Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kỷ Niệm 300 Năm Phật Giáo Gia Định-Sài Gòn

23/04/201319:19(Xem: 12519)
Kỷ Niệm 300 Năm Phật Giáo Gia Định-Sài Gòn
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Kỷ Niệm 300 Năm Phật Giáo Gia Định-Sài Gòn

Sa môn Thích Thông Bửu


I. KHÁI QUÁT VỀ CHỦ ĐỀ KỶ NIỆM 300 NĂM PHẬT GIÁO (PG) GIA ĐỊNH - SÀI GÒN 

Trước 300 năm, vùng này rải rác một vài sắc dân sống theo tục lệ du canh du cư, dựa trên sông Đồng - sông Cửu, và cũng chính nhờ nhân tố này mà các thương thuyền từ miền Trung Việt Nam dừng chân buôn bán với thổ dân. Đất đai phì nhiêu, khí hậu mát mẻ, nước ngọt, rau ngon đã khiến những người dân nước ngoài lần lượt đến đây lập nghiệp và họ trở thành nông dân, hoặc vợ trông nom nông trại, chồng kiêm cả thương lẫn nông.

Cũng thuở ấy ở Trung Hoa, nhà Thanh thắng nhà Minh. Quan trường nhà Minh, một số không chịu đầu hàng, họ giong thuyền tỵ nạn, tìm nơi đất lành tạm trú để chờ dấy nghiệp "phản Thanh, phục Minh". Họ chạy sang phía Việt Nam, dựa theo sông Đồng - sông Cửu, họ gặp người Việt Nam và một số sắc dân an cư lạc nghiệp ở đây, nên họ nhập vào cùng ăn cùng ở cùng làm. Lúc bấy giờ chưa có nền hành chánh. Quan trọng trong số quan tướng nhà Minh có 3 vị: Thượng tướng Trần Thượng Xuyên, ở Biên Hòa (vùng Cù lao Phố), sau dời về vùng bến Lê Quang Liêm (Chợ Lớn bây giờ). Vị thứ nhì là quan văn Mạc Cửu, ở tại Hà Tiên, và thứ ba là quan văn Dương Ngạn Địch, ở vùng Mỹ Tho. Sau đó người nhà ám sát Dương Ngạn Địch, gây nội chiến. Cùng lúc, lại có giặc Xiêm La (Thái Lan) xua quân đánh phá vùng này. Triều đình vua nhà Nguyễn cử quân dẹp loạn. Khi an bình, nhà Nguyễn lập nền hành chánh tại đây. Từ đây, vùng này được mang tên Gia Định và sau đó dần dần có tên Nam Kỳ lục tỉnh. Tất cả các quy thức chính trị, quân sự, hành chánh, xã hội, văn hóa... đều rập khuôn theo triều đình nhà Nguyễn (Tham khảo tài liệu Việt Nam nhất thốngchí và sử liệu của học giả Trần văn Giàu và thi phẩm Từng giọt ma ni).

Lúc bấy giờ về tôn giáo thì có Nho - Thích - Lão; nhưng Nho và Lão có lẽ còn lẻ loi, nên dấu vết văn hóa chẳng còn bao nhiêu. Các cơ sở của PG, chùa tháp đã hiện hữu trong nền văn hóa và tín ngưỡng dân chúng đa số. Nhưng khi Pháp chiếm Việt Nam thì Nam Kỳ lục tỉnh bị nhượng cho Pháp và nửa phần đất Gia Định bị cắt cống hiến đứt cho Pháp một nửa. Từ đây mới có hai chữ Sài Gòn (mà người Hoa gọi là Tây Cống). Vì quyết tâm Tây hóa phần đất Sài Gòn, nên người Pháp đã dỡ phá rất nhiều ngôi chùa, đập nhiều ngôi tháp ở vùng này. Tuy vậy nay vẫn còn nhiều ngôi chùa "đại già lam" với tầm vóc kiến thiết quy mô, nên nay được liệt kê vào nơi văn hóa lịch sử.

