Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

19. Phẩm Khuyến thỉnh

07/05/201316:23(Xem: 11012)
19. Phẩm Khuyến thỉnh

Kinh Tăng Nhất A-Hàm

19. Phẩm Khuyến thỉnh

Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng, Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH SỐ 1[102]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ngồi dưới gốc cây tại đạo tràng,[103] nước Ma-kiệt. Bấy giờ Thế Tôn đắc đạo chưa lâu, ltự nghĩ như vầy: ‘Nay Ta đạt pháp rất sâu, khó hiểu khó rõ, khó có thể giác tri, không thể tư duy; pháp tịch tĩnh vi diệu, được giác tri bởi người trí, được phân biệt nghĩa lý, tu tập không chán, đạt được hoan hỷ.[104] Nếu Ta nói pháp vi diệu này cho mọi người, họ sẽ không tin nhận, cũng không phụng hành; không những uổng công vô ích mà còn bị tổn giảm nữa. Nay Ta [593b01] nên im lặng, cần gì phải nói pháp?’

Bấy giờ, Phạm Thiên ở trên cõi Phạm thiên, biết những ý nghĩ của Như Lai. Trong khoảnh khắc giống như lực sĩ co duỗi cánh tay, ông biến mất khỏi Phạm thiên, hiện đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Khi ấy Phạm Thiên bạch Thế Tôn:

“Cõi Diêm-phù-đề này chắc sẽ bị tan hoại, ba cõi mất đi con mắt, vì Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở thế gian đáng ra sẽ diễn Pháp bảo, nhưng nay lại không diễn nói pháp vị. Cúi mong Như Lai khắp vì tất cả chúng sanh mà rộng nói pháp sâu xa. Lại nữa, căn nguyên của chúng sanh này dễ độ; nếu chúng không nghe, vĩnh viễn mất can mắt pháp.[105] Chúng sẽ những người con lưu di của pháp.[106] Giống như hoa sen ưu-bát, hoa câu-mâu-đầu, hoa phân-đà-lợi, tuy ra khỏi bùn đất, nhưng chưa lên khỏi nước, cũng chưa nở bung ra. Khi ấy, hoa kia sinh trưởng dần, nhưng vẫn không ra khỏi mặt nước, chưa ra khỏi nước. Có khi, hoa kia đã lên khỏi nước, hoặc khi ấy hoa kia không bị thấm nước. Ở đây cũng vậy, các loài chúng sanh được thấy bị bức bách bởi sinh, già, bệnh, chết, các căn đã chín mùi, nhưng vì không được nghe pháp nên bị diệt vong, há không khổ sao? Nay thật đúng thời, nguyện xin Thế Tôn nên vì họ nói pháp.”

Bấy giờ, Thế Tôn biết mọi ý nghĩ trong tâm Phạm Thiên và, vì lòng từ mẫn đối tất cả chúng sanh, nên nói kệ này:

Nay Phạm Thiên khuyến thỉnh
Như Lai mở cửa pháp.
Người nghe dốc lòng tin,
Phân biệt pháp yếu sâu.
Như trên đỉnh núi cao,
Xem khắp loài chúng sanh.
Nay Ta có pháp này,
Mắt pháp hiện lầu cao.

Bấy giờ Phạm Thiên nghĩ rằng: “Như Lai chắc sẽ vì chúng sanh mà nói pháp thâm diệu,” nên trong lòng vui mừng phấn khởi không tự chế được, đảnh lễ sát chân rồi liền trở về trời.

Phạm Thiên sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2[107]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại vườn Nai trong khu Tiên Nhân,[108] tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có hai sự này, người học đạo không nên gần gũi. Hai sự ấy là gì? Tham đắm pháp dục lạc;[109] đó là pháp phàm phu hạ tiện. Hoặc lại tự hành khổ, với trăm mối khổ não.[110] Đó là hai việc mà người học không nên gần gũi. Như vậy, sau khi xả bỏ hai sự này, Ta tự có con đường chí yếu[111] thành tựu được Chánh giác, sinh nhãn, [593c01] sinh trí, ý được tịch tĩnh, đắc các thần thông, thành quả Sa-môn, đạt đến Niết-bàn. Thế nào là con đường chí yếu thành tựu được Chánh giác, sinh nhãn, sinh trí, ý được tịch tĩnh, đắc các thần thông, thành quả Sa-môn, đạt đến Niết-bàn? Đó là tám phẩm đạo Hiền thánh, là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.* Đó gọi là con đường chí yếu, khiến Ta thành tựu được Chánh giác, sinh nhãn, sinh trí, ý được tịch tĩnh, đắc các thần thông, thành quả Sa-môn, đạt đến Niết-bàn.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học xả bỏ hai sự ấy, và tu tập đạo chí yếu. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

