoa Kỳ, đời sống vốn bận bịu, con cái đã xin làm lễ xả tang sau một hay hai năm hay sớm hơn để dễ dàng tham dự vào các sinh hoạt xã hội cũng như làm lễ cưới hỏi cho con cháu.

Trên thực tế, sự hạn chế bớt những thú giải trí không cần thiết rất ích lợi cho họ. Họ có thể tự nhắc nhở mình hay khước từ những sự mời mọc vì lý do tang chế (chế: hạn chế những sinh hoạt vui chơi khi có tang) để không tham dự vào các cuộc vui chơi, tiệc tùng, ăn uống hay tiêu pha không cần thiết làm hao tổn của cải và sức khỏe. Nhờ đó họ có thì giờ nghỉ ngơi, tu tập và sống đời lành mạnh như ý muốn. Như thế, mục đích chính ngoài sự tỏ lòng thương yêu kẻ qua đời, tất cả những nghi lễ trên giúp cho người sống được bình an, lành mạnh về thể chất lẫn tinh thần và giúp họ tiếp tục tiến bước vững chãi trên đường đời. Người Phật tử do đó phải biết quý trọng những nghi lễ ấy và cố gắng thực hành cho mình và gia đình mình được lợi lạc. Người Phật tử là người sống với tình thương yêu và sự hiểu biết chân thật. Do đó, khi một người qua đời, chúng ta nâng đỡ tinh thần bà con của họ, giúp họ liên lạc với quý thầy hay cô cùng ban hộ niệm để lo tang lễ cho được tốt đẹp. Nếu họ thuộc tôn giáo khác thì nhắc nhở họ gọi điện thoại trình với các vị Giáo Sĩ, Linh Mục hay Mục Sư liên hệ để xin các ngài hướng dẫn những gì phải làm.

Trường hợp người qua đời là một Phật tử mà trong vùng không có một vị thầy hay ni cô, những vị Phật tử quanh vùng có thể họp thành một ban Hộ Niệm để tụng kinh, niệm Phật để cầu nguyện cho hương linh tại nhà quàng, nghĩa địa và tư gia trước, trong và sau khi chôn cất.

Trong hoàn cảnh đau thương của gia đình có thân nhân vừa qua đời, chúng ta tránh nói những điều tiêu cực nhằm gây thêm những điều lo lắng sợ hãi như nói về sự trừng phạt ở địa ngục, nói về thần trùng, nói về những giấc mơ kinh hãi, nói về những điềm xấu, về những nợ nần không trả được, v.v… Nếu họ là những người khác tôn giáo thì chúng ta tránh nói về tôn giáo mình, đề cao tôn giáo mình và nhất là đừng ép buộc qua cách thuyết phục họ phải theo nghi lễ của đạo mình khi họ không muốn vì họ không biết và không quen thuộc.

Như thế, để thể hiện đạo làm người, Nhân Ðạo, một người Phật tử nếu gặp phải hoàn cảnh một người bạn hay một kẻ không quen biết bệnh nặng sắp lìa đời mà không có thân nhân thuộc Công Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo, v.v… thì nên thông báo cho các vị Linh Mục, Mục Sư hay Giáo Sĩ đạo liên hệ. Nếu vì xa xôi cách trở không ai đến được thì nên lấy kinh sách của đạo họ mà đọc cho họ nghe. Lúc đó họ cần được nghe những lời dạy trong tôn giáo của họ hơn bao giờ cả. Hình ảnh các đấng giáo chủ thân thiết cùng những lời dạy trong tôn giáo họ đem lại rất nhiều lợi ích trong giờ họ lâm tử. Tuyệt đối tránh dụ dỗ họ theo đạo mình lúc họ đau ốm hay sắp lâm chung và đang đối hiện với nỗi khó khăn cuối cùng của đời người. Làm như thế tạo thêm cho họ sự rối loạn và đau khổ chứ chẳng giúp ích gì cho họ.

Ép một người hay một gia đình cử hành nghi thức tang lễ theo một tôn giáo mà họ không biết đến, không có sự cảm thông nào là một tội ác tinh thần mà chúng ta tuyệt đối không làm vì không giúp ích gì họ trong thời gian họ đang khổ đau. Ngoài ra, chúng ta cũng tránh không gây xáo trộn cho gia đình có thân nhân qua đời bằng cách đề cao đạo mình và chê bai đạo người.