Chứng tích những ngôi chùa bị Pháp dỡ, điển hình nhất là pho tượng Phật bằng gỗ của chùa Phước Tường, hiện nay vẫn còn tại Viện Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh (Thảo cầm viên).

Đạo Phật tại Việt Nam, vào thời kỳ Pháp đô hộ, không chỉ riêng ở Nam Kỳ lục tỉnh (miền Nam Việt Nam), hoặc ở riêng Sài Gòn là bị đập tháp, dỡ chùa, phá bỏ tượng Phật, mà cả nước cũng đều chung số phận. Thảm khốc hơn hết là mất tự do tín ngưỡng. Đây mới chính là điều nghiệt ngã nhất của người Việt Nam. Ngày 6-8-1950, người Pháp mật lệnh cho Quốc trưởng Bảo Đại ban hành đạo Dụ số 10, tinh thần đạo Dụ là triệt hạ tôn giáo. Riêng chỉ có đạo Thiên Chúa được công nhận là tôn giáo duy nhất mà thôi. Các đạo khác, nhất là PG, một tôn giáo chiếm đa số dân chúng và đã hiện diện lâu đời ở đất nước này thì lại bị đạo Dụ số 10 hạ xuống ngang hàng là một hiệp hội, như hiệp hội đua ngựa, hiệp hội đá gà... Nhiều người Việt Nam có tín ngưỡng PG vẫn hoài tưởng Pháp, là vì họ chưa hiểu được dã tâm tiêu diệt PG Việt Nam, qua đạo Dụ số 10 của thực dân Pháp. Chẳng những riêng đối với PG, mà cả dân tộc Việt Nam, người Pháp đã áp dụng đúng chính sách "thực dân". Chữ "thực" ở đây là trồng dân, chứ không phải là ăn - thực dân là trồng dân. Ai vô dân Tây - nhận theo quốc tịch Pháp thì được ưu tiên, nhất là đồng tín ngưỡng như người Pháp.

Vua nhà Trần dâng công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành, được vua Chiêm đáp nghĩa hai châu Ô, Lý và phong công chúa Huyền Trân lên ngôi Hoàng hậu Chiêm bang; vua nhà Nguyễn cắt nửa phần đất Gia Định, cống hiến cho vua nước Pháp. Vua Pháp chẳng những không đáp nghĩa, mà còn đập phá đền miếu, chùa tháp của dân tộc Việt Nam.

Người Pháp thuở đó còn có cái bệnh "được chân lân đầu". Khi được đất, được người lại muốn làm cha, làm cố, làm ông, làm bà người Việt Nam. "Mẫu quốc Pháp vạn tuế". Từ các công sở, tư sở cho đến nơi tín ngưỡng, đâu đâu cũng bắt người Việt Nam xưng mình là ông cha ông cố, ông Tây, bà đầm... dù ông Tây bà đầm ấy tuổi chỉ đáng cháu con! Người Pháp đã áp dụng chính sách cai trị hà khắc hơn bất cứ thời đại nào trong lịch sử Việt Nam bị xâm lược. Người dân Việt Nam bần cùng khốn khổ, hơn bất cứ thời kỳ nào. Nhất là những người Việt Nam có tín ngưỡng Phật giáo, rất thấm thía rằng chưa từng thấy lúc nào bị khinh miệt, bị ngược đãi, bị "kỳ thị tôn giáo" như thời kỳ được mẫu quốc Pháp bảo hộ. Bị chửi mắng "mẹc xà lù", đá đít, bạt tai... tù đày, thủ tiêu... Con chó bị xéo đến đường cùng, nó còn tự vệ, tức là bảo tồn lẽ sống, huống gì con người, mà lại là con người có ngót năm ngàn năm lập quốc và đã từng chiến thắng vẻ vang biết bao lượt xâm lược hung hãn bạo tàn.