La-hầu-la, Ca-diếp, rồng.
Hai Nan-(đà), Đại Ái Đạo,
Phỉ báng, phi, Phạm thỉnh,
Hai sự tại sau cùng.[112]

KINH SỐ 3[113]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên, bạch Thế Tôn:

“Thế nào là Tỳ-kheo đoạn ái dục, tâm được giải thoát,[114] cho đến chỗ cứu cánh an ổn, không có mọi tai hoạn, được trời người tôn kính?”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

“Này Câu-dực[115], ở đây nếu Tỳ-kheo nào nghe pháp Không[116] này, tỏ rõ là không có gì, vị ấy liền hiểu rõ được tất cả các pháp. Rồi với pháp khổ, lạc, hay pháp không khổ không lạc, mà thân giác tri được, tức ở ngay nơi thân này, vị ấy quán chúng đều vô thường, đều trở về không. Khi đã quán biết như thật về sự biến dịch của cái không khổ không lạc này, vị ấy cũng không tưởng khởi. [117] Đã không tưởng khởi nên không sợ hãi.[118] Đã không sợ hãi nên Bát-niết-bàn, như thật biết rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa. Này Thích Đề-hoàn Nhân, đó gọi là Tỳ-kheo đoạn ái dục, đạt được tâm giải thoát, cho đến, chỗ cứu cánh an ổn, không có tai hoạn, được trời người tôn kính.”

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân đảnh lễ sát chân Thế Tôn, rồi nhiễu quanh ba vòng mà lui.

Trong lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ngồi kết già cách Thế Tôn không xa, chánh thân, chánh ý, buộc niệm trước mặt. Khi ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghĩ thầm: “Có phải vừa rồi [594a01] Đế Thích do được đạo tích mà hỏi việc, hay là không do được đạo tích mà hỏi nghĩa chăng? Nay ta nên thử xem.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền dùng thần túc, trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, lên đến Tam thập tam thiên. Thích Đề-hoàn Nhân từ xa trông thấy Đại Mục-kiền-liên đến, liền đứng lên tiếp đón, và nói:

“Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, khéo đến! Đã lâu lắm, Tôn giả không đến đây. Mong được cùng Tôn giả luận thuyết nghĩa pháp. Mời Tôn giả ngồi nơi này.”

Bấy giờ, Mục-kiền-liên hỏi Thích Đề-hoàn Nhân:

“Thế Tôn đã nói pháp đoạn ái dục cho ông, tôi muốn nghe nó. Nay là lúc thích hợp, hãy nói cho tôi nghe.”

Thích Đề-hoàn Nhân bạch rằng:

“Hiện tại, tôi bận rộn nhiều việc, vừa có việc riêng, lại vừa có việc của chư thiên. Những gì tôi nghe được tức thì quên mất. Ngài Mục-liên, xưa kia khi đánh nhau với các A-tu-la, trong trận đánh ngày hôm đó, các chư thiên đắc thắng, A-tu-la bị bại. Bấy giờ, đích thân tôi tự đi chiến đấu, sau đó thống lãnh chư thiên trở về thiên cung, ngồi tại giảng đường Tối thắng. Vì nhờ đánh thắng nên gọi là giảng đường Tối thắng.[119] Đường cái thành hàng, đường sá giao nhau. Mỗi một đầu thềm[120] có bảy trăm lầu các, trên mỗi một lầu các đều có bảy ngọc nữ, mỗi một ngọc nữ đều có bảy người hầu. Xin mời Tôn giả Mục-liên ngắm xem nơi đó.”

Rồi Thích Đề-hoàn Nhân cùng Thiên vương Tỳ-Sa-môn, theo sau Tôn giả Mục-liên đến nơi giảng đường Tối thắng. Thích Đề-hoàn Nhân và Thiên vương Tỳ-Sa-môn bạch Đại Mục-kiền-liên:

“Đây là giảng đường Tối thắng. Mời ngài hãy dạo xem.”