Chúng ta theo sự công bằng của đạo làm người, tuyệt đối không làm và cũng không chấp nhận kẻ khác làm cho mình hay cho người khác vì làm như thế không những không lịch sự mà còn biểu lộ lòng ác độc chỉ biết nghỉ đến mình, nhất là lúc gia đình họ đang gặp cảnh tang gia bối rối. Ðạo Phật đặt trên tình thương yêu và sự hiểu biết chân thật, người Phật tử lại càng phải lưu ý điều ấy. Câu: “Ðừng làm điều gì cho người khác nếu mình không muốn kẻ khác làm điều ấy cho mình” của Ðông Phương vẫn còn là một khuôn vàng thước ngọc cho sự giao tiếp lành mạnh và tốt đẹp giữa các cá nhân, tổ chức cộng đồng, nhóm chính trị, giữa các tôn giáo, chủng tộc cùng các quốc gia với nhau vậy.

Trường hợp chính mình không may gặp phải cảnh nói trên, thì tốt hơn hết, chúng ta nên lịch sự và thẳng thắng trả lời những người muốn ta thực hành tang lễ theo nghi thức tôn giáo khác những gì mình đang tin tưởng là mình không thể làm như thế được vì làm như thế là nguy hại cho đời sống tinh thần của mình cùng những người trong gia đình. Người Hoa Kỳ chuộng sự thẳng thắng và trả lời dứt khoát để họ hiểu. Nếu chúng ta sợ họ buồn mà nói không rõ rệt ý muốn thật sự của mình thì có thể gây ra nhiều ngộ nhận đưa đến những khó khăn khác.

Ðức Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Thường biết lỗi mình, không xét lỗi người”. Do đó, khi nói làm sao duy trì được sự hài hòa và cảm thông của đôi bên là tốt đẹp hơn cả. Ðó là cách áp dụng tôn giáo vào trong đời sống hàng ngày, giữ đưọc sự bình thản an vui trong mọi hoàn cảnh khó khăn như lời Ðức Phật dạy: “Chiến thắng một vạn quân không bằng tự thắng mình”. Tự thắng mình là sống an vui thoải mái trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong nghịch cảnh vậy.

VI. Ích Lợi Cho Kẻ Qua Ðời

Những điều trình bày trên làm chúng ta có cảm tưởng các lễ cầu siêu và cúng linh chỉ có mục đích giúp đở những người trong gia đình kẻ qua đời chấp nhận sự thật là người mình thương yêu không còn nữa cùng nâng đỡ tinh thần để họ chóng phục hồi. Trên thực tế, những nghi lễ trên đem lại lợi lạc cho người sống cũng như kẻ quá cố rất nhiều. Chính qua lễ cầu siêu mà hương linh của người quá cố hiểu rõ được sự chuyển tiếp từ giai đoạn sống qua giai đoạn chết (trong đạo Phật, không có sự chết mà chỉ là sự tiếp diễn liên tục của đời sống qua nhiều trạng thái khác nhau trong những hình thái khác nhau). Trong trạng thái gọi là chết ấy, họ được khuyến khích hãy buông xả mọi sự bám víu, mọi sự dính mắc để quay về với chân tâm, Phật tánh, với nguồn năng lượng trong lành của tình thương yêu và sự hiểu biết chân thật, để thực hành sự giải phóng mình ra khỏi mọi khổ đau và đạt đến sự giải thoát an vui vĩnh cữu.

Những lời tụng kinh, những bài thần chú, những điều cầu nguyện chân thành đều tác động cả người sống lẫn người qua đời và cùng mang đến lợi lạc cho hai bên. Riêng đối với những người trong gia đình có thân nhân qua đời, tiến trình thích nghi với đời sống thiếu vắng người thân của mình nhờ đó được diễn ra nhanh chóng và tốt đẹp.

Ðó là sự mầu nhiệm của đạo Phật vậy.

Tài Liệu Tham Khảo

·Comprehensive Textbook of Psychiatry/III, edited by Harold I. Kaplan, M.D. et al., Williams & Wilkins, Baltimore, 1980

·The Tibetan Book Of The Dead, W. Y. Evans-Wentz, Oxford University Press, Newyork, 1960

·Tibetan Yoga And Secret Doctrines, edited by W.Y. Ewans-Wentz, Oxford University Press, New York, 1958

·Washington Post, tháng hai năm 1990

·Các tạp chí như Life, Newsweek, Time, V.V… nói về đề tài liên hệ

·Nghi thức cầu siêu trong Phật giáo cùng các bản kinh liên hệ

·Các buổi thăm viếng người bệnh tại nhà thương, tại tư gia Phật tử, những lễ cầu an cho Phật tử bị bệnh nặng, những lễ cầu siêu cho người qua đời tại nhà quàng, chùa, tại tư gia Phật tử, tại nghĩa trang cùng tham dự các tang lễ thuộc các tôn giáo bạn.

·Các buổi nói chuyện và trao đổi ý kiến cùng quý vị tu sĩ tôn giáo bạn tại các nhà thờ, trung tâm xã hội, hội y tá, v.v… tại các tiểu bang

--- o0o ---


Vi tính: Chân Diệu Lan

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]