Tức nước vỡ bờ, toàn dân không phân biệt đạo - đời, hướng theo tiếng gọi giành độc lập từ vườn hoa Ba Đình, ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945. Tất cả đều đứng dậy, giành độc lập, dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm kết thúc bằng những trận đánh uy hùng khắp nơi, cao điểm nhất là trận Điện Biên Phủ. Việt Nam bắt buộc chính quyền Pháp và nước Pháp phải đầu hàng. Pháp vẫn chưa buông tay, lại tiếp tục sang nhượng Việt Nam cho Mỹ. Mỹ thay Pháp, đưa vị cựu Thượng thơ Ngô Đình Diệm lên địa vị Thủ tướng, sau đó lên Tổng thống Việt Nam Cộng hòa - từ Bến Hải đến Cà Mau.

Việc làm đầu tiên của người Mỹ tại Việt Nam là xóa Hiệp định Genève về hòa bình Việt Nam. Mỹ cho Ngô triều ban hành nhiều sắc luật và đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật, đặc biệt nhất là việc duy trì đạo Dụ số 10 của Pháp, để tiếp tục tiêu diệt PG. Những Mỹ tinh vi hơn, biết cách sử dụng Phật tử để tiêu diệt PG. Như trường hợp dùng Nguyễn Văn Đẳng - tỉnh trưởng Thừa Thiên-Huế và Thiếu tá Đặng Sĩ là Phật tử, sử dụng xe tăng Mỹ cán chất 6 em Phật tử tại Huế. Tại Phú Yên chôn sống 47 Phật tử chung ba hầm, trong lúc đó vị tỉnh trưởng Phú Yên lại là một Phật tử... Khắp nơi, từ Cà Mau đến Bến Hải, nơi nào PG đồ cũng bị đàn áp dã man. Công chức, tướng lãnh, sĩ quan, quân nhân nào có lý tưởng tôn thờ đạo Phật thì bị đày đến các vùng tử địa. Tăng Ni Phật tử bị thủ tiêu, bị bắt bớ, tù đày, tra tấn dã man. Tại Huế, ba ngôi chùa lớn, trụ sở Trung ương của Tổng hội PG bị phong tỏa (nội bất xuất, ngoại bất nhập), cúp điện, cúp nước. Nói chung, đâu đâu cũng phủ trùm một màn tang thương, vận mạng PG đặt trong tình trạng "hấp hối". Phong trào đấu tranh của toàn dân, nhất là Mặt trận Giải phóng cũng đang gặp nhiều gian nan, bởi quốc sách ấp chiến lược của Ngô triều.

Trong lúc đạo pháp và dân tộc lâm nguy thì vùng đất Gia Định-Sài Gòn lại bừng lên khí thế đấu tranh. Đấu tranh để giành sự sống. Buổi lễ cầu siêu lần thứ 4, từ chùa Phật Bửu (đường Cao Thắng) đến chùa Xá Lợi (đường Bà Huyện Thanh Quan) của hàng ngàn Tăng Ni Phật tử đã đổi thành cuộc diễu hành. Ngay trong cuộc diễu hành quy mô này, đất Gia Định-Sài Gòn có một ngài Hòa thượng, bước ra chuyển cuộc diễu hành thành cuộc biểu tình bất bạo động. Đoàn biểu tình đi đến ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, liền đổi thế hàng dọc, thành hình vòng tròn hoa sen. Y áo Tăng Ni màu vàng, nên hình vòng tròn như một bông sen vàng. Ngài Hòa thượng Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quán Thế Âm, Phú Nhuận, thuộc tỉnh Gia Định; Ngài rời đoàn biểu tình, bước ra ngồi giữa vòng tròn như một gương sen, giữa đóa sen vàng. Ngài tẩm xăng vào người và chính tay châm lửa tự thiêu thân mình, để cứu nguy dân tộc và đạo pháp. Lửa bốc cao phủ kín thân Ngài. Ngài vẫn ngồi vững yên 15 phút. Khi Ngài nằm xuống, tay vẫn còn kiết ấn cam lộ.