Mục-liên bảo Thiên vương:

“Chỗ này rất là vi diệu, đều do tiền thân đã tạo ra phước đức, nên được mời đến bảo đường tự nhiên này. Giống như Nhân gian có một trường hopự vui nhỏ cũng đã tự chúc mừng rồi. Như cung trời cũng không khác. Thảy đều do tiền thân tạo ra phước mà được như vây.”

Lúc ấy, ngọc nữ hai bên Thích Đề-hoàn Nhân đều chạy tứ tán. Giống như ở dưới nhân gian khi gặp điều cấm kỵ thì trong lòng đều hổ thẹn. Đám ngọc nữ chỗ Thích Đề-hoàn Nhân cũng như vậy, từ xa trong thấy Đại Mục-kiền-liên đến, các cô đều chạy tứ tán mất. Khi ấy, Đại Mục-kiền-liên nghĩ thầm: “Thích Đề-hoàn Nhân này tâm ý rất phóng dật. Ta nên làm cho ông ấy sợ hãi.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền dùng ngón chân phải [594b01] ấn xuống đất, làm cho cung điện kia bị chấn động sáu cách. Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân cùng Thiên vương Tỳ-Sa-môn trong lòng sợ hãi, lông trong cả người dựng đứng, nghĩ thầm: “Đại Mục-kiền-liên này có thần túc lớn nên mới có thể làm cho cung điện này chấn động sáu cách. Kỳ diệu thay, chưa từng có việc này!”

Khi ấy, Đại Mục-kiền-liên nghĩ thầm: “Nay tự thân Đế Thích này đã sinh lòng sợ hãi, ta phải hỏi về nghĩa sâu kia.”

“Thế nào Câu-dực? Kinh ‘Trừ ái dục’[121] mà Như Lai đã thuyết, nay là lúc thích hợp, xin ông nói lại cho chúng tôi nghe.”

Thích Đề-hoàn Nhân đáp:

“Mục-liên, trước đây tôi có đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên. Lúc ấy tôi liền bạch Thế Tôn: ‘Thế nào là Tỳ-kheo đoạn ái dục tâm được giải thoát, cho đến, cứu cánh đến chỗ vô vi, không có khổ hoạn, được trời người tôn kính?’ Bấy giờ Thế Tôn liền bảo tôi rằng: ‘Này Câu-dực, ở đây các Tỳ-kheo sau khi nghe pháp này rồi, không còn gì gì để đắm trước,[122] cũng không đắm vào sắc, tỏ rõ hết thảy các pháp đều vô sở hữu. Do đã tỏ rõ tất cả các pháp rồi, hoặc khổ hoặc lạc, hoặc không khổ hoặc không lạc, quán chúng là vô thường, diệt hết không còn, cũng không đoạn hoại. Do quán như vậy rồi, không còn gì để đắm trước. Do không khởi lên thế gian tưởng[123] nên không còn sợ hãi. Do không sợ hãi nên Bát-niết-bàn, như thật biết rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa. Này Thích Đề-hoàn Nhân, đó gọi là Tỳ-kheo đoạn ái dục tâm được giải thoát, cho đến, chỗ cứu cánh vô vi, không có khổ hoạn, được trời người tôn kính.’ Sau khi nghe những lời dạy như vậy, tôi liền đảnh lễ sát chân Thế Tôn, nhiễu quanh ba vòng, rồi thối lui trở về trời.”

Khi ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bền nói pháp sâu xa cho Thích Đề-hoàn Nhân và Tỳ-Sa-môn nghe, phân biệt đầy đủ. Sau khi đã thuyết pháp đầy đủ, Mục-kiền-liên trong khoảnh khắc giống như lực sĩ co duỗi cánh tay biến mất khỏi Tam thập tam thiên, trở về vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, thành Xá-vệ, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Khi ấy Mục-kiền-liên ngay trên chỗ ngồi bạch Thế Tôn:

“Trước đây Như Lai nói cho Thích Đề-hoàn Nhân nghe pháp trừ dục. Nguyện xin Thế Tôn hãy nói cho con.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Mục-kiền-liên:

“Ngươi nên biết, Thích Đề-hoàn Nhân đến chỗ Ta, [594c01] đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Rồi Thích Đề-hoàn Nhân đem nghĩa này hỏi Ta: ‘Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo đoạn ái dục tâm đắc giải thoát?’ Bấy giờ, Ta bảo Thích Đề-hoàn Nhân rằng: ‘Này Câu-dực, Tỳ-kheo tỏ rõ tất cả các pháp là không, hoàn toàn không có gì, cũng không có cái gì để chấp trước, Tỳ-kheo ấy hiểu rõ hết tất cả các pháp vô sở hữu. Do biết tất cả các pháp là vô thường, diệt hết không còn, cũng không đoạn hoại. Tỳ-kheo ấy quán như vậy rồi, không có gì để đắm trước. Do không khởi thế gian tưởng nên không còn sợ hãi.[124] Do không sợ hãi nên Bát-niết-bàn, biết như thật rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa. Này Thích Đề-hoàn Nhân, đó gọi là Tỳ-kheo đoạn ái dục tâm được giải thoát. Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, rồi thối lui trở về trời.”

Đại Mục-kiền-liên sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4[125]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thế gian có hai hạng này, nếu có thấy nghe điện chớp, sấm gầm thì cũng không sợ hãi. Hai hạng ấy là ai? Sư tử vua muôn thú, và A-la-hán lậu tận.[126] Này Tỳ-kheo, đó là gọi là ở thế gian nếu có hai hạng này, dù có thấy nghe điện chớp sấm gầm cũng không sinh lòng sợ hãi.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học A-la-hán lậu tận. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này."

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có hai pháp này khiến người không có trí tuệ. Hai pháp gì? Không thích hỏi người hơn mình; chỉ ham ngủ nghỉ, không ý siêng năng. Này Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến cho người không có trí tuệ.

“Lại có hai pháp khiến cho người thành trí tuệ lớn. Hai pháp gì? Thích hỏi nghĩa người khác; không ham ngủ nghỉ, có ý siêng năng. Này Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến cho người có trí tuệ. Các ngươi hãy học lìa xa pháp ác.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này."

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ. [595a01] Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có hai pháp này khiến người bần tiện, không có tài sản. Hai pháp gì? Khi thấy người khác bố thí thì ngăn cản; tự mình thì không chịu bố thí. Này Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến cho người bần tiện, không có của báu.

“Tỳ-kheo nên biết, lại có hai pháp khiến người phú quý. Hai pháp gì? Khi thấy người cho vật người khác, hoan hỷ trợ giúp; và tự mình cũng thích bố thí. Này Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến cho người phú quý.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học huệ thí, chớ có lòng tham.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có hai pháp khiến cho người sinh vào nhà bần tiện. Hai pháp gì? Bất hiếu cha mẹ, các bậc sư trưởng; cũng không thừa sự người hơn mình. Này Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến cho người sinh vào nhà bần tiện.

“Tỳ-kheo nên biết, lại có hai pháp, sẽ khiến người sinh vào nhà hào tộc. Hai pháp gì? Cung kính cha mẹ, anh em, dòng họ; đem những gì có được của nhà mình ra bố thí. Này Tỳ-kheo, có hai pháp này, sẽ sinh vào nhà hào tộc.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này."

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có nữ bà-la-môn tên Tu-thâm đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hy-la. Đến nơi rồi, bà đảnh lễ sát chân, sau đó ngồi qua một bên. Khi ấy nữ bà-la-môn kia bạch Câu-hy-la rằng:

“Uất-đầu-lam-phất,[127] A-la-lam[128] không được hóa độ ở trong pháp sâu này, rồi mạng chung. Thế Tôn thọ ký cho hai người này rằng: ‘ Một người sinh vào Vô sở hữu xứ,[129] một người sinh vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ.[130] Hai người này sau khi thọ mạng ở đó hết, lại mạng chung. Một người sẽ làm quốc vương nơi biên địa, sát hại nhân dân không thể kể xiết. Một người sẽ làm chồn ác có cánh, các loài thú hoặc bay, hoặc chạy nhảy đều không thoát được nó. Sau khi chúng mạng chung sẽ sinh vào trong địa ngục.’ Nhưng Thế Tôn lại không thọ ký cho họ lúc nào sẽ tận cùng biên tế khổ. Cớ sao Thế Tôn không thọ ký cho họ tận cùng biên tế khổ?”

Bấy giờ, Tôn giả Câu-hy-la bảo nữ nhân Tu-thâm:

“Sở dĩ Thế Tôn không [595b01] thọ ký là do vì không có người hỏi về nghĩa này, cho nên Thế Tôn không thọ ký họ lúc nào sẽ hết biên tế khổ.”

