Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 9: Thọ Học Vô Học Nhân Ký

06/05/201318:59(Xem: 9504)
Phẩm 9: Thọ Học Vô Học Nhân Ký

Pháp Hoa Kinh

Phẩm 9: Thọ Học Vô Học Nhân Ký

Pháp sư Thích Từ Thông

Nguồn: Thâm Nghĩa Đề Cương (Giáo án Cao Cấp Phật Học)

Lúc bấy giờ A Nan và La hầu La nghĩ thầm: "Nếu mỗi chúng ta đều được thọ ký thì sung sướng biết bao". Hai vị liền đến trước Phật làm lễ, bạch rằnt: "Chúng con nghĩ cũng có phần được thọ ký, vì bao giờ cũng quy hướng về Như Lai. Lại chúng con là người quen biết của tất cả trời, người và A-tu-la trong thế gian. A Nan là người hầu và hộ trì tạng pháp, còn La Hầu La là con của Phật, nếu hai chúng con được thọ ký thì nguyện của chúng con sẽ mãn mà chỗ trông mong của chúng con cũng được đầy đủ".

Hai ngàn đệ tử Thanh Văn, bậc hữu học và vô học cũng đứng dậy lễ Phật, chấp tay chiêm ngưỡng dung nhan Thế Tôn, tỏ ý cùng một sở niệm với A Nan và La Hầu La.

Phật bảo A Nan: "Đời sau, ngươi sẽ được làm Phật hiệu là Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai...Ngươi sẽ cúng dường 62 ức Phật, hộ trì tạng pháp, rồi sau được Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác giáo hóa 20 ngàn muôn ức hằng hà sa Bồ tát...khiến những Bồ tát ấy thành tựu đạo Bồ đề.

Nước của Phật Sơn Hải Huệ tên là Thường Lập Thắng Phan, thanh tịnh đất bằng lưu ly. Kiếp của Phật tên Diệu Âm Biến Mãn, thọ mạng của Phật vô lượng và mười phương Như Lai đồng ca ngợi công đức của Phật.

Nói xong, Thế Tôn đọc một bài kệ lập lại nghĩa trên.

Lúc bấy giờ, 8.000 Bồ tát mới phát tâm, đều nghĩ: "Chúng ta chưa nghe các vị Bồ tát lớn được thọ ký như thế, cớ sao mà các Thanh Văn lại được như vậy".

Đức Phật biết tâm niệm ấy, bèn bảo rằng: "Nầy các thiện nam tử, ấy vì ở nơi Phật Không Vương, ta và A Nan đã đồng thời phát tâm cầu sự giác ngộ vô thượng. A Nan thường ưa học rộng, còn ta thì siêng cần tinh tấn, cho nên ta đã được Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, còn A Nan thì theo bản nguyện, hộ trì pháp ta và trong tương lai, tiếp tục hộ trì pháp tạng của Chư Phật, để giáo hóa thành tựu chư Bồ tát. Bổn nguyện của ông như thế nên đặng thọ ký dường ấy".

Lòng rất vui mừng, A Nan tức thời nhớ lại tạng pháp của vô lượng ngàn muôn ức Phật thuở quá khứ, luôn cả lời nguyện của mình.

Bấy giờ Phật bảo La Hầu La: "Đời sau ngươi sẽ đặng làm Phật hiệu là Đạo Thất Bảo Hoa Như Lai. Ngươi sẽ cúng dường chư Phật Như Lai đông như vi trần trong mười thế giới và thường vì các đức Phật mà làm trưởng tử như hiện nay".

Đức Phật Đạo Thất Bảo Hoa đó, cõi nước trang nghiêm, kiếp số thọ mạng, giáo hóa đệ tử, chánh pháp và tượng pháp cũng đồng như Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai không khác. Ngươi sẽ làm trưởng tử cho Phật Sơn Hải Huệ, rồi về sau sẽ được Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Thế Tôn lập lại nghĩa trên bằng một bài kệ....

Thấy các bậc hữu học, vô học 2.000 người ý căn nhu nhuyễn, tịch nhiên thanh tịnh, một lòng nhìn Phật, Phật bèn nói với A Nan: "Tất cả những người ấy sẽ cúng dường chư Phật Như Lai đông như vi trần trong 50 thế giới, cung kính hộ trì pháp tạng, rốt sau đồng thời, ở các nước trong mười phương, mỗi mỗi đều được thành Phật, đồng một hiệu là Bảo Tướng Như Lai, sống lâu một kiếp, cõi nước trang nghiêm, số đệ tử Thanh Văn, Bồ tát và thời gian chánh pháp, tượng pháp thảy đều đồng nhau.

Lúc đó, các hàng hữu học, vô học nghe đức Phật thọ ký, vui mùng hớn hở như được rưới cam lồ.

THÂM NGHĨA



Thọ ký cho tất cả những người hữu học và vô học đều được thành Phật là một hình thức khác, nhằm nói lên cái chân lý: "Tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật". Chân lý đó được Bồ tát Thường Bất Khinh pháp hiện từ vô lượng đời kiếp trước được Phật nhắc lại ở phẩm hai mươi sau. Bồ tát Thường Bất Khinh xa xưa nhờ quán triệt chân lý này mà thành Phật. Phật là hiện thân của chân lý, nói rằng Phật thọ ký, kỳ thật là nói ra cái chân lý hiển nhiên ấy, vậy thôi.

Hữu học, vô học là ai ?