II. QUẢ TIM BẤT DIỆT VÀ NGÔ TRIỀU

Ngày trưa hôm ấy, ngày 20-4 nhuần Quí Mão (Dương lịch là 11 tháng 6 năm 1963). Đài Phát thanh Sài Gòn truyền thanh lời Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông có vẻ xúc động đối với việc tự thiêu của ngài Thích Quảng Đức. Nhưng em dâu của Tổng thống là bà vợ ông Cố vấn Ngô Đình Nhu - thì ngược lại.

Cùng ngày hôm ấy, giả thân của ngài Thích Quảng Đức đem về quàn tại chùa Xá Lợi, sau một tuần lễ mới di quan đến lò thiêu An dưỡngng địa (Phú Lâm) làm lễ trà tỳ. Hàng triệu người uất nghẹn lặng lẽ tiễn đưa. Suốt tám tiếng đồng hồ với lửa nung ngàn độ mà quả tim vẫn không cháy. Nung lại một lần nữa - cũng không cháy. Ngay chiều hôm ấy, nguồn tin QUẢ TIM BẤT DIỆT được truyền đi khắp năm châu. Ngô triều bối rối, cấp tốc mở phiên họp gia tộc, bàn thảo kế hoạåch ngăn chặn lợi thế đấu tranh của PG, qua ảnh hưởng quả tim bất diệt. Bác sĩ Trần Kim Tuyến - chúa trùm ngành tình báo của Ngô triều, lãnh sứ mệnh đi khám nghiệm quả tim tại chùa Xá Lợi, bác sĩ Tuyến về phúc trình rằng, ông đã đủ cách, nhưng không còn chất hóa học nào, kể cả a-xít cực mạnh, cũng chẳng thể làm hủy diệt được quả tim! Đúng là quả tim bất diệt! Bác sĩ Tuyến đề nghị Ngô triều nên "HÒA" với PG. Vợ chồng ông Cố vấn Ngô Đình Nhu không chấp nhận lời đề nghị của bác sĩ Tuyến. Thế là đêm 20-8-1963, chiến dịch "Nước lũ" tổng tấn công các chùa, bắt tất cả Tăng Ni. Điểm chính là chùa Xá Lợi, để cướp quả tim bất diệt của Bồ Tát Quảng Đức. Nhưng khi cướp được quả tim đem về, lúc ấy mới vỡ lẽ rằng họ đã thu chiến lợi phẩm là một quả tim giả bằng thạch cao!

Ngày 30-4-1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, quả tim bất diệt được Nhà nước Việt Nam giữ gìn và bảo quản cho đến ngày nay.

Lúc Hòa thượng Trí Thủ làm Chủ tịch Giáo hội PG Việt Nam, có đề nghị chúng tôi, hãy nhân danh trưởng tử Bồ Tát, làm đơn xin nhận lãnh quả tim về tôn thờ tại nơi di tích cuối cùng của Bồ Tát Quảng Đức, chờ khi nào Giáo hội có chùa thì giao lại cho Giáo hội! Chúng tôi ngại vì chưa xây được bảo tháp, nên không dám nhận lãnh bảo quản. Nay quả tim bất diệt vẫn được Nhà nước Việt Nam giữ gìn và bảo quản cẩn trọng, vì đây chẳng những là của quý bảo riêng PG và cũng chẳng phải riêng gì của Việt Nam, mà là của cả nhân loại và muôn loài.

Ngoài quả tim bất diệt, Bồ Tát Quảng Đức còn lưu lại hậu thế những vần thơ kệ, những huyết tâm thư, nhất là những lời dặn bảo huyền nhiệm nhập đời. Trích một đoạn thơ kệ của Ngài:

"Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình
"Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
"Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác
"Tro trắng phẳng san hố bất bình

Đúng vậy! Thân ngài làm đèn đã soi sáng nẻo vô minh và tro trắng của thân Ngài đã phẳng san hố bất bình - trước nhất là bình đẳng tôn giáo; chẳng những chỉ có thời đó, mà còn là nhu cầu cho mãi mãi ngàn sau, chẳng những quả đất, mà còn cho cả liên hành tinh. Ba ngàn thế giới đều được nhuần triêm.