Nữ nhân Tu-thâm thưa:

“Bây giờ, Như Lai đã vào Niết-bàn, cho nên không hỏi được. Nếu Ngài còn tại thế, con sẽ đến hỏi nghĩa này. Vậy, nay Tôn giả Câu-hy-la nói cho con biết lúc nào họ sẽ hết biên tế khổ?”

Bấy giờ, Tôn giả Câu-hy-la liền nói kệ này:

Các loại quả không đồng,
Hướng chúng sanh cũng vậy.
Người tự giác, giác tha,
Đây, tôi không biện thuyết.
Biện Thiền trí giải thoát,
Nhớ đời trước, thiên nhãn;
Hay dứt nguồn gốc khổ,
Đây, tôi không biện thuyết.
Lúc đó, nữ nhân Tu-thâm liền nói kệ này:
Thiện Thệ có trí này,
Chất trực không tì vết;
Dõng mãnh, đã chiến thắng,
Cầu nơi hạnh Đại thừa.
Lúc này Tôn giả Câu-hy-la lại nói kệ này:
Ý này thật khó được,
Hay được pháp yếu khác;
Khó mà biện thuyết nổi,
Đối với sự kỳ diệu.

Bấy giờ, Tôn giả nói đầy đủ pháp yếu cho nữ nhân Tu-thâm kia, khiến phát tâm hoan hỷ. Nữ nhân kia rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, rồi thối lui ra về.

Nữ nhân Tu-thâm sau khi nghe những gì Tôn giả Câu-hy-la dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9[131]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Tôn giả Ma-ha Ca-giá-diên[132] hướng dẫn chúng năm trăm đại Tỳ-kheo, du hành đến bên cạnh hồ sâu, nước Bà-na.[133] Bấy giờ, Tôn giả Ca-giá-diên đang nổi tiếng khắp nơi. Có một Tôn giả trưởng lão Bà-la-môn Gian-trà[134] cũng đang du hóa ở đây. Bà-la-môn nghe sau khi nghe tin Tôn giả Ca-giá-diên hướng dẫn năm trăm Tỳ-kheo đang du hóa bên cạnh hồ này, bèn nghĩ: “Tôn giả trưởng lão công đức đầy đủ, nay ta nên đến thăm hỏi người này.”

Bấy giờ, Thượng Sắc Bà-la-môn[135] dẫn theo năm trăm đệ tử đến chỗ Tôn giả Ca-giá-diên, cùng chào hỏi, rồi ngồi qua một bên. Bà-la-môn hỏi Tôn giả Ca-giá-diên:

“Như sở hành của Ca-giá-diên, thì đấy không phải là pháp luật. Tỳ-kheo niên thiếu mà không chịu làm lễ các vị cao đức Bà-la-môn chúng tôi!”

Ca-giá-diên nói:

“Bà-la-môn nên biết, Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác chúng tôi nói về hai địa này. Hai địa gì? Một là địa vị già cả; hai là địa vị trai tráng.”[136]

Bà-la-môn hỏi:

“Sao gọi là địa vị già cả? Sao gọi là vị trai tráng?”

Ca-giá-diên nói:

“Giả sử Bà-la-môn ở vào tuổi tám mươi, hay chín mươi, nhưng người kia không đình chỉ dâm dục, tạo các ác hành, Bà-la-môn đó tuy gọi là già cả, song hiện đang ở vào địa vị trai tráng.”

Bà-la-môn hỏi:

“Sao gọi là tuổi trai tráng ở vào địa vị già cả?”

Ca-giá-diên nói:

“Bà-la-môn, nếu có Tỳ-kheo tuy ở vào tuổi hai mươi, hay ba mươi, bốn mươi, năm mươi, nhưng không tập hành dâm dục, cũng không tạo ác hành. Đó gọi là, này Bà-la-môn, tuổi trai tráng ở vào địa vị già cả.”

Bà-la-môn hỏi:

“Trong đại chúng này có một Tỳ-kheo nào không hành dâm dục, không tạo ác hành không?”

Ca-giá-diên nói:

“Trong đại chúng của tôi không có một Tỳ-kheo nào tập hành dục và tạo ác cả.”

Lúc ấy, bà-la-môn từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ sát chân các Tỳ-kheo và nói lời này:

“Nay, các ông tuổi niên thiếu ở vào vị già cả, còn tôi tuổi già cả ở vào vị niên thiếu!”

Sau đó bà-la-môn kia trở lại chỗ Ca-giá-diên, đảnh lễ sát chân rồi tự trình bày:

“Nay, con xin quy y Tôn giả Ca-giá-diên cùng Tỳ-kheo Tăng, suốt đời không sát sinh.”