Vô học là những người đã không bị ràng buộc vướng mắc bởi những nghiệp nhơn phiền não trong ba cõi, không còn khiếp sợ và đau khổ bởi vô thường, lão, bệnh trong vòng sanh tử luân hồi, ưu bi khổ não.Họ "xuất ly tam giới" được quả A La Hớn.

Hữu học là những người còn chịu sự chi phối của hạt giống hữu lậu của nghiệp nhơn nhiễm ô của ba cõi. Đó là những người Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm và A Na Hàm quả.

Hàng hữu học và vô học có đến 2.000 người, Phật thọ ký cho tất cả đều được thành Phật và đồng một hiệu là Bảo Tướng Như Lai đủ mười đức hiệu. Về bình đẳng môn thì như thế. Ai cũng có khả năng thành Phật, có quyền hưởng thụ thành quả giải thoát giác ngộ do công lao tu tập rèn luyện của mình. Nhưng về sai biệt môn thì rõ ràng nhân nào quả nấy. Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Không có tâm trạng "ngồi chờ sung rơi!..." trong toàn bộ giáo điển của Phật.

Hai nghìn Thanh Văn hữu học, vô học được thọ ký thành Phật sau nầy có điều kiện. Phải cúng dường các Như Lai nhiều như số vi trần trong 50 thế giới nghiền ra. Và phải thọ trì pháp tạng, nghĩa là phải lãnh thọ, hành trì kho tàng chánh pháp. Xã hội quan của Phật giáo cách đây những mấy ngàn năm. Vậy mà tư tưởng Phật giáo và đạo đức của xã hội "không chấp nhận chế độ ngồi mát ăn bát vàng". Phải ra sức làm việc mới có ngày quang vinh, gia tư mới sung mãn chứ!

Ở đây có hai vấn đề cần được đặt ra:

Một, là số chư Phật nhiều như số vi trần của 50 thế giới nghiền ra. Tìm đâu cho ra đủ số Phật như thế để cúng dường ? Ngõ hầu được thành Phật ?

Hai, là vấn đề tuổi thọ của Như Lai. Lấy tuổi thọ của Như Lai nào làm tiêu chuẩn để có thể lượng định thời gian, để hy vọng và ước mơ ngày công viên quả mãn thành Phật của mình? Chắc chắn là bế tắc. Dù thầy toán hay bậc thầy của thầy toán cũng không giải đáp được.

Vấn đề đó phải được hiểu: Như Lai là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm là cái Tâm Như Lai vốn có của tất cả chúng sanh.

Tâm Như Lai nầy có hai mặt: Thể và Dụng. Thể của nó thì bất biến. Dụng của nó lại tùy duyên. Thể ví như nước. Dụng như bọt bóng sóng mòi...Sóng mòi bọt bóng nghìn sai muôn khác, những điều kiện (duyên) khuấy động hết thì, tất cả là một thể nước lặng trong. Chúng sanh mê muội, thì tùy nghiệp duyên trôi lặn trong sáu nẻo luân hồi, nhưng nếu giác ngộ thì là Như Lai Phật. Đó là lúc "trở về" cái bản vị "bất biến" của mình.

Do vậy, cúng dường chư Phật nhiều đời, cúng dường chư Phật thật đông có nghĩa là ta phải vun bồi "cung cấp, dưỡng nuôi" cái giác tánh tràn đầy mầu nhiệm, tùy duyên bất biến của ta một cách thường xuyên liên tục ở mọi chốn nơi, mọi hoàn cảnh trong đời sống của ta. Khởi một niệm lành là cúng dường một Phật. Thể hiện một hành động của thân, của miệng, của ý có tánh cách lợi lạc chúng sanh, vị tha vô ngã, có chất liệu giải thoát giác ngộ là cúng dường Phật. Cúng dưnờg như thế là ở đâu cũng có Phật để cho ta cúng dường. Và muốn cúng dường bao nhiêu cũng có đủ số Phật để chứng minh lòng thành kính của ta. Đó là điều kiện để thành Phật đó. Bậc hữu học, vô học trong nhóm 2.000 người làm việc ấy, tất cả Phật tử chúng ta cũng có thể thực hiện sự cúng dường như vậy và kết quả đảm bảo như nhau. Chớ cúng Phật "ngoại" cảnh mà mong đem lại giác ngộ giải thoát "nội" tâm thì làm sao có được việc đó ? Vả lại, theo giáo lý nhà Phật, không có một ông Phật nào ban cho bất cứ ai về cái quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Phải học và hành theo nhà bác học, mới có khả năng và có ngày trở thành nhà bác học. Lạy, cung cấp bạc vàng, vật dụng cho nhà bác học để cầu xin được bác học, điều đó không phải việc của người trí làm.

Học và hành là hai yếu tố không thể thiếu của người tu Phật. Học ví như đôi mắt. Hành ví như đôi chân. Chân khỏe có thể đi xa, đi bền nhưng nếu mắt tối thì khó đạt mục tiêu muốn đến. Ngược lại, mắt sáng thấy suốt rộng xa, nhưng không đi thì cái đích muốn đến không bao giờ thành tựu.

Phật cùng ông A Nan đồng phát tâm Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ở thời Phật Không Vương. Nhưng Phật chú trọng hành (tinh tấn) cho nên Phật đã thành Phật. Còn ông A Nan thiên về học rông đa văn cho nên giờ hãy còn hộ trì pháp Phật và được Phật thọ ký.

Ông A Nan sẽ thành Phật hiệu Sơn Hải Huệ Tự Tại, nói rõ cái đạo lý:

"Gieo hạt gì thu hoạch quả ấy".

Là Phật tử chúng ta hãy chính chắn nghĩ suy!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567