(Cần tham khảo thêm chi tiết, xin đón xem tập Kỷ yếu kỷ niệm năm thứ 35 Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu và Chư Thánh tử đạo, do Tổ đình Quán Thế Âm biên soạn).

* * *

Trên phần đất Gia Định-Sài Gòn thuở xưa, giới Tăng tín đồ PG, nhất là các bậc chân tu, đã đóng góp tâm sức mình cùng hợåp với mọi giới, xây dựng và bảo vệ Việt Nam, trong đó có Gia Định-Sài Gòn. Cũng trên phần đất Gia Định-Sài Gòn, ngày nay giới Tăng tín đồ PG lại cũng đổ mồ hôi, nước mắt, lẫn tim tủy, kể cả xương máu của mình, để hợp sức đồng tâm với toàn dân cả nước bảo vệ quê hương. Đặc biệt là Bồ Tát Quảng Đức - đã lưu tâm trạng mình cho hàng đệ tử Gia Định-Sài Gòn bằng những dòng thơ kệ:

"Gia Định-Sài Gòn hỡi các con
"Năm mươi năm hạnh nguyện đã tròn...
"Những gì đáng độ Thầy đã độ
"Thầy tranh chánh pháp lúc mất còn!

Chăng riêng gì Bồ Tát Quảng Đức ở vùng đất Gia Định-Sài Gòn, mà còn biết bao Tăng Ni Phật tử đã hy sinh để bảo vệ Đạo pháp và Dân tộc:

* Đại đức Thích Thiện Mỹ (ngày 27-10-1963) đã tự thiêu tại Công trường Sài Gòn.
* Cũng trên đất Gia Định-Sài Gòn, Đại đức Thích Huệ Hồng tự thiêu tại đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), quận Ba.
* Thượng tọa Thích Thiện Lai, năm 1970 tự thiêu tại chùa Phổ Quang (Phú Nhuận - Gia Định) để cầu nguyện hòa bình.
* Đại đức Thích Thiện Ân, năm 1970 bị thảm sát tại Việt Nam Quốc tự - Sài Gòn.
* Đại đức Thích Thành Tuệ, bị bắt tại Gia Định-Sài Gòn, đày đi Côn Đảo và chết ở Côn Đảo.
* Đại đức Thích Nguyên Tài, năm 1964 mất tích tại Hóc Môn - Gia Định.
* Ni cô Thích nữ Huệ Lạc, năm 1967 tự thiêu để bảo vệ Hiến chương tại tỉnh Gia Định.

Ngoài chư Tăng Ni thì còn nhiều Phật tử tại Gia Định-Sài Gòn đã hy sinh để bảo vệ Đạo pháp và Dân tộc:

* Nữ sinh Quách Thị Trang (1963) biểu tình chống bạo quyền, bị thảm sát tại chợ Bến Thành!

Bồ tát Quảng Đức và các bậc tiền nhân đã lưu truyền bí pháp gì, lời dạy gì. Hay là ngày nay, các cấp lãnh đạo thế quyền lẫn giáo quyền có truyền dạy những phương pháp gì, những lời dạy gì cho đàn hậu tấn, cho lớp trẻ đang sống trên mảnh đất thân yêu. Trên quê hương Gia Định-Sài Gòn, nay là thành phố Hồ Chí Minh, để lớp người thừa kế đủ khả năng hầu dấn bước trên con đường xây dựng quê hương, hài hòa cùng nhân loại và muôn loài, chẳng những riêng quả địa cầu, mà cả liên hành tinh, cũng đều là tình huynh đệ.

Kỷ niệm những ngày qua và sẵn sàng cho những ngày đến, cả hai phải song hành!

Mùa Phật Đản 2542 năm Mậu Dần (1998)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]