Ca-giá-diên nói:

“Nay ông chớ quy y tôi, mà ông nên hướng về chỗ tôi đã quy y.”

Bà-la-môn hỏi:

“Tôn giả Ca-giá-diên đã quy y ai?”

Tôn giả Ca-giá-diên liền quỳ hướng về chỗ Như Lai đã Bát-niết-bàn, nói: “Có người con dòng họ Thích xuất gia học đạo. Tôi hằng quy y Ngài. Vậy, Người đó tức là Thầy tôi.”

Bà-la-môn thưa:

“Sa-môn Cù-đàm này hiện đang ở chỗ nào? Nay tôi muốn gặp Ngài.”

Ca-giá-diên nói:

“Như Lai của tôi đã vào Niết-bàn rồi!”

Bà-la-môn thưa:

“Nếu Như Lai còn ở tại thế, thì dù trăm nghìn do tuần con cũng đến thăm hỏi Ngài. Như Lai kia tuy đã vào Niết-bàn, nhưng nay con một lần nữa quy y, làm lễ Phật, Pháp cùng Thánh chúng, suốt đời không tái phạm sát sinh.”

Thượng Sắc Bà-la-môn sau khi nghe những gì Tôn giả Ca-giá-diên dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ. [596a01] Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có hai hạng người xuất hiện thế gian, rất khó gặp được. Hai hạng người ấy là ai? Người hay thuyết pháp xuất hiện ở thế gian, thật là khó gặp được; người hay nghe pháp, thọ trì phụng hành, thật là khó gặp được. Tỳ-kheo, đó là hai hạng người xuất hiện thế gian, thật khó gặp được.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học thuyết pháp. Hãy học nghe pháp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này."

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 11

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật du hóa tại nước Ma-kiệt, lần hồi đến thành Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Ngài cùng với năm trăm chúng đại Tỳ-kheo đang ở trong vườn Am-bà-bà-lợi[137] phía bắc thành Tỳ-xá-ly.

Lúc này, nữ Am-bà-bà-lợi[138] nghe Thế Tôn cùng năm trăm đại Tỳ-kheo đến ở trong vườn, cô liền thắng xe có gắn lông chim[139] ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, đến ngã đường hẹp là đến chỗ Thế Tôn, cô tự xuống xe, đến chỗ Phật. Bấy giờ, từ xa Thế Tôn trông thấy người nữ kia đến, liền bảo các Tỳ-kheo:

“Tất cả hãy chuyên tinh, chớ sinh tà niệm.”

Lúc ấy, người nữ đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Rồi Phật nói cho cô nghe pháp cực kỳ vi diệu. Sau khi nghe pháp vi diệu, cô bạch Phật rằng:

“Cúi xin Thế Tôn cùng Tỳ-kheo Tăng nhận lời mời của con.”

Thế Tôn im lặng nhận lời mời. Cô thấy Thế Tôn đã im lặng nhận lời mời rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, rồi thối lui ra về.

Bấy giờ, nam nữ lớn nhỏ trong thành Tỳ-xá-ly nghe tin Thế Tôn cùng năm trăm chúng đại Tỳ-kheo đang ở trong vườn Am-bà-bà-lợi. Lúc ấy, trong thành có năm trăm[140] đồng tử đi các loại xe có gắn lông chim*; trong đó hoặc có người đi xe trắng thì ngựa trắng, áo, dù, lọng, người theo hầu đều cùng trắng; đi xe đỏ thì ngựa đỏ, áo, dù, lọng, người theo hầu đều cùng đỏ; đi xe xanh thì ngựa xanh, áo, dù, lọng, người theo hầu đều cùng xanh; đi xe vàng thì ngựa vàng, áo, dù, lọng, người theo hầu đều cùng vàng. Cử chỉ, ăn mặc như vương pháp.[141] Họ ra khỏi thành, đến chỗ Thế Tôn. Chưa đến nơi, giữa đường họ gặp người nữ kia đang dong xe đánh bò[142] chạy hướng về trong thành. Khi ấy các đồng tử hỏi người nữ:

“Cô gái này, thật đáng xấu hổ! Sao lại [596b01] đánh bò dong xe, chạy hướng về trong thành?”[143]

Cô đáp:

“Các Hiền giả nên biết, ngày mai tôi có thỉnh Phật cùng Tỳ-kheo Tăng, cho nên mới đánh xe vậy!”

Các đồng tử nói:

“Chúng tôi cũng muốn mời Phật cùng Tỳ-kheo Tăng thọ trai. Bây giờ cho cô một nghìn lạng vàng ròng, hãy nhường cái hẹn cúng dường cơm ngày mai lại cho chúng tôi.”

Người nữ đáp:

“Thôi đi, thôi đi, quý công tử! Tôi không chịu đâu!”

Các đồng tử lại nói:

“Cho cô hai nghìn lượng, ba nghìn, bốn nghìn, năm nghìn, … cho đến trăm nghìn lượng, chịu hay không chịu, ngày mai nhường cúng dường cơm cho Phật cùng Tỳ-kheo Tăng lại cho chúng tôi?”

Người nữ đáp:

“Tôi không chịu đâu. Vì sao vậy? Vì Thế Tôn thường dạy: ‘Có hai hy vọng mà người đời không thể lìa bỏ. Thế nào là hai? Hy vọng tài lợi, hy vọng mạng sống’. Ai có thể bảo đảm cho tôi đến ngày mai? Vì tôi đã thỉnh Như Lai trước, nên nay sẽ phải chuẩn bị đầy đủ.”

Các đồng tử vung tay lên nói:

“Chúng ta bao nhiêu người mà không bằng một cô gái!”

Nói như vậy rồi họ bỏ cô mà đi.

Bấy giờ, các đồng tử đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ, rồi đứng qua một bên. Khi Thế Tôn thấy các đồng tử đến, bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo các ngươi, hãy nhìn cử chỉ, phục sức của các đồng tử này, giống như khi Thiên đế Thích đi dạo chơi, không có gì sai khác.”

Rồi Thế Tôn nói với các đồng tử:

“Thế gian có hai việc thật bất khả đắc. Thế nào là hai? Người có đền đáp, và người tạo ân nhỏ luôn không quên, huống chi là lớn. Này các đồng tử đó gọi là có hai việc thật bất khả đắc. Đồng tử nên biết hãy nhớ đền đáp, cũng như biết ân nhỏ không quên, huống chi là lớn.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Tri ân, biết đền đáp,
Luôn nhớ người dạy dỗ;
Người trí được kính hầu,
Tiếng khen khắp trời người.

“Như vậy, các đồng tử, hãy học điều này.”

Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp vi diệu đầy đủ cho các đồng tử. Sau khi nghe xong, họ từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi thối lui ra về.

Ngay trong đêm hôm đó, cô gái sửa soạn các thứ đồ ăn thức uống ngon ngọt, trải các tọa cụ. Sáng sớm đến bạch:

“Đã đến giờ, nay đã đúng lúc, nguyện xin Thế Tôn hạ cố đến tệ xá.”

Bấy giờ, Thế Tôn đắp y ôm bát, dẫn các Tỳ-kheo vây quanh trước sau đến nhà người nữ trong thành Tỳ-xá-ly.

Khi cô thấy Thế Tôn đã an toạ, liền tự tay dâng thức ăn lên Phật [596c01] cùng Tỳ-kheo Tăng. Cúng dường thức ăn cho Phật và Tỳ-kheo Tăng rồi, cô đi lấy nước sạch, sau đó lấy ghế chạm vàng nhỏ đặt ngồi trước Thế Tôn. Khi ấy cô bạch Thế Tôn:

“Vườn Am-bà-bà-lợi này, con dâng lên Như Lai và Tỳ-kheo Tăng, để cho chúng Tăng quá khứ, hiện tại, tương lai được dừng nghỉ nơi đây. Nguyện xin Thế Tôn nhận vườn này.”

Thế Tôn vì người nữ kia, nên nhận vườn này. Thế Tôn bèn nói lời chú nguyện này:

Thí vườn trái, mát mẻ;
Làm cầu đò đưa người;
Gần đường làm cầu xí,
Nhân dân được nghỉ ngơi.
Ngày đêm được an ổn,
Phước kia không thể kể;
Các giới pháp thành tựu,
Chết chắc sinh lên trời.

Thế Tôn sau khi nói những lời này xong, liền đứng dậy ra về. Người nữ bấy giờ nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Đoạn ái, cùng sư tử,
Vô trí, ít của cải;
Nhà nghèo, nữ Tu-thâm,
Ca-chiên, thuyết pháp, nữ.[144]